Tứ bất tử trong văn hóa thờ cúng Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái |

Việt Nam có một văn hóa thờ cúng tín ngưỡng rất đặc thù, độc đáo, đã được dân gian hệ thống hóa từ ngàn xưa. Và có gốc tích chắc khỏe, từ một nền văn hóa nông nghiệp điển hình, với ba hằng số cơ bản: Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn.

Đích đến và hạnh phúc cao nhất của nền văn hóa nông nghiệp này phải là sự sinh sản con đàn cháu đống, trâu bò lợn gà đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ, vườn tược đầy hoa trái... Tín ngưỡng phồn thực, vì thế đã ra đời, kết tinh ao ước và ham muốn đầy màu sắc “phồn thực” của một dân tộc nông dân, về sự sinh nở và phát triển.
Từ cái gốc văn hóa căn cơ đó, đã nảy sinh hai hệ thống tín ngưỡng song hành và đan cài: Tín ngưỡng thờ tự nhiên và thờ con người.
Trong tín ngưỡng thờ người, có tục thờ độc đáo: thờ Tứ bất tử (bốn vị thánh không chết) là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

Tín ngưỡng phồn thực là gốc tích văn hóa nông nghiệp Việt
Thực ra, ước mơ lớn nhất của nông dân Việt - chủ thể văn hóa nông nghiệp Việt Nam, đã thật tối giản: Họ đi cấy đi cày, chăm chỉ hai sương một nắng trên cánh đồng, làm ra thóc gạo, cốt để duy trì và phát triển sự sống, bằng việc sinh con đẻ cái để kế tục dòng giống, cha truyền con nối. Chính vì thế, tín ngưỡng phồn thực đã hiện diện suốt chiều dài của tiến trình văn hóa Việt, liên quan chặt chẽ với triết lý Âm Dương.

Với nội dung được thiêng hóa, trong tục thờ Nõ - Nường (Nõ là biểu tượng dân gian Việt của sinh thực khí đàn ông. Nường là của đàn bà), và hành vi giao phối. Người nông dân Việt, qua bao đời tồn tại - đã chứng minh: Việc thờ phụng và thực hành tín ngưỡng phồn thực đã tạo nên “sinh khí mạnh mẽ” (chữ dùng của học giả Đào Duy Anh), cho việc kiến tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước từ bao đời nay. Với đích đến “phồn thực”, liên quan đến sinh đẻ, nên trong tục thờ tín ngưỡng này, các bà mẹ - các Mẫu, mới được lên ngôi phụng thờ, chứ tuyệt nhiên không phải là các thiếu nữ chưa làm mẹ.

Vì thế, Đạo Mẫu và tục thờ Mẫu đã thành tín ngưỡng sùng bái các hiện tượng tự nhiên điển hình, được nhân hóa, được dân gian Việt thờ phụng trong suốt dọc dài lịch sử văn hóa Việt Nam. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.

Vậy nên, tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ vinh danh và thờ phụng các Mẫu, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thủy (mẫu Thoải)..., các Bà: Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước, các nữ thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp, gọi là Tam phủ, Tứ Phủ (đạo diễn Việt Tú từng cấu trúc vở diễn nghệ thuật “Tứ phủ” dựa trên tín ngưỡng thờ “tứ phủ” và đã diễn thành công vài trăm đêm trên sân khấu Châu Âu và Rạp Công Nhân phố Tràng Tiền Hà Nội).

Ngoài ra, tín ngưỡng dân gian Việt còn có tục thờ động vật, thực vật vốn hiện diện trong môi trường tự nhiên hoặc trong truyền thuyết thân thuộc với người Việt, như bộ ba Chim - Rắn - Cá Sấu và cặp đôi Vật tổ Tiên Rồng (theo tưởng tượng của dân gian Việt, Tiên là giống Chim, Rồng là sự phối kết giữa Rắn và Cá Sấu).

