Từ ý thức cội nguồn và tâm lý hướng tâm đến truyền thống tôn vinh danh nhân

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) |

Với cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, folklore của 54 dân tộc (bao gồm hơn 700 tộc người địa phương) chủ yếu dựa trên ý thức - tâm lý tri ân sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống (như đất, cây, nước và các tài nguyên thiết yếu với cuộc sống khác) cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ nối tiếp nhau đối với tiền thần, tiền nhân.

Từ ý thức cộng mệnh, cộng cảm đến tâm lý hướng tâm truyền thống 

Folklore (với sự hiện diện trước hết là tín ngưỡng dân gian) được biểu hiện khá phong phú, là tâm thức và tâm lý tôn sùng các lực lượng siêu nhiên như: Tôn sùng tự nhiên (mặt trời, mặt trăng, nước, mưa, gió, sấm, chớp...), các loại cây trồng (bầu bí, lúa, ngô, đậu...), vật nuôi (trâu, bò, lợn...); tôn sùng vật tổ (vật tổ chim, cá, cây, trâu...); tôn sùng tổ tiên (quốc tổ, thành hoàng, tổ tiên, ông bà); tôn sùng sự sinh sản (sinh thực khí và các hoạt động tính giao); tôn sùng các nữ thần, tứ mẫu (Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ - Thượng ngàn, Thủy phủ - Mẫu Thoải, Bà chúa Xứ và Thiên Y Ana); tôn sùng các anh hùng dân tộc, anh hùng địa phương, người có công lớn với dân với nước, những người vốn là huyền thoại được lịch sử hóa như Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Chử Đồng Tử, Thánh Mẹ Liễu Hạnh hoặc các nhân vật lịch sử được kính trọng, tôn vinh và huyền thoại hóa như Bà Trưng, Lý Ông Trọng, Thánh Trần Hưng Đạo...

Từ tâm thức và tâm lý sùng bái đó, trong các cộng đồng dân tộc, tộc người đã hình thành nên các phong tục tập quán và nghi lễ thờ cúng các lực lượng tự nhiên được nhân cách hóa, thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ Thần, thờ Thánh và nghi lễ phồn thực. Đó là những nghi lễ và phong tục rất quen thuộc đối với từng cộng đồng, đáp ứng được tâm lý chung của từng cộng đồng nhất định trên bước đường sinh tồn và phát triển, thể hiện thứ tâm lý “ngợi ca và phê phán”  trong tâm thức ứng xử, đánh giá những người có công với dân, với nước.

Nhìn lại quá khứ, trên dòng chảy của các loại hình folklore Việt Nam, có thể nhận thấy, tâm lý và ý thức của cộng đồng hướng về cội nguồn được thể hiện qua nhiều hình thức thực hành đa dạng, trong đó tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên như một phần trong hệ thống sinh hoạt tín ngưỡng Việt Nam, được thể hiện qua phong tục thờ cúng nhân vật được coi là thủy tổ của một tộc người, một dân tộc hay một quốc gia - nhà nước với hiệu danh quốc tổ (chẳng hạn như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương), hay những người có công khai phá, tạo lập làng/bản, được vinh danh là thành hoàng làng, cho đến các bậc tổ tiên mỗi dòng họ, ông bà trong mỗi gia đình. Thực tế đó đã bồi đắp, tôn tạo qua các thế hệ để hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện một cách liền mạch tâm lý hướng tâm của cộng đồng nhỏ (làng - bản) vươn tới một cộng đồng lớn (vùng - miền - quốc gia), trong hệ thống cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Sự liền mạch của ý thức về cội nguồn được nối kết từ tâm thức tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân/ tổ tiên gắn với dòng họ huyết tộc, mở rộng dần đến việc tôn thờ người có công lập làng, phù trợ cộng đồng sinh tồn, đến ý thức cao cả về một ông Tổ khai mở ra quốc gia - dân tộc, được huyền thoại hóa (các nhân vật lịch sử đích thực) hoặc được lịch sử hóa (các nhân vật huyền thoại từ quá khứ), trở thành những chủ điện thờ giữ vai trò hạt nhân cho các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội dân gian. Mạch ý thức hướng về cội nguồn đã được phản ánh rất rõ nét trong hệ thống các loại hình folklore Việt Nam.

