Viễn Đông, ngẫm giữa đường trời

LÃNG QUÂN |

Sau khi nhận được thư mời, nộp phí, đăng ký đủ thứ thủ tục qua nhiều công đoạn “meo đi meo lại” trên internet, cuối cùng thì tôi cũng đã chính thức được là một thành viên người Việt Nam tham gia Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (Eastern Economic Forum 2017) tổ chức tại Vladivostok, miền Viễn Đông xa xôi và khắc nghiệt của Liên bang Nga.

Quả thật, cảnh sắc vùng Viễn Đông Siberia có thể “đo ván” bất cứ ai bằng sự quyến rũ đến đắm đuối của chúng. Từ Vladivostok bay về thủ đô của Nga cũng mất chín mười tiếng chưa kể nửa ngày quá cảnh qua các sân bay bé xíu của “vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo” nước Nga.

Hôm “lòng lưu luyến bước chân xuống thuyền” chia tay Diễn đàn, đoàn chúng tôi, cùng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng về làm việc ở Moscow. Không bay thẳng được từ Vladivostok đến Moscow được, mà phải quá cảnh sang Thượng Hải của Trung Quốc rồi vòng về “Mát”. Tức là, để đi từ tỉnh lẻ Viễn Đông về Thủ đô Nga - xứ sở rộng lớn nhất thế giới, người ta phải vòng sang Trung Quốc - đất nước đông dân nhất địa cầu. Như thế đủ thấy hết sự “mênh mang vô tận” của Nga và sự xa xôi hoang vắng của vùng Viễn Đông. Tôi tính kỹ, thế nghĩa là, đường từ Thủ đô LB Nga đến trung tâm vùng Viễn Đông xa tương đương từ Moscow về đến Hà Nội.

Chỉ hai từ “Viễn Đông” mới đủ sức mô tả sự kỳ vĩ, kỳ thú và thậm xa xôi của nơi này. Viễn Đông, là thuật ngữ dùng để chỉ các vùng cực Đông của Nga, giữa Hồ Baikal (hồ nước ngọt lớn nhất và chiếm 1/5 lượng nước ngọt không bị đóng băng quanh năm của trái đất) ở trung Seberia và Thái Bình Dương. Rộng tới 6,2 triệu kilomet vuông, bằng một phần ba tổng diện tích của quốc gia vốn rộng tới 1/6 đất đai trên toàn thế giới.

Rộng đến rợn ngợp, rộng đến gần chục tiếng bay trên trời mới đi được từ thủ đô đến trung tâm thủ phủ Viễn Đông, thế nhưng, dân số của thủ phủ vùng Viễn Đông - TP Vladivostok, trái khoáy thay, vẫn chỉ có hơn 6 trăm nghìn người, tức là bằng khoảng 1/20 dân số Hà Nội. Viễn Đông được coi là vùng đất nhiều đời băng giá, nơi ấm nhất, một năm cũng chỉ canh tác được 6 tháng vì tuyết phủ khắc nghiệt, cư dân chỉ tập trung ít ỏi ở các đô thị. Còn lại, cả bao la miền Seberia, nơi đại thi hào, mặt trời thi ca Nga, ông Pushkin và nhiều nhà cách mạng khác từng bị lưu đày kia vẫn được biết đến như khu vực có mật độ dân cư thưa thớt nhất của loài người.

Cuộc sống du mục đầy quyến rũ
Cuộc sống du mục đầy quyến rũ

2. Cảnh sắc hoang sơ đến nao lòng. Đến khoảng đầu những năm 1890, nơi đô hội nhất của vùng Viễn Đông vẫn chỉ có toen hoẻn cái pháo đài phòng ngự ven bờ biển. Nó quá xa với người Nga, dường như cũng chẳng ai có ý định chiếm lĩnh. Người Trung Quốc, người Triều Tiên còn đến đánh cá và tụ cư. Mãi đến thời Xô Viết, trước năm 1991, ngoài cư dân Xô Viết, hầu như ít ai được đến vùng Viễn Đông, du lịch thì càng tuyệt đối không.

