Tụng LỤC BÁT

đỗ trung lai |

(Về văn minh nông nghiệp)

1. Ta đi núi rộng sông dài

Đến đâu cũng gặp ngô khoai, chiêm mùa

Ở đâu cũng gặp lời ru

4. Bằng bằng trắc trắc y như mẹ hiền

Ai bao năm trước Tiên Điền

Buông câu lục bát đầu tiên giữa trần?

Câu rằng, nhất nước nhì phân

8. Bốn giống ba cần kiếm gạo nuôi thơ (1)

Câu rằng, “Chiêm ló đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”

Câu rằng, gieo mạ dược quen

12. Trồng khoai đất lạ mới nên nghiệp nhà (2)

Câu rằng, đom đóm bay ra

Tra đậu trồng cà mà tiễn Giêng Hai

Trông hoa gạo rụng thôn Đoài

16. Đem vừng ra vãi bãi ngoài bờ trong

Nàng Bân đan áo cho chồng

Cũng đan hết độ gieo vừng thì thôi

Rét đài rét lộc qua rồi

20. Tổ tôm, tam cúc... đến hồi quy gia! (3)

Vui gì cũng tránh tháng Ba

Lo cóng ông bà, lo cháo nuôi con (4)

Kìa ai cha héo mẹ mòn

24. Vợ hiền gối mỏi chân chồn chợ xa!

Cuối xuân ngô chửa kịp già

Ấm bụng cả nhà vài vạt ngô non

Nhìn chiêm bông mẩy hạt tròn

28. Sắm sửa quang đòn chờ lúa tháng Năm

Lại thêm nong né cho tằm

Chưa nằm, người đã phải lăn khỏi giường (5)

Lo chớp bể, sợ mưa nguồn

32. Khấn thầm cho đám chuồn chuồn lên cao! (6)

Lo khi cóc nghiến bờ rào (7)

Mống dài mống cụt, mống nào cũng lo (8)

Giời xa Tây Bắc đỏ lò

36. Bỏ cả trâu bò đi sắm gầu dai! (9)

Tháng Năm ngày ngắn đêm dài

“Xanh nhà” còn những bằng hai “già đồng” (10)

Trông mống rồi lại trông vồng

40. Thấp vồng mưa xối, cao vồng bão giông! (11)

Dù sông kia hóa nên đồng

Ráng vàng vẫn gió, ráng hồng vẫn mưa (12)

Sầm đông có nắng bao giờ

44. Thấy vợ sầm nhũ thì chờ bồng con (13)

Đất vuông nằm ngó giời tròn

Người trông mây gió chập chờn trên non

Mây ngàn, nước lụt về thôn

48. Mây kéo xuống bể, nắng tuôn mặt đồng (14)

Nắng tuôn vui vợ vui chồng

Rạ nỏ trên đồng, thóc nỏ trên sân

Bưng lưng cơm mới trắng ngần

52. Dẻo thơm một hạt, muôn phần đắng cay (15)

Tháng Sáu tay cuốc tay cầy

Nhớ câu ải nỏ hơn đầy giỏ phân (16)

Thương người rồi lại thương thân

56. Ải thâm dầm ngấu, tay chân rã rời (17)

Muốn cho lúa tốt tháng Mười

Cấy mò tháng Sáu ai người nhớ chăng (18)

Cơm đèn đi cấy sáng giăng

60. Đua em đua chị cho bằng mới thôi

Nửa năm lại sắp qua rồi

Cấy thưa bừa kỹ trước hồi Ngâu ra (19)

Đồng gần cho chí đồng xa

64. Lúa mùa bén rễ, Ngâu ra ngại gì

Bấm tay kim nhật kim thì

Chửa xong, tháng Bẩy đã kề bên hông

Tháng Bẩy nước chẩy qua đồng (20)

68. Lúa ngoi ngóp thở, nẫu lòng nông tang

Nước đâu dâu phải ngả vàng

Nước đâu tràn cả qua làng xuống sông

Tuần đinh tháo cống xả đồng

72. Vợ đem cơm nắm cho chồng ăn trưa

Nước đi, đồng ruộng bơ phờ

Cấy dặm, cấy lại, phạt bờ, trừ sâu

“Được mùa lúa, úa mùa cau”

76. Được cau, giời lại làm đau lúa mùa (21)

