Vua Minh Mạng dưới nhãn quan của Marcel Gaultier

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

“Vua Minh Mạng” (tên gốc tiếng Pháp: Minh-Mang) được xuất bản lần đầu năm 1935 (và mới được Omega Plus ra mắt ấn bản tiếng Việt), là cuốn sách của Marcel Gaultier (1900-1960) - nhà văn và từng là biên tập viên của Ban Dân sự Đông Dương thời Pháp thuộc.

Marcel Gaultier đã để lại cho đời hơn mười tác phẩm, trong đó có ba tiểu thuyết, còn lại là hồi ký và những nghiên cứu sử học về các vị vua triều Nguyễn. Một số tác phẩm tiêu biểu: “Gia-Long” (Vua Gia Long, 1933); “Minh-Mang” (Vua Minh Mạng, 1935); “Le Roi proscrit: [l’Empereur d’Annam Hàm-Nghi]” (Nhà vua bị lưu đày: [Hoàng đế Hàm Nghi], 1940); “L’Étrange aventure de Ham-Nghi, empereur d’Annam” (Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Hàm Nghi, hoàng đế An Nam, 1959). “Vua Minh Mạng” là một công trình nghiên cứu có giá trị tham khảo lớn và chúng ta sẽ phần nào thấy được những cái nhìn khách quan và đa chiều về nhân vật và lịch sử.

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này của Marcel Gaultier tới bạn đọc.

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CỔ ĐIỂN VÀ GIỮ GÌN TÍNH DÂN TỘC

Trong mọi xã hội, tương lai tùy thuộc vào việc đào tạo những thế hệ trẻ và thực tế mà các vì vua châu Á đã luôn luôn thừa nhận ấy đã gây ảnh hưởng lớn lao lên chính sách xã hội của các triều đại An Nam. Cũng như các vì vua trước đó, Minh Mạng chú tâm đến việc giáo dục nhân dân với một sự ân cần rõ rệt, nhưng đồng thời quyết tâm chấm dứt những do dự và bất ổn mà những khẳng định của phương pháp giáo dục Cơ Đốc giáo đã bắt đầu làm cho nảy nở. Tổ chức giáo dục cộng đồng ở An Nam thuở ấy mô phỏng theo tổ chức ở Trung Quốc. Toàn bộ nền sư phạm chính thống đều dựa trên Ngũ Kinh, dạy bình chú văn chương, đạo đức học của Khổng Phu Tử, lịch sử của những vì vua truyền thuyết, những châm ngôn mang tính chính trị, và những quy định lễ nghi. Quy tắc của học tập cao cấp là để soi rọi những nguyên tắc của lý trí, nâng cao ý thức của con người, đồng thời chỉ ra định mệnh tột cùng của con người trong sự hoàn hảo. Chữ Hiếu thu tóm mọi đức hạnh. Điều này tất nhiên đòi hỏi mọi đức hạnh và một lương dân phải có bổn phận với vị vua của mình cũng như đối với cha mẹ mình. Sự hoàn hảo của xã hội do đó tùy thuộc vào sự hoàn hảo của nhóm gia đình và không một ai được hưởng những quyền công dân nếu không có những đức hạnh căn bản. Quan niệm ấy được áp đặt lên cả hoàng đế, bổn phận của ông ta đối với Trời cũng giống như bổn phận của con cái đối với cha mẹ.

Thiết chế An Nam lấy quốc gia và mỗi một bộ phận của nó làm thành một gia đình mà sự điều hành đặt vào tay người được ủy nhiệm Ngai vàng. Cái lý tưởng chính trị ấy đối lập với lý tưởng của các dân tộc Cơ Đốc giáo, nơi quyền lực tối cao mang một sắc thái thần thánh bởi vì quyền lực ấy được Chúa trời ủy thác trực tiếp cho vị quân vương. Nguyên lý ấy tạo cho xã hội châu Á một hình thái gia đình. Người An Nam luôn có một sự kính trọng không lay chuyển đối với những vị thầy của mình bởi lẽ việc giáo dưỡng được họ xem như biểu hiện của sức mạnh thần thánh mà nhờ đó họ có thể đạt đến mọi phẩm vị. Xã hội không bao gồm những gia tộc phong kiến, quyền lực và uy tín của những nhân vật cao cấp không bao giờ được thế tập và phẩm tước của một cá nhân đạt được nhờ vào kiến thức sâu rộng của mình, nhờ vào đức hạnh của mình, công lao phục vụ của mình cho quốc gia, không thể truyền tử lưu tôn. Những kẻ hậu thế của người này, đến lượt họ, chỉ có được những phẩm trật sau những thời gian học tập, những kỳ thi khó khăn mà không một lý do nào có thể can thiệp vào được ngoài giá trị tài cán của những ứng viên. Mọi nghề nghiệp đều được mở rộng cho người có tài năng. Mọi người An Nam đều có quyền mong mỏi điều ấy và những người có chức phận cao đều phải trả giá cho vị trí của mình bằng công sức lao động, bằng việc tuân theo kỷ luật, bằng sự chăm chỉ kiên trì mà việc học tập khó khăn đòi hỏi họ. Mọi người An Nam đều chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc và cộng đồng tư tưởng ấy tạo nên nét nổi bật nhất của nền văn minh này, mà tinh hoa không chỉ thuộc vào phần ưu tú mà dành cho tất cả mọi người.

