Vụ khủng bố xe tải tại Berlin: Thêm một thử thách lớn không chỉ với nước Đức

XUÂN THỌ |

Vụ tấn công bằng xe tải tại chợ tết Giáng sinh Berlin tối 19.12.16 làm 12 người chết và 53 người bị thương co lẽ đã góp phần làm thay đổi nước Đức.

Những người xưa nay hy vọng là nước Đức sẽ không bị tấn công vì đã tỏ ra nhún nhường hơn Mỹ, Anh, Pháp trong các liên minh quân sự chống IS hay El Quaida nay đã thất vọng.

Những người vẫn tin là lực lượng cảnh sát của Đức, vốn đã đi trước IS trong nhiều âm mưu tấn công trước đấy, bỗng thấy hụt hẫng. Cảm giác bất an bao trùm lên không khí ngày Giáng sinh và những ngày chào đón năm mới. Một số người Đức tốt bụng, từng cưu mang, giúp đỡ người tị nạn Trung đông, nay có cảm giác bị bội ơn hoặc thậm chí nghi ngờ động cơ từ thiện của mình. Trong khi đó, các phần tử cánh hữu, bài ngoại dựa vào vụ này để kích động.

Đại diện các tôn giáo nắm tay nhau bày tỏ tình đoàn kết hôm 20.12.2016.

Hai ngày sau vụ khủng bố đẫm máu đó, tất cả các báo lớn trên thế giới như El Pais (Tây Ban Nha) La Croix (Pháp), Financial Time (Anh), Neue Zurcher Zeitung (Thụy Sĩ) đồng loạt ca ngợi phản ứng mẫu mực của nhân dân Đức, xứng đáng là một “Xã hội dân chủ già dặn” (Eine reife demokratische Gesellschaft).

Trong khi lực lượng cực hữu đang đe dọa các nền dân chủ châu Âu, như cơn địa chấn Brexit của UKIP bên Anh, hoặc việc Marie le Pen sẽ ứng cử tổng thống Pháp năm 2017, hoặc Geerd Wilders đang tìm cách đưa Hòa Lan ra khỏi EU, hay việc ứng cử viên cực hữu Norbert Hofer suýt trở thành Tổng thống Áo trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua (46,3%), thì những gì xảy ra trên chính trường Đức đã khẳng định các đánh giá trên.

Phản ứng của xã hội Đức

Tổng thống, Thủ tướng Đức và rất nhiều nhân vật tên tuổi trong xã hội đã chia buồn với nạn nhân, kêu gọi cảnh giác, kể cả với bọn khủng bố và cả với những kẻ lợi dụng khủng bố để chia rẽ xã hội. Cả 2.500 chợ Giáng sinh khắp nước Đức đều tiếp tục mở cửa, sau khi mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân. Dân chúng Đức đã chứng minh là khủng bố không thể phá vỡ cuộc sống văn minh tự do của họ.

Ngay sau vụ khủng bố xảy ra, những người đứng đầu bốn giáo hội chính tại Berlin: Thiên chúa, Tin Lành, Do thái và Hồi giáo đã đến Nhà thờ Tưởng niệm, ngay bên cạnh chợ Giáng sinh, đồng thanh lên tiếng phản đối hành vi khủng bố man rợ và tưởng niệm các nạn nhân với thông điệp từ các nhà tu hành: “Không thể dùng thù hận để trả lời hận thù”.

Chính giới Đức đang ở trong giai đoạn bất đồng về chính sách tị nạn của bà Merkel nên phản ứng không đồng nhất. Phe bảo thủ trong Liên minh xã hội thiên chúa giáo CSU đã tăng sức ép lên phe của bà thủ tướng, đòi thắt chặt luật tị nạn và tiến hành trục xuất nhanh chóng những người không đủ tiêu chuẩn tị nạn.