Cả làng không dám ngủ trưa

“Ngày Ba, tháng Tám” có chừa ai đâu

Rối ren tay bí tay bầu

80. Lại co cho ấm, lại cầu cho yên!

Khấn cùng thổ địa, hoàng thiên

Đêm mưa ngày nắng, đòng lên rầm rầm

Chuối tiêu trứng cuốc thơm thầm

84. Thêm hồng, thêm cốm nên rằm Trung thu

Nhà nông coi đất như vua

Quanh năm cắm mặt chiêm mùa, ngô khoai

“Mai chạm gáy, cuốc chạm tai”

88. Không ai bảo một là hai bao giờ

Tháng Chín cỏ úa trên bờ

Cu cườm, cu gáy đã chờ ngọn tre

Bù nhìn trông ruộng cầm que

92. Heo may rải khắp mặt đê mặt đồng

Muống khan, dâu nhượng mẹ chồng (22)

Cải đã lên ngồng, diếp đợi riêu cua

Rươi đầu vụ, quýt đầu mùa (23)

96. Thìa là một tấc, hành vừa trổ tăm

Vợ chồng thái thái, băm băm

Trứng gà so đỏ, rượu tăm một vò

Chả rươi, cải luộc, rô kho

100. Mâm thơm cơm mới, giời cho cả làng

Một ngày say tít cung thang

Ngày mai liềm hái lại mang ra đồng

Đổi công với lại vần công

104. Người vòng ra ruộng, lúa vòng về thôn

Sân đầy thóc, ngõ đầy rơm

Rơm thơm lót ổ còn hơn quạt lò

Tháng Mười thóc đổ chật bồ

108. Chăn bông nỏ nắng, gái mơ nỏ chồng

Mối mai tráp đỏ, khăn hồng

Trà hương, cau gié, ba đồng giầu cay

“Cưới vợ thì cưới liền tay

112. Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”

“Đàn ông phải có đàn bà

Điếu cầy phải có lông gà mới kêu”

Người quê nói ít làm nhiều

116. Giá gương cứ phủ nhiễu điều là xong

Thế mà nên vợ, nên chồng

Nên dâu nên rể, nên ông nên bà

“Dâu con, rể khách” muôn nhà (24)

120. Ấy là gia pháp, ấy là hương quy

“Dâu hiền, rể thảo” bề bề

Ly thân, ly dị, ly gì cũng không

Vào trong, chồng vợ một lòng

124. Ra ngoài, xóm mạc non sông được nhờ

Không gióng trống, chẳng phất cờ

Đức cao lòng kính dạ thờ, thế thôi

Khuyên nhau “chín bỏ làm mười”

128. Có gì đã có Phật giời trên cao

Một, Chạp nước cạn lòng ao

Đồng chiều cuống rạ. Trăng sao mịt mù

Mưa dầm, sương muối, gió mùa

132. Trâu gầy nhai nắm rơm khô trong chuồng

Móc treo ngọn cỏ bên đường

Rét theo gió bấc về luồn trong xương

Già rên tê thấp trên giường

136. Cày ruộng cuốc vườn, trẻ lại ngô khoai

Lại vãi mạ, lại be phai

“Cấy xong trong Chạp” ai ai cũng mừng

Ngàn năm mặn muối cay gừng

140. Nông phu bán mặt cho đồng ngàn năm

Ngàn năm cày ruộng, chăn tằm

Ngàn năm cơm đứng cơm nằm cũng xong (25)

Ngẩng đầu, Tết đã sau lưng

144. Ông vải thì mừng, con cháu thì lo

Đến khi đông ruộng, đông bò

Mới vào cổ tích, nằm mơ võng điều

“Qua sông thì bắc cầu kiều

148. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Thấy con trán rộng, mặt gầy

Dắt sang gửi cụ Tú Đầy vùng bên

Cầu ba bồ chữ thánh hiền

152. Sôi kinh nấu sử bên đèn mươi năm

Bán bớt ruộng, chăn thêm tằm

Nhìn con tốn vải hay nằm mà vui (26)

Tú tài, Hương cống dưới giời

156. Ra đình, phụ lão cho ngồi chiếu trên

Nhờ giời đôi kẻ làm nên

Thi Đình, thi Hội nêu tên bảng vàng

Vinh quy bái tổ rộn ràng

160. Làm quan, cả họ cả làng thơm tho

Văn quan vun ấm trồng no

Võ quan yên vỗ cõi bờ biên cương

Ai kiêm văn võ đôi đường

164. Kinh bang tế thế, sa trường đều ngoan

Gọi là “Văn võ song toàn”

Nước thờ, dân trọng, vua ban vô lường!