Nhận diện giá trị văn hóa ở tầm quốc gia, từ các biểu hiện được truyền tải qua các “điều truyền thuyết” và thực hành tín ngưỡng, trước hết, có thể thấy rõ, đó là sự sáng tạo một hệ thống huyền thoại về ông Tổ của một cộng đồng, một tộc người, một quốc gia. Nói đến tín ngưỡng là nói đến niềm tin tưởng vào một nhân vật phụng thờ. Nhân vật phụng thờ của tín ngưỡng bao giờ cũng được đẩy vào cõi thiêng vừa huyền ảo, vừa kỳ bí. Và con đường thiêng hóa nhân vật phụng thờ sẽ là con đường người dân trong trường kỳ lịch sử đã lịch sử hóa và huyền thoại hóa nhân vật phụng thờ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen một cách hài hòa. “Hồi quang của lịch sử”- chữ dùng của Tạ Chí Đại Trường, khiến cho quá trình lịch sử hóa nhân vật phụng thờ càng đậm đà chất lịch sử. Dễ nhận thấy, trên dải đất Việt Nam, khó có nơi nào có thể có một vị thế địa - lịch sử - văn hóa như  tỉnh Phú Thọ để có cơ hội cho quá trình lịch sử hóa nhân vật phụng thờ phát triển. Khoa học về thời đại hùng Vương đã chứng minh cho bước đường vận hành của ý thức cộng đồng về bóng dáng quá khứ tạo lập Nhà nước Văn Lang, trong đó nhân vật trung tâm là các vua Hùng đã đi từ vai trò những thủ lĩnh đến vị thế của một “Vua chủ” và trở thành ông Vua khai sáng một quốc gia - dân tộc. Nhìn nhận về hiện tượng văn hóa này, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Tạ Chí Đại Trường có một nhận xét hết sức thú vị: “Như thế ký ức tập thể của dân chúng đã lưu giữ hình ảnh về những người cầm đầu một vùng đất nước trước thời ngoại thuộc (trong một hình thức tập họp chính trị nào đó) mà những dạng thức tương tự, có co rút, có biến đổi một chừng mực - vẫn còn lưu giữ trong suốt thời Bắc thuộc và về sau, khiến cho ký ức thêm củng cố, bền vững” . Quá trình huyền thoại hóa là cơ sở tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian nói chung, và hệ thống huyền thoại nói riêng ở Phú Thọ. Lấy biểu tượng chung về cội nguồn là các vua Hùng, trải khắp các vùng đất Nghĩa Lĩnh, Việt Trì, Lâm Thao đã “xuất hiện dày đặc những truyền thuyết, cổ tích, thần tích về 18 đời vua Hùng... Hội hè ở đây cũng là những cuộc tế lễ, những diễn xướng dân gian xung quanh các sự tích liên quan đến chủ đề dựng nước. Ở đây còn có nhiều hình thức hát múa, lễ thức, phong tục gắn với cuộc sống xa xưa nhất như múa tùng dí, rước tiếng hú, tế nõ nường, rước ông Khiu, bà Khiu, tiệc trâu, tiệc bánh dầy, bánh mật...”. Cả hai quá trình này tương tác lẫn nhau, càng làm cho nhân vật phụng thờ của tín ngưỡng thêm thiêng liêng, trở thành những biểu tượng vô hình nhưng đủ sức mạnh quy tụ, vận hành, điều chỉnh, liên kết mọi hành vi trong cộng đồng, hướng theo mục đích chung nhất của tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc trong lịch sử. Xuất phát từ thực tế sáng tạo và thực hành tâm linh tại hàng loạt làng bản quanh vùng đất do sông Thao, sông Lô, sông Đà đan nối bồi tụ nên, dễ dàng nhận thấy, ngay từ thưở sơ khai của nhà nước Văn Lang, người dân Việt - Mường đã sớm xác lập một biểu tượng văn hóa-lịch sử  cho sự cố kết cộng đồng, trở thành một sáng tạo văn hóa đặc sắc và độc đáo qua trường kỳ lịch sử mang tầm kiệt tác của nhân loại. Cũng từ đây, nhờ có kho tàng văn hóa dân gian từ truyền thuyết đến lễ hội, từ ẩm thực đến nghi lễ liên quan đến Hùng Vương, được dân gian sáng tạo và lưu truyền đã là những chất keo văn hóa gắn kết vận mệnh từng cộng đồng làng bản với nhau trong mối quan hệ chung của vận mệnh toàn dân tộc. Giá trị văn hóa đặc sắc đó chính là hạt nhân tạo ra sự đồng thuận cộng đồng, tạo ra sức mạnh vô địch cho toàn dân tộc, trước mọi thử thách của tự nhiên và xã hội, đủ sức đề kháng, chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm và kẻ thù xâm hóa văn hóa qua nhiều nghìn năm trong lịch sử. Cũng chính vì thế, “trên diễn trình lịch sử, nước Việt, dân Việt nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa - chính trị Trung Hoa Đông Á song vẫn luôn luôn duy trì nền tảng văn hóa, môi cảnh địa - nhân văn Đông Nam Á của chính mình”.

