Yên Tử và những câu hỏi mới

Đỗ Trung Lai |

Từ bé, đã nghe dân gian nói: “Lành như Bụt”, “Hiền như Bụt”. “Bụt” đã từng hiện lên, cho cô Tấm con bống để nuôi, rồi lại bày cách cho Tấm chôn xương bống sao cho thành áo, hài, ngựa, xe... “Bụt” vừa hiền, vừa giỏi, hay cứu giúp người tốt gặp nạn, răn hoặc diệt ác. “Bụt” đồng nghĩa với cái thiện. Vậy “Bụt” là gì? . 

Tiếng Phạn (Ấn Độ), Bouddha (Bồ Đà) có nghĩa là Phật, tiếng Hán gọi là Bô Đa hay Phật Đà; tiếng Việt mình gọi gọn, na ná, là “Bụt”. Vậy, đạo Phật vào Việt Nam từ bao giờ? Chắc chắn, ít nhất thì cũng từ khi trong từ vựng người Việt có từ Bụt.

Ta đã biết, đạo Phật vào Trung Hoa từ lâu, nhưng Phật giáo Trung Hoa từ trước đời Đường chưa có chân kinh, vì thế mà sau đó Đường Tam Tạng phải sang Tây Thiên lấy về. Trước Đường là Hán, trước Hán là Tần, trước Tần là Chiến Quốc, trước Chiến Quốc là Xuân Thu, trước nữa là Đông - Tây Chu... Phật giáo Trung Hoa lúc đó chưa hoàn chỉnh.

Nhà Đường cai trị Trung Hoa từ năm 618 đến năm 927 (309) năm, vậy Phật giáo ở Trung Hoa trở nên hoàn chỉnh vì có chân kinh, cách đây già 1.000 năm. Vào thời Bắc thuộc, người Trung Hoa đã mang Tam giáo sang ta, trong đó có Phật giáo.

Ở Việt Nam, cùng với Nho giáo, Phật giáo đã có đất tốt để phát triển. Chẳng thế mà đến đời Lý (thế kỷ 11-12), đạo Phật đã trở thành quốc đạo, chỉ sau khi Trung Hoa có chân kinh vài trăm năm.

Tưởng rằng cứ thế là xong - con đường lớn - cỗ xe lớn (Đại Thừa) và con đường nhỏ - cỗ xe nhỏ (Tiểu Thừa) của Phật giáo đã có cả rồi, cứ thế mà đi, còn tìm tòi gì nữa!

Nhưng không! Có một triều đại, có một ông vua không bằng lòng chỉ đi trên con đường có sẵn. Triều đại ấy là triều Trần. Ông vua ấy là ông vua anh hùng Trần Nhân Tông (1258 - 1308).

Sau khi hai lần cùng quân dân Đại Việt dẹp xong giặc ngoại xâm Nguyên - Mông (1285 và 1287), thấm thía sâu sắc giá trị vĩ đại của tình đoàn kết, cố kết toàn dân và nhận thấy đạo Phật có rất nhiều điểm tốt để xây dựng tình đoàn kết ấy. Nó là cơ sở tinh thần của đạo đức xã hội lúc bấy giờ. Trần Nhân Tông đã rời bỏ bệ ngọc ngai vàng, vinh hoa phú quý, mỹ nữ cung tần, về Yên Tử, xuất gia tu hành. Và, không phải là xuất gia bình thường, nhà vua đã khai sinh ra đạo Phật dân tộc, dưới cái tên “Thiền phái Trúc Lâm”. Đó là pháp phái thiền tông mang bản sắc Đại Việt.

Lần đầu tiên, chúng ta có được một pháp phái Phật giáo, nội địa hóa từ hệ thống giáo lý đến cung cách xuất - xử, để tự hào, bởi sự trưởng thành trong quá trình hình thành và phát triển các giá trị tinh thần độc lập của dân tộc. Đó là vào năm 1299, khi nhà vua lấy pháp danh là Hương Vân đầu đà, đạo hiệu là Trúc Lâm đại sĩ và được trường phái Yên Tử suy tôn là Điều Ngự giác hoàng (Vị hoàng đế giác ngộ đạo Phật). Còn dân gian thì gọi Trần Nhân Tông là “Vua Bụt” - “Vua Phật”.

