Truyện ngắn: Bàn tay ông Lê Lợi

hoàng khôi |

Lời toà soạn: Năm Mậu Tuất 1418, tại Hội thề ở Lũng Nhai đã chính thức phất cờ khởi nghĩa mang tên Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu. Suốt 10 năm nếm mật nằm gai, Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đã đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác để năm Mậu Thân 1428, bản “Bình Ngô Đại cáo “khẳng định “Bốn phương biển cả thái bình”. Năm 2018, tròn 600 năm ngày khởi nghĩa Lam Sơn, toà soạn xin giới thiệu một truyện ngắn của Hoàng Khôi về đề tài này.

 
 
Trời đổ sang chiều, nắng xiên khoai gay gắt. Đồng rộng và vắng vẻ. Dưới bóng đa đầu làng, bà hàng nước uể oải ngồi trông hàng, bàn tay cầm một cành cây phẩy phẩy xua ruồi trên mấy chiếc bánh kê. Cạnh bà là cậu con trai. Trần Soi đang chăm chút một con chim mồi. Đó là một con vàng anh lông mượt đã bị buộc chân vào sợi dây nhỏ đang bay lên, sà xuống chiếc nạng gỗ trong tay cậu bé.

Đây là con chim mồi đẹp nhất của Soi, con chim đã từng làm cho bọn trẻ cả làng Xuân Lôi này phải thèm thuồng, ghen tị vì tiếng hót gọi bầy của nó lảnh lót khiến không lần nào đi đơm, đi bắt vàng anh mà Trần Soi lại chịu về không. Nhiều đứa trong lũ bạn của Soi đã gạ đổi, gạ mua, nhưng Soi chỉ hứa là sẽ đổi cho đứa nào có chó nòi để cậu thực hiện cái ước ao được dạy chó săn chim, bổ sung cho cái nghề bắt chim của bố con nhà cậu nhưng chẳng đứa bạn nào có được một con chó săn cho ra mẽ cả.

Tuy vậy Soi không phải là một đứa ích kỷ. Nó quý chim mồi, nhưng cũng sẵn sàng cho bạn mượn vào những buổi nó không đi đơm chim, cho nên bạn bè, đứa nào cũng quấn quýt với nó.

Chiều nay Trần Soi đã hẹn với lũ bạn là sẽ sang bên kia sông Trà tìm lùm bãi để đơm chim. Song trời còn nắng quá, chẳng thấy bóng dáng một đứa nào phía bờ sông cả. Soi đành ngồi ở hàng nước chờ. Thỉnh thoảng, sốt ruột, cậu lại nheo mắt nhìn ra ngoài bến, nhưng miệng vẫn không quên huýt sáo cho con chim mồi tập hót.

Một người đàn ông to lớn đột ngột bước vào hàng khiến Trần Soi giật nảy mình đến nỗi dừng cả huýt sáo. Cậu không kịp nhận biết người ấy đến đây từ ngả nào, thì bác ta đã ngồi vào chiếc ghế tre trước mặt mẹ. Và bà mẹ, theo thói quen đã múc ngay một gáo nước chè xanh vào cái bát đất to tướng trước mặt khách.

Người khách chưa cầm bát nước, bác ta có vẻ thận trọng đưa mắt nhìn ra phía đường, rồi hơi ngập ngừng hỏi mẹ:

- Bà... Bà có cách nào giúp tôi.. thoát... Tôi bị giặc đuổi.

Mấy tiếng cuối cùng người khách nói nhanh và rất nhỏ, nhưng bà mẹ và cậu bé Soi đều nghe rõ. Cả hai người đều hết sức bất ngờ. Nhất là Trần Soi. Cậu không hiểu tại sao người này lại có thể bình tĩnh được trước một chuyện nghiêm trọng và cấp bách đến như vậy.

Nhưng bà mẹ Soi cũng chỉ thoáng lúng túng một chút. Bà nhìn kỹ người khách lạ, rồi rất nhanh với tay nhặt chiếc nón cũ của mình kề bên chụp lên đầu bác ta.

- Bác mau tắt đồng ra sông lội qua mà thoát. Đây... Đi phía này...

Người khách vội đứng lên, không kịp cảm ơn, bước khỏi căn lều lụp xụp. Trần Soi cũng vụt dậy:

- Cháu... Cháu dẫn bác cho nhanh.

