Truyện ngắn: Thằng Bơ

L.V.Q |

Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh
(Nhà giáo Ưu tú, Hội viên Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, 
Phó ban đại diện Báo Văn Nghệ khu vực Bắc miền Trung)

Ở vào cái tuổi của tôi và Bơ đáng phải gọi nhau bằng anh, bằng ông, nhưng tôi lại quen gọi hắn là “thằng”. Thằng Bơ. Nguyễn Văn Bơ. Hắn cùng quê với nhân vật “Khúng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu nhưng cũng như Khúng, hắn lấy vợ người thành phố. Đường tình duyên của Bơ so với Khúng khác nhau ở hai điểm: Thứ nhất, nếu như Khúng cưa đổ cô Huệ nhờ một mình cứu hộ nàng giữa rừng sâu trong lúc nàng đang trở dạ sinh đứa con của người tình - người mà nàng vừa thương vừa giận - sau cuộc trốn chạy khỏi chốn thị thành; còn Bơ thì khác, hắn làm đổ ngã một em kháu khỉnh, dáng điệu đàng, làn da rất, rất đặc trưng của người Tràng An; Thứ hai, Khúng người quê một cục khác chi súc gỗ sần sì bụi đất bị dân đi rừng sơ ý đánh rơi, Khúng rước nàng về dinh từ cánh rừng nơi hắn ta chuyên chặt hạ cây dại làm củi rồi cột thành từng bó; và rồi bằng cái cách không thể hoành tráng hơn, Khúng đặt mẹ con nàng Huệ lên xe cút kít một bánh, bằng gỗ đặc, chở thẳng về quê. Chỗ đóng đô của cả nhà Khúng cũng rất khác người, nền nhà là đất đền làng, trên đó có cái lều mà cột chống là những thanh gỗ rừng cứng, khoẻ, mái phủ bạt xin của bộ đội trên đường họ hành quân vào mặt trận phía Nam; có lẽ ông trời đã mặc định Khúng là cái lều hoang mà nàng Huệ lại thiêng quý như đất đền. Thằng Bơ thì ngược lại, cô gái phải lòng hắn, bố mẹ có máu mặt, có nhà mặt phố nên hắn lập nghiệp luôn ở đây. Mà cũng phải thôi! Cái ngữ hắn, chơi ghi ta như lên đồng, giọng nam trầm ngọt, đọng, mộc như cây mà lại bảnh chẳng kém trai thành thị, thì các nàng cứ thế mà mê ly. Rõ nhất chuyện hắn và tôi cùng lớp ở đại học, lúc đi tán mấy em khóa dưới, nhỏ thó đen đúa tôi thường bị thiệt, mắt hắn như có ma lực, các nàng nhìn rồi như bị ma ám. Nhưng đường quan lộ thì ông trời nó hãm, hắn kiện mãi mà tận cuối đời vẫn ở cái chức phó một chi cục cấp quận. Không gặp may. Thời của hắn có bằng đại học đã hiếm nhưng ở độ tuổi ba mươi mốt, hắn lại bị cho là chưa đủ sự dày dặn để nắm cấp trưởng, cần thử thách; ngoài bốn chục phải đi học lấy bằng chính trị, khi được rồi thì lại hết tuổi cơ cấu, mãi sau này Bơ mới ngộ ra hắn bị thiếu một cái bằng; rồi tạch một cái, ngũ tuần nó ập đến thì thiên hạ họ bảo hắn chuẩn bị gỗ ván đi là vừa. Vọng và danh của bản thân, Bơ kết tóm với tôi như vậy.

Tháng trước, mấy thằng cùng lớp rủ hắn vào Thanh chơi. Tôi đi đón. Tàu vừa dừng, tôi đã nhận ra hắn, giày ba ta, quần soóc kẻ sọc áo phông, phơi ra cái đầu... hói. Tóm lại, từ đầu đến chân hắn gần như toàn màu trắng, không phải trắng tinh. Mới trông hơi bị ngầu. Chen vai giữa đám đông khách tàu ồn ã, véo nhẹ tai tôi, vẫn với cái thổ âm của quê mẹ đẻ, hắn nói như quát: “Vờ vịt hả? Thằng ni chừ đẹp trai rứa hầy!”.

