Vợ bộ đội Trường Sa

lê ngọc minh |

Anh Nguyễn Văn Hào, cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Sầm Sơn, vốn là thầy giáo dạy văn của một trường trung học phổ thông của huyện Quảng Xương. Anh đưa tôi và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Tân Tiến đến thăm Trường Tiểu học Quảng Thọ, một trường dạy giỏi - học chăm thuộc tốp đầu trong huyện trước đây và của thành phố Sầm Sơn hiện nay, để gặp một cô giáo tiêu biểu, là vợ “ lính” Trường Sa.

1. Cô hiệu trưởng Lê Thị Hồng là người cởi mở, hiếu khách. Cô giới thiệu ngắn gọn nhưng có nhiều thông tin: Xã Quảng Thọ của huyện Quảng Xương, từ năm 2017 đã trở thành phường Quảng Thọ thuộc thành phố Sầm Sơn vốn là một vùng đất học, có nhiều người đỗ đạt. Trước năm 1945, cả vùng đông bắc Quảng Xương chỉ có mỗi một trường tiểu học, hai phòng ở chợ Cầu Trỏi, làng Hòa Chúng nhưng nổi tiếng có nhiều học trò xuất sắc, năm nào khai giảng cũng có quan đốc học trên tỉnh về dự. Năm 1932 còn có cả Thượng thư Bộ Học từ Huế ra thăm và khen thưởng cho học trò đứng đầu lớp. Sau Cách mạng tháng Tám, trường mang tên Trường phổ thông cấp I Quảng Thọ. Nhiều vị tướng, tá, nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, giáo sư, tiến sĩ..., có vị là bộ trưởng đã từng học ở ngôi trường này. Ngày nay, có trường lớp khang trang, với tám trăm học sinh, cùng hơn ba mươi thầy cô giáo, Trường Tiểu học Quảng Thọ quyết tâm gìn giữ truyền thống vùng đất học, luôn đạt chất lượng dạy và học ở hàng tốp đầu của hệ thống trường tiểu học thành phố Sầm Sơn. Trong số các giáo viên dạy giỏi, có nhiều học trò xuất sắc lại đảm đang việc nhà là cô giáo Lê Thị Tâm, vợ của một thượng úy công binh bộ đội Trường Sa...

Là người năng động và quán xuyến, cô hiệu trưởng bật máy gọi, chỉ một lúc sau thầy hiệu phó đến. Qua câu chuyện của ban giám hiệu, chúng tôi được biết, gia cảnh cô giáo Lê Thị Tâm khá neo đơn, vất vả, chồng là bộ đội Trường Sa, mỗi năm chỉ được về phép thăm nhà một lần, vào dịp trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Cháu đầu sinh năm 2003 bị tật nguyền từ nhỏ, không thể đi lại được và ba cháu sau (có một cặp song sinh) lít nhít trứng gà trứng vịt đều chủ yếu do một tay cô giáo Tâm trông nom, nuôi dạy với sự giúp đỡ của bà ngoại đã ngoài bảy mươi tuổi. Vượt lên hoàn cảnh, cô giáo Tâm đã phấn đấu trở thành một giáo viên dạy giỏi và được kết nạp Đảng (năm 2009) khi là giáo viên tiểu học ở một xã vùng khó khăn, cách xa nhà đến 13km.

Cô Tâm và các con ở nhà.
Cô Tâm và các con ở nhà.

2. Từ ngày chuyển về dạy ở Trường Tiểu học Quảng Thọ gần nhà, cô giáo Tâm như có thêm điều kiện về thời gian để phát huy năng lực nhà giáo của mình. Được ban giám hiệu cử làm trưởng khối lớp 2, cô giáo Tâm đã cùng các đồng nghiệp xây dựng khối thành một tập thể nhỏ, thầy dạy giỏi, trò chăm ngoan, nội bộ đoàn kết với quyết tâm, tất cả vì chất lượng học tập và tu dưỡng của học sinh. Bản thân cô giáo Tâm cũng đã đạt thành tích, nhiều năm liền là giáo viên giỏi của trường. Những năm gần đây, lớp 2 do cô chủ nhiệm, học sinh đều được lên lớp 100%, là lớp đứng đầu trong khối về chất lượng học tập và các hoạt động trí đức thể mỹ khác. Lớp còn có nhiều học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, đặc biệt có em đã đạt giải cao trong các kỳ thi năng khiếu toán học trong nước và quốc tế.