Vua Gia Long đã muốn tạo ra một lớp quý tộc có quyền thế tập, để cảm ơn công lao của những chiến hữu. Nhưng vua Minh Mạng hiểu được nguy cơ một ngày kia những danh gia vọng tộc ấy sẽ gây ra cho triều đại. Không muốn rằng tập đoàn phong kiến ấy có thể hình thành bằng việc chia nhỏ cơ nghiệp hoàng gia, nhà vua quyết định trở lại với cơ chế Nho giáo trước đây...

Trong khi làm phát triển văn hóa cổ điển, vua Minh Mạng đã giữ gìn cho đất nước An Nam tính dân tộc. Người ta thừa nhận rằng nền giáo dục thuần túy văn chương đã làm phát triển ở con người An Nam cái năng lực phân tích vốn là một nét cốt lõi của chủng tộc này. Nhưng lối đào tạo ấy loại trừ mọi nghiên cứu khoa học bởi lẽ việc theo đuổi ngành khoa học vật chất làm khô héo đi trong con người chúng ta ý nghĩa thiêng liêng của sự trầm tư, nên nó kìm giữ vương quốc nằm ngoài tiến trình vận động vĩ đại của toàn cầu. Chính vì thế mà xã hội An Nam, trong những giờ phút nghiêm trọng mà số phận của xã hội bị thử thách, lại chỉ đối kháng, bằng những công thức của một sự tinh tế thuần khiết, trước những đe dọa rõ rệt bủa vây họ. Và lối giáo dục ấy, kìm hãm xã hội trong một lối nói suông hão huyền, đã để mặc cho xã hội không được vũ trang trước hoạt động thiết thực của phương Tây... Các quan chức luôn luôn trở về làng quê, khi công tác đã hoàn tất, già nua đi, chán nản, chua chát gay gắt, hoặc thỏa mãn, tràn đầy vinh dự, hoặc trí sĩ mịt mờ, sống những ngày cuối bên cạnh lăng mộ của gia đình.

TÀI SẢN CÔNG VÀ THU NHẬP NHÀ NƯỚC

Khi Minh Mạng lên ngôi, tình trạng tài chính quốc gia không có gì phải lo ngại vì Gia Long, từ rất sớm đã nghiệm thấy những tác dụng tốt khi có một kho tàng phong phú, đã để lại cho người thừa kế một gia tài mà ông đã vun vén với sự khôn ngoan kiên trì trong suốt thời gian trị vì. Minh Mạng đã thực sự muốn thay đổi sự phân phối tài sản công và làm sưu thuế cho dân. Nhà vua đã không thành công bất chấp những cơ chế thiết lập cho mục đích ấy, bởi lẽ những kẻ được ủy thác nhiệm vụ khó khăn là áp dụng cải cách, lại chỉ lưu tâm theo một truyền thống đã có sẵn, đến việc làm giàu cho mình một cách mau chóng, với một lòng tham không đáy và trơ lì. Người dân luôn cố tránh thuế khóa nặng nề áp đặt lên họ và họ có thể làm được điều này trong một chừng mực nào đấy. Ai cũng hiểu điều này. Chính vì thế, các làng quê là đơn vị có trách nhiệm thu thuế người dân trong làng, chỉ công bố một phần nhỏ của lợi tức của họ và chỉ đăng ký địa bạ chừng một phần mười diện tích các cánh đồng của họ. Các quan lại có nhiệm vụ duyệt lại các sổ sách thì được trả tiền để làm ngơ.

