Vĩnh biệt người mải chơi cuối cùng

Họa sĩ đỗ phấn |

Thế là họa sĩ Trịnh Tú đã rời xa cõi tạm. Anh mất vào hồi 23h36 phút ngày 10.8.2022.

Với thế hệ anh thì tuổi thọ như thế cũng không còn gì đáng phàn nàn, nhưng bạn bè dù biết anh bệnh nặng đã lâu cũng không khỏi bùi ngùi nuối tiếc.

Họa sĩ Trịnh Tú sinh năm 1949 tại Hà Nội trong một gia đình nghệ sĩ trí thức tên tuổi. Bố anh, cụ Trịnh Hữu Ngọc là họa sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông cụ thành công cả về nghệ thuật hội họa lẫn nhà sáng chế đồ nội thất từ thời Pháp thuộc. Cụ bà cũng là một họa sĩ có nhiều năm dạy vẽ các học trò Hà Nội. Có thể nói gia đình là cái nôi nâng niu năng khiếu nghệ thuật của anh từ thuở lọt lòng. Nhưng rồi chiến tranh và những năm tháng bao cấp gian khổ đã không cho anh nhiều cơ hội để an tâm rèn giũa nghệ thuật của mình. Anh chỉ được học hết bậc trung học ở trường Mỹ thuật công nghiệp.

Với vốn liếng hết sức sơ sài như thế khi ra công tác, anh đã phải dốc sức tự trau dồi và trở thành một họa sĩ giải phẫu bệnh học luôn có mặt bên cạnh Giáo sư Tôn Thất Tùng danh tiếng. Vị trí này không phải ai cũng có điều kiện để chứng tỏ mình. Ngoài việc quan sát và mô tả tỉ mỉ các cơ quan nội tạng thì đây còn là những bức vẽ giáo khoa có nghệ thuật. Nhất là dưới con mắt thẩm định khắt khe của Giáo sư Tôn Thất Tùng.

Rời khỏi môi trường làm việc bên ngành y tế, anh mới lại có cơ hội để làm quen lại từ đầu bộ môn nghệ thuật mà anh yêu thích. Hội họa. Nhưng cuộc sống áo cơm lúc này vẫn bám chặt lấy anh như một định mệnh. Anh chuyển về công tác tại Báo Lao Động, làm biên tập viên cho mảng báo chí về văn nghệ. Thỉnh thoảng có tham gia vẽ chút ít minh họa và viết phê bình giới thiệu hội họa. Đó là những công việc ít nhiều có dính líu đến sở thích của mình. Có thể nói nền giáo dục thẩm mỹ của gia đình còn in dấu rất đậm nét trong những nhận xét về nghệ thuật của anh.

Những tác phẩm cuối cùng của hoạ sĩ Trịnh Tú.
Những tác phẩm cuối cùng của hoạ sĩ Trịnh Tú.
Những tác phẩm cuối cùng của hoạ sĩ Trịnh Tú.
Những tác phẩm cuối cùng của hoạ sĩ Trịnh Tú.

Trịnh Tú là người quảng giao. Không chỉ trong thế hệ của anh mà cả các thế hệ trước và sau anh vài chục tuổi. Cái quảng giao dân dã rất đáng quí. Nhiều người không biết anh đã từng là cậu ấm con một gia đình giàu có ở Hà Nội. Đi học bằng xe ôtô nhà có người lái đưa đón hàng ngày. Phần lớn người Hà Nội chỉ biết đến một đàn ông trung niên gầy guộc với cặp kính cận thị dày cộp. Quanh năm áo quần tơi tả bạc phếch cưỡi trên chiếc xe đạp cởi truồng. Và một đặc điểm không ai có thể quên được ở con người ấy. Đó là trong túi không bao giờ có tiền.

Thế nhưng cái độ mê chơi của anh thì cũng ít ai sánh kịp. Nửa đêm gà gáy mà muốn tìm bạn uống rượu cùng thì chỉ có thể gọi được Trịnh Tú mà thôi. Anh không nề hà lóc cóc đạp chiếc xe cởi truồng đi hàng dăm bảy cây số thành phố mà có mặt. Dù rằng có rất nhiều kiến thức về các loại rượu tây anh từng làm quen từ thuở nhỏ thì cũng không ngần ngại uống rượu quê nút lá chuối một cách rất thật lòng.

Mê chơi thế nhưng Trịnh Tú lại là người sống có trách nhiệm. Việc gì bạn bè hay cơ quan giao cho thường là anh cố gắng hoàn thành mà hiếm khi lỗi hẹn. Có một người bạn là chủ quán rượu ở Sinh Từ mất vài năm trước, bạn bè tín nhiệm nhờ anh viết và đọc điếu văn. Anh tụ tập bạn uống rượu thâu đêm tưởng nhớ người vừa nằm xuống. Và điếu văn vẫn hoàn thành kịp đọc vào sáng hôm sau. Tuy nhiên lúc đọc điếu văn mọi người mới biết dư âm của cuộc rượu đêm qua vẫn còn, anh đọc nhầm lẫn vấp váp mất vài chữ. Đó là việc khiến anh ân hận mãi về sau này.

Sự nghiệp sáng tác hội họa của anh không được dày dặn lắm. Thực ra nó chỉ bắt đầu từ lúc anh nghỉ hưu ở Báo Lao Động. Lúc ấy anh mới có thời gian và cả tiền bạc để tập trung cho niềm đam mê cháy bỏng thiếu thời của mình. Người xem đã không khỏi trầm trồ về bảng hòa sắc tinh khôi sáng sủa được vẽ ra bởi một người có tuổi. Trong những trầm trồ ngợi khen ấy có thể đọc được ra cả niềm nuối tiếc.