Thất cơ, treo ấn mở trường

168. Dựng túp thảo đường uống rượu đề thơ

Ông quan giờ hóa ông đồ

Trộn chữ ba bồ vào lối dân thôn

Dạy rằng, con méo cha tròn

172. Là khi chữ “Phúc” đã mòn trên vai

Dạy đừng bịt mắt bưng tai

Anh hùng đạp phẳng chông gai mới là

Thế mà, hay nhất chữ “hòa”

176. Đừng nên pha tiếng chửi cha nhà người! (27)

Đến cùng kỳ lý mới thôi

“Lành làm gáo, vỡ làm môi”, không “hòa”!

Nhưng rồi qua cuộc can qua

180. Dặn tìm hòa hiếu từ xa đến gần

Dạy đừng “Lộng giả thành chân” (28)

Dạy rằng, “Pháp bất vị thân”, không đùa! (29)

Khi đắc thế, lúc tàn cờ

184. Chớ bưng tiết tháo đi chờ lộc rơi!

Chúa tìm, thưa thốt đôi nhời

Thế Chiến Quốc với mẹo thời Xuân Thu

Phong, hoa, tuyết, nguyệt, tệ lư

188. “Ưu thời mẫn thế” vào từ vào thơ (30)

Khi chén rượu, lúc cuộc cờ

Giời đày, “Xuống ruộng lên bờ” đã sao?

Làm thơ thương kiếp má đào

192. Đến khi “tom chát”, nấp vào dân ca:

“Chính chuyên chết cũng ra ma

Lẳng lơ chết cũng đưa ra ngoài đồng”

Làm cho ai tức tràn hông

196. Làm cho váy nổi quai cồng chửa thôi

Khi thì “Nước chảy bèo trôi”

Khi thì “Bèo lại như người được sao?”

Cởi ra rồi lại buộc vào

200. Khi nào bảo một, khi nào gọi hai?

Phê rằng, “Xuân bất tái lai”

Lại phong “Tiết hạnh” cho ai “cắm sào” (31)

Dạy rằng, “Sắc bất ba đào...” (32)

204. Lại đem “tài”, “sắc” buộc vào với nhau

Cho giầu quấn chặt vào cau

Cho anh em ruột cùng đau vì tình (33)

Qua đình đếm ngói trên đình

208. Đêm giăng, đem áo của mình cho sen (34)

Chữ thường cứng, lối hay mềm

Chuyện tình cứ kể, đình đền cứ xây

Mỗi năm lại bỏ mấy ngày

212. Hội Chen, tớ tớ thầy thầy lạc nhau

Duyên kiếp trước, nợ đời sau

Thánh hiền cũng chịu cao sâu Phật giời

Người ngoan còn phải thử nhời

216. Chuông hay thử tiếng, vàng mười thử than

Thế mà qua “Mỹ nhân quan”

Anh hùng mang mấy lá gan cho vừa! (35)

Ở thì lộc nước, ơn vua

220. Về thì mắm mặn, dưa chua, gà đồng

Rung đùi vợ vợ chồng chồng

Cơm niêu, bạc vụn dầu lòng ăn tiêu (36)

Dạy trò quyền biến trăm chiều

224. Dạy con lại dạy “biết điều”, “phải chăng”

Chữ rằng, “Viễn chiếu cao đăng” (37)

Suốt đời “tại hạ” cho bằng lòng nhau (38)

Rằng, đậu nấu đậu càng đau (39)

228. “Hở môi răng lạnh” nhắc nhau xin đừng

“Vạch áo cho người xem lưng”

Anh em kiềng mặt, người dưng chê cười

Yêu nhau “chín bỏ làm mười”

232. Đánh nhau chia gạo lại mời nhau cơm (40)

Dạy đừng rặm bụng ôm rơm (41)

Tù và hàng tổng vẫn cơm nhà mình (42)

Chữ rằng, “Phu quý phụ vinh” (43)

236. Vợ chồng, ai kể công lênh bao giờ

Sách là vựa, tục là bồ

Túi khôn người Việt bao giờ cho vơi

Nhời khôn, khôn cả câu mời

240. Ăn bằng quả quýt cho người được cam (44)

Có người lên núi kê am

Tụng kinh niệm Phật, xa quan lánh đời

Cà sa, gậy trúc bên giời

244. Ngày đi hái thuốc, đêm ngồi Nam mô!

Có người chơi khắp sông hồ

Một hôm bỏ bến lên bờ tu tiên

Mượn lâm tuyền rửa ưu phiền

248. “Tiên phong đạo cốt”, xa miền tử sinh (45)

Chỉ cần gió mát giăng thanh

Chẳng cầu lương đống, công khanh làm gì!