Trước khi Minh Mạng lên ngôi, tập quán đã cho phép các đại quan bán điền thổ quốc gia nằm trong tỉnh dưới sự cai quản của họ nếu cần. Có nhiều vị quan khác lại chiếm dụng ruộng đất thuần túy và đơn giản chỉ để gia tăng sản nghiệp của mình. Số đất còn lại, phần lớn là không trồng trọt được, theo pháp luật, thì trao cho nông dân, khi những ruộng đất ấy không được thừa nhận là đất của làng xã. Thế nên, mỗi người, không kể ở giai cấp xã hội nào, đều được nhận một mảnh đất rộng bằng mảnh của người bên cạnh, ngoại trừ người già, phụ nữ và trẻ em, chỉ được chia cho một diện tích bằng một nửa hoặc một phần ba của tài sản chung. Minh Mạng cho nhà nước thâu lại mọi tài sản có nguồn gốc công cộng, bị chiếm dụng mà không có sự cho phép của nhà vua. Số đất ấy sau đó sẽ được chia cho người dân. Năm 1838, địa bạ và việc đăng ký đất đai được hoàn thành. Một ủy ban gồm nhiều quan lại, hằng năm, phải xem xét lại sổ sách thuế đất để ghi vào đấy những thay đổi kể từ lần thống kê trước. Nhưng việc kiểm tra này chẳng mấy chốc trở nên gần như ảo tưởng, bởi lẽ những quan chức có nhiệm vụ thực hiện điều này lại cậy nhờ vào các chức dịch của làng. Những người đó vì có lợi trong việc giấu giếm thu nhập của họ, nên bằng lòng cho ký vào biên bản.

Ngày nay, khó mà đánh giá một cách chính xác tổng số tiền thuế thu được vào thời vua Minh Mạng. Luro cho rằng thuế suất điền thổ bình quân là một đồng piastre một mẫu (3.600m2), và tính thêm lợi tức các loại cây trồng khác: Mía, cây chàm, trầu... dao động từ một tới ba đồng bạc trên một mẫu, mang lại cho An Nam một lợi tức đất đai hai mươi triệu quan. Cha Legrand thì nghĩ rằng không thể vượt quá mười lăm triệu (mỗi quan có mười tiền, nếu tính theo tiền Pháp thì có giá trị hơi thấp hơn một franc vàng).

Trong ba mươi mốt tỉnh của vương quốc có sáu trăm nghìn dân hạng một, trả một tiền thuế cá nhân một quan rưỡi, tức là một lợi tức tiền thuế hằng năm chín trăm nghìn quan. Những dân hạng hai gồm tám trăm nghìn, chỉ trả nửa số tiền thuế, đóng góp cho nhà nước một số tiền sáu trăm nghìn quan, đưa tổng số thuế thu được lên mười tám nghìn bảy trăm năm mươi nén bạc (nén bạc nặng 337gr831, trị giá một lạng, tức là 80 francs vàng). Số thuế này quá ít nếu ta nhận thấy rằng nước An Nam vào lúc ấy có hai mươi triệu dân, có nghĩa là tối thiểu có năm triệu người từ mười tám đến sáu mươi tuổi. Như vậy, nhà nước chỉ thu được chừng một phần năm số thuế phải thu.

