Vận dụng cơ chế kiểm soát quyền lực của triều Nguyễn vào kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng hiện nay

Cao Văn Thống - Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương |

LTS: Cải cách hành chính thời Nguyễn đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử và đương đại. Vấn đề cải cách luôn được giới chính trị và cả các nhà khoa học quan tâm vì đây là một trong những điểm mấu chốt để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Một đất nước sẽ không thể phát triển nếu không có các cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính nhà nước.

Ngay sau khi lập nước, Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long đã định ra nhiều chính sách mới như: Đặt quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ... mới hoàn toàn so với trước. Đến đời vua Minh Mệnh, với bản tính của một người năng động, quyết đoán, mặc dù kế thừa sự nghiệp khá vững chắc của vua cha Gia Long, ông vẫn quyết tâm cải tổ từ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, thuế khóa...; đặc biệt ông phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn. Thời vua Tự Đức, trước sức ép xâm lược của thực dân phương Tây, ông đã có những chính sách cải tổ nhất định để thích ứng như: Ưu tiên sử dụng quan lại biết tiếng Pháp, mang hàng hóa tham dự đấu xảo quốc tế tại Pháp, áp dụng một số đề xuất canh tân của các nhà cải cách đương thời như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ... Vua Thành Thái chủ động học tiếng Pháp, tiếp nhận văn hóa phương tây, đọc sách Pháp, đặt mua báo Tây, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, lái xe hơi... Vua Khải Định tự thiết kế trang phục kiểu mới, cho xây dựng điện Kiến Trung, cung An Định, Ứng Lăng theo phong cách kiến trúc hiện đại. Hay Bảo Đại, vị vua Tây học hoàn toàn nên ngay sau khi chính thức nắm quyền điều hành đất nước ông lập tức xóa bỏ các nghi thức hủ tục trong triều, cải tổ Nội các và các Bộ, thay thế những quan lại bảo thủ bằng các học giả theo trường phái tân tiến, thay thế hệ thống văn bản hành chính cũ viết bằng chữ Hán Nôm bằng hệ thống văn bản kiểu mới viết bằng chữ quốc ngữ...

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Dấn ấn cải cách hành chính thời Nguyễn – giá trị lịch sử và đương đại” (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ) diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhiều tham luận có giá trị đã được công bố. Trong số báo này, Lao Động Cuối tuần xin lược đăng bài viết của ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tựa bài do Lao Động Cuối tuần đặt).

Một trong những nét đặc trưng của triều Nguyễn (1802 - 1945) là quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực của bộ máy nhà nước và các quan lại, ngay cả kiểm soát quyền lực của nhà Vua, đã được đặt ra chức quan giám sát để "can gián Vua". Để kiểm soát quyền lực, có nhiều giải pháp, nhưng Vương triều Nguyễn đặt trọng tâm vào cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thể hiện tập trung vào mười nội dung chính sau đây:

(1) Thực hiện tư tưởng dân bản trong cải cách hành chính với những đặc điểm cơ bản là: Luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân; Quan tâm, giúp đỡ những địa phương, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Đề cao trách nhiệm của các cấp hành chính và đội ngũ quan lại trong việc trông coi dân; Giải quyết những khiếu kiện của dân, nghiêm trị hành vi làm trái của đội ngũ quan lại.

(2) Kế thừa những giá trị tích cực trong tư tưởng về nhà nước phong kiến tập quyền để xây dựng chế độ phong kiến tập quyền.

(3) Quản lý nhà nước bằng pháp luật, đề cao pháp luật, tôn trọng pháp luật, với đặc điểm của pháp luật triều Nguyễn là: Đã điều chỉnh khá đầy đủ các mối quan hệ xã hội và các mối quan hệ trong lĩnh vực hành chính; Điều chỉnh các quan hệ xã hội dựa theo nguyên tắc "quyền uy - phục tùng"; Pháp luật rất chi tiết, cụ thể nên dễ áp dụng; Vừa bảo đảm tính nghiêm minh vừa thể hiện tính độ lượng, khoan dung đúng mực của pháp luật; Sử dụng lệ tục như một công cụ hỗ trợ cho pháp luật trong cai trị đất nước và quản lý xã hội; Các Vua triều Nguyễn đã cho rằng, việc xây dựng pháp luật đã khó, việc tuân thủ pháp luật còn khó hơn nhiều; Chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại bảo vệ pháp luật.

