Truyện ngắn dự thi: Vầng sáng hi vọng

TẠ THỊ THANH HẢI |

- Anh Mạnh ơi, cho em xin ra uống nước một chút ạ!
- Sao, cậu mệt à? Ừ, ra uống nhanh rồi vào làm luôn đi. Anh em mình cần cố gắng. Một tuần nữa lô hàng này phải xuất xưởng rồi!

Hợp đứng dậy đi ra góc xưởng, vừa đi vừa lấy tay che miệng ngáp ngắn ngáp dài. Mạnh dừng tay đục, nhìn theo Hợp

thoáng chút băn khoăn.

Mấy hôm nay Mạnh thấy Hợp có vẻ gì khang khác, không nhanh nhẹn cần mẫn như bình thường mà lúc nào cũng thấy lờ đờ uể oải, tóc tai thì bù xù, khuôn mặt hốc hác xám xịt, râu ria lởm chởm, một buổi sáng xin ra ngoài uống nước mấy lần.

Mạnh chợt nhớ có lần đến phòng trọ của Hợp chơi, bắt gặp mấy gã dặt dẹo cứ lảng vảng ngó nghiêng. Một nỗi trăn trở

hoài nghi chợt cồn lên trong anh.
***
Cách đây hơn ba tháng, Mạnh lên bệnh viện đón mẹ về sau đợt điều trị dài ngày vì những biến chứng tiểu đường. Mạnh đang dìu mẹ đi sang bên kia đường để vào bến xe thì bất ngờ có hai tên choai choai lượn vèo qua giật lấy chiếc túi xách anh đeo bên mình.

Mạnh còn đang ngỡ ngàng chưa biết xử trí ra sao thì nhanh như chớp, một người đàn ông trẻ đang ngồi ở quán nước gần đó đã đứng phắt dậy, lao ra chặn đường hai tên cướp.

Chiếc xe loạng choạng rồi đổ kềnh, hai thằng choai choai ngã nhào, người đàn ông nhanh tay giật lại chiếc túi. Hai tên cướp nhí lồm cồm bò dậy rồi lên xe phóng vụt đi. Thực ra trong túi cũng không có nhiều tiền nhưng có toàn bộ giấy tờ tùy thân của hai mẹ con, giấy thanh toán viện phí và đơn thuốc Mạnh vừa mua cho mẹ.

Mạnh tiến đến nhận lại chiếc túi. Hai người vào quán nước nói chuyện. Người đàn ông dũng cảm ấy tên là Hợp quê ở Nghệ An, vùng đất sỏi đá cằn vào mùa khô và bão lụt trắng đồng vào mùa mưa. Bố mẹ Hợp đã ngoài bảy mươi, vợ Hợp thì sức khỏe yếu do mấy năm trước bị tai nạn gãy một bên đùi, giờ chỉ ở nhà bện chổi chít và chăn nuôi lặt vặt, ba đứa con thì vẫn lau nhau lít nhít. Một mình Hợp quanh năm giật gấu vá vai để lo cho bảy miệng ăn, cuộc sống bấp bênh túng thiếu.

Hợp quyết rời quê ra đây tìm việc làm, cũng mong kiếm được công việc có thu nhập ổn định để có thể trang trải kinh tế gia đình. Vừa cảm thông với hoàn cảnh của Hợp, vừa cảm kích về hành động nhanh trí dũng cảm của cậu, Mạnh bảo Hợp nếu không sợ vất vả thì theo mình về làm công nhân xưởng mộc. Hợp mừng lắm, cứ ríu rít cảm ơn.

Trên đường theo Mạnh về quê, Hợp kể trước đây đã từng có thời gian theo đám sơn tràng cùng xã tới tận vùng rừng núi phía Tây Nghệ An. Nhưng công việc vừa vất vả lại vừa nguy hiểm. Vất vả thì Hợp không ngại, nhưng làm công việc mà biết rõ là phạm pháp thì Hợp lúc nào cũng thấy nơm nớp lo sợ, ấy là theo đám phu rừng len lỏi vào khu rừng đầu nguồn đốn gỗ rồi cưa xẻ đóng bè tuồn về xuôi chứ không đi đường bộ để tránh sự kiểm tra gắt gao của lực lượng kiểm lâm.

