Về một tour du lịch theo dấu chân vua Minh Mạng

Hoàng Văn Minh |

Ba địa phương Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có thể liên kết với nhau để cùng đầu tư và khai thác một tour du lịch độc đáo bằng đường thủy lần theo dấu chân vua Minh Mạng từ Huế vào Hội An, ra Ngũ Hành Sơn. Và câu chuyện liên kết, bắt đầu bằng huyền tích về một bà công chúa con gái vua Gia Long.

Số phận bi thương của một công chúa

Theo sử liệu, vua Gia Long có tất cả 18 công chúa. Trong số 14 người đó, có nàng công chúa thứ mười cuộc đời gặp phải cảnh ngộ rất éo le bi đát là An Nghĩa công chúa tên là Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn, sinh năm 1804. Mẹ bà là Đức phi Lê Thị Bình (em của Công chúa Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung). Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mệnh đã gả bà cho ông Lê Văn Yến là con trưởng của ông Lê Văn Phong và là con thừa tự của Tả quân Lê Văn Duyệt (anh Lê Văn Phong). Năm Ất Mùi (1835), xử vụ án Lê Văn Duyệt, Lê Văn Yến bị tội phải chết. Năm 1838, kinh thành Huế chứng kiến cảnh đầu rơi, máu đổ của dòng họ Lê Văn. Phò mã Đô úy Lê Văn Yến được vua Minh Mạng ban ân cho tự chết, còn 7 người em kế bị buộc tội làm phản nên giam giữ đến ngày 23 tháng 3 năm Mậu Tuất (1838) thì đưa ra hành quyết. Con cháu họ tộc Lê Văn từ 15 tuổi trở lên đều quy tội chết, dưới 15 tuổi trảm giam hậu. Con của Lê Văn Yến do còn nhỏ nên khỏi tội chết, đưa đi an trí ở Cao Bằng.

Tuy Nguyễn Phúc tộc thế phả và gia phả họ tộc Lê Văn không nói gì đến việc công chúa Ngọc Ngôn đi tu ở Ngũ Hành Sơn, nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến công chúa xuất gia đã được thể hiện qua bài thơ là “chu tử ngán mùi, đỉnh chung lợm giọng” thì rất phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của nàng công chúa ấy. Vì thế lúc bấy giờ, nàng chỉ biết tìm sự giải thoát qua câu kinh tiếng kệ ở chốn thiền môn: “Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa”. Sự kiện công chúa Ngọc Ngôn đi tu ở Ngũ Hành Sơn cũng được ghi lại trong nhiều tài liệu của các học giả nước ngoài. Điển hình là một đoạn viết được tìm thấy trong chuyện kể của Itier trong bản dịch “Núi đá hoa cương” của Phan Xưng, in trong “Những người bạn cố đô Huế”, tập 11, 1924: “Đây là một thạch thất, là nơi mà một nữ trinh nguyên luống tuổi, con vua Gia Long, em vua Minh Mạng đang làm vua tại Nam Kỳ, đã muốn đổi những tiếng ồn vô ích tại triều đình, để lấy về những âm thanh u huyền của gió mùa đông bắc rì rầm xuyên qua các hòn núi đá; đổi sự nhộn nhịp của những gì cao sang vua chúa để lấy về sự tịch mịch lắng trầm; đổi sự sang trọng xa hoa của ngôi cao công chúa để lấy về một vẻ đẹp đơn thường và nghiêm khắc của một chiếc áo mộc mạc mà thiên nhiên đã ôm ấp, với một tấm vải liệm màu trắng và đặt cho nằm yên giữa cảnh trời và nước, như muốn chỉ rõ cho những người dân xung quanh biết rằng nếu đang ở đây thì cũng đã là thoát khỏi mặt đất trần tục đó rồi”.

Ngũ Hành Sơn nhìn từ sông Cổ Cò. Ảnh: Kim Liên
Ngũ Hành Sơn nhìn từ sông Cổ Cò. Ảnh: Kim Liên

Khi các con của mình bị đày ra Cao Bằng được tha về thì công chúa Ngọc Ngôn mới rời Ngũ Hành Sơn trở về sống với các con tại phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở thôn Phú Mộng (nay là số 20 đường Phú Mộng, phường Kim Long, Thành phố Huế). Đến năm 1854, bà đã được vua Tự Đức phong An Nghĩa Thái trưởng công chúa. Bà qua đời năm 1856, thọ 53 tuổi.

