Truyện ngắn dự thi: Quê mới

Đinh Ngọc Hùng |

Hết giờ làm thêm buổi tối, Sim cùng các công nhân dây chuyền may quẹt thẻ rồi ra khỏi xưởng.

- Sim ơi! Anh ở đây.

Là Tuấn người yêu Sim. Tuấn làm ở bộ phận kho. Hôm nay bộ phận kho không phải làm thêm nhưng Tuấn ở lại đợi Sim đi ăn tối. Lấy chiếc mũ bảo hiểm đội cho Sim, Tuấn nói:

- Tối nay anh đưa em đi ăn bánh đao để đỡ nhớ núi rừng nhé!

Nghe Tuấn nói, Sim reo lên:

- Ôi! Anh như đọc được suy nghĩ của em đấy nhỉ!

Tuấn cười hiền:

- Đọc được chứ. Vì anh không thể nào quên được ánh mắt của em mỗi lần được ăn món đó.

- Vâng! Mỗi lần ăn món đó em sẽ đỡ nhớ quê hơn.

Quán hàng bán bánh đao nằm ở trong một xóm nhỏ gần công ty. Chủ nhân của quán cũng là người vùng cao về đây lập nghiệp. Thấy khách quen, chị chủ quán đon đả:

- Vừa tan ca hả. Làm công nhân may vất vả thật đấy. Hai đứa ngồi vào bàn đi để chị lấy mang vào. Bánh đao hôm nay đồ được lửa ngon lắm đó.

Tuấn và Sim chọn một bàn trong góc quán để vừa ăn vừa nói chuyện. Chỉ một lát, mẹt bánh đao nóng hổi, trắng bóc bày trên lá chuối được mang lên.

Bánh đao là cách gọi của người miền xuôi. Còn với người quê Sim gọi là páu cò. Đây là một trong những món ăn độc đáo của người miền núi. Với Sim, bánh đao là món ăn gắn suốt tuổi thơ. Từ ngày còn bé như con chim nằm trong gùi mẹ cha địu lên nương thì bánh đao cùng với mèn mén là đồ ăn quen thuộc mỗi ngày.

- Có tin vui này em muốn khoe với anh - Nhỏ nhẹ cắn miếng bánh đao, Sim nói.

Tuấn nhìn Sim chờ đợi.

- Ừ! Em nói đi.

- Em vừa được tổ trưởng thông báo, sáng kiến bộ khuôn mẫu định hình cho công đoạn mổ túi của em được lãnh đạo công ty đánh giá cao và đưa vào áp dụng đó. Với cải tiến này công nhân có thể vừa canh đường chần, lắp dây kéo, vừa có thể mổ hai túi cùng lúc, rút ngắn thao tác, giảm thời gian mà chất lượng sản phẩm luôn đồng nhất, đạt chuẩn kỹ thuật. Khi sáng kiến được đưa vào áp dụng sẽ giúp doanh thu của công ty mỗi năm tăng lên cả trăm triệu đồng.

- Thật vậy à - Tuấn thốt lên chia vui - Sim, em giỏi thật đấy.

Sim mủm mỉm cười:

- Còn chưa hết đâu. Tổng kết cuối năm nay, em được bầu đạt danh hiệu lao động xuất sắc, được Liên đoàn Lao động của thành phố tặng giấy khen đấy.

Tuấn đưa tay bẹo má Sim:

- Anh rất tự hào vì em. Không ngờ cô gái bản Mông hôm nào giờ đã trở thành cô công nhân may giỏi giang nhiều sáng kiến, thành tích.

Sim lúc lắc đầu:

- Em vẫn chỉ là cô gái bản hôm nào thôi.