Cậu đưa mắt nhìn mẹ như ý xin phép và rảo bước theo. Bà mẹ còn dặn với:

- Thầy đang ở ngoài đó. Con nói với thầy giúp bác.

Hai cái bóng, một lớn, một bé vụt đi. Bà mẹ nhìn theo, chép miệng thở dài.

- Trời có biết cái cảnh dân lành điêu linh cơ khổ vì giặc giã này không? Thật là từ ngày “họ” vào đây, bữa nào cũng xảy ra cảnh bắt bớ, đánh đập, đầu rơi máu chảy!

* * * Đưa được người khách lạ chạy giặc ra ngoài đồng để bố tìm cách giấu, Trần Soi hấp tấp trở lại hàng của mẹ ngay. Cậu ta vừa sực nhớ ra một điều hết sức quan trọng: Cái bát nước chè xanh mẹ múc ra, bác ấy chưa kịp uống!

- Không biết bọn giặc đã đến chưa? Nếu chúng phát hiện ra bát nước thì chết cả.

Soi chạy không kịp thở về đến hàng của mẹ. Cậu cũng đã nhìn thấy một tốp lính đang rảo bước gần tới chỗ gốc đa. Soi nhảy đại vài bước nữa cho nhanh đến trước chiếc chõng che bầy hàng. Bát nước vẫn còn nguyên. May quá! Soi vội bưng lên, uống ừng ực. Cậu ta thở hồng hộc nên vừa uống vừa ho sặc sụa, và vì chạy vội nên chân tay líu ríu, cái bát bật văng ra, rơi xuống vỡ tan.

Đúng lúc ấy một tốp lính giặc xuất hiện trước mặt hai mẹ con cậu. Bà mẹ của Soi bây giờ mới nhận ra sơ suất của mình đã được cậu con trai sửa chữa một cách hấp tấp. Nhưng bà nhanh ý nên nhân đó dùng luôn cành cây đang cầm thẳng tay vút cho Soi hai roi. Vừa đánh con, bà vừa mắng té tát:

- Đồ hậu đậu, mày chỉ biết đổ tiền đổ của của tao. Chiều nay thì đừng có mà ăn cơm nữa.

Trần Soi biết ngay là mẹ đánh mình để che mắt giặc, nhưng bị hai roi đau quá, cậu cũng phải rơm rớm nước mắt và xịu hẳn mặt lại. Mẹ cậu vẫn tiếp tục la mắng không để ý gì đến lũ lính đã đến gần. Một thằng trong bọn lính lên giọng hỏi bà:

- Mụ có thấy một thằng to lớn chạy qua đây không?

Mẹ Soi làm như bộ còn quá tức giận con, vẫn vừa mắng cậu, vừa trả lời bọn chúng:

- Dạ bẩm các quan, không có ai ngoài cái thằng “phá gia chi tử” kia ạ!

Vừa nói, bà vừa dứ dứ cái roi vào mặt Soi.

- A, con mụ này láo! Mày nói chuyện với chúng ông hay mày nói với con mày đấy?

Một thằng sừng sộ quát lên.

- Dạ, thất lễ các quan. Quả là không có người nào chạy qua đây đâu ạ.

Người mẹ vẫn tỏ vẻ sợ sệt.

- Bảo cho mà biết, mẹ con mụ mà nói láo thì coi chừng cái đầu đó.

- Dạ, thật là từ trưa tới giờ vẫn chưa có người nào đi qua ngả này. Chúng tôi mà gian trá thì xin các quan cứ xử thôi ạ.

Lũ giặc hùng hổ sục sạo một hồi lâu. Một vài thằng chăm chú nhìn mẹ con Soi, tìm trên nét mặt họ xem có gì đáng ngờ, nhưng chúng chẳng phát hiện được điều gì cả. Chỉ có mỗi một điều là con vàng anh của Soi không biết vì sao tự dưng lại hót lên một hồi dài. Tiếng hót ấy đã làm cho một thằng lính thích thú. Nó liền giật lấy cả chiếc nạng lẫn con chim xách luôn đi. Soi tiếc con chim vội bật dậy:

- Của tôi. Trả đây!

Nhưng tên lính không nói năng lời nào, lẳng lặng quay lại đạp cậu một cái. Soi ngã lăn ra đất, còn cả bọn chúng thì cười rộ lên, chế giễu và kéo nhau tiếp tục đi truy lùng.

