Vũ Thảo Giang: Cô giáo Tày với tà áo dài Việt

Nguyễn Thu Hiền (thực hiện) |

Là nhà thiết kế được biết đến với nhiều bộ sưu tập áo dài ấn tượng lấy cảm hứng từ những chất liệu văn hóa dân gian, dù mới 26 tuổi nhưng Vũ Thảo Giang đã tạo nên chỗ đứng cho tên tuổi của mình trong làng thời trang Việt.

Gần 2 năm trước, khi bắt đầu quyết tâm theo đuổi con đường thiết kế áo dài chuyên nghiệp, vốn được coi là “nghề con nhà giàu”, Thảo Giang đã gặp không ít khó khăn. Xuất thân từ một thị trấn nhỏ của tỉnh Cao Bằng, không có sự hậu thuẫn của gia đình, làm thế nào để cô gái trẻ này theo đuổi được đam mê và đạt được thành công như ngày hôm nay? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời trong buổi trò chuyện với Thảo Giang.

Thả hồn dân tộc lên tà áo dài

Tốt nghiệp khoa Công tác xã hội - Học viện Phụ Nữ Việt Nam, không định hướng theo ngành thời trang ngay từ ban đầu, vậy cơ duyên nào đã đưa Thảo Giang đến với thiết kế áo dài? 

- Năm 2017, Giang tốt nghiệp trường Học viện Phụ nữ Việt Nam, sau đó đi làm cho các công ty tổ chức sự kiện. Công việc vất vả, sáng đi làm, tối muộn mới về khiến mình cảm thấy cuộc sống khá tẻ nhạt và không có điểm nhấn. Một năm sau, Giang quyết định từ bỏ công việc với mức lương ổn định hiện tại để tìm hiểu sâu hơn về thời trang, một trong những sở thích của mình khi còn bé.

Trước đây, mình chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ làm về áo dài, mãi cho đến khi gặp nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam - người thầy đầu tiên của mình. Thực sự, khi nhìn thấy chiếc áo dài của thầy, mình như bị choáng ngợp. Trong cuộc đời mình chưa bao giờ nhìn thấy chiếc áo dài nào đẹp như vậy, từ kiểu dáng đến chất liệu rồi họa tiết. Ngay lúc đó, mình quyết định sẽ học một lớp chuyên sâu về thiết kế áo dài với niềm tin: Thầy chịu dạy thì mình sẽ làm được. Và Giang đã trở thành một trong những học trò ít tuổi nhất trong lớp của thầy.

Ngoài việc bị chinh phục bởi vẻ đẹp của tà áo dài, còn lý do nào khác khiến Thảo Giang quyết định bắt tay vào con đường thiết kế áo dài không?

- Như một nét văn hóa truyền thống của người Việt, áo dài sẽ tồn tại và giữ vững giá trị qua thời gian. Bởi dù cho bao lâu đi chăng nữa, mẹ và con gái vẫn sẽ lựa chọn áo dài vào các dịp quan trọng như cưới hỏi; các vị chính khách vẫn sẽ chọn áo dài làm trang phục để đón tiếp đại sứ nước bạn. Áo dài thuộc về giá trị truyền thống nên sẽ dễ nhận được sự ủng hộ của mọi người. Bên cạnh đó, với người trẻ như Giang, ít ai theo nghề áo dài nên đây cũng là một trong những lợi thế của mình.

Có thể thấy, đặc trưng trong các thiết kế của Thảo Giang là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống với hơi thở hiện đại, theo Thảo Giang, việc sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống trong sáng tác có ý nghĩa như thế nào? 

- Văn hóa truyền thống hay di sản dân tộc luôn là những chủ đề thú vị và là nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nhà thiết kế, không chỉ riêng Thảo Giang. Việc sử dụng và tôn vinh các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, nghề thủ công truyền thống... trong bộ sưu tập của mình không chỉ giúp áo dài thêm phần duyên dáng mà còn trở thành cầu nối trong công cuộc quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.

Tuy nhiên, khai thác chất liệu để tìm cảm hứng là một chuyện, sáng tạo và ứng dụng các chất liệu dân gian vào thực tế lại là một câu chuyện khác. Ví dụ với áo dài thổ cẩm, nếu vẫn giữ nguyên bản sẽ rất ít khách hàng lựa chọn vì màu sắc khó dùng, thế nhưng vẫn là những họa tiết, hoa văn lấy cảm hứng từ thổ cẩm, mình chuyển sang một màu thanh lịch, dễ dùng hơn thì khách hàng lại rất yêu thích. Bởi vậy, trong quá trình sáng tác, mình luôn phải sáng tạo và cách tân sản phẩm dựa trên các yếu tố văn hóa.

 
 

Là một người con của vùng đất Cao Bằng và là người dân tộc Tày, điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến phong cách và cảm hứng sáng tác của Thảo Giang? 