(4) Kết hợp hài hoà giữa "đức trị" và "pháp trị" trong quản lý nhà nước.

(5) Trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ triều đình đến Lục bộ, giữa Lục bộ và Nội các và trong mọi cơ quan nhà nước.

(6) Chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh, quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng.

(7) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài tiến cử vào các cơ quan hành chính nhà nước.

(8) Xây dựng bộ máy cán bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ quan lại.

(9) Mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ hồi tỵ.

(10) Coi tội tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng, gây tác hại nhiều mặt cho xã hội cần phải nghiêm trị, trong đó tập trung vào phòng, chống sự tha hoá quyền lực (cường hào) để trục lợi của bộ máy làng, xã.

Những nội dung trên là chủ đề rất lớn và vẫn có giá trị thực tiễn hiện nay đối với nước ta. Nhưng trong phạm vi một bài viết, chúng tôi chỉ tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, xây dựng bộ máy kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ quan lại. Cơ chế kiểm tra, giám sát triều Nguyễn có thể chia làm hai nhóm: Cơ chế tự kiểm tra, giám sát của mỗi hệ thống và cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên ngoài hệ thống để đáp ứng được yêu cầu: có khả năng kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước. Bộ máy kiểm tra, giám sát: Không là bộ phận hợp thành bên trong của hệ thống quyền lực đang cần phải kiểm tra, giám sát mà nó đứng bên ngoài để kiểm tra, giám sát; có tính độc lập cao để bảo đảm khách quan, công tâm trong việc kiểm tra, giám sát có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.

Triều Nguyễn đã xây dựng được bộ máy kiểm tra, giám sát có các đặc điểm sau:

- Bộ máy kiểm tra, giám sát bao quát tất cả hệ thống quyền lực nhà nước và các cấp hành chính. Dưới thời Vua Minh Mệnh, Ngự Sử đài được đổi thành Đô Sát viện, có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát bộ máy hành chính trong toàn quốc và đội ngũ quan lại, ngoài ra còn có hệ thống giám sát của Lục khoa và 16 quan giám sát Ngự sử. Không một cơ quan hành chính nào, không một quan lại nào lại không bị kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực được giao từ các phía, ngay từ bên trong tổ chức và bên ngoài tổ chức.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát có quyền hành rất lớn, cơ chế hoạt động tương đối độc lập, không chịu bất cứ một sức ép nào. Quy định Đô Sát viện có quyền kiểm tra các cơ quan và đàn hặc rộng rãi, trên từ hoàng thân, quốc thích, hoàng tử chư công, dưới đến bá quan văn võ.

- Hình thức, đối tượng kiểm tra, giám sát đa dạng, được thực hiện thường xuyên và đột xuất, nhưng rất linh hoạt. Khi ở nơi nào đó có vấn đề "nóng, nổi cộm", bức xúc, nhạy cảm sẽ phái những đoàn "kinh lược đại sứ" của triều đình để kiểm tra, xem xét, giải quyết. Những người đứng đầu đoàn "kinh lược đại sứ" là những quan lại có uy tín, công minh và nghiêm khắc. Đối tượng kiểm tra, giám sát rất rộng là tất cả các cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ quan lại ở các địa phương đến triều đình.

- Thực hiện hình thức kiểm tra, giám sát mới là "khảo thi" và "khảo khoá" quan lại. Nếu quan lại nào bị đánh giá, nhận xét là không xứng chức thì lập tức bị bãi chức hoặc giáng chức...

