Tư duy chiến binh - yếu tố thúc đẩy cảnh sát Mỹ dùng bạo lực

Tường Linh (Tổng hợp) |

Suốt nhiều năm qua, cảnh sát Mỹ đã tích cực trang bị vũ khí, chiến thuật và cả hệ tư tưởng chiến đấu của quân đội, nhằm trở thành lực lượng bảo vệ pháp luật mạnh mẽ, hiệu quả nhất. Tuy nhiên mặt trái của việc này là họ đang trở nên nguy hiểm, chết chóc hơn bao giờ hết.

Những cảnh sát được huấn luyện như quân nhân

Một nhóm sĩ quan cảnh sát nai nịt tới tận răng đang ngồi yên lặng trong một trường bắn lợp mái tôn. Một chiếc đài CD xách tay liên tục phát các bản ghi âm thu lại những tiếng thét tuyệt vọng của đồng đội họ, đang cố gắng bảo toàn mạng sống khi đương đầu với tội phạm.

Huấn luyện viên tại trường bắn - Tony Semanant - một cựu lính thủy đánh bộ trước khi gia nhập đội đặc nhiệm SWAT của cảnh sát, xoay ra nói với các học viên về mục đích của cuộc huấn luyện nâng cao kéo dài ba ngày sắp sửa bắt đầu: “Các anh sẽ sống sót để trở về với gia đình mình sau đêm trực”.

Đột nhiên các học viên, những người đang được ghi hình trong một đoạn video quảng cáo cho Công ty chuyên đào tạo cảnh sát RealWorld Tactical có trụ sở ở Florida, vùng dậy hành động. Họ kẹp súng AR-15 bắn những loạt ngắn xuyên qua kính chắn gió của xe hoặc ngồi trong xe bắn ra ngoài. Họ vật lộn chống lại nhiều kẻ địch và vác đồng đội tháo lui chiến thuật sau khi ném lại lựu đạn khói. Tất cả trông giống như một màn phô diễn sức mạnh và sự tài giỏi của các chiến binh tinh nhuệ SEAL, thay vì những viên cảnh sát bình thường. “Tôi ở đây vì không muốn trở thành một con số thống kê khác (về số cảnh sát thiệt mạng khi làm nhiệm vụ)”, một học viên thét vào máy ghi hình.

Khóa huấn luyện kể trên của RealWorld Tactical là minh chứng rõ ràng cho thứ “văn hóa chiến binh” đã thấm sâu vào lực lượng bảo vệ pháp luật Mỹ trong thời gian qua. Nó rao giảng thông điệp rằng cảnh sát đang phải thực hiện một công việc nguy hiểm trong một thế giới bạo lực, rằng cảnh sát là cơ hội cuối cùng để luật pháp và trật tự được duy trì. Trong thế giới này, cảnh sát là các chiến binh đơn độc, thậm chí bị công chúng ghét bỏ - hành động của họ bị hiểu lầm và mối đe dọa mà họ phải đối mặt không được đánh giá đúng mức.

“Họ được dạy bảo rằng mình đang sống trong một thế giới rất thù địch. Một thế giới sẵn sàng bắn hạ họ”, Seth Stoughton, giáo sư luật từng là cảnh sát chia sẻ trong một bài viết đăng trên tờ Harvard Law Review. “Người ta nhắc họ rằng cái chết sẽ tới nếu để xảy ra một sai sót nhỏ”.

Việc gieo rắc tư tưởng của một chiến bính sắp ra trận vào đầu cảnh sát là điều đã tồn tại trong lực lượng chấp pháp Mỹ suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên thời gian gần đây, xu hướng này bỗng phát triển mạnh mẽ, nhờ dòng chảy của tiền ngân sách đầu tư cho an ninh và thiết bị quân sự dư thừa do quân đội chuyển sang phía cảnh sát, theo sau các vụ khủng bố 11.9 kinh hoàng. Hệ quả trực tiếp là cả một ngành công nghiệp tư vấn, huấn luyện cho cảnh sát đã ra đời, thu các khoản phí lên tới hàng nghìn USD để dạy những chiến thuật phù hợp với chiến tranh hơn là với một xã hội dân sự.