Một yếu tố khác thuộc đối tượng đánh thuế là Hoa kiều định cư trên đất vương quốc An Nam. Từ Phúc Châu, Sán Đầu, Quảng Đông, Hải Nam, những kẻ tìm cách làm giàu tụ tập đến. Thoạt tiên họ làm việc cho một thương gia tầm cỡ, rồi chính họ tự gây dựng lấy sau khi đã tham khảo một cách kiên trì, lâu dài, những thị hiếu và những nhu cầu của khách hàng. Họ không bao giờ dấn thân một cách thiếu thận trọng. Bất chấp những biện pháp phòng ngự của hệ thống hành chính quan lại An Nam, bất chấp những điều lệ đặc biệt nhắm vào sự mắn đẻ đáng lo ngại, họ vẫn cứ mau chóng trở thành giàu có, đông đúc và mạnh mẽ ở bất cứ nơi nào họ đến sinh sống. Triều đình Huế không thể đuổi họ đi vì quốc gia không thể bỏ qua sự phục vụ của họ, nhưng triều đình cũng không thể du nhập vào trong khuôn khổ rất khép kín của cộng đồng người An Nam. Triều đình tập trung họ thành phường hội, dưới sự điều hành của một trưởng hội được bầu trong số chức sắc thương gia của mỗi cộng đồng. Trưởng bang hội ấy đối với đồng hương, đã và vẫn đóng vai trò như lý trưởng của làng xã An Nam. Ông ta có trách nhiệm đối với tổ chức như thu thuế, mà bản thân ông ta phải nộp vào những ngày được chính quyền cấp trên ấn định, toàn bộ tiền thuế vào ngân sách của huyện. Những người nhập cư vẫn tiếp tục là người nước ngoài ở đất An Nam, nên họ không bị bó buộc làm nhiệm vụ quân sự và ngay cả nhiệm vụ dân vệ cũng không, nhưng ngược lại họ phải trả một thứ thuế bổ sung khiến việc đóng góp cá nhân của họ lên đến hai lạng bạc (lạng bạc nặng 37gr783, tương đương 12 francs vàng) đối với những đinh thuộc hạng nhất, có nghĩa là những người khỏe mạnh đã ở trên đất An Nam hơn ba năm, và một lạng bạc đối với đinh đã đến ở dưới ba năm. Những người hơn 60 tuổi và người tàn tật thì được miễn mọi đóng góp. Số thuế mà người Hoa đóng góp mang lại cho nhà nước thu nhập ba triệu quan tiền, thêm vào đó có khoảng chừng hai trăm nghìn quan đến từ sự đóng góp của người Minh Hương, những người lai Hoa - Việt. Tổng kết toàn thể thuế cá nhân cho thấy thu nhập hằng năm là năm trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm nén bạc, tương đương với mười lăm triệu francs vàng cho tổng các loại thuế trực thu.

Các cơ sở hải quan tạo ra một lợi tức đều đặn cho chính quyền quan lại. Các trạm hải quan có mặt ở tất cả các hải cảng, trong tất cả các thành phố, các thị trấn quan trọng của vương quốc, và phần lớn các trạm ấy đều cho tư nhân lĩnh thầu, thường là người Hoa kiều làm việc ấy, và phải nộp tô cứ mỗi sáu tháng dao động từ hai đến bốn ngàn lạng bạc. Không có một giá cả nào là cố định, người lĩnh thầu thuế, đặc biệt đông đảo ở Bắc kỳ, áp đặt những đòi hỏi của họ mà không chịu một trừng phạt nào, ức hiếp tiền bạc một cách bỉ ổi những người nộp thuế với sự đồng lõa của những viên chức ăn chia với họ. Dân chúng nhẫn nhục, xem cái cơ chế ấy như một gánh nặng mà họ chịu đựng với sự khuất phục cố hữu. Thuế hải quan trong những điều kiện ấy không thể vươn tới con số thực thu. Ba triệu quan tiền hằng năm đưa vào Ngân khố hoàng gia, trong khi lợi nhuận thực sự được thực hiện bởi những người lĩnh thầu, theo Cha Legrand, phải lên đến chừng mười triệu.

Ngân khố còn nhận thêm tiền lĩnh thầu trả định kỳ của một số nguồn độc quyền. Những người này càng lúc càng đông lên, kìm hãm nặng nề sáng kiến cá nhân và làm cho ngành thương mại thiệt hại to lớn. Họ đánh thuế lên cây trồng, vận tải, mua bán cây quế thuở ấy vốn là một thần dược của thuật chữa trị bệnh của người An Nam, gỗ quý thiết mộc, ngà voi, sừng nai mà Hoa kiều xuất khẩu hàng năm bằng nhiều thuyền lớn vượt đại dương. Nhưng nguồn độc quyền mà nhà vua thu được ngân sách cao nhất là nguồn độc quyền đè nặng lên các hầm mỏ. Đông Dương sở hữu nhiều vỉa quặng vàng, bạc, đồng, sắt, lộ ra ngang mặt đất, nhiều nhất trong vùng Bình Định. Kẽm và thiếc để đúc tiền có rất nhiều bên cạnh chì, lưu huỳnh, thủy ngân và than đá. Nhưng việc khai thác trong lòng đất, bị luật pháp cấm, thì do nhà vua giao cho con buôn Hoa kiều và họ cho những người thầu lại thuê việc khai thác. Nhà nước thu được chừng mười triệu từ việc kinh doanh ấy tạo nên một ngân khoản gấp năm lần nhiều hơn những người thầu thu thuế của mình. Những con buôn này sau đấy trở về nước họ, để dân An Nam không cách nào hưởng được những tài sản kếch xù mà bên cạnh họ người An Nam vẫn tiếp tục cuộc sống bất ổn và lầm than.

