Văn chỉ Thọ Xương- trung tâm chấn hưng văn hóa Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XIX

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi |

Năm 1802, Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân và tuyên đế hiệu Gia Long, đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn, tiến vào Thăng Long, bố cáo thiên hạ: “Xây dựng nền trị bình, chấn hưng văn hóa” (Đại nam thực lục).

Vậy mà 30 năm hậu chiến đã qua rồi, năm 1831, vị tiến sĩ khoa thi 1826 của chính triều Nguyễn là Vũ Tông Phan, từ kinh đô Huế ra Bắc nhậm chức Giáo thụ phủ Thuận An tỉnh Bắc Ninh, miêu tả thực trạng Hà Nội trong bài thơ “Để Hà Nội giới thủ” (Đến đầu địa giới Hà Nội):

Nhân hỏi tân tỉnh thành Hà Nội

Khí sắc xem có được như xưa:

Người bảo từ ngày lao dịch mới

Trước mười nay tám chín phần thua.

Lại thêm dân cư Hoài Đức phủ

Nghe có lệnh vua tuyển binh ngũ

Nhà nhà thất kinh, người trốn đi,

Bất kể dân gốc hay dân ngụ,

Ba sáu phố phường không phu phen,

Chợ buổi, chợ phiên buôn bán bỏ,

Quanh thành trộm cướp nổi triền miên,

Một đêm năm lần cháy trong phố,

Thôn phường mười hộ chín trống không,

Dắt díu nhau đi tìm lạc thổ...

Đó là dân tình, còn đây, vẫn trong bài thơ ấy, là thế đạo nhân tâm:

Than ôi! Trăm nghìn năm phồn hoa,

Vật thịnh hay suy đều tại số.

Nhưng nay phát sinh nơi đô thành,

Nhiều hạng dân du thực du thủ,

Đi học chỉ cốt giật tiếng Nho,

Đi buôn chửa giầu đã khoe của,

Cư dân thường túm tụm ba hoa,

Bộ hành áo quần cực diêm dúa,

Sòng bạc tràn lan khắp gần xa,

Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối,

Tâng bốc láng giềng, nịnh thân gia,

Không còn nửa phân lòng trung hậu...

Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ khoa 1832, người làng Đông Tác-Kim Liên, đồng môn và đồng chí thân thiết của Nghè Phan, phát biểu tâm huyết chung của kẻ sĩ Thăng Long buổi trầm luân ấy: "Quốc vận trung hưng, nhân đạo khởi vô tái chấn?" (trung hưng vận nước mà không chấn chỉnh đạo lý làm người được sao?).

1. Mùa xuân năm 1834, nhóm sĩ phu Hà thành tập họp xung quanh Vũ Tông Phan, vị tiến sĩ khai khoa cho huyện Thọ Xương, đã nhất loạt mở các tư thục quanh vùng hồ Hoàn Kiếm, như họ viết trên một về đối trong đền Ngọc Sơn, tạo “tân lương giác thế quan” - cầu bến cửa giác ngộ cho đời (xin đọc bài về Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu trong Thời báo Văn học Nghệ thuật, số ra ngày 14.10.2021). Nhưng xưa cũng như nay thôi: Không thể phát triển giáo dục bằng mấy ngôi trường chất lượng cao trong môi trường văn hóa suy đồi! Nhóm sĩ phu Hà thành đã nhất trí “minh thệ” (thề ước) với nhau tại các cuộc tụ hội luận bàn ở trường Hồ đình và trường Phương đình về “chính nhân tâm” (làm cho nhân tâm đúng đắn) “chính phong tục” (làm cho phong tục đúng đắn) và “chính học thuật”  (làm cho sự học đúng đắn). Chữ “chính” hợp với chữ “phương” thành “PHƯƠNG CHÍNH” - phương châm tư tưởng và hành động của quân tử: NGAY THẲNG, CHÍNH TRỰC. Bởi thế, trong một bài họa đáp tại bữa tiệc khai trường Phương đình trên bờ sông Tô cuối xuân 1834, Nguyễn Văn Siêu đã nguyện cùng các đồng chí: Cố tri viên thị trí, nghĩa là: “Vẫn biết tròn là khôn ngoan / Xin nguyện giữ VUÔNG làm khuôn mẫu”. Bởi lẽ vuông thì chỉ thẳng một hướng mà tiến, chứ tròn thì lăn lông lốc ba vạ mọi nơi!

