Từ gia phong trong gia đình thời phong kiến đến gia đình người Việt đương đại

Hà Ly (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) |

Ngót nửa thế kỷ qua, kể từ khi nước Việt Nam được thu về một mối trong thống nhất, độc lập tự do, lịch sử dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lật sang trang mới. Một kỷ nguyên của những tháng năm hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nước Việt Nam vững mạnh, dân giàu, xã hội mở cửa hội nhập với văn minh thế giới đã và đang lộ diện, tạo đà cho truyền thống và bản sắc dân tộc gắn với tầm cao mới.

Không gian cư trú, hữu hạn gia đình với sự cố kết huyết thống luôn bao bọc, giằng néo và nuôi dưỡng một không gian văn hoá rộng lớn gồm các lề thói, phép tắc, nề nếp, tập quán của những gia lễ, gia pháp, gia huấn và gia phong của văn hóa dòng họ, văn hóa làng trên tiến trình lịch sử. Trên trục vận hành của gia đình từ khi hình thành đến quá trình tồn tại, mở rộng và tiếp biến cũng như tích hợp văn hoá đa phương, mọi nề nếp và phong cách sống (gọi là gia phong) trong gia đình người Việt cũng vì thế mà hình thành và nảy nở, định hình ra những sắc thái riêng có tính truyền thống tộc người. Có thể coi gia phong là một trong những thành tố tạo nên một thứ “thiết chế” vô hình của văn hoá gia đình, với chức năng cao cả là giáo dục cho các thành viên từ đời này sang đời khác.

Từ gia phong trong gia đình thời phong kiến (trước 1945)

Nhìn lại nội tình của gia đình người Việt, từ thời kỳ xây dựng nhà nước Việt Nam tiền phong kiến (chống xâm lược và đồng hoá của phương Bắc) và ngót mười thế kỷ xây dựng nhà nước phong kiến độc lập tự chủ, Phật giáo do hướng vào chủ thể là bản ngã con người và mối liên kết của con người trong xã hội, tích hợp với di sản văn hóa bản địa đã mang lại nhiều đóng góp có tính nền tảng cho sự giáo dục trong gia đình. Hạt nhân cơ bản của thuyết giáo nhà Phật là chữ Thiện được biểu hiện sinh động qua quá trình hòa nhập với đời sống tâm linh và văn hoá tinh thần cũng như vật chất của người dân bản địa. Đó không phải là thứ lý thuyết chung chung mà ngược lại rất thiết thực, cụ thể và gắn kết với mọi điều hành những hành vi, ứng xử trong gia đình. Tính thiện ở Phật giáo luôn gắn với chữ tâm, chữ hiếu. Tu theo nhà Phật là tu tại gia, tu tại tâm. Đường tu tại gia đồng nhất với tín ngưỡng bản địa coi trọng và đề cao sự thành kính với tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, hoà nhã với anh em bè bạn, thuận nghĩa tình vợ chồng, đưa mình vào khuôn phép của tập tục họ tộc, làng xã, cộng đồng... Điều thiện của nhà Phật đã được các triều đại phong kiến cụ thể hoá cho con người nhìn nhận và tuân theo. Thứ đạo đức Phật giáo cao cả đó như một triết lý sống động góp phần xây đắp nền tảng gia phong trong gia đình phong kiến Việt Nam qua hàng chục thế kỷ ngày một vững chắc. Ví dụ, vào đời nhà Trần thế kỷ 14, vua tôi chủ yếu truyền bá đạo đức nhà Phật đến tận từng chúng sinh và từng gia đình. Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293),  một Quốc vương anh minh và quyết đoán đã nêu ra Mười điều thiện (Thập thiện) để răn dạy mọi người theo cốt lõi giáo lý nhà Phật: “Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không nói lời ly gián; không nói lời ác; không nói lời tạp uế; không tham lam; không giận dữ; không tà kiến”. Những lời dạy này đã được “gia đình hoá” và trở thành những bài học luân lý cực kỳ thiết thực và bổ ích cho nề nếp gia đình và vì thế, ý nghĩa giáo dục của nó đã tạo nên nét truyền thống chung của mọi người, mọi gia đình. Đây cũng là đặc trưng độc đáo của nếp sống văn hoá gia đình Việt Nam thời phong kiến. Chính vì thế, nhiều nét biểu hiện cụ thể của gia phong trong gia đình người Việt đã được ghi lại trong các hương ước hoặc gắn với các phong tục, tập quán (dù bất thành văn) và được con cháu các đời lưu giữ, noi theo, tuân theo.