Trong các cuộc tranh giành xưa cũ, người Nga đã đẩy người Trung Quốc, Triều Tiên và rất nhiều thế lực khác ra khỏi Viễn Đông. Người Nga, đặc biệt là Tổng thống Putin đã rất tâm huyết trong các sách lược đại khai phá miền Viễn Đông giàu tiềm năng đang “yên ngủ” này. Mà Diễn đàn Kinh tế Phương Đông được đều đặn tổ chức mấy năm qua, thu hút những nhà đầu tư danh tiếng, các tập đoàn khổng lồ của thế giới, là một ví dụ thuyết phục nhất.

 
Một góc cuộc sống đặc trưng của vùng Viễn Đông hoang vắng nổi tiếng trên địa cầu 

Tuy nhiên, người Nga đã đón những vị khách tham gia Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (lẽ ra phải dịch là Viễn Đông, Far Estern) một cách rất trang hoàng. Giữa bối cảnh hoành hành của IS và người Nga thì bất chấp hiểm nguy vẫn quyết liệt tiêu diệt bọn chúng bằng mọi giá, nên chắc là vì thế, an ninh của Diễn đàn được xiết chặt hơn bao giờ hết. Cây cổ thụ nườm nượp ven lối đi. Khu “hội chợ” phục vụ Diễn đàn cực kỳ rực rỡ với các màn múa lửa và thân thể các mỹ nữ đến từ các nước xa xôi “thiểu số” của Liên bang Nga lại còn rực nóng hơn cả lửa. Những vũ điệu cuồng say bên các khu rừng của hổ Siberia được tái hiện, những thác nước cao vổng và chảy suốt đêm ngày. Đặc biệt là trong đêm lờ nhờ trăng phương Đông xa ngái, nước réo và các ánh đèn muôn hồng ngàn tía soi vào các áng tóc suối trữ tình đổ ngay bên chân sóng biển. Bên cạnh là khu vực tái hiện cuộc sống du mục trên lưng ngựa, với những căn lều tròn đặc Mông Cổ và các bộ quần áo da lông hoang thú kiêu hùng nhất.

Vladivostok là trung tâm hành chính tỉnh Primorsky Krai, là thủ phủ vùng Viễn Đông của nước Nga. Tọa lạc gần biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên, người Trung Quốc từng khai thác tiềm năng vùng Viễn Đông này và đặt tên nó là Hải Sâm Uy, vùng đầm lầy nhiều con hải sâm bổ dưỡng béo ngậy. Trước, khu vực pháo đài bên bờ biển này là lãnh thổ của sắc tộc thiểu số Udege. Nơi đây từng là phần lãnh thổ của nhiều quốc gia, chẳng hạn như Mohe, Balhae, Goguryeo, nhà Tấn, nhà Nguyên và nhiều thế lực của Hàn Quốc và Trung Quốc khác - sau đó người Nga mua lại toàn bộ các tỉnh hàng hải và đảo Sakhalin bởi Hiệp ước Bắc Kinh năm 1860. Trong giai đoạn dài, đời nhà Thanh ở Trung Quốc, bờ biển Thái Bình Dương gần Vladivostok từng được người Trung và Mãn Châu đến định cư. Nhưng kể từ năm 1852, khi một tàu săn cá voi của Pháp nhàn du qua bờ biển tuyệt đẹp này, họ tình cờ phát hiện ở vịnh Golden Horn (Sừng Vàng) có vài ngôi làng của những cư dân Mãn Châu và Trung Quốc. Và lịch sử đã sang một trang mới, khá huy hoàng cho Vladivostok. Chỉ 8 năm sau kể từ “phát kiến địa lý” trên, ngày 2.7.1860, tính theo Tây lịch, tàu quân sự của thuyền trưởng Alexey K.Shefner đã được điều đến vịnh Golden Horn để lập trên chiếc sừng bằng vàng quý giá này một tiền đồn quân sự!

3. Thị trấn Vladivostok ra đời năm 1980. Đặc biệt ấn tượng là huy hiệu dũng mãnh mang hình hổ Siberia đã được thông qua từ năm 1883. Cũng thời điểm đó, Thực dân Pháp đang tấn công thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc và các chiến binh dùng cung nỏ người Thổ còn nai lưng ra chống đỡ.

