ĐẠI SỨ THỔ NHĨ KỲ HALDUN TEKNECI:

Việt Nam luôn đứng đầu trong danh sách những nơi tôi muốn được bổ nhiệm

Nội Hà (thực hiện) |

Ngài Haldun Tekneci, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhậm chức tại Việt Nam trong một thời điểm hy hữu là đúng vào lúc đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và hoành hành. Ông đã trải qua những ngày vắng vẻ nhất của Tết cổ truyền Việt Nam và cả những lúc đường sá không một bóng người trong thời điểm giãn cách xã hội. Ông chia sẻ với phóng viên của Báo Lao Động về một năm làm việc có thể nói là kỳ lạ nhất trong sự nghiệp làm ngoại giao của ông cũng như dự đoán về bức tranh toàn cảnh của kinh tế Việt Nam sau đại dịch và những triển vọng hợp tác song phương giữa hai quốc gia.

Thưa ngài đại sứ, được biết là ngài vừa nhậm chức ở Việt Nam được một năm, nhưng lại tình cờ đúng vào đại dịch COVID-19. Ngài cảm thấy thế nào về sự việc này?

- Đúng vậy, tôi đã ở đây được tròn một năm. Tôi nhận nhiệm vụ mới vào giữa tháng 1.2020. Thực ra tôi đã phải giải quyết các công việc liên quan ngay tại quê nhà trước khi đến Hà Nội vì biết rằng thời điểm tôi đến sẽ trùng với kỳ nghỉ Tết, nhiều nơi sẽ đóng cửa và người Hà Nội sẽ đi du lịch hoặc dành thời gian cho gia đình và người thân. Nhưng việc chuẩn bị tinh thần như thế nào cũng không bằng chính mắt bạn chứng kiến điều đó. Thật là một cảm giác kỳ lạ khi thấy thành phố ồn ào và náo nhiệt với hàng vạn người trên những khúc kẹt xe bất chợt biến mất và mang một dáng vẻ hoàn toàn khác. Thoạt tiên, không khí vắng vẻ và yên tĩnh của ngày Tết thực sự mang lại nhiều cảm xúc để tôi có cơ hội khám phá Hà Nội trong trạng thái lãng đãng nhất. Tuy nhiên sau vài ngày, trạng thái vui sướng đó dần nhường chỗ cho một nốt nhạc trầm khi tôi cảm thấy dường như mình đang lãng phí thời gian làm việc hiệu quả của những ngày đầu lẽ ra phải rất bận rộn. Vì vậy, Tết Nguyên đán vừa rồi là sự pha trộn của những cảm xúc và trải nghiệm.

Sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, một lần nữa tôi lại trải qua cảm giác kỳ lạ khi toàn thành phố phải giãn cách xã hội. Nhà tôi nằm cạnh hồ Tây xinh đẹp và con đường trước cửa thường xuyên đông đúc xe cộ, người đi bộ và cả những quán cà phê tấp nập. Sau khi phong tỏa, khu vực tôi ở bỗng nhiên rất giống thời gian Tết. Hầu không một bóng người đi qua nữa. Sau khi những ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Hà Nội được phát hiện, chúng tôi cũng phải giảm bớt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và mọi hoạt động ở mức thấp nhất. Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức nhiều đoàn thăm việt Nam cũng như các hoạt động cộng đồng như trình diễn thời trang, tuần lễ ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ, triển lãm nghệ thuật... nhưng không may phải dừng hết ngay từ đầu. Hầu như mọi kế hoạch cá nhân và công việc chung đều bị đổ bể. Và tôi thấy thật nản lòng khi đề cập đến điều này.

Ngài đã rất thất vọng khi đến Việt Nam đúng vào thời điểm này?

- Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này. Chúng tôi gồm 25 đại sứ được bổ nhiệm cùng một lúc vào cuối năm 2019. Hầu hết trong số đó là bạn thân của tôi nên vẫn thường xuyên giữ liên lạc qua e-mail, Whatsapp hay Facetime. Sau đó tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng năm 2020 không giúp cải thiện vai trò đại sứ của chúng tôi chút nào cũng như không hề thúc đẩy sự nghiệp của chúng tôi. Thực tế là như vậy, vì đại dịch. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, dẫu rằng sẽ có những tình huống hy hữu mà chúng ta chưa bao giờ chứng kiến hoặc mong đợi. Vì thế, các đồng nghiệp chúng tôi ở Hà Nội cũng phải thay đổi, điều chỉnh và đặt lại ưu tiên cho các công việc thường nhật theo thực tế mới. Nếu đời chỉ cho ta một quả chanh chua gắt, thì hãy pha nó thành một ly nước chanh ngon vậy. Trở lại câu hỏi của bạn, là liệu tôi có thất vọng khi ở đây trong khoảng thời gian khó khăn này hay không. Câu trả lời là hoàn toàn KHÔNG! Dù có đại dịch hay không, Việt Nam vẫn luôn đứng đầu trong danh sách những nơi tôi muốn được bổ nhiệm làm việc.