Hoàng đế cũng giành độc quyền thương mại triệt để. Nhà vua có những tàu lớn đóng theo kiểu Âu châu do các kỹ sư Pháp của vua cha thực hiện hoặc do các thợ mộc đã từng phụ tá họ. Các thương thuyền ấy mang đến Batavia, Macao... những sản phẩm trong nước và trở về cảng An Nam với đầy các hàng hóa đã mua được hoặc đã trao đổi ở hải ngoại dành cho nhà vua bán những hàng ấy mà không cần cạnh tranh. Tổng số các loại thuế trực tiếp và gián tiếp như vậy đã mang đến cho triều đình Huế một ngân khoản tương đương ba mươi triệu francs vàng Pháp. Con số này cũng xấp xỉ con số mà Luro đã cho. Những lợi tức này vào thời kỳ thịnh vượng bảo đảm được sự thăng bằng ngân sách mà trong đó các chi tiêu là nhẹ nhàng.

XÂY DỰNG VÀ ĐÓNG TÀU

Những công trình công cộng được thực hiện theo nguyên tắc chung bằng phương tiện lao dịch. Minh Mạng là người có ý thích xây dựng, đã cho dựng lên trong vương quốc những công trình cho đến nay vẫn chứng tỏ tầm nhìn của ông. Từ năm 1822 đến năm 1837, các thành trì được xây dựng khắp đất nước mà sử quan triều đình thường nhắc nhở. Trước hết, vào năm 1822, là việc dựng các trường thành ở phía Tây và phía Nam kinh thành Huế. Năm kế tiếp, xây thành Quảng Trị và đê điều ở Nha Trang. Năm 1824 các kỹ sư đã dựng lại trường lũy ở Quảng Bình, rồi năm 1828 là ở Thanh Hóa. Hai và ba năm sau đó, Minh Mạng cho xây thành có lỗ châu mai ở Hà Tĩnh và Nghệ An, trước khi di chuyển thành Quảng Nam lên La Qua (Diên Phước). Công trình ở Bình Thuận bị phá vào năm 1837 vì nhà vua cho rằng duy trì những thành lũy mà không thể bảo vệ là vô ích. Nhà vua nghĩ tốt nhất là để ngỏ các thành phố không thể bảo vệ vì thành lũy sẽ thu hút sự tấn công. Về điểm này, và trong tương lai sẽ thấy nhà vua có lý. Những lo âu này không đơn giản chỉ đáp ứng việc dựng lại những bức tường cũ, trang bị những pháo đài sụp đổ trong sự lãng quên bình yên, đào sâu lại những hào thành mà nông dân có thói quen đến câu ếch vào đêm trăng sáng. Minh Mạng đã phó thác sự an toàn của mình vào việc tổ chức quân sự của vua cha. Thế mà, sau Gia Long, không một ai còn nghĩ đến việc tiếp tục chương trình mà người quá cố đã bắt buộc. Và người kế tục sự nghiệp đã để bị áp đặt bất ngờ bởi ba cuộc nổi dậy to lớn mà dư âm đã được các bộ sử ký lưu truyền lâu dài.

Vua Minh Mạng quan sát, với một niềm thao thức càng lúc càng to lớn, rằng mỗi vị trí bị tấn công là một vị trí bị thất thủ. Quân đội của nhà vua không thể trụ nổi trong các công sự bị bỏ quên đã từ rất lâu trong môi trường tự nhiên bởi sự bất tài gây trọng tội của những đầu lĩnh quân sự của các tỉnh. Chính vì thế, các cuộc nổi dậy bùng nổ trong vương quốc đã có thể lan tràn nhanh chóng khiến ta ngày nay còn ngạc nhiên. Mỗi lần như thế, nhà vua phải gửi những đội quân đông đảo đi xa và họ phải khó nhọc mới mang lại yên ổn cho các tỉnh bị rối loạn. Nhưng những nỗ lực như thế không thể tồn tại lâu dài. Sẽ trở thành vô ích nếu các đơn vị đồn trú bị bỏ lại trong những vùng đã được bình định mà ở trong tình trạng không được bảo vệ. Bên cạnh cấu trúc cần thiết ấy, nhà vua đã cho xây dựng tại kinh đô và vùng phụ cận, những công trình không nói lên cái xa xỉ của một chủng tộc ưa khoái lạc và tinh tế, nhưng để ghi lại trong kỷ niệm những con người của những thế kỷ chiến đấu và khổ đau.