Những vũ khí thô sơ mà bà con các sắc tộc thiểu số ở Viễn Đông đã bảo vệ lãnh thổ của mình trước rất nhiều thế lực khác.
Những vũ khí thô sơ mà bà con các sắc tộc thiểu số ở Viễn Đông đã bảo vệ lãnh thổ của mình trước rất nhiều thế lực khác.

Và trong pháo đài cổ ở bờ biển Vladivostok hôm nay, có một bảo tàng vũ khí thô sơ, các bộ giáp trụ mũ sắt và cung nổ thô sơ, tái hiện lại đích xác lịch sử bảo vệ khu vực trọng yếu mà Liên Xô sau này sử dụng làm Căn cứ hải quân chính của Hạm đội Thái Bình Dương này. Các tuyến đường sắt giữ nhiều kỷ lục trầm hùng của loài người, đã ra đời ở chính vùng Viễn Đông này, từ năm 1903 (!) - đường sắt xuyên Siberia, kết nối Vladivostok với Moskva và Châu Âu.

Ở bảo tàng vũ khí tại Vladivostok.
Ở bảo tàng vũ khí tại Vladivostok.

Đến nay, việc ngồi 7 ngày liên tục trên con tàu này, đi qua nhiều múi giờ, nhiều hoang mạc và băng giá vĩnh cửu, nhiều thành phố huyền thoại của Liên bang Nga, vẫn là mơ ước của nhiều người thích khám phá và ưa hoài cổ trên thế giới. Nhân việc hội nghị APEC 24 được tổ chức ở thủ phủ Viễn Đông năm 2012, hai cây cầu, trong đó có cầu dây văng dài nhất thế giới - cầu Russky (nối từ đất liền ra hòn đảo cùng tên) đã được xây dựng.

Ngoài kia, eo biển, tàu chiến sẫm màu như quái thú trườn mình giữa đại dương để bảo vệ các nguyên thủ của hơn 60 quốc gia. Tổng thống Vladimir Putin có mặt, dự diễn đàn, mời cơm và đối thoại với khoảng 40 doanh nhân nổi tiếng nước ngoài đã đầu tư vào Viễn Đông. Trong lịch trình siêu bận rộn của mình, nghe nói ông Putin vẫn vạm vỡ xuống tàu chiến bắt tay động viên các chiến binh ngoài vịnh Vladivostok. Chẳng trách, Tổng thống Putin được coi là thần tượng của nhiều người và nhiều thế hệ người trên thế giới.

4. An ninh Nga kiểm tra người thì kỹ... thôi rồi. Bay qua nhiều sân bay, máy ảnh máy quay của tôi vẫn nằm yên vị trong valy. Nhưng đến Vladivostok rồi Moscow, là nhẫn, vòng vèo, đồng hồ, thắt lưng, giày tất bị bắt cởi ra hết. Đống đồng hồ nằm lạo xạo như lũ cua trắng sáng trong giỏ. Tất nhiên, khi mà phòng bên là Thủ tướng Nhật Bản đang “ngự”, mật vụ an ninh Nhật và Nga quần thảo cũng chả có gì đáng ngạc nhiên. Uống nước cùng bàn với Phó Thủ tướng Liên bang Nga, Đại diện toàn quyền của ngài Putin tại vùng Viễn Đông. Lại ăn trưa cùng Thống đốc và Phó Thống đốc Moscow và rất nhiều người quan trọng khác, người ta rà soát an ninh là đúng.

Họ kiểm tra kỹ đến mức nào? Xe ôtô phải là do họ điều đến chở, lái xe phải của họ, ảnh chụp ông Putin tiếp doanh nhân cũng là do người của Tổng thống phủ chụp và “ắp” lên đâu (báo chí hoặc tivi kênh nào) là quyền của họ. Hằng ngày, một cô mắt to như giấc mộng và cao xinh như huyền thoại đến đón chúng tôi, mà em ấy lại lái xe X6 BMW, ở Việt Nam có giá dăm tỉ đồng. Sao phải hoang phí thế? An toàn là trên hết, tất nhiên rồi.