Bị cú đạp mạnh, Soi khóc thực. Nhưng không phải vì đau mà vì tiếc con chim.

Bao nhiêu công chăm chút nó mới thành được một con chim mồi, thế mà chỉ chớp mắt bị cướp đi không có cách nào đòi được. Soi càng nghĩ càng căm tức. Cậu bỗng ước ao mình được khoẻ như ông Gióng để mà quật chết cái bọn ăn cướp ấy. Nhưng lúc đó cậu sực nhớ tới người khách lạ. Không biết bác ấy đã thoát được chưa?

Ý nghĩ ấy cứ ám ảnh mãi Trần Soi khiến cho cậu nguôi dần chuyện con chim mồi bị mất.

* * * Bữa cơm tối hôm ấy cậu bé Trần Soi lại gặp một chuyện bất ngờ nữa. Người khách lạ chạy giặc vẫn chưa đi khỏi làng, trái lại bác ta còn trở về nhà cùng bố Soi và ăn cơm với cậu. Bác ấy vẫn bình tĩnh, ung dung như chẳng hề có chuyện gì xảy ra cả. Đã thế thấy Trần Soi quên cả và cơm, cứ chăm chăm nhìn mình, bác ta còn gắp cho cậu một đũa tép to tướng bỏ vào bát mà đùa:

- Ăn đi chứ! Cậu tưởng tôi bị chúng nó chặt đầu hồi chiều rồi bây giờ hiện hồn về đây đấy à?

Bấy giờ Soi ta mới ngớ cả người ra, bẽn lẽn và cơm mà trong bụng thì thầm phục bác ta thật là “gan to mật lớn”.

Soi tò mò muốn biết chuyện bác ta vì sao phải trốn giặc, nhưng cậu vẫn còn e dè, không dám hỏi. Mãi tới khi xong bữa. Soi đã có vẻ quen quen định cất tiếng thì bố đã nhắc cả hai mẹ con:

- Việc hồi chiều và chuyện nhà ta có khách đêm nay đừng ai hỏi han gì cả. Sau này tôi sẽ nói cho nghe. Nhất là thằng Soi, bép xép là chết cả nhà đấy.

Thế là Soi ta tịt, không dám nói năng gì nữa.

Bố và người lạ nói chuyện rất khuya. Trần Soi ngủ trong buồng với mẹ. Cậu lắng tai nhưng chỉ nghe những tiếng rì rầm. Sau đó cậu lăn ra ngủ lúc nào không biết.

Cho đến khi Soi tỉnh dậy thì trời sáng từ lâu. Bố đã ra đồng và người khách thì cũng đã đi từ lúc nào không biết.

* * * Từ dạo đó, Soi không còn gặp lại người khách ấy nữa. Bố mẹ cậu cũng không nhắc nhở gì. Chỉ có Soi là vẫn nhớ nhưng cậu cũng chỉ nhớ thầm trong bụng, không bao giờ nói ra. Hằng ngày Soi vẫn theo cha đi đánh chim. Cậu rất thích công việc này, nhất là gần đây, bố Soi lại còn đồng ý để cho Soi được rủ thêm bạn bè của cậu cùng đi săn chim với ông nữa.

Nghề đánh chim thật là hợp với bọn trẻ, nó vừa là nghề kiếm cơm, vừa là một thứ trò chơi nên các cậu bé mười bốn mười lăm tuổi như Soi rất mê. Khác với mọi người trong làng, bố Soi không giấu nghề mà rất tận tâm bày dạy đủ các cách thức bắt chim cho lũ trẻ. Trước kia ông là người nóng tính. Người ta lại đồn rằng ông có võ, nên bọn trẻ cứ sờ sợ không dám đến gần. Nhưng độ này ông thay đổi hẳn tính tình, nên lũ trẻ bạn Soi bám lấy ông cứ như hình với bóng. Họ thường tụ tập nhau ở bên kia sông Trà, dưới những lùm cây rộng. Ở đó cũng chính là nơi trú ngụ của nhiều thứ chim, nhất là các loài sống ở đầm nước như cò, vạc, giang giang, két...

