Từ gã giang hồ trở thành kẻ thù số một của công chúng

hương giang |

Trong 3 thập kỷ ngắn ngủi sống trên đời, tên cướp ngân hàng John Dillinger trở nên nổi tiếng khi bị gán cho danh hiệu "kẻ thù số một của công chúng". Điều kỳ lạ nằm ở chỗ John lại được một bộ phận dân Mỹ xem như anh hùng lục lâm, dù gã phạm tội bạo lực và khiến các lực lượng bảo vệ pháp luật nhiều phen phải lao đao.

Một bản án "quá nặng"

John Dillinger cất tiếng khóc chào đời tại Indianapolis vào năm 1903. Gã là đứa con thứ hai trong nhà, kém người chị gái Audrey tới 14 tuổi. 4 năm sau khi John sinh ra, mẹ gã đột ngột qua đời. Cha John nhanh chóng gả cưới chị Audrey và gửi gã tới sống cùng chị. Nhưng vài năm sau, khi gia đình chị gái có quá đông thành viên, John trở lại sống với cha, một phần bởi ông này đã tái hôn.

Vào thời điểm ấy, John đã là một đứa trẻ hư. Gã lấy việc bắt nạt bạn bè ở trường làm trò giải khuây. Gã trở thành thủ lĩnh một băng du thủ du thực ở địa phương và chỉ huy đàn em lấy trộm than từ công ty đường sắt Pennsylvania.

Từ đây John bắt đầu những lần chạm trán với luật pháp và bị một thẩm phán địa phương triệu tới để giáo huấn. Thẩm phán có lẽ nghĩ rằng cuộc răn đe là đủ để đứa trẻ hư trước mặt ông thay tâm đổi tính. Nhưng ông đã lầm to. Bước vào tuổi vị thành niên, John bỏ học và làm việc tại một cửa hàng sửa chữa máy móc ở Indianapolis. Gã dành thời gian rảnh sau ca làm để đi ăn trộm đồ trong cửa hàng, hoặc say xỉn. Sợ rằng cuộc sống ở đô thành sẽ làm hỏng con, cha của John đã đưa cả nhà về sống tại vùng nông thôn ở Mooresville, Indiana. Nhưng mọi sự thay đổi đều đã quá muộn màng để có thể tác động tới John. Lúc này, John đã trở thành một gã trai luôn tìm kiếm rắc rối để lao đầu vào. Năm 1923, ở tuổi 19, John ăn trộm một chiếc xe ở Mooresville và dùng nó để lượn khắp tiểu bang Indianapolis. Khi bị nhà chức trách truy đuổi rát, John bỏ xe chạy trốn. Sau đó gã gia nhập lực lượng Hải quân để tránh khỏi bị khởi tố.

Nhưng trong một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt như quân đội, John nhanh chóng gặp vấn đề về duy trì kỷ luật và tuân lệnh. Kết quả là chỉ vài tháng, John đã đào ngũ khi tàu USS Utah cập bến tại cảng Boston. Gã lập tức bị loại ngũ và trở về nhà ở Indiana.

Về Mooresville, John Dillinger - khi ấy 20 tuổi, đã lang chạ với đủ loại phụ nữ trong vùng. Lúc này cha John đã trở thành một người có chức sắc ở địa phương và gia đình khá nổi tiếng. Cuối cùng John gặp gỡ rồi yêu Beryl Hovious, một thiếu nữ mới 16 tuổi. Hai người kết hôn vào ngày 12.4.1924. John định tu chí làm ăn để có một cuộc sống bình thường bên người vợ yêu. Nhưng gã gặp nhiều khó khăn khi kiếm việc. Ngoài ra thói vô kỷ luật khiến gã chẳng thể làm ở nơi nào quá lâu. Khi John nhận ra mình không kiếm đủ tiền để nuôi vợ, gã bèn quay sang tính kế kiếm tiền phi pháp.

Không lâu sau ngày cưới, John Dillinger và một đồng bọn có tên Ed Singleton rủ nhau tới phía sau nhà thờ ở địa phương. Chúng biết rằng Frank Morgan, chủ sở hữu một cửa hàng tạp hóa cũ trong vùng, luôn di chuyển về nhà theo một cung đường quen thuộc, nên quyết định sẽ cướp tiền của ông này.