Nhưng để làm văn hóa, ngoài phương châm đúng đắn phải có phương tiện: Tổ chức và tài lực. Về tổ chức thì theo tấm bia đá lớn, dựng tại Văn chỉ Thọ Xương từ 1838, văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý viết: Năm 1832 các thân sĩ huyện Thọ Xương (bao gồm 4 huyện nội thành ngày nay) sau khi tham khảo quy chế phụng thờ tiên hiền của triều đình, đã lập ra Văn hội Thọ Xương. Nhưng Văn hội, tổ chức truyền thống từ xưa của Nho sĩ, có những khuôn khổ quá chật hẹp, không thể đáp ứng những mục tiêu của Vũ Tông Phan cùng các đồng chí. Chẳng hạn, hạn chế về khoa danh: Theo Bạ tịch Văn chỉ Thọ Xương, khắc in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), tính đến năm 1836 là năm khởi công xây dựng Văn chỉ, Văn hội mới có 39 thành viên, gồm 2 tiến sĩ (Phan và Lý), 7 cử nhân (Siêu bấy giờ cũng chỉ mới đỗ cử nhân) và 30 tú tài. Bởi thế, khoảng 1834 - 1836, Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu cùng các nho sĩ đồng chí hướng chấn hưng văn hóa-giáo dục Thăng Long, dựa nòng cốt Văn hội Thọ Xương do Nghè Phan “vi chủ”, sáng lập một tổ chức xã hội phi chính thống đầu tiên trong lịch sử Nho lâm đất Việt: Hướng Thiện hội, cũng do người khai khoa dưới triều Nguyễn cho huyện Thọ Xương làm Hội trưởng đầu tiên.

Văn chỉ Thọ Xương (hai khu nhà bên trái bản đồ Hà Nội 1873, phía sau là khu chùa Liên Phái). Ảnh: BTC
Văn chỉ Thọ Xương (hai khu nhà bên trái bản đồ Hà Nội 1873, phía sau là khu chùa Liên Phái). Ảnh: BTC

2. Về tài lực, cũng là do một nhân duyên đưa ông Nghè làng Tự Tháp ven Kiếm Hồ đến với sĩ phu Bùi Huy Tùng, bậc trưởng giả trong gia tộc họ Bùi thôn Phất Lộc (nay là ngõ) giầu có nhất nhì Hà thành thời bấy giờ, đã mở trường để diên sư giáo tử, tức mời thầy về nhà dạy con và ông thầy đó chính là hưu quan Đốc học Vũ Tông Phan. Từ đấy họ Bùi thôn (nay là ngõ) Phất Lộc mới có hai người đỗ cử nhân là Bùi Huy Tuyên (1841) và Bùi Huy Côn (1843), nhiều người đỗ tú tài. Về phía Nghè Phan, hẳn là nhờ ngồi dạy học trong tư gia ông Tùng, gần gũi với ông nhiều năm tháng, nên đã nhận ra sĩ phu này có cái tâm lớn, chứ không phải như thành kiến ông từng phát biểu trước kia trong một bài thơ tự cười sự học vô dụng của mình, rằng "Buôn bán thì lo để tiếng cắt cổ người"! Trong nhận thức của Vũ Tông Phan, sau các biến cố của thời cuộc, lại trải qua kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân, hẳn đã có chuyển biến tích cực về vai trò của doanh nhân trong xã hội nên ông đã cho con trai cả là tú kép Vũ Như Trâm kết hôn với cháu ruột ông Tùng là Bùi Thị Dĩnh.

Tấm bia đá lớn tại Văn chỉ Thọ Xương khắc ông Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng đã hiến tổng cộng đến 10 mẫu 7 sào ruộng, ao và hàng ngàn quan tiền (1 con trâu lúc ấy giá chỉ 5 quan!) lại đích thân trông coi xây dựng, sau tiếp tục tạo kinh phí duy trì hoạt động của Văn chỉ và hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn. Với gần 4 nghìn mét vuông mặt bằng, Văn chỉ Thọ Xương khánh thành năm 1838 từng là một khu đền miếu khá quy mô, theo hình vẽ trên bản đồ Hà Nội 1873 có đến 5 tòa, chia làm 2 khu, khu chính có đại bái 5 gian với tả vu, hữu vu, ao minh đường, cột hia biểu, cổng, tường bao, đều xây gạch, lợp ngói, khu thứ hai có nhà in Như Nguyệt đường do ông Bùi Huy Đoàn là chú ruột của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng xây dựng.