Hai chuyến đầu trót lọt, Hợp được ông chủ tạm ứng cho mấy triệu, kịp gửi về quê đúng lúc ông bố phải đi viện. Nhưng đến chuyến thứ ba thì gặp kiểm lâm, cả đám tan tác hết. Nghĩ rằng không thể mạo hiểm theo đám sơn tràng ấy được nữa, Hợp về qua nhà dặn dò vợ con rồi quyết tâm ra Bắc tìm việc làm.

Ngay chiều hôm ấy, Mạnh đưa Hợp đến thăm xí nghiệp sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ nơi anh đang làm việc. Nhìn thấy xí nghiệp khang trang bề thế, hoạt động quy củ, lại nghe Mạnh giới thiệu về chế độ lương thưởng, Hợp vui lắm! Xí nghiệp có ba phân khu, nhưng phân xưởng mộc là ồn ã bụi bặm nhất với nhiều loại máy móc. Dù là xí nghiệp tư nhân nhưng tất cả các công nhân đều được giám đốc cho ký hợp đồng và đóng bảo hiểm theo Luật Lao động.

Xưởng mộc có hơn hai mươi công nhân, đa phần là những người trong xã. Mạnh có tay nghề cứng nhất lại là cháu họ của giám đốc nên được ông tin tưởng giao cho việc quản lí phân xưởng. Tối ấy, Mạnh đưa Hợp đến nhà giám đốc Nhân và trình bày nguyện vọng. Ban đầu vị giám đốc tóc muối tiêu thoáng chút e ngại. Ông vốn rất cẩn trọng trong việc tuyển dụng người làm. Người lạ huơ lạ hoắc, quen vơ quen váo như vậy, biết thế nào để mà tin tưởng. Nhất là quê Hợp ở xa thế, liệu có gắn bó lâu dài với xưởng được không? Thấy ông Nhân có vẻ phân vân, Mạnh thưa:

- Báo cáo chú, ở phân xưởng mộc hết tháng này có 3 công nhân xin nghỉ. Cậu Hoan và Đông xin nghỉ để đi học tiếng, chuẩn bị đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, nghe đâu vẫn tiếp tục làm nghề mộc; anh Tuyến xin nghỉ để đi làm bảo vệ chung cư trên Ecopark kết hợp với trông coi nhà cửa cho bà chị gái mới vào miền Nam với con. Cậu Hợp có biết qua nghề mộc, hoàn cảnh của cậu ấy cũng khó khăn, cháu xin chú cho cậu ấy làm tạm một thời gian trong lúc lạ nước lạ cái này ạ!

Giám đốc Nhân đồng ý nhận Hợp vào thử việc. Sau một thời gian thấy Hợp có vẻ chăm chỉ xốc vác, giám đốc Nhân cũng thấy yên tâm. Hợp vào làm ở xưởng được chừng một tháng thì chú Đán ở tổ chạm đục xin nghỉ đột ngột vì lí do sức khỏe, mà lô hàng sắp đến hạn phải giao cho khách, thế là Mạnh đề đạt với giám đốc cho Hợp vào thay thế.

Ban đầu giám đốc Nhân không đồng ý vì chưa thử tay nghề của Hợp ở công việc đòi hỏi độ tinh xảo ấy. Nhưng Mạnh lại đứng ra “bảo lãnh”, nói rằng có lần đến phòng trọ của Hợp chơi, tận mắt chứng kiến cậu ấy đang dùng cái đục cỡ nhỏ tạo hình những chiếc cốc, chiếc bình nhỏ xíu từ những mẩu gỗ thừa xin được của xưởng. Lúc ấy, giám đốc Nhân mới đồng ý cho Hợp làm thử công việc này.