John về sau có kể lại phi vụ này như sau: "Khi Morgan đi tới, tôi nhảy ra từ phía sau tòa nhà và cầm gậy sắt đã bọc một chiếc khăn tay đánh ông ta hai phát vào đầu. Morgan xoay người lại và nắm lấy khẩu súng côn tôi đang cầm trong một bên tay. Tôi giật khẩu súng từ tay ông ta, khiến nó khai hỏa. Viên đạn cắm phập xuống đất. Tất cả đều bỏ chạy sau đó".

Tờ Mooresville Times cũng đưa cùng một câu chuyện như lời kể của John, thêm một chi tiết nữa là Morgan phải khâu 11 mũi trên đầu vì đòn tấn công của John. Cha John chính là người đã thuyết phục gã khai nhận hành vi phạm tội để được tòa án khoan hồng. Nhưng thay vì giảm nhẹ hình phạt như đã hứa, thẩm phán lại ném cho gã cả "đống lịch".

Thống đốc bang Indiana Paul V. McNutt về sau có lên án những người đã trừng phạt John: "Thẩm phán và công tố viên lôi John ra một góc rồi hứa hẹn rằng nếu gã nói ra những điều nhất định, họ chỉ tuyên án nhẹ nhàng. Nhưng họ không giữ lời. Họ tuyên phạt John ở mức từ 10 tới 20 năm tù trong khi lại phạt gã đồng phạm Edgar Singleton mức từ 2 tới 14 năm tù. Kết quả là gã chỉ thụ án có 2 năm là được tự do. Chính điều này đã làm trỗi dậy bản năng tàn ác của John Dillinger”.

Nhiều năm sau, John cũng xác nhận chính phiên tòa này đã thay đổi con người gã, trong bức thư viết gửi cho cha đẻ: "Con hiểu mình là một nỗi thất vọng lớn với cha, nhưng con cho rằng mình đã phải nhận một bản án quá nặng. Đây là điều khiến con từ một người vô tâm bình thường đã trở thành một kẻ có cái nhìn cay đắng với mọi thứ... Nếu con được khoan dung hơn khi mới chỉ phạm sai lầm lần đầu, hẳn chuyện sau này đã không bao giờ xảy ra".

Xác John được trưng bày sau khi gã bị bắn chết.
Xác John được trưng bày sau khi gã bị bắn chết.

Gần 10 năm "mài dao" trong tù

Chưa hết, khi vừa ngồi tù John được chẩn đoán mắc bệnh lậu do lối sống phóng túng. Gã phải trải qua hoạt động chữa trị với nhiều đau đớn khi ấy. Điều này, cộng với cảm giác cay đắng vì bị tòa lừa dối, khiến John được cho là đã tuyên bố: "Khi ra tù, tao sẽ là thằng khốn xấu xa nhất mà thiên hạ từng chứng kiến".

John thụ án tổng cộng 9 năm rưỡi. Vào năm 1929 - khoảng 5 năm kể từ khi John bắt đầu thụ án - vợ gã đâm đơn ly hôn do không thể chịu nổi cuộc sống chia lìa. Trong lòng chất chứa sự thù hận xã hội và cay đắng vì bản án khắc nghiệt, John Dillinger quyết tâm theo đuổi mục tiêu mà bản thân tuyên bố: Trở thành tay tội phạm khét tiếng.

Gã giao du với nhiều tay anh chị có số má đang thụ án cùng trong một nhà tù khi ấy. Đó là các tay cướp ngân hàng chuyên nghiệp như Harry "Pete" Pierpont, Charles Makley, Russell Clark và Homer Van Meter. Tất cả đã dạy John Dillinger những ngón nghề để trở thành một tay tội phạm thành công. Cùng nhau chúng bàn bạc về các phi vụ đánh quả sẽ tiến hành ngay khi được trả tự do. John Dillinger đặc biệt nghiên cứu kỹ lối cướp ngân hàng công phu, tỉ mẩn của Herman Lamm và về sau ứng dụng rất nhiều các kỹ năng đã học được.

