World Cup 2018: Nhật ký người hâm mộ

đỗ trung lai |

BẢNG A VÀ BẢNG B

25.6: Uruguay - Nga (3-0), Saudi Arabia - Ai Cập (2-1).

Mới tới phút 37, Nga đã bị dẫn 2 bàn và bị đuổi một người! Rõ ràng là Nga đã nhập cuộc rất dở trong một trận cầu mà họ chỉ cần hòa. Họ cũng chủ tâm cất người và giữ chân cho vòng sau. Không nghiêm trọng! Đá thiếu người, họ càng có cơ hội thao luyện nghệ thuật phòng thủ - phản công, thứ nghệ thuật mà chắc chắn họ rất cần trong trận sau, dù gặp Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.

Tất nhiên, để thua 0-3, sở đoản Nga đã lộ rõ. Còn có lẽ cũng do hai trận đầu giòn giã mà người Nga tỏ ra thiếu thận trọng khi đối đầu Uruguay, đội từng 2 lần VĐTG, lại tinh quái bậc nhất nghiệp túc cầu chăng?

Ở trận đấu cùng giờ, Ai Cập còn dở hơn. Dẫn trước rồi bị đến 2 quả penalty và thua ngược Saudi Arabia 1-2! Ai Cập, rõ không phải là Liverpool và một mình Salah, dù có lành lặn, cũng không thể nào xây lại kim tự tháp Kê-ốp được! Buồn tuyệt đối cho các Pharaon! Vậy có thơ tặng tuyển Nga rằng:

Ra mà xem “chú gấu” Nga,

No mồi, đi giữa tai-ga, lặc lè!

Suarez, Cavani...

Tặng cho ba phát đạn chì ngang tai!

May mà còn có ngày mai,

Rủ nhau đem vuốt ra mài lại đi!

26.6: Iran - Bồ Đào Nha (1-1), Tây Ban Nha – Morocco (2-2).

Họ đều biết rằng Nga đã xuống thứ nhì Bảng A và nếu đá play off gặp Nga, thì dù sao cũng vẫn dễ chịu hơn gặp Uruguay, nên cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều muốn lên đầu bảng. Riêng với Tây Ban Nha, việc nhìn Bồ Đào Nha nâng vương miện EURO 2016 thật đã chẳng vui vẻ gì! Danh dự xứ Iberia, xưa nay vốn không đủ dùng cho cả hai.

Nhưng người tính không bằng trời tính! Bồ Đào Nha dẫn trước 1-0, Ronaldo lại còn được đá phạt đền, nhưng... đá hỏng! Phía Iran, Ansarifard đã không bỏ lỡ quả penalty của mình, 1-1! Và, cuối trận, nếu cú sút của Taremi không chệch cột dọc trong gang tấc, người đi tiếp sẽ là Iran chứ không phải là Bồ. Trọng tài cũng đã nhẹ tay với cú giật chỏ của Ronaldo.

Ở trận còn lại, Tây Ban Nha cũng rất cực! Hai ngôi sao của họ - Iniesta và Ramos - sơ sẩy, để Marocco dẫn trước 1-0, may mà họ có Isco, đón đường trả ngược “đái công chuộc tội” của Iniesta, gỡ hòa 1-1. Rồi Marocco lại dẫn 2-1 trước hàng thủ danh tiếng nhưng hớ hênh của đối thủ. May mà ở giây cuối, Aspas đánh gót gỡ 2-2, Tây Ban Nha lại... lên đầu bảng!

Trớ trêu thay, 2 kẻ rất thấp về thứ hạng lại làm cho 2 “ông kẹ” Châu Âu xoay như chong chóng. Có lẽ họ, từ đầu, đã quá tôn trọng hai “ông kẹ” này và chỉ khi ở thế chân tường, họ mới “giải phóng” hết tiềm năng. “Đời sau” có thơ kể rằng:

Ngày xưa hai kẻ “áo dài”,

Bị dân “áo ngắn” cho dài mặt ra!

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,

Rủ nhau chơi những trận hòa... như thua!

Iran và Marocco,

Năm nay đáng được tung hô ba lần!