Tâm lý hướng tâm thực chất là một bộ phận góp phần hình thành nên tâm lý dân tộc. Xuất phát từ những ý nghĩ, tình cảm, các thế hệ ở từng dân tộc, tộc người đã xây đắp cho mình một đời sống nội tâm, tồn tại như một thế giới bên trong vô hình của con người, nhưng lại đủ sức chi phối, điều hành mọi hành vi, hành động và hoạt động của con người trong mối quan hệ với cộng đồng tộc người hay dân tộc. Nói cách khác, một khi tâm lý hướng tâm, hướng về/vào cội rễ/cội nguồn của một phạm vi cố kết cộng đồng nhất định, thì tất yếu các thế hệ người sẽ qua trải nghiệm sống và ứng xử mà hình thành nên truyền thống với những giá trị văn hóa nhất định, được mọi thành viên cộng đồng chấp thuận, tuân thủ như một lẽ tự nhiên.

Nghiệm sinh qua thực tiễn tồn tại và phát triển của các dân tộc trong cùng quốc gia nói chung, có thể nhận thấy hệ ý thức cội nguồn là cơ sở để hình thành nên tâm lý dân tộc, tri ân người anh hùng có công dựng nước, giữ nước, bao hàm trong đó ba tính hướng tâm đan xen, hòa trộn: Tính hướng tâm nội bộ dân tộc theo quan hệ dòng máu mà mình mang tộc danh; tính hướng tâm của một nhóm dân tộc trong một không gian sống nhất định theo quan hệ láng giềng trong làm ăn và sinh sống; và tính hướng tâm của các dân tộc thành viên đối với toàn thể cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

Truyền thống tôn vinh danh nhân - một đặc trưng độc đáo 

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của quá trình nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước, làm ăn và đánh giặc, sản xuất và chiến đấu, tôn tạo xã hội và sẵn sàng chống trả ngoại xâm. Tôi luyện qua những thách đố khắc nghiệt của lịch sử, con người Việt Nam từ xưa đến nay không ngừng phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, luôn thường trực với vận mệnh sống còn của dân tộc, đưa dân tộc ta vững bước đi lên trở thành một dân tộc độc lập, tự do, tự chủ và có vị thế trên trường quốc tế. Trong môi trường tự nhiên - lịch sử đặc thù thấm đầy máu và nước mắt như vậy, dân tộc Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều luôn luôn sản sinh ra những người con anh hùng, những bậc tài cao đức trọng, những con người đã có đức hy sinh cao cả, vì sự nghiệp của cộng đồng, dân tộc, góp công sức và hiến dâng cuộc đời mình để làm "rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta"! . Tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam (viện dẫn từ các thành tố folklore), các nhà khoa học đã đồng thuận đúc kết: “Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm, từ thời các Vua Hùng dựng nước đến nay, ở bất cứ nơi nào, thời đại nào, những người có công với dân với nước đều được người đời sau lưu danh, tưởng niệm”.