Đón tiếp Phật giáo, người dân không đi sâu vào các giáo lý của nhà Phật, không chi ly trong căn cốt và bản chất của từng loại thuyết lý cao siêu. Mà ngược lại, người dân chỉ chọn lọc từ các bộ kinh Phật những điều phù hợp và cần thiết cho sự duy trì lối sống của gia đình, cho tu dưỡng bản tính của con người. Trong đời sống gia đình, con người dường như chỉ đón nhận những bộ kinh nhà Phật gần với nếp sống cụ thể và phục vụ cho chức năng giáo dục của gia đình (như Kinh Nhật tụng, Kinh Phổ độ, Kinh Tương ưng, Kinh đại báo Phụ mẫu trọng ân, Kinh Đại phương tiện báo ân,...). Nhiều điều có trong lời dạy của Đức Phật đã được dân chúng tiếp nhận một cách trọn vẹn và trân trọng, được coi như một thứ “gia phong”, con người cần tiếp thu và giáo dục cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, rất nhiều điều chỉ bảo của Đức Phật đã mang ý nghĩa và giá trị như thứ gia phong quý báu đối với gia đình phong kiến Việt Nam và được ghi nhận, lưu truyền vào/trong kho tàng tục ngữ, ca dao của dân gian. Cũng nhờ đó, dù người dân xưa không có chữ viết(!), không đọc được chữ Hán hoặc không muốn dùng chữ Hán của ngoại bang để ghi chép, thì nề nếp gia phong vẫn được dân gian bảo lưu và truyền dạy/truyền miệng từ đời này sang đời khác, luôn gắn kết với đời sống gia đình một cách thường trực và thiết thực.

Bên cạnh sự giao lưu vĩ đại về văn hoá một cách tự nhiên giữa người Việt và văn hoá Ấn Độ (nổi bật là Phật giáo), ngay từ đầu Công nguyên cho đến ngót hai chục thế kỷ về sau, người Việt và cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn phải thường trực với các cuộc tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa của văn hoá Hán phương Bắc. Nền văn hoá gia đình bản địa mới được tiếp sức nhờ những yếu tố tích cực, phù hợp của Phật giáo đã mau chóng phải đương đầu với một đối tượng giáo lý - học thuyết khổng lồ của Nho giáo từ Bắc phương, sản phẩm tinh thần vĩ đại của một chế độ chính trị quân chủ tập quyền theo mô hình đặc Hán.

Trước hết, phải thấy rằng, so với nhiều học thuyết Đông - Tây, Nho giáo chính là sản phẩm tinh thần cực kỳ có sức mạnh, trợ thủ đắc lực và hữu hiệu cho một chế độ quân chủ trong nền kinh tế tự cung tự cấp của xã hội nông nghiệp. Và do vậy, nó rất phù hợp và dễ dàng được áp đặt, bám sâu vào đời sống văn hoá - xã hội của Việt Nam qua nhiều thế kỷ. So với Phật giáo, dù Nho giáo không phải một tôn giáo theo đúng nghĩa nhưng học thuyết của Nho giáo đã bộc lộ sự quan tâm đầy đủ nhất đến mọi vấn đề của gia đình, biết cách định vị và tạo cho gia đình có một diện mạo rõ nét và đa dạng nhất, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử xã hội phong kiến. Chính vì thế, từ những hình thức gia đình dưới các chế độ bộ lạc, bộ tộc với các thể chế như mẫu hệ mang tính cộng đồng hoặc gia đình riêng nhưng còn lỏng lẻo, Nho giáo đã làm cho gia đình dần dần đi vào nề nếp, có hệ thống phân minh với những cấu trúc và lối sống hợp lý, có văn hoá. Nho giáo xây dựng cho gia đình cái lý chặt chẽ, chuẩn mực theo cách nhìn nhận của xã hội phong kiến (gia pháp, gia lễ) và cái tình mềm dẻo trong ứng xử (gia giáo, gia huấn, gia phong). Đó là nét tích cực nhất của Nho giáo đã được các gia đình truyền thống người Việt tiếp nhận, sàng lọc và tiếp thu.