Các lớp học mang đầy màu sắc của quân đội và người đứng lớp thường là các cựu quân nhân, hoặc cựu cảnh sát đặc nhiệm SWAT đã có quá trình thử lửa. Đơn cử như khóa học “Chiến đấu chiến thuật bằng dao” dài 2 ngày của công ty Blue Shield Tactical Systems sẽ dạy học viên cách “dùng dao trong một cuộc đụng độ chết chóc bất ngờ”.

Trong khi đó khóa “Dạy sử dụng súng 50 BMG cho lực lượng chấp pháp” của công ty Precision Rifle Workshop sẽ huấn luyện cảnh sát cách dùng vũ khí bắn tỉa hạng nặng này vào những ứng dụng đặc biệt như vô hiệu hóa xe cộ.

Một công ty mang tên Dynamic Solutions Training Group thì tự nhận là doanh nghiệp tiên phong trong việc huấn luyện cảnh sát chiến đấu như lính dù. Trong một khóa học dài 3 ngày tổ chức vào năm ngoái, các huấn luyện viên của công ty đã đào tạo cho lực lượng SWAT của quận Greenville cách nhảy dù chiến thuật từ máy bay.

“Tôi có cảm giác như mình đã được tái sinh trong lớp vỏ mới dày dạn hơn”, một viên cảnh sát đã viết như thế sau khi tham gia khóa huấn luyện tăng cường kỹ năng chống ma túy do công ty Triple I Solutions cung cấp. Một viên cảnh sát khác, người cũng trải qua chương trình huấn luyện tương tự, cho biết các thầy đã dạy anh ta kỹ năng lục soát những khu vực “vốn được xem là cấm kỵ” mà cảnh sát vốn không bao giờ đụng tới.

Cảnh sát Mỹ được quân sự hóa cao về tư duy và chiến thuật, có xu hướng sử dụng bạo lực nhiều hơn tại các cộng đồng da đen và da màu. Nguồn ảnh: Britannica.com
Cảnh sát Mỹ được quân sự hóa cao về tư duy và chiến thuật, có xu hướng sử dụng bạo lực nhiều hơn tại các cộng đồng da đen và da màu. Nguồn ảnh: Britannica.com

Luôn sẵn sàng sử dụng bạo lực

Nếu không dạy kỹ năng chiến đấu, các công ty sẽ huấn luyện cảnh sát cách áp dụng tư tưởng của một chiến binh vào hoạt động bảo vệ pháp luật. Đơn cử như Công ty tư vấn Dolan Consulting Group mang tới một khóa học với nội dung giúp cảnh sát phân tích dữ liệu về những lần dừng xe người vi phạm, các vụ bắt giữ, số vụ sử dụng bạo lực, để tránh việc bị kẻ khác tạo “chứng cứ giả cho thấy họ đang có hành vi phân biệt chủng tộc”.

Công ty Security Systems International thì tổ chức các cuộc huấn luyện với hơn 1.000 cơ quan cảnh sát khác nhau ở Mỹ về Hồi giáo cực đoan. Các khóa học luôn bắt đầu bằng một bài giảng về việc “hạt giống văn hóa của Hồi giáo cực đoan đã được cài cắm trong suốt quá trình phát triển của lịch sử nhân loại ra sao”. Công ty này đã bị cáo buộc có hành vi làm gia tăng sự thù ghét Hồi giáo trong các bài giảng của họ.

“Hiện nay là thời điểm thích hợp để các cơ quan cảnh sát tham gia vào việc đối ngoại nghiêm túc về vấn đề phân biệt chủng tộc và bạo lực vô cớ”, Arjun Sethi, một luật sư về nhân quyền kiêm giảng viên tại Trung tâm luật của Đại học Georgetown chia sẻ. “Nhưng thay vì làm điều này, nhiều cơ quan lại hợp tác với bên thứ ba để cố chứng tỏ rằng họ không lạm dụng quyền lực. Tệ hơn, họ còn cộng tác với các dịch vụ an ninh và quân sự hóa để trấn áp mạnh hơn nữa cộng đồng người da đen và da màu”.