Được sự hướng dẫn của Mạnh, Hợp nhanh chóng bắt kịp công việc, được chính thức ký hợp đồng lao động sau hai tháng thử việc. Thấy Hợp chuyên tâm với công việc, Mạnh cũng thấy yên tâm, ngày nào anh cũng tranh thủ đến chỗ Hợp động viên hoặc giải đáp những điều cậu ta còn vướng mắc.

Coi Hợp như em trai kết nghĩa, thi thoảng cuối tuần lấy cớ quăng lưới được mớ cá ngon ở ao nhà, Mạnh lại bảo Hợp đến nhà anh ăn cơm. Bố Mạnh, một nhà giáo nghỉ hưu, ban đầu cũng kín đáo quan sát cung cách của Hợp. Qua vài lần tiếp xúc, nghe Hợp chia sẻ tâm sự về hoàn cảnh của mình, ông cũng có phần cảm thông tin tưởng. Ông bảo với Mạnh rằng, giúp được Hợp việc gì thì cố gắng giúp.

Thi thoảng Mạnh đến chỗ trọ của Hợp chơi. Đó là khu xóm mới dưới làng Bái. Từ ngày có con đường liên tỉnh chạy qua, nhiều dự án công nghiệp mọc lên, người dân cắt diện tích đất vườn để xây nhà trọ cho công nhân ở xa đến làm việc trong mấy công ty, xí nghiệp quanh xã. Chỉ mấy năm, từ một xã thuần nông, tốc độ công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Nhiều dịch vụ tiện ích xuất hiện. Đời sống nhân dân được cải thiện hơn nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp.

Hàng ăn, quán cà phê, quán hát ngày càng nhiều. Chuyện công nhân mâu thuẫn xô xát ngay trong khu trọ không phải là hiếm gặp. Những phức tạp ấy là sự thay đổi tất yếu của xã hội, nhưng cũng khiến cho lực lượng chức năng và người quản lí lao động phải lao tâm khổ tứ hơn.

Lần nào đến chỗ Hợp chơi, Mạnh cũng dặn đi dặn lại:

- Có khó khăn vướng mắc gì thì chú cứ bảo anh. Đừng ngại! Còn lạ nước lạ cái, mọi vấn đề phải luôn cẩn trọng. Chú bảo vợ ra Ngân hàng Nông nghiệp làm lấy cái thẻ tiết kiệm, có tiền lương thì chú chuyển khoản luôn về cho cô ấy. Giữ lại một ít trang trải thôi. Đàn ông xa vợ, cầm nhiều tiền trong tay là dễ tiêu pha vớ vẩn lắm!

Hợp chỉ cười:

- Anh cứ yên tâm, em cũng hơn ba mươi rồi chứ còn non trẻ gì đâu. Chỉ mong có công việc thu nhập ổn định, hàng tháng tiết kiệm mấy triệu gửi về cho vợ con thế là may lắm rồi! Ở quê em quanh năm trông chờ vào hai vụ lúa. Có sào ruộng cạn gieo vừng với trồng lạc chủ yếu là để dùng chứ có bán được bao nhiêu. Có khi cả tháng không phải tiêu đến tiền. Vì làm gì có tiền để tiêu đâu anh.