- Dựa vào nhân dân để thực hiện việc kiểm tra, giám sát quan lại. Mỗi người dân có quyền gửi đơn lên triều đình hoặc gửi trực tiếp cho nhà Vua mỗi khi các ông đi vi hành. Trong trường hợp khẩn thiết, người dân có thể đến công chính đường đánh một hồi trống "đăng văn" sẽ có người của tam pháp ty ra nhận đơn, lập toà xem xét, giải quyết. Những việc liên quan đến quốc gia đại sự, người dân đều có thể dâng sớ "mật tấu" lên nhà Vua hoặc tam pháp ty.

Việc kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ quan lại dưới triều Nguyễn đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "Trên dưới liên kết hiệp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau" góp phần không nhỏ vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và các quan lại, hạn chế, ngăn ngừa lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, sự tha hoá quyền lực của đội ngũ quan lại thời phong kiến Vương triều Nguyễn. Nhiều nội dung vẫn có tính thời sự mà chúng ta cần nghiên cứu tiếp thu trong bối cảnh hiện nay. Chủ thể kiểm tra, giám sát có tính độc lập tương đối, không chịu bất kỳ sức ép hoặc sự can thiệp, tác động nào. Đối tượng kiểm tra, giám sát là toàn bộ cơ quan hành chính và tất cả các quan lại, không loại trừ một đối tượng nào, góp phần làm cho đội ngũ quan lại biết "tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tránh" để giữ mình liêm chính, làm trọn bổn phận, chức trách được giao. Hiện nay ở nước ta, việc kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hạn chế thông qua tự phê bình, phê bình, kiểm điểm, đánh giá, nhận xét hằng năm nhưng nhiều nơi rất hình thức và cũng ít xử lý được trường hợp nào. Có lẽ nên áp dụng bài học "khảo thi" và "khảo khoá" dưới triều Nguyễn, nếu không xứng với chức vụ được giao thì nên cho thôi chức hoặc giáng chức là chuyện bình thường, nhất là trong việc bổ nhiệm lại cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, sẽ khắc phục được cứ bổ nhiệm, cứ ứng cử và sau 5 năm lại bổ nhiệm lại, được giới thiệu ứng cử và lại tái cử như hiện nay...

Hai là, để kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng, chống sự tha hoá quyền lực, triều Nguyễn đã mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ hồi tỵ, quy định những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê,... thì không được làm quan cùng một chỗ; người làm quan không được làm quan ở quê mình. Nếu ai gặp trường hợp này phải tâu báo lên triều đình để bố trí chuyển đi chỗ khác. Từ Vua Minh Mệnh, chế độ hồi tỵ quy định cụ thể như sau:

- Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi nơi khác. Đối với Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải hồi tỵ.

- Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.

- Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc.

- Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.

- Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.

Những quy định trong chế độ hồi tỵ nói trên được áp dụng nghiêm ngặt, đã góp phần làm cho bộ máy hành chính triều Nguyễn được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, thao túng, thâu tóm quyền lực, tha hoá quyền lực trong bộ máy hành chính và đội ngũ quan lại các cấp... Bài học này, hiện nay chúng ta cũng thực hiện thí điểm và đang triển khai thực hiện, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: "Họ kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Họ quên rằng đây là việc công chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai" và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng có một số quy định về việc luân chuyển những cán bộ ở những vị trí nhạy cảm gần giống với chế độ "hồi tỵ"... Nhưng thực tế chế độ "hồi tỵ" vừa qua ở nước ta chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm minh, đồng bộ, chặt chẽ đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" đã đề ra một trong những mục tiêu: Đến năm 2020 đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp uỷ tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác và xác định: Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện là một trong năm đột phá về công tác cán bộ thời gian tới. Quy định về cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương... là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đã có cơ cở lý luận và thực tiễn từ thời phong kiến đã được cha ông ta, trong đó có Vương triều Nguyễn vận dụng thực hiện với nhiều kinh nghiệm hay và có kết quả. Vấn đề hiện nay đối với Đảng và Nhà nước ta là quyết tâm và tổ chức thực hiện làm sao cho đúng lộ trình và có hiệu quả.