Được biết các chương trình huấn luyện chuyên biệt cho cảnh sát như đã nêu trên gây tốn kém từ 300USD tới 1.200USD mỗi người. Phí nhập học này thường chưa bao gồm tiền mua trang thiết bị, đạn dược và phí đi lại. Một số viên cảnh sát tự bỏ tiền túi để theo học các khóa đào tạo nâng cao. Nhưng thường thì tiền sẽ được trích thẳng từ ngân sách hoạt động của các cơ quan cảnh sát. Nói một cách khác, nó chảy ra từ tiền đóng thuế của dân Mỹ.

Với các cơ quan cảnh sát không có khả năng chi tiền để thuê công ty huấn luyện, chính quyền liên bang cung cấp cho họ các khoản vay ưu đãi. Viện Đào tạo chính quyền tiểu bang South Carolina thậm chí còn nhận trang thiết bị cũ hoặc tài sản cảnh sát thu giữ được và coi đó là một dạng tín dụng, để thanh toán cho các chương trình đào tạo mà họ cung cấp cho phía cảnh sát. Khoản tín dụng đặc biệt này cũng có thể được dùng để mua súng, đạn và các thiết bị khác.

Nhược điểm của tất cả các các chương trình đào tạo nêu trên là chúng chuẩn bị cho cảnh sát một tâm lý luôn sẵn sàng ứng phó với bạo lực nghiêm trọng, bằng cách sử dụng thứ bạo lực tương ứng, dù thực tế không phải vậy. Kết quả là một số cảnh sát tham gia vào các vụ nổ súng tai tiếng đã từng trải qua các khóa huấn luyện tăng cường tư duy chiến binh.

Năm 2016, Jeronimo Yanez, một viên cảnh sát 28 tuổi ở Minneapolis, đã bắn chết Philando Castile, 32 tuổi. Castile là một người da đen và sự cố xảy ra khi Yanez dừng xe của anh ta để kiểm tra giấy tờ. Thời điểm ấy Castile có mang theo súng được cấp phép sử dụng và anh ta cũng báo cho Yanez rằng mình có vũ khí. Tuy nhiên Yanez vẫn viện lý do bản thân lo sợ bị Castile gây nguy hiểm nên đã bắn chết anh này, trước mặt cô con gái 4 tuổi. Quá trình điều tra sau đó cho thấy Yanez đã từng tham gia một cuộc hội thảo mang tiêu đề “Chiến binh chống đạn” do cơ quan của anh ta chi trả học phí. Giảng viên của chương trình là Thiếu tá Dave Grossman, người nổi tiếng vì luôn thúc đẩy cảnh sát trả lời cho câu hỏi rằng liệu họ có sẵn sàng để giết người, khi tình huống yêu cầu việc như thế?

Vụ bắn chết Castile hồi năm 2016 đã thổi bùng lên tranh cãi về vai trò của các lớp đào tạo tư tưởng chiến binh cho cảnh sát ở Minneapolis. Năm 2019, Thị trưởng Jacob Frey đã phải cấm cảnh sát Minneapolis tham gia các khóa học như thế. “Khi bạn được củng cố niềm tin, rằng tất cả những ai sắp tiếp xúc đều là mối đe dọa nguy hiểm, bạn sẽ không thể xây dựng nổi một mối quan hệ có ý nghĩa với những con người đó nữa”, ông nói.

Tuy nhiên chỉ trong vòng một tuần kể từ khi lệnh của Frey có hiệu lực, công đoàn cảnh sát thành phố cho biết họ đã hợp tác với trang web đào tạo mang tên Law Officer để cung cấp một khóa đào tạo chiến thuật miễn phí cho cảnh sát. Khóa này trước đó có giá tới 55.000USD.

“Chúng tôi không cho cảnh sát đi học để họ trở về và giết chóc, họ chỉ học cách để sinh tồn mà thôi”, Bob Kroll, chủ tịch nghiệp đoàn cảnh sát Minneapolis tuyên bố. Chỉ chưa đầy một năm sau, chính tại thành phố này đã xảy ra vụ cảnh sát da trắng ghì cổ tới chết nạn nhân người da đen George Floyd, làm dấy lên làn sóng biểu tình bạo động trên toàn nước Mỹ.

