Về quan họ Bắc Giang

GS.TS Bùi Quang Thanh |

Có một sự thật là, kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trở về trước, nguồn tài liệu ghi chép từ các nhà viết sử phong kiến hầu như không cho chúng ta biết rõ về sự tồn tại của tục hát quan họ. Phải đến khoảng đầu thế kỷ XX, dân ca quan họ mới trở thành một hiện tượng văn hoá cuốn hút hàng loạt các học giả trong nước. 

Chu Ngọc Chi (1928), Việt Sinh (1933), Nguyễn Văn Huyên (1934), Minh Trúc (1937) Vũ Bằng, Nguyễn Duy Kiện (1940), Dương Quảng Hàm (1943), Toan Ánh (1943) lần lượt công bố kết quả khảo sát, mô tả về vùng sinh hoạt dân ca quan họ. Qua các bài viết đó, lần đầu tiên người ta biết đến những địa danh, hình thức tổ chức bài bản, quan hệ kết nghĩa và những nét sinh hoạt độc đáo khác của quan họ vùng đất Kinh Bắc.

Quan họ Bắc Giang xưa 

Từ những thống kê tư liệu ghi chép được, qua các công trình khảo cứu, sưu tầm, bài báo được công bố, các tác giả được giới thiệu trên đây đã xác định và phác thảo về phạm vi địa bàn sinh hoạt văn hoá quan họ sớm nhất cũng từ những chục năm đầu thế kỷ XX. Theo quan sát của Minh Trúc, không gian ấy gồm nhiều làng của 4 huyện là Võ Giàng, Tiên Du, Yên Phong (của tỉnh Bắc Ninh) và huyện Việt Yên (của tỉnh Bắc Giang). Căn cứ chu kỳ dịch chuyển của các lễ hội có hát quan họ, Toan Ánh nhận thấy từ mồng 4 tháng Giêng, khi mùa hát quan họ ở khắp mọi làng vùng xứ Bắc bắt đầu, trai gái thường tụ họp nhau để hát buổi đầu tiên ở hội Chắp (Hữu Chấp) rồi lần lượt hẹn nhau đi khắp các hội ở mấy huyện Võ Giàng, Yên Phong, Tiên Du (Bắc Ninh) rồi Lục Ngạn, Việt Yên (Bắc Giang). Như vậy, theo Toan Ánh - người con quê Bắc Ninh, tác giả của hơn 100 đầu sách sưu tầm nghiên cứu về di sản văn hóa truyền thống người Việt - không gian văn hoá quan họ không chỉ gồm 4 huyện như Minh Trúc đã trình bày, mà còn có cả huyện Lục Ngạn!