BẢNG C VÀ BẢNG D

26.6: Đan Mạch – Pháp (0-0), Australia – Peru (0-2).

Trước loạt trận cuối vòng bảng, Pháp 6 điểm, Đan Mạch 4 điểm, Australia 1 điểm và Peru 0 điểm. Do đó, phe vô tư thì chờ xem một trận hay, xem Đan Mạch có soán ngôi đầu của Pháp không. Cuối cùng, phe thực tế đã đúng. Trận Pháp - Đan Mạch là trận hòa 0-0 duy nhất và cũng là trận tẻ nhạt nhất giải cho đến lúc ấy! Hai đội đã biến trận còn lại thành trận thủ tục! Peru hạ Australia 2-0 chả để làm gì! Cho nên “đời sau” mới có thơ cho Pháp:

Thời Platini, Zidane

Pháp chơi như ngự lâm quân kiêu hùng

Bây giờ lính giỏi, quân đông

Sao chưa thấy Pháp xung phong bao giờ

Náu mình xay bột gột hồ

Hay là cũng chỉ nhờ nhờ thế thôi?

27.6: Iceland – Croatia (0-2), Nigeria – Argentina (1-2).

Nỗi lo Croatia “buông” Iceland đã được gạt bỏ. “Đội hình 2” của họ hạ Viking 2-0 để toàn thắng cả 3 trận! Argentina chỉ còn phải lo về chính mình thôi. Nigeria, như mọi đội bóng phải gặp Argentina, việc đầu tiên cần làm là cô lập - vô hiệu Messi. Trẻ, khỏe, nhanh, mạnh, họ đã làm được việc đó trong hầu hết trận đấu. Nhưng chỉ hở ra một phút, Messi đưa Argentina dẫn 1-0!

Được yêu cầu cao nhất, bị nghi ngờ, bị xét nét, bị đòi hỏi, bị chê là thiếu tố chất thủ lĩnh, thậm chí bị bình phẩm rằng, từ khi râu đẹp thì không còn đá với niềm vui nữa; bị dồn ép cùng cực vì kết quả hai trận đầu, bị thường xuyên so sánh thiên tài của mình với những kẻ lọc lõi và huênh hoang bậc nhất, bị đồn là “cừu đen” nổi loạn..., Messi đã không gục ngã.

Anh cắn răng, chấp nhận gánh cả số phận Argentina trên đôi vai nhỏ nhắn nhưng vô song của mình. Cú ghi bàn mở điểm đột phá, tiếng reo lần thứ hai khi anh bay lên ăn mừng trên vai Rojo lúc cầu thủ này ghi bàn thắng quyết định, những bước chạy như kiệt sức cuối trận và kể cả chiếc thẻ vàng phòng ngự mà anh không muốn, cho thấy phẩm chất vĩ đại của một cầu thủ song toàn.

Argentina đã vượt cửa tử! Messi đã vượt cả trăm bài test của “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”! Peterburg sẽ không bao giờ quên anh. Maradona bảo: “Messi không cần vô địch World Cup mới trở nên vĩ đại”. Thế giới cũng nên nghĩ như vậy. “Đời sau” làm thơ kể về Messi rằng:

Ngày xưa ở Peterburg

Có kẻ xé bùa, phá cửa âm cung

Thiên tài tất phải lao lung

Đường trần ai trải hoa hồng cho ai

Nghiệp trần gánh nặng hai vai

Thiên thần náu ở hình hài Messi!

BẢNG F VÀ BẢNG E

27.6: Mexico - Thụy Điển (0-3), Hàn Quốc - Đức (2-0).

Cứ tưởng sau khi thoát chết dưới lưỡi gươm Thụy Điển trong cực độ ngặt nghèo, Đức sẽ hồi sinh, nhưng không phải! Ozil đã cạn bầu sáng tạo, Kroos và Reus chỉ le lói sáng thôi. Muller, Khedira, Gomez cùn mòn... Đã “chết” thật rồi, một nhà vô địch!