- Cảnh xa vợ con là khổ lắm! Trước đây anh cũng có mấy năm theo ông anh họ vào Bình Dương làm ăn nên anh hiểu. Nhiều khi người ta cứ đổ tại hoàn cảnh. Nhưng bản thân mình phải cố gắng chế ngự hoàn cảnh. Chịu khó làm ăn, vài ba tháng bắt xe về thăm vợ con mấy ngày. Giờ xe cộ đi lại cũng tiện. Điều quan trọng nhất anh muốn nhắc chú là đừng giao du với mấy thằng lang thang dặt dẹo ngoài kia. Vướng vào bọn ấy phức tạp lắm! Chú giữ cho chú, cũng là giữ cho anh nữa đấy nhé!
***
Mạnh cũng tin Hợp có đủ sự chín chắn để không sa chân vào những tệ nạn ấy. Vậy mà Mạnh vừa xin nghỉ mấy ngày để lên Điện Biên lo việc xây cất mộ của bà bác ruột, mới đi làm trở lại thì Mạnh thấy Hợp có những biểu hiện lạ như vậy. Mạnh cứ lục tìm trong trí nhớ xem Hợp đã từng có những biểu hiện ấy chưa. Mạnh nghe người ta nói rằng, nếu ai “đủ thuốc” thì sẽ không bao giờ toát ra vẻ uể oải mệt mỏi đó cả.

Hợp mới đến đây làm được hơn ba tháng. Ngày ngày Mạnh vẫn luôn để mắt đến cậu ấy. Cái vóc dáng rắn rỏi và khuôn mặt cương nghị của Hợp khiến người đối diện có thiện cảm. Nhưng ở đời, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Biết đâu cậu ấy đã mắc nghiện trước khi đến đây thì sao? Bao nhiêu suy nghĩ trăn trở cứ dằn vặt Mạnh. Mấy ngày hôm nay, Mạnh vừa làm, vừa ý tứ quan sát Hợp và trong lòng lúc nào cũng băn khoăn hoài nghi.

Buổi chiều hôm ấy, Hợp gọi điện cho Mạnh xin phép nghỉ khiến anh càng thấy băn khoăn. Không lẽ dự cảm của anh là đúng? Và Hợp biết anh đã phát hiện ra nên tìm cách tránh mặt, biết đâu còn kiếm kế lặn mất tăm. Chẳng hiểu sao ruột gan Mạnh cứ nóng như lửa đốt. Rõ ràng chẳng dây mơ rễ má máu mủ ruột thịt gì, sao Mạnh cứ thấy lấn bấn bất an như vậy. Tan ca chiều, Mạnh không về nhà mà phi xe thẳng đến phòng trọ của Hợp. Cửa đóng im ỉm, Mạnh gọi mấy câu không thấy Hợp thưa, nhấn máy điện thoại thì lần thứ nhất “máy bận”, lần thứ hai “thuê bao”. Vừa thấy bực bội lại xen lẫn cảm giác lo lắng bất an, không kìm chế được, Mạnh đập cửa và gọi to:

- Hợp ơi! Hợp...

Cánh cửa cót két mở, Hợp ló mặt ra. Nom bộ dạng phờ phạc tiều tụy của cậu ta, Mạnh cáu kỉnh:
- Chú bị làm sao thế? Tại sao anh gọi điện không được?
- Em... em mệt quá anh ạ!
- Ốm đau làm sao thì phải nói chứ!
- Em... em mới đi bán máu...
- Hả? Sao lại bán máu?
- Vợ con em phải đi viện mà nhà chẳng còn đồng nào. Anh thấy đấy, em mới vào xưởng làm được gần ba tháng. Hai tháng thử việc lương được gần mười triệu. Em đóng tiền cọc nhà mất ba triệu, đặt hai triệu mua trả góp cái xe máy cũ ở cửa hàng Phương Nam dưới xóm chợ. Định bụng đợi lương tháng này rồi sẽ gửi về quê.

Anh đi vắng hôm trước thì hôm sau ở quê gọi điện báo vợ em phải cấp cứu vì viêm ruột thừa cấp, con bé lớn ở nhà nấu cháo mang vào viện cho mẹ thì lập cập thế nào lại bị đổ bỏng hết cả hai chân. Hai mẹ con nằm ở hai khoa trên bệnh viện tỉnh. Cả nhà cứ rối như canh hẹ. Nghe điện thoại mà em run bắn cả người. Em chẳng quen ai ở đây, đang định vay lãi ngày của bà Thúy “hụi” đầu xóm, nhưng chắc bà ấy thấy em mới đến nên không muốn cho vay.