Ba là, để kiểm soát quyền lực, nhất là việc lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, triều Nguyễn coi tội tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng, gây tác hại nhiều mặt cho xã hội cần phải nghiêm trị. Vương triều Nguyễn, nhất là Vua Minh Mệnh luôn coi tham nhũng là loại tội phạm rất nghiêm trọng, cần phải nghiêm khắc trừng phạt để đội ngũ quan lại không "khinh nhờn pháp luật". Sách “Đại Nam thực lục chính biên” đã ghi rõ vụ án vào tháng 9 năm 1826: "Người làm việc ở Kinh là Trần Công Trung, đòi ăn tiền, làm khó dễ, việc phát giác. Vua giao cho Bộ Hình tra xét, thành án. Vua nói: "Tang vật của vụ án Trần Công Trung tuy không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu nhu nhơ để sống một mạng ấy thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được. Vua sai đem chém Trung ở chợ Đông".

Các Vua triều Nguyễn đã coi việc khảo công, luận tội thường xuyên và nghiêm trị những quan lại tham nhũng là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng; đề cao sự công bằng trước pháp luật trong việc trừng phạt quan lại tham nhũng; lập Đại lý tự để thụ lý các vụ án tham nhũng, đặc biệt không phân biệt mà còn xử rất nặng với bề tôi, con cháu dòng tộc nhà Vua, khi họ lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Như vụ Án sát Quảng Ngãi là Nguyễn Đức Hội vốn là bề tôi thân cận của Vua Minh Mệnh, nên cậy thế, lạm quyền cho mình mặc sức làm bừa, tham nhũng, khi bị phát giác, Vua Minh Mệnh đã cách hết chức của Nguyễn Đức Hội và phát vãng làm lính Định man.

Các Vua triều Nguyễn còn coi chống tham nhũng là để "nới sức cho dân". Gắn kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng với việc "nới sức cho dân", chủ trương ban thưởng khá rộng rãi những quan lại có công và trọng dụng những quan lại có tài, mẫn cán, liêm chính; đồng thời cũng rất nghiêm khắc với các quan lại lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng từ tịch thu tài sản đến chặt tay những thủ kho bớt xén của công và chém những viên quan đại thần tha hoá quyền lực để tham nhũng. Từ kinh nghiệm, bài học của Triều Nguyễn, một số vấn đề liên quan đến lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát, tham nhũng là "giặc nội xâm", là "Việt gian bán nước", đưa vào Luật Phòng, chống tham nhũng, các nghị quyết của Đảng, nhất là việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thời gian qua đã trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, không có vùng cấm, kể cả đương chức hay đã nghỉ hưu và xử lý rất nghiêm minh đã thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có thông điệp về vấn đề chống tham nhũng rất rõ ràng và với quyết tâm chính trị rất cao là "lò đã nóng lên rồi thì củi khô, củi tươi đều cháy hết". Chống tham nhũng phải kiên quyết, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ", còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì, không thể nóng vội... Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, trong đó có Quy định 85-QĐ/TW, ngày 23.5.2017 của Bộ Chính trị khoá XII về kiểm tra, giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, Quy định số 01 - QĐi/TW, ngày 10.5.2018 của Bộ Chính trị khoá XII về trách nhiệm, thẩm quyền của Uỷ ban Kiểm tra các trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đến tổ chức đảng, đảng viên ở cấp huyện và cấp cơ sở... Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn hạn chế, chưa quyết liệt và kiên quyết như các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, cần phải được tiếp tục nghiên cứu học tập, vận dụng những vấn đề còn phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay.

