Mường So - quê hương Xòe Thái
Huyền sử của người Thái vùng Tây Bắc kể rằng, vào khoảng thế kỷ X, vị tù trưởng ở vùng Mường Lò (thuộc địa phận tỉnh Yên Bái ngày nay) là Lạc Trượng dẫn dân đến vùng Mường So (thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu ngày nay) để khai hoang, lập bản. Tương truyền, chính vùng đất mới này là nơi khởi thủy của những điệu xòe nổi tiếng của người Thái vùng Tây Bắc.
Nguyên thủy, xòe chỉ là điệu múa của trai bản và gái mường nắm tay nhau kết thành vòng tròn rồi nhảy theo nhịp. Nhạc cụ đệm cho xòe là đàn tính tẩu kết hợp với trống, nhị, chiêng và thanh la.
Trước ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), cả vùng đồng bào Thái ở xứ Mường So nằm dưới sự cai trị của vua Thái Đèo Văn Ân. Đèo Văn Ân là ông vua đa tình và rất yêu Xòe Thái, nên vùng Mường So có hàng trăm đội gái xòe và những lễ hội xòe thường được tổ chức từ ngày này đến tháng khác. Vào những dịp diễn ra lễ hội xòe, trai gái các bản mường người Thái tụ hội về bên bờ sông Nậm Na bắt chuyện làm quen múa xòe, rồi cùng nhau uống rượu ngô thơm lừng. Tiếng hát gọi bạn, tiếng tính tẩu réo rắt dưới ánh lửa bập bùng tạo nên những đêm xòe Tây Bắc đầy mộng mị.
Đến những năm đầu thế kỷ XX, từ một vũ điệu dân dã, xòe đã trở thành “vũ điệu cung đình” phục vụ các vị tù trưởng vùng Tây Bắc. Theo cố nghệ nhân Lò Thị Phẹ, người con gái xòe cuối cùng còn sống trong đội xòe của vua Đèo Văn Ân khi xưa cho biết, đội xòe xứ Mường So trước những năm giải phóng Điện Biên Phủ đã theo chân người Pháp sang tận Pari biểu diễn xòe hoa, xòe nón, xòe khăn, xòe hoa ban... làm mê hoặc người phương Tây.
Ngày nay, xòe đã phát triển cực thịnh và trở thành “tài sản” chung của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Xòe trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, của những ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc vẫn thường diễn ra hàng năm ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái...
“Tiệc xòe” mùa Xuân
Ở Tây Bắc ngày nay có 4 vùng người Thái cư trú đông đúc đó là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La). Và đây cũng chính là những vùng có các đội xòe nổi tiếng nhất vùng Tây Bắc.
Về Mường Than (Lai Châu) vào mùa xuân, mùa của những lễ hội đặc sắc của người Thái, du khách như được chìm đắm vào không gian ngất ngây của những điệu xòe chiêng.
Mở đầu hội xòe chiêng là tiếng tính tẩu véo von hòa nhịp cùng tiếng cười của gái mường gần, trai bản xa nô nức kéo về. Tiếng chiêng, tiếng trống thúc giục như mời gọi du khách vào hội. Những lúc ấy, không phân biệt là người Thái, người Mông hay Dao... Tất cả cùng nắm chặt tay nhau kết thành những vòng xòe múa nhịp nhàng uyển chuyển theo tiếng nhạc dập dìu. Lớp xòe trong, vòng xòe ngoài lấp lánh ánh cúc bạc áo cóm (trang phục truyền thống của người Thái) nhịp nhàng vây quanh đống lửa, nhìn từ xa như đoá hoa ban khổng lồ bung cánh khoe sắc giữa núi rừng.
Xem hội xòe chiêng, du khách được chứng kiến các cô gái xứ Mường Than trình diễn 36 điệu xòe cổ. Trong đó có những điệu xòe nổi tiếng làm nghiêng ngã núi rừng Tây Bắc như: Xòe hoa, xòe vòng, xòe nón, xòe quạt, xòe khăn...
Ngày nay, người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) còn thành lập cả những đội xòe để phục vụ khách du lịch. Ví như ở bản Lác, bản Pom Coọng là hai bản du lịch cộng đồng có tới gần 10 đội xòe.
Chị Vì Thị Tuyết, một thành viên trong đội xòe bản Lác tâm sự: “Với người Thái chúng em, xòe không cần phải dạy, lớn lên tự khắc biết xòe”. Nói rồi chị Tuyết hát cho chúng tôi nghe câu dân ca của người Thái: “Không xoè không vui, không xoè cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi...”.
Đêm ở bản Lác lành lạnh, bảng lảng hơi sương. Bỗng đâu có tiếng trống chiêng, tính tẩu vang lên dập dìu. Thì ra hôm nay nhà anh Vi Văn Thanh đón khách đến vui xòe. Đoàn khách hơn 30 người đến từ nhiều nước như Pháp, Nga, Trung Quốc.
Đêm ấy “tiệc xòe” diễn ra ngay dưới sân nhà sàn. Các cô gái trong đội xòe bản Lác uyển chuyển trong bộ áo cóm trình diễn những điệu xòe làm ngây ngất những người lữ khách phương xa. Đêm càng về khuya, các cô gái Thái cùng du khách, tay trong tay ngả nghiêng theo điệu xòe, chếnh choáng trong men say rượu cần và cả cái men say của tình người nơi miền sơn cước.
Trong đời sống của người Thái, xòe được trình diễn phổ biến trong hầu hết các hoạt động văn hóa, từ những cuộc vui nhỏ của gia đình như lễ mừng nhà mới, đám cưới, đám hỏi cho đến những lễ hội lớn của bản làng.
17h15 ngày 15.12 (giờ Việt Nam), trong Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Paris, Pháp, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.