Với họa sĩ Trịnh Tú, không khó để nhận ra nghệ thuật của anh bắt đầu từ ý thức. Qua nhiều năm làm báo và viết những bài phê bình ngắn trên báo, bạn đọc cũng xác định được phần cảm thụ của anh với hội họa là rất mạch lạc tinh tường. Nhiều họa sĩ trẻ đã nhờ có những đóng góp của anh mà tự tìm tòi và vạch ra được cho mình cả một hướng đi dẫn đến thành công.

Đây là một trường hợp khá lạ của hội họa. Bởi vì có nhiều người vẽ hôm nay hoàn toàn không có một ý niệm nào hoặc tư duy thẩm mỹ cần thiết để hành nghề. Họ say sưa vẽ chỉ với duy nhất niềm hứng khởi mà thôi. Và hoàn toàn không biết rằng, niềm hứng khởi với hội họa chỉ dùng vào việc bắt đầu. Không có bức tranh thành công nào được kết thúc bằng niềm hứng khởi nếu như không chuẩn bị đầy đủ về tay nghề.

Tranh của Trịnh Tú cho ta một cái nhìn lạc quan yêu đời không chỉ bởi bảng hòa sắc êm ái dịu dàng. Nó còn hấp dẫn người xem ở cả mặt tạo hình giản lược không màu mè nảy nót. Lối bố cục thiên về tĩnh lặng nhưng âm thầm đưa người xem đến những chuyển động nhịp nhàng tinh tế. Câu chuyện trong tranh thường mơ hồ bảng lảng nhường phần tưởng tượng cho khán giả.

Hóa ra cái sự mải chơi của Trịnh Tú phần nào lý giải cho những đàn ông phố cổ. Giao thiệp đấy nhưng có đúc kết hẳn hoi. Lãnh đạm đấy nhưng âm thầm học hỏi...

Hà Nội 8.2022

Họa sĩ đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Trịnh Tú đã bay về miền mây trắng…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI |

Thế là Trịnh Tú đã giã biệt cõi trần mênh mang của đời người và cũng là cõi riêng của Tú. Ai rồi cũng phải giã từ cõi trần và ai rồi cũng bay về miền mây trắng...

Họa sĩ Trịnh Tú qua đời ở tuổi 73

Hải Minh |

Sự ra đi của họa sĩ Trịnh Tú khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp thương tiếc. Theo thông tin từ gia đình, ông qua đời vào lúc 23 giờ 36 phút ngày 10.8.

Đi khẽ thôi Trịnh Tú nhé!

Lê Thanh Phong |

"Khẽ" là chữ của Trịnh Tú. Nhớ có lần uống rượu lâu lắm rồi, Trịnh Tú nói với bạn bè: “Chúng ta già rồi. Uống khẽ thôi để còn nhiều quỹ thời gian rong chơi với đời”.

Hà Nội mở lại tàu du lịch trên hồ Tây, chuyên gia môi trường nói gì?

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, tàu du lịch ở hồ Tây, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép các loại hình kinh doanh này mở lại. Theo TS.Hoàng Dương Tùng, thành phố nghiên cứu cho mở lại cần phải dựa trên các tiêu chí bảo vệ cảnh quan, môi trường và chất lượng nước hồ Tây sau cùng mới tính đến tiêu chí lợi nhuận thu được.

Xe đỗ thành 3 hàng chiếm nửa lòng đường, cảnh sát xử phạt không xuể

Tô Thế |

Hà Nội - Đoạn đường trước Khu chung cư CT12 Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) luôn có hàng loạt xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, xếp thành 3-4 hàng, chiếm nửa lòng đường. Mặc dù biết là vi phạm nhưng nhiều chủ xe đành chịu bị xử phạt vì "làm gì có chỗ khác mà đỗ".

Nghi nước sinh hoạt tại Hoàng Mai bẩn: Sẽ lấy mẫu nước để xét nghiệm

Minh Hạnh |

Theo phản ánh của người dân tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi thau rửa bể nước sinh hoạt đã phát hiện có rất nhiều cặn bẩn, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, đại diện Công ty Nước sạch Hoàng Mai cho rằng, muốn biết rõ nguyên nhân phải xét nghiệm nước.

Tranh cãi về việc đối chiếu máy đo nồng độ cồn

Quý An |

Tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu với kết quả đo của cơ quan chức năng đang là vấn đề gây tranh cãi.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Trịnh Tú đã bay về miền mây trắng…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI |

Thế là Trịnh Tú đã giã biệt cõi trần mênh mang của đời người và cũng là cõi riêng của Tú. Ai rồi cũng phải giã từ cõi trần và ai rồi cũng bay về miền mây trắng...

Họa sĩ Trịnh Tú qua đời ở tuổi 73

Hải Minh |

Sự ra đi của họa sĩ Trịnh Tú khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp thương tiếc. Theo thông tin từ gia đình, ông qua đời vào lúc 23 giờ 36 phút ngày 10.8.

Đi khẽ thôi Trịnh Tú nhé!

Lê Thanh Phong |

"Khẽ" là chữ của Trịnh Tú. Nhớ có lần uống rượu lâu lắm rồi, Trịnh Tú nói với bạn bè: “Chúng ta già rồi. Uống khẽ thôi để còn nhiều quỹ thời gian rong chơi với đời”.