Chắc cũng là do sự sắp xếp rất năng động của cô hiệu trưởng Lê Thị Hồng mà chỉ một lát sau đó, chúng tôi thấy cô giáo Lê Thị Tâm, học sinh Nguyễn Quế Hải Đăng và phụ huynh của em cùng đến. Em Hải Đăng là học sinh lớp do cô Lê Thị Tâm làm chủ nhiệm. Trong niên khóa 2018 - 2019, em đã tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ” do hội Toán học Việt Nam tổ chức và đã đạt huy chương Bạc (học sinh lớp 2 thi chương trình lớp 3). Sau đó, em Hải Đăng tham gia kỳ thi Toán SASMO Quốc tế tổ chức tại Hà Nội, đạt huy chương Vàng và ngày 25.8 em được chọn là học sinh tiểu học xuất sắc của Thanh Hóa đi thi học sinh giỏi toán tại Trung Quốc.

Phụ huynh em một mực khen cô giáo Tâm truyền cảm hứng ham học cho các học trò của mình, không những thế đi học về, các cháu rất gần gũi quan tâm đến bố mẹ, ông bà; chỗ học tập và phòng ngủ của cháu, cháu tự sắp xếp theo sở thích nhưng gọn gàng ngăn nắp.

3. Thăm ngôi nhà hai tầng xinh xắn mới xây của gia đình cô giáo Lê Thị Tâm ở phố Mới, phường Quảng Thọ, chúng tôi không khỏi tò mò bởi cô và thượng úy Vũ Đình Hưng, quê cách xa nhau đến hơn 40km. Năm 1994, anh Hưng đã vào bộ đội lại làm lính công binh ở đảo Trường Sa; cô Tâm đến năm 1999 mới tốt nghiệp Khoa Cao đẳng Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), liền đó được điều động lên huyện miền núi Như Xuân ở tây nam tỉnh đến năm 2003 mới được về xuôi dạy học ở Trường Tiểu học xã Quảng Thái cũng rất xa nhà. Làm sao hai người có được điều kiện yêu đương rồi nên vợ, nên chồng?

Thoáng một chút ngần ngại rồi cô giáo Lê Thị Tâm kể lại. Quê cô ở huyện Nông Cống nhưng bố mẹ làm việc tại một cơ quan của thành phố Sầm Sơn. Ngày chưa đi bộ đội, anh Hưng, nhà ở xã Quảng Tâm, cách Sầm Sơn chỉ sáu, bảy cây số. Vốn là thợ mộc, chuyên đi làm thuê trong vùng, anh Hưng có vài lần đến sửa giúp nhà cửa cho gia đình cô. Hai người quen biết và quý mến nhau. Đến lúc anh đi bộ đội đóng quân ở tận Cam Ranh và đảo Trường Sa nhưng vẫn thường xuyên thư từ cho cô. Năm đầu vào học Trường Đại học Hồng Đức, cô nhận lời yêu anh lính công binh, lúc đó đang tham gia thi công nhà giàn ở vùng đảo chìm trong quần đảo Trường Sa. Đến năm 2002 khi cô còn dạy học cách nhà hơn bảy mươi cây số thì anh lính công binh Trường Sa được về phép thăm nhà và cưới cô giáo tiểu học Lê Thị Tâm.

Lặng đi giây lát, cô giáo Tâm nhỏ nhẹ nói tiếp: “Vợ chồng em lấy nhau đã hơn mười bảy năm nhưng thời gian gần nhau chưa được mười tháng. Bây giờ có phương tiện thông tin hiện đại đỡ đi nhiều lắm, chứ hồi trước, có khi đến nửa năm mới liên lạc được với nhau, nhất là thời kỳ anh Hưng đi xây dựng nhà giàn ngoài đảo chìm, hai năm mới được về phép. Nhớ lại những ngày đó, khi anh về thăm nhà, các con không còn nhận ra bố nữa. Lúc bố con làm quen được với nhau thì anh lại phải trả phép, đeo ba lô lên tàu về đơn vị. Anh Hưng là người rất tâm lý, anh không bao giờ kể chuyện gian khổ của bộ đội Trường Sa mà toàn kể những chuyện vui đời lính nhưng mỗi khi anh rửa mặt mũi chân tay hay giúp vợ con cơm nước đều thấy anh mang chậu nước đã rửa ra tưới cây, hoặc nhặt rau thì không bỏ sót một cọng lá xanh nào, đủ biết bộ đội Trường Sa luôn thiếu thốn nhiều thứ.

