Truyện ngắn dự thi: Mùa yêu thương

Nguyễn Thị Hà |

Hân dừng lại trên một bài thi. Cả trang giấy thi dày đặc chữ, chữ rất nhỏ và rất khó đọc, nét gầy gầy mỏng mảnh dính vào nhau. Lại một học sinh nào đó đang thử thách lòng kiên nhẫn của cô giáo đây mà.

Kinh nghiệm cho thấy những bài viết kiểu như thế này thường không được điểm cao, mạch ý chưa nổi bật, lập luận không sáng rõ. Hân luôn dặn học trò, viết bài văn nghị luận phải có bố cục rõ ràng, ngoài mở bài, kết bài được viết thành đoạn riêng, phần thân bài cũng phải tách thành các đoạn nhỏ, mỗi đoạn triển khai một ý nhỏ.

Thế mà đến lúc làm bài thì lại chứng nào tật nấy. Cứ cắm cổ viết tràng giang đại hải chẳng cần biết bố cục dàn ý là gì. Bực mình, Hân cho luôn 1,5 điểm. Phần viết tối đa 4 điểm, cho từng ấy là thoáng lắm rồi, mở bài, thân bài, kết bài ở đâu cô còn chưa nhìn thấy! Chữ nghĩa như thế thì mắt mũi nào mà dịch cho ra! Cộng tổng điểm toàn bài ghi vào phiếu chấm xong, Hân kéo bài thi bỏ sang phía bên trái.

Bất giác, một cảm giác khó chịu dội lên trong lòng cô, nửa như tò mò, nửa như áy náy. Bài thi chữ xấu ấy nhất định không phải là học trò của Hân. Hân chưa từng đọc bài nào của em, thậm chí chưa từng gặp em bao giờ, biết đâu em có những ý hay, thú vị mà cô lại bỏ lỡ. Đây là là bài thi cuối kỳ tính hệ số 3, không thể chấm ẩu được. Nghĩ thế, Hân lại quay sang, cầm lấy bài thi và cố gắng đọc lại một lần nữa.

Vừa dịch vừa đoán được một đoạn thì các con chữ lít nhít bỗng như nhảy múa trước mắt Hân, những vệt chữ đen mờ hùa vào nhau uốn lượn rồi nhòe đi khiến Hân không thể đọc tiếp được nữa. Đôi mắt lại biểu tình rồi. Gần đây, Hân thấy mắt mình kém hẳn, nhìn xa thì vẫn rõ nhưng gần thì cứ phải nheo mắt lại, trang sách giáo khoa ngay trước mặt mà đọc không ra. Cuối tuần này phải xuống thị trấn đi cắt cái kính mới được. Cái Hảo dạy Địa lý, ở cùng phòng ký túc với Hân khi mới về trường còn đeo kính lão từ năm kia. Ừ nhỉ! Ngoài bốn mươi rồi còn gì! Còn đâu đôi mắt chuẩn mười trên mười của cô sinh viên khoa văn từng đọc cả kho sách trên thư viện trường đại học ngày xưa nữa...

Mà hình như thời gian không chỉ để lại dấu vết trên đôi mắt. Trong Hân, cái cảm giác háo hức khi đọc những bài văn của học trò dường như đã lặng lẽ tan như tia nắng cuối mùa lịm dần đi ở cuối vòm trời khi từng đợt gió mùa đông bắc lạnh lùng kéo xuống, để lại gánh nặng mang tên chấm bài oằn trĩu trên vai.

Đã bao lần Hân tự nhắc mình phải chấm cho xong mấy tập bài để kịp trả bài theo phân phối chương trình, rồi vào điểm trên cơ sở dữ liệu kịp tiến độ. Trên bài kiểm tra của học sinh, con số đỏ chót chơ vơ, lạnh lẽo trong ô điểm, còn mục lời phê của cô giáo thường bỏ trắng hoặc có vài ba chữ phê lấy lệ. Hân thấy mình bị cuốn đi giữa bao nhiêu công việc, chẳng còn thời gian đâu mà chăm chút tỉ mẩn đọc và nhận xét kỹ cho trò.

Năm nay Hân dạy chương trình mới. Từ đầu năm học, Hân đã vùi đầu vào sách vở, máy tính. Xây dựng cho ra một cái phân phối chương trình hợp lý đã đủ mù mắt, rối não. Rồi làm kế hoạch giáo dục cá nhân, kế hoạch thu học phí, lập danh sách tham gia các loại bảo hiểm, danh sách tham gia các cuộc thi, theo dõi các khoản thu nạp, rồi còn dạy chuyên đề, dạy thể nghiệm, còn chương trình giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp nữa...

