Năm 2016, Voọc chà vá chân nâu được cộng đồng đề xuất chọn trở thành biểu tượng đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tại bán đảo Sơn Trà - nơi sinh sống của 300 cá thể Voọc, đã xảy ra 2 vụ chặt phá rừng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của loài vật này. Công tác bảo vệ, bảo tồn Voọc chà vá chân nâu - báu vật của Sơn Trà đang đứng trước nhiều thách thức.
Rừng Sơn Trà bị xâm hại
Sơn Trà là một bán đảo đặc biệt khi kết hợp ba yếu tố kinh tế - quốc phòng - bảo tồn thiên nhiên, trong đó quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên phải được xem là cốt lõi. Khu bảo tồn Sơn Trà được thành lập năm 1989 và được ví như viên ngọc quý của Đà Nẵng bởi sự đa dạng sinh học ở đây. Thế nhưng, thực tế hiện nay, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vẫn chưa thực sự được bảo vệ hoàn toàn. Mỗi năm, có hàng chục ha rừng nguyên sinh tại bán đảo bị chặt phá, làm phá vỡ thảm thực vật tự nhiên, làm mất đi nơi cư trú các loài động vật.
Tháng 2.2016, ngay sau dịp Tết Nguyên đán, tại tiểu khu 62 (thuộc khu vực suối Đá Đen, bán đảo Sơn Trà), hơn 4ha rừng bị chặt phá, chủ rừng tự ý khai phá, mở đường lớn đi lại trong khu rừng với độ dài gần 300m và dựng lán trại cho công nhân ăn ở để phát quang, dọn rừng. Đáng chú ý là sự việc diễn ra cả tháng nhưng kiểm lâm không hay biết mà phải đến khi có phản ánh của người dân, lực lượng chức năng mới phát hiện và xử lý.
Khu rừng này có tổng diện tích 7ha, do Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn giao khoán trồng rừng và cây ăn quả cho ông Nguyễn Văn Tâm (trú phường Thọ Quang) hơn 15 năm nay. Sau khi được giao đất, ông Tâm ủy quyền sử dụng đất lại cho 3 người khác cùng phường Thọ Quang. Sau khi bị phát giác, nhiều cơ quan ban ngành và lãnh đạo TP đã vào cuộc, hai cán bộ chủ chốt của Hạt Kiểm lâm Sơn Trà bị cách chức. Thế nhưng, vụ phá rừng Sơn Trà đầu tháng 2 chưa lắng lại, thì cơ quan chức năng lại tiếp tục phát hiện thêm vụ phá rừng Sơn Trà mới.
Đầu tháng 6 vừa qua, thông tin từ Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa có báo báo gửi Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về vụ phá rừng nghiêm trọng vừa xảy ra tại tiểu khu 63 rừng Sơn Trà. Theo đó, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra hiện trường vụ chặt phá rừng tại khu vực Trường Mai thuộc tiểu khu 63 rừng Sơn Trà. Qua kiểm tra phát hiện tổng số cây gỗ rừng tự nhiên bị khai thác là 16 cây, ông Phạm Trường Mai (1988, trú tổ 51, P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) thừa nhận khai thác số cây gỗ nói trên. Hiện Thanh tra TP. Đà Nẵng đã chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ở bán đảo Sơn Trà.
Theo thông tin của đại diện Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, trong thời gian hỗ trợ nghiên cứu về quần thể Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà từ năm 2015, các nghiên cứu sinh và Hạt Kiểm lâm đã tháo dỡ gần 2.000 bẫy thú, chim các loại.
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Đà Nẵng cho biết, hiện nay trên bán đảo Sơn Trà có 2.539ha rừng nằm trong khu bảo tồn và 1.073ha đất được UBND TP giao khoán cho dân trồng rừng và các đơn vị xây dựng khu du lịch. Nhận định về tình hình xâm hại rừng Sơn Trà hiện nay, ông Phương cho biết, Hạt Kiểm lâm đang tổ chức đoàn thanh tra liên ngành rà soát lại toàn bộ khu bảo tồn Sơn Trà: “Sai ở đâu xử lý ở đó, giải phẫu mọi vấn đề cùng một lúc để đưa ra giải pháp cụ thể để chỉnh đốn việc bảo vệ bán đảo Sơn Trà”.