Theo ngài thì điều gì đã khiến Việt Nam “sống sót” trong đại dịch nguy hiểm lần này?

- Tôi phải nói rằng đây là một sự kết hợp của nhiều quyết định được khéo léo đưa ra ngay từ đầu. Điều đầu tiên và tiên quyết chính là quyết tâm cao độ của chính phủ Việt Nam trong việc bảo toàn tính mạng cho công dân Việt Nam cũng như những người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Đây đã là một ưu tiên của chính phủ và tôn chỉ này vẫn được thực hiện cho đến nay. Có cả sự cân bằng khi đưa những quyết định hợp lý trong điều kiện phương tiện và năng lực về cơ sở hạ tầng y tế hiện có cũng như duy trì nền kinh tế tiếp tục hoạt động. Đây là một quan điểm đáng hoan nghênh. Tôi luôn đánh giá cao những người biết liệu cơm gắp mắm. Sự sáng suốt này cho đến nay đã cứu sống nhiều sinh mạng vô tội. Chúng ta cũng nên biết ơn những cán bộ y tế đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến này vì họ đã không tiếc công sức và nỗ lực để bảo vệ chúng ta. Tôi sẽ cho bạn biết một trong những quan sát của tôi trước khi kết thúc câu trả lời. Thành thật mà nói, theo tôi, việc ở Hà Nội chưa có hệ thống giao thông công cộng rộng khắp mà chủ yếu là xe máy, xe đạp điện, taxi, điều khiến chúng ta luôn than phiền có thể gây ô nhiễm không khí, tắc đường và thậm chí là giao thông nguy hiểm, nhưng lại giúp chúng ta tránh được kết cục xấu hơn rất nhiều trong việc kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Tôi nghĩ đây là tình huống mà bạn có thể nói “trong cái rủi có cái may”.

Tuy nhiên nhiều nguồn tin ở nước ngoài, thậm chí một số người Việt Nam cho rằng chính phủ Việt Nam đang giấu đi số lượng bệnh nhân COVID-19 thực tế vì họ không thể tin rằng chúng tôi có thể kiểm soát thành công việc lây lan virus, điều mà ngay cả các nước tiên tiến như Mỹ và Châu Âu cũng bất thành?

- Một câu hỏi khá khiêu khích. Tôi không có thông tin ban đầu về tình hình ở các nước láng giềng nhưng Việt Nam đã làm hết sức để thông tin minh bạch nhất có thể cho đến nay. Ngay từ đầu, các lãnh đạo của Việt Nam đã nhận thức rất rõ vấn đề này. Là một đại sứ ở Việt Nam, tôi chỉ có thể và chỉ nên theo dõi các số liệu của chính phủ cũng như những thông báo chính thức từ cơ quan điều hành của Liên Hợp Quốc là WHO. Tôi biết WHO có đại diện thường trú ở Việt Nam. Tôi không muốn nói về kinh nghiệm các nước khác, mỗi nước có một cách riêng. và tình hình riêng nên không thể có cách tiếp cận nào phù hợp cho tất cả. Nhưng chắc chắn là cho đến giờ thì Việt Nam đang làm rất tốt.

Dẫu sao cũng phải có mặt hạn chế nào đó chứ thưa ngài?

- Một câu hỏi hay. Như tất cả chúng ta đều biết không có người từ nước ngoài đến Việt Nam trong nhiều tháng qua ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như các nhà ngoại giao, chuyên gia nước ngoài và công dân Việt Nam hồi hương qua đường hàng không. Đây là một trong những quyết định đáng hoan nghênh của chính phủ nhằm ngăn chặn nguy cơ từ ổ dịch, đặc biệt khi bạn thấy bức tranh toàn cảnh của đại dịch này. Nhưng mọi sự lại không hoàn hảo như thế. Chúng ta có đường biên giới đất liền trải dài với ba nước láng giềng nên vẫn có một số trường hợp nhập cảnh trái phép qua các đường biên này. Nhưng tôi chắc chắn các cơ quan hữu quan của Việt Nam vẫn đang cố gắng hết sức để ngăn chặn dòng người nhập cảnh trái phép. Chúng ta cũng cần các biện pháp mạnh mẽ hơn và phạt nặng hơn để hạn chế tình trạng này.