Chương trình mới, sách giáo khoa mới, bài học nào cũng mới, gần như đêm nào Hân cũng phải thức soạn bài đến khuya. Thế mà cũng có hôm kiến thức chưa kịp ngấm, ngay cái tên bài Hân còn ghi sai nữa. Lớp chủ nhiệm mới vào trường nên đầu năm còn lơ ngơ, vụng dại, luôn phải theo sát, nhắc nhở hàng ngày. Cẩn thận lắm rồi mà Hân cũng sơ sẩy suốt, lúc thì quên phê sổ đầu bài điện tử, chậm cập nhật điểm trên cơ sở dữ liệu, có khi còn quên luôn cả tiết dạy hay lịch họp trên trường... Một học kỳ sắp sửa trôi qua, nhiều lúc Hân cảm giác đuối sức, không theo kịp yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Điện thoại rung lên báo có tin nhắn Zalo. Chị Oanh hỏi Hân đã suy nghĩ xong chưa. Mấy hôm lu bu làm đề thi, coi thi rồi chấm thi cuối kỳ, Hân quên mất. Chị Oanh học trên Hân hai khóa ở trường sư phạm, là một cô giáo rất tâm huyết và thành công. Chị bồi dưỡng học sinh giỏi khóa nào cũng đạt giải cao, thơ và truyện của chị cũng khá nổi trong làng văn nghệ. Hiện chị là tổ trưởng tổ Ngữ văn của một trường có tiếng trong tỉnh, đồng thời là giáo viên cốt cán của Sở. Hân luôn coi chị là tấm gương để noi theo.

Hôm trước, chị nhắn tin hỏi thăm Hân về công việc, gia đình. Hai chị em trò chuyện rất lâu. Chị bảo sau hai mươi năm tận hiến cho nghề giáo, bây giờ chị muốn chăm lo nhiều hơn cho đời sống gia đình. Chị lấn sân sang kinh doanh, bán bảo hiểm nhân thọ và thực phẩm chức năng. Tất nhiên chị không bao giờ nhắm mắt kiếm tiền, phải tìm hiểu và lựa chọn công ty uy tín và sản phẩm chất lượng để gắn bó lâu dài. Nếu Hân muốn thì cùng làm với chị, vừa thêm trải nghiệm mới, vừa cải thiện phần nào đời sống gia đình.

Nghe chị nói, tự nhiên Hân thấy nghèn nghẹn ở cổ. Hân biết cuộc sống của chị cũng vất vả. Chồng chị là giáo viên dạy thể dục cùng trường, ông bà nội ngoại đều đã già, vài đồng trợ cấp không đủ tiền thuốc thang khi đau ốm. Chị bảo với Hân, chị yêu nghề giáo và không bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề. Ngay cả khi bây giờ nghề tay trái mới là nguồn thu nhập chính của chị, chị cũng vẫn đi dạy bằng cả tâm huyết của mình. Hân tin chị, yêu chị! Nhưng Hân tiếc lắm, xót lắm! Giá như chị không phải lo cơm áo, không vướng bận việc gia đình! Giá như chất giọng ngọt ngào và ánh mắt say sưa, tâm hồn thanh khiết ấy hoàn toàn thuộc về lớp học...

Hân biết, đời người ngắn ngủi lắm, vừa phơi phới sức xuân đó, ngoảnh đi ngoảnh lại đã sang thu. Mùa đông cuộc đời của chị Oanh, của cả Hân nữa, sắp đến rồi. Vậy mà, chị không thể toàn tâm toàn ý sống với đam mê. Trong trường Hân cũng có rất nhiều thầy cô giáo phải chân trong chân ngoài như thế. Cô Mai khéo nấu ăn có một quán ăn vặt nhỏ, thầy Phú thể dục mở lớp dạy bơi, dạy đá bóng, dạy cờ vua cho trẻ em, cô Hoa thì làm MC, thầy Cảnh tin có cái kiốt photocopy và sửa chữa máy vi tính, cô Nhân hóa cho thuê trang phục văn nghệ, và nhiều người nữa bán hàng online, từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép đến thực phẩm, đồ gia dụng... Nhiều nhất là bán bảo hiểm, có lẽ cả trường Hân phải có cả chục người làm tư vấn viên cho các hãng. Biết bao nhiêu đồng nghiệp của Hân đang vật lộn với gánh nặng mưu sinh để tiếp tục sứ mệnh của người gieo chữ!

Rồi Hân nghĩ đến mình. Vợ chồng Hân ở cùng bố mẹ chồng. Ông bà làm nông, dốc sức nuôi chồng Hân và hai cô em gái ra nghề thì cũng đã mắt mờ chân chậm, gia sản chẳng còn gì ngoài căn nhà nhỏ và mảnh vườn với mấy sào ruộng. Các bác trong xóm mỗi lần đến nhà uống ước chè xanh đều khen ông bà có phước, con cái học giỏi, có công ăn việc làm đàng hoàng. Ở trường, nhiều đồng nghiệp cũng bảo Hân có số lấy chồng, có nhà có đất, bố mẹ chồng lại hiền lành, phụ giúp trông con.

