Vẹn tròn vị Tết trên mâm cỗ đầu Xuân

Chí Long |

Ẩm thực Hà Nội được ngợi ca bởi sự tinh tế, chỉn chu trong từng món ăn trong bữa cơm thường ngày. Với mâm cỗ Tết, người phụ nữ Tràng An lại càng dồn cả tâm huyết, khéo léo từ khâu chọn lựa nguyên liệu, chế biến, đến tinh tế trong trình bày, trang trí sao cho đẹp mắt để dâng lên bàn thờ cúng gia tiên.

Sinh ra và lớn lên ở đất Tràng An, nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết từ nhỏ đã học về nấu nướng, nữ công gia chánh. Bà cho biết người Hà Nội xưa chuẩn bị đón Tết cổ truyền từ sớm, khoảng từ rằm tháng Chạp.

Nghệ nhân ưu tú ẩm thực Việt Nam - Phạm Thị Ánh Tuyết.
Nghệ nhân ưu tú ẩm thực Việt Nam - Phạm Thị Ánh Tuyết.

Bà nhớ lại: “Trước lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) khoảng mấy ngày, tôi được bà nhắc đi nhà máy rượu ở Lò Đúc, xin bã rượu về để bao sái ban thờ, đánh bóng đỉnh đồng, lá nến... cho sáng đẹp. Những ngày cận Tết, phụ nữ lo dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả, mua lá dong về gói bánh chưng... Ngày xưa rét lắm, đãi đỗ cứng hết tay, giá lạnh ngấm vào tận xương”.

Mười ba tuổi, nghệ nhân Ánh Tuyết đã được bà, được mẹ chỉ dạy nấu thành thạo mâm cỗ Tết. Theo bà, người Tràng An xưa rất kỹ tính khi chuẩn bị cỗ Tết cổ truyền, từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến đến trình bày, thưởng thức đều rất cầu kỳ, tỉ mẩn.

Gà lễ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết.
Gà lễ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết.
Bánh chưng gấc trong mâm cỗ Tết cổ truyền.
Bánh chưng gấc trong mâm cỗ Tết cổ truyền.
Bóng xào thập cẩm đủ sắc màu rau củ mùa xuân trên mâm cơm ngày Tết.
Bóng xào thập cẩm đủ sắc màu rau củ mùa xuân trên mâm cơm ngày Tết.

“Tỉ như khi chọn gà phải chọn con trống mào đỏ, lông lửa, chân vàng, lông đuôi vểnh. Hay súp lơ để xào nấu phải chọn súp lơ đơn, tránh dùng súp lơ kép để giữ vị thanh ngọt cho món ăn...”, bà Tuyết kể.

Theo lời nghệ nhân Ánh Tuyết, chiều 30 Tết, nhiều gia đình còn tất bật gói bánh chưng, dọn nhà. Có nhà con cháu còn chưa tề tựu đông đủ, nên bữa cơm tất niên ngày xưa thường nấu đơn giản, chỉ gồm món: Nem, khoanh giò, bát canh khoai tây, khúc cá kho... cốt cho ấm bụng. Mâm cỗ quan trọng nhất là vào sáng mùng 1 Tết.

Thời xưa, con dâu, con gái trong nhà phải thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng để chuẩn bị cho mâm cỗ Tết. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình, mâm cỗ sẽ được chế biến theo độ cầu kỳ khác nhau.

Tối thiểu, các gia đình bình dân sẽ nấu cỗ theo nguyên tắc 4 bát, 4 đĩa (không bao gồm nước chấm, dưa hành và xôi), tượng trưng cho tứ trụ (4 mùa, 4 phương). Nhà nào khá giả có thể chuẩn bị mâm cỗ phong phú hơn, gồm 4 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Tuy nhiên, mâm cỗ luôn phải đầy đủ món mặn, món canh, món xào theo quan niệm hài hòa, đủ đầy của người miền Bắc.

Nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ: “Trên bàn thờ, mâm cỗ Tết cúng gia tiên không thể thiếu cặp bánh chưng lá xanh, lạt đỏ, xôi gấc để may mắn, một đĩa chè kho để ngọt ngào, gà lễ ngậm hoa hồng, đầu ngẩng tượng trưng cho một năm mới vươn lên. Ngoài những món ăn nhất định phải có trong mâm cỗ Tết còn gồm: Món canh, món xào, thịt đông, cá kho, giò, chả, nem...”.

Mâm cơm ngày Tết ở Hà Nội rất phong phú, từ những món cơ bản như: Gà luộc, thịt nấu đông, nem rán, canh bóng bì, lòng gà xào dứa... đến các món làm từ nguyên liệu quý hiếm hơn như: Bóng cá sủ, bào ngư, vi cá, tổ yến... Dù cầu kỳ hay đơn giản, tất cả phải được thực hiện và trình bày chỉn chu, tỉ mỉ, thể hiện trù nghệ khéo léo của người nấu.

Từng món được chế biến, bày biện sao cho hợp lý, gắn kết với nhau. Ví như món nào ăn với món nào, món nào đặt cạnh món nào cho đúng điệu cũng được tính toán, xem xét tỉ mẩn. Ngay cả bát đũa chọn để bày biện dâng cúng tổ tiên cũng phải mới, đều đẹp, không sứt mẻ, phù hợp với món ăn...