Bà ấy rỉ tai em địa chỉ “bán máu” trên Hà Nội. Đường cùng nên em tặc lưỡi. Cứ nghĩ mình khỏe mạnh, em đánh liều rút hai lần liền. Hóa ra mệt thật anh ạ! Trên đường về lại gặp mưa nên em sốt li bì suốt đêm. Em định xin nghỉ vài ngày để về xem mẹ con nó thế nào nhưng lại không dám nghỉ vì sợ nghỉ ngày nào bị trừ lương ngày đó, cuối tháng lại chẳng được bao nhiêu, rồi đi lại xe cộ cũng tốn kém...

Mạnh nhìn Hợp ái ngại mà thở phào. Hóa ra là vậy! Mạnh trách Hợp:
- Tại sao không gọi điện cho anh, để anh bảo chị xoay sở đưa cho chú mấy triệu? Chú làm anh lo suốt mấy hôm nay.

- Em cũng định gọi điện hỏi vay anh. Vì ở đây, ngoài anh ra, em có quen ai đâu. Nhưng em biết anh cũng đâu có dư giả gì. Anh chị đều là công nhân, ông bà thì già yếu, bọn trẻ lại đang tuổi học hành tốn kém. Và chắc anh cũng vừa phải dồn một khoản tiền để đi lên Điện Biên lo công việc. Vì thế em ngại không dám hỏi anh...

- Từ giờ có việc gấp thế, chú cứ nói với anh. Anh em mình đã có duyên gặp gỡ như vậy, cũng mong đó là mối lương duyên tốt đẹp. Anh không nề hà gì đâu. Mà chú biết không, xí nghiệp mình có khoản quỹ công đoàn để hỗ trợ công nhân khi gặp khó khăn cấp bách, chú cứ làm đơn đề nghị với giám đốc, anh sẽ đứng ra bảo lãnh, chắc chú Nhân sẽ đồng ý hỗ trợ thôi...

- Vâng, em mong anh thông cảm...

- Ừ, giờ thì nghỉ ngơi đi, anh chạy về nhà bảo chị ấy hầm cho chú con gà. Lát anh bảo cu Minh mang sang cho. Ngày mai mà chưa khỏe thì nghỉ thêm. Chứ đang yếu thế này, đi làm rồi hoa mắt đục vào tay thì lại khổ...

Mạnh lên xe ra về. Đi qua xí nghiệp, anh thấy khu xưởng mộc vẫn sáng đèn vì có bộ phận làm tăng ca. Anh chợt nhớ ra hôm qua có nghe chú Nhân nói mới nhận thêm được hợp đồng làm khung cửa gỗ cho khu nhà ở xã hội dưới thành phố. Có thêm hợp đồng là có công việc đều đặn cho công nhân để những hoàn cảnh khó khăn như Hợp có thể trang trải được cuộc sống.

Mấy ngọn đèn cao áp từ cổng xí nghiệp hắt xuống đường một màu vàng ấm. Đi một đoạn xa rồi mà Mạnh vẫn nghe thấy âm thanh của những chiếc máy cưa chạy rào rào, xoèn xoẹt. Một niềm hi vọng ấm áp cứ miên man trong anh...
 
Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
TẠ THỊ THANH HẢI
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Cây trái đơm hương

Trương Thị Chung |

- Cho cô hỏi đây có phải nhà chú Phương không cháu?

Thằng bé ngưng tay, bỏ dở nồi cám đang sôi trên bếp, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, quay sang phía người đàn bà đang đứng cạnh mình. Trông người ấy sang trọng, môi tô màu son nâu trầm, đầu tóc búi cao, mùi từ quần áo thơm nức, Bình đoán biết là cô ấy từ phố xuống.

Truyện ngắn dự thi: Phía trước đường còn xa

Vũ Trường Anh |

Thy ngồi dậy, em lặng nhìn di ảnh mẹ, hai mắt nhòe đi. Em muốn kêu lên một tiếng thật to:

- Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ!