- Không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, Cao Bằng còn là nơi sinh sống của nhiều anh em dân tộc thiểu số, vì thế, thật may mắn khi những nét văn hóa xưa còn được gìn giữ cho tới ngày nay. Trước đây, khi nhìn thấy những điều đó, mình chưa cảm nhận được và chưa biết khai thác thế nào. Sau này, có cơ hội tiếp xúc với ngành thời trang, đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, mình mới thấy được truyền cảm hứng từ phong cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử cho đến những nét đẹp văn hóa truyền thống như thổ cẩm... của quê hương.

Giang cũng có nhiều bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Cao Bằng như bộ sưu tập áo dài “Non nước Cao Bằng” với 12 mẫu áo có in những hình ảnh về hang Pác Bó, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao... hay bộ “Khăn choàng lụa Non nước Cao Bằng”, bộ sưu tập áo dài thổ cẩm với họa tiết trong trang phục các dân tộc ở Cao Bằng... Thông qua những bộ sưu tập này, mình vừa có thể quảng bá vẻ đẹp của quê hương, vừa góp phần lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc. Đây cũng là điều Giang hướng tới trong tương lai, mình sẽ đi đến các tỉnh thành và tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc trưng cho tỉnh thành đó nhằm phát triển du lịch và quảng bá văn hóa.

Có ý kiến cho rằng: Mỗi chiếc áo dài được thiết kế ra ẩn sau đó là cả một câu chuyện, theo Thảo Giang, tiêu chí quan trọng nhất để thiết kế một chiếc áo dài đẹp là do đâu?

- Áo dài nếu chỉ nói là trang phục sẽ rất bình thường. Nhưng nếu mỗi nhà thiết kế, mỗi người mặc thông qua áo dài để truyền tải một thông điệp, một câu chuyện nào đó thì chắc hẳn sẽ là điều tuyệt vời.

Để làm nên một chiếc áo dài đẹp cần rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất với mình là phải hiểu người mặc. Bắt đầu từ mục đích của họ: Họ sẽ mặc vào dịp nào, họ muốn truyền tải thông điệp gì. Sau đó mới đến phom dáng, hiểu dáng người để thiết kế, cắt may, tính toán xem sẽ trang trí những họa tiết gì và thể hiện ý tưởng của mình ra sao. Đây cũng là điều khó khăn nhất vì khi bắt đầu thiết kế, mình phải thực sự hiểu được khách hàng, để làm được điều này không thể qua một, hai lần nói chuyện mà cần có sự trải nghiệm và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, với mỗi nhà thiết kế khó khăn còn đến từ việc tìm tòi và lựa chọn cảm hứng thiết kế, làm sao để có thể truyền tải hết ý nghĩa của trang phục và người nhìn cũng cảm nhận được điều đó.

Chỉ cần nỗ lực và tin mình làm được, ắt sẽ làm được

Chỉ tính riêng năm 2019, Thảo Giang đã có tới hơn 12 bộ sưu tập. Vậy, đâu là bộ sưu tập để lại ấn tượng nhất trong Giang?

- Bộ sưu tập được chú ý nhất của Giang tính đến thời điểm hiện tại là bộ sưu tập thổ cẩm của người Tày được trình diễn tại Lễ hội thổ cẩm quốc gia đầu năm 2019. Đây là bộ sưu tập sử dụng chất liệu thổ cẩm cách tân với họa tiết dân gian, có sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Sau buổi trình diễn, mình nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đơn vị truyền thông cũng như nhưng người tham dự lễ hội hôm đó. Đây cũng là bộ được đặt lại nhiều nhất và tạo tên tuổi cho mình.

Cũng một phần là bởi may mắn khi ban tổ chức lựa chọn hoa văn, họa tiết ngẫu nhiên gửi cho thí sinh, mình nhận được đề bài là hoa văn của người Tày. Bản thân mình cũng là một cô gái Tày nên mình làm bộ này với rất nhiều cảm hứng.

Đạt được thành công từ sớm khi theo đuổi sự nghiệp thiết kế áo dài, trong quá trình đó, Thảo Giang đã gặp phải những khó khăn gì? Và đâu là động lực giúp chị vượt qua?

- Điều mình cảm thấy khó khăn nhất là mình còn non trẻ về cả tuổi nghề lẫn trải nghiệm, có những lúc mình loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm thế là đúng hay sai, chán nản và buông xuôi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng may mắn bên cạnh mình luôn có thầy, những anh chị cho mình lời khuyên, giúp đỡ mình nên mọi chuyện rồi cũng suôn sẻ.