Một thế hệ đã hết “tuyết”! Giải trước còn hạ Brazil 7-1, giờ thua từ Mexico đến Hàn Quốc! Không còn gì để bào chữa nữa, Loew! Tất nhiên, với ý chí, tài tổ chức và truyền thống bóng đá vĩ đại của mình, Đức sẽ nhanh chóng phục hồi danh tiếng bằng những dòng máu mới, nhưng trước hết, họ cần thành thực thừa nhận sự thật hôm nay. Người Hàn đã lập nên kỳ tích! Nhưng trên đường dài, họ cần tìm thêm lối đá cho mình khi gặp các cao thủ. Nếu không, thắng ai thì rồi cũng lại sẽ dừng.

Kỳ lạ nhất là Thụy Điển! Từ khi không còn Ibrahimovic, họ hạ cả Italia ở vòng loại và bây giờ, lên đầu bảng, dõng dạc tiến vào vòng play off! Bóng đá là một trò chơi tập thể, có lẽ Thụy Điển là đội minh chứng rõ nhất điều đó. Mexico, với “tài nguyên” bóng đá có hạn nhưng ở giải này, họ thật đáng khen và họ cũng đã cảm ơn người Hàn. Đời nay có thơ cho Đức:

“Nhà vua” vừa bị truất ngôi

Bởi người Trung Mỹ với người Á châu

“Xe tăng” khi đã cạn dầu

Đâu cần phải gặp sông sâu, đầm lầy

Không may mà cũng không hay

Người đâu để tiếng, hổ này để da!

28.6: Serbia – Brazil (0-2), Thụy Sĩ - Costa Rica (2-2).

Đằng nào thì Brazil vẫn là... Brazil! Sau vài chệch choạc để bị nghi ngờ chút ít ở trận đầu gặp Thụy Sĩ, họ hạ Costa Rica và Serbia cùng với tỉ số 2-0. Neymar chưa là vua phá lưới nhưng tầm ảnh hưởng lên lối chơi của cả đội là không thể chối cãi. Anh vẫn là một trong những cây đàn tài tử gọi dậy niềm hứng khởi trong lòng người hâm mộ.

Thụy Sĩ không đặc sắc nhưng chắc chắn. Serbia thì như đã nói, “có quân cờ tốt trong tay” nhưng lại “không có người biết chơi hay ván cờ”! HLV của họ chắc là ít trí tưởng tượng. Cho nên mới có thơ rằng:

Serbia, Costa Rica

Đã thành “Thượng đế ra ga đợi tàu”

Samba tìm lại nhiệm mầu

Đồng hồ tích tắc canh thâu cùng người

Cổ kim, trong mọi cuộc chơi

Dám chơi mới được, hết vơi lại đầy!

BẢNG H VÀ BẢNG G

28.6: Nhật Bản - Ba Lan (0-1), Senegal – Colombia (0-1).

Lần đầu tiên FIFA đưa “chỉ số Fair-play” vào bảng xếp hạng và Nhật Bản đã hưởng lợi! Rõ rồi! Nhưng cũng phải kể đến pha cứu thua không tưởng của thủ môn Nhật Bản Kawashima. Chính nó giúp duy trì hiệu số thắng - thua của Nhật bằng với Senegal tới phút cuối. Sau hiệp 1 cân bằng, hiệp 2 phải được coi là hiệp đấu của Ba Lan.

Thắng 1- 0 đã đành, họ như vừa lột xác và trở nên nhanh, mạnh, hứng khởi hơn nhiều - một chút bóng dáng xưa của “Đại bàng trắng trên sông Vistuyne” đã quay về. Thế là Châu Á hơn Châu Phi khi có được 1 đội vào vòng play off! Vậy có thơ tặng cho Nhật Bản, cho châu Á:

Người Hàn thì hạ “xe tăng”

Người Nhật thắng bởi có bằng Fair-play

Sân banh vừa rộng vừa dài

Cũng không hổ với anh tài bốn phương.

