Từ kinh đô Hoa Lư đến kinh đô Thăng Long: Tầm nhìn xuyên thế kỷ

nguyễn hữu giới |

Tổ quốc Việt Nam ta từ khi ra đời cho đến nay, kinh đô luôn chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất: Vừa là trung tâm chính trị và quân sự, vừa là trung tâm kinh tế và văn hoá của đất nước.

1. Thuở khai sinh ra nước Việt, các Vua Hùng đóng đô ở Bạch Hạc - Việt Trì, vì đó là chóp đỉnh thứ nhất của tam giác Châu thổ Bắc Bộ, là nơi tiếp giáp giữa miền núi và miền xuôi, thuận tiện cho giao thông xuôi ngược. Gần hai nghìn năm sau, Vua Thục dời đô xuống vùng đất Cổ Loa (cũng bởi vì kỷ nguyên của thời kỳ đồng và đồ sắt đã xuất hiện). Cùng với việc thau chua, rửa mặn, khai hoang và lấn biển, trung tâm kinh tế và văn hoá đã bị hút dần về xuôi. Đỉnh thứ hai của tam giác Châu thổ sông Hồng trên ngã ba sông Đuống đã định vị.

Rồi nhà nước Âu Lạc tiêu vong, nước Việt chìm đắm trong thời kỳ Bắc thuộc ngót một nghìn năm. Nhưng trong gần mười thế kỷ đen tối ấy, lịch sử nước nhà cũng đã từng ghi dấu nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta chống lại ách đô hộ với nhiều chiến công hiển hách. Cho đến năm 938, bằng chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã giành được độc lập cho nước nhà và từ đó nước ta bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ. Nhà Đinh, Lê sau này lui về đóng đô ở Hoa Lư vừa là quê nhà của Đinh Tiên Hoàng đế, lại vừa là nơi núi non hiểm trở, thích hợp với một vị trí lợi hại về phòng vệ quân sự. Mặt khác, xét về thời thế lúc này vì nước ta mới giành được độc lập, quốc gia phong kiến tập quyền còn chưa đủ thời gian củng cố, dân tình còn chưa ổn định, các thế lực cát cứ địa phương còn ương ngạnh, thì việc chọn Hoa Lư làm Kinh đô quả là hợp với “lẽ trời”. Nhưng khi nhà Đinh, nhà Lê làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình thì Kinh đô Hoa Lư cũng vừa xong vai trò lịch sử của một thủ đô “tạm thời”.

Đầu thế kỷ thứ XI bắt đầu vương triều Nhà Lý. Lúc này là thời điểm quốc gia Đại Việt đang đứng trước ngưỡng cửa để bước sang một giai đoạn mới - một thiên niên kỷ mới. Nhu cầu phòng bị giữ nước tuy vẫn rất quan trọng song không phải đặt lên vị trí hàng đầu như trước nữa mà vấn đề quan trọng nhất là phải phát triển đất nước về mọi mặt. Vì thế kinh đô Hoa Lư giờ đây trở nên quá chật hẹp. Chính vì lẽ đó, Lý Công Uẩn - ông vua khai sáng ra triều đại Nhà Lý đã có một tầm nhìn khác hẳn với những người đương thời. Chính trong “Chiếu dời đô” của mình, ông đã nói lên một nguyện vọng thiết tha và cháy bỏng là xây dựng một vương triều bền vững với nhân dân no ấm thịnh vượng, một quốc gia độc lập, tự chủ và hùng cường cho muôn đời sau. Mặc dù rời bỏ Kinh đô Hoa Lư với những cung điện, đền đài lộng lẫy, những thành cao, hào sâu vây bọc chắc chắn, những điểm tụ cư đông đúc trên bến dưới thuyền... không phải không làm cho ông day dứt. Song việc quyết định dời đô ra Thành Đại La - một vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hoà - đã cho thấy một quyết định chín muồi và vô cùng sáng suốt.

2. Trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, Thành Đại La đã có và nếu ngược dòng lịch sử gần 500 năm về trước (năm 542-544), khi cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta chống lại ách đô hộ của Nhà Tuỳ, dưới sự lãnh đạo của Lý Bí, Nhà nước Vạn Xuân ra đời. Nam Đế Lý Bí cũng đã nhận ra vị trí rất mực quan trọng của thành Đại La và đã lập “thủ phủ” ở đây. Rồi hơn 3 thế kỷ nữa lệ thuộc Tuỳ - Đường (từ viên Tổng quản Khâu Hoà nhà Tuỳ đắp Tử Thành đến viên Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Cao Biền nhà Đường đắp Đại La Thành vào năm 865-868) đã cho thấy vị trí trung tâm đặc biệt của nó, nơi đóng đô của chính quyền đô hộ từ thời Bắc thuộc. Vì thế cho nên, một điểm quan trọng (có lẽ là quan trọng nhất đối với người xưa) mà Lý Thái Tổ đã nhấn mạnh trong bài Chiếu của mình: Đó là vấn đề vị trí địa lý tương hợp với các yếu tố phong thuỷ của mảnh đất La Thành này. Theo ông, Hoa Lư Kinh đô cũ của Nhà Đinh và Nhà Lê là nơi “ẩm thấp mà chật hẹp”, lại không nằm ở vị trí trung tâm đất nước, còn Thành Đại La: “ở giữa khu vực trời đất có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thể núi sau sông trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa... xem khắp nước Việt ta chỗ ấy là hơn cả”. Và cũng là lẽ đương nhiên, khi đem ý định dời Đô hỏi ý kiến các quần thần, Lý Thái Tổ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế lâu dài, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người. Việc lợi như thế ai dám không theo”.