Trong lúc John "tu luyện" trong tù, ngoài xã hội đã có nhiều thay đổi quan trọng. Đầu những năm 1930, cuộc Đại suy thoái xảy ra khiến ngân sách nhà tù của bang Indiana trở nên vô cùng eo hẹp. Giảm chi trở thành yêu cầu cấp thiết, nhất là khi dân số tại các nhà tù trong bang tăng gấp đôi. Nguyên nhân do nhiều gia đình tuyệt vọng vì mất hết tài sản trong cuộc Đại suy thoái đã có hành vi phạm pháp. Năm 1933, ủy ban phóng thích của Indiana phải tìm biện pháp mới để giảm bớt số lượng tù nhân. Việc trả tự do sớm cho tù nhân được lựa chọn, bởi các nhà tù đều đang ở trong tình trạng chật ních người.

John biết chuyện này nên viết thư cho Audrey, bảo chị cùng cha vận động để gã được trả tự do. Gia đình nghe lời và họ cầm một lá đơn đề nghị phóng thích sớm đi xin chữ ký ủng hộ, với kết quả thu được chữ ký của 188 người. Ngày 10.5.1933, được sự đồng ý của Thống đốc McNutt, John Dillinger đã được phóng thích sớm ở tuổi 29.

John chẳng hề có những tố chất của một người ham mê lao động, lại mới ra tù nên khả năng tìm việc gần như bằng không. Tại buổi trả lời câu hỏi của ủy ban xem xét phóng thích, John đã hứa sẽ trở lại làm người lương thiện sau khi ra tù. Dĩ nhiên gã đã không giữ lời.

John Dillinger lập tức trở lại con đường phạm tội, bắt đầu một lĩnh vực mới mà gã đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong tù: Cướp ngân hàng. Chỉ một tháng sau khi trở về nhà, John đã tập hợp được một đội "đánh hàng" gồm 3 tay anh chị mà bạn tù đã cho mối liên lạc từ trước. Đó là “Lefty” Parker, William Shaw và Noble Claycomb.

Ngày 21.6.1933, cả ba đã cùng nhau cướp lấy 10.000USD từ ngân hàng New Carlisle National ở Ohio. Thủ đoạn của chúng là mai phục cả đêm ngoài ngân hàng, sau đó bất ngờ tấn công và trói hai nhân viên ngân hàng vào buổi sáng hôm sau. Tiếp đó chúng bắt người thứ ba phải mở két để lấy tiền.

Thay vì nằm im sau phi vụ đầu tiên, với số tiền tương đương 200.000USD theo thời giá của năm 2019, John và đồng bọn lập tức triển khai kế hoạch cướp ngân hàng thứ hai ở Bluffton. Ngân hàng này từng bị cướp trước đây, nhưng vẫn bất cẩn không đề phòng nên John và đồng bọn đã cướp tiền thành công vào ngày 14.8.1933. Tuy nhiên cả bọn chỉ lấy được 2.000USD và phải nổ súng để thoát thân. "Những tên cướp tẩu thoát nhanh như khi chúng mới xuất hiện", một tờ báo địa phương giật tít.

Ngày 22.9, John bị bắt chỉ vài tuần sau khi mới cướp thêm hơn 21.000USD từ một ngân hàng nằm tại quê nhà ở tiểu bang Indianapolis. Gã bị tóm tại một căn nhà nơi bạn gái Mary Longnaker đang sống, cùng 4 khẩu súng ngắn, rất nhiều súng trường, đạn dược và 2.600USD tiền mặt. Ngoài ra trong các tang vật còn có những ghi chú về cách để tẩu thoát nhanh nhất khỏi nhiều thành phố trên đất Mỹ. Chưa hết, John còn mang theo một văn bản được mã hóa và một bản đồ được vẽ khá thô. Gã từ chối không tiết lộ tài liệu này có ý nghĩa gì, dù cảnh sát đoán rằng đó là một kế hoạch vượt ngục. Suy đoán này hoàn toàn chính xác, có điều kế hoạch vượt ngục không phải dành cho John mà đã được triển khai một thời gian, nhằm giúp vài người bạn gã quen trong tù.