Về thực vật, Cây Lúa mặc nhiên được tôn sùng và thờ phụng ở đẳng cấp cao nhất, với tên gọi linh thiêng: Mẹ Lúa, Thần Lúa, Hồn Lúa... và sau đó là tục thờ cây, quả thiêng: Cây Đa, Cây Đề, Cây Dâu, quả Bầu...

Cùng với việc sùng bái và tôn thờ các hiện tượng tự nhiên, người Việt còn “thần thánh hóa” những người ưu tú, nhân tài đất Việt, đưa họ lên hàng tín ngưỡng để chiêm bái và thờ phụng.

Nổi bật nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thường cúng kiếng vào ngày Tết Nguyên đán, mồng Một, ngày Rằm hàng tháng, ngày có việc trọng đại của gia đình, như sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng, cúng giỗ ông bà, cha mẹ, người thân, họ hàng, anh chị em ruột, vợ chồng, con cái...

Ngoài tục thờ gia tiên, trong phạm vi gia tộc gia đình, người Việt còn thờ Thổ Công, như vị thần định đoạt phúc phận cho gia đình gia tộc.

Từ việc thờ tại gia, người Việt còn mở rộng việc thờ ra phạm vi ngôi làng, với tục thờ Thần Làng (Thành Hoàng Làng). Và tuân theo tiến trình văn hóa, người Việt đã dần nâng cấp thờ cúng, từ gia đình, là Nhà đến Làng và đến Nước - Quốc gia, nhằm đạt đến cấp thờ cúng cao nhất.

Đó là tục thờ Vua Tổ ở Đất Tổ - Phong Châu, Phú Thọ, nơi các vua Hùng đóng đô, với ngày giỗ Tổ thường niên: 10.3 theo lịch ta (Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba). Riêng tục thờ Vua Tổ và xác tín ngày giỗ Tổ thường niên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm, chỉ có trong truyền thống văn hóa Việt Nam - là quốc gia duy nhất trên thế giới, thờ Vua Tổ và làm lễ Giỗ Tổ thường niên!

Các tín ngưỡng văn hóa quan trọng này đều biểu thị cách sống, lối sống, ứng xử văn hóa của người Nông Dân Việt - chủ thể cao quý, đã tạo tác nên bản sắc văn hóa Việt Nam, trong dọc dài lịch sử ngàn năm...

Tín ngưỡng thờ Tứ Bất tử
Trong hệ thống tín ngưỡng “sùng bái con người”, nhằm cử chỉ thiêng là phong thần, phong thánh cho người Việt, thì trong dân gian Việt, đã tồn tại một tín ngưỡng đặc biệt, là tục thờ Tứ bất tử (bốn vị thánh không chết): Đó là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

Đây là những người được dân gian Việt “bất tử hóa”, theo các truyền thuyết lịch sử lâu đời. Tản Viên (trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh), Thánh Gióng (trong truyền thuyết Thánh Gióng) - là hai vị nam thần biểu trưng cho hai động thái lịch sử quan trọng nhất của quốc gia Việt Nam, là sức mạnh cộng đồng, đoàn kết chống “giặc tự nhiên” là thiên tai lũ lụt và chống giặc ngoại xâm, nhăm nhe muốn chiếm đoạt nước nhà.

Tương truyền, không phải ngẫu nhiên, vua Hùng đã rơi vào tình huống mà thi sĩ Nguyễn Bính thời hiện đại, từng hài hước thơ: “Vua chỉ có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”. Song, vua Hùng đã sáng suốt chọn Sơn Tinh, từ chối Thủy Tinh.

Cuộc đấu giành ngôi rể quý vua Hùng diễn ra, Thủy Tinh đánh Sơn Tinh, đùng đùng dâng nước lên. Nhưng nước dâng đến đâu, Sơn Tinh dâng núi cao đến đấy. Thủy Tinh thua trắng Sơn Tinh, trong cơn giận dữ điên cuồng.

Chẳng phải qua chiến thắng này của Sơn Tinh - Tản Viên Sơn Thánh, dân gian đã “thiêng hóa” và “bất tử hóa” cuộc chiến thường niên, dai dẳng và khốc liệt của dân Việt trong lịch sử dựng nước, đã luôn dũng cảm đối đầu và chiến thắng thiên tai lũ lụt, nhằm gây dựng sự nghiệp trồng lúa vĩ đại của lịch sử văn hóa văn minh nông nghiệp Việt Nam đó sao?

Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, lại là một vị anh hùng “bất tử” và lẫy lừng hùng tráng, trong cuộc chiến chống giặc Ân xâm lược. Thắng giặc, với vũ khí huyền thoại: Ngựa sắt, nón sắt, gươm sắt, áo giáp sắt, kể cả việc nhổ tung bụi tre đằng ngà đánh giặc... Thắng giặc, Thánh Gióng nhẹ thênh bay vút về trời, được dân gian tấn phong vĩnh viễn là “Phù Đổng Thiên Vương”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm có lý khi cho rằng: Hai công việc to lớn mà Tản Viên Sơn Thánh và Phù Đổng Thiên Vương đã thực hiện xuất sắc, đó là chống thiên tai lụt lội và đánh đuổi giặc ngoại xâm, đã là “sự phối hợp thần thánh” để dựng lên Đất nước Việt Nam.

Hai vị tiếp nối bộ tứ bất tử, chính là Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

Ý nghĩa bất tử của Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh lại nằm ở khu vực đối nội. Cả hai vị thần này đều có công lớn trong sự nghiệp “quốc thái an dân”, tạo lập cho người Việt đời sống sung túc về vật chất và an yên, hạnh phúc về tinh thần. Không ngẫu nhiên, dân gian Việt đã cho Chử Đồng Tử xuất thân từ một người trắng tay, chiếc khố duy nhất hai cha con dùng chung, đã được liệm cho bố, nên Chử Đồng Tử suốt ngày phải trầm mình xuống nước để kiếm kế mưu sinh.

Số phận sắp đặt cho chàng trai nghèo nên duyên chồng vợ với công chúa Tiên Dung - con gái vua Hùng. Và Chử Đồng Tử đã cùng vợ gây dựng cơ đồ, dựng phố xá buôn bán sầm uất và được dân gian Việt tôn sùng như ông tổ nghề buôn bán của nước Việt ta.

Liễu Hạnh chính là vị thần bất tử thứ tư và là nữ thần duy nhất trong Tứ bất tử. Tương truyền Liễu Hạnh là công chúa con Trời, đã ba lần xin Trời cho xuống trần gian để thực hành ước mơ về cuộc sống gia đình hạnh phúc và khát vọng sống tự do bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội xưa, vốn trọng nam khinh nữ.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm, hai khát vọng về vật chất dồi dào và tinh thần hạnh phúc của hai vị thần này đã tự nhiên hợp lưu, đồng thuận tạo nên “Con Người Việt Nam”. Tứ bất tử, như thế, đã kết tinh sự bất tử của các giá trị văn hóa mang bản sắc Việt, tạo nên hình ảnh Đất Nước và Con Người Việt Nam - chứa đựng giấc mơ, sự nghiệm sinh lịch sử - xã hội trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai của người Việt, vẫn đang được tiếp nối, tích hợp văn hóa, không chỉ trong thế kỷ XXI đầy xáo động, đầy biến cố phức tạp, nan giải, mà quốc gia nào trên trái đất cũng phải đối đầu, phải vượt qua, để tồn tại và phát triển về phía trước.

Cho nên tục thờ Tứ bất tử của người Việt đã thật bất tử và sống mãi trong các nghi lễ cầu cúng, trong từng gia đình, gia tộc trên khắp vùng miền đất nước. Và càng không bao giờ bị gián đoạn trong các lễ hội dân gian thường niên, liên quan đến tục thờ Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam...