Đã rằng, bỏ hết “sân”, “si”

252. Lại cùng Lưu - Nguyễn quay về cố hương

Đào Nguyên là chuyện văn chương

Cố hương là chuyện thịt xương đời đời (46)

Hành tung, chữ nghĩa bời bời

256. Ai khôn, chọn cảnh chọn nhời mà nghe!

*

Ta ngồi chắp nhặt nhời quê

Ai mê thì đọc, không mê thì đừng!

“Người khôn ăn nói nửa chừng”

260. Ngồi nghe các cụ, “nửa mừng nửa lo”! (47)

Hà Nội, thu 2017

Chú thích:

(1) Tục ngữ: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

(2) Tục ngữ: “Khoai đất lạ, mạ dược quen”.

(3) Tục ngữ: “Đom đóm bay ra, trồng cà tra đỗ”/ “Đom đóm bay ra, lên luống gieo vừng”.

(4) Tục ngữ: “Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân”, “Rét tháng Ba, bà già chết cóng”.

(5) Tục ngữ: “Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng”.

(6) Ca dao: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”

(7) Tục ngữ: “Cóc nghiến như mắng, đang nắng thì mưa”.

(8) Tục ngữ: “Mống dài thời lụt, mống cụt thời mưa”.

(9) Tục ngữ: “Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc”.

(10) Tục ngữ: “Xanh nhà hơn già đồng” (Thà gặt lúa sớm mà được nắng còn hơn đợi gặt lúa chín mà gặp mưa).

(11) Tục ngữ: “Vồng thấp mưa rào, vồng cao gió táp”.

(12) Tục ngữ: “Ráng mỡ gà thời gió, ráng mỡ chó thời mưa”.

(13) Tục ngữ: “Sầm Đông thời mưa, sầm dưa thời khú, sầm nhũ (thâm vú) thời chửa”.

(14) Tục ngữ: “Mây kéo xuống bể trời nắng chang chang, mây kéo lên ngàn trời mưa như trút”.

(15) Thơ Lý Hạ: “Ai ơi bưng bát cơm đầy - Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

(16) Tục ngữ: “Một hòn ải nỏ bằng một giỏ phân”.

(17) Tục ngữ: “Ải thâm không bằng dầm ngấu”.

(18) Tục ngữ: “Mạnh phân mạnh gio không bằng cấy mò tháng Sáu”.

(19) Tục ngữ: “Cấy thưa còn hơn bừa kỹ”, “Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc ăn” (Sau này, khi có nhiều giống lúa mới và tăng vụ, người ta làm ngược lại: “Cấy thưa thừa đất, cấy dầy thóc chất đầy kho”).

(20) Tục ngữ: “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ” (“Tháng Bảy mưa gãy cành trám, tháng Tám nắng rám quả bưởi”).

(21) Tục ngữ: “Được mùa lúa, úa mùa cau” (“Được mùa cau, đau mùa lúa”).

(22) Tục ngữ: “Rau muống tháng Chín, con dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”.

(23) Tục ngữ: “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm” (Triều cường, đi bắt rươi vùng nước lợ).

(24) Tục ngữ: “Dâu là con, rể là khách”.

(25) Tục ngữ: “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”.

(26) Tục ngữ: “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” (Giễu vui học trò xưa).

(27) Tục ngữ: “Chửi cha không bằng pha tiếng”.

(28) “Lộng giả thành chân”: Giả lắm hóa thật!

(29) “Pháp bất vị thân”: Pháp luật không chừa bạn bè, thân thích.

(30) “Ưu thời mẫn thế”: Buồn rầu vì thời thế không được như ý.

(31) Ông huyện Thanh Quan đi vắng, bà huyện xưa phê đơn cho “bà góa” đi lấy chồng: “Phó cho con Nguyễn Thị Đào / Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai / Chữ rằng xuân bất tái lai / Cho về kiếm chút kẻo mãi nữa già”. Không ngờ chồng “bà góa” kia đột ngột trở về! Vì việc này, nghe nói ông huyện mất chức.

(32) “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách - Sắc bất ba đào dị nịch nhân”: Mưa không trói buộc mà vẫn giữ được khách / Sắc đẹp không sóng gió mà vẫn dìm chết người.

(33) Tục ngữ: “Trai tài gái sắc hay mắc vào nhau”, “Gái tham tài, trai tham sắc”.

(34) Từ chuyện “Trầu cau”.

(35) Ca dao: “Qua đình ngả nón trông đình - Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”, “Đêm qua tát nước bên đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen / Em có bắt được thì cho anh xin / Hay là em để làm tin trong nhà?”.