Đảng dân túy “Sự lựa chọn của nước Đức” AfD hiện nay được 12% dân chúng ủng hộ theo thăm dò dư luận, chắc chắn sẽ vượt ngưỡng 5% để vào quốc hội Đức trong cuộc bầu cử tháng 9.2017. Tuy nhiên khả năng tham chính của AfD là 0%. Tất cả các chính đảng trong quốc hội đều tuyên bố sẽ không bắt tay AfD. Đây chính là sự khác nhau cả về chất và về lượng của nền dân chủ ở Đức, so với các nước láng giềng.

Hiện ở Đức, người nhập cư gốc Hồi giáo nói riêng và người ngoại quốc nói chung còn lo sợ làn sóng bài ngoại sẽ nổi lên rầm rộ như đã từng xảy ra năm ngoái với hàng chục vụ đốt nhà, tấn công người nhập cư. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Phần đông người Đức có cái nhìn công bằng trong vấn đề này: Việc giúp đỡ những người tị nạn và việc phải trấn áp và tiêu diệt các âm mưu khủng bố là hai nhiệm vụ của xã hội để bảo vệ nền dân chủ và chủ nghĩa nhân đạo.

Dư luận xã hội và chính giới Đức cũng bác bỏ ngay ý kiến đưa Quân đội Đức vào hỗ trợ cảnh sát bảo vệ nội địa. Người Đức cho rằng: Quân đội chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tổ quốc trước các cuộc xâm lăng, không được can thiệp vào các hoạt động an ninh nội địa. Nếu cảnh sát yếu kém hoặc quá tải thì phải giải quyết tận gốc vấn đề đó. Việc nào ra việc nấy.

Bài học lịch sử về Chủ nghĩa Phát xít chính là chất xúc tác tạo ra sự vững bền của thể chế dân chủ, của các tư tưởng tự do ở Đức.

Chính sách tị nạn của Đức

Bản thân tôi, người không hề bầu cho Thủ tướng Merkel trong ba cuộc bầu cử vừa qua, nhưng câu nói ngày 15.9.2015 của bà, đáp lại những kẻ phê phán chính sách mở cửa đón tị nạn: “Nếu giờ đây, chúng ta phải xin lỗi vì chúng ta đã có những cử chỉ nhân đạo trong lúc hoạn nạn thì đây không phải là đất nước của tôi”, đã khiến tôi khâm phục người phụ nữ này.

Bà Angela Merkel lớn lên tại CHDC Đức, quá thấu hiểu số phận của những người tị nạn. Mùa hè 2015, được cổ vũ bởi dư luận tiến bộ Đức, bà đã quyết định mở của đón gần một triệu người tị nạn Trung Đông đang đói khát và bị xua đuổi khắp Châu Âu. Quyết định hợp lòng dân đó đã cứu sống hàng trăm ngàn người. Hình ảnh hàng ngàn người Đức giang tay đón người tị nạn lan truyền khắp thế giới không phải là sự bịa đặt của truyền thông nước này, mà là một bằng chứng của một xã hội nhân đạo.

Việc quyết định của Thủ tướng Merkel nhận được sự đồng thuận của xã hội và và ủng hộ của chính giới Đức liên quan đến lịch sử hình thành nước CHLB Đức sau chiến tranh.

Các chính khách lập quốc hồi đó, Konrad Adenau, Willy Brand, những người tị nạn phát xít từ Bắc Âu trở về, hay Theodor Heuss, nạn nhân của chế độ Quốc xã, đã quyết tâm xây dựng một nước Đức dân chủ để rồi từ mảnh đất này không bao giờ có thể lặp lại các thảm kịch của Chủ nghĩa Phát xít hay Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc.

Ngày 23.5.1949 bản hiến pháp văn minh nhất trong lịch sử dân tộc Đức ra đời, trong đó điều 16a khẳng định quyền được tị nạn chính trị của con người và trách nhiệm bảo vệ người tị nạn của nhà nước Đức. Do đó, Đức là nước có Bộ luật tị nạn (Asylgesetz) hào hiệp nhất thế giới.