Câu chuyện như kéo Sim về với ngày nào mới chân ướt chân ráo xuống đây làm công nhân may. Khi đó, Sim mới học xong, thấy mấy chị cùng xóm rủ nhau xuống dưới xuôi vào làm công ty cô cũng xin bố mẹ cho đi. Vì gia cảnh khó khăn, cha mẹ đành phải đồng ý. Mấy chị em cùng bản thuê chung một phòng trọ. Ngày đến công ty làm việc tối đêm mới về đến nhà. Sim chi tiêu tiết kiệm. Tiền lương được bao nhiêu lại dành dụm gửi về cho bố mẹ. Với tài thêu thùa, từ một cô gái bản, chỉ hơn năm Sim đã trở thành một cô thợ may lành nghề.

Mặc dù làm cùng công ty nhưng phải sau này Sim và Tuấn mới quen nhau qua một biến cố. Đó là thời kỳ công ty và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung. Nhưng bức xúc nhất là bữa ăn không bảo đảm chất lượng. Trong công ty các công nhân lao động vẫn ví von là bữa cơm "free". Thậm chí phía công ty biết rõ những bất cập đó nhưng bỏ qua các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm chi phí... Sim và các công nhân cũng nhiều lần kiến nghị lên công đoàn công ty để mong được cải thiện, nhưng không có gì thay đổi.

Tổ chức công đoàn công ty đứng lên bảo vệ quyền lợi cho người lao động, kiến nghị công ty quan tâm đến bữa ăn công nhân. Phía lãnh đạo công ty phớt lờ đề nghị của công nhân và tổ chức công đoàn, còn dọa sẽ sa thải nếu công nhân không chịu quay trở lại làm việc.

Trước sự bất hợp tác của lãnh đạo công ty, công nhân và công đoàn kiên quyết đấu tranh. Thậm chí các công nhân còn đứng cả ngày dưới trời nắng trước cổng công ty để đòi quyền lợi. Do thời tiết nắng nóng, cả ngày chỉ ăn lót dạ bánh mì và uống nước lọc, một số công nhân đuối sức ngất xỉu, trong đó có Sim. Lúc tỉnh lại người đầu tiên Sim nhìn thấy là Tuấn thành viên của tổ công đoàn công ty.

Trước sự đấu tranh của công nhân và tổ chức công đoàn, cuối cùng phía công ty đã phải chấp thuận các yêu cầu chính đáng của người lao động. Công ty mẹ ở nước ngoài còn quyết định sa thải vị giám đốc vì đã vi phạm luật lao động. Từ đó các chế độ chính sách của người lao động được đội ngũ lãnh đạo mới của công ty quan tâm thực hiện.

Người lao động và người sử dụng lao động thường xuyên có các cuộc đối thoại để tìm ra tiếng nói chung. Thậm chí, phía công ty còn tiên phong đi đầu thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội để công nhân yên tâm gắn bó với công ty. Còn Sim và Tuấn sau lần đó hai người quen biết và yêu nhau.

- Sim này - Lời Tuấn kéo Sim trở về thực tại.

- Vâng - Sim hơi ngạc nhiên khi nhìn vẻ mặt nghiêm túc của anh.

- Chúng mình cùng làm công nhân nên chỉ có dịp Tết mới được nghỉ dài. Vì vậy đợt này anh sẽ đưa mẹ cha lên nói chuyện cho chúng mình làm đám cưới.

Một chút bẽn lẽn Sim nói:

- Vâng! Nếu vậy anh và bố mẹ nên vào ngày hội ném pao nhé!

***

Qua một ngày đêm ròng rã, chuyến xe mà công ty bố trí đưa công nhân ở xa về quê ăn Tết cũng về đến trung tâm huyện. Sim và mọi người lục tục mang đồ đạc, quà Tết công ty phát xuống xe. Ở vùng miền núi này có rất nhiều các chàng trai, cô gái tuổi Sim vừa lớn lên đã rời xa gia đình về xuôi xin vào các công ty làm công nhân. Trong lúc mọi người lục tục tỏa về các ngả đường, Sim quyết định rẽ vào chợ Tết mua sắm thêm ít bánh kẹo rồi sẽ thuê xe ôm về. Bởi bản của Sim ở trên lưng chừng núi, mỗi lần xuống chợ huyện vô cùng xa xôi và vất vả.