Nói về “Chiếu dời Đô”, nhiều học giả cho rằng: “Chiếu dời Đô” không phải là một áng văn tuyệt hay như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn hay “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Về chi tiết trong đó, nhiều chỗ chưa nêu bật được tinh thần tự tôn dân tộc, song có lẽ với ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại, nó vẫn xứng đáng ở vị trí  mở màn cho nền văn hiến Thời nhà Lý. Điều cơ bản nhất là vạch rõ mục đích định đô: “Đó, nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”.

Thế là từ mùa thu năm Canh Tuất 1010, Hà Nội cổ của chúng ta được thay tên gọi, để rồi biến đổi lớn từ bên trong cơ cấu kinh tế, văn hoá, xã hội, rửa vết nhơ của thời nô lệ, đổi Đại La thành Thăng Long. Lần đầu tiên Hà Nội cổ có một tên hiệu, tuy viết bằng chữ Hán song lại rất Việt Nam. Và thực tế cũng chứng minh là Kinh đô Thăng Long ra đời với biểu tượng “con rồng bay lên” đã là điểm khởi đầu đánh dấu bước chuyển mình hưng khởi thịnh vượng của Quốc gia Đại Việt. Từ bấy đến nay, trải qua mười thế kỷ, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, thủ đô yêu quý của chúng ta luôn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước và là đầu não của những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

3. Ngày nay trong xây dựng hoà bình, Thủ đô Hà Nội luôn đi đầu trong cả nước về nhiều lĩnh vực. Sau hơn bốn thập kỷ chấm dứt chiến tranh, hơn 30 năm thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội đã và đang từng bước đổi thay, từng ngày lớn mạnh. Từ một thủ đô nghèo nàn, lạc hậu và đổ nát sau chiến tranh, với sức mạnh thần kỳ, Hà Nội đã vươn mình đứng dậy. Tăng trưởng kinh tế hơn 3 thập kỷ đổi mới vừa qua, liên tục đạt từ 8 đến 12%/ năm. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển quan trọng theo hướng CNH, HĐH, trong đó, công nghiệp tăng từ 29,2% (năm 1990) lên trên trên 66,7 % (năm 2018). Đầu tư nước ngoài vào Hà Nội từ chỗ hầu như chưa có gì vào cuối những năm 80 (thế kỷ XX), thì đến đầu thế kỷ 21 đã tăng mạnh (có năm lên đến hơn 10 tỉ USD, với hàng trăm dự án). Năm 2019, Hà Nội thu hút khoảng hơn 6,5 tỉ USD (lần đầu tiên dự kiến đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập). Chỉ tính 3 năm gần đây (từ 2016 đến 2018), Hà Nội thu hút gần 13,25 tỉ USD, bằng hơn 2 lần giai đoạn 2011-2015. Đến cuối năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã cấp đăng ký kinh doanh cho 26.160 doanh nghiệp, vốn đăng ký 252 nghìn tỉ đồng (tăng hơn 4% so với 2017). Tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội (năm 2018) đạt khoảng 238,600 nghìn tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2018 đạt 11,34 tỉ USD (tăng 8,5 % so với 2017). Khách du lịch năm 2018 đạt khoảng hơn 26 triệu lượt người (tăng  9,3 % so với năm 2017); trong đó, khách quốc tế đạt 5,74 triệu lượt (tăng 16% so với 2017). Đường phố Hà Nội hôm nay khang trang hơn, thông thoáng, sạch đẹp và hiện đại hơn, làm cho những người đi xa Hà Nội, nay trở về đã thấy bàng hoàng, mới lạ.

Có lẽ trên thế giới này, những nước có thủ đô trên 1.000 năm tuổi như ở Việt Nam, chắc cũng không nhiều. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH đất nước, góp phần xây dựng thủ đô: Giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, đẹp về văn hoá, công bằng -văn minh về xã hội, mãi mãi xứng đáng với truyền thống của thủ đô nghìn năm văn hiến - thành phố vì hòa bình mà UNESCO trao tặng cho Hà Nội năm 1999.

nguyễn hữu giới
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.