Sau đại dịch này, mà chúng ta đều hy vọng sẽ sớm kết thúc, ngài có dự đoán gì về bức tranh kinh tế toàn cảnh của Việt Nam cũng như triển vọng hợp tác tiếp tục của hai nhà nước?

- Đất nước các bạn đang cân bằng rất tốt trong việc thu hút các công ty lớn và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các cơ sở sản xuất. Đặc biệt khi xét đến sự chuyển dịch hiện nay của các chiến lược sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể trong nhiều năm. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1978, quan hệ song phương cũng đã có những bước tiến nhất định. Bất chấp những thăng trầm của nền kinh tế toàn cầu, giai đoạn kể từ đầu những năm 2000 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về kim ngạch thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức chỉ 29 triệu đô la Mỹ năm 2000 lên xấp xỉ 1,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019. Không nghi ngờ gì nữa, tiềm năng thực sự của chúng ta còn lớn hơn như thế nhiều.

Tôi cũng vui mừng nhận thấy các công ty Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và đại sứ quán chúng tôi rất hoan nghênh điều đó và tiếp tục khuyến khích các khoản đầu tư như vậy. Việc thúc đẩy mạnh mẽ luật đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng và các ưu đãi của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu được kết quả cụ thể. Cho đến nay, hai nước đã đạt được những tiến bộ khả quan trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cơ bản cho mối quan hệ kinh tế, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều việc phải làm. Các cuộc đàm phán về Thỏa thuận Tránh đánh thuế hai lần và Thỏa thuận Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư đã hoàn tất. Một số thỏa thuận khác trong lĩnh vực hợp tác khoa học và kỹ thuật cũng đang trong quá trình đàm phán. Do vậy, tôi tin chắc rằng việc khởi động đàm phán về Hiệp định Tự do Thương mại trong tương lai gần là rất quan trọng để đảm bảo mối quan hệ đối tác thương mại mạnh mẽ, cân bằng và bền vững.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam cũng cần nâng cao hiểu biết của công chúng bằng cách khuyến khích du lịch giữa hai nước, tổ chức nhiều hơn các hoạt động văn hóa, học thuật, xã hội và tham gia thường xuyên các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở cả hai nước. Số lượng ít các cuộc tiếp xúc giữa người với người và đặc biệt việc thiếu thông tin về nhau là những yếu tố hạn chế không có lợi cho việc gia tăng thương mại và đầu tư. Một bước cần thiết để khắc phục tình hình là tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước cũng như các thủ tục thị thực của hai bên. Về vấn đề này, tôi thực sự tin rằng lịch trình hiện có của các chuyến bay hàng ngày của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ giữa Istanbul và thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy du lịch song phương sau đại dịch.

Chúng ta còn có những tiềm năng hợp tác trên lĩnh vực nào nữa không thưa ngài?

- Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt coi trọng việc kết nối với các chủ thể khác trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á là một tâm điểm đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này được giải thích rõ nhất trong chính sách “Châu Á một lần nữa” được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu công bố vào năm 2019. Sáng kiến này sẽ bao trùm và nhấn mạnh việc mở cửa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Đông Nam Á và ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã chiếm một vị trí quan trọng trong sáng kiến mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Địa lý và lịch sử đã ban tặng cho cả hai quốc gia những tài sản quý giá. Là một thành viên có ảnh hưởng và trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa nhiệm vụ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đưa mối quan hệ của mình với ASEAN lên tầm cao mới. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam mở rộng khả năng tiếp cận Châu Âu, Balkans, Caucasus, châu Phi và Trung Đông. Mối quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả cụ thể hơn trong tương lai không xa.

Điều gì khiến ngài thích nhất ở Việt Nam?

- Mặc dù tôi đã ở Việt Nam được một năm nhưng vẫn chưa có cơ hội để đến thăm những địa danh đặc trưng cho nền văn hóa đa dạng và sâu sắc của đất nước này. Thật tuyệt vời khi Việt Nam sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các bãi biển hoang sơ và hệ động thực vật còn nguyên vẹn, phong phú. Thật không may là danh sách việc cần làm của tôi ở Việt Nam ngày càng dài hơn thay vì ngắn hơn. Một trong những quyết tâm của tôi trong năm mới này là thường xuyên đi du lịch đến các vùng đất khác nhau của Việt Nam. Tôi cũng cần thăm thú Hà Nội nhiều hơn nữa để có thêm những khám phá mới, kết bạn nhiều hơn với người dân bản địa để hiểu biết thêm về văn hóa tập tục và ẩm thực địa phương giúp làm phong phú thêm kiến thức của tôi về đất nước thân thiện mà tôi tự hào và hân hạnh được làm việc tại đây. Trước khi kết thúc, tôi xin cảm ơn về cuộc phỏng vấn này và nhiệt liệt gửi lời chúc Tết đến quý độc giả của Báo Lao Động, chúc các bạn một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.

