Vui buồn tiếng Việt

Phạm Xuân Nguyên (Hà Nội, thu đông 2021) |

Tiếng Việt có sự giàu và cái đẹp của nó, cũng như tiếng nước nào cũng vậy. Ca dao xưa có câu: “Nửa đêm giờ tý canh ba / Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi”. Vui đùa thôi, nhưng là cái vui của sự giàu có tiếng nói. Câu lục sáu tiếng đều là chỉ một khoảng khắc thời gian. Câu bát tám tiếng đều là chỉ một phái tính.

Tiếng Việt giàu và đẹp

Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay, thầy nói vui: Tiếng Việt có thể còn hạn chế về các từ chỉ những khái niệm trừu tượng, khái quát, nhưng lại rất giàu các sắc thái biểu hiện từ. Riêng một từ “đen” thôi nhé, nhưng mắt đen gọi là “mắt huyền”, răng đen là “răng hạt na”, quần đen của phụ nữ là “quần thâm”, ngựa đen là “ngựa ô”, chó đen là “chó mực”, đũa đen là “đũa mun”. Đấy là chưa kể các sắc độ của màu sắc nữa, ví như cũng là “đen” nhưng có biết bao loại: Đen nhánh, đen tuyền, đen kịt, đen thẫm, đen thui... Trò ngoại quốc nghe thế, kêu trời, bảo học tiếng Việt khó, khó quá.

Mà khó là phải. Một dịch giả nước ngoài dịch hai câu thơ của Nguyễn Khuyến “Rượu ngon không có bạn hiền / Không mua không phải không tiền không mua” thành ra “Fine wine, but no good friends / So I buy none though I have the money” thì chỉ còn là xác chữ, bởi tất cả tinh thần cảm xúc của câu thơ và của tác giả nằm ở năm chữ “không” của tiếng Việt đã không tải được qua tiếng Anh.

Bạn tôi kể, con bạn học câu của Lenin “học, học nữa, học mãi”, buột miệng nói “học, học nữa, học miết”, đổi “mãi” thành “miết”, ý nghĩa khác ngay, ý vị khác ngay, nghe rất thời sự. Mà câu đó người dịch nào đã khéo chuyển động từ учиться (học tập) được lặp lại ba lần trong bài viết của Lenin thành ba cấp độ khác nhau trong tiếng Việt.

Nhà văn Tô Hoài có một đoạn văn ngắn tả cảnh làng quê mùa đông với các sắc vàng khác nhau đọc lên thấy khoái mắt khoái tai khoái vị. Một đoạn văn đáng làm mẫu mực về tiếng Việt đẹp và giàu: “Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy trời có vàng hơn thường khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng sẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xõa như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng, như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vãy vãy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngần phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng dòn. Quanh đó, con gà con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác, cây lựu có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe dậu, lộ ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả, đượm một màu trù phú, đầm ấm lạ lùng”.

Nhà thơ Phạm Huy Thông (1916-1988) có dịch hai câu thơ của thi sĩ Anh Lord Byron thật tài tình trong tiếng Việt: Fare thee well! And, if for ever / Still, for ever fare the well! - Xin chia tay! Và nếu là mãi mãi / Thêm một lần, xin mãi mãi chia tay!

Tiếng Việt cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội vẫn theo kịp thời đại, vẫn tự biết làm giàu mình bằng những phương cách tạo từ, vay mượn, nhưng không đánh mất cái vốn có của mình. Tôi quý trọng và biết ơn vô cùng những bậc đi trước đã âm thầm làm việc ở nhà xuất bản Sự Thật bao nhiêu năm trời để dịch các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx - Lenin. Nói riêng về ngôn ngữ thôi, họ - những dịch giả thầm lặng không được đề tên vào bản dịch của mình, đã làm giàu có và phong phú tiếng Việt biết bao nhiêu khi chuyển sang tiếng Việt bộ Tư bản của Karl Marx, toàn tập Lenin 55 tập, và nhiều cuốn khác nữa. Cũng vậy, từ khi Nhà xuất bản Tri Thức thành lập, đã có thêm nhiều những bản dịch các sách kinh điển triết học, sử học, xã hội học... của nhân loại ra tiếng Việt, làm giàu thêm bao nhiêu cho tiếng Việt, cho đời sống tư tưởng và tinh thần Việt. Chỉ riêng các trước tác triết học của E. Kant được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn công phu kỳ khu dịch ra tiếng Việt đủ thấy tiếng nước ta không nghèo nàn đến mức không chuyển tải được các học thuyết tinh thần vĩ đại của thế giới. Chỉ có người ta làm nghèo tiếng ta thôi. Công lao đó của những người dịch, những người giúp đưa tiếng Việt lên cao trên những bậc tư duy, chưa hề được ghi nhận và tưởng thưởng. Tôi mong, rất mong, một ngày gần đây, có một sự tri ân và ghi công họ xứng đáng. Tiếng Việt nhờ họ đã giúp nước Việt và dân Việt đi ra thế giới, hòa nhập thời đại.