Voọc kêu cứu!
Voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Với bộ lông đặc trưng 5 màu nổi bật, loài vật này được mọi người gọi là Voọc ngũ sắc và tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Voọc là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao khi chỉ còn dưới 2.000 cá thể, riêng VN chiếm 50%.

Ở Việt Nam, Voọc chà vá chân nâu sinh sống từ Nghệ An đến Kon Tum trong các khu rừng nguyên sinh. Tại Sơn Trà - Đà Nẵng, đại gia đình Voọc có khoảng 300 cá thể. Loài linh trưởng này sống theo gia đình, trung bình từ 5 - 7 thành viên, ở các tầng tán cao của rừng; Thức ăn chính là lá của các loài thực vật: đa, chò, dẻ, trâm trắng… Sách Đỏ Việt Nam (2007) xếp loài vào bậc nguy cấp (EN). Và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, xếp loài vào nhóm IB - nghiêm cấm mọi hình thức khai thác và sử dụng.
Tuy nhiên hiện nay, sự sống của Voọc bị đe dọa nghiêm trọng vì bị mất và chia cắt sinh cảnh sống cũng như một số hoạt động du lịch không thân thiện với môi trường cũng như việc chặt phá rừng chưa được kiểm soát. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu du lịch, các công trình lấn sông, lấn biển làm thay đổi cảnh quan sinh thái, phá vỡ nơi cư trú của các loài sinh vật; sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai ảnh hưởng đến các quần thể động vật, thực vật bản địa; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương còn nhiều hạn chế.
Chị Lê Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh cho biết, khu vực bị tàn phá vào tháng 2.2016 vừa qua là nơi cư trú của 7 - 8 gia đình Voọc chà vá chân nâu với khoảng 70 cá thể. Việc tàn phá rừng khiến Voọc bị mất nơi sinh sống và mất đi nguồn thức ăn. Các đàn Voọc phải di chuyển đi nơi khác, điều này dẫn đến việc lạc đàn, không thích ứng với nơi ở mới… Nếu việc phá rừng không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ phá vỡ hệ thực vật tự nhiên, về lâu dài là nguy cơ mất đi một khu rừng già nguyên sinh với hệ động vật thực vật tự nhiên trong lòng thành phố Đà Nẵng.
Trước tình hình này, tháng 3.2016, tại Hội nghị “Kế hoạch hành động bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam”, các nhà bảo tồn đã nhất trí nâng mức độ nguy cấp của Voọc chà vá chân nâu từ EN - Nguy cấp lên thành CR - cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Thế giới IUCN. Trong bối cảnh số phận của các loài linh trưởng Việt Nam, đặc biệt là các loài Voọc chà vá đối diện với nguy cơ tuyệt chủng ngày càng cao.
Đặc biệt, riêng tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, với đặc điểm là khu hệ bán đảo cô lập, đặc thù địa hình không có hành lang sinh học tự nhiên, nên những hoạt động của con người đang tác động xấu tới cảnh quan và môi trường trên bán đảo. Việc phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông và phát triển du lịch sinh thái ngay trong Khu Bảo tồn theo kiểu "mở toang cánh cửa" cho du khách tự do xâm nhập, đã hủy hoại đáng kể đến sự đa dạng sinh học.
Tập tính của loài Vọoc vá chân nâu là ăn, nghỉ, ngủ trong một thời điểm nhất định, ngay cả thức ăn trong ngày cũng khác nhau và theo từng mùa, chúng chỉ di chuyển trên cây. Do đó, việc xây dựng các khu du lịch và mở đường giao thông trong Khu Bảo tồn đang làm cô lập chúng với chuỗi thức ăn theo tập tính.
“Nếu chúng ta không nhận thức là hành động ngay hôm nay thì không chỉ Sơn Trà hay Việt Nam mà Thế giới sẽ có nguy cơ mất đi một báu vật”, chị Trang khẳng định.