Cho nên, có thể nói rằng, vấn đề gia phong trong gia đình người Việt khi bắt gặp Nho giáo đã được nâng lên tầm cao mới về chất và có vai trò chủ lực cho việc thực hiện chức năng giáo dục của mọi gia đình trải qua nhiều thế kỷ. Từ nguyên lý của cái lý và cái tình tạo gốc trong Nho giáo như vậy mà vấn đề xoay quanh các mệnh đề tu thân và tề gia của Nho giáo đã được thể hiện vào thực tiễn đời sống gia đình một cách cụ thể và có tác động trực diện đến mọi hành vi đạo đức của các thành viên. Từ thực tiễn đó, theo tư tưởng Nho giáo, tất phải soạn ra các gia lễ, đặt ra các gia pháp và tạo thành những gia phong, được truyền bá từ đời này sang đời khác. Suy cho cùng, vấn đề mà Nho giáo đặt ra khái quát nhất là vấn đề mạng tính chiến lược: Tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ. Điều đó phù hợp với ước nguyện truyền thống của người Việt về ý thức quan hệ: Cá nhân - xây dựng và ổn định gia đình - xây dựng họ tộc - làng xóm và xây dựng xã hội. Nho giáo đã đẩy gia phong trong gia đình phong kiến Việt Nam lên mức hoàn chỉnh theo tính thời đại của nó, tạo thành những “công thức” và “liều lượng” cần thiết đủ để thực hiện mục đích giáo dục nhân cách và định hình nếp sống, phong cách sống cho một kiểu gia đình phong kiến hoàn thiện, có văn hoá. Các công thức của Nho giáo đều hướng vào việc thiết lập các mối quan hệ.  Nền gia phong cũng không thể nằm ngoài các quan hệ đó: Từ quan hệ hẹp trong phạm vi gia đình như cha mẹ - con cái, vợ - chồng, anh - em (gia đình hạt nhân), quan hệ họ hàng thân tộc (gia đình mở rộng) đến quan hệ hàng xóm - làng giềng, thầy - trò, vua - tôi, đồng niên - đồng lứa... Và từ môi trường xã hội đó, gia phong đã được cố kết cùng các thứ gia lễ, gia pháp, gia huấn trong phạm vi gia đình (và dòng họ), có vai trò giúp cho con người của các thế hệ nhận thức và tuân theo những phong cách, cách thức tu dưỡng nhất định để tự nâng cao mình, để chung sống và hoà hợp được với hoàn cảnh và các mối quan hệ (huyết thống, làng xã ...). Và như thế, những yếu tố có tính quyết định đến sự hình thành nhân cách con người lại nằm trong phạm vi không gian văn hoá gia đình, trong đó gia phong đóng vai trò chủ đạo.

Nhìn theo trục lịch sử, có thể nhận thấy nếp gia phong truyền thống của gia đình bình dân (hiện chiếm số lượng lớn nhất trong hệ thống gia đình người Việt) được thu nhận và tiếp biến từ hai nguồn văn hoá chủ đạo:

- Lấy cái căn cốt bản địa là cần cù, chịu khó, có ý thức hy sinh vì  họ tộc, cộng đồng để rộng đường tiếp thu một cách hồn nhiên cái mềm dẻo, cái từ thiện và cái nhân quả của nhà Phật (cái tình) nhằm phục vụ cho chức năng giáo dục trong gia đình (hiếu - nhân).

- Lấy cái ổn định, nề nếp của những nét gia phong đã định vị nhưng chưa hoàn thiện trong gia đình để nhận biết và tiếp thu các giáo lý của Nho phong (lễ - nghĩa) làm khuôn phép cho mọi mối quan hệ (cái lý) từ phạm vi gia đình hạt nhân đến gia đình mở rộng (gia tộc) và đời sống xã hội (làng - nước).

Và như thế, trong gia đình phong kiến người Việt (đại diện đông đảo và phổ biến nhất là gia đình bình dân, làm nông nghiệp chân quê) luôn tồn tại song hành cái mềm dẻo nhân tính của đạo đức bản địa và Phật giáo cùng những khuôn phép của thuyết lý Nho giáo, với những chuẩn mực cụ thể và mang tính lịch sử tích cực của nó.