Theo dòng lịch sử, có thể dễ dàng nhận ra hai hệ thống anh hùng được cộng đồng đánh giá công minh để rồi tôn vinh một cách chân thành, thống nhất và định hình tên tuổi cho các nhân vật được tin là bất tử trong dân gian, được gắn chặt với những nét văn hoá tín ngưỡng cao đẹp của tục thờ cúng tổ tiên và thờ cúng thần linh, gắn chặt với ý thức cội nguồn và tâm lý hướng tâm truyền thống, hiện hữu bằng các cách thức, phương thức tưởng nhớ đa dạng, sinh động, thường trực ở mọi miền, mọi vùng đất nước:

a. Hệ thống các anh hùng văn hóa có công khai phá, tạo lập cộng đồng, dựng nước và giữ nước, mở mang công việc, sáng tạo văn hoá góp phần hình thành nên diện mạo dân tộc, truyền thống văn hoá và bản sắc cộng dồng dân tộc Việt Nam. Đó là các Vua Hùng, Lạc Long Quân - Âu Cơ, Thánh Tản Viên, Thần Cao Lỗ, Sư Không Lộ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v...

b. Hệ thống các anh hùng huyền thoại hoặc lịch sử đích thực, có công hiến dâng cuộc đời mình vì sự nghiệp sống còn của dân tộc, đánh giặc cứu nước, chống trả ngoại xâm, bảo vệ sự vẹn toàn cho một nước Việt Nam tự lập, tự chủ, tự cường qua các triều đại, các giai đoạn lịch sử: Đó là Thánh Gióng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh.v.v...

Có thể sơ lược nhận biết các nấc thang đánh giá, tôn vinh hai hệ thống tôn vinh trong cộng đồng người Việt như sau:

- Anh hùng dân tộc: Là những người có đóng góp công lao to lớn, xuất sắc, gắn với vận mệnh sống còn của dân tộc, gắn với sự đổi thay sâu sắc của đời sống, sinh hoạt toàn xã hội và lịch sử phát triển của toàn xã hội, có tài năng và đức độ hơn người được cộng đồng dân tộc thừa nhận và tôn vinh.

- Anh hùng của một vùng đất, một địa vực có đức - tài cao cả, có công khai phá, xây dựng hoặc bảo vệ đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá của một tập thể cộng đồng ở một vùng - miền nhất định, có vị trí và ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của người dân tại một địa vực cụ thể và là tấm gương cho hậu thế noi theo.

- Anh hùng của một làng quê, dòng họ: Có đức tài cao cả, có công khai phá, xây dựng hoặc bảo vệ đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá của một làng quê, dòng họ cụ thể, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, sinh hoạt của các đời và được cả làng quê cũng như dòng họ thừa nhận.

Xem xét 3 cấp độ tôn vinh người anh hùng trong thực tiễn lịch sử - xã hội của người Việt qua không gian và thời gian được phản ánh qua môi trường thực hành tín ngưỡng và sinh hoạt lễ hội tại các làng bản, chúng ta có thể nhận thấy những nét chung sau đây:

a. Mỗi cá nhân anh hùng luôn luôn là nhân vật trung tâm của một hệ thống truyện kể (mức độ, phạm vi rộng hẹp, nhiều ít khác nhau) với thái độ ngợi ca, được lưu truyền (phạm vi rộng hẹp khác nhau) trong dân gian và sử sách qua các thế hệ, các triều đại và các thời đại lịch sử.

b. Được gắn với một hoặc nhiều di tích thờ phụng (đình - đền - nghè - miếu) từ một gia đình, dòng họ hay mở rộng ra phạm vi làng - liên làng - vùng - miền cả nước, tuỳ theo công trạng và vai trò ảnh hưởng của cá nhân anh hùng đó trong một không gian văn hoá tín ngưỡng - lễ hội nhất định.

c. Các cá nhân anh hùng được các triều chính chuẩn nhuận, phải được sự đồng thuận suy tôn của quần chúng nhân dân, tùy theo các danh hiệu khác nhau như: Thần bất tử, Thánh - Thần - Thành hoàng, từ đó mới được đón nhận, gắn với các các di tích thờ tự cụ thể cùng các hình thức, nghi lễ thực hành tín ngưỡng, lễ hội trong những không gian thiêng nhất định.

d. Được nhận các sắc phong của các triều đại - kể từ khi dân tộc Việt Nam ta trở thành một cộng đồng độc lập, tự chủ...

