1. Tháng 4.2020, PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TW cho biết, khởi đầu đợt dịch này, phát hiện 16 ca bệnh SARS-CoV-2 ở Việt Nam có bộ gene tương đồng với virus phát hiện ở Vũ Hán, nhưng giai đoạn sau của đợt dịch lại phát hiện virus có nguồn gốc châu Âu và 2 biến chủng này khác nhau về bản đồ gene. Khẳng định điều này do Việt Nam thuộc nhóm ít quốc gia phân lập được SARS-CoV-2 sớm nhất. Từ đầu tháng 2.2020, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã nuôi cấy, phân lập thành công SARS-CoV-2 - tiền đề quan trọng để phát triển sinh phẩm xét nghiệm, nghiên cứu vaccine…
Ngày 25.7.2020, Việt Nam ghi nhận các ca SARS-CoV-2 lây nhiễm cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, kết quả phân tích gene virus từ các bệnh nhân ở Đà Nẵng cho thấy đây là chủng SARS-CoV-2 khác trước. Cơ quan đại diện của WHO tại Việt Nam nhận định virus được phát hiện tại Đà Nẵng tương tự chủng SARS-CoV-2 gây bệnh ở các quốc gia khác từ tháng 7.2020, là chủng D614G. Chủng này xuất hiện ở Châu Âu từ đầu năm 2020, gây bệnh gần như 100% các quốc gia Châu Âu và trở thành chủng SARS-CoV-2 phổ biến gần như toàn Thế giới. Các thống kê cho thấy, đã phát hiện biến chủng D614G ở hơn 70% ca nhiễm SARS-CoV-2 toàn Thế giới. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tuy độc lực của chủng D614G không tăng lên, nhưng lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 Vũ Hán. Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã giải mã trình tự gene của chủng SARS-CoV-2 này từ các mẫu bệnh phẩm ở bệnh nhân mắc bệnh đợt tháng 7.2020, cho thấy đột biến gene làm virus tăng khả năng liên kết với “cơ quan” thụ thể ở tế bào người, hậu quả là tăng khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng biến đổi này chưa làm tăng độc lực.
Tuy nhiên, trong báo cáo thường kỳ của WHO phát đi ngày 27.01.2021, cơ quan này thông báo, biến chủng dễ lây lan hơn của SARS-CoV-2, được định danh là VOC 202012/01 (hoặc B.1.1.7), được phân lập và giải trình tự gene đầu tiên ở Anh vào tháng 10.2020, hiện đã lây lan ở 70 nước và vùng lãnh thổ, tăng thêm 10 nước sau mỗi tuần kể từ khi được phát hiện. Thủ tướng Anh, Boris Johnson cảnh báo, các nghiên cứu của chuyên gia nước này chỉ ra rằng chủng virus mới này có thể gây tử vong nhiều hơn.
Ngày 22.12.2020, sân bay Cần Thơ tiếp nhận chuyến bay VN50 từ Anh về Việt Nam có 305 hành khách, chuyển cách ly tập trung tại Trà Vinh 147 người, Vĩnh Long 137 người, TP.Cần Thơ 17 người và TPHCM 4 người. Ngay sau đó, Viện Pasteur TPHCM đã xét nghiệm, phân loại và xác nhận BN1435 (nữ, SN 1976, quê Trà Vinh) nhiễm SARS-CoV-2. Kết quả giải trình tự gene cho thấy bệnh nhân này nhiễm biến thể B.1.1.7. Sáng 2.1.2021, Bộ Y tế công bố Việt Nam phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể B.1.1.7 nguồn gốc từ Anh, nhưng biến chủng gây bệnh cho BN1435 có một số đột biến gene giống với D614G. Sau hơn 1 tháng điều trị tại BV Lao và bệnh phổi Trà Vinh, BN1435 có 4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, xuất viện ngày 29.1.