Xuất phát từ hai nguồn cộng cảm và tiếp thu có ý thức như vậy, gia phong của gia đình phong kiến người Việt đã hướng con người đến những cung cách ứng xử linh hoạt, nước đôi trong việc tu dưỡng nhân cách và vô hình chung, nó tạo ra một đặc trưng dễ thấy của văn hoá ứng xử người Việt cổ truyền và cũng là biểu hiện cụ thể cách sống, lối sống của ngưòi Việt Nam trong lịch sử. Bản chất nước đôi - linh hoạt - mềm dẻo này của gia phong trong gia đình người Việt được thể hiện rất rõ trong kho tàng tục ngữ, ca dao, thành ngữ, đã và đang được lưu truyền ở khắp các làng quê vùng châu thổ Bắc bộ. Hệ thống các kiểu ứng xử nước đôi trong vốn văn hoá dân gian cho phép nhận ra một số đặc điểm tính cách của tộc người Việt: Vừa có tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau (Anh em như thể chân tay; Tắt lửa tối đèn có nhau,...) lại vừa có tính ích kỷ, cá nhân (Đèn ai nấy rạng...); vừa có nếp sống dân chủ bình đẳng, công bằng (Hoa thơm mỗi người ngửi một ít); lại vừa có đầu óc gia trưởng, tư hữu (Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm); vừa có nếp sống tự lập (Tay làm hàm nhai) lại vừa có thói ỷ lại (Nước chảy bèo trôi); vừa có tinh thần chủ động sáng tạo, tự lập (Tuỳ cơ ứng biến, Liệu cơm gắp mắm) lại vừa có kiểu xem nhẹ vai trò cá nhân (Cầm đèn chạy trước ô tô); vừa có đức hy sinh vì người khác (Con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ) lại vừa có thói ích kỷ, bảo thủ (Thóc đâu mà đãi gà rừng); vừa coi trọng bản chất, thực chất (Tốt gỗ hơn tốt nước sơn) lại vừa có cách đề cao vẻ đẹp hào nhoáng hình thức (Người đẹp vì lụa; Xem mặt mà bắt hình dong)...

Cuối thế kỷ 19 trở đi, việc xuất hiện của Nha học chính Đông dương với 3 bậc học cơ sở (ấu học, tiểu học và trung học) cùng một số trường cao đẳng và đại học đã góp phần nâng cao dân trí cho người Việt và mau chóng đưa nền Nho học đi vào con đường lụi tàn và chấm dứt. Chính hệ thống giáo dục mới này đã cung cấp cho dân chúng Việt Nam những tri thức sách vở phương Tây, làm cho mọi người mở rộng tầm hiểu biết, có điều kiện tiếp xúc với các tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng Macxit sau này...

Về bản chất, gia phong trong gia đình phong kiến Việt Nam vẫn bảo lưu được sự gắn kết với các mối quan hệ chủ yếu: Quan hệ Ông bà - Cha mẹ - Con cháu (trong gia đình hẹp). Những phong tục, tập quán tín ngưỡng cổ truyền vẫn được bảo lưu bên luỹ tre làng, mặc cho sự chèn ép, xâm lấn của văn hoá phương Tây: Tục thờ cúng tổ tiên, những nghi lễ vòng đời người, các lễ giáo trong thang bậc gia đình... Và như vậy, những bản sắc văn hoá truyền thống gia đình tồn tại được qua nhiều trăm năm của chế độ xã hội phong kiến là do vai trò bảo lưu cực kỳ quan trọng từ gia phong. Trong sinh hoạt văn hoá gia đình, gia phong là công cụ vô hình nhưng vô cùng hiệu quả để đảm bảo cho chức năng giáo dục được triển khai khắp mọi nơi, mọi lúc trong các hoạt động xã hội của tất cả các thành viên gia đình. Trong trường hợp nhà trường phong kiến còn hạn hẹp, điều kiện xã hội bị chế độ phong kiến hà khắc quản chế, gia phong ở nhiều trường hợp đóng vai trò độc tôn trong quá trình giáo dục và rèn luyện nhân cách, lối sống và đạo đức con người.