3. Nhưng khác biệt chủ yếu của Văn chỉ Thọ Xương so với các văn chỉ thông thường là ở chỗ nó không chỉ là nơi xuân thu nhị kỳ tế lễ Khổng Tử và các tiên hiền địa phương. Văn chỉ Thọ Xương là một trung tâm  văn hóa lớn của Hà Nội thế kỷ XIX, hoạt động chấn hưng văn hóa-giáo dục. Nội dung văn hóa của Văn chỉ thể hiện ở bi ký, câu đối tại đền, qua những công việc hữu ích chung mà các thành viên Văn hội và Hướng Thiện hội tiến hành tại đây, tại các đền chùa và tư thục ở nội ngoại thành Hà Nội và cả ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam  Định, Hải Dương...

Trên tấm bia "Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký" (1838), sau lịch sử dựng đền và những câu chung chung về tôn kính tiên hiền, thờ vua giúp nước, Nguyễn Văn Lý bộc lộ chủ trương của họ một cách rất cụ thể, thiết thực: "Vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" (làm người có đạo đức chân chính trong làng, làm người thầy dạy học trong xã) - một lẽ sống mà Văn chỉ Thọ Xương về sau kẻ sĩ đất Việt trong suốt ngót trăm năm cho đến các nhà Nho ở Đông Kinh nghĩa thục, vẫn noi theo. Và chẳng những trí thức Nho học mà đến cả những thanh niên "Tây học ở giữa thế kỷ XX vẫn nhận thức đó là một lẽ sống chân chính và đã biến thành lời kêu gọi trên báo Thanh Nghị: "Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!" (Vũ Đình Hoè).

Phương châm của Văn hội và Hướng thiện hội để tu thân và giáo hóa sĩ dân nhằm chấn hưng văn hóa-giáo dục được vị Hội trưởng Vũ Tông Phan thể hiện  thành vế đối treo ở ngay bái đường, nơi hành lễ: Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến / Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh. Tạm dịch: Phong văn nước cũ truyền người trước - Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau.

“Cựu bang văn nhã” chỉ tục lệ tốt đẹp của nước Văn Lang. Thế còn “cổ đạo nghi hình” (khuôn và mẫu của đạo cổ) là đạo nào vậy? Trong thơ của Vũ Tông Phan chúng tôi lại hay gặp “ngô đạo” - chữ Khổng Tử thường dùng gọi học thuyết chính trị-đạo đức của mình: “Long sát bất quan ngô thánh đạo” (cuộc chém giết lớn này không liên quan đạo thánh của ta - Qua Văn miếu Bắc thành, 1832); “ngô đạo bất duyên tang lỗ cuộc” (đạo ta không can hệ cuộc dâu bể này). Rõ ràng ông tiến sĩ khai khoa cho huyện Thọ Xương nói đến đạo Nho cổ đại của Khổng Tử, với chữ Nhân (nhân ái) làm gốc, vì chỉ có lòng Nhân mới bất biến, không liên quan sự đổi thay triều đại.

4. Văn chỉ Thọ Xương với Như Nguyệt đường của Bùi Huy Đoàn là một nơi tàng bản và khắc in sách lớn ở Hà Nội trong thế kỷ XIX, không thua kém tàng bản đền Ngọc Sơn. Tiếc rằng do những biến động xã hội lớn ở nửa sau thế kỷ XX, Văn chỉ bị chiếm dụng, tài sản kể cả bộ ván khắc bị thất lạc hết. Hiện nay, căn cứ kho sách của Viện Hán Nôm, các nhà nghiên cứu mới sưu tầm được một số bộ sách từng khắc in tại Như Nguyệt đường như: Âm chất văn, nội dung là những bài kinh khuyến Thiện cổ truyền của các thánh Văn Xương, Quan Đế; Ngũ luân ký thể thơ 6-8 bằng chữ Nôm, về 5 đạo lý vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn;  Tứ lễ lược tập, do chính Bùi Huy Tùng biên soạn thuyết giải về 4 lễ lớn cổ truyền (Quan: đội mũ cho con trai trưởng thành, Hôn: cưới xin, Tang: tang ma, Tế: cúng tế). v.v...