Cuộc sống của Hân tuy không giàu có, đủ đầy về vật chất nhưng được cái êm đềm bình lặng. Vốn giản dị, tiết kiệm, quen chắt lót từ nhỏ, Hân cũng hài lòng với cuộc sống bình dị, ấm áp của mình. Hân vẫn luôn tin rằng chỉ cần có sức khỏe, một công việc để làm, một gia đình để yêu thương là hạnh phúc. Nhưng mấy tháng nay, Hân hay băn khoăn suy nghĩ.

Lúc trưa, trong giờ cơm, thằng cu Phúc buột miệng bảo bọn bạn con giờ toàn đi xe điện, con đi xe đạp một mình buồn lắm. Nó học khá tiếng Anh, Hân muốn cho con học thêm một khóa giao tiếp ở trung tâm Anh ngữ mà học phí cao quá. Còn bố chồng, vừa đi viện Đông y về vì thấp khớp và thoái hóa cột sống, ông cứ nhắc nhỏm luôn về cái xe đạp tập vận động của bệnh viện. Bao nhiêu khoản phải lo trong khi giá cả thì cứ tăng lên mãi. Tiền lương vừa chuyển vào tài khoản, chưa kịp ấm chỗ đã chia năm xẻ bảy. Một phần nuôi sinh viên ăn học ngoài Hà Nội, hai phần để ăn tiêu trong nhà, còn một phần lo hiếu hỷ, ốm đau. Chả mấy chốc mà hết veo. Tiền dạy thêm cả học kỳ của Hân cũng chỉ khỏa lấp phần nào chỗ thiếu trước hụt sau hằng tháng...

Chống tay lên tập bài chấm dở, Hân bần thần. Quanh Hân, có bao cô giáo vừa giỏi việc trường, đảm việc nhà, lại còn có duyên kinh doanh đó. Hân cũng muốn thử sức nhưng cũng ngại mình không kham nổi. Việc trường lớp ngày càng áp lực, mà Hân thì chưa buôn bán cái gì bao giờ. Gõ rồi lại xóa dòng tin nhắn trên Zalo, cuối cùng Hân quyết định nhấn nút gọi, nói thật suy nghĩ của mình với chị Oanh rồi mong chị thông cảm.

Chị cười bảo:

- Không sao đâu, chị hiểu em mà. Hôm sau giãn việc trường, hoặc hè có thời gian hơn thì cứ gọi chị, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu đâu em.

Chào chị rồi, Hân quyết định tập trung để chấm nốt tập bài, trước hết là đọc lại bài văn chữ xấu trước mặt. Hóa ra bài viết cũng không đến nỗi tệ, nhìn kỹ cũng có mở bài, kết bài riêng. Xác định trọng tâm vấn đề nghị luận cũng chuẩn, trình tự lập luận cũng khá ổn, chỉ tiếc là em không tách các đoạn văn cho rõ ràng. Giọng điệu thuyết phục vừa gần gũi, ôn tồn vừa quyết liệt. Hẳn là tác giả đã rất tâm đắc với tình huống được đặt ra trong đề bài: khuyên một người bạn từ bỏ thói quen trì hoãn.

Đằng sau nét chữ thậm xấu và lối trình bày cẩu thả thỉnh thoảng lại có những câu văn rất sắc sảo: “Mình từng nếm trải cảm giác khó chịu khi trì hoãn việc học để vui chơi. Có một tảng đá cứ đè nặng trong ngực khiến mình không thể vui vẻ một cách trọn vẹn”; “Tiếp tục giữ thói quen trì hoãn có nghĩa là bạn đang lãng phí tuổi thanh xuân và bỏ qua nhiều cơ hội để tiến lên từng ngày”...

Bài không có điểm về chính tả, ngữ pháp nhưng vẫn có 0,25 điểm sáng tạo. Tổng điểm của bài phải là 2,75 chứ không phải là 1,5 như Hân chấm lúc đầu. May quá, suýt chút nữa con điểm vô tâm của Hân đã làm nhụt chí một cậu học trò. Phải tìm hiểu xem em học sinh này học lớp nào để còn nhắn giáo viên nhắc nhở em ấy luyện thêm chữ viết và xây dựng bố cục bài viết rõ ràng, chặt chẽ hơn. Sửa lại điểm trên bài, lòng Hân dậy lên cảm giác ấm áp, tựa hồ như có ánh mắt trong veo của cậu học trò đang nhìn Hân, yêu thương, trìu mến. Hân chợt nhận ra niềm vui chấm bài vẫn vẹn nguyên trong mình, chỉ là đôi lúc nó bị át đi trước bộn bề công việc.