Xin cảm ơn ngài và chúc ngài một năm mới vạn sự thành công!

Nội Hà (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tiếp và làm việc với VietinBank

Lê Thương |

Sáng 25.12.2020 tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã tiếp và làm việc với Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ. Cuộc gặp song phương trước thềm năm mới 2021 góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đánh dấu sự hợp tác nhiều mặt, phát huy tiềm năng, thế mạnh với những bước nhảy vọt mới.

Đại sứ Anh tặng quà người dân vùng lũ lụt Quảng Bình

Ngọc Vân |

Đại sứ Anh Gareth Ward hôm 19.11 thăm xã Tân Ninh và Sơn Thuỷ - hai trong số những địa phương tại tỉnh Quảng Bình chịu tác động nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.

Đại sứ hữu nghị Saleem Hammad: Chúng tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam

Nhà văn Di Li |

Tôi gặp Saleem Hammad lần đầu tiên tại một lễ hội được tổ chức tại nhà riêng ngài Đại sứ Palestine. Lúc vừa vào cổng, tôi đã nghe mấy chàng trai trẻ người Palestine là nhân viên của đại sứ quán í ới gọi nhau bằng tiếng Việt: Saleem ơi Saleem, chị Di Li đến này. Người gọi là một anh chàng đẹp trai như tài tử điện ảnh, còn người vội vàng chạy ra đón tôi cũng có vóc dáng và khuôn mặt tựa diễn viên Hollywood.

Đại sứ Kazakhstan đến thăm và trao đổi hợp tác với Báo Lao Động

Ngọc Vân |

Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Báo Lao Động để độc giả Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người Kazakhstan.

Viện kiểm sát xác định Cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ có vai trò chủ mưu

Anh Tú |

Ngày 15.2, TAND TPHCM tiếp tục phần tranh luận giữa Viện kiểm sát (VKS) TPHCM và các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ.

Hà Nội sẽ nâng tầm bệnh viện để dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh

PHẠM ĐÔNG |

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc nâng tầm một số lĩnh vực là thế mạnh của các bệnh viện trực thuộc ngành y tế Hà Nội như tim mạch, thận… Từ đó, xây dựng những cơ sở này thành trung tâm khám, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Đà Nẵng tập trung xây dựng tiềm lực phòng thủ vững chắc

THÙY TRANG |

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - đề nghị Đà Nẵng tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ thành phố thực sự vững chắc, có độ tin cậy cao, bảo đảm cả trước mắt và lâu dài theo chủ trương, quan điểm chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, toàn diện.

Các bộ cần lắng nghe doanh nghiệp khi sửa nghị định về xăng dầu

Anh Tuấn |

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong thời gian vừa qua, để đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu và việc các bộ đẩy trách nhiệm cho nhau, điều này cần phải rút kinh nghiệm.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tiếp và làm việc với VietinBank

Lê Thương |

Sáng 25.12.2020 tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã tiếp và làm việc với Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ. Cuộc gặp song phương trước thềm năm mới 2021 góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đánh dấu sự hợp tác nhiều mặt, phát huy tiềm năng, thế mạnh với những bước nhảy vọt mới.

Đại sứ Anh tặng quà người dân vùng lũ lụt Quảng Bình

Ngọc Vân |

Đại sứ Anh Gareth Ward hôm 19.11 thăm xã Tân Ninh và Sơn Thuỷ - hai trong số những địa phương tại tỉnh Quảng Bình chịu tác động nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.

Đại sứ hữu nghị Saleem Hammad: Chúng tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam

Nhà văn Di Li |

Tôi gặp Saleem Hammad lần đầu tiên tại một lễ hội được tổ chức tại nhà riêng ngài Đại sứ Palestine. Lúc vừa vào cổng, tôi đã nghe mấy chàng trai trẻ người Palestine là nhân viên của đại sứ quán í ới gọi nhau bằng tiếng Việt: Saleem ơi Saleem, chị Di Li đến này. Người gọi là một anh chàng đẹp trai như tài tử điện ảnh, còn người vội vàng chạy ra đón tôi cũng có vóc dáng và khuôn mặt tựa diễn viên Hollywood.

Đại sứ Kazakhstan đến thăm và trao đổi hợp tác với Báo Lao Động

Ngọc Vân |

Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Báo Lao Động để độc giả Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người Kazakhstan.