Thường việc đánh chim diễn ra ban ngày, còn ban đêm thì họ vặt lông chim đem thui để sáng hôm sau đi chợ bán. Cũng có thể là họ sửa lưới, vót thẻ, tẩm nhạ (*), chuẩn bị lại đồ nghề cho công việc ngày mai, nên vào vụ chim cả bọn Trần Soi không đứa nào về nhà ngủ cả. Bọn trẻ ở lại vì còn một lẽ nữa là chúng thích cái không khí bí ẩn của lùm cây, của dòng nước trong đêm, thích được nghe ông bố Soi kể chuyện, và nhất là thỉnh thoảng còn được ông bày cho một hai miếng võ. Đã nhiều lần ông bắt từng đứa một phải đi trong đêm làm những việc mà ông muốn như tìm một con chim mồi ông bỏ quên, hay chặt một đoạn tre về vót thẻ. Đứa nào mà tỏ vẻ ngần ngại hay sợ sệt thì một vài lần là ông dứt khoát đuổi về, không cho nhập bọn nữa. Vì vậy, đứa nào cũng gắng luyện cho mình dũng cảm để được ở lại đánh chim.

Trong bọn trẻ thì Trần Soi là đứa khá nhất. Cực khoẻ, gan dạ và chịu khó xông xáo. Một phần cũng do cậu đã quen việc hơn nên bọn trẻ rất phục. Chúng răm rắp nghe theo lời Soi. Nhưng Trần Soi không vì thế mà tự kiêu. Cậu rất thích lũ bạn. Chỉ có điều cậu băn khoăn mà vẫn chưa dám nói với ai là vì sao mà bố cậu tự dưng lại đồng ý cho lũ bạn cậu đi theo ông một cách dễ dàng thế được? Chưa giải đáp được chuyện đó thì Soi lại phát hiện thêm một điều lạ nữa. Trên bàn thờ nhà cậu có một tấm vải in hình bàn tay mà mỗi lần đi đánh chim về, thế nào bố cậu cũng vào thắp hương lầm rầm khấn bái?

Soi chỉ thoáng một chút ngờ ngợ vì tất cả những chuyện đó lại xảy ra sau ngày cả nhà cậu gặp người khách lạ chạy giặc hồi nào. Nhưng Soi vẫn không tài nào nghĩ ra một cách giải đáp hợp lý cả.

... Cứ thế, vài vụ chim trôi qua. Thấm thoát bọn Trần Soi đã có dáng dấp của những chàng trai. Họ vẫn say sưa với nghề săn chim và những trò chơi như những ngày trước. Nhưng bây giờ thì chẳng người nào còn phải sợ hãi khi đi một mình trong đêm, hay phải vượt qua sông trong giá lạnh nữa. Những chàng trai mới lớn này cũng đã biết thêm được nhiều chuyện hơn, nhất là những chuyện về lũ giặc Minh ngày càng hung ác, chuyện về những cuộc chống đối lại chúng của bà con quanh vùng. Đêm đêm họ bàn tán với nhau về những hào kiệt đang nổi lên chống giặc khắp nơi. Những cái tên Phạm Chấn, Nguyệt Hồ Vương, Nguyễn Chích (**) vẫn được họ nhắc tới một cách kính phục. Trong những buổi bàn bạc như thế, ông Trần Sinh, bố của Soi cũng ngồi nghe, nhưng khi lũ trẻ hỏi ông về những vị hào kiệt đó thì chưa lần nào ông buông ra một lời nhận xét cả.

Một lần, ông Trần Sinh đã đi nằm nhưng lũ trẻ vẫn đang vui câu chuyện, một cậu trong bọn báo tin.

- Các cậu đã biết chưa? Sáng nay mình đi bán chim dưới chợ Dầu nghe người ta nói một chuyện lạ. Đâu trên mạn rừng Thụy Nguyên có chữ viết trên lá cây!

- Sao?

- Chữ viết trên lá cây à? Chữ gì vậy?

Cả lũ ngạc nhiên nhao nhao hỏi. Phải mất một lúc ồn ã cậu kia mới kể được rành rẽ hơn.

- Thấy bảo là chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”.

- Thế nghĩa là gì nhỉ?

Một đứa thắc mắc ngay. Cả lũ bỗng im bặt, lúng túng vì không một đứa nào biết cả. Chúng đều hướng tới ông Trần Sinh.

Ông Sinh cũng đã ngồi dậy từ lúc nào. Ông nhìn cậu bé vừa đưa cái tin mới mẻ đó.

- Con nói lại đi, ta nghe chưa rõ.