(36) “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”: Anh hùng (cũng) khó qua được ải mỹ nhân, “Bao nhiêu chí lớn trong thiên hạ / Không đủ đong đầy mắt mỹ nhân”.

(37) Ca dao: “Đói no một vợ một chồng / Một niêu cơm tấm dầu lòng ăn chơi”.

(38) “Cao đăng viễn chiếu”: “Đèn cao sáng xa”.

(39) “Tại hạ” (Kẻ ở dưới): Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, tỏ ý khiêm tốn, cung kính với người trên.

(40) Từ chuyện “Bảy bước thành thơ” – Tào Thực, đời Đông Hán.

(41) Tục ngữ: “Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm”.

(42) Tục ngữ: “Ôm rơm rặm bụng!”.

(43) Tục ngữ: “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng!”.

(44) “Chồng thành đạt, vợ được vẻ vang”.

(45) Tục ngữ: “Không ăn nhiều thì ăn ít / Ăn bằng quả quýt cho nó cam!” (Mời người khó mời).

(46) “Tiên phong đạo cốt”: Phong cách, cốt cách phi thường như tiên, như người đã đắc đạo.

(47) Từ chuyện “Lưu Nguyễn lạc Đào Nguyên” (Ở ta là chuyện “Từ Thức gặp Giáng Hương”).

(48) Ca dao: “Người khôn ăn nói nửa chừng - Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”.

đỗ trung lai
TIN LIÊN QUAN

Chùm thơ của Nguyễn Quốc Hùng

Nguyễn Quốc Hùng |

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Quốc Hùng sinh tại Hà Nội. Ông là Tiến sĩ kinh tế tại Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Hiện là Uỷ viên BCH Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga; Trưởng ban đối ngoại Trung tâm tư vấn pháp luật Việt - Nga Hội Luật gia Việt Nam.

Chùm thơ của Hoàng Quý

Hoàng Quý |

Nhà thơ Hoàng Quý sinh 1950; quê Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ. Hiện sống và làm việc tại Vũng Tàu. Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội viên Hội VHNT Các dân tộc thiểu số VN. Tác phẩm chính: Giấc phì nhiêu (1996), Đi bên mùa lá rụng (2000), Ngang qua cánh đồng (2002, 2004), Giả trang (2007). Thơ Hoàng Quý vừa có chất phiêu du, lãng tử của người trung du - Tây Bắc vừa có cái hồn hậu, da diết của đời sống mà ông 
trải nghiệm.

Chùm thơ của Bùi Sỹ Hoa

Bùi Sỹ Hoa |

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1981. Nguyên Tổng biên tập báo Nghệ An, Vietnamnet.vn. Tác phẩm chính: Có một nỗi niềm (thơ, 1989), Mạng nhện vu vơ (thơ, 2000), Mắt người thăm thẳm (thơ, 2005). Giải thưởng Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1983-1984, Giải thưởng Hồ Xuân Hương - 1990, 2000, 2005, Giải thưởng thơ Tạp chí Sông Lam - 2000.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Chùm thơ của Nguyễn Quốc Hùng

Nguyễn Quốc Hùng |

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Quốc Hùng sinh tại Hà Nội. Ông là Tiến sĩ kinh tế tại Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Hiện là Uỷ viên BCH Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga; Trưởng ban đối ngoại Trung tâm tư vấn pháp luật Việt - Nga Hội Luật gia Việt Nam.

Chùm thơ của Hoàng Quý

Hoàng Quý |

Nhà thơ Hoàng Quý sinh 1950; quê Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ. Hiện sống và làm việc tại Vũng Tàu. Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội viên Hội VHNT Các dân tộc thiểu số VN. Tác phẩm chính: Giấc phì nhiêu (1996), Đi bên mùa lá rụng (2000), Ngang qua cánh đồng (2002, 2004), Giả trang (2007). Thơ Hoàng Quý vừa có chất phiêu du, lãng tử của người trung du - Tây Bắc vừa có cái hồn hậu, da diết của đời sống mà ông 
trải nghiệm.

Chùm thơ của Bùi Sỹ Hoa

Bùi Sỹ Hoa |

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1981. Nguyên Tổng biên tập báo Nghệ An, Vietnamnet.vn. Tác phẩm chính: Có một nỗi niềm (thơ, 1989), Mạng nhện vu vơ (thơ, 2000), Mắt người thăm thẳm (thơ, 2005). Giải thưởng Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1983-1984, Giải thưởng Hồ Xuân Hương - 1990, 2000, 2005, Giải thưởng thơ Tạp chí Sông Lam - 2000.