Vì sao trẻ ngộ độc thuốc nhỏ mũi?

Bs Nguyễn Kiên |

Nhỏ mũi cho trẻ, tưởng rất đơn giản, nhưng không ít trẻ nguy kịch vì dùng thuốc chống chỉ định!

1. Ngày 30.8, Khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện (BV) Việt Nam - Thụy Điển, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hai bé tên Q.H và Q.B (sinh tháng 5.2020, ở phường Quang Trung, TP.Uông Bí) trong tình trạng lơ mơ, da tím tái, nhịp thở không đều, nhịp tim chậm 70 - 80 lần/phút. Trước đó, gia đình tắm cho hai bé, thấy cả hai thở khò khè nên đã tự mua thuốc nhỏ mũi cho con. Khi hết khoảng 2 đến 3 lọ thuốc, thấy cả hai bé đều vã mồ hôi, da tái, tay chân lạnh... Các bé phải thở máy, truyền dịch, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Bác sĩ (BS) chẩn đoán hai bé ngộ độc cấp Naphazolin - loại thuốc mà trong hướng dẫn sử dụng chỉ ghi dùng cho trẻ 6 tuổi trở lên! Do thuốc này hiệu quả tác dụng nhanh nên được dùng rất rộng rãi, có điều không ít người lớn “vô sư vô sách” không đọc hướng dẫn sử dụng nên đã làm hại con, cháu mình.

Thuốc Naphazolin có tác dụng như chức năng hệ thần kinh (TK) giao cảm (GC) của cơ thể. Để tiện theo dõi xin giải thích, cơ thể người có một số hoạt động TK tự động (hoạt động vô thức), trong đó có hệ thống TK thực vật (autonomic nervous system) gồm hai hệ GC và đối (phó) GC hoạt động đối nghịch nên có tác dụng cân bằng, điều hòa nhiều hoạt động sống cho các bộ phận và các tuyến. Hệ GC làm giãn đồng tử; tăng co bóp và nhịp tim, co mạch máu - gây tăng huyết áp; tăng bài tiết mồ hôi; tăng tiết nước bọt loãng; giãn phế quản phổi; giảm nhu động ruột (ruột non co bóp như lượn sóng, chậm, đều đặn từ trên xuống dưới để đẩy thức ăn)... Hệ đối GC làm co đồng tử; giảm co bóp và nhịp tim - hạ huyết áp; co phế quản; tăng tiết nước bọt đặc, nước mắt; tăng nhu động ruột; giảm trương lực cơ; kích thích tình dục... Khi một trong hai hệ tăng hoạt động quá mức sẽ gây ra những biến loạn nghiêm trọng trong cơ thể. Naphazolin (dùng nhỏ mũi 0,025%, 0,05%, 0,1%; xịt mũi 0,05%; nhỏ mắt 0,1%) và những thuốc nhỏ mũi khác có cùng tác dụng như Xylomethazolin 1% hay Adrenalin 0,01%, Ephedrin 0,1 - 0,3%, ngoài tác dụng tại niêm mạc mũi, còn gây tác dụng toàn thân. Naphazolin làm co mạch ở niêm mạc mũi nhanh, kéo dài nên giảm xung huyết (ứ máu), phù nề, dẫn đến giảm xuất tiết dịch (nước mũi) nên giảm ngạt mũi. Tuy nhiên, qua niêm mạc mũi, các thuốc có tác dụng như hệ GC này hấp thu vào máu sẽ gây ra các triệu chứng cường GC quá mức - tức là ngộ độc, thường thấy sau dùng thuốc 30 phút đến 1 giờ: Chóng mặt, đau đầu (không khám được ở trẻ chưa biết nói hoặc trẻ nhỏ), buồn ngủ, lờ đờ, run rẩy, (triệu chứng TK); buồn nôn, ói mửa; da tái xanh, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng; thở không đều, khó thở, ngừng thở từng cơn. Ngộ độc nặng sẽ giảm thân nhiệt, vã mồ hôi; mạch chậm, huyết áp tụt, thở chậm, hôn mê (do phản ứng quá mức của hệ đối GC), như mạch hai bé Q.H và Q.B chỉ còn 70 - 80 lần/phút, trong khi đến 5 tháng tuổi, nhịp tim bình thường 90 - 150 lần/phút.