2. Ngày 2.2.2021, Viện vệ sinh dịch tễ TW đã giải trình tự gene SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân ở 2 ổ dịch cộng đồng đang bùng phát mạnh tại Hải Dương và Quảng Ninh. Kết quả, 11/16 mẫu bệnh phẩm đạt tiêu chuẩn xét nghiệm đều có trình tự gene tương tự biến chủng SARS-CoV-2 mới - B.1.1.7 - xuất hiện đầu tiên tại Anh. Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7, được phát hiện gây bệnh đầu tiên ở hạt Kent, đông nam nước Anh, từ tháng 9.2020, có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus (trong cơ thể) tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra môi trường rất ngắn và lượng mầm bệnh thải ra rất cao, tỉ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV bệnh nhiệt đới TW thông tin, BV bệnh nhiệt đới TW đã xét nghiệm chuyên sâu và nghiên cứu lâm sàng diễn tiến bệnh trên một số ca nhiễm biến chủng B.1.1.7 ở tâm dịch Chí Linh, Hải Dương, cho thấy diễn biến lâm sàng nhanh hơn so với bệnh nhân nhiễm chủng cũ. Nhưng nghiên cứu, khảo sát chưa đủ thông tin để trả lời câu hỏi liệu chủng mới có làm bệnh diễn biến trầm trọng hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn chủng cũ hay không? WHO cũng đã trấn an rằng, “những phát hiện của Vương quốc Anh mới là sơ bộ, cần có thêm phân tích để chứng thực”, ngay sau cảnh báo của Thủ tướng Anh. B.1.1.7 vẫn lây truyền qua tiếp xúc gần, giọt bắn, hạt khí dung (giống như sương mù - aerosol) và qua giọt hạt nhân, là giọt bắn khô đi bay trong không khí. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, qua phân tích tình hình dịch tễ, đợt dịch bùng phát lần này, phức tạp, khó khăn hơn so với đợt dịch ở Đà Nẵng, bởi tốc độ lây nhiễm của virus rất cao: Ở các đợt dịch trước, xác định được chu kỳ lây nhiễm khoảng 4 - 5 ngày rất rõ ràng, nhưng lần này chu kỳ lây ngắn hơn. Khởi phát bệnh cũng rất nhanh, các đợt dịch trước, bệnh nhân thường ủ bệnh 5 - 7 ngày, nhưng đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ 2 virus đã xuất hiện ở hầu họng, chứng tỏ khả năng nhân lên rất nhanh và đào thải mầm bệnh rất cao. “Hiện virus lây qua không khí với hệ số lây nhiễm cao. Ở các đợt dịch trước, virus lây qua giọt bắn, tiếp xúc nhưng đợt dịch này, virus lây theo đường không khí. Trước đây, một người lây cho 4 - 5 người, nhưng giờ một người có thể lây cho hơn 10 người”.
3. Sáng 31.1.2021, GS,TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TW thông tin, kết quả giải trình tự gene các ca SARS-CoV-2 khu vực phía Bắc, đã phát hiện 2 chuyên gia Nam Phi, nhập cảnh vào Việt Nam, nhiễm biến thể B.1.351 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. B.1.351 (hay 501Y.V2) được phát hiện ở khu vực vịnh Nelson Mandela (Ấn Độ Dương) tháng 10.2020 được công bố tháng 12.2020. Đến nay, biến chủng này đã “có mặt” ở 30 quốc gia. Ngày 28.01.2021, Mỹ lần đầu xác nhận biến thể này ở 2 người không đến Nam Phi. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy biến chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20% - 200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay. Biến chủng này có một số đột biến giống với biến chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn.
Chiều 12.02, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, thông báo kết quả giải mã gene SAR-CoV-2 (liên kết với đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford, Anh) ba ca bệnh (BN1979 và 2 ca thuộc tổ bốc xếp, sân bay Tân Sơn Nhất) là chủng A.23.1, được phát hiện lần đầu tại Rwanda, châu Phi vào cuối tháng 10.2020. Biến chủng này mới phát hiện ở số ít nước như Mỹ, UAE, Úc, Anh, Đan Mạch và lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, Đông Nam Á. Hiện nay, chưa thấy những diễn biến bất thường từ biến chủng này.
Tốc độ lây lan nhanh hơn, hệ số lây nhiễm cao hơn, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn và thêm đường lây qua không khí là những thách thức không nhỏ. Nhưng lo ngại nhất là biến chủng làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine. Ngày 28.01, hãng Novavax, Mỹ công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của hãng chỉ hiệu quả 50% với biến chủng B1.351ở Nam Phi, trong khi ở Anh đạt đến 89,3%. Ngày 29.1, đến lượt Johnson & Johnson (Mỹ) chỉ hiệu quả 57% ở Nam Phi, trong khi ở Mỹ đạt 72%. Chưa hết, ngày 19.1, Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Nam Phi cho biết, kháng thể của một nửa trong số 44 người từng nhiễm hoàn toàn bất lực trước biến thể mới, số còn lại phản ứng yếu và duy nhất một người phản ứng tốt.
Trước đó, ông Alex Sigel, nhà Virus học, Viện Nghiên cứu sức khỏe Châu Phi, nhận định với CNN là biến chủng có khả năng lẩn tránh kháng thể sinh ra từ lần nhiễm trước. Vì vậy, nguy cơ tái nhiễm luôn hiện hữu.