Cuộc trả thù xã hội

Những nhân vật này gồm Pete Pierpont, Russell Clark, Charles Makley, Ed Shouse, Harry Copeland và John "Red" Hamilton, các thành viên của nhóm về sau được đặt cho biệt danh "Băng Dillinger đầu tiên". Thông qua bạn bè trong giới anh chị, John đã móc nối để chuyển lậu nhiều khẩu súng vào trong phòng giam của các nhân vật nêu trên. Với các vũ khí này, chúng đã vượt ngục thành công, chỉ 4 ngày sau khi John bị bắt.

Để đền ơn John, 3 trong số những kẻ đào tẩu đã trở lại điểm tạm giam gã ở Ohio vào ngày 12.10.1933. Cả 3 giả dạng làm cảnh sát tiểu bang Indiana và nói với Jess Sarber, viên cảnh sát trưởng quản lý điểm tạm giam, rằng chúng có nhiệm vụ đưa John về giam giữ tại Indiana do gã vi phạm quy định phóng thích sớm. Khi Saber yêu cầu các cảnh sát rởm trình ra một số giấy tờ xác nhận thân phận, một trong số chúng liền rút súng bắn chết ông. Tiếp đó chúng lấy khóa từ xác Saber và mở cửa phòng giam John rồi tất cả trở lại Indiana.

Do tẩu thoát xuyên biên giới liên bang khi phạm tội - và như thế đã phạm tội cấp liên bang - kết hợp với việc sát hại một cảnh sát trưởng, băng Dillinger lập tức thu hút sự chú ý của J. Edgar Hoover, người khi ấy là giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Sau khi băng Dillinger gây ra thêm ít nhất 4 vụ cướp ngân hàng khác ở Trung Tây Mỹ, FBI đã điều phối với giới chức bảo vệ pháp luật địa phương để tóm cả bọn.

Tháng 1.1934, băng Dillinger Gang cướp 20.000USD từ một ngân hàng ở Indiana và tẩu thoát tới khu vực Tây Nam. Nhưng nhờ FBI, cảnh sát nằm dọc theo cung đường cả băng lẩn trốn đều được báo trước để tổ chức chặn bắt. Thông tin tình báo đã mang tới kết quả tốt đẹp ở Tucson, Arizona, nơi John bị bắt 10 ngày sau khi vụ cướp diễn ra.

Giám đốc cảnh sát bang Indiana thậm chí đã tự tay đưa John trở lại bang của ông để đối mặt với các cáo buộc tại đây. John bị nhốt tại nhà tù Crown Point, một khu vực được coi là "chống mọi khả năng đào tẩu". Nhưng có lẽ nhà chức trách vẫn đánh giá hơi thấp khả năng của John. Tù nhân tinh quái này được cho là đã gọt đẽo một khúc gỗ và biến nó thành thứ trông giống một khẩu súng. Dùng vũ khí giả này, gã đã khống chế thành công các quản giáo và vượt ngục thành công.

Ngày 16.3.1934, Herbert Youngblood, kẻ trốn thoát cùng John khỏi nhà tù Crown Point, đã bị 3 viên cảnh sát bắn tử thương tại Port Huron, Michigan. Trước khi qua đời, Youngblood khai với cảnh sát rằng John đang ở Port Huron. Cảnh sát lập tức bủa vây, nhưng không tìm thấy gã.

Về phần mình, sau khi tẩu thoát John tái ngộ với bạn gái Evelyn Frechette ở Chicago. Gã trú ẩn tại đây trong 2 tuần rồi bắt liên lạc với các đàn em. Lúc này băng Dillinger đã có thêm một thành viên là George Nelson "mặt trẻ con", kẻ nổi tiếng vì giết cảnh sát. Nay đã trở thành mục tiêu của một cuộc săn lùng quy mô toàn quốc, cả nhóm bàn mưu tính kế tại Minneapolis kế. Sau đó chỉ trong vòng 1 tuần, chúng đã tiến hành các vụ cướp ở những bang xa xôi như Nam Dakota và Iowa.

Tháng 3.1934, John đã dọn tới một căn hộ ở St. Paul, Minnesota để sống cùng bạn gái Evelyn Frechette. Bà chủ nhà, một người hơi hiếu kỳ, đã để ý tới bộ đôi này. Trong ngày 30.3, bà đã có đủ thông tin để báo với FBI về cặp đôi đáng ngờ. FBI liền cử 2 đặc vụ đi kiểm tra tin tức và họ đã có cuộc chạm trán bất ngờ với John cùng đàn em. Để thoát thân, John đạp cửa xông ra khỏi nơi ở, súng tiểu liên Tommy để ngang hông xả đạn liên hồi.