Là một cô gái dân tộc thiểu số, không có hậu thuẫn từ gia đình, đó không phải là khó khăn mà là động lực khiến mình phải nỗ lực nhiều hơn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là về bộ sưu tập đầu tiên, mình hoàn thành chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tháng. Mới vào học, thầy nói chuẩn bị làm bộ sưu tập để diễn mình đã rất hoang mang vì còn chưa biết cắt may như thế nào. Mình nhớ thời điểm đó, vừa học vừa làm ở xưởng từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, buổi tối về tranh thủ vẽ đến 3 giờ sáng, ngủ một lúc xong lại dạy đi học, cứ như thế trong một khoảng thời gian rất dài. Có những cái áo vẽ đến 2 tuần mới xong, vẽ xong còn phải thêu nữa, khối lượng công việc rất khủng khiếp. Thế nhưng đến lúc làm xong, nhìn thấy bộ sưu tập của mình trên sàn diễn, nhận được lời khen của mọi người, mình như vỡ òa và mình tin rằng: Chỉ cần nỗ lực và tin mình làm được, ắt sẽ làm được. Như trước đây, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ học thiết kế thời trang, bởi vì mình không biết có đủ sáng tạo để làm điều đó không. Sau này khi mình thực sự bắt tay vào rồi thì mới thấy, à thì ra là sự sáng tạo là không giới hạn khi mình thực sự rèn luyện nó.

Theo Thảo Giang, tương lai của áo dài sẽ ra sao, Giang có thể bật mí một vài dự định trong tương lai của bạn được không?

- Gần 2 năm theo đuổi thiết kế áo dài chuyên nghiệp, Giang cũng đã có rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân, sử dụng khả năng của mình đóng góp cho quê hương, cống hiến cho xã hội. Mình cũng có cơ hội đi nhiều hơn, khám phá nhiều hơn, mở rộng vốn hiểu biết. Với mình, áo dài sẽ trường tồn cùng thời gian vì áo dài là di sản văn hóa của nước mình, sẽ không thể bị thay thế hay xóa bỏ.

Trong tương lai, mình muốn góp một phần nhỏ bé, thông qua trang phục sẽ giúp áo dài sớm được công nhận là quốc phục của Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, những làng nghề truyền thống, đưa văn hóa Việt nói chung và áo dài nói riêng đến gần hơn với bạn bè quốc tế, truyền cảm hứng cho nhiều người hơn thông qua các tác phẩm của mình.

Cảm ơn Thảo Giang với những chia sẻ vừa rồi!

VŨ THẢO GIANG

- Sinh năm: 1994, dân tộc Tày, quê quán: Thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình, Cao Bằng). Từ 2013 - 2017: Tốt nghiệp Khoa Công tác xã hội - Học viên Phụ nữ Việt Nam.

- Các tác phẩm tiêu biểu:

+ Tháng 11.2018: Bộ sưu tập đầu tiên mang tên “Những cánh hoa trên thiên đường” (Heavenly Petals) được thực hiện trong vòng 3 tháng, nhận được sự đánh giá cao khi trình diễn tại sự kiện Doanh nhân Thủ đô Hà Nội.

+ Các bộ sưu tập áo dài: “Hoa nắng”, “Phố làng”, “Nụ cười của nắng” được lựa chọn trình diễn tại nhiều chương trình như: Lễ hội thổ cẩm, Lễ hội áo dài TP.Hồ Chí Minh, Chương trình văn hóa hữu nghị Việt - Hàn, Việt - Pháp... được giới chuyên môn đánh giá cao.

+ 2 bộ sưu tập “Khăn choàng lụa non nước Cao Bằng” và “Áo dài thổ cẩm Cao Bằng” đã lần lượt đạt giải Nhất và Khuyến khích trong Cuộc thi sáng tạo ý tưởng sản phẩm du lịch tỉnh Cao bằng năm 2019.

+ Ngoài ra, Thảo Giang còn là tác giả của những bộ sưu tập khác như: “Dáng ngọc phương Đông”, “Hạt ngọc trời” để tôn vinh nền văn hóa lúa nước và “Sương thu” với niềm tự hào áo dài Việt.

Nguyễn Thu Hiền (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Độc đáo ý tưởng kết hợp áo dài và nhảy Dancesport

Linh Chi |

Là người yêu áo dài, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã cùng Kiện tướng Dancesport (khiêu vũ thể thao) Chí Anh tạo nên điệu nhảy kết hợp giữa áo dài và Dancesport.

Ngắm vẻ đẹp của Hoa hậu Ngọc Hân với tà áo dài truyền thống

Thái An |

Hoa hậu Ngọc Hân hạnh phúc khi nhận được sự cổ vũ của chồng sắp cưới khi tham gia trong chương trình "Áo dài – Di sản văn hoá Việt Nam" tại Hà Nội.

Sẽ đệ trình áo dài Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Hương Giang |

Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO...

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Độc đáo ý tưởng kết hợp áo dài và nhảy Dancesport

Linh Chi |

Là người yêu áo dài, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã cùng Kiện tướng Dancesport (khiêu vũ thể thao) Chí Anh tạo nên điệu nhảy kết hợp giữa áo dài và Dancesport.

Ngắm vẻ đẹp của Hoa hậu Ngọc Hân với tà áo dài truyền thống

Thái An |

Hoa hậu Ngọc Hân hạnh phúc khi nhận được sự cổ vũ của chồng sắp cưới khi tham gia trong chương trình "Áo dài – Di sản văn hoá Việt Nam" tại Hà Nội.

Sẽ đệ trình áo dài Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Hương Giang |

Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO...