Tuyên phi Đặng Thị Huệ - bi kịch của một mỹ nhân

lê tiên long |

Mấy tháng qua, người dân thôn 4, xã Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa phát hiện một ngôi mộ có quách cổ, với nghi vấn rằng đây là mộ bà Tuyên phi Đặng Thị Huệ, vợ chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm.

Từ một ngôi mộ cổ

Vị trí phát hiện mộ trên cách quần thể voi, ngựa, tượng đá của Vọng lăng (lăng thờ chúa Trịnh Sâm), nằm tại thôn 6 - 7, xã Yên Phú khoảng hơn 1 km. Theo xác minh của chính quyền xã Yên Phú, vị trí quách nằm cách mặt đất khoảng 30 cm, có chiều rộng 1,2 mét, chiều dài 2 mét, phía trên đổ lớp hợp chất rắn như bê tông kiểu xưa.

Khu vực này là nơi an táng chúa Trịnh Sâm, chúa thứ tám của họ Trịnh, con trưởng chúa Minh Đô vương Trịnh Doanh, được lập làm Thế tử năm 1745. Năm 1767, Trịnh Doanh mất, ông được nối ngôi tự xưng là Nguyên soái Tổng quốc chính Tĩnh Đô vương, hai năm sau lại tự xưng là Nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng sư, Tĩnh vương.

Trong đời ông cầm quyền, có hai việc gây tai tiếng trong phủ chúa đưa đến sụp đổ cơ nghiệp họ Trịnh: phế Hoàng thái tử Lê Duy Vĩ rồi giết đi, và truất con lớn là Trịnh Khải (còn có tên Trịnh Tông) để lập con nhỏ là Trịnh Cán, con ái phi Đặng Thị Huệ làm Thế tử.

Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782) ông mất, hưởng dương 41 tuổi, được truy phong là Thánh tổ Thịnh vương, táng tại Vọng lăng ở huyện Yên Định, Thanh Hóa.

Bộ sử “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục” viết, Trịnh Sâm vì say mê Thị Huệ nên yêu quý con bà đẻ ra là Trịnh Cán, sách phong Thị Huệ làm Tuyên phi. Thị Huệ lại lập vây cánh với Huy quận công Hoàng Đình Bảo, khiến con cả của Sâm là Trịnh Khải cũng phải ráo riết tìm cách chuẩn bị vây cánh để chờ khi cơ hội đoạt quyền. Sự việc bị phát giác, Trịnh Sâm giáng Trịnh Khải xuống làm con út, giam vào ngục, những người theo Khải đều bị giết cả. Năm 1781, Trịnh Cán mới 5 tuổi đã được lập làm Thế tử.

Năm sau, Trịnh Sâm ốm nặng, khi sắp lâm chung, cho gọi Quận Huy Hoàng Đình Bảo và sư bảo đại thần Nguyễn Hoàn, các quan trong chính phủ Lê Đình Châu, Phan Lê Phiên và người chú ruột là Trịnh Kiều di chúc về việc sách phong Tuyên Phi Đặng Thị Huệ tham dự xét đoán chính sự.

Nhưng sau cái chết của Trịnh Sâm, quân kiêu binh tam phủ đã nổi loạn giết chết Hoàng Đình Bảo, rồi xin chỉ dụ của Nguyễn Thái phi (mẹ Trịnh Sâm) tâu xin nhà vua lập Trịnh Khải làm Nguyên soái Đoan Nam vương, truất Trịnh Cán làm Cung quốc công. Sau đó, Cán bị bệnh chết.

Tháng 12, truất Đặng Thị làm thứ nhân, sau Đặng thị uống thuốc độc tự tử. Sử ghi bà được táng gần Vọng lăng “cách đó một dặm”. Từ ghi chép này, dẫn đến suy luận ngôi quách kia là của Đặng Tuyên phi.

Hiện nay, cạnh nơi tìm ra chiếc quách cổ, nhân dân địa phương đã lập tạm một bàn thờ, ngày rằm, mùng một đều có hương hoa cúng tế. Người dân cũng như chính quyền địa phương đang chờ các cơ quan chức năng xác định rõ ngôi quách này là của ai, đặc biệt có phải của Tuyên phi Đặng Thị Huệ hay không?

Người đàn bà được sủng ái

Theo sách cũ ghi chép, Đặng Thị Huệ (không rõ năm sinh năm mất), quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bà là con nhà thường dân nghèo khổ, có một người em trai là Đặng Mậu Lân. Khi vào phủ chúa, Đặng Thị Huệ vốn chỉ là nữ tỳ.

Theo bộ tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, một hôm, Tiệp dư (một cấp bậc của vợ vua, chúa, dưới bậc phi) Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Nhìn thấy người đẹp mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp, Chúa Trịnh Sâm nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với nàng.

Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được nhà chúa yêu quý, nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn cùng. Rồi Thị Huệ còn được ở chung một nơi với chúa, như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của bà ta cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa.

Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý, là xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa.

Đến khi Thị Huệ có mang, chúa liền sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu sinh con thánh. Đến kỳ, Thị Huệ sinh được một trai, vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 38 (1777). Chúa hết sức yêu mến đứa bé, lúc đầy trăm ngày, chúa lấy tên của mình lúc nhỏ là Cán mà đặt cho nó, để tỏ ra nó cũng giống mình.

Dung túng em trai làm càn

Do được chúa yêu quý, Thị Huệ bèn hỏi con gái chúa là quận chúa Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân.

Quận chúa vóc người yếu đuối, từ nhỏ vẫn ở trong cung thuỷ tinh, kiêng nắng, kiêng gió. Nơi Ngọc Lan ở, chúa bắt thị tỳ phải nói năng sẽ sàng để cho nàng khỏi giật mình. Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm chúa, chúa đều cho phép cùng ngồi với mình như lúc nàng còn bé.

Có rất nhiều công thần, quý tộc, nhiều người đã tới cầu hôn, nhưng chúa chưa hứa gả cho ai. Đến khi Thị Huệ cầu hôn cho em trai, chúa sợ mất lòng bà ta, bất đắc dĩ mà phải gượng nhận lời.

Đặng Mậu Lân vốn là một tên hung bạo, từ khi Thị Huệ được chúa yêu dấu Lân càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. Hết thảy áo quần, xe kiệu của y, đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú.

Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu, Lân xẻo luôn đầu vú. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói.

Biết rõ tính nết của Đặng Lân nên Chúa Trịnh Sâm rất xót con, bèn lấy cớ rằng Ngọc Lan từng lên đậu lên sởi để không cho phép Đặng Lân gần gũi quận chúa. Chúa sai nhiều thị nữ đi theo để hộ vệ Ngọc Lan và cả viên nội sai là Sử Trung hầu đến làm giám chế, không cho Lân xâm phạm tới quận chúa.

Mỗi lần Mậu Lân định vào với quận chúa thì lại bị Sử Trung ngăn lại, vì vậy Lân hết sức tức giận. Một lần bị ngăn trở, Lân tuốt gươm chém chết Sử Trung. Ngọc Lan hoảng sợ, sai một thị nữ chui qua một lỗ hở nhỏ chạy về phủ Chúa báo tin. Chúa Trịnh Sâm tức giận liền sai Quận Huy đem quân bao vây bắt được Lân, giao xuống cho đình thần nghị án. Các quan đều nói là tội đáng bêu đầu.

Đặng Thị Huệ nghe tin, khóc lóc xin chết thay em. Cuối cùng, Chúa bất đắc dĩ không thể xử theo luật, đành theo tình riêng mà giảm tội cho Lân từ tội chết xuống thành đi đày ở châu xa. “Sách Tang thương ngẫu lục” chép rằng: “Đình thần họp bàn mãi... sau cùng, phi xin đầy Lân ra ở An Quảng (vùng Quảng Ninh ngày nay).

Vậy mà đến khi đi đày, Lân vẫn còn rất hống hách. Hắn xếp dọn nhà cửa, mặc áo tù đi ra khỏi kinh, mà vẫn đem theo nàng hầu, vợ lẽ rất nhiều. Nhà chức sự sắm sẵn xe thuyền ở bến sông Nhị Hà, trên thuyền tiếng đàn sáo véo von không dứt. Ra đến nơi, quan địa phương phải làm nhà cửa cho hắn ở.

Hậu vận thê thảm

Sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, ghi lại lời kể của người em rể Nguyễn Hữu Chỉnh với Chỉnh chi tiết về số phận Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Theo lời người này, sau khi Trịnh Cán chết, Thái phi liền sai người bắt Tuyên phi đến trước mặt mình, kể tội, rồi buộc Tuyên phi phải lạy tạ.

Tuyên phi không chịu lạy. Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất. Nhưng Tuyên phi vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ tăng ở vườn sau.

Tại đây, Tuyên phi bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa, Tuyên phi lấy áo che mặt, trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp bắt về. Từ đó, bà ta lại càng bị giam giữ chặt chẽ, sau đó được cho làm cung tần nội thị vào thờ phụng tẩm miếu.

Tuyên phi được vào hầu hạ lăng tẩm, đêm ngày chỉ gào khóc xin chết theo tiên vương. Đến ngày giỗ “đại tường” của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi bèn uống thuốc độc mà chết. Chúa sai quan trấn thủ Thanh Hoa, theo lễ cung nhân táng Tuyên phi ở cách Vọng lăng của tiên vương một dặm.

Còn số phận Đặng Mậu Lân, sử sách không chép sau đó thế nào, nhưng có lẽ chết trong quãng thời gian từ lúc Trịnh Sâm chết đến khi quân Tây Sơn ra Bắc (1786).

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.