Vốn là một thợ mộc lành nghề, anh Hưng đã bao lần hẹn, đến kỳ phép sẽ đóng cho vợ cái bàn ngồi soạn bài, “thiết kế” cho các con mỗi đứa một góc học tập. Trân trọng tình cảm của chồng nhưng không muốn anh bị mất thời gian trong những kỳ phép ngắn ngủi nên em đã lo sắm sửa các thứ đồ gỗ đóng sẵn. Khi về thấy thế, anh chỉ bùi ngùi: “Anh đã làm bao nhiêu nhà cửa cho thiên hạ mà không đóng được một cái bàn viết cho em, một cái ghế ngồi học cho các con!”. Nghe anh nói mà thắt ruột lại nhưng em liền kéo các con đến cùng vui đùa với bố, ríu rít kể những chuyện vui ở quê”.

4. Kể đến đây, cô giáo Tâm nói tiếp: “Mười bảy năm qua, trong gia đình em, những ngày anh Hưng được về phép thăm nhà là những ngày vui vẻ và hạnh phúc nhất. Trong nhà luôn có tiếng cười nói vui vẻ, luôn có cảnh đoàn tụ người thân, bạn bè, cha con vợ chồng. Nhưng những ngày như thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay, rồi vợ chồng lại xa nhau, lại chờ đợi đến kỳ phép tới, đằng đẵng cả năm trời. Mỗi khi, nghe tin ngoài biển đảo có bão to hoặc những sự bất thường khác, em lại lo lắng cho anh Hưng, mất ngủ đến trắng cả đêm. Cũng may giờ có Zalo, vợ chồng, cha con trong gia đình em thường được nhìn nhau trong ảnh cũng bớt nhớ mong đi một phần, các con em không còn bị lạ lẫm khi bố chúng được về phép thăm nhà... Những hình ảnh này cũng làm vợi đi những lúc gặp cảnh con ốm con đau, một mình vất vả lo ngày, thức đêm trông nom, chạy chữa. Có lúc tủi thân khi nhìn mọi người xung quanh, vợ chồng sớm tối có nhau, ngày nghỉ, ngày lễ họ đèo con cái đi chơi, em lại nghĩ ngay tới chồng mình, một người lính công binh đang vất vả nơi đầu sóng ngọn gió cùng đồng đội xây công sự, cầu cảng, làm nhà giàn, xây tường chắn sóng..., trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn nhiều bề để giữ vững vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩ và nhớ thương chồng, em lấy lại được sự điềm tĩnh và có thêm động lực để vượt qua khó khăn làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo, một người mẹ, giữ trọn đạo nghĩa của một người vợ bộ đội, nhất là bộ đội biển đảo Trường Sa. Một lần, dạo mới cưới, được may mắn tiễn chồng ở quân cảng ra đảo, trước khi lên tàu, anh Hưng đưa em tờ báo Quân đội nhân dân cuối tuần, có một bài thơ, em nhớ được mấy câu: “Giang sơn giặc giã bao lần/ Bao miền quê là bấy ngần vọng phu/ Biển Đông thăm thẳm mây mù/ Vọng phu thăm thẳm đợi chờ chinh phu”. Trên hành trình về quê, cứ nghĩ đến các thím, các dì em và bao bà vợ bộ đội trong làng, ngày trước chờ chồng đi đánh giặc đến dăm, bảy năm, chục năm, em lại càng thêm kính phục những tấm gương hy sinh rất đỗi bình dị ấy”.

Thượng úy công binh Vũ Đình Hưng và các anh bộ đội Trường Sa hẳn yên lòng, bền gan trước mọi thử thách, hy sinh để gìn giữ trọn vẹn biển đảo muôn đời của Tổ quốc Việt Nam, vì ở hậu phương các anh có người vợ, người yêu, người thân như cô giáo Lê Thị Tâm.

lê ngọc minh
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.