Đến gia phong trong gia đình người Việt hiện nay

Gia phong của người Việt trong những chục năm sau Cách mạng tháng Tám (1945) vẫn thường xuyên có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của gia đình ở hầu hết mọi làng quê, có chức năng điều chế và uốn nắn theo định hướng của phong cách dân tộc kết hợp với những tinh hoa văn hoá ngoại bang tiếp thu được trong lịch sử. Có thể nói, chiến dịnh “phản phong” sau Cách mạng 1945 như một cuộc cách mạng văn hóa, tạo ra đột biến mới cho sự xuất hiện và củng cố những tư tưởng và hành vi hiện đại, phù hợp với sự vận động phát triển của đời sống xã hội đương thời, cả về nhận thức và hành động trong phạm vi gia đình (hạt nhân hay mở rộng). Nhiều tư tưởng của lễ giáo Nho gia vốn ràng buộc, thống trị tư tưởng con người nhiều thế kỷ đã được đặt ra xem xét lại, chuyển hóa theo cách cảm, cách nghĩ mới. Trong quan hệ vợ - chồng, tư tưởng “Tại gia tòng phụ” - nhất nhất mọi thứ phải tuân thủ theo chồng, đã chuyển dần sang “Gái có công, chồng chẳng phụ; Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn,...”. Đó cũng là bước dậm đà để quan hệ vợ chồng trong phạm vi gia đình hướng tới sự “bình đẳng” trong quan hệ sản xuất mới của xã hội hiện đại. Trong quan hệ bố mẹ - con cái, tư tưởng “Kim chỉ phải có đầu; Cá không ăn muối cá ươn; Con chống lời cha là nhà vô phúc”... đã chuyển dần sang nhận thức coi trọng thật sự nhân cách cá nhân, tự chịu trách nhiệm về mình: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào; Con hơn cha là nhà có phúc...” Song hành với sự nối kết và vận động tri thức, hành vi từ văn hóa truyền thống sang chế độ xã hội mới, những lời dạy của lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng các lãnh tụ, trí sĩ yêu nước khác đã sớm được truyền bá vào môi trường sinh hoạt văn hóa gia đình, góp phần tạo ra những quan hệ tiến bộ, giải phóng mọi ách áp bức thân thể và tư tưởng con người, khai thông cho tự do sáng tạo, đề cao nhân cách cá nhân để phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong xã hội mới. Sự vận động hướng theo lối sống - đạo đức cách mạng đã được coi là khuôn mẫu của một thứ “gia phong mới” trong xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng...

Trên bước đường đã và đang tiến hành bù đắp những khoảng trống về giáo dục, chỉnh sửa những sai lầm về quản lý di sản văn hóa và phát triển văn hóa, xã hội Việt Nam nói chung và gia đình Việt nói riêng lại tiếp cận với bước ngoặt của sự phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa thời hội nhập toàn cầu. Sự coi trọng phát triển kinh tế thuần túy đã vô tình làm cho “một bộ phận lớn” cá nhân tự nhận thức và hành động theo mục đích đồng tiền, bỏ qua những quan hệ xã hội vốn từng hình thành theo nề nếp văn hóa truyền thống văn hóa tích cực, những cặp quan hệ khuôn mẫu từ ông bà - cháu chắt đến cha mẹ - con cái, anh - em, bạn bè - đồng nghiệp, thầy - trò... Sự hội nhập về văn hóa (qua các phương tiện truyền thông, sách báo) và hội nhập về giáo dục (qua con đường học tập, lao động, du lịch...) đã là những tác nhân vừa đem lại những nhận thức hiện đại, tích cực, vừa lây lan những nhận thức và hành vi phản văn hóa, không phù hợp với truyền thống đạo đức và lối sống của dân tộc. Hệ quả của việc lãng quên hoặc bỏ qua những nét tích cực của “gia phong” trong truyền thống đã dẫn đến một thực trạng đang ngày càng phổ biến: Vì đồng tiền, mọi mối quan hệ trong phạm vi không gian văn hóa gia đình Việt đương đại đã bị xâm hại, tàn phá. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân không còn ngạc nhiên với cảnh vợ chồng, con cái, anh em chém giết, lừa đảo nhau, thầy trò đi đến tha hóa, thế hệ trẻ vô cảm với dòng họ, láng giềng và xã hội... Không phải ngẫu nhiên mà, trong các Nghị quyết, Thông tư của Đảng và Nhà nước những chục năm gần đây đã khẳng địng sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách và lối sống của một bộ phận lớn đảng viên và người dân Việt Nam!