- Dạ, người ta đồn là lá cây trên mạn rừng Thụy Nguyên có dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” mà chúng cháu chưa hiểu nghĩa là gì cả.

Ông Trần Sinh bỗng vỗ mạnh vào đùi, cười to:

- Hay! Phúc cho dân Nam ta rồi!

Tất cả bọn trẻ lại càng ngơ ngác. Ông Trần Sinh vẫn tiếp tục cười. Mãi một lúc sau dường như thấy sự phấn chấn đột ngột của mình đã làm cho lũ trẻ lúng túng, ông mới ngừng lại giảng giải:

- Câu đó nghĩa là Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi. Nước Nam ta thế là có vua sáng tôi hiền rồi đó. Phúc to! Phúc to!Ha! Ha!

Nhưng cả bọn trẻ vẫn tỏ ra chưa thật hiểu cho hết nhẽ. Chúng băn khoăn, ngập ngừng... Trần Soi mạnh dạn hỏi bố:

- Thế Lê Lợi là ai? Nguyễn Trãi là ai?

- Nguyễn Trãi, bố cũng chưa biết ông này. Nghe đâu đó là một ông quan của triều trước, cũng có mối thù nhà nợ nước không đội trời chung với lũ giặc Ngô. Còn Lê Lợi thì...

Ông đưa tay vỗ mạnh vào vai con:

- Chính mày đã gặp ông ta rồi đó.

Cả bọn đều sửng sốt nhìn Trần Soi. Nhưng Trần Soi cũng bất ngờ không kém. Cậu nhìn bố, lắp bắp:

- Con...! Con... gặp ông ấy hồi nào?

Ông Trần Sinh không trả lời. Cái tin mới mẻ kia rõ ràng đã làm cho ông rất hào hứng. Nhưng ông vẫn có vẻ trầm ngâm. Bọn Trần Soi thấy ông tự dưng có một thái độ lạ lùng như vậy đâm ra e ngại. Chúng chỉ thì thào nho nhỏ với nhau, không dám hỏi thêm. Cả bọn có ý chờ đợi...

Bỗng ông Trần Sinh lên tiếng:

- Thời thế đã đổi rồi... các con hãy chờ một lát, ta có chuyện muốn nói.

Ông quay sang Trần Soi:

- Con mau lấy tấm vải có in hình bàn tay trên bàn thờ nhà ta cho thầy.

* * * Khi Trần Soi đã đưa cho bố vuông vải, ông Trần Sinh liền bảo lũ trẻ đốt lửa to lên, và ông trịnh trọng giở ra. Cả bọn tròn xoe mắt, xúm quanh ông chăm chú nhìn.

Đó là một mảnh vải nâu xé ra từ một tấm áo nào đấy. Ở giữa có in mờ hình một bàn tay với dấu bùn đã khô cứng. Ông Trần Sinh nói chậm rãi:

- Đây chính là bàn tay của vị chân chúa họ Lê mà các con vừa nhắc đến. Ta đã thờ bàn tay này từ lâu nay. Các con có biết vì sao mà ta có được tín vật này không?

Cả bọn đều im lặng. Không khí cũng tưởng như ngưng đọng lại. Chỉ có tiếng lửa reo tí tách hắt ánh sáng bập bùng. Ông Trần Sinh đang nhớ lại chuyện xưa, ông bắt đầu kể:

- Dạo đó, vào một buổi chiều, ta đang be bờ tát cá thì thấy một đứa trẻ hấp tấp dẫn đến một người lạ bảo với ta rằng ông ấy đang bị giặc truy lùng. Hãy tìm cách giúp ông ta thoát hiểm. Ta rất lúng túng vì giữa đồng không trống trải biết giấu làm sao cho được một người to lớn thế kia. Nhưng ta cũng không nỡ để người đó sa vào tay giặc. Lúc đó, tiếng ốc, tiếng tù và săn đuổi của lũ giặc đã thúc rộn chung quanh. Bí kế, ta đành liền bảo ông ta hay xuống đây giả tảng cùng ta bắt cá. Chúng ta cùng làm được một lát thì lũ giặc đến gần. Chúng quát hỏi ta rằng có thấy một người như thế, như thế... qua đây không? Ta cố gắng trấn tĩnh trả lời chúng. Còn người đó thì cứ đứng nhìn chúng trân trân nên ta càng hoảng hồn. Bấy giờ ta lo lộ chuyện, nhưng không hiểu sao ta còn nói được một câu: “Sao mày còn đứng nghiêng ngó mãi thế! Còn vài con cá bắt nốt kẻo nước tràn vào kìa!”. Người ấy nghe lời, cúi xuống. Còn bọn giặc thì không nghi ngờ gì hết, bỏ đi. Ta lúc ấy mới thật là cất được một gánh nặng nhưng khí lực thì như đã mất hẳn, nên loạng choạng suýt ngã xuống bùn, thì người đó vội đến đỡ ta lên. Vì thế, mới có dấu bàn tay trên áo.