Hai đứa tôi đèo nhau bằng xe máy, hắn ngồi sau ôm eo, rủ rỉ: “Tao thấy có những thứ cũ mà quý giá, như sách cũ, rượu cũ, và như tao với mày - bạn cũ - nhưng riêng tao có một thứ cũ không oke chút nào”. Vợ cũ? Tôi hỏi như muốn bóc hắn ra. Hắn cười. Chỗ này thì tôi đã tự dự báo cho mình từ trước, cô vợ thủ đô của Bơ điệu đà là vậy nhưng ngữ thằng Bơ cũng chỉ trụ được vài năm, dù hắn có nhiều tài lẻ và bảnh như trai thành thị do được ăn nhờ nước da của mẹ đẻ hắn, nhưng cái gốc gác chằn chặn quê kiểng thì mãi che sao được; tinh tươm hàng hiệu như vợ hắn, thì phải biết. Người ta đến với nhau là phận còn sống được với nhau hay không lại là duyên. Chia tay. Hắn chọn cô vợ dạy tiểu học ở quê, lo cưới lần này, hắn bảo không mất công nhiều cho việc nhờ thầy bà xem ngày xem giờ mà lại hợp. Sau hắn cạy cục đưa được vợ ra dạy một trường dân lập ở ngoại thành, có đóng bảo hiểm để sau cùng cốt kiếm cái sổ hưu. Giờ vợ chồng hắn con cái nếp tẻ đủ cả, Bơ hay nói với tôi hạnh phúc đựng trong tà áo hẹp, chẳng rõ hắn than thân hay tự thoả mãn. Tôi thì cho rằng khi về già người ta hay hoài niệm những câu thơ giờ chỉ còn trơ lại... cái vỏ của ngôn từ. . .

Tối hôm ấy, bọn tôi đãi hắn món dê núi, tại chân động Hàm Rồng. Hắn uống vội viên amplo cho ổn ổn cái huyết áp rồi vào trận khá chững chạc. Mỗi người một chuyện. Đến lượt hắn. Tôi hỏi, sống Hà Nội thế nào? “Buồn! Rất buồn. Trước buồn vì mê mải bon chen rồi đi mơ ước những chuyện trên trời; giờ buồn vì già”. Rồi hắn kể, đi xe bus tuyến thị xã Hà Đông - Ngã Tư Sở theo đường Nguyễn Trãi, người túa ra từ nhiều phía. Lên được xe đã khó. Một bé đeo kính cận, dáng nữ sinh đứng lên nhường chỗ. Hắn tần ngần. Đám trẻ có học giờ thanh lịch thế! Cảm ơn. Hắn ngồi tựa lưng vào thành ghế. Lòng chợt buồn. Thế là hắn đã già thật ư? Ý nghĩ này làm người hắn bải hoải, chả khác xe bị xịt lốp. Một trong những họa lớn của đời người là tuổi già. Đã đành không ai tránh được, nhưng sao lại đến với hắn biệt lệ cấp số nhanh thế không biết. Có thể tất cả chỉ tội cái đầu... hói. Rồi hắn kể, một lần đi siêu thị, nhác thấy mình trong gương, hắn mới nhận ra mười mươi cái sự già nó mau đến. Vậy mà khi về quê, người lớn tuổi bảo trông hắn còn sung sức, đám trẻ hơn thì luôn miệng: Eo ôi, bao năm rồi mà bác vẫn thế! Và rồi cũng chỉ dăm ngày trước, qua đường phố Tây Sơn, đoạn gần Đại học Thuỷ lợi, lại cũng nữ sinh xinh như mộng đến dắt tay qua đường, độ chắc hắn là người quê. Những gần một phút là tới vỉa hè. Hắn hỏi, em học trường nào? “Thưa ông, Đại học Thuỷ lợi ạ!”. Nói rồi, cô gái rời tay hắn và bước thật vội. Hắn buồn. Hồn vía như đi đâu mất. Giỏ quả trên tay hắn tuột từ khi nào không biết, bưởi cam véo vó lăn bên vệ đường. Không buồn nhặt. Lần ấy hắn bảo cảm giác chẳng khác ngày mai về Văn Điển để hoả táng. Cái thằng thật lạ! Buồn khi người ta thương quý nhường chỗ cùng sự thưa kính lễ nghi đối với mình? Sắp tới cháu con mừng thượng thọ hắn cũng buồn chăng? Khi đối diện với tuổi già, người ta hốt hoảng nhận ra một cái gì đó đang chết. Không gì buồn bằng khi lòng người ta đã chết. Hắn buồn bởi cái sự yêu trong hắn hẳn như đã chết.

Nghe hắn cứ xa xót mãi về cái nỗi già, tôi bảo: Làm quen với nó đi, ông khốt ạ! Ông phải đọc thiền mà ngấm cái cách sống và chết; lúc già, lúc tưởng không còn đáng sống sẽ khổ con khổ cháu cũng cần sự thông thái đấy! Hay gì cứ mãi ôm cái buồn mà sống được.