Hạm đội của vua Minh Mạng gồm mười chiếc tàu theo kiểu Âu châu do Chaigneau đóng và chừng một trăm chiến thuyền lớn có thể chở được mỗi chiếc hai mươi đại bác. Các pháo đài được Olivier de Puymanel dựng lên vào thời Gia Long được giữ gìn ít tốn kém nhờ những binh sĩ trú đóng ở đấy và nhờ những nông dân chịu trách nhiệm chỉnh trang đê điều sau mùa gặt lúa. Những tiêu phí của nhà nước vì thế không cao. Chi tiêu ấy trên tổng ngân sách không vượt quá tám triệu quan tiền và còn để lại cho nhà vua 22 hoặc 23 triệu phục vụ hoàng gia và làm vốn để dành.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tranh Mỹ thuật Đông Dương vẫn đắt giá nhất

V.V |

Sự kiện vừa gây chấn động trong giới mỹ thuật là tác phẩm sơn dầu “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD, trong phiên đấu giá của Sotheby’s Hong Kong, diễn ra lúc 17h30 ngày 18.4.2021. Đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam. Điều này càng khẳng định tranh mỹ thuật Đông Dương vẫn đắt giá nhất.

Bay trên Putaleng - "nóc nhà" thứ 2 của Đông Dương

Vân Trường |

Putaleng (Tam Đường, Lai Châu) là đỉnh núi nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, được mệnh danh là "nóc nhà" thứ hai của Đông Dương với độ cao 3.049m...

Pháo đài kiên cố nhất Đông Dương sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Kỳ Quan |

Đồn Rạch Cát (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) được xây dựng cách đây hơn 110 năm, vào loại sớm nhất và là pháo đài kiên cố nhất trên toàn cõi Đông Dương thời đó. Từ khi xây dựng đến nay, Đồn Rạch Cát luôn do quân đội trấn giữ. Tỉnh Long An đang có kế hoạch đưa Đồn Rạch Cát vào phục vụ du lịch.

Về một tour du lịch theo dấu chân vua Minh Mạng

Hoàng Văn Minh |

Ba địa phương Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có thể liên kết với nhau để cùng đầu tư và khai thác một tour du lịch độc đáo bằng đường thủy lần theo dấu chân vua Minh Mạng từ Huế vào Hội An, ra Ngũ Hành Sơn. Và câu chuyện liên kết, bắt đầu bằng huyền tích về một bà công chúa con gái vua Gia Long.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tranh Mỹ thuật Đông Dương vẫn đắt giá nhất

V.V |

Sự kiện vừa gây chấn động trong giới mỹ thuật là tác phẩm sơn dầu “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD, trong phiên đấu giá của Sotheby’s Hong Kong, diễn ra lúc 17h30 ngày 18.4.2021. Đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam. Điều này càng khẳng định tranh mỹ thuật Đông Dương vẫn đắt giá nhất.

Bay trên Putaleng - "nóc nhà" thứ 2 của Đông Dương

Vân Trường |

Putaleng (Tam Đường, Lai Châu) là đỉnh núi nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, được mệnh danh là "nóc nhà" thứ hai của Đông Dương với độ cao 3.049m...

Pháo đài kiên cố nhất Đông Dương sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Kỳ Quan |

Đồn Rạch Cát (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) được xây dựng cách đây hơn 110 năm, vào loại sớm nhất và là pháo đài kiên cố nhất trên toàn cõi Đông Dương thời đó. Từ khi xây dựng đến nay, Đồn Rạch Cát luôn do quân đội trấn giữ. Tỉnh Long An đang có kế hoạch đưa Đồn Rạch Cát vào phục vụ du lịch.

Về một tour du lịch theo dấu chân vua Minh Mạng

Hoàng Văn Minh |

Ba địa phương Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có thể liên kết với nhau để cùng đầu tư và khai thác một tour du lịch độc đáo bằng đường thủy lần theo dấu chân vua Minh Mạng từ Huế vào Hội An, ra Ngũ Hành Sơn. Và câu chuyện liên kết, bắt đầu bằng huyền tích về một bà công chúa con gái vua Gia Long.