Xuất phát từ hành trình văn hoá đó, những cung cách tồn tại và được sử dụng, điều tiết gia phong của người Việt truyền thống là những gợi mở cho lớp người đương đại học tập, tiếp thu để xây dựng gia đình người Việt Nam ngày một văn minh, tiên tiến và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Hà Ly (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam)
TIN LIÊN QUAN

Hành trình di sản Tản Viên Sơn, nối lại mạch nguồn văn hóa

Bài và ảnh MINH THI |

Đất nước Việt Nam ta vừa trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, cộng với những biến động đột ngột của xã hội, dẫn đến hàng loạt những đứt gãy trong các lĩnh vực văn hóa. Mối liên hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Từ ý thức cội nguồn và tâm lý hướng tâm đến truyền thống tôn vinh danh nhân

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) |

Với cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, folklore của 54 dân tộc (bao gồm hơn 700 tộc người địa phương) chủ yếu dựa trên ý thức - tâm lý tri ân sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống (như đất, cây, nước và các tài nguyên thiết yếu với cuộc sống khác) cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ nối tiếp nhau đối với tiền thần, tiền nhân.

Nơi truyền thống và hiện đại cùng đối thoại

Lê Thiết Cương |

Truyền thống văn hoá là cội rễ, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tinh thần cho người Việt hôm nay, trong đó có nghệ sĩ. Một truyền thống mấy nghìn năm tuổi là niềm tự hào, là bệ đỡ, là nền móng.

Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam

GS.TS Trịnh Sinh |

Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhoà theo thời gian rồi bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác trong những cuộc xâm lăng lãnh thổ dẫn đến xâm lăng và đồng hoá văn hoá.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Minh thi |

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Hà Nội mở lại tàu du lịch trên hồ Tây, chuyên gia môi trường nói gì?

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, tàu du lịch ở hồ Tây, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép các loại hình kinh doanh này mở lại. Theo TS.Hoàng Dương Tùng, thành phố nghiên cứu cho mở lại cần phải dựa trên các tiêu chí bảo vệ cảnh quan, môi trường và chất lượng nước hồ Tây sau cùng mới tính đến tiêu chí lợi nhuận thu được.

Xe đỗ thành 3 hàng chiếm nửa lòng đường, cảnh sát xử phạt không xuể

Tô Thế |

Hà Nội - Đoạn đường trước Khu chung cư CT12 Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) luôn có hàng loạt xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, xếp thành 3-4 hàng, chiếm nửa lòng đường. Mặc dù biết là vi phạm nhưng nhiều chủ xe đành chịu bị xử phạt vì "làm gì có chỗ khác mà đỗ".

Nghi nước sinh hoạt tại Hoàng Mai bẩn: Sẽ lấy mẫu nước để xét nghiệm

Minh Hạnh |

Theo phản ánh của người dân tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi thau rửa bể nước sinh hoạt đã phát hiện có rất nhiều cặn bẩn, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, đại diện Công ty Nước sạch Hoàng Mai cho rằng, muốn biết rõ nguyên nhân phải xét nghiệm nước.

Hành trình di sản Tản Viên Sơn, nối lại mạch nguồn văn hóa

Bài và ảnh MINH THI |

Đất nước Việt Nam ta vừa trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, cộng với những biến động đột ngột của xã hội, dẫn đến hàng loạt những đứt gãy trong các lĩnh vực văn hóa. Mối liên hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Từ ý thức cội nguồn và tâm lý hướng tâm đến truyền thống tôn vinh danh nhân

GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) |

Với cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, folklore của 54 dân tộc (bao gồm hơn 700 tộc người địa phương) chủ yếu dựa trên ý thức - tâm lý tri ân sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống (như đất, cây, nước và các tài nguyên thiết yếu với cuộc sống khác) cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ nối tiếp nhau đối với tiền thần, tiền nhân.

Nơi truyền thống và hiện đại cùng đối thoại

Lê Thiết Cương |

Truyền thống văn hoá là cội rễ, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tinh thần cho người Việt hôm nay, trong đó có nghệ sĩ. Một truyền thống mấy nghìn năm tuổi là niềm tự hào, là bệ đỡ, là nền móng.

Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam

GS.TS Trịnh Sinh |

Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhoà theo thời gian rồi bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác trong những cuộc xâm lăng lãnh thổ dẫn đến xâm lăng và đồng hoá văn hoá.

Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Minh thi |

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.