Bốn là, Vương triều Nguyễn đã tập trung vào phòng, chống sự tha hoá quyền lực (cường hào) của bộ máy quản lý làng, xã. Tuy nhà Vua đã đề ra một số biện pháp nhằm hạn chế sự tha hoá quyền lực của bộ máy quản lý làng xã, nhưng các biểu hiện tha hoá quyền lực mà dân gian hay gọi là "cường hào" vẫn thường xảy ra. Trong thời kỳ phong kiến, làng xã ngoài việc phải chấp hành luật pháp còn phải tuân thủ các hương ước, tục lệ của làng xã - dân gian vẫn có câu "luật Vua thua lệ làng" là một trong những cơ sở nảy sinh sự tha hoá quyền lực của bộ máy quản lý làng xã mà đại diện là các kỳ mục và các chức dịch. Chính Nhà nước phong kiến tập quyền tạo ra trong làng xã một tầng lớp Hội đồng kỳ mục và các chức dịch có nhiều quyền lực mà đại diện là Xã trưởng, Lý trưởng, Phó lý... - "cường hào" đã lạm dụng quyền hành, thao túng các công việc trong làng xã. Để kiểm soát được quyền lực, phòng, chống sự lạm quyền, lộng hành, lợi dụng, thao túng mọi quyền lực trong các làng xã mà Vương triều Nguyễn đã chỉ rõ những biểu hiện của sự tha hoá quyền lực của bọn "cường hào" các làng xã là: (1) Dựa vào quyền hành, lũng đoạn công quỹ, chiếm đoạt ruộng đất, tài sản công; (2) Xoay xở, doạ dẫm, vu khống, ức hiếp, cướp đoạt ruộng đất, tài sản của người khác; (3) Cậy quyền, cậy thế nhận của hối lộ, đánh người bị thương, cày phá mồ mả, xâm hại nhân phẩm người khác... để quan lại biết mà tránh và làm cơ sở để kiểm tra, giám sát. Đồng thời, nhà Vua đã đề ra và thực hiện thay đổi bộ máy cấp làng xã; đưa ra tiêu chí và thực hiện hình thức bầu Xã trưởng, Lý trưởng; thực hiện chế độ hồi tỵ trong việc bầu Xã trưởng, Lý trưởng; thực hiện việc khen thưởng và kỷ luật các chức sắc trong bộ máy quản lý làng xã.

Như vậy, ngay trong thời kỳ phong kiến, các nhà vua đã nhận thấy sự yếu kém, tha hoá quyền lực ở cấp cơ sở và có nhiều nội dung còn có giá trị thực tiễn đối với nước ta hiện nay... Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhận rõ tầm quan trọng của chính quyền cơ sở nên đã có nhiều biện pháp, có cả Nghị quyết Trung ương 6 khoá X về nâng cao chất lượng của tổ chức đảng và cán bộ ở cơ sở, quy chế dân chủ ở cơ sở, quy định tiêu chuẩn, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bầu cử các chức danh của hệ thống chính trị ở cơ sở... nên hệ thống chính trị ở cơ sở và đội ngũ cán bộ ở cơ sở cơ bản bảo đảm chất lượng, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn kéo bè, kéo cách, dòng họ... để thao túng quyền lực. Phải chăng nên tiến tới thực hiện chế độ hồi tỵ như dưới triều Nguyễn đối với cả người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, thị tứ.

Những bài học kinh nghiệm từ việc kiểm soát quyền lực của bộ máy hành chính nhà nước và các quan lại dưới Vương triều Nguyễn vẫn còn giá trị thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền... Chúng ta nên học tập, tiếp thu những giá trị tích cực phù hợp với hạ tầng cơ sở và kiến trúc thượng tầng của nước ta hiện nay. Trong đó vận dụng kinh nghiệm về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng của Vương triều Nguyễn để xây dựng được cơ chế phòng ngừa hữu hiệu để "không thể tham nhũng"; cơ chế, chế tài xử lý nghiêm khắc, chặt chẽ, nghiêm minh để "không dám tham nhũng"; chế độ đãi ngộ hợp lý để "không cần tham nhũng"; cơ chế và ý thức trách nhiệm, gương mẫu, nêu gương sáng để "không muốn tham nhũng", trong đó, tập trung chú trọng: "không thể tham nhũng" và "không dám tham nhũng". Trong kiểm soát quyền lực phải bảo đảm yêu cầu: "Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền. Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm" để quyền lực dù to hay nhỏ cũng phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặn chẽ quyền lực trong công tác cán bộ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng "chạy chức, chạy quyền", hướng tới "04 không": "không thể chạy", "không dám chạy", "không cần chạy", "không muốn chạy"; trong đó, đặc biệt chú trọng: "không thể chạy, "không dám chạy".