Truyện ngắn dự thi: Ngày mai là nắng ấm

Lê Minh Hải |

Chị đã tìm được việc làm sau mấy tháng thất nghiệp. Nơi làm việc là một xưởng sản xuất ván ép cách nhà gần hai mươi cây số. Xưởng nằm trên một quả đồi cách xa khu dân cư. Con đường bêtông dẫn đến xưởng chạy ngoằn ngoèo giữa hai hàng bạch đàn cao vút, khiến cho chị có cảm giác cô đơn, lạc lõng mỗi ngày đi làm.

Đêm diễn trên sân Mỹ Đình của Blackpink đứng trước nguy cơ ế vé

Huyền Chi |

Đến gần ngày diễn ra đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội, nhu cầu mua vé của người hâm mộ chậm lại trông thấy.

"Osin bá đạo phim Việt": Tốt nghiệp xuất sắc nhưng tôi sốc khi mình là số 0

NHÓM PV |

Trong cuộc trò chuyện với Lao Động ở Cà phê chiều thứ 7, diễn viên Anh Thơ - người được khán giả đặt biệt danh "Osin bá đạo của màn ảnh Việt" chia sẻ, chị đã sốc khi trở thành diễn viên, dù tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo diễn viên ở Nhà hát Tuổi trẻ.

Dự án 1.200 tỉ đồng “treo” suốt 15 năm

NGỌC VIÊN |

Nằm ở vị trí đắc địa của TP Quảng Ngãi, nhưng dự án Vina Universal Paradise rộng gần 60 ha, cấp phép năm 2008, với tổng vốn khoảng 1.200 tỉ đồng, đến nay vẫn nằm trên giấy. Dự án này là nguyên nhân khiến cuộc sống người dân khổ sở suốt 15 năm.

Người Đà Nẵng sửa nhịp cầu xanh cho nữ hoàng linh trưởng Sơn Trà

THÙY TRANG |

Đầu tháng 7 vừa qua, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cùng các tình nguyện viên, những người yêu Sơn Trà đã chẳng ngại cái nắng rát giữa hè để đi sửa, treo mới những chiếc cầu cây xanh cho Voọc chà vá chân nâu.

Vì sao tổ giám sát đấu giá đất huyện Quỳnh Lưu bị kiểm điểm?

QUANG ĐẠI |

Liên quan vụ việc em trai Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mua trúng đấu giá 23 lô đất bị hủy kết quả, tổ giám sát cuộc đấu giá này bị yêu cầu kiểm điểm.

Truyện ngắn dự thi: Cây trái đơm hương

Trương Thị Chung |

- Cho cô hỏi đây có phải nhà chú Phương không cháu?

Thằng bé ngưng tay, bỏ dở nồi cám đang sôi trên bếp, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, quay sang phía người đàn bà đang đứng cạnh mình. Trông người ấy sang trọng, môi tô màu son nâu trầm, đầu tóc búi cao, mùi từ quần áo thơm nức, Bình đoán biết là cô ấy từ phố xuống.

Truyện ngắn dự thi: Phía trước đường còn xa

Vũ Trường Anh |

Thy ngồi dậy, em lặng nhìn di ảnh mẹ, hai mắt nhòe đi. Em muốn kêu lên một tiếng thật to:

- Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ!

Truyện ngắn dự thi: Ngày mai là nắng ấm

Lê Minh Hải |

Chị đã tìm được việc làm sau mấy tháng thất nghiệp. Nơi làm việc là một xưởng sản xuất ván ép cách nhà gần hai mươi cây số. Xưởng nằm trên một quả đồi cách xa khu dân cư. Con đường bêtông dẫn đến xưởng chạy ngoằn ngoèo giữa hai hàng bạch đàn cao vút, khiến cho chị có cảm giác cô đơn, lạc lõng mỗi ngày đi làm.