Đào sâu thêm vết thương trong lòng nước Mỹ

Trong khi tranh cãi về vai trò của việc đào tạo tư tưởng chiến binh cho cảnh sát vẫn chưa dứt, nhu cầu tham gia các cuộc đào tạo này vẫn hiện hữu. Tháng 9 năm ngoái, công ty Street Cop Training ở New Jersey đã công bố kế hoạch tổ chức đại hội toàn quốc. Sự kiện dự kiến diễn ra tại thành phố Atlantic vào mùa Thu năm 2021, bao gồm sự góp mặt của nhiều diễn giả nổi tiếng. Đó là các cảnh sát từng tham gia vào các vụ nổ súng nổi tiếng, các cựu võ sĩ MMA và cả cựu lính đặc nhiệm. Để được nghe kinh nghiệm do các diễn giả này chia sẻ, khách tham gia sẽ phải đóng phí vào cửa khoảng 500USD mỗi người.

Trong bối cảnh thông tin mới về các vụ nạn nhân chết trong tay cảnh sát xuất hiện càng nhiều, theo sau vụ George Floyd, không ít công ty ở Mỹ cũng đã tìm cách thu lợi. PolicePR, một công ty chuyên giải quyết vấn đề quan hệ công chúng của cảnh sát theo cách thức “phi truyền thống”, đã đề nghị giúp cảnh sát cách “kiểm soát thiệt hại” nếu xảy ra một vụ tai tiếng liên quan tới họ.

Trong khi đó, Công ty Police Social Media có trụ sở ở Arizona lại quảng cáo rằng họ sẽ dạy cảnh sát cách “dùng chiến thuật du kích để chống lại những lời nói dối, tin đồn và tin giả”. Tương tự, Công ty Cop PRotect ở California được thành lập hồi năm 2015 để bảo vệ hình ảnh của cảnh sát, theo sau các vụ phản đối bùng lên vì vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson nổ súng bắn chết người da đen Michael Brown ở Ferguson, Missouri. “Darren Wilson đã suýt bị giết chết và giờ đang phải sống đời lẩn trốn, trong khi kẻ tìm giết anh ta lại được tôn vinh là anh hùng”, Robert Parry, Giám đốc Công ty PRotect nói trong một bản thông cáo báo chí. “Cop PRotect mang tới cho các cảnh sát như Darren Wilson... một người bạn tin cậy, để họ có thể kể lại câu chuyện của mình”.

Từ lâu nay các học giả đã chỉ ra rằng, chiến thuật quân sự không thể ứng dụng tốt trong hoạt động của cảnh sát. Năm 2018, một nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton cho biết các đội đặc nhiệm SWAT luôn được sử dụng quá mức tại nhiều cộng đồng người da màu. Nhưng những đội này không giúp tăng cường sự bảo vệ cho cảnh sát bình thường, hay làm giảm tội phạm. Còn theo tổ chức Công đoàn dân quyền Mỹ, việc quân sự hóa cảnh sát đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào lực lượng chấp pháp, đặc biệt là với các cộng đồng người da đen và Latin.

Giới phê bình nói rằng, cảnh sát mang tư tưởng chiến binh để lại một hậu quả nghiêm trọng tại các cộng đồng da màu và người nghèo. Cảnh sát Mỹ bắn giết và bỏ tù nhiều người hơn hẳn các đồng nghiệp ở những quốc gia phát triển khác trên thế giới. Người da đen luôn là nạn nhân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất: Khả năng người da đen bị cảnh sát giết chết cao hơn 2,5 lần so với người da trắng.

“Nếu bạn được làm cho tin tưởng, rằng những người mình đang bảo vệ thực ra là kẻ thù, bạn sẽ hành nghề cảnh sát với tư tưởng ấy trong đầu”, Eric Tang, giáo sư về Châu Phi tại Đại học Texas ở Austin nhận xét về các chương trình huấn luyện tư tưởng chiến binh cho cảnh sát. “Bạn không thể có cùng một lúc hai điều: Một mặt bạn tự nhận mình là một viên cảnh sát chuộng "giải pháp hòa bình",  trong khi một mặt bạn lại mô tả rằng bản thân lúc nào cũng đang ở trong một cuộc chiến".

Tường Linh (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.