Đến nay, “Thiền phái Trúc Lâm” đã trên 700 tuổi. Yên Tử cũng đã hơn 700 năm trở thành kinh đô của Phật giáo dân tộc. Chính vì thế, Yên Tử là địa danh lịch sử - văn hóa độc nhất vô nhị, trong vai trò là biểu tượng của tinh thần Đại Việt mà cha ông truyền lại cho con cháu ngày nay.

Dọc lộ tham quan Yên Tử có 10 ngôi chùa: Bí Thượng, Suối Tắm, Cầm Thực, Lân, Giải Oan, Hoa Yên, Vân Tiêu, Đồng, Một Mái, Bảo Sái; có am Hoa, am Diên, am Dược, am Ngộ Ngữ; có 9 suối, 3 thác (Ngự Dội, Bạc, Vàng); có đường tùng; có tượng An Kỳ Sinh; có hàng trăm tháp mộ, bi ký, di tích nhỏ khác, có cả một thảm thực vật nhiệt đới đặc trưng của vùng Đông Bắc, đặc biệt là các loài cây núi đá với cơ man nào là trúc - trúc mai, trúc Phật bà, trúc se điếu, trúc cần câu, trúc xanh, trúc vàng, trúc lùn và những cây họ sú, vẹt...

Cộng với yếu tố núi non hùng vĩ, hiểm yếu, Yên Tử đang là nơi chiêm bái của hàng chục, hàng trăm vạn người mỗi năm.

Làm thế nào để Yên Tử không bị biến thành nơi cúng bái cầu xin tầm thường? Làm thế nào để việc khai thác du lịch không đối nghịch với việc giữ gìn, tu bổ, tôn tạo các di tích nơi đây? Làm thế nào để thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ ở đây không bị “bóc dần” đi theo bước chân vô tình của du khách? Dễ hỏi mà khó trả lời lắm thay!

Gần đây, để phục vụ khách du lịch ngày càng đông, để khai thác tối đa khả năng kinh tế du lịch, rất nhiều thứ đã chịu ảnh hưởng xấu - bị xâm hại và bị đe dọa xâm hại. Con đường kê đá mà thiền phái Yên Tử, thiền phái Trúc Lâm để lại, đã “bị” mở rộng một cách thiếu suy nghĩ, bị mất dần hình hài cũ, làm hư hại nền móng di tích, làm nhiều cây tùng đã đổ và chết - mà đây là những cây tùng trên 700 tuổi, được Phật giáo Ấn Độ tặng và được “Vua Phật” cùng đệ tử trồng vào buổi ban đầu của thiền phái Trúc Lâm. Ngay nhiều cây còn sống cũng bị trơ gốc vì xói lở! Lại còn cáp treo nữa, lại còn đem cả “Trúc Lâm Đà Lạt” cấy thêm vào đó nữa!...

Yên Tử là một trong hai trung tâm Phật giáo lớn nhất và sớm nhất ở nước ta (Dâu và Yên Tử). Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại xây dựng Phật viện lớn nhất Việt Nam ở Sóc Sơn - tranh chấp không gian với Thánh Gióng, một trong “tứ bất tử” của chúng ta - mà không phải là xây ở Dâu hoặc Yên Tử, một trong hai “Phật địa” linh thiêng nhất nước ta?

Phải coi việc gìn giữ di sản với toàn bộ không gian/môi cảnh của nó là vấn đề quan trọng, là vấn đề cấp thiết trước hết, rồi mới tính đến chuyện khai thác nó ở khía cạnh kinh tế du lịch. Đó mới là kế lâu dài.

Mùa thu, nhân đây tôi cũng xin tặng độc giả một bài thơ nhỏ:

THU, VÀO CHƠI YÊN TỬ

Sớm, vào chơi Yên Tử

Chiều, chưa đành dời chân

Hỏi ai người lục thức

Hỏi ai người lục căn

Hỏi ai người hiếu tử

Hỏi ai người minh quân

Hỏi ai người nghiêm phụ

Hỏi ai người thiền nhân

Hỏi ai là thi sĩ

Hỏi ai ngang thánh thần

Không người, đành hỏi gió

Gió thổi vào Trúc Lâm.

Đỗ Trung Lai
TIN LIÊN QUAN

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.