Phiên chợ Tết nằm ở ngay đầu cầu, nép mình bên dòng sông xanh sáng chiều tấp nập người mua kẻ bán. Ngày áp Tết, người xuống chợ chật như nêm. Những cụ bà đến từ vùng ven lòng hồ mặc váy thêu hoa văn hươu nai, chim chóc, miệng bỏm bẻm nhai trầu ngơ ngác ngắm những chùm bóng bay xanh đỏ. Sau khi lục lọi khắp các gian hàng bán quần áo, điện thoại thông minh, bầy trai gái vừa đi làm công nhân dưới xuôi về bàn nhau sà vào hàng đồ nướng, bún phở.

Sau khi mua kha khá đồ Sim thuê xe ôm về bản. Xuân về, hai bên đường ngợp một trời sắc đào rừng. Lâu nay thiên hạ gần xa kháo nhau về đào núi quê Sim. Có những gốc đào cổ thụ hai người ôm không xuể, dễ chừng đã sống ngót trăm năm. Xứ sở sương mù quê Sim, nơi những bản Mông ở cao nhất quanh năm mây phủ có loài hoa đào sáu cánh rất đặc biệt mà người dưới xuôi rất thích.

Về đến đầu bản, Sim cảm nhận rõ không khí Tết qua hình ảnh cụ bà người Mông cúi gập người bên chiếc máng gỗ giã bánh nếp trong căn bếp. Người ta thường ăn bánh nếp vào những ngày lạnh và cũng là thứ đồ cúng tổ tiên vào dịp Tết. Chỉ ít ngày nữa thôi, dưới những tán đào, trong màn sương mờ ảo, trai gái trong bản lại bước vào những ngày hội ném pao vui bất tuyệt.

Thấy Sim về mọi người trong gia đình vui không tả. Thằng Pắn em Sim thích mê với mấy chiếc ôtô đồ chơi chị mua cho. Cha mẹ Sim cũng ngượng ngùng trong bộ quần áo mới con gái mang về.

Trong bữa cơm tối, Sim ngập ngừng nói với cha mẹ chuyện gia đình Tuấn sẽ lên thăm nhà dịp lễ hội ném pao. Nghe Sim nhắc đến chuyện cưới hỏi, ông bỏ miếng thịt trâu khô vào miệng nhai cười:

- Ừ thì con gái lớn có thằng trai thương tao gả thôi.

Buổi sáng cuối năm miền rẻo cao bỗng xôn xao nắng. Mẹ Sim đem bộ váy mới may ra phơi cạnh hàng rào hoa trạng nguyên ửng đỏ. Người phụ nữ ở bản mỗi năm chỉ có dịp Tết là niềm vui hiếm hoi để ngồi cùng nhau uống rượu cần, hát điệu khắp. Sau những ngày Xuân những bộ váy đẹp lại được giặt và cất kín trong những chiếc giỏ tre trong buồng kín.

Sim cắp chiếc rổ chất đầy lá dong xuống bến nước cạnh bản. Ở đó có những cô gái bản chân trần lội dưới làn nước lạnh ngắt ngập ngang đầu gối tỉ mẩn rửa rửa, lau lau từng chiếc lá dong để chuẩn bị vài hôm nữa gói bánh.

***

Tết vùng cao thật đặc biệt. Ngoài những bữa rượu cần đón Xuân kéo dài từ sáng đến nửa đêm bên bếp lửa, Tết quê Sim còn có hội ném pao dưới chân núi. Ngày diễn ra hội ném pao cũng là ngày gia đình Tuấn ở dưới xuôi lên thăm nhà. Gặp Tuấn, cảm giác yêu thương tràn ngập trong Sim. Sau bữa cơm ra mắt, trong lúc người lớn bàn chuyện cưới xin, Sim dẫn Tuấn ra chỗ đám ném pao.