Chưa kể dùng Naphazolin kéo dài (lạm dụng) gây teo mũi hoặc thủng vách ngăn mũi của trẻ. Không ít trường hợp nhỏ thuốc liên tục, kéo dài lại dẫn đến hậu quả mất tác dụng co mạch của thuốc, gây ra giãn mạch thứ phát thường xuyên, hậu quả là cuốn mũi (những xương cong, mỏng - xương xoăn mũi - nhô ra ở vách mũi, có niêm mạc che phủ) sẽ phù nề liên tục, phì đại, mất điều chỉnh, làm ngạt mũi tăng lên, kéo dài. Mặt khác, sử dụng thường xuyên các thuốc co mạch, cuốn mũi bị co cưỡng bức và sự co dần lệ thuộc thuốc, đến một lúc nào đó sẽ trơ và liều lượng thuốc, số lần nhỏ phải tăng lên, ngạt mũi cũng sẽ nặng hơn. Những bệnh nhân này bị khô mũi, thường kém, thậm chí mất ngửi, có khi còn đau đầu... Vì thế, không dùng thuốc nhiều lần và liên tục để tránh bị xung huyết trở lại nặng hơn. Khi dùng thuốc liên tục 3 ngày không đỡ, phải ngừng thuốc và đi khám. Dùng Naphazolin nhỏ mắt, nếu sau 48h thấy mắt vẫn đau, kích ứng hoặc nhìn mờ hoặc có biểu hiện hấp thu toàn thân như nhức đầu, buồn nôn, hạ thân nhiệt, cũng phải ngừng thuốc và đi khám.

2. Vô tâm, bất cẩn, không cần BS, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng là nguyên nhân gây không ít những ca ngộ độc Naphazolin... Tháng 1.2020, bé L.M.A (9 tháng tuổi, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nhập viện trong tình trạng mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh (hạ thân nhiệt). Gia đình đã nhỏ cho bé hết nửa lọ Naphazolin 0,05%, khoảng 1 giờ sau thấy các biểu hiện trên, vội vàng đưa đi viện. BS dùng thuốc lợi tiểu, truyền dịch, ủ ấm và theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Sau 8 giờ nhập viện, bé mới hết các triệu chứng nguy hiểm. Tháng 11 năm ngoái, khoa Nhi, BV Quốc tế Hải Phòng nhận bệnh nhi 2,5 tuổi trong tình trạng li bì, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chậm. Bé bị ngạt đặc mũi nên gia đình đưa đến phòng khám tư. Vì dịch mũi đặc nên bé được hút mũi 3 lần và nhỏ thuốc nhiều lần. Sau nửa giờ, gia đình thấy bé vã mồ hôi, lờ đờ, tái nhợt nên đưa đi viện. BS cho biết, bé ngộ độc Naphazolin có trong thuốc nhỏ mũi do phòng khám tự pha chế. Bé Đ.A.N (18 tháng tuổi, ở quận An Dương, TP.Hải Phòng), nhập viện Nhi Hải Phòng khi đã lả, mồ hôi vã đầm đìa, hạ thân nhiệt nặng. Với trẻ bé, hạ thân nhiệt rất nguy hiểm, rất dễ đưa đến tử vong do đình trệ chuyển hóa cơ bản. Đây là ca ngộ độc Naphazolin thứ 2 Viện Nhi Hải Phòng phải cấp cứu trong một tháng. Bé N.H.M.C (3 tháng tuổi, ở huyện Bình Chánh, TPHCM) được bố mẹ nhỏ mũi bằng thuốc Rhinex (thành phần chính là Naphazolin với hàm lượng 0,05%). Khoảng 2 giờ sau, bé quấy khóc, tím môi, gồng cứng người... đến BV Nhi đồng 1, TPHCM đã thở ngắt quãng khoảng 15 lần/phút (trẻ đến 5 tháng tuổi, thở bình thường 25-40 lần/phút) và có những cơn ngừng thở kéo dài. BS phải đặt nội khí quản trợ thở và chống suy hô hấp tích cực bé mới qua được. Hướng dẫn sử dụng thuốc này ghi rõ: “Trẻ em 6 - 12 tuổi: Dùng dung dịch 0,025% hoặc 0,05%..., không dùng quá 3-5 ngày. Trẻ dưới 6 tuổi: Chưa xác định được liều dùng cụ thể, dùng phải có chỉ định của BS”. Có lẽ, bố mẹ bé không đọc hướng dẫn!? Trước đó, BV Nhi đồng 1 phải cấp cứu hai bé hôn mê sâu do bố mẹ tự ý nhỏ thuốc Naphazolin. Bé K (3 tuổi, ở Q.3, TP HCM) nghẹt mũi nhiều ngày, thở bằng miệng, ăn uống khó khăn. Gia đình lấy lọ thuốc của anh K (19 tuổi) vừa khỏi nghẹt mũi do cúm, nhỏ cho bé. Sau vài giờ, bé bứt rứt, vật vã, thở ngắt quãng...

Bé C (18 tháng tuổi, ở Q1, TP HCM) được bố mẹ hút mũi và rửa bằng nước muối sinh lý. Mẹ bé thuận tay nhỏ liên tiếp vào 2 mũi thuốc Naphazolin rồi ru bé ngủ. Chưa đầy 1h, bé vật vã, toàn thân vã mồ hôi, chân tay lạnh ngắt, thở ngắt quãng... Khi đến viện, bé đã hôn mê sâu, rối loạn nhịp tim và may mắn đã được cứu sống. Lại có cả bé N (2 tuổi, ở Từ Liêm, TP.Hà Nội) uống hết khoảng nửa lọ Naphazolin để ở đầu giường, phải vào BV Nhi T.Ư cấp cứu vì lơ mơ; li bì; vã mồ hôi; hạ thân nhiệt, chân tay lạnh; nhịp tim rất nhanh... Thống kê cho thấy, trẻ 1 tháng đến 3 tuổi bị ngộ độc nhóm thuốc nhỏ mũi co mạch nhiều nhất, do người nhà tự ý dùng cho trẻ. Cần biết, với lứa tuổi này, chỉ cần nhỏ 2 giọt đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ! Các thuốc nhỏ mũi Xylometazolin, Oxymetazolin, Tetrahydrozolin, Fenoxazolin tuy ít độc hơn Naphazolin nhưng vẫn thường gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ngoài nhóm thuốc nhỏ mũi gây co mạch còn có nhóm thuốc nhỏ mũi chống viêm (chứa corticoid) khi dùng cũng phải hết sức thận trọng. Loại này tuy chỉ hấp thu vào máu khoảng 2% nhưng nếu không dùng đúng chỉ định sẽ gây biến chứng ức chế vỏ tuyến thượng thận tiết hormon điều hòa nước, muối, chuyển hóa đường, đạm, mỡ... dẫn đến hậu quả suy vỏ thượng thận không thể cứu chữa: Trẻ tăng giữ muối, nước; ứ đọng mỡ, tăng đường huyết... Không được dùng khi có các tổn thương thực thể ở mũi (vì corticoid ức chế quá trình lành vết thương), như chấn thương, vừa phẫu thuật mũi. Thuốc có thể gây nhiễm nấm ở niêm mạc mũi, họng. Vì thế, nếu dùng phải có chỉ định của BS và đang dùng nếu thấy kích ứng họng (ho) dai dẳng phải ngừng thuốc và đi khám.

Trẻ ngạt mũi trước hết nên dùng nước muối 0,9% và nước muối phun sương Sterimar (nhóm thuốc sát trùng). Dùng thuốc co mạch và chống viêm phải có chỉ định của BS.

Bs Nguyễn Kiên
TIN LIÊN QUAN

Vụ Ngộ độc pate Minh Chay: Vẫn không ai nhận trách nhiệm!

Thùy Linh |

Nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu có liên quan đến Pate Minh Chay chứa độc tố. Vậy “lỗ hổng” nào đã để lọt loại thực phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và gây hại cho người tiêu dùng như vậy ra thị trường?

Diễn biến sức khỏe mới nhất của 26 trẻ nghi ngộ độc ở chùa Kỳ Quang 2

Chân Phúc - Anh Nhàn |

Ngày 11.9, bác sĩ Đinh Tấn Phương (Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) đã thông tin về tình hình sức khỏe của 26 bé từ mái ấm chùa Kỳ Quang 2 phải nhập viện trong tình trạng ói, đau bụng, tiêu chảy... vào chiều 10.9.

Nhiều trẻ ngộ độc do uống nhầm chất độc hại đựng trong chai nước ngọt

Thùy Linh |

Không ít bệnh nhi đã ăn, uống nhầm phải chất độc hại dẫn tới ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì sự bất cẩn của người lớn.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Vụ Ngộ độc pate Minh Chay: Vẫn không ai nhận trách nhiệm!

Thùy Linh |

Nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu có liên quan đến Pate Minh Chay chứa độc tố. Vậy “lỗ hổng” nào đã để lọt loại thực phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và gây hại cho người tiêu dùng như vậy ra thị trường?

Diễn biến sức khỏe mới nhất của 26 trẻ nghi ngộ độc ở chùa Kỳ Quang 2

Chân Phúc - Anh Nhàn |

Ngày 11.9, bác sĩ Đinh Tấn Phương (Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) đã thông tin về tình hình sức khỏe của 26 bé từ mái ấm chùa Kỳ Quang 2 phải nhập viện trong tình trạng ói, đau bụng, tiêu chảy... vào chiều 10.9.

Nhiều trẻ ngộ độc do uống nhầm chất độc hại đựng trong chai nước ngọt

Thùy Linh |

Không ít bệnh nhi đã ăn, uống nhầm phải chất độc hại dẫn tới ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì sự bất cẩn của người lớn.