Người anh hùng - danh nhân qua cảm nhận và sự quy phục của dân gian, đã được linh thiêng hoá, trở thành một biểu tượng vô hình của những uy lực tối cao, nhiều khi còn can dự vào đời sống sinh hoạt của cộng đồng với những nét giá trị tích cực, hữu ích. Nhìn lại sự hiện diện của các hình thức tôn vinh tưởng niệm người anh hùng - danh nhân của người Việt cổ truyền thông qua các hình thức thực hành folklore, chúng ta còn thấy một sự thật là, quần chúng nhân dân không hề có ý niệm lấy tên người anh hùng - danh nhân đặt tên/định danh cho một tên làng, tên xóm hoặc một địa danh nào khác ngoài chính nơi thờ phụng, tưởng niệm - những phạm vi không gian thiêng, được coi như “trung tâm cộng cảm”  của cộng đồng, do cộng đồng xây dựng và tôn tạo nên. Có lẽ, đấy là sản phẩm của một tâm lý cộng cảm, ý thức hoà nhập trong giá trị chung của cộng đồng, của chính người dân đã sáng tạo ra lịch sử. Điều đó sẽ góp phần nâng cấp tầm vóc người anh hùng, thu hút tâm thức con cháu và tạo ra mối quan hệ mang tính truyền thống vừa gần gũi, thân mật, vừa thiêng liêng và trang trọng giữa người tôn vinh và người được tôn vinh trong mối quan hệ đa chiều, rộng lớn của mọi thể chế - xã hội, làm “bệ đỡ’ cho niềm tin của các thành viên trong cộng đồng trên tiến trình lịch sử sinh tồn và phát triển.

Và như vậy, bằng việc huy động mọi loại hình văn hóa dân gian, từ các hình thức nghệ thuật ngôn từ đến các cách thức/phương thức diễn xướng, điêu khắc, sân khấu dân gian, các hình thức thực hành tín ngưỡng, phong tục, tập quán,... cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam đã sáng tạo, nuôi dưỡng, bảo vệ và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống được kết tinh từ ý thức, tâm thức tôn vinh, tri ân người anh hùng có công với dân với nước, xuyên suốt dọc - dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và, như Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khái quát: “Nói Folklore Việt Nam là nói tổng thể mọi sáng tạo, mọi thành tựu văn hóa của dân gian ở mọi nơi, trong mọi thời, của mọi thành phần dân tộc đang hiện tồn trên lãnh thổ Việt Nam. Nó có thể là một ngôi đền, một cái đình mà cũng có thể là một mẩu huyền thoại hay một câu chuyện thần kỳ. Nó có thể là một cái lư hương gốm sứ cổ, cỗ kiệu sơn son thiếp vàng ngày xưa mà cũng có thể là một câu tục ngữ cổ, một khúc dân ca... Sáng tạo dân gian bao trùm mọi lĩnh vực đời sống vui chơi, buông xả (thể thao dân gian, võ, vật, đánh cầu, hất phết), hát hò (hát đò đưa, hò giã gạo, đúm, ví, xoan, ghẹo), đến đời sống tâm linh (giỗ, tết, lễ hội)”.

Từ thực tế lịch sử của hàng nghìn năm sáng tạo để trở thành thành phần của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước đó, Folklore Việt Nam đã bằng ý thức hướng tâm và tâm lý đồng thuận cộng đồng, tạo nên một hệ giá trị văn hóa, trở thành huyết mạch truyền thống của tâm thức tôn vinh người anh hùng dựng nước - giữ nước Việt Nam, hình thành/cấu thành nên một nền folklore Việt Nam đa dân tộc, có đặc trưng độc đáo, mang nhiều giá trị.