Vua Minh Mạng 3 lần tuần thú Quảng Nam

Theo sử liệu nhà Nguyễn, vua Minh Mạng (ở ngôi từ 1820-1841) chỉ trong vòng 12 năm đã 3 lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn, đó là các năm Minh Mạng thứ sáu (1825), Minh Mạng thứ tám (1827) và Minh Mạng thứ mười tám (1837) để chiêm bái, ngoạn cảnh và thăm em gái Ngọc Ngôn đang tu tập tại đây. Lần thứ nhất, ngày Mậu Tuất, tháng 5 năm Minh Mạng thứ sáu, sau khi thuyền ngự đến bến Hóa Khuê, vua và thị thần lên vãng cảnh Ngũ Hành. Ngay lần đến đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai (nay là cổng 1) và lối lên chùa Linh Ứng (nay là cổng 2). Vua cũng ngự ban cho chùa Tam Thai một tấm biển bằng đồng, mạ vàng có hình lá đề có chạm khắc hình ngọn lửa (nên còn gọi là “Quả tim lửa”), cao 57,5cm, rộng 41cm, dày 2cm hai mặt có các dòng chữ do chính vua ngự ban, mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo” (Được làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu). Vua cho tu bổ lại chùa Tam Thai, ban cho chùa một tấm biển ghi rõ: “Ngự chế Tam Thai Tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo” (Ban sửa sang lại chùa Tam Thai, năm Minh Mạng thứ sáu tạo lập). Vua sắc phong chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng là “Quốc tự”.

Cũng năm này, vua cho người khắc tên lên đá 3 chữ “Động Huyền Vi” lên vách đá vào động Huyền Vi, hang động được phát hiện vào thời Lê Cảnh Hưng. Mãi đến năm 1960, các vị chư tăng ở đây mới cho khai mở một đường hầm dài để thông vào hang. Lần thứ hai, năm 1827, vua cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn ở chùa Tam Thai. Lần thứ ba, năm 1837, vua xuống sắc chỉ ban tên gọi chính thức cho các ngọn núi. Cũng năm này, vua cho lập bia Vọng Giang Đài bằng đá sa thạch, ở chính giữa tấm bia có khắc chìm 3 chữ Hán đại tự “Vọng Giang Đài” và dòng lạc khoản ghi năm dựng bia “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật” (bia được lập vào ngày tốt, tháng 7 năm Minh Mạng thứ mười tám). Mặt chính của tấm bia quay về hướng sông Cổ Cò.

Đặc biệt trong 3 lần vua Minh Mạng tuần thú Quảng Nam thì lần thứ 3, năm 1831 đã xảy ra một sự kiện đặc biệt liên quan đến việc tốn kém và gây phiền toái nhất cho quan lại địa phương và dân chúng. Số là năm đó trời làm khô hạn, bốn huyện thuộc trấn Quảng Nam là Diên Phước, Hòa Vang, Duy Xuyên, Lễ Dương bị mất mùa nghiêm trọng. Nhưng vua Minh Mạng sau khi tổ chức ăn mừng lễ tứ tuần đại khánh linh đình, triều đình tại kinh thành Huế năm trước, vẫn tiến hành ngự lãm Ngũ Hành Sơn. Quan Hiệp trấn Quảng Nam lúc bấy giờ là Phan Thanh Giản được lệnh chuẩn bị cuộc nghênh đón, đã dâng sớ can gián vua nên sau đó đã bị giáng cấp sung quân ở đồn Trà My, miền tây Quảng Nam để chống lại việc quấy phá của tộc người thiểu số. Và cuộc tuần du của vua vẫn cứ tiến hành như đã định. Trong chuyến tuần du này, trên đường trở về đã xảy ra một sự cố hiếm thấy. Có một thư sinh áo vải quê ở làng Thới Bình, huyện Duy Xuyên, tên là Nguyễn Đình Chương đã dâng sớ lên vua nêu rõ thực trạng tình hình đất nước và đời sống khổ cực của dân chúng trong hạt, đồng thời cũng lên tiếng phê phán cuộc tuần du gây tốn kém, phiền hà cho dân chúng. Về sự kiện này, sách “Minh Mạng chính yếu” chỉ chép mấy dòng ngắn gọn như sau: “Vua vào chơi tỉnh Quảng Nam, có người học trò tên Lê Đình Chương đón xa giá, đếm xỉa những điều tai dị như nắng khô, mưa lụt, nói nhiều đến ngông cuồng, trái lẽ. Giao cho Bộ Hình bàn luận, xin theo luật “Yêu ngôn” (nói điều yêu quái), kết tội “trảm giam hậu” (giam lại chờ chém)”.