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái
TIN LIÊN QUAN

Thăm ngôi đình cổ dưới chân núi gắn với lễ hội chọi trâu nổi tiếng Hải Phòng

Băng Tâm |

Đình Ngọc Xuyên (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) được khởi dựng từ cuối thế kỷ XVII để tôn thờ vị thành hoàng Điểm Tước - chủ thần chung của cả vùng Đồ Sơn. Đây là ngôi đình cổ duy nhất của tổng Đồ Sơn xưa còn lại đến ngày nay.

Khu Di tích Nguyễn Văn Giai, nơi lưu giữ lễ hội rước sắc phong

Đặng Viết Tường |

Di tích Quốc gia Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai (1555 - 1628) ở thôn Ích Minh, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một danh thắng nổi tiếng bởi ngoài nghi môn có 7 gò đất, dân gọi gò thất tinh (7 ngôi sao), có mộ lăng Thái bảo (ông nội của Nguyễn Văn Giai) còn gọi lăng phát tích.

Lần đầu tiên Sơn La tổ chức lễ hội “Trên quê hương vợ chồng A Phủ”

Minh Thành |

Sơn La - Lễ hội “Trên quê hương vợ chồng A Phủ” năm 2023 được tổ chức vào 2 ngày 3-4.11 tại xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên. Đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện này.

Tết vui trên những công trình Tấm lòng Vàng

PHONG LINH |

“Tôi tin năm nay sẽ là một mùa Tết vui của bà con miền Tây, ít nhất là đối với những hộ gia đình, người dân lưu thông qua chiếc cầu, con đường do Quỹ Xã hội từ thiện (XHTT) Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ” - bà Lê Thị Đẩu (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.

Tổng thống Putin muốn chấm dứt xung đột Ukraina

Ngọc Vân |

Nhà báo Mỹ Tucker Carlson cho biết Tổng thống Vladimir Putin muốn chấm dứt xung đột Ukraina, tin rằng nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng tìm giải pháp ngoại giao.

Những lưu ý khi người dân trở lại Hà Nội làm việc sau Tết Nguyên đán

Quang Việt |

Dự báo, trong các ngày mùng 4-5 Tết Nguyên đán (ngày 13-14.2), đông đảo người dân và phương tiện giao thông sẽ quay trở lại thành phố bắt đầu làm việc, học tập.

Các nước BRICS nắm giữ 45 nghìn tỉ USD tài sản có thể đầu tư

Khánh Minh |

Số lượng triệu phú trong khối BRICS dự kiến sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới, với 45 nghìn tỉ USD có thể đầu tư.

Quảng Trị khơi thông điểm nghẽn ở cửa khẩu, góp phần tăng thu ngân sách

HƯNG THƠ |

Chính phủ đồng ý để Quảng Trị phối hợp với các đơn vị triển khai xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua biên giới đã mở ra một hướng đi, kỳ vọng nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và thu ngân sách ở Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Thăm ngôi đình cổ dưới chân núi gắn với lễ hội chọi trâu nổi tiếng Hải Phòng

Băng Tâm |

Đình Ngọc Xuyên (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) được khởi dựng từ cuối thế kỷ XVII để tôn thờ vị thành hoàng Điểm Tước - chủ thần chung của cả vùng Đồ Sơn. Đây là ngôi đình cổ duy nhất của tổng Đồ Sơn xưa còn lại đến ngày nay.

Khu Di tích Nguyễn Văn Giai, nơi lưu giữ lễ hội rước sắc phong

Đặng Viết Tường |

Di tích Quốc gia Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai (1555 - 1628) ở thôn Ích Minh, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một danh thắng nổi tiếng bởi ngoài nghi môn có 7 gò đất, dân gọi gò thất tinh (7 ngôi sao), có mộ lăng Thái bảo (ông nội của Nguyễn Văn Giai) còn gọi lăng phát tích.

Lần đầu tiên Sơn La tổ chức lễ hội “Trên quê hương vợ chồng A Phủ”

Minh Thành |

Sơn La - Lễ hội “Trên quê hương vợ chồng A Phủ” năm 2023 được tổ chức vào 2 ngày 3-4.11 tại xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên. Đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện này.