Mai, thằng Bơ về Hà Nội. Hai đứa rủ rỉ tới tận khuya. Tôi quờ tay tắt đèn ngủ vì nhớ mai xe tuyến chạy chuyến đầu giờ sáng và không quên dặn hắn một câu lấy lệ: “Từ giờ trở đi nên liên lạc nhiều nhiều với nhau thật vô tư cho qua giai đoạn thứ hai của đời người”.

Bóng tối vừa chụp lên căn phòng, Bơ đột nhiên bật dậy, vống lên cái thổ âm nồng và ấm: “Này, thỉnh thoảng mày cho tao một tiếng chửi nha!?”. Tôi ngạc nhiên: “Chửi! Lại thích nước mắm cáy chứ gì?” Vẫn nguyên cái tư thế nửa nằm nửa ngồi, hắn rủ rỉ dốc bầu: Hôm rồi tao về quê họp lớp, nghe mấy thằng bạn học “chửi” thấy sướng, nào là mấy bữa ni mi chết dấp ở mô mà chừ mới ló mặt; nào là, lót dạ sớm mai không hết bát phở, đem bó tiền lại mà chôn à, thằng tê? Vân vân và vân vân... Rồi giọng hắn như lạc đi: “Mày ạ, hình như chốn đô hội giờ toàn lời chúc phúc, một dạ hai vâng. Khen. Lời khen quà biếu. Chán! Lắm khi tao cứ thấy yêu chốn quê ngay cả trong sự mắng mỏ thật tình”. Chao ôi! Thì ra bạn tôi - thằng Nguyễn Văn Bơ - sau quãng đời tranh đấu cho cuộc mưu tìm chỗ đứng ở đời, giờ thấy thèm thấy khát sự chân thành dù dấu sau một tiếng chửi, một câu trách cứ. Khác chi người quê hắn thèm ớt chỉ thiên. Hắn sợ cái vị lợt lạt của tình đời rồi. Lặng đi đôi chút, hắn kể: Tuần rồi đang tơ mơ giấc ngủ trưa, loáng thoáng nghe tivi cáo phó, hấp háy hé mắt thấy người dẫn chương trình mặc lễ phục màu đen nói ông A, ông B từ trần, phát tang, ngày và giờ, và địa điểm an táng. Thì ra mấy lão ấy chưa chết. Mình quá vô cảm. Và, biết đâu nhiều thằng lâu nay cũng coi mình như là thứ xác chết biết đi ?

Thằng Bơ về Hà Nội đã được mấy ngày. Thấy nhớ. Cả cái sự buồn cùng nỗi sợ hãi của hắn. Nỗi sợ người ta quên mình. Thời gian khuất lấp cả hình lẫn tiếng cũng là một thứ chết thấy được. Bây giờ thì có lẽ hắn đang vui vầy bên con cháu hay săm soi chút hương vị từ đống sách báo cũ nhàu nhưng cái bộ dạng tài tử, đi giày bata, áo phông quần soóc kẻ sọc, cái đầu hói để trần, tất cả đều màu trắng cứ ám ảnh tôi hoài.

Tôi thích cái màu trắng không tinh tươm nhưng hơi bị ngầu của Bơ và tôi rất nhớ hắn bảo thỉnh thoảng gửi cho hắn một câu “chửi”.

Cái thằng... vậy là hắn vẫn còn đi trong cuộc đời bé mọn của tôi!

Quê nhà, tháng 11.2016

L.V.Q
TIN LIÊN QUAN

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội ế ẩm, không còn tình trạng thổi giá cao

ANH HUY |

Những năm trước đây, thị trường đất đấu giá Hà Nội luôn được quan tâm, thậm chí rất sôi động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đất đấu giá đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội chỉ có 37 phiên đấu giá thành công trong 65 phiên được tổ chức.

Cầu thủ Thái Lan và Indonesia ẩu đả tại SEA Games nhận án phạt nặng

MINH PHONG |

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đưa ra án phạt dành cho tập thể và cá nhân của đội U22 Thái Lan và U22 Indonesia trong vụ xô xát ẩu đả tại chung kết SEA Games 32.

Đêm diễn trên sân Mỹ Đình là show cuối cùng của Blackpink trước khi tan rã?

DƯƠNG HƯƠNG |

Trước thông tin Lisa, Jennie chưa ký gia hạn hợp đồng với YG, Blackpink có nguy cơ tan rã. Nhiều khán giả thắc mắc, liệu đêm diễn ở sân vận động Mỹ Đình cuối tháng 7 có phải show cuối cùng của nhóm?