Ở xứ trập trùng mây núi này, bãi đất rộng chừng một mẫu giữa bản thành nơi tổ chức hội ném pao. Ở hội ném pao không chỉ có người trong làng mà rất nhiều con trai, con gái các xã khác cũng tìm đến vui hội. Tuấn nhận thấy có rất nhiều xe máy biển số vàng của nước bạn Lào. Sim bảo: “Bản em là một trong những trung tâm vui Tết của người Mông ở trong vùng. Vào ngày Tết Âm lịch, Tết độc lập (2.9), nơi đây tập trung cả nghìn người Mông ở cả hai phía biên giới Việt - Lào đến mở hội”.

Tới một đám ném pao, Sim nói với Tuấn, phải có người quen giới thiệu, gái Mông nơi đây mới chấp nhận một anh trai lạ vào hội ném pao. Các nàng rất sợ phải ném pao với con trai đã có vợ. Hội này chỉ dành cho những người đang đi tìm hiểu. Quả pao kết bằng những mảnh vải ngũ sắc trong nhồi hạt bông. Đó là cả một sự kỳ công, nên khi quả pao bay lên, mang theo cả những gửi gắm thầm kín nơi người đối diện, chính vì vậy mà trong ngày hội không ai nỡ để quả pao rơi. Để pao rơi dễ khiến phía bên kia phật lòng.

Sim cầm lấy quả pao kết bằng những mảnh vải ngũ sắc trong nhồi hạt bông ném về phía Tuấn. Đây là quả pao cô đã thức mấy đêm để tết. Tuấn đưa tay bắt trái pao rồi tung trả lại cho Sim. Điều này khiến đám trai gái cười ngặt nghẽo. Sim bắt lấy trái pao Tuấn tung trả lại, cười bẽn lẽn. Lúc rời hội về nhà, Sim hỏi Tuấn biết nãy sao đám con gái cười không. Tuấn lắc đầu. Sim giải thích:

-  Họ cười là vì anh chưa biết luật ném pao. Khi bắt được pao không nên trả lại cho người vừa tung mà hãy tung sang người bên cạnh, thế mới không bị cho là thiên vị.

Tuấn cầm quả pao trong tay Sim cười:

- Anh đâu biết tục lệ đó. Nhưng anh chỉ muốn giữ trái pao em tết cho riêng hai chúng ta.

***

Những ngày nghỉ Tết rồi cũng qua. Sim và những chàng trai cô gái vùng cao lại tạm biệt quê hương về xuôi làm việc. Ngay những ngày đầu xuân mới, nhịp điệu lao động hối hả đã trở lại trong công ty, trong khu công nghiệp. Với Tuấn và Sim mùa xuân này còn có thêm việc hệ trọng là tổ chức đám cưới. Người Mông quê Sim thường tổ chức lễ cưới hỏi vào mùa xuân bởi đây là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở.

Hôm trước khi hai gia đình đến thăm nhà cũng đã định xong việc cưới hỏi theo phong tục truyền thống người Mông. Lễ dạm hỏi có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin, kết nối hai nhà để làm thủ tục dạm hỏi và hẹn ngày đón dâu. Đồ sính lễ, ngoài thịt lợn, thịt gà, tiền mặt và một số vật dụng, thuốc lào và rượu ngô là hai thứ không thể thiếu khi mở đầu câu chuyện. Mâm cỗ cúng gia tiên không thể thiếu xôi ngũ sắc và thịt lợn.