Đó từ hàng trăm năm qua, trên các triền cao ven sông Cầu từ dãy Nham Biền về đến các dải núi sót Phượng Hoàng, Kẻ - của đất Việt Yên, sinh hoạt văn hóa quan họ thực sự đó diễn ra tại nhiều địa bàn làng quê của Bắc Giang, từ các làng Bùi Kép, Bùi Bến thuộc xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, đến các làng Đình Cả (xã Quảng Minh), Hạ Lát (xã Tiên Sơn), Trung Đồng (xã Vân Trung), Thổ Hà (xã Liên Hà), Quang Biểu (xã Quang Châu) thuộc huyện Việt Yên, làng Cẩm Xuyên (xã Xuyên Cẩm) thuộc huyện Hiệp Hoà... Theo các nghệ nhân (đa số là những cao niên, từ 70 trở lên, một số người trong độ tuổi 80 -85 vẫn còn minh mẫn) kể lại (2006) ký ức thời son trẻ sinh hoạt quan họ (trước năm 1945) luôn gắn với sinh hoạt quan họ bằng niềm say mê đến lạ kỳ. Cũng theo diễn trình lịch sử và điều kiện xã hội từ đầu thế kỷ XX trở lại gần đây, do nhu cầu quan hệ nghề nghiệp và nhất là quan hệ văn hóa quan họ sau đó, hàng loạt các làng quan họ thuộc đất Việt Yên (bắc sông Cầu) có tục kết chạ với nhiều làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh: Làng Thổ Hà kết chạ với làng Diềm; Làng Trung Đồng kết chạ với làng Thượng Đồng và Hạ Đồng; Làng Nội Ninh kết chạ với làng Hàn, Diềm; Làng Mai Vũ kết chạ với làng Chấp Bút; Làng Hữu Nghi kết chạ với làng Cao Lôi; Làng Tiên Lát kết chạ với làng Bịu Sim... Chính nhờ những mối quan hệ kết chạ này, hàng loạt các cặp nghệ nhân quan họ từ hai phía đó có sự gắn bó, giao lưu và truyền tải các sáng tạo trong sinh hoạt quan họ. Một số bậc cao niên còn nhớ được hàng chục bài quan họ cổ. Tất cả đều tham gia “chơi” quan họ từ khi còn trẻ (từ 14 đến 20 tuổi), học hát từ người ruột thịt như bố mẹ, ông bà và các nghệ nhân trong vùng. Họ thường xuyên đi hát tại các lễ hội hay ngày vui của các bọn quan họ làng khác có kết nghĩa và ngược lại, họ cũng mời bọn quan họ các nơi đến làng mình dự hát. Suốt nửa thế kỷ qua, các nghệ nhân vẫn âm thầm quan tâm truyền dạy quan họ cho con cháu trong nhà và trong làng. Tuy nhiên, hiện nay, do tuổi đã quá cao nên một số nghệ nhân quên nhiều bài và ít tham dự các cuộc hát. Họ cũng không có điều kiện đi giao lưu với các làng do sức khỏe yếu và do e ngại hát trong những dịp liên hoan, thi hát cùng thế hệ con cháu. Vài chục nghệ nhân còn thuộc được những bài quan họ cổ hiện không còn nghe thấy hát ở các làng khác. Nhà nghiên cứu quan họ lão thành Trần Linh Quý, chủ nhân của “bản quyền” về con số 49 làng quan họ đến năm 2006, trong đợt cùng chúng tôi đi khảo sát không gian sinh hoạt văn hóa quan họ và nghiên cứu tiêu chí nghệ nhân, đó tự “chấp nhận sự thiếu sót của mình trước đây”, để đi đến tin rằng có 5 làng Thổ Hà, Mật Ninh, Thần Chúc, Trung Đồng, Lát (Thượng Lát và Tiên Lát), là những làng quan họ cổ trong 10 làng quan họ cổ ở huyện Việt Yên”, nơi mà theo ông nhận thấy qua chuyến điền dã: “Ngồi nghe, quan sát các cụ ở cả 5 làng kể trên hát các bài "Đương bạn Kim Lan", "Giăng non", "Giăng già", "Tuấn Khanh", "Đường xa đi có một mình", "Áo xếp nếp người"...ta sẽ thấy từ phong cách hát đôi, hát đối với giọng thật, âm thanh vang, rền, nền, nảy, ngắt, rớt... tôi có cảm giác như còn dấu vết quen thuộc của tiếng hát mà tôi đã nghe các cụ bà, cụ ông ở Bồ Sơn, Khả Lễ, Đào Xá, Viêm Xá... hát vào những năm 1970 - 1980”!

Sinh hoạt văn hóa quan họ xưa của người dân thuộc địa bàn hành chính tỉnh Bắc Giang cứ vậy kéo dài đến những cuối những năm 1950 đầu những năm 1960, và tạm ngưng bởi lý do chính quyền các cấp tạm thời cấm mọi sinh hoạt văn hóa có tụ tập đông người, cấm mọi hình thức thực hành tín ngưỡng, lễ hội để tập trung cho nhiệm vụ trọng đại chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và dồn sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nghệ nhân tham dự thi Quan họ ngày Xuân - Hội chùa Bổ Đà, Việt Yên.
Nghệ nhân tham dự thi Quan họ ngày Xuân - Hội chùa Bổ Đà, Việt Yên.

Quan họ Bắc Giang những năm gần đây

Từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, sinh hoạt dân ca quan họ mới dần dần thực sự hồi sinh, nhờ công lao nỗ lực của một số cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa và chuyên gia nghiên cứu văn hóa quan họ của tỉnh Hà Bắc khi đó. Tuy nhiên, mọi nguồn lực sưu tầm, nghiên cứu dân ca quan họ trong phạm vi hành chính phía bắc sông Cầu vẫn chỉ tập trung vào 5 làng quan họ của huyện Việt Yên như đã công bố. Trong khi đó, hàng loạt các làng quan họ thuộc các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Ngạn... không được quan tâm khảo sát, nghiên cứu.

Những chục năm gần đây, không gian sinh hoạt văn hóa quan họ Bắc Giang đã có nhiều biến đổi. Tại các làng quan họ Bắc Giang, ngoại trừ làng Sen Hồ đã và đang chuyển nhanh sang làng có nhiều nghề phụ (làm mộc, thợ xây, làm bún, làm bánh đa...) và coi đó là nghề nghiệp chính, các làng còn lại đều thuần nông, lấy canh tác lúa nước và chăn nuôi gia đình làm trọng. Với các làng này, không gian văn hóa quan họ gần như vẫn như xưa, nhưng nghề nghiệp đó đã và đang có sự pha trộn, phát sinh theo hoàn cảnh mới. Sau những tháng ngày bận rộn với mùa màng là khoảng thời gian người dân tìm đến những nghề phụ phù hợp với khả năng và điều kiện có thể của gia đình mình. Bóng dáng của “cây đa - bến nước - sân đình” dù vẫn còn hiện hữu thường trực trong cảnh quan và đời sống sinh hoạt văn hóa của dân làng, nhưng các cuộc giao lưu quan họ đó biến thái, không còn cảnh nhập bọn, tụ bọn đam mê với lời ca quan họ “thâu đêm suốt sáng” như xưa.