Giá trị văn hóa đặc sắc đó chính là hạt nhân tạo ra sự đồng thuận cộng đồng, tạo ra sức mạnh vô địch cho toàn dân tộc, trước mọi thử thách của tự nhiên và xã hội, đủ sức đề kháng, chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm và kẻ thù xâm hóa văn hóa qua nhiều nghìn năm trong lịch sử.

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)
TIN LIÊN QUAN

Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc thực hiện “Tri ân” người có công với cách mạng

Thanh Huyền |

Hưởng ứng Pháp lệnh của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, phát huy tinh thần “Tương thân thương ái” “Đền ơn đáp nghĩa”, Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc (Viện PTVHDT) đã vận động và tổ chức Chương trình “Tri ân”. Hoạt động đã thu hút được sự hưởng ứng tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị, cơ quan đoàn thể trên mọi miền Tổ quốc. Trong những tháng đầu năm 2021, Viện PTVHDT đã làm cầu nối, chắp cánh cho những tấm lòng hảo tâm đến được với những người có công, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều địa phương đặc biệt là tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Tích lũy hành trang văn hóa đủ đầy để tự tin bước vào tương lai

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Trong Diễn văn khai mạc đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội, 24.11.1946), Hồ Chủ tịch khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Đừng để đứt gãy những giá trị văn hóa truyền thống!

Việt Văn (thực hiện) |

Nhà nghiên cứu, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế có nhiều tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách như “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê”, “Song xưa phố cũ”, “Nghê Việt tinh tuyển”... Anh cũng hai lần nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều công sức nghiên cứu về con Nghê, đưa hình ảnh Nghê tạo hình trên nhiều chất liệu, phục dựng điệu múa Nghê để giới thiệu trong các tour du lịch khám phá Việt Nam…

Thủ tướng đề nghị Pháp hỗ trợ trùng tu các di sản văn hóa Pháp - Việt Nam

Hải Anh |

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ cho việc phát triển năng lực y tế cho Việt Nam, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, xem xét tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc trùng tu các di sản văn hóa Pháp – Việt như cầu Long Biên...

Phật giáo đồng hành, gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc

Phong Quang- Phùng Minh |

Tuyên Quang- Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang vừa có chuyến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tuyên Quang. 

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc thực hiện “Tri ân” người có công với cách mạng

Thanh Huyền |

Hưởng ứng Pháp lệnh của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, phát huy tinh thần “Tương thân thương ái” “Đền ơn đáp nghĩa”, Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc (Viện PTVHDT) đã vận động và tổ chức Chương trình “Tri ân”. Hoạt động đã thu hút được sự hưởng ứng tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị, cơ quan đoàn thể trên mọi miền Tổ quốc. Trong những tháng đầu năm 2021, Viện PTVHDT đã làm cầu nối, chắp cánh cho những tấm lòng hảo tâm đến được với những người có công, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều địa phương đặc biệt là tại TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Tích lũy hành trang văn hóa đủ đầy để tự tin bước vào tương lai

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Trong Diễn văn khai mạc đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội, 24.11.1946), Hồ Chủ tịch khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Đừng để đứt gãy những giá trị văn hóa truyền thống!

Việt Văn (thực hiện) |

Nhà nghiên cứu, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế có nhiều tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách như “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê”, “Song xưa phố cũ”, “Nghê Việt tinh tuyển”... Anh cũng hai lần nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều công sức nghiên cứu về con Nghê, đưa hình ảnh Nghê tạo hình trên nhiều chất liệu, phục dựng điệu múa Nghê để giới thiệu trong các tour du lịch khám phá Việt Nam…

Thủ tướng đề nghị Pháp hỗ trợ trùng tu các di sản văn hóa Pháp - Việt Nam

Hải Anh |

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ cho việc phát triển năng lực y tế cho Việt Nam, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, xem xét tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc trùng tu các di sản văn hóa Pháp – Việt như cầu Long Biên...

Phật giáo đồng hành, gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc

Phong Quang- Phùng Minh |

Tuyên Quang- Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang vừa có chuyến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tuyên Quang.