Khung luật pháp và hệ thống cơ quan nhà nước chuyên trách về tị nạn đã cho phép nước Đức bỏ ra 16 tỉ Euro để đón nhận, chăm sóc gần một triệu người tị nạn trong thời gian ngắn nhất. Nước Đức, quê hương của “Câu chuyện thần kỳ về kinh tế” trong thế kỷ 20, mùa hè 2015 đã tạo ra một tấm gương về Chủ nghĩa Nhân đạo cho toàn thế giới.

Sự đánh tráo khái niệm của những kẻ mị dân

Vài giờ sau khi vụ khủng bố Berlin xảy ra, ông Marcus Pretzell, lãnh đạo của AfD đã gọi cái chết của nạn nhân vụ khủng bố là “Những cái chết của bà Merkel”.

Với tuyên bố này AfD muốn gắn trách nhiệm của vụ khủng bố, không phải vào bọn giết người, mà vào hệ thống chính trị hiện hành của nước Đức. Có nhiều người tin vào điều đó, mặc dù từ vụ đánh bom thất bại năm 2012 ở nhà ga Koln, nước Đức đã là mục tiêu khủng bố.

Tuyên bố của Pretzell đã bị hàng ngàn công dân mạng phản đối và một phụ nữ đã yêu cầu cảnh sát vào cuộc, điều tra hình sự lời tuyên bố mang tính kích động hằn thù đó. Dư luận Đức đã bác bỏ các luận điệu của AfD vì những lý do:

Các tổ chức hồi giáo cực đoan vẫn lấy khủng bố là một mục tiêu để đánh vào xã hội văn minh nên từ 2011 đến nay, trước khi có khủng hoảng tị nạn, bọn chúng đã liên tục tấn công khắp Châu Âu, từ Nga, Bulgary, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức. Chúng đã chủ động đưa bọn khủng bố đến các mục tiêu mà không cần lợi dụng dòng người tị nạn.

Từ 2014 đến nay, Pháp và Bỉ, tuy không nhận người tị nạn Trung Đông như Đức, nhưng lại chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố với hàng trăm người chết, do chính những kẻ lớn lên tại Châu Âu thực hiện.

Việc các cuộc tấn công gần đây, kể cả bất thành, lại do chính những kẻ khủng bố len lỏi vào dòng người tị nạn gây ra, cho thấy một âm mưu khác: Dùng con bài tị nạn để tạo nên một thứ thuốc nổ mới trong lòng xã hội, phá vỡ nền dân chủ.

Thử thách đối với nền dân chủ

Trong thực tế, làn sóng một triệu người, đa số theo đạo Hồi được nhận vào Đức đã đặt dân tộc này trước một thử thách chưa từng có. Một nền kinh tế với 4.000 tỉ USD GDP có thể giải quyết được chỗ ăn chỗ ở cho họ, nhưng những khác biệt về văn hóa, về tôn giáo, về lối sống thì chắc chắn là cần thời gian và lòng kiên nhẫn cao độ.

Ngay cả việc để dòng người tị nạn ồ ạt vào Đức một cách không kiểm soát trong những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng hiện đang để lại cho các cơ quan tình báo khá nhiều vấn đề đau đầu.

Bên cạnh lý do chính là lực lượng an ninh của Đức, kể cả về số lượng và chất lượng, chưa được chuẩn bị cho cuộc chiến chống khủng bố ở tầm cỡ này, còn có những yếu tố khác đang gây khó khăn cho họ:

Liên minh Châu Âu, thành quả lớn nhất của nhân loại về hòa bình và thịnh vượng, tuy đạt được sự đồng nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng lại không thống nhất với nhau trong chính sách tị nạn và an ninh. Chính sự bất đồng trong chính sách tị nạn của EU năm 2015 đã buộc bà Merkel phải mở cửa biên giới một cách thiếu kiểm soát nhằm tránh một thảm họa nhân đạo.