Quan sát sinh hoạt hát quan họ ở hầu khắp các làng của tỉnh Bắc Giang, có thể nhận thấy, bên cạnh hàng trăm bài quan họ truyền thống, đã và đang xuất hiện những làn điệu dân ca quan họ dần bị cuốn theo bởi “sự hiện đại hóa”. Nếu như theo lối hát của quan họ truyền thống thì quan họ xưa là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi/cặp giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê; nhưng đến những chục năm gần đây, quan họ đã được mở rộng/tiếp nhận hình thức biểu diễn trên nền nhạc đệm, rất nhiều bài quan họ được cải biên. Chính vì lẽ đó, bản sắc hát quan họ đã có phần biến thái, yêu cầu về kỹ thuật hát độc đáo cũng dần mất đi, cái hồn của quan họ xưa cũng do vậy mà có phần phai nhạt.

Một thực tế là, không gian văn hóa quan họ đang bị rạn nứt do chịu những tác động tiêu cực của cuộc sống hiện đại. Những bài quan họ cổ xuất hiện ít hơn, trình diễn quan họ theo lề lối cổ cũng dần mất đi, hầu như không có sự sáng tạo, ứng tác trong cuộc thi, kể cả các cuộc thi tổ chức hàng năm, tuyệt đại đa số vẫn chỉ luyện câu, luyện giọng để có khả năng thuộc lời, hát cặp trong số lượng bài do giám khảo các cuộc thi quy định.

Vài chục năm trở lại đây, mục đích hát quan họ ở hầu khắp các làng quan họ ở Bắc Giang đã có sự thay đổi. Nếu trước đây hát quan họ được xem là lối sinh hoạt quen thuộc của người dân Kinh Bắc nhằm giao lưu kết bạn giữa các liền anh liền chị, gửi gắm tâm tư tình cảm nỗi niềm của mình trong câu hát, đồng thời cũng là cung cách thực hành để giữ gìn nét đẹp văn hóa của vùng quê; thì ngày nay, không ít các cuộc hát/sinh hoạt quan họ đã trở thành những tiết mục biểu diễn văn nghệ, nhằm hướng tới mục đích kinh tế, quan họ được biểu diễn trong các nhà hàng hoặc các buổi tiệc tùng, những tiết mục được xây dựng dường như chỉ chủ yếu hướng đến hình thức khoe dáng, khoa giọng mà nội dung và chất lượng lại là thứ yếu. Đó chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm mất đi bản chất đặc sắc của dân ca quan họ hiện nay.

Những năm gần đây, đội ngũ nghệ nhân hát quan họ ngày càng giảm đi về cả chất lẫn lượng. Trong khi môi trường văn hóa xã hội đã và đang thể hiện sự phát triển mạnh của các dòng nhạc như nhạc trẻ, nhạc nước ngoài, thì dường như dân ca quan họ lại càng kén khán giả hơn và cả đội ngũ nghệ nhân hát quan họ cũng dần ít đi. Nguyên nhân có thể là do những “báu vật nhân văn sống” hát quan họ theo lối cổ, vốn đã dần khan hiếm, nay lại khó hòa hợp với đội ngũ những nghệ sĩ hát quan họ hiện đang “diễn” theo lối mới, hát theo dàn nhạc và không gian thông thoáng rộng mở hơn xưa!

Nhìn chung, sinh hoạt văn hóa quan họ ở Bắc Giang những chục năm trở lại đây, đặc biệt là từ sau 2009, khi Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, đã có những biến đổi nhất định. Sự đổi thay của không gian văn hóa - trong đó có không gian văn hóa sinh kế, đã là tác động sâu rộng đến môi trường sinh hoạt quan họ truyền thống (cũng như hàng loạt các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác), hướng tới quá trình tiếp biến để đáp ứng những nhu cầu và điều kiện của xã hội đương đại, đặc biệt là sự phát triển của các hình thức sinh hoạt văn hóa đa dạng của xã hội, sự mở rộng các phương tiện truyền thông đại chúng và sự du nhập của văn hóa ngoại lai trong điều kiện hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở hầu khắp các làng quê thuộc tỉnh Bắc Giang.

GS.TS Bùi Quang Thanh
TIN LIÊN QUAN

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.