Cũng đừng quên Senegal. Chẳng trận nào có họ mà buồn. Họ dường như rất hạnh phúc khi chơi bóng. Sung mãn về thể lực, nhanh như gió, đường bóng nào cũng căng. Nhưng có lẽ chính vì sự hồn nhiên của một người coi chơi bóng là một hạnh phúc là họ, mà sự chặt chẽ về chiến thuật không được coi trọng như một kỷ luật và họ sớm phải rời cuộc chơi. Tuy vậy, chắc cả thế giới đều yêu mến họ. Vậy thơ tặng riêng cho Senegal viết rằng:

Có người đến tự Châu Phi

Vào chơi World Cup như đi hội làng

Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng

Gặp ai cũng muốn “mở hàng” cho vui

Trời ơi! Thời ấy qua rồi

Người này trụ được giữa đời này sao?

29.6: Anh - Bỉ (0-1), Panama – Tunisia (1-2).

Cả hai đều tung đội hình dự bị vào sân, vì cả hai đều đang có 6 điểm và đã chắc suất vòng sau. Anh chơi bóng dài và bóng biên để tận dụng tốc độ của Vardy và Rasford. Bỉ đa dạng và giàu kỹ thuật hơn. Đây là một trận đấu mở, xem cũng vui mắt dù không có tính sống còn. Bàn thắng duy nhất của Januzaj thật đẹp! Lẽ ra Bỉ còn có thể ăn vài bàn nữa khi số cơ hội nguy hiểm của họ nhiều gấp 3 lần Anh. Trận còn lại, Tunidia thắng Panama 1-0 chỉ là trận thủ tục. Có thơ cho tuyển Anh rằng:

Thắng Tunisia, Panama

Thử vàng trước Bỉ mới là thử than

Dở “tiếp đạn”, dở ghi bàn

Một ngày vắng mặt chàng Kane đã sầu

Nếu còn ôm mộng vào sâu

Người Anh sớm phải đau đầu mới xong.

VÒNG 16 ĐỘI

30.6: Pháp - Argentina (4-3).

Ngay sau tiếng còi khai cuộc, Pháp, với đầy đủ hảo thủ để có thể nói như Kovacic nói về Croatia: “Mọi vị trí của chúng ta đều hơn Argentina, trừ Messi”, lập tức tạo thế áp đảo. Xếp Giroud đá cao nhất trong sơ đồ 4-2-3-1 nhưng thực ra Pháp đá bằng ba mũi công – với cả Mbappe và Griezmann - rõ ràng, họ không đánh giá cao hàng thủ Argentina.

Rất sớm, Mbappe, với tốc độ của một “tên lửa hành trình”, đã làm khổ hàng thủ đối phương và đem về một quả 11m! Griezmann biến nó thành bàn thắng, 1-0 cho Pháp. Tưởng Argentina lại vỡ vụn như ở trận gặp Croatia thì cuối hiệp 1, từ trong lép vế - bế tắc, “Thiên thần” Angel Di Maria tung cú trái chết chóc vào góc thành Pháp, 1-1.

Rồi đột ngột, Messi đi bóng và sút giữa rừng cầu thủ cả hai đội, bóng đập chân Mercado vào thành, đưa Argentina dẫn 2-1. Những tưởng thiên đường lại mở cho xứ Tango thì Pavard và Mbappe lên tiếng, lật ngược số phận Messi, 4-2 cho Pháp.

Cú mu lai má của Pavard đẹp nhất từ đầu giải! Messi cố chống lại số phận một lần nữa, chuyền như đặt cho Aguero gỡ 3-4. Nhưng... thời gian của thiên tài nhỏ bé đã hết!

Pháp đi tiếp. Messi có lẽ sẽ không còn xuất hiện ở một World Cup nào nữa. Sao thiên tài luôn phải cô đơn thế nhỉ? Giá như quanh anh đừng tầm thường như vậy! Mbappe có lẽ sẽ là nhân vật chính của túc cầu thế giới từ ngày này. “Đời sau” có thơ rằng:

Ngự lâm quân thực đây chăng

Sao như thấy Đác-ta-nhăng trở về?

Mbappe, Mbappe

Đi 3 đường kiếm xanh lè trời Nga

Argentina, Argentina

Sức cùng lực kiệt cũng ra 3 đòn

Trời không tựa, chân đã chồn

Messi vẫn để dấu son thiên tài!

1.7: Uruguay - Bồ Đào Nha (2-1).

Thất bại trong cuộc tranh ngôi đầu bảng với Tây Ban Nha khiến Bồ phải đối đầu với một Uruguay luôn khó nhằn xưa nay. Đã thế, trận này Suarez cùng Cavani đá như lên đồng và hàng thủ của họ thì chỉ sai lầm có một lần. Ở bàn thắng thứ nhất, Cavani lật cánh cho Suarez như lật qua Đại Tây Dương, rồi từ bờ bên kia, Suarez lật bóng trở lại đúng tầm đầu đối tác, 1-0 cho Uruguay.

Bồ gỡ 1-1 bằng cái đầu của Pepe sau giờ nghỉ, nhưng cú cứa lòng góc xa hiểm hóc mà Cavani đáp trả là một tuyệt phẩm và Bồ, với “chàng điệu”, “chàng vờ”, dù đầy tài và năng lượng, dừng bước! Ronaldo buồn nhưng chắc cũng tự an ủi: “Đến Messi còn bại nữa là mình!”. Phải, thời của họ đã qua ở sân chơi World Cup! Số phận “nợ họ” một lần vô địch. “Đời sau” có thơ rằng:

Đúng là trời có cao sâu

“Mạt cưa, mướp đắng” gặp nhau lần này

Bồ Đào Nha – Uruguay

Tay già lại đụng phải ngay tay già

Thẻ vàng buông tựa sao sa

Đừng so tiểu xảo cùng ta làm gì!

Suarez, Cavani

“Lạ gì rừng biển, thiếu gì gió trăng”

Nếu cần, ta biết dùng răng

Đôi trò “rang lạc” có nhằm nhò chi!

Tây Ban Nha - Nga: (hòa 1-1 sau 120 phút, Nga thắng 4-2 sau loạt luân lưu).

Nga thủ, Tây Ban Nha công, tất nhiên là thế. Kiểm soát bóng gần gấp 3 lần Nga nhưng suốt hiệp 1, Tây Ban Nha không có một cơ hội nào. Chỉ khi Ramos tạo xảo khiến Ignasevic phản lưới, Tây Ban Nha mới dẫn 1-0. Nhưng rồi Pique, lại Pique, để bóng chạm tay khi tranh chấp với Dzyuba và chính trung phong cao 1,96m này sút thành công quả penalty, cân bằng tỷ số 1-1.

Hiệp sau, Tây Ban Nha tung cả Iniesta, Koke, Aspas vào sân tạo áp đảo. Nga đối mặt với hiểm nguy bằng cách hoàn thiện nghệ thuật phòng thủ, quyết kéo Tây Ban Nha đến trò cò quay may rủi. Họ đã thành công! Akinfeev hóa người hùng khi đẩy được 2 cú luân lưu. Biết mình biết người và nhẫn nhục đến lỳ lợm với bộ thần kinh thép, Nga đã làm nên lịch sử. “TASS được quyền công bố”:

“Động đất” ở Mat-xcơ-va

Sân banh sụt xuống, Tây Ban Nha chìm dần

“Gấu Nga” xung trận 4 lần

3 lần “tiễn khách” rời sân, ra tầu!

Rồi thong thả bước lên lầu

Sửa sang binh giáp, vòng sau tranh hùng

Thương thay “Bò tót” vận cùng

11 thước hóa muôn trùng quan san

Đương vui thì đứt dây đàn

Anh tài khuất bóng sau ngàn dâu xanh!

2.7: Croatia - Đan Mạch (1-1 sau 120 phút, Croati thắng 3-2 sau loạt luân lưu).

Về độ căng thẳng, không trận nào như trận này! Duyên do chính nằm ở những quả 11m! Từ phút thứ nhất, Đan Mạch đã dẫn 1-0. 3 phút sau, Mandzukic gỡ hòa 1-1. Sau đó là cuộc hành hạ dằng dặc về thể lực - thể hình của “Những chú lính chì” nhằm vào Croatia, nhất là nhằm vào Modric bé nhỏ!