Điều khiến Sim băn khoăn chính là việc hai gia đình đã chọn xong ngày giờ tổ chức lễ cưới thì công đoàn công ty có sáng kiến tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp đôi là công nhân lao động. Sáng kiến này được rất nhiều công nhân ủng hộ. Bản thân Tuấn là thành viên của tổ công đoàn cũng hăng hái hưởng ứng. Nhưng Sim thì sợ gia đình mình không ưng thuận. Bởi trước nay, người Mông vốn rất coi trọng các nghi lễ vòng đời trong đó có cưới xin. Thấy Sim băn khoăn, chị Chủ tịch công đoàn công ty an ủi:

- Cô Sim đừng lo. Tôi và cậu Tuấn đây sẽ có trách nhiệm giải thích, thuyết phục để hai gia đình hiểu. Nhất là cậu Tuấn, thành viên của tổ công đoàn mà không thuyết phục được gia đình hai bên thì còn tuyên truyền làm sao được anh em công nhân lao động.

Lúc đầu do ngại dư luận làng xóm, hai gia đình cương quyết phản đối. Nhất là gia đình Sim cho rằng, người bản mà chưa được uống rượu mừng thì khác gì con gái đi lấy chồng chui. Ra ngoài còn mặt mũi nào dám nhìn ai.

- Em đừng lo. Để anh và tổ công đoàn sẽ thuyết phục gia đình. Cha mẹ nào chẳng thương con cái, chẳng mong cho con cái được sống hạnh phúc, vui vẻ.

Nghe Tuấn nói, Sim vẫn lo lắm. Là bởi từ trước đến nay, bố Sim nổi tiếng là người khó tính. Trong nhà việc gì ông đã quyết thì khó ai có thể lay chuyển được.

Không ngờ, khi ngày tổ chức đám cưới cận kề thì bố gọi điện xuống bảo, mai mọi người sẽ xuống. Nghe bố nói vậy, Sim vẫn không dám tin. Phải đến lúc bố mẹ và họ hàng xuất hiện, Sim mới thở phào. Sim đã dặn bố mẹ chỉ cần có mặt xuống dự nhưng bố vẫn mang theo đôi lợn cắp nách, mấy chum rượu ngô, nếp nương và các loại màu để nấu xôi ngũ sắc.

- Tao mang xuống để làm cỗ cưới đãi khách! Đám cưới con gái Mông sao có thể thiếu thịt lợn cắp nách, rượu ngô và xôi ngũ sắc được.

Đám cưới tập thể của sáu cặp vợ chồng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được Liên đoàn Lao động thành phố, Hội liên hiệp Thanh niên thành phố và tổ chức công đoàn của công ty đứng lên tổ chức thân mật, ấm cúng ngay tại hội trường công ty.

Trong số sáu cặp đôi, có trường hợp cặp vợ chồng chị Kim và anh Văn khá đặc biệt. Họ đã đăng ký kết hôn 20 năm và có với nhau hai người con, nhưng vì tài chính khó khăn mà mãi đến hôm nay mới chính thức được làm lễ cưới, mặc áo cô dâu chú rể. Đại diện cho các cặp đôi phát biểu trong lễ cưới, anh Văn bộc bạch: “Vợ chồng tôi rất may mắn và hạnh phúc khi là một trong sáu cặp đôi được tổ chức lễ cưới tập thể hôm nay. Thực sự, tôi chưa bao giờ dám ước mơ có một ngày được khoác lên mình chiếc áo cưới. Tôi hy vọng, mô hình đám cưới tập thể như thế này sẽ ngày càng được nhân rộng để giúp các cặp đôi công nhân khó khăn trong công ty chúng ta nên vợ nên chồng”.

Vợ chồng Tuấn, Sim là cặp đôi trẻ nhất trong đám cưới tập thể hôm nay. Lúc đại diện công đoàn đề nghị Tuấn phát biểu, anh lúng túng mãi không nói nên lời. Sau anh xin hát một bài. Thế là cả hội trường vỗ tay rào rào tán thưởng.

Cũng tại lễ cưới tập thể, sáu cặp đôi đã được Liên đoàn lao động huyện, Hội liên hiệp Thanh niên huyện và tổ chức công đoàn của công ty trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và những phần quà gồm tiền mặt, vật dụng gia đình để chúc mừng hạnh phúc. Song món quà lớn ý nghĩa nhất là đại điện lãnh đạo công ty trao chìa khóa sáu căn phòng tập thể trong dự án làng công nhân của công ty cho các cặp đôi.

Sau lễ cưới, sau khi tiễn cha mẹ họ hàng về nhà khách công ty, Tuấn và Sim trở về căn phòng hạnh phúc. Nhìn căn phòng được trang trí đẹp mắt với bức ảnh cưới ấm áp treo trong phòng ngủ, Sim nắm chặt tay Tuấn nói:

- Em không dám tin đây là sự thật. Vậy là từ nay chúng ta đã có một mái ấm gia đình.

Tuấn gật đầu:

- Anh cũng thế! Đây sẽ là quê hương mới của hai chúng ta. Con cái của chúng ta sẽ ra đời và lớn lên ở đây.

Sim bẽn lẽn nép vào ngực chồng khi anh đặt lên môi cô một nụ hôn đầy tin yêu hy vọng. Phải! Sim sinh ra ở vùng cao, Tuấn sinh ra ở vùng biển. Nhưng giờ công ty đã là gia đình, thành phố trẻ này đã trở thành quê hương mới của hai vợ chồng. Sáu cặp vợ chồng hôm nay là những cư dân đầu tiên của làng công nhân. Và rồi ở làng mới sẽ có thêm những đứa trẻ chào đời.

Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Đinh Ngọc Hùng
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Những đường may cuộc đời

Ngô Nữ Thùy Linh |

Ba giờ sáng, xe chuyển bánh. Một vệt sáng dài, trượt ngang dãy phi lao trước mặt. Hàng cây gắn liền với tuổi thơ của chị. Rồi cứ thế mất hút lẫn sau ánh mắt buồn rười rượi.

Truyện ngắn dự thi: Ngôi nhà thứ hai

Nguyễn Thị Thanh |

Cơm nước xong đã lâu, ông bà ngoại đã lên bàn uống trà mà Hoài vẫn ngồi im bên mâm cơm. Nghĩ lại chuyện chiều nay, Hoài bất giác phì cười.

Truyện ngắn dự thi: Mùa yêu thương

Nguyễn Thị Hà |

Hân dừng lại trên một bài thi. Cả trang giấy thi dày đặc chữ, chữ rất nhỏ và rất khó đọc, nét gầy gầy mỏng mảnh dính vào nhau. Lại một học sinh nào đó đang thử thách lòng kiên nhẫn của cô giáo đây mà.

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Vụ 2 bà cháu tử vong vì cháy xe điện: Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Trước khi đi ngủ, anh D. cắm sạc pin chiếc xe điện 4 bánh, ai ngờ chỉ ít phút sau, chiếc xe bốc cháy khiến người con gái 5 tuổi và mẹ ruột bị thiệt mạng.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

Hương Nguyễn |

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Truyện ngắn dự thi: Những đường may cuộc đời

Ngô Nữ Thùy Linh |

Ba giờ sáng, xe chuyển bánh. Một vệt sáng dài, trượt ngang dãy phi lao trước mặt. Hàng cây gắn liền với tuổi thơ của chị. Rồi cứ thế mất hút lẫn sau ánh mắt buồn rười rượi.

Truyện ngắn dự thi: Ngôi nhà thứ hai

Nguyễn Thị Thanh |

Cơm nước xong đã lâu, ông bà ngoại đã lên bàn uống trà mà Hoài vẫn ngồi im bên mâm cơm. Nghĩ lại chuyện chiều nay, Hoài bất giác phì cười.

Truyện ngắn dự thi: Mùa yêu thương

Nguyễn Thị Hà |

Hân dừng lại trên một bài thi. Cả trang giấy thi dày đặc chữ, chữ rất nhỏ và rất khó đọc, nét gầy gầy mỏng mảnh dính vào nhau. Lại một học sinh nào đó đang thử thách lòng kiên nhẫn của cô giáo đây mà.