Sau khi hoàn thành mâm cỗ Tết, bày ngay ngắn trên ban thờ, bậc trưởng lão trong nhà cùng con cháu tam, tứ đại đồng đường bắt đầu thỉnh chuông, hành lễ cúng gia tiên. Thắp đủ 3 tuần hương từ 9 giờ sáng đến 11 giờ, cả nhà bắt đầu hạ lễ. Lúc này, gia đình mới ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức bữa ăn ngon đầu tiên trong năm mới.

Nghệ nhân Ánh Tuyết kể, người Hà Nội xưa ăn Tết đúng 7 ngày mới hạ cây nêu, tức là ngày nào cũng phải làm mâm cỗ Tết cúng gia tiên, sáng và chiều mùng 1 Tết. Nhưng dần dần, người dân rút xuống nấu mâm cỗ Tết trong 5 ngày rồi 3 ngày. Đến nay, nhiều gia đình chỉ ăn Tết ngày mùng 1 rồi về quê hay đi du lịch.

Mâm cỗ Tết ngày nay có nhiều đổi thay, cập nhật nhiều món ăn mới lạ, cách chế biến giản lược hơn để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, đó vẫn là mâm cơm hội tụ đủ tinh hoa đất trời những ngày chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu với gia tiên. Hình ảnh mâm cỗ với nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Tràng An vẫn giữ khiến người ta nhắc mãi khi nhớ về Tết cổ truyền.

Chí Long
TIN LIÊN QUAN

Chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp chi tiết và đầy đủ

NGỌC LIÊN |

Tuỳ theo văn hoá của mỗi vùng miền, địa phương và điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp có thể là cỗ mặn hoặc đồ chay, lớn nhỏ khác nhau.

Chi tiền triệu mua mâm cỗ online cúng ngày Tết Đoan Ngọ

KHÁNH AN |

Nhiều người chi tiền triệu đặt mua mâm cỗ online để cúng ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch).

Thanh tịnh mâm cỗ Việt

Thanh Hương |

“Thanh tịnh mâm cỗ Việt” không chỉ giới thiệu đến độc giả công thức làm 30 món chay lành của người Việt từ cổ chí kim, mà còn lồng ghép những câu chuyện văn hóa thú vị, cung cấp cho bạn đọc góc nhìn đa chiều về nền ẩm thực Việt.

Tết vui trên những công trình Tấm lòng Vàng

PHONG LINH |

“Tôi tin năm nay sẽ là một mùa Tết vui của bà con miền Tây, ít nhất là đối với những hộ gia đình, người dân lưu thông qua chiếc cầu, con đường do Quỹ Xã hội từ thiện (XHTT) Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ” - bà Lê Thị Đẩu (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.

Những lưu ý khi người dân trở lại Hà Nội làm việc sau Tết Nguyên đán

Quang Việt |

Dự báo, trong các ngày mùng 4-5 Tết Nguyên đán (ngày 13-14.2), đông đảo người dân và phương tiện giao thông sẽ quay trở lại thành phố bắt đầu làm việc, học tập.

Xả súng tại ga tàu điện ngầm ở New York, Mỹ

Thanh Hà |

1 người chết, 5 người bị thương trong vụ xả súng ở ga tàu điện ngầm thành phố New York, Mỹ tối 12.2.

Khám phá phái võ từng tôi luyện để bảo vệ vua triều Nguyễn (Phần I)

NHÓM PV |

HUẾ - Là phái võ gia truyền hình thành từ thời nhà Nguyễn, thuộc dòng võ Kinh, hệ Hắc Hổ với nhiều cao thủ võ nghệ lưu truyền qua nhiều đời, Võ Kinh Vạn An phái đã và đang gìn giữ, phát huy giá trị của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đến nay Võ Kinh Vạn An là một phái võ có tầm ảnh hưởng không những trong nước mà còn rất được mến mộ ở nước ngoài.

Nhà thiết kế Công Trí: Tôi như người thưởng ngoạn khi bước vào thời trang quốc tế

vi ly (thực hiện) |

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Công Trí, anh được đánh giá là nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Công Trí nhận được đơn đặt hàng từ những ngôi sao danh tiếng thế giới như: Katy Perry, BlackPink, Adele hay Rihanna...

Chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp chi tiết và đầy đủ

NGỌC LIÊN |

Tuỳ theo văn hoá của mỗi vùng miền, địa phương và điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp có thể là cỗ mặn hoặc đồ chay, lớn nhỏ khác nhau.

Chi tiền triệu mua mâm cỗ online cúng ngày Tết Đoan Ngọ

KHÁNH AN |

Nhiều người chi tiền triệu đặt mua mâm cỗ online để cúng ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch).

Thanh tịnh mâm cỗ Việt

Thanh Hương |

“Thanh tịnh mâm cỗ Việt” không chỉ giới thiệu đến độc giả công thức làm 30 món chay lành của người Việt từ cổ chí kim, mà còn lồng ghép những câu chuyện văn hóa thú vị, cung cấp cho bạn đọc góc nhìn đa chiều về nền ẩm thực Việt.