Gặp gỡ cuối tuần

“Vai trò phản biện của nghệ thuật bị xem nhẹ!”

VIỆT VĂN THỰC HIỆN |

Một cuộc triển lãm lớn mang tên “Mở cửa” sẽ khai mạc ngày 21.9 và kéo dài khoảng 10 ngày để tôn vinh 50 tác giả có dấu ấn cá nhân, để lại những ấn tượng sâu sắc và đậm nét trong 30 năm đổi mới (1986 - 2016).

Câu chuyện của chúng tôi với họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, không chỉ về sự kiện này mà còn có những vấn đề nóng của đời sống mỹ thuật VN.

Ông cho biết về tiêu chí và cách làm để tuyển chọn 50 tác giả?

- Mỗi giai đoạn mỹ thuật đều có những thành tựu, đặc điểm riêng. Trước năm 1986, trong hai cuộc kháng chiến, các thế hệ của nền mỹ thuật Việt Nam xuyên suốt một chủ đề, với một mục tiêu, mục đích vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và dòng chủ lưu duy nhất là Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Năm 1986 có ý nghĩa như một sự lật trang mở đầu cho giai đoạn đổi mới với nhận thức mới, không khí sáng tạo mới, nhưng phải đến những năm 1990 trở đi, mới định hình những nhóm tác giả, với xu hướng, phong cách nghệ thuật mới, khẳng định rõ rệt vị thế của mình. Trong lịch sử phát triển mỹ thuật hiện đại VN giai đoạn từ năm 1986 trở đi là giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, toàn diện.

Để đánh giá một giai đoạn 30 năm là rất khó, có nhiều nhìn nhận ở những góc độ khác nhau, và một nhóm 3 người của Cục là tôi, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình và họa sĩ Phạm Hà Hải có thể coi là “giám tuyển” (curator) đứng ra chịu trách nhiệm với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với ngành mỹ thuật đưa ra quan điểm để chọn 50 tác giả, còn tác phẩm là tác giả tự chọn, tự chịu trách nhiệm. Các giám tuyển gặp từng tác giả, trao đổi ý tưởng, mục đích triển lãm, và bàn bạc thống nhất với tác giả chọn 1 tác phẩm tiêu biểu để triển lãm, còn cuốn vựng tập sẽ giới thiệu tiểu sử tác giả, quan điểm nghệ thuật cá nhân và in khoảng 3 tác phẩm của mỗi họa sĩ. Mỗi tác giả chỉ có 1 tác phẩm, vì chỉ bày trong 2 tầng của tòa nhà Bảo tàng mỹ thuật VN trong khi nhiều tác phẩm có kích cỡ rất lớn.

Thách thức lớn nhất để triển lãm là gì thưa ông?

- Khó khăn về kinh phí là vấn đề muôn thuở, ngay việc vận chuyển tác phẩm cũng mất công, như tác phẩm sắp đặt nặng đến 3 tạ của Ly Hoàng Ly chuyển từ TPHCM ra, rồi họa sĩ Bảo Toàn cũng có tác phẩm sắp đặt lớn, chiếm ¼ góc sân bảo tàng, rồi đóng bục bệ, trang trí… Tuy nhiên với mục đích tôn vinh tác giả tối đa, chúng tôi đảm bảo hết, thậm chí lần đầu tiên Cục còn bỏ tiền ra mua vé máy bay mời các tác giả ở TPHCM và các tỉnh khác ra dự khai mạc, rồi quà tặng cho mỗi tác giả…

Nhưng cái khó nhất là cuộc triển lãm này sẽ được soi xét bởi dư luận trong giới, từ dè dặt, nghi ngờ đến thắc mắc... tại sao chọn người này không chọn người kia, nhưng mọi sự đã hóa giải khi 3 chúng tôi đứng ra chịu trách nhiệm (dù đây là hoạt động của Cục chủ trì). Cuộc triển lãm này dưới con mắt của 3 người chúng tôi tuyển chọn là như thế.

Cá nhân ông có tin là không bỏ sót ai xứng đáng?

- Tôi tin là không. Khi gửi thư mời cho mỗi tác giả, chúng tôi đều gửi kèm theo danh sách đủ 50 người để ai cũng biết tác phẩm của mình bày chung với ai. Đó đều là những người thực sự đóng góp cho đổi mới. Chúng tôi cũng mời hai tác giả Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, vì họ không chỉ vẽ tranh mà còn viết bài đưa ra những quan điểm, suy nghĩ đóng góp cho mỹ thuật đổi mới. Có tác giả ít người biết như Mai Duy Minh (Hải Phòng), nhưng tôi theo dõi anh từ lâu. Rất có tài, máu làm nghề, dù Minh chưa xuất hiện nhiều, nhưng có những cái hơn người, sống chết với nghề. Nữ họa sĩ trẻ Lý Trần Quỳnh Giang xuất hiện cách đây mươi năm, rồi 5 năm gần đây lui về ở ẩn, nhưng dấu ấn cá nhân của chị rất rõ, với mảng tranh đồ họa, khắc gỗ mộc bản… Hay Vũ Dân Tân là họa sĩ làm nghệ thuật đương đại đầu tiên ở HN, dù nhiều người trong giới không đánh giá cao nhưng chúng tôi vẫn mời triển lãm. Họa sĩ Trương Tân cũng có nhiều ý kiến về tranh giới tính của anh, nhưng rõ ràng anh là một tiếng nói riêng trong giới. Họa sĩ Minh Thành cũng là một tiếng nói rất riêng…

Chúng tôi không chỉ chọn các tác giả trẻ mà cũng mời các tác giả lớn tuổi thực sự có bản sắc riêng, đóng góp sáng tạo là bác Trần Lưu Hậu, anh Đỗ Sơn cũng không còn trẻ. Các anh Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Trần Lương (dù Lương sau này làm giám tuyển), Trần Trọng Vũ (Việt kiều ở Pháp) Đinh Thị Thắm Pông, Thái Nhật Minh… Ở Sài Gòn chúng tôi mời các họa sĩ lớn tuổi như Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, trẻ có Ly Hoàng Ly…

Thực tế là hiện nay, đời sống mỹ thuật ở ta khá bình lặng thậm chí là tẻ nhạt, ý kiến của ông như thế nào?

- Đời sống nghệ thuật nói chung chứ không chỉ riêng mỹ thuật ở ta đang chùng xuống. Thỉnh thoảng, nó rộ lên một tí vì sự cố này sự cố kia như tranh giả, tranh thật ở Sài Gòn, chuyện nhà văn Bảo Ninh không được Giải thưởng Nhà nước… còn đời sống sáng tạo chùng xuống thảm hại. Người làm nghệ thuật sống trong môi trường tẻ nhạt như vậy thì không thể kích thích được sáng tạo.

Nguyên nhân thì có nhiều: Xã hội có nhiều chuyện làm nghệ sĩ bị phân tán, bức xúc. Họ cần giãi bày những bức xúc cá nhân, và sẽ có những vấn đề động chạm, trong khi mình cứ muốn nhìn tác phẩm nghệ sĩ vo tròn, thấy nói gai góc tý là ngại.

Vai trò phản biện của nghệ thuật đang bị xem nhẹ. Tác phẩm nghệ thuật đâu chỉ là phản ánh, ca ngợi thuần túy.

Lý do thứ hai là thiếu đầu tư cho nghệ thuật, giải thấp quá, anh em không muốn tham gia. Hiện nay, giải cao nhất là triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm/lần mới là 50 triệu, còn giải của Hội có 15 triệu. Giải thấp thế thì kích thích làm sao được đời sống nghệ thật, tôi cho là phải nâng khoảng 300 - 500 triệu đồng, mới kích thích được anh em.

Vấn đề thứ ba, khi họp ở Hội Mỹ thuật, tôi thấy anh em nêu thực tế là thế hệ họa sĩ trẻ thờ ơ với Hội, xa cách các hoạt động của Hội. Vì sao? Vì các triển lãm khu vực, chỉ bó hẹp trong hội viên, giải chỉ dành cho các hội viên, không chăm lo cho thế hệ kế cận, đội ngũ sắp tới là hội viên. Không thể có tác phẩm tốt nếu không mời gọi tham dự và trao giải bình đẳng cho những người không phải là hội viên nhưng có tác phẩm tốt. Giải của Bộ mang tính toàn quốc thì 5 năm mới làm, giải của Hội năm nào cũng có mà chỉ loay quanh mấy ông hội viên…

Nói đến giải thưởng thì những giải cao nhất của mỹ thuật, nhiếp ảnh… mấy năm gần đây luôn có nhiều ý kiến xì xào về chất lượng và hiệu quả xã hội, ông nhìn nhận chuyện này ra sao?

- Về giải thưởng, việc đồng thuận không thể tuyệt đối, vì nghệ thuật có nhiều khuynh hướng, trường phái, nghệ sĩ có nhiều cá tính vì thế không thể 100% tâm phục khẩu phục, nhưng đa số phải đồng thuận.

Chuyện này có hai lý do: Thiếu tác phẩm xuất sắc. Có những người không phải là hội viên, có tác phẩm tốt hơn rất nhiều nhưng không được dự giải của Hội.

Và Hội đồng nghệ thuật (kể cả văn học, nhiếp ảnh, nhất là hội đồng xây dựng tượng đài) đều có vấn đề: Thiếu công tâm. Và thậm chí có chủ trương chủ đầu tư mời ông này không mời ông kia vì ông này có thể điều chỉnh được, ông kia mà vào sẽ phá ngang… Ở VN không thiếu người tài nhưng người tài có được sử dụng đúng việc, đúng chỗ không thì lại khác

Ở ta cũng không có một thị trường tranh ổn định, bền vững, không có sự phân loại, rành mạch nên giá tranh hoàn toàn tùy hứng?

- Thị trường tranh ở ta không minh bạch. Thị trường trong nước còn sơ khai, đang vươn tới sự bền vững.

Thiếu minh bạch là do thiếu các thiết chế đồng bộ, thị trường không chỉ cần người mua, người bán mà còn cần các tổ chức vận hành thị trường. Không có các tổ chức, Cty làm giám định nghệ thuật, các nhà đấu giá, gần đây mới có Lạc Việt. Chưa kể là tư tưởng ỷ lại nhà nước phải làm, phải tổ chức, nhưng thực ra nhà nước làm quản lý, chỉ đưa ra các chế độ, chính sách, quy định chứ không trực tiếp tham gia vào việc tổ chức các bộ máy, các công ty… Việc này phải xã hội hóa mà hiện đang thiếu những chủ doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, quan tâm tới đời sống văn nghệ… Trước đây, Nhà nước cũng có làm như thành lập Trung tâm giám định tranh ở bảo tàng mỹ thuật, nhưng rồi sau 5 năm tự giải tán vì không có ai đến hợp đồng, nhờ giám định tranh cả.

Họa sĩ thì hoạt động theo kiểu riêng VN không theo luật lệ gì. Một nửa số lượng tranh bán trên thị trường hiện nay là qua giao dịch trực tiếp cá nhân, không qua các gallery, phiên đấu giá. Và khi mua bán cá nhân, lại không có hóa đơn, chứng từ, trong khi đáng ra phải có hóa đơn đỏ để làm chứng cứ minh bạch cho việc giao dịch, để nộp thuế cho Nhà nước. Thông tin giá cả tù mù, nhiều ông bán tranh bớt giá thật đi sợ cơ quan thuế sờ đến, số rất đông lại khai tăng giá bán quá lên, vì ở xứ mình vẫn có tư duy: Giá tranh cao thì xếp là đẳng cấp. Giải pháp đề ra là các cơ quan thuế phải vào cuộc, mua bán tranh phải minh bạch, đóng thuế Nhà nước công khai rõ ràng. Hóa đơn là bảo chứng giao dịch tác phẩm, lịch sử tác phẩm qua tay bao người thì vẫn phải giữ hóa đơn giao dịch đầu tiên…

Ai cũng kêu không thể để thị trường tranh giả hoành hành nhưng đã có Luật Sở hữu trí tuệ rồi mà có mấy họa sĩ chịu đi đăng ký bản quyền tác phẩm đâu. Khi có vụ việc xảy ra là kêu Nhà nước, đòi hỏi các cơ quan hành pháp phải vào cuộc quyết liệt. Nhưng mọi việc phải từ hai phía chứ, tôi được biết, gia đình nhà họa sĩ Tạ Tỵ đã gửi thẳng đơn lên tòa án dân sự, vì đây là chuyện làm hàng giả, nên quản lý thị trường, thanh tra văn hóa, thanh tra thị trường phải xử lý…

Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

 

VIỆT VĂN THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Ùn ứ trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28 Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Ngày 28 Tết, hơn 130.000 khách qua sân bay Tân Sơn Nhất, cao nhất trong đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2023. Khách tăng cao khiến các sảnh làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt người, đường Trường Sơn trước cổng sân bay liên tục bị ùn ứ phương tiện.

Bộ Tài chính nói gì về gói lãi suất 2% chậm giải ngân

Trà My |

Việc giải ngân gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kì vọng. Bộ Tài chính nói gì về đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội?

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Dường như mối tình đầu luôn là mối tình đẹp nhất, để lại nhiều dư vị ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Nhưng mối tình đầu cũng luôn buồn nhất và nhiều chia ly nhất. Chắc hẳn, đó sẽ là mối tình không bao giờ quên được vì nó chính là những rung động đầu tiên đối với mỗi người. Và sẽ chẳng có ai tin rằng, có những người chia tay mối tình đầu sau vài chục năm xa cách, lại có thể quay trở về chung sống với nhau thật hạnh phúc.

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Người trẻ mang mùa xuân đến với người vô gia cư

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Đêm muộn cuối năm, trong cái lạnh tê tái của mùa đông khi đa số mọi người đang trở về quê ăn tết, sum vầy với gia đình thì các đoàn thiện nguyện cũng bắt đầu hành trình mang tết đến cho những cụ ông cụ bà vô gia cư.

Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm 3 Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với các ông: Hồ Phước Thành; Đỗ Tiến Đông; KPă Thuyên.

Chuyển hồ sơ sai phạm ở dự án của Mường Thanh Hà Nam cho Bộ Công an xử lý

Quang Việt |

Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an xem xét và xử lý dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Mường Thanh tại tỉnh Hà Nam do phát hiện có nhiều sai phạm liên quan chỉ định đầu tư, cho thuê đất, chuyển nhượng căn hộ...

Những công trình làm mới bộ mặt thành phố Hồ Chí Minh

Phương Ngân |

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các công trình trọng điểm của TPHCM đã và đang dần về đích, tạo nên diện mạo mới khang trang cho bộ mặt đô thị của thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.