Hai đặc vụ không nao núng đã bình tĩnh bắn trả trúng chân John. Gã tập tễnh trốn trở lại Mooresville cùng Frechette và ẩn náu ở nhà người thân. Sau một tuần hồi phục, John cùng đồng bọn lại lên đường tới Ohio. Cả bọn mang theo nhiều súng đạn để tính sổ với một trong các luật sư cũ của John. Nhưng ngày 7.4 chúng đã vô tình tông vào xe của một đôi nam nữ từ phía sau. Thông tin về chiếc xe chở cả nhóm được thông báo qua sóng truyền thanh đã đánh động FBI. Hàng loạt đặc vụ lao tới hiện trường, nhưng họ chỉ thấy chiếc xe trống không  bị bỏ lại.

Hai ngày sau vụ việc trên, Frechette được điều đi thuê một chỗ ở mới tại Mooresville. Do không yên tâm nên cả băng cướp ngồi lại ngoài xe và để Frechette đi vào điểm hẹn trước. Nhưng ngay khi Frechette bước vào điểm hẹn, nhân viên FBI lập tức còng tay và đưa cô ta đi. Frechette không bao giờ có cơ hội gặp lại John nữa.

Không phải anh hùng

Sau khi người tình bị bắt, John như phát điên. Gã tìm cách cứu cô và một thành viên trong băng gợi ý việc cướp áo chống đạn của cảnh sát. Trong một đêm thứ 6, John cùng đàn em Van Meter bắt viên cảnh sát Judd Pittenger làm con tin. Chúng dí súng vào người ông ép đi tới đồn cảnh sát và lấy từ đây vài khẩu súng, vài bộ áo chống đạn. John có thêm "đồ chơi" mới, nhưng gã từ bỏ ý định cứu người tình.

John chuồn tới Chicago sống dưới danh tính giả Jimmy Lawrence. Đây là một tên tội phạm vặt quê gốc Wisconsin với ngoại hình rất giống John. Gã xin làm công việc bàn giấy và nhận ra rằng ở một đô thị lớn như Chicago, không khó để sống đời ẩn danh. Điều John không biết là tâm lưới FBI đang bủa vây thực ra lại nằm ở thành phố này. Và khi nhà chức trách tìm thấy chiếc xe đào tẩu của John, vẫn còn vương các vệt máu, bị vứt lại trên đường phố Chicago, họ tin chắc rằng gã đang trú tại đây.

Thời điểm này, FBI đã lập hẳn ban chuyên án về John và còn gọi gã là "Kẻ thù số 1 của công chúng". Nhưng suốt vài tháng làm việc tích cực, ban chuyên án vẫn không thể biết John đang trốn ở góc nào của thành phố. Điều này diễn ra một phần do gã đã phẫu thuật thay đổi hình dạng từ tháng 5.1934.

Khi ấy John đã bỏ ra số tiền 5.000 USD để xóa bỏ nốt ruồi và sẹo trên mặt. Viên bác sĩ đã phẫu thuật cho John về sau khai rằng ông ta từng tiêm thuốc gây mê ether quá liều cho John, khiến gã bị ngạt thở mất một lúc. Bác sĩ đã cắt bỏ một số nốt ruồi ở mặt John, xóa sẹo và phẫu thuật rồi khâu liền phần cằm chẻ khiến John rất dễ bị nhận dạng. Ông ta còn dùng hỗn hợp axít nictric và hydrocloric để đốt bỏ hết các dấu vân tay của John, với chi phí 500 USD mỗi một bàn tay.

Chừng đó là đủ để John tạm thoát khỏi hoạt động săn lùng của FBI. Gã thậm chí còn bắt đầu hẹn hò với một cô gái bán hoa có tên Polly Hamilton. Trong quãng thời gian ngắn ngủi bên nhau, John và Hamilton gặp gỡ liên tục. Ngày 22.7.1934, cả hai đưa nhau tới rạp chiếu phim Biograph, vốn nằm ngay gần nơi ẩn náu của John.