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong Hân, cô sẽ làm một việc gì đó để cái Tết này của lớp chủ nhiệm thật đặc biệt và ý nghĩa. Kỳ thi cuối kỳ đã qua, cô trò sẽ thực hiện một dự án thiện nguyện nho nhỏ để các em được trải nghiệm và học cách sẻ chia. Cả lớp sẽ nhập hương trầm về bán. Khoản tiền kiếm được sẽ dành để mua một món quà nhỏ tặng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Nghĩ đến cái Tết sum vầy và ấm áp, giữa đêm đông tĩnh lặng, Hân như nghe thấy tiếng mầm xanh cựa mình trong đất, cây đào ngoài cửa sổ đang âm thầm dồn sắc thắm vào từng cái nụ bé xinh.

Một mùa yêu thương đang đến thật gần...

Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Nguyễn Thị Hà
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Hơi ấm tình người

Ý Thu |

- Cô Hương có ở nhà không nhỉ?

Hương đang ở vườn bưởi phía sau nhà, nghe tiếng gọi, cô vội lật đật đi vào sân. Vào đến sân, cô đứng sững lại vì ngạc nhiên. Bỗng Hương trở nên lúng túng:

- Các anh, chị... đến... đến...

Truyện ngắn dự thi: Bản tình ca lao động

Bùi Nguyên Ngọc |

1/ Quán nước nằm ở vỉa hè phố Hàng Bụt. Bà chủ quán khéo chọn địa điểm để mở quán, nó vừa ở cạnh hai ba cơ quan xây dựng, lại vừa kín đáo. Phía trước là nhà chờ xe buýt, bên trái là cái cột điện, bên phải là cổng chung cư số 10 Hàng Bụt. Cổng chung cư có hai ba anh xe ôm ngồi chờ đón khách, khi chưa có khách họ đều vào quán gọi vài chén nước nóng, một điếu thuốc dắt tai.

Truyện ngắn dự thi: Tết của Hạnh Phúc

Ngô Đức Quang |

Thằng Phúc làm nghề chạy xe ôm còn vợ nó là công nhân may. Thời buổi công nghệ hiện đại mấy nghề nó làm chịu nhiều thua thiệt. Xe người ta đi xe công nghệ với taxi hết. Những nơi đông khách như bến xe, nhà ga thì địa bàn đã có người bao trùm hết cả dễ gì chen chân vào. Mấy người như nó chạy lẻ tẻ khi được ít đồng khi ngồi bơ.

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Vụ 2 bà cháu tử vong vì cháy xe điện: Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Trước khi đi ngủ, anh D. cắm sạc pin chiếc xe điện 4 bánh, ai ngờ chỉ ít phút sau, chiếc xe bốc cháy khiến người con gái 5 tuổi và mẹ ruột bị thiệt mạng.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

Hương Nguyễn |

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Truyện ngắn dự thi: Hơi ấm tình người

Ý Thu |

- Cô Hương có ở nhà không nhỉ?

Hương đang ở vườn bưởi phía sau nhà, nghe tiếng gọi, cô vội lật đật đi vào sân. Vào đến sân, cô đứng sững lại vì ngạc nhiên. Bỗng Hương trở nên lúng túng:

- Các anh, chị... đến... đến...

Truyện ngắn dự thi: Bản tình ca lao động

Bùi Nguyên Ngọc |

1/ Quán nước nằm ở vỉa hè phố Hàng Bụt. Bà chủ quán khéo chọn địa điểm để mở quán, nó vừa ở cạnh hai ba cơ quan xây dựng, lại vừa kín đáo. Phía trước là nhà chờ xe buýt, bên trái là cái cột điện, bên phải là cổng chung cư số 10 Hàng Bụt. Cổng chung cư có hai ba anh xe ôm ngồi chờ đón khách, khi chưa có khách họ đều vào quán gọi vài chén nước nóng, một điếu thuốc dắt tai.

Truyện ngắn dự thi: Tết của Hạnh Phúc

Ngô Đức Quang |

Thằng Phúc làm nghề chạy xe ôm còn vợ nó là công nhân may. Thời buổi công nghệ hiện đại mấy nghề nó làm chịu nhiều thua thiệt. Xe người ta đi xe công nghệ với taxi hết. Những nơi đông khách như bến xe, nhà ga thì địa bàn đã có người bao trùm hết cả dễ gì chen chân vào. Mấy người như nó chạy lẻ tẻ khi được ít đồng khi ngồi bơ.