Đan Mạch thoát dần ra khỏi lối đá kỹ thuật của đối thủ và buộc Croatia phải đá theo lối của mình. Croatia hiếm khi thi triển được sở trường. Hiệp 2 rồi 2 hiệp phụ, Croatia ngày càng bất lực và khi Modric sút hỏng penalty ở hiệp phụ thứ 2, tưởng như vé đã vào tay Đan Mạch, bởi danh tiếng của Schmeichel cao hơn Subasic lâu nay.

Nhưng kẻ sau chợt hóa anh hùng, Subasic đẩy được 3 quả 11m của Đan Mạch và giật lại chiếc vé cho Croatia! Ngàn cân chợt rời khỏi vai Modric và Croatia lại trở thành ứng viên vô địch, dù là từ... cõi hấp hối! “Đời sau” mới có thơ rằng:

Chàng Modric thiên thần

Chết đi sống lại dưới chân “lính chì”

Bankal tài khéo mọi bề

Suýt nữa mùa hè đã hóa mùa đông

“Luân lưu” sút đủ 5 vòng

Chàng Subasic lạnh lùng giải nguy

Hết rồi, chuyện của “lính chì”

Schmeichel biết kể gì nữa đây?

Brazil - Mexico (2-0):

Hiệp 1, Mexico trông như là ngang ngửa, thậm chí lấn lướt, Brazil. Nhưng thực ra không phải thế. Họ cùng lắm là bắt hàng hậu vệ Brazil làm việc chứ chưa hề buộc thủ môn đội này làm việc tý nào! Trong khi đó, Ochoa đã ít nhất 3 lần phải cản phá cứu nguy.

Hiệp 2, chỉ sau một cú giật gót, Neymar “lỉnh” vào vòng cấm đón lại đường chuyền của Willian và Brazil đã dẫn 1-0. Cuối hiệp, lại Neymar đi bóng, vẩy má ngoài cho Fermino vừa vào sân và anh này ghi bàn dễ như lấy đồ trong túi, 2-0! Cả trận, Mexico chỉ sút trúng khung thành Brazin có đúng... 1 lần. Mexico đã làm rất nhiều, rườm rà, cá nhân nhưng rất ít hiệu quả. Vậy mới có thơ rằng:

Mexico đá rất hăng

Nhưng toàn đội sút chưa bằng... Neymar

Lugano với Vela

Chỉ “gây khó dễ”, chả ra đòn nào

Mỗi khi cần đẳng cấp cao

Lại “gà mắc tóc”, không sao nhập thành!

Hôm qua trời đất yên bình

Tequila nhạt, vé dành Samba.

3.7: Bỉ - Nhật Bản (3-2):

Một thế trận đàng hoàng được người Nhật giăng ra trước “Quỷ đỏ”. Bình tĩnh, chặt chẽ, linh hoạt, họ bắt Bỉ phải chơi theo lối của mình - chơi gắn bó với bóng nhỏ và vừa - để cầm hòa 0-0 với một đội hình đầy sao.

Đầu hiệp 2, Nhật trừng phạt sự nửa vời của Bỉ bằng 2 bàn thắng trong vòng 4 phút. Haraguchi và Inui, một khôn ngoan, một mạnh mẽ, là tác giả của 2 bàn thắng đó. Nhưng Bỉ, từ đó bừng tỉnh, thay người, đẩy nhanh tốc độ, dùng bóng dài và bổng để buộc Nhật phải chơi kiểu Châu Âu. 2 bàn thắng bằng đầu của Vertongen và Fellaini cho thấy điều đó. Cuối trận, Chadli kết liễu các “Samurai xanh” bằng một cú cận thành, chấm hết cho Nhật! Vậy có thơ rằng:

Cầm vàng lại để vàng rơi

“Samurai xanh” đã phải rời nước Nga

Thật gần mà lại thật xa

Dẫn 2-0 trước, thế mà tay không

Để cho “Quỷ đỏ” ngược dòng

Xát 3 thúng muối vào lòng Phù Tang!

Đàn kêu tích tịch tình tang

Ai mang “Quỷ đỏ” dưới hang lên bờ?

Thụy Điển - Thụy Sĩ (1-0):

Sự tinh khéo của các thợ đồng hồ hóa ra cũng không nhiều! Họ không làm sao khoan thủng được bức tường vàng Thụy Điển, dù Xaquiri và Fernandez đã hết sức cố gắng ở hai cánh, hết đột nhập lại lật cánh đánh đầu.