Bên trong Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên
“Quả tim lửa” được vua Minh Mạng ban cho chùa Tam Thai trong chuyến ngự du đến Ngũ Hành Sơn lần đầu năm 1825. Ảnh: H.V.M

Tour du lịch theo dấu chân vua Minh Mạng

Bây giờ thì chúng ta thử hình dung về một tour du lịch mới bằng đường thủy liên kết giữa ba địa phương Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, tạm có tên là "theo dấu chân vua Minh Mạng". Đó là một hành trình khoảng 3 ngày 2 đêm. Lý tưởng nhất là du khách xuất phát bằng thuyền từ lăng Minh Mạng. Sau đó, thuyền đi dọc sông Hương và dừng lại ở các điểm di tích dọc sông Hương như điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, Đại Nội... Thuyền tiếp tục dọc sông vượt phá Tam Giang, men theo đường biển vào Hội An. Dọc đường từ phá Tam Giang vào Hội An có thể thiết kế nhiều điểm dừng nghỉ kèm theo nhiều hoạt động đánh bắt hải sản. Tại Hội An, sau khi thăm phố cổ và nghỉ đêm, du khách có thể được đổi thuyền loại nhỏ hơn để đi dọc sông Cổ Cò ra thăm thú Ngũ Hành Sơn...

Trên đây chỉ là ý tưởng của một vài người có trách nhiệm với du lịch Đà Nẵng đang muốn khai thác Ngũ Hành Sơn hiệu quả hơn, đông khách hơn con số hơn 2 triệu lượt khách của năm 2019. Cũng như tạo ra được một sản phẩm liên kết mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ, độc đáo hơn cho du khách ở nhiều điểm đến khác nhau trong bối cảnh hậu COVID-19 để góp phần phục hồi du lịch. Người cũ cảnh cũ, nhưng làm sao cho mọi thứ luôn luôn mới với du khách kiểu như vua Minh Mạng, dù những ba lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn nhưng lần nào cũng bị cảnh giới nơi này mê hoặc, đến mức phải hạ bút ngợi ca trong lần cuối cùng: “Phong cảnh Non Nước đối với ta vẫn lạ, tựa hồ như mới xem lần đầu”.

Bên trong Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên
Bên trong Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Kim Liên

Tuy nhiên, để những ý tưởng này trở thành hiện thực, ngành du lịch của 3 địa phương Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cần ngồi lại với nhau để cùng bàn. Miền Trung, mở đầu là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có một ví dụ thành công về liên kết vùng bằng "con đường di sản" đến nay đã bước qua năm thứ 16. Và "theo dấu chân vua Minh Mạng", biết đâu sẽ là một ví dụ tiêu biểu, mở đầu cho một chuỗi liên kết mới ở miền Trung hậu dịch COVID-19...

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Lễ rước Long vị vua triều Nguyễn đầu tiên ở Đại nội Huế

HƯNG THƠ |

Sau khi rước Long vị vua Hàm Nghi; rước bài vị của Bộ binh Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường, tỉnh Quảng Trị đã đưa đến Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích Quốc gia Căn cứ Thành Tân Sở (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để an vị.

Kiểm soát dịch dưới triều Nguyễn khi có sự kết hợp Tây y

hồng nhung |

Các văn bản hành chính triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho thấy, có sự thay đổi rõ rệt trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở nước ta dưới triều Nguyễn khi bắt đầu có sự kết hợp Tây y.

Đà Nẵng tiếp nhận 19 Châu bản triều Nguyễn, bản đồ về Hoàng Sa

THUỲ TRANG |

Ngày 18.1, UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận những tư liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Lễ rước Long vị vua triều Nguyễn đầu tiên ở Đại nội Huế

HƯNG THƠ |

Sau khi rước Long vị vua Hàm Nghi; rước bài vị của Bộ binh Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường, tỉnh Quảng Trị đã đưa đến Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích Quốc gia Căn cứ Thành Tân Sở (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để an vị.

Kiểm soát dịch dưới triều Nguyễn khi có sự kết hợp Tây y

hồng nhung |

Các văn bản hành chính triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho thấy, có sự thay đổi rõ rệt trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở nước ta dưới triều Nguyễn khi bắt đầu có sự kết hợp Tây y.

Đà Nẵng tiếp nhận 19 Châu bản triều Nguyễn, bản đồ về Hoàng Sa

THUỲ TRANG |

Ngày 18.1, UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận những tư liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa.