Truyện ngắn dự thi: Nụ cười

Ý Thu |

Chiều.

Buổi chiều hiếm hoi Ngân cho phép mình rảnh rỗi. Cô ngồi bên hiên cửa, cuốn sách cầm trên tay chưa vội giở. Mắt Ngân nhìn chăm chú vào khoảng vườn bên cạnh đầu hồi. Lũ chim có gì mà vui đến thế! Chúng nhảy nhót chuyền từ cành nọ sang cành kia. Hình như trên cây mít có một gia đình nhà chim, chim bố, chim mẹ đang dạy lũ chim con tập bay. Tiếng chích chi, líu ríu cứ vang lên không ngớt. Ngân chợt nghĩ đến mình. Trước đây gia đình Ngân cũng vui như thế. Bà nội, bố, mẹ và cậu em trai kém Ngân tận mười tuổi. Giờ thì chỉ còn Ngân và bà. Ngôi nhà từ ba năm trước đã không còn tiếng cười vui, đứng buồn tênh, bạc màu theo mưa nắng tháng năm.

Ba năm trước, khi Ngân vừa lên lớp 12, em trai Ngân cũng vào lớp 2. Bữa đó bố mẹ Ngân đưa em đi xuống phố. Bố mẹ chỉ bảo Ngân là đưa em đi có việc, khi về sẽ có quà bất ngờ cho Ngân. Nhưng lần đó, bố mẹ và em trai cô đi mãi không về. Một đôi nam nữ lạng lách phóng nhanh giữa dòng người xuôi ngược đã tông vào xe bố, rồi thì... Ngân không dám nghĩ tiếp. Lúc Ngân và bà nội xuống được bệnh viện thì bố mẹ và em trai đã không qua được rồi. Ngân lao đến ôm lấy từng người, gọi thật to. Bố, bố tỉnh dậy đi! Bin ơi, dậy đi, dậy về nhà thôi em. Mẹ ơi!... Bố, mẹ dậy đi, dậy đi cả nhà mình cùng về. Bố mẹ đã hứa khi về sẽ có quà bất ngờ cho con cơ mà... Ngân gào khóc, nước mắt giàn giụa, trước mắt cô mọi thứ đều mờ nhòa. Đau. Nỗi đau bóp chặt lồng ngực, quặn thắt. Ngoài cửa, bà nội không đứng nổi nữa. Đôi mắt mờ đục cứ mở trừng trừng nhìn về phía trước, chẳng một giọt nước mắt nào. Bà thẫn thờ. Nỗi đau không bật ra thành tiếng mà lặn cả vào trong lòng, cứa vào ruột gan bà. Bà chới với rồi bất ngờ đổ ụp xuống như một cái cây đã già cỗi bị bật gốc. Ngân vội chạy tới ôm lấy bà...

Nước mắt Ngân lăn dài trên hai gò má, cả khu vườn cứ nhòe đi.

- Mai xin nghỉ buổi làm được không cháu? Rồi bà cháu ta lên chùa.

Tiếng bà xua đi bầu không khí đặc quánh của ba năm trước đang vây bủa lấy Ngân. Cô vội lau nước mắt, quay lại đỡ bà ngồi xuống bậc thềm với mình.

- Sáng nay tan ca, cháu đã xin nghỉ rồi bà ạ. Sáng mai bà cháu mình đi sớm nhé. Cháu muốn ở đó lâu một chút.

Bà nhìn Ngân gật đầu, duỗi đôi chân về phía trước. Ngân đưa tay nắn bóp khắp ống chân cho bà.

- Có khó khăn gì không?

- Không bà ạ! Chỗ này không như bên công ty kia đâu. Chị quản lí tốt lắm.

- Ừ.

Bà gật đầu. Ngồi dựa lưng vào cột hiên, đôi tay lần túi áo lấy ra chiếc túi bóng, trong có đựng vài miếng trầu đã têm sẵn. Bà vừa thủng thẳng nhai trầu vừa nói:

- Ở hiền gặp lành cháu ạ!

Ngân vâng. Bà nội nhìn cháu gái gật đầu, nở nụ cười hiền hậu. Bà nhớ ngày con cháu gặp họa. Ngân chông chênh, suy sụp. Bà cũng như ngọn đèn khuya leo lét chỉ chực tắt. Ngân bỏ học. Mất một năm trời hai bà cháu sống lầm lũi như những chiếc bóng trong chính ngôi nhà của mình. Bà chỉ còn đứa cháu duy nhất là Ngân, bà không thể để Ngân như thế này mãi được, vậy là bà gượng dậy, tìm cách xoa dịu nỗi đau trong lòng của Ngân và của cả Bà.

Một thời gian sau, Ngân xin vào công ty may Thiên Phúc cách nhà chừng 5 ki-lô-mét. Hai tháng lương đầu tiên, Ngân dành hết để mua thêm chiếc máy may, lúc nào công ty nhiều hàng thì nhận về làm thêm. Vừa để tăng thu nhập, cái chính là Ngân không muốn mình có thời gian rảnh rỗi rồi lại nghĩ ngợi vẩn vơ. Nhưng làm ở đó được hơn một năm Ngân xin nghỉ, chuyển sang công ty Vạn An. Lương chẳng khác gì nhau mà lại phải đi xa hơn tới 2 cây số nhưng Ngân vẫn chấp nhận. Làm ở đây Ngân thấy thoải mái hơn nhiều. Từ chị Bích tổ trưởng tới quản đốc Lành, tới cả anh Tính - nhân viên thiết kế mẫu rập cũng rất thân thiện. Mọi người thương yêu và thông cảm cho nhau, cho Ngân. Chị Bích và anh Tính lúc nào cũng rất quan tâm đến Ngân, coi cô như em út trong nhà. Mỗi lần bà ốm, Ngân xin nghỉ ở nhà chăm sóc, chị Bích đều vui vẻ tạo điều kiện, còn dặn dò, động viên Ngân nữa chứ không gây khó dễ như mấy người bên Thiên Phúc. Ở đây cô cảm thấy ấm áp, thấy gắn bó như chính ngôi nhà của mình vậy. Ở đây, Ngân đã cười trở lại.

Đêm.

Đêm đối với Ngân luôn dài và sâu hun hút. Dù cô đã cố thức đến thật khuya, cố cho đến khi mình thật buồn ngủ mới lên giường tắt điện. Tưởng như đặt mình xuống là có thể chìm luôn vào giấc ngủ được. Nhưng thường Ngân phải trằn trọc mãi. Ngân cứ nhớ những đêm thằng em nằm ngủ bên cạnh mình. Nó thì thầm đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Có lúc khiến Ngân phì cười, cũng có khi Ngân buồn ngủ quá ngủ trước cả em lúc nào không hay. Vậy mà giờ muốn ngủ thì mắt lại cứ mở thao láo. Ngân cầm điện thoại, lướt đọc báo, lướt facebook. Bỗng cô thấy một người bạn chia sẻ trang thông tin của trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Đập vào mắt Ngân là dòng chữ in hoa “THÔNG BÁO TUYỂN SINH HỆ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN”. Ngân tò mò đọc hết. Hệ giáo dục thường xuyên của trung tâm học vào buổi tối. Tự nhiên Ngân thèm đi học. Hay là Ngân xin đi học tiếp. Ngân có thể vừa đi làm ban ngày, vừa đi học buổi tối.

Một buổi cuối tuần, hai bà cháu lại ngồi ở hiên cửa, Ngân nói ý định của mình. Bà cười gật đầu đồng ý. Bà còn giục Ngân nhanh nhanh thu xếp xin học. Ngân còn chưa kịp đi hỏi thì bữa sau, buổi chiều đi làm về đã thấy bộ hồ sơ xin nhập học để ngay ngắn trên bàn giữa phòng khách. Ngân ngạc nhiên, bà cười:

- Bà đã nhờ xe lên tận trường trung tâm để hỏi mua đấy. Cháu tranh thủ làm hồ sơ rồi đi nộp. Cái cô bán hồ sơ nói, học cái này vào ban đêm, ban ngày vẫn có thể đi làm bình thường được.

Bà lần túi áo định lấy miếng trầu thì tay đụng phải tờ giấy, vội lấy ra đưa cho Ngân:

- Ấy đây, bà quên khuấy đi mất. Cô ấy còn cẩn thận ghi số điện thoại vào đây này, bảo cháu có gì còn thắc mắc thì cứ điện cô ấy tư vấn cho. Người đâu mà tốt thế chứ.

Giờ giải lao của công ty, mấy chị em trong tổ đang ngồi ăn bánh mì, uống sữa (xuất ăn bồi dưỡng giữa buổi của công ty), Ngân nói chuyện mình muốn đi học lại cho xong cấp III. Cô e dè:

- Nhưng ở đây học ban đêm, mà công ty mình nhiều đơn hàng, lắm lúc phải tăng ca đêm...

Chưa kịp để Ngân nói hết câu, chị Bích đã cắt ngang:

- Thì mày nghỉ làm đêm chứ nhưng nhị gì. Có gì đã có chị Lanh, cứ nói với chị một tiếng, để chị ấy sắp xếp cho. (Chị nghển cổ gọi chị Lanh đang đứng phía xa nói chuyện với Tính, trên tay còn cầm mẫu rập) Chị Lanh ơi, xong việc chưa qua đây đi. Đem cả anh chàng đẹp trai đó qua luôn nhé.

Lanh và Tính vừa qua đến chỗ dãy bàn tổ Ngân đang ngồi, chị Bích đã nhanh nhảu:

- Tình hình là con bé Ngân có ý định đi học lại cho xong lớp 12, mà là học ban đêm. Ban ngày nó vẫn đi làm bình thường. Ban đêm chị sắp xếp cho nó nghỉ nhé. Năm sau học xong, đêm ngày gì của nó chị thoải mái định đoạt.

- Ủa chứ mày là gì của bé Ngân mà nó chưa nói mày đã thưa thớt vậy nhỉ? (Bà chị bên cạnh chọc).

- Thì là người dưng đấy, đã sao. Người dưng nước lã đem lòng mến thương, nhỉ, cậu Tính nhỉ! Đấy, xong buổi tối cậu Tính rảnh chạy qua trường chở nó về giùm. Từ nhà cậu lên đó còn gần hơn cả đến công ty mà. Chứ nó học xong cũng chín rưỡi tối, về đến nhà nửa đêm mất, có người đi cùng vẫn yên tâm hơn.

Ngân nghe chị Bích nói thì đỏ mặt. Cười ngượng ngùng:

- Chị này, em đi một mình được mà.

- Được là được thế nào. Con gái con đứa phơi phới thế kia, đêm hôm đường khuya vắng vẻ. Cậu Tính thấy có yên tâm được không?

Tính trả lời mà đôi mắt lại liếc nhìn Ngân:

- Việc chị Bích giao em nào dám chối. Chỉ sợ em Ngân không đồng ý thôi.

Chị Lành lên tiếng:

- Vậy chốt nha. Năm nay em Ngân sẽ nghỉ hoàn toàn ca đêm để đi học. Trong thời gian em Ngân đi học, cậu Tính có trách nhiệm hộ tống nhé. Chị em tôi nhờ cả vào cậu đấy.

Mỗi người một câu, khiến đôi má Ngân càng đỏ. Cô thẹn thùng, cúi nhìn xuống đôi bàn tay, tránh ánh mắt của Tính.

Nghĩ đến Tính, Ngân lại cảm thấy như hai má mình nóng lên. Ngân đi học đã được nửa kì. Từng ấy thời gian, mặc dù Ngân đã nói để Ngân tự đi về nhưng buổi nào ra đến cổng trường cũng đã thấy Tính đứng đợi ở đó. Hai tháng đầu, mỗi người đi một xe, nhưng giờ thì Ngân ngồi sau xe Tính. Tính bảo để anh đến chở em đi học, rồi chờ em về. Để em đi một mình, các chị mắng chết. Ngân ngượng ngùng.

Sáng.

Những ánh nắng tươi vui của ngày mới nhảy nhót trên sân. Gia đình nhà chim nhảy nhót trên cành, hót ríu ran. Cây lá cứ xào xạc trong gió nhẹ. Ngân thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhõm. Cô ngoái đầu vào trong nhà, bà vẫn cứ chùng chình chưa thay đồ để đi, cứ như đang chờ ai đó. Ngân định cất tiếng giục bà thì nghe tiếng xe.

- Anh Tính!

- Bà ơi! Cháu tới rồi ạ! (Tính nhìn Ngân cười khi gọi to vào trong nhà).

- Đến rồi hả cháu! Đây, hai đứa đi đi.

Bà dúi giỏ bánh hai bà cháu làm từ sớm vào tay Ngân. Ngân còn tròn mắt chưa hiểu làm sao thì bà nói:

- Đi nhanh cho sớm. Nay bà còn có việc, bà nhờ cậu Tính đến chở cháu đi. Hai đứa đi đi. Trưa Tính về đây ăn cơm luôn nhé cháu.

- Vâng bà.

Hai người đang chuẩn bị đi thì Tính có điện thoại. Tính bật màn hình zalo, bật loa ngoài:

- Báo cáo các chị, em đang ở nhà Ngân rồi.

- Này, cậu đưa em chúng tôi đi đến nơi, về đến chốn đó nha.

- Việc đó các chị khỏi lo.

- Tiện lên chùa cầu duyên luôn nhé.

Tiếng mọi người cười phá lên vui vẻ. Ngân bẽn lẽn, xách giỏ bánh ra xe trước, trong lòng cảm thấy ấm áp. Nắng chiếu hồng đôi má Ngân. Gió đùa vui cành lá, thổi tung cả mái tóc ngang vai của Ngân. Tính chợt ngẩn người khi bắt gặp Ngân đưa tay vén gọn những sợi tóc sang bên tai.

- Mình đi thôi em. Mai đi làm nhớ báo cáo các chị là anh hoàn thành tốt nhiệm vụ nhé.

Ngân tủm tỉm cười. Đưa tay bám lấy ngang thắt lưng Tính. Các anh chị yêu thương Ngân như người thân vậy và Vạn An chính là nhà.

Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Ý Thu
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Thợ gầm

Bùi nguyên Ngọc |

Tôi rời làng quê lên thành phố làm thợ. Không biết run rủi thế nào lại chọn đúng cái nghề thợ gầm (thợ gầm là cái tên dân dã chúng tôi thường gọi). Tổ thợ chúng tôi có ba người: Tôi, bác Đạt, cậu Chiến. Bác Đạt hơn tuổi tôi gần một con giáp, cậu Chiến là người ít tuổi nhất. Cái tên Chiến là do ông bố đặt, khi cậu được sinh ra sau chiến tranh. Ông bố đặt tên Chiến, chắc là để nhớ đến những tháng ngày chiến đấu ở mặt trận phía nam.

Truyện ngắn dự thi: Thưởng Tết

Vũ Thị Huyền Trang |

Năm nào cũng vậy, chưa đến đầu tháng chạp là Thương đã hỏi chồng câu ấy. Cũng phải, bao nhiêu khoản nợ nần, chi tiêu trông chờ cả vào lương thưởng. Chưa kể năm nay làm ăn buôn bán khó khăn. Thời buổi lạm phát vào tận mâm cơm từng gia đình nên việc chạy chợ của Thương có nhiều khi còn phải bù lỗ.

Truyện ngắn dự thi: Về lại mỏ

Ý Thu |

Doanh bực dọc đứng dậy, quăng điếu thuốc đang hút dở xuống sông. Hắn lững thững đi dọc boong tàu, nhạt miệng, nhổ vu vơ xuống dòng nước đục lờ lờ chảy phía dưới. Thế là đi tong gần tuần chẳng được gì. Về thì dở, ở cũng không xong. Tính ra như mấy tháng trước, làm ngon. Tháng này, đen đủi quá.

Tài chính thông minh: Cơ hội để mắc ung thư vẫn có thể mua bảo hiểm

Nhóm PV |

Khi đã mắc các căn bệnh hiểm nghèo thì 99% sẽ không thể tham gia được bảo hiểm. Tuy nhiên trong số Tài chính thông minh hôm nay, ông Trần Mạnh Hoàng Việt - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ một số trường hợp mà công ty bảo hiểm có thể xem xét đánh giá quyết định thực hiện việc bảo vệ.

Nga sẽ coi F-16 ở Ukraina là mối đe dọa hạt nhân

Thanh Hà |

Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, Nga không thể bỏ qua khả năng hạt nhân của máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế dự kiến được cung cấp cho Ukraina.

Cựu Chủ tịch Công ty AIC bị đề nghị truy tố liên quan đấu thầu ở Quảng Ninh

Việt Dũng |

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC và anh trai cùng nhiều bị can khác vừa bị đề nghị truy tố trong vụ án sai phạm đấu thầu tại Sở Y tế Quảng Ninh.

Cần có quy định về khí thải, lộ trình chuyển đổi phương tiện kinh doanh

PHẠM ĐÔNG |

Ngày 13.7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ.

Cắm trại trên Mũi Trèo - miền biển đẹp du khách ít biết ở Quảng Trị

Bích Ngọc |

Đến Quảng Trị, ngoài tham quan những điểm đến lịch sử hay di tích lâu đời, du khách đừng quên khám phá Mũi Trèo nơi biển xanh yên bình của tỉnh miền Trung này.

Truyện ngắn dự thi: Thợ gầm

Bùi nguyên Ngọc |

Tôi rời làng quê lên thành phố làm thợ. Không biết run rủi thế nào lại chọn đúng cái nghề thợ gầm (thợ gầm là cái tên dân dã chúng tôi thường gọi). Tổ thợ chúng tôi có ba người: Tôi, bác Đạt, cậu Chiến. Bác Đạt hơn tuổi tôi gần một con giáp, cậu Chiến là người ít tuổi nhất. Cái tên Chiến là do ông bố đặt, khi cậu được sinh ra sau chiến tranh. Ông bố đặt tên Chiến, chắc là để nhớ đến những tháng ngày chiến đấu ở mặt trận phía nam.

Truyện ngắn dự thi: Thưởng Tết

Vũ Thị Huyền Trang |

Năm nào cũng vậy, chưa đến đầu tháng chạp là Thương đã hỏi chồng câu ấy. Cũng phải, bao nhiêu khoản nợ nần, chi tiêu trông chờ cả vào lương thưởng. Chưa kể năm nay làm ăn buôn bán khó khăn. Thời buổi lạm phát vào tận mâm cơm từng gia đình nên việc chạy chợ của Thương có nhiều khi còn phải bù lỗ.

Truyện ngắn dự thi: Về lại mỏ

Ý Thu |

Doanh bực dọc đứng dậy, quăng điếu thuốc đang hút dở xuống sông. Hắn lững thững đi dọc boong tàu, nhạt miệng, nhổ vu vơ xuống dòng nước đục lờ lờ chảy phía dưới. Thế là đi tong gần tuần chẳng được gì. Về thì dở, ở cũng không xong. Tính ra như mấy tháng trước, làm ngon. Tháng này, đen đủi quá.