Qua cổng thì rà bom, bắt lật cốp, bắt người lại người xếp hàng soi an ninh, “dí” thẻ Diễn đàn vào để quét mã. Và, đến tận khi đặt chân tới đường bờ biển đẹp thần thánh của miền Viễn Đông với cây cầu dây văng dài nhất thế giới, tôi chưa một lần tự nguyện thò máy ra quay hoặc chụp cái gì. Nhưng thẻ nhớ thì chi chít ảnh bị ép... chụp thử. Đi ra, đi vào phòng mình ngủ, cứ nhìn thấy cái dáng khả nghi lôi thôi của tôi là nhân viên an ninh lực lưỡng bắt mở túi, chỉ tay vào máy ảnh to đùng hỏi: “Cái gì đây”. Cậu ta vẫn bắt mở máy, quay máy vào phía cậu ta chụp thử một cái ảnh, quay thử một đúp hình. OK, nó ra hình, đúng cái mặt đa nghi Tào Tháo của cậu ta, đúng nó ít nhất có chức năng của một cái máy chứ không phải súng hay bom mìn. “Ngài có thể đi”, anh ta nháy mắt ẩy khẽ vào vai tôi.

Sau 30 lần bị bắt phải chụp ảnh, bị yêu cầu bấm máy là điều kiện bắt buộc để qua cửa kiểm soát, tôi đã nhao ra biển Vladivostok. Biển của vùng Viễn Đông thâm xa xôi. Nhà báo Duy Nghĩa (VTV) cùng anh Phương (đại diện VOV) ở LB Nga đã giúp tôi tìm đường thăm hai nơi rất đáng thăm ở thủ phủ vùng Viễn Đông. Đó là quả núi “Tổ Con Chim Đại Bàng” cao nhất thành phố hải đảo, nơi mà mật vụ và chó nghiệp vụ đang giăng kín trên đỉnh trời kia. Từ đó phóng tầm mắt ra vịnh biển và các công trình hoành tráng của khu vực thưa dân cư nhất địa cầu.

Hóa ra, Siberia nghìn đời được biết đến như biểu tượng của sự hoang vắng xa xôi, giờ đã có tắc đường méo mặt, có quá nhiều nhà máy nhả khói khiến các bác hoạt động môi trường nổi đóa vì thảm họa ô nhiễm khí thải. Nhưng thấm gì với với sự bao dung của biển trời. Biển thì sương khói mơ màng. Tàu chiến lượn như sắp có giao tranh. Đặc biệt mê mẩn là hệ thống thuyền buồm. Chúng tròn như giọt nước, sặc sỡ đủ sắc màu như từng đàn bươm bướm xinh đi lại ù lì trên biển. Trông nó như những cánh vờ bay trên sông trong một cái mùa giao hoan định mệnh. Mà hình như ban tổ chức cố tình cho các con thuyền buồm to nhỏ cứ chao lượn, cứ chạy như đèn cù ngoài vịnh để tạo cảnh quan quảng bá du lịch hay sao ấy. Chứ không biết họ đi làm gì và đi bằng cách nào mà lại đi suốt đêm ngày thế. Chỉ biết, nó đi mải miết và chậm rãi. Chúng như được lập trình để đi và để làm người ta ngơ ngẩn.

Vẻ như, người Viễn Đông đã yêu thiên nhiên từ tiền kiếp.

5. Cầu dây văng dài nhất thế giới Russky ảo mờ trong sương. Thuyền buồm dẫn dụ người ta vào cõi cổ tích với câu chuyện nước Nga từng ám ảnh nhiều thế hệ người Việt “Cánh buồm đỏ thắm”. Cụ ông lái taxi (bên này toàn người già làm nghề taxi) đưa tôi đi thăm Pháo đài cổ, một bảo tàng vũ khí lừng danh của Viễn Đông. Từ những tháp pháo hoen gỉ thô sơ nhất, đến những cỗ xe hiện đại nhất và giàn tên lửa oách nhất, đều được trưng bày ở đây. Đặc biệt nhiều là hệ thống pháo và tên lửa bảo vệ bờ biển Vladivostok. Các trận địa mai phục và nòng pháo, súng ngửng lên dũng mãnh.