Hệ thống luật pháp xưa nay nhằm đảm bảo quyền tự do tối đa cho công dân trong chế dân chủ đã tạo ra khá nhiều kẽ hở. Tên khủng bố Anis Amri, tuy nằm trong danh sách 500 “kẻ nguy hiểm”, nhưng vẫn tự do đi lại khắp nước Đức mà không bị theo dõi. Việc trục xuất Amri cũng bị kéo dài vì còn chờ các giấy tờ thích hợp.

Những kẻ khủng bố bị bắt hoặc bị truy nã ở Đức tuy đã có các tiền án ở Hy Lạp hoặc Italia, nhưng thông tin về chúng hoàn toàn không được chuyển về Đức. Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Hy Lạp, Italia, có thể sẽ đe dọa sự tồn tại của EU.

Nhưng sự không thống nhất trong chính sách tị nạn và nhập cư chắc chắn sẽ dẫn đến sự tan rã của cộng đồng này.

Tổng thống Joachim Gauk trong phát biểu ngày Giáng sinh 2016 đã tuyên bố: Phải dùng mọi biện pháp để xây dựng một nền dân chủ có khả năng tự bảo vệ (wehrhafte Demokratie). Đối với nước Đức và EU, thay đổi để tạo ra nền dân chủ biết tự bảo vệ mình là lựa chọn duy nhất.

Cologne 25.12.2016.

XUÂN THỌ
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Ác mộng ADN - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Trong câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng nghe tâm sự của một cô gái trẻ vừa đi hưởng tuần trăng mật trở về đã vấp phải một sự việc mà có lẽ, chỉ một vài giờ đồng hồ trước đó, cô không bao giờ có thể tưởng tượng ra được: Người chồng mới cưới của cô có con riêng.

Nhiều ôtô chạy trên cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dù chưa được phép lưu thông

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết mới đang thông xe kỹ thuật, chưa lắp đặt biển báo cũng như chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật để lưu thông nhưng nhiều ôtô đã chạy vào, bất chấp những vị trí có tấm bêtông chắn ngang.

Hàng trăm thanh niên xô đẩy trước cửa đền tranh cướp sợi chiếu

Hải Nguyễn |

Sau phần lễ tế, chiếc nồi đất bị đập vỡ tại sân đền Đức Bà là lúc tích trò đúc bụt náo nhiệt nhất. Hàng trăm thanh niên tranh nhau tiến sát cửa đền để mong giành được sợi chiếu sớm nhất tại lễ hội đúc bụt.

Câu lạc bộ Hà Nội giành Siêu cúp Quốc gia 2022

NHÓM PV |

Thắng CLB Hải Phòng 2-0, Hà Nội có lần thứ 5 vô địch Siêu cúp Quốc gia.

Đưa du khách Châu Âu trải nghiệm trên du thuyền từ Cần Thơ đi Campuchia

TẠ QUANG |

Hơn 60 du khách Châu Âu được khởi hành từ Cần Thơ đi Campuchia trên du thuyền triệu đô Victoria Mekong, vừa tham quan vừa trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người dân sinh sống dọc sông Mê Kông.

Xuất siêu đạt mức 3,6 tỉ USD ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023

Vũ Long |

Tháng 1.2023, ước tính Việt Nam xuất siêu 3,6 tỉ USD. Đặc biệt, trong nhóm hàng nhập khẩu, nhóm nguyên liệu sản xuất chiếm số áp đảo.

Công nhân Miền Tây trở lại thành phố: Hy vọng năm mới ổn định hơn

Phong Linh |

Sáng và trưa 29.1, dòng người từ các tỉnh Miền Tây di chuyển qua cầu Cần Thơ để trở về thành phố làm việc khá đông. Dù thời tiết không thuận lợi, nhiều công nhân vẫn cố gắng dừng chân ăn vội chiếc bánh để tiếp tục hành trình...

Những nhóm hàng tăng giá đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng mạnh

Vũ Long |

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2023 tăng 4,89% do nhiều yếu tố, trong đó, tác động nhiều nhất là sự tăng giá của hàng hóa Tết, giá nhiên liệu.