Sự giàu và cái đẹp của tiếng Việt có thể nói được nhiều. Chúng ta không đóng cửa tiếng Việt giao lưu với bên ngoài, với các thứ tiếng khác. Nhưng là người Việt, chủ sở hữu tiếng Việt, mỗi chúng ta hãy biết yêu quý, trân trọng, giữ gìn và phát triển thứ của cải vô cùng quý báu này của dân tộc. “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” - câu nói của học giả Phạm Quỳnh đầu thế kỷ XX đáng được trân trọng vì lòng yêu tiếng Việt nước Việt. Và nếu bạn có phút giây nào quên lãng chăm sóc tiếng ta thì mời bạn đọc đoạn văn sau đây của Conor Lauesen, một thanh niên Mỹ năm 24 tuổi đang làm nghiên cứu sinh về chữ quốc ngữ của Việt Nam.

“Đối với bản thân tôi, buổi chiều là thời gian chầm chậm, buồn rầu, là quãng thời gian kể từ lúc mặt trời ở cao cao trên đỉnh bầu trời dần dần lặn xuống thấp. Buổi sáng và buổi tối hình như có vẻ rất “na ta xa” cho nên ai cũng so sánh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của mình trong cuộc sống. Hình như buổi chiều mở rộng cơ hội để con người ta nghĩ một cách lan man không cụ thể, để hy vọng điều tốt đẹp, và tưởng tượng ra một vài viễn cảnh khác hẳn với hoàn cảnh mình đang sống. Viết và nghĩ như thế thì buổi chiều thành một thời gian hơi hơi buồn, thời gian khiến cho ta dễ bị tổn thương và thay đổi, là thời gian dành riêng cho những nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn và ai đó có đầu óc dễ suy nghĩ sâu hơn so với vẻ bề ngoài. Viết như vậy làm cho tôi nhớ ra câu nói: “Mà buổi chiều thì làm sao cơ chứ?” Đây là câu hỏi của người nữ họa sĩ thông minh, sâu sắc và nội tâm về những vấn đề bức xúc, thắc mắc mà mới hiện ra trong xã hội ở Việt Nam. Tôi hay nghĩ về câu nói đó để rồi sau đó thì tôi cũng đồng tình luôn và cũng muốn khám phá sâu rộng hơn để cố tìm hiểu tốt hơn. Cảm xúc của cô ấy không chỉ gần chạm tới trái tim của tôi mà cũng phản ánh những suy nghĩ của nhiều người bị bệnh. Ví dụ, người bị bệnh hay có cảm giác xã hội xung quanh gần như nằm ngoài tầm với của họ. Bên cạnh đó, người ta có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về bản thân mình do họ có những quan niệm sâu sắc và từng trải hơn. Ở Việt Nam, điều này đã xuất hiện và vẫn đang tiếp diễn rất rất nhiều mà những ước mơ và hy vọng của họ vẫn khiến họ buồn hơn vì giấc mơ thường ít có khả năng trở thành hiện thực”.

Một người nước ngoài, lại là người trẻ tuổi, lại ở Việt Nam chưa lâu, viết được tiếng Việt như vậy, chúng ta nghĩ sao?

Bảo vệ tiếng Việt khỏi sự xâm lăng

Sự giàu và cái đẹp của tiếng Việt, mà mấy thí dụ trên đây chỉ mang tính khơi gợi, hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị xâm lăng từ phía các thứ tiếng nước ngoài, rõ nhất là từ tiếng Anh và tiếng Hán. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy sự ngoại ngữ, sự bức tử tiếng mẹ đẻ. “Bức tử”, tôi nói không ngoa đâu. Các cửa hàng cửa hiệu, các công ty tập đoàn, các đài báo đua nhau dùng tiếng Tây tiếng Tàu, phát âm tên gọi theo kiểu Tây Tàu. Trong khi một họa sĩ nỗ lực tìm cách Việt hóa từ “curator” thành “giám tuyển” và được chấp nhận trong giới mỹ thuật, thì ở ngành nhạc vẫn thích dùng “live show”, truyền hình vẫn sính “game show”, còn thể thao thì mê “play-off”. Tôi, cũng như bao người yêu tiếng Việt, không cực đoan đến mức phản đối việc nhập tịch cho một số từ nước ngoài vào vốn từ vựng nước mình, nhưng đó phải là từ chưa thể chuyển dịch sang từ tiếng Việt được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng kêu gọi và chủ trương tiếng nào nước ta có thì nên dùng, không nên lạm dụng tiếng nước ngoài (“Chữ thập đỏ” thay cho “Hồng thập tự”, “Cầu đường” thay cho “Kiều lộ”...), nhưng Người cũng bảo không nên quá trớn, ví như từ “độc lập” nghĩa là “đứng một”, nhưng không thể nói “Việt Nam đứng một” được mà vẫn phải nói “Việt Nam độc lập”; “du kích” thì vẫn phải nói là “du kích” chứ không thể nói là “đánh chơi” được. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng mấy cụ nhà nho đầu thế kỷ XX khi ra một tờ báo lúc đầu định lấy tên là “Dân thanh” nhưng cuối cùng đã đổi thành “Tiếng dân” thật là hay, là vì dân. Và bây giờ ta gọi các phương tiện nghe nhìn, chứ “audio-video” mà dịch là “các phương tiện thính thị” thì chối tai quá. Vậy “live show” thì vẫn là “biểu diễn” đó thôi, “play-off” thì tùy trường hợp là “đá chuyển hạng” hoặc “đá tranh vé vớt”, “game show” là “trò chơi truyền hình”. Nói thế có sai gì đâu, lại phổ cập, dễ hiểu, lại giúp tiếng Việt phát triển hơn.

Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, vào tiếng Việt đang ngày càng tràn lan. Đài truyền hình trung ương vừa có chương trình “Vua tiếng Việt” để giúp mọi người hiểu kỹ hiểu sâu hơn về sự giàu có phong phú của tiếng nước mình. Một chương trình đáng hoan nghênh. Nhưng cũng chính VTV lại cũng là nơi “đầu têu” nhiều sự phá tiếng Việt. Ngay trong buổi phát sóng đầu tiên “Vua tiếng Việt” thì ngay trước đó đài đã phát một chương trình có tên “Ngày xưa Chill phết”. Sao lại dùng “Chill” tiếng Anh mà không dùng “Ngộ” tiếng Việt vẫn vừa đúng vừa hay? Lại còn chương trình “Thương vụ bạc tỉ” các nhà đầu tư cho những người gọi vốn khởi nghiệp lại cứ được xưng là “Shark”. Họ cứ xưng hô thưa gửi nhau là “Shark” loạn xạ trên màn hình nghe rất khó chịu. Mới hay cái bệnh sính tiếng Anh đã khiến những cái đầu người Việt lười động não suy nghĩ để tìm cách chuyển hóa tiếng nước ngoài ra tiếng nước mình. “Người giao hàng” không gọi, cứ phải là “shipper” nghe mới oai. “Tụt hứng” có vẻ dân dã, không sang bằng “tụt Mood”. Nhiều lắm những thí dụ như thế. Tiếng Việt đang bị chèn ép pha tạp ngay trên chính quê hương mình.

Có lẽ đã đến lúc phải có những biện pháp chế tài đối với những hành động làm hỏng tiếng Việt bằng cách sử dụng tùy tiện, vô trách nhiệm những từ ngữ nước ngoài không cần thiết. Một thí dụ đáng suy nghĩ ở đây là nước Nga. Trước tình trạng tiếng Nga bị nguy cơ nghèo nàn vì việc sử dụng bừa bãi tiếng Anh, các cấp chính quyền nhà nước Nga đã có những biện pháp mạnh tay. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Liên Bang Nga Olga Vasilyevna tại cuộc họp với các bậc cha mẹ toàn Nga đã thông báo kế hoạch sẽ đưa ra khỏi các sách giáo khoa tiếng Nga những từ “parking”, “business”, “shopping”, “ingredient” và những từ nước ngoài vay mượn khác. Bà cùng các đại diện khác của Bộ hứa “sẽ làm hết sức mình để những từ như thế ngày càng ít gặp trong các văn bản, đó thực sự là việc không được phép”. Đáp lại yêu cầu của một bậc cha mẹ về việc loại bỏ những từ tiếng Anh ra khỏi tiếng Nga, Olga Vasilyevna trả lời: “Tôi hứa việc kiểm định sách giáo khoa sẽ làm hết sức mình để những từ đó biến mất”. Còn Hội đồng nhà nước vùng Krym (Nga) đã chỉnh sửa luật liên bang về quảng cáo nhằm cấm việc dùng những từ ngữ nước ngoài mà trong tiếng Nga có từ tương đương. Theo đó, ngoại trừ những từ không có từ tương đương trong tiếng Nga, thì việc quảng cáo dùng từ nước ngoài sẽ có các mức phạt: Đối với công dân - từ 3.000 đến 5.000 rúp, đối với người có chức vụ - từ 10.000 đến 20.000 rúp, đối với doanh nhân không có tư cách pháp nhân - từ 30.000 đến 50.000 rúp, đối với người có tư cách pháp nhân - từ 100.000 đến 500.000 rúp. Người Việt chúng ta cũng đã đến lúc phải đối xử với tiếng Việt như phát biểu sau đây của văn hào Nga Ivan Turgenev: “Dùng từ nước ngoài khi có từ Nga tương đương là xúc phạm đến lương tri dân tộc”.

Dùng sai tiếng nói dân tộc không chỉ là chuyện ngôn ngữ. Nó còn là chuyện chính trị, xã hội. Cách đây đã lâu, hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Tên gọi “Người Việt Nam ở nước ngoài” là để thay cho tên gọi “Việt kiều”. Gọi “Việt kiều” là cách gọi đã quen thuộc lâu nay, lại ngắn gọn, dùng trong khẩu ngữ thì được, nhưng khi đưa vào các văn bản chính thức thì người Việt Nam ở nước ngoài lại không đồng ý. Vì người dân nước sở tại gọi người Việt sinh sống ở nước họ là Việt kiều thì được (như ta gọi người Hoa sống ở Việt Nam là Hoa kiều), chứ sao người Việt về nước Việt lại bị người Việt trong nước Việt gọi là Việt Kiều. Chưa kể cách gọi đó còn hàm ý phân biệt. Thế là từ “Việt kiều” thành “Người Việt Nam ở nước ngoài”, còn “Ủy ban Việt kiều trung ương” đổi thành “Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài”. Thuận lòng dân, thống nhất lòng người. Thủ tướng Phạm Văn Đồng hơn bốn mươi năm trước cũng đã có lần cảnh báo về sự phân biệt này trong hai từ “đảng viên” và “quần chúng”. Ông viết: “Trước đây khá thông thường bây giờ có ít hơn nhưng vẫn còn nhiều người nói và viết như sau: A là đảng viên; còn B, C, Đ là quần chúng, ý muốn nói rằng người nào không phải đảng viên thì là quần chúng. Tuy nhiên, nói như thế có nghĩa là coi quần chúng là dưới đảng viên, hạ thấp vị trí chính trị, ý nghĩa và tác dụng của quần chúng là đông người, nói một người là quần chúng thì không đúng. Phải nói: A là đảng viên; còn B, C, Đ là người ngoài Đảng”. Tiếc thay, lời cảnh báo từ rất sớm này, từ khi tiếng Việt còn chưa bị xâm hại bởi những thứ tiếng ngoại lai khác, đã không được nhận thức đầy đủ và thực hành kiên quyết, nên giờ đây “đảng viên” và “quần chúng” đã bị cách bức quá nhiều.

Một sự xâm lăng tiếng Việt nguy hiểm, đáng báo động khẩn, là từ các bạn trẻ và chiếc máy tính nối mạng. Khi chát (từ “chat” này coi như đã được nhập tịch tiếng Việt rồi, và có thể chấp nhận được), khi viết thư điện tử, nghĩa là chỉ trong phạm vi hẹp, mang tính chất cá nhân, ở môi trường thân tình, thì có thể có một loại từ vựng “lóng” của dân mạng. Mà ngay loại từ vựng “lóng” này càng được hạn chế việc tạo từ và sử dụng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Nhưng khi đã ra khỏi phạm vi hẹp, ra khỏi môi trường cá nhân, thì việc dùng những từ “lóng” và cách viết trên mạng là sự bôi bẩn và phá hoại tiếng Việt của chúng ta. Ở đây có một tấm gương dùng tiếng Việt các bạn trẻ có thể học hỏi là các kỹ sư tin học. Chính họ, chứ chưa phải là các nhà ngôn ngữ học, khi nhập chiếc máy tính đầu tiên, khi lần đầu bắt tay vào làm tin học cho người Việt Nam, đã phải trước hết giải quyết vấn đề chuyển dịch các thuật ngữ và tên gọi của ngành này sang tiếng Việt. Và các kỹ sư đó, các nhà khoa học đó đã chứng tỏ họ yêu nước, yêu tiếng Việt, hiểu quy luật tiếng Việt, để bây giờ chúng ta có cả một kho từ vựng tin học và máy tính đơn giản, dễ hiểu, dễ dùng. Những phần cứng, phần mềm, những bàn phím, màn hình, những thực đơn, cửa sổ, những con chuột, ký tự, hiển thị..., tiếng Việt đã đi vào ngành khoa học công nghệ mới mẻ nhất một cách tiện dụng nhất. Tôi liên tưởng đến những nhà khoa học Việt Nam hồi đầu cách mạng tháng Tám đã xây dựng nền đại học mới của nước cộng hòa non trẻ bắt đầu từ việc quyết tâm giảng dạy bậc học cao nhất bằng tiếng Việt. Và họ đã làm được, đã thành công. Bài học này, kinh nghiệm này, di sản này của cha anh ngày trước và bây giờ đáng để các bạn trẻ quá đà viết và nói sai tiếng Việt, và rộng ra là những ai đang lỡ miệng lỡ tay làm hỏng tiếng Việt, nhớ đến mỗi khi dùng tiếng Việt.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình

(Lưu Quang Vũ)

Tôi yêu tiếng nước tôi - tiếng Việt, là tôi yêu nước tôi - Việt Nam.

Phạm Xuân Nguyên (Hà Nội, thu đông 2021)
TIN LIÊN QUAN

Hành trình di sản Tản Viên Sơn, nối lại mạch nguồn văn hóa

Bài và ảnh MINH THI |

Đất nước Việt Nam ta vừa trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, cộng với những biến động đột ngột của xã hội, dẫn đến hàng loạt những đứt gãy trong các lĩnh vực văn hóa. Mối liên hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Từ ý thức cội nguồn và tâm lý hướng tâm đến truyền thống tôn vinh danh nhân

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) |

Với cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, folklore của 54 dân tộc (bao gồm hơn 700 tộc người địa phương) chủ yếu dựa trên ý thức - tâm lý tri ân sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống (như đất, cây, nước và các tài nguyên thiết yếu với cuộc sống khác) cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ nối tiếp nhau đối với tiền thần, tiền nhân.

Nơi truyền thống và hiện đại cùng đối thoại

Lê Thiết Cương |

Truyền thống văn hoá là cội rễ, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tinh thần cho người Việt hôm nay, trong đó có nghệ sĩ. Một truyền thống mấy nghìn năm tuổi là niềm tự hào, là bệ đỡ, là nền móng.

Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam

GS.TS Trịnh Sinh |

Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhoà theo thời gian rồi bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác trong những cuộc xâm lăng lãnh thổ dẫn đến xâm lăng và đồng hoá văn hoá.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Minh thi |

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

Hành trình di sản Tản Viên Sơn, nối lại mạch nguồn văn hóa

Bài và ảnh MINH THI |

Đất nước Việt Nam ta vừa trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, cộng với những biến động đột ngột của xã hội, dẫn đến hàng loạt những đứt gãy trong các lĩnh vực văn hóa. Mối liên hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Từ ý thức cội nguồn và tâm lý hướng tâm đến truyền thống tôn vinh danh nhân

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) |

Với cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, folklore của 54 dân tộc (bao gồm hơn 700 tộc người địa phương) chủ yếu dựa trên ý thức - tâm lý tri ân sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống (như đất, cây, nước và các tài nguyên thiết yếu với cuộc sống khác) cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ nối tiếp nhau đối với tiền thần, tiền nhân.

Nơi truyền thống và hiện đại cùng đối thoại

Lê Thiết Cương |

Truyền thống văn hoá là cội rễ, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tinh thần cho người Việt hôm nay, trong đó có nghệ sĩ. Một truyền thống mấy nghìn năm tuổi là niềm tự hào, là bệ đỡ, là nền móng.

Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam

GS.TS Trịnh Sinh |

Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhoà theo thời gian rồi bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác trong những cuộc xâm lăng lãnh thổ dẫn đến xâm lăng và đồng hoá văn hoá.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Minh thi |

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.