Cây cầu dây văng Russky dài nhất thế giới ở Vladivostok, thủ phủ vùng Viễn Đông, Nga.
Cây cầu dây văng Russky dài nhất thế giới ở Vladivostok, thủ phủ vùng Viễn Đông, Nga.

Tôi ám ảnh nhất là các bức tượng mặc trang phục cổ xưa của những người giữ tiền đồn, pháo đài miền Viễn Đông cho người Nga nhiều thế hệ trước. Cung nỏ, áo lông thú, tên tẩm độc và mũ sắt áo giáp sắt. Các bộ giáp làm bằng lưới sắt sáng choang tuyệt mỹ. Chúng là chứng nhân cho một thời người Nga đã can trường bảo vệ miền biên tái chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ của mình này. Cái nổi tiếng nhất của bảo tàng vũ khí trong pháo đài lừng danh này, chính là việc thỉnh thoảng người ta vẫn đem một khẩu pháo ra, nạp đạn và bắn thử một phát. Có khi du khách trèo lên tháp pháo, quay các loại vô lăng tua bin cho nòng pháo ngỏng lên cụp xuống, xoay phải xoay trái rồi đề nghị... khai hỏa. Tất nhiên, tôi đến vào cái ngày mà không một vũ khí nào của khu trưng bày vũ khí ngoài trời kia... khạc lửa.

Người ta bảo rằng, thỉnh thoảng họ lại cho một khẩu pháo bắn thử nhằm thu hút du khách, trong ảnh là cậu bé đang thích thú điều khiển nòng pháo ngửng lên hay cụp xuống, sang phải hay sang trái.
Người ta bảo rằng, thỉnh thoảng họ lại cho một khẩu pháo bắn thử nhằm thu hút du khách, trong ảnh là cậu bé đang thích thú điều khiển nòng pháo ngửng lên hay cụp xuống, sang phải hay sang trái.

Tất nhiên, sau khi đã lạc vào các không gian rất Siberia, với áo quần da thú, cuộc sống du mục, nhà cửa thì trưng bày cả tiêu bản chó sói nhồi bông khổng lồ, răng nanh trắng ởn cùng đại bàng sa mạc kiêu dũng quắp con thỏ trắng ngọc trắng ngà... thì tôi đã hiểu, Viễn Đông vẫn còn hoang lạnh và khắc nghiệt lắm.

Ngẫm ngợi suốt ngót chục tiếng giữa đường trời dằng dặc từ Vladivostok về Thủ đô Moscow, mới càng thấm thía, thế nào là nơi thưa dân và rộng lớn bậc nhất địa cầu. Viễn Đông quá khắc nghiệt và kỳ vĩ, chính điều đó lại càng khiến cho vùng đất này thêm bí ẩn và hấp dẫn. Do thế, trong công cuộc phát huy tiềm năng quý báu của Viễn Đông hôm nay, sự bí ẩn và rộng lớn đó lại trở thành thế mạnh, đã và sẽ có những bước đi thần kỳ đánh thức Siberia.

Bằng chứng là Tổng thống Putin và người Nga nói chung đã có một chiến lược dài hơi và mạnh mẽ nhằm đánh thức và thúc đẩy tiềm năng nơi đây, như: xây dựng hạ tầng, đầu tư và mở thêm nhiều trường đại học, đầu tư vào các cảng biển cũng như ban hành nhiều chính sách vượt trội (như thuế suất bằng không đến tận 24 năm) nhằm thu hút các nhà đầu tư. Sự quan tâm đặc biệt đến vùng Viễn Đông kể trên, nó còn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng cũng như thái độ nhân văn và thực tiễn của ngài Putin và Chính phủ Liên bang.

Có một chi tiết xúc động thế này: tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm 2017, ông Putin đã cho tổ chức một cuộc gặp mặt, lắng nghe các đề xuất trong kế hoạch đầu tư và chiêu đãi yến tiệc đầy trọng thị, lịch lãm với hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư lớn và đầy tâm huyết vào Nga. Rất tự hào, Việt Nam ta có một nữ doanh nhân là chị Thái Hương, “bà chủ” Tập đoàn TH, trở thành một trong 40 vị khách quý của ngài Putin hôm đó.

LÃNG QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.