Điều John không ngờ là tú bà Anna Sage đang chăn dắt Hamilton đã báo cho cảnh sát biết nơi ẩn náu của gã, để đổi lại việc bà ta không bị trục xuất khỏi Mỹ vì kinh doanh mại dâm trái phép. Dù John dùng tên giả, Sage vẫn nhận ra gã thông qua nhiều thông báo truy nã dán khắp nơi. Trong đêm 22.7, khi John và người tình đang xem phim Biographn thì người của FBI đã vây kín bên ngoài. Cái kết đã đến rất gần với John.

Khi bộ phim kết thúc, John bước ra cùng Hamilton. Gã đi ngang một đặc vụ FBI có tên Melvin Purvis và ông này đã châm lửa hút thuốc để báo hiệu cho đồng đội đang mai phục. Theo lời Purvis, John khá tinh khi phát hiện ám hiệu của ông. Gã đánh mắt sang bên kia đường và thấy nhiều nhân viên FBI với súng đang cầm trên tay.

Trước đó 2 tháng, bộ đôi ăn cướp lừng danh thời Đại suy thoái ở Mỹ là Bonnie và Clyde vừa mới bị cảnh sát xả cả một cơn mưa đạn và chết trong xe khi chưa kịp bắn lại phát nào. John không muốn ra đi "lãng xẹt" như thế. Gã vừa bỏ chạy tới một con hẻm nằm bên kia đường, vừa thò tay vào túi để móc khẩu súng côn.

Nhưng rốt cục John chẳng thể làm gì hơn. 3 nhân viên FBI đuổi theo gã đã bắn tổng cộng 6 phát đạn, với 4 phát trúng mục tiêu. 3 viên đạn chỉ xuyên vào những khu vực phần mềm. Tuy nhiên viên thứ 4 của đặc vụ Charles Winstead đã đi vào phía sau cổ John, xuyên qua phần não trái và chui ra khỏi đầu gã, ở khu vực ngay dưới mắt phải.

Tên cướp lừng danh 31 tuổi đã chết trước khi xác gã đổ sụp xuống vỉa hè. Người ta đồn rằng những lời cuối của John là: "Các người đã thắng tôi rồi", nhưng có khả năng gã đã chẳng thốt được lời nào cả.

Điều kỳ lạ là sau khi John chết, nhiều người lại coi gã như anh hùng lục lâm, kiểu Robin Hood. Nguyên nhân do gã chỉ cướp các ngân hàng, vốn bị dân Mỹ coi là thủ phạm gây ra cuộc Đại suy thoái. Và bất chấp việc đã tiến hành vô số vụ cướp ngân hàng, gã cũng chưa từng bị kết tội giết người. Vì thế John được xem như "người của nhân dân" do đã cướp của nhà giàu để chia cho dân nghèo.

Tuy nhiên J.Edgar Hoover không đồng tình với các đánh giá ấy. Ông có câu nói nổi tiếng về vụ này: "Tôi chưa từng nhớ được có lần nào John Dillinger tự huyễn rằng mình là một hiệp sĩ đang báo thù vì những bất công của quá khứ. Thay vì thế, gã là một kẻ rẻ rúng về nhân cách, thích phô trương nhưng lại ích kỷ tột độ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình".

John được chôn cất dưới một ngôi mộ nhỏ ở Nghĩa trang Crown Hill, Indiana. Gia đình John đã phải 4 lần thay đổi bia mộ, bởi nhiều người hiếu kỳ tìm tới viếng mộ đã lấy đi một phần bia làm kỷ niệm. Để chống lại khả năng John bị trộm xác, gia đình còn bọc quan tài của gã dưới một lớp bê tông nặng 2,5 tấn.

Đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan y tế bang Indiana đã phê duyệt yêu cầu của cháu trai John về việc tiến hành khai quật mộ ông ta. Hiện chưa rõ lý do của việc này, nhưng mộ John sẽ được khai quật vào ngày 16.9 tới đây. Theo Susan Sutton, nhà sử học thuộc Hiệp hội Lịch sử bang Indiana, việc khai quật có thể giải quyết các thuyết âm mưu rằng người đàn ông nằm dưới ngôi mộ kia không phải John, rằng FBI đã giết nhầm người và "anh hùng lục lâm" vẫn ung dung sống cho tới tận giờ.

hương giang
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.