Với kinh nghiệm đã có, với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng ở nước ta sẽ có chuyển biến tích cực và nhất định sẽ ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được sự tha hoá quyền lực, tham nhũng.

Cao Văn Thống - Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương
TIN LIÊN QUAN

Hai lần giảm 50% phí trước bạ, doanh số ôtô tăng trưởng ngoạn mục

Anh Tuấn |

Chính phủ giao Bộ Tài chính, Công Thương nghiên cứu ưu đãi phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô lắp ráp trong nước. Trước đó cũng đã có 2 đợt giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước.

Quảng Trị: Vỉa hè vừa làm xong đã bị đào lên để thi công công trình khác

HƯNG THƠ |

Vỉa hè vừa được cải tạo bằng cách lát gạch terrazzo mấy tháng thì đơn vị khác lại đào lên để thi công công trình mới. Chứng kiến sự lãng phí, người dân dọc một số tuyến đường ở Quảng Trị rất bức xúc.

Hà Nội sẽ kiện toàn chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội - Tại kỳ họp, HĐND thành phố sẽ thực hiện việc kiện toàn chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố và Ủy viên UBND thành phố theo quy định để đảm bảo bộ máy, hoạt động của UBND thành phố thông suốt, hiệu quả.

Dễ mất kiểm soát việc lắp đặt thang máy gia đình

THU GIANG - NGUYỄN THUÝ |

Những năm gần đây, xu hướng cải tạo nhà, lắp đặt thang máy riêng đang nở rộ tại các quận, huyện nội thành Hà Nội. Khi quỹ đất đô thị ngày càng khan hiếm, nhu cầu xây dựng và lắp đặt thang máy nhà cao tầng càng trở nên phổ biến, nhiều hộ dân sẵn sàng chi hàng trăm, thậm chí cả tỉ đồng để sử dụng tiện ích này phục vụ cho nhu cầu đi lại.

Trang thiết bị y tế sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong vòng 3-6 tháng tới

Thùy Linh |

Đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế khẳng định về cơ bản trong vòng 3- 6 tháng tới nhịp độ cung cấp trang thiết bị y tế cho nhu cầu của các cơ sở y tế sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Gia đình nữ công nhân sẽ được nhận chế độ tử tuất hơn 23 triệu đồng

Hà Anh |

Sau loạt bài “Chuyện buồn của nữ công nhân bị công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội”, “Gia đình nữ công nhân đã được mời lên làm thủ tục hưởng chế độ tử tuất” của Báo Lao Động ra ngày 7 và 9.3, chiều 9.3, anh Phạm Văn Tuyến là chồng chị Lê Thị Ngân - nữ công nhân mắc ung thư máu và tử vong năm 2012, gia đình chưa nhận được tiền tử tuất - thông báo là BHXH huyện Gia Lâm, Hà Nội đã tiếp nhận xong giấy tờ và hẹn ngày chi trả tiền hỗ trợ mai táng, tử tuất 1 lần của vợ anh.

Phó Giám đốc Công an Hà Nội: Số người bám vỉa hè mưu sinh không nhiều

Phạm Đông |

Số người bám vỉa hè mưu sinh không nhiều là khẳng định của Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội liên quan tới kế hoạch "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ của thành phố.

Công khai kết hợp hoá trang kiểm tra nồng độ cồn đến tháng 12.2023

Việt Dũng |

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an vừa ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ, đường sông, đường sắt.