Đều đặn một tháng hai lần, vào các ngày mồng 2 và 16 tại nhà Đại bái Văn chỉ thọ Xương và tại Hoằng Thiện kinh đàn Ngọc Sơn, tổ chức các buổi thuyết giảng kinh dạy đạo làm người. Mới đầu là giảng những kinh sách lưu truyền từ xưa do Văn hội in ra, khuyến khích mọi người làm việc thiện để tu dưỡng đạo đức, gìn giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ, đức thuỷ chung trong tình vợ chồng, sự nhường nhịn, hoà thuận giữa anh em với nhau, thành thực trong quan hệ bạn bè, giữ chữ tín trong quan hệ với mọi người.v.v...; sau cập nhật những phương châm tư tưởng của từng giai đoạn, như đến thời Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục và hậu Đông Kinh nghĩa thục đã giảng bài sau đây trong Tâm pháp chân kinh:

Từ rày giở về sau mãi mãi

Thề không tham của cải của người

Thề không hoa nguyệt chơi bời

Thề chừa cờ bạc, thề thôi rượu càn

Thề không dám ăn gian nói dối

Thề không còn oán mới thù xưa

Thề cứu giúp kẻ sa cơ

Thề trong việc Thiện từ giờ gắng công

Ơn cha mẹ thề không phụ bạc

Thờ sống sao thời thác làm vầy

Nước-nhà nghĩa hợp xưa nay

Thề xin sau trước thẳng ngay một lòng

Có vợ chồng thề không lỗi đạo

Sống thủy chung giai lão bách niên

Anh em nhường dưới kính trên

Thề xin hòa mục cho yên cửa nhà

Chơi với bạn nếu là lường gạt

Thề xin cam trừng phạt lần hồi

Thầy trò nghĩa lớn ở đời

Con mà bội bạc Đức Ngài chứng tri...

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi
TIN LIÊN QUAN

Những cuốn sách cổ và chuyện về “Trạng nguyên” của người Thái

Hữu Vi |

Trong các cộng đồng làng bản ở miền núi hiện vẫn còn những cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái, thậm chí là chữ Lào được lưu giữ bởi các bậc cao niên. Tuy nhiên không còn nhiều người còn có thể đọc được những thể chữ viết vốn ít nhiều đã thất truyền.

Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam

GS.TS Trịnh Sinh |

Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhoà theo thời gian rồi bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác trong những cuộc xâm lăng lãnh thổ dẫn đến xâm lăng và đồng hoá văn hoá.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Minh thi |

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Bài và ảnh MINH THI |

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Lệnh bài của Tần Vương trên đất Việt

Bài và ảnh Minh Thi |

Theo quan niệm lâu nay, vào khoảng năm 217 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc mới phát 50 vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, đặt ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận. Chữ viết theo lối tượng hình của văn hóa Trung Hoa từ đó mới được truyền vào đất Việt... Tuy nhiên, những khám phá gần đây lại cho thấy những thông tin hoàn toàn khác về thời điểm có mặt của nhà Tần, cũng như sự xuất hiện của chữ viết sớm ở miền đất Bắc Việt ngày nay.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

Những cuốn sách cổ và chuyện về “Trạng nguyên” của người Thái

Hữu Vi |

Trong các cộng đồng làng bản ở miền núi hiện vẫn còn những cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái, thậm chí là chữ Lào được lưu giữ bởi các bậc cao niên. Tuy nhiên không còn nhiều người còn có thể đọc được những thể chữ viết vốn ít nhiều đã thất truyền.

Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam

GS.TS Trịnh Sinh |

Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhoà theo thời gian rồi bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác trong những cuộc xâm lăng lãnh thổ dẫn đến xâm lăng và đồng hoá văn hoá.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Minh thi |

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Bài và ảnh MINH THI |

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Lệnh bài của Tần Vương trên đất Việt

Bài và ảnh Minh Thi |

Theo quan niệm lâu nay, vào khoảng năm 217 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc mới phát 50 vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, đặt ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận. Chữ viết theo lối tượng hình của văn hóa Trung Hoa từ đó mới được truyền vào đất Việt... Tuy nhiên, những khám phá gần đây lại cho thấy những thông tin hoàn toàn khác về thời điểm có mặt của nhà Tần, cũng như sự xuất hiện của chữ viết sớm ở miền đất Bắc Việt ngày nay.