Thụy Sĩ ít mảng miếng, thiếu “dụng cụ” và cuối cùng, bức tường kia đã cười nhạo họ bằng một chiến thắng tối thiểu, bằng một lối chơi đồng đội chặt chẽ, đầy sức mạnh dẫu không có một ngôi sao nào và chỉ kiểm soát bóng bằng một nửa đối thủ. Vào tứ kết, Thụy Điển đã làm được điều tưởng là không tưởng sau suốt 24 năm. Vậy có thơ rằng:

Một bầu trời chẳng trăng sao

Cũng không thở được, đón chào quý ông:

Hàn ngộp thở vì 1-0

Mexico những 3-0 cầm về

Đứng đầu bảng F đề huề

Nay “Đồng hồ” chết sau khi... ngạt dần!

Bắc Âu bấm bụng cười thầm

Nơi không thở được, không cần trăng sao.

4.7: Anh - Colombia (Hòa 1-1 sau 120 phút, Anh thắng 4-3 sau loạt luân lưu).

7 lần đá 11m gần nhất, người Anh thua 6 và họ tưởng đâu thảm cảnh lại trở lại.

Anh dẫn Colombia 1-0 cho tới phút 90+3. Mina lắc cái đầu, 1-1! Sau đó là 2 hiệp phụ nghẹt thở với một thúng thẻ vàng. Lẽ ra Colombia đã thắng nhưng lần này, trời cho quà Kane và đồng đội – họ sút hỏng 1 quả luân lưu còn đối thủ hỏng 2. Anh vượt dớp sau bao sợ hãi. Chính thủ môn Pickford đã họ vào vòng sau. Vậy có thơ rằng:

Bao ngày mơ giấc mơ hoa

Tưởng rằng đến phút 93 thì dừng

May lần này được trời thương

Cử ngay Pickford can trường giữ gôn

Hồn đi rồi, lại hoàn hồn

Lại mơ, lại đợi vận son theo về.

Thế là ta đã biết các cặp đấu tứ kết: Pháp - Uruguay, Brazil - Bỉ, Thụy Điển - Anh, Nga - Croatia.

đỗ trung lai
TIN LIÊN QUAN

Thất bại ở World Cup, Neymar cho biết rất khó để chơi bóng một lần nữa

MẠNH HÀO |

Bị loại khỏi World Cup vì thất bại trước Bỉ ở vòng tứ kết, tiền đạo của Brazil, Neymar thừa nhận anh sẽ gặp khó khăn để thi đấu một lần nữa.

5 điểm nhấn trong chiến thắng của tuyển Anh trước Thuỵ Điển

HOÀI ĐAN |

Tuyển Anh đã giành chiến thắng 2-0 trước Thuỵ Điển, qua đó giành vé vào bán kết World Cup 2018.

World Cup 2018: Nhật ký người hâm mộ

đỗ trung lai |

LTS: Vừa xem World Cup vừa làm thơ cũng là một thú vui hiếm có, xin giới thiệu tới độc giả một số vần thơ mang tính chất “tổng kết trận đấu” của nhà thơ Đỗ Trung Lai. 

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thất bại ở World Cup, Neymar cho biết rất khó để chơi bóng một lần nữa

MẠNH HÀO |

Bị loại khỏi World Cup vì thất bại trước Bỉ ở vòng tứ kết, tiền đạo của Brazil, Neymar thừa nhận anh sẽ gặp khó khăn để thi đấu một lần nữa.

5 điểm nhấn trong chiến thắng của tuyển Anh trước Thuỵ Điển

HOÀI ĐAN |

Tuyển Anh đã giành chiến thắng 2-0 trước Thuỵ Điển, qua đó giành vé vào bán kết World Cup 2018.

World Cup 2018: Nhật ký người hâm mộ

đỗ trung lai |

LTS: Vừa xem World Cup vừa làm thơ cũng là một thú vui hiếm có, xin giới thiệu tới độc giả một số vần thơ mang tính chất “tổng kết trận đấu” của nhà thơ Đỗ Trung Lai.