Tối ấy, ta cùng khách về nhà, mới được biết ông ta tên là Lê Lợi người ở Sách Lam, đang đi tìm bạn liên kết đánh giặc Ngô. Ông ấy còn nói với ta nhiều chuyện nữa.

Từ đó, ta vẫn nuôi chí tìm minh chúa, nên mới cùng đứa trẻ dẫn đường cho ông ấy là cái thằng Soi này và các con tập hợp tại đây. Ta vẫn giữ cái mảnh vải áo có dấu tay của ông để thờ, vì ông đã dặn rằng, nó sẽ là một tín vật cho ta gặp lại người cũ. Bây giờ người đó đã xuất hiện rồi. Các con, các con cũng đã lớn khôn, ta trao lại các con tín vật này để anh em cùng đi tìm minh chúa.

Ông Trần Sinh cảm động lắm. Ông đứng lên và bằng những cử chỉ thành kính, trang nghiêm, trao lại mảnh vải có bàn tay Lê Lợi cho Trần Soi. Trần Soi cũng đưa cả hai bàn tay run run nhận lấy. Cả lũ trẻ như có một mệnh lệnh thôi thúc, cùng vụt đứng cả dậy.

Đêm khuya lạnh, trời sương, nhưng ngọn lửa đỏ vẫn bập bùng, soi tỏ những khuôn mặt măng tơ đã sớm ghi dấu những nét quật cường của hào khí chống quân xâm lược.

hoàng khôi
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: Mừng chiến thắng (Tặng các chàng trai U23 Việt Nam)

Võ Thị Xuân Hà |

Tuyết trắng
(Lời của chàng trai mãnh lực trên sân cỏ)
Không ai nghĩ tuyết sẽ rơi trên sân cỏ.
Nhưng tuyết đã rơi. Những bông tuyết trắng bay bay như trong truyện cổ tích. Nếu chỉ là một chuyến du lịch sang xứ này, có lẽ anh sẽ cùng cả nhóm chụp cho nhau những bức ảnh tyệt đẹp của tuyết. 
Quả thật tuyết quá đẹp, quá trắng trong. 
Đẹp đến rơi lệ.

Truyện ngắn: Cắt cỏ ven sông

nguyễn thu hằng |

Mẹ vẫn đi cắt cỏ ven sông. Đi ngược con sông qua ba ngôi làng, hai cái đồn Tây và năm cánh đồng là về tới nhà chị em Tho. Nhưng tối qua, chị Thơm vừa khóc vừa bảo đã sáu tháng nay mẹ chưa về nhà. Mẹ quá bận. Nghe nói nhà chồng mới của mẹ nuôi cả đàn trâu, mẹ suốt ngày đi cắt cỏ. 

Mâm ngũ quả của bà

vũ anh thư |

Ngoài rằm tháng chạp, bà cho hạ buồng chuối đẹp nhất mà bà đã ướm sẵn trong khu vườn từ mấy tháng trước. Dựa buồng chuối vào góc tường chờ cho ráo nhựa rồi bà ra nải, cẩn thận nhích lưỡi dao từng chút một, tránh nhựa rây ra. Lưỡi dao làm thành một vệt phẳng lì trên cuống chuối.

Giờ thứ 9: Bí mật của vợ tôi - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Có những định mệnh là do số phận, nhưng cũng có những định mệnh mà ngay từ đầu, đã có sự sắp đặt bởi chính con người. Mà trong đó, phần lớn là những sự lừa dối.

Hỏa hoạn thiêu rụi hơn 4.000 m2 rừng phòng hộ tại Ninh Bình

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Ngày 13.7, một vụ cháy rừng đã xảy ra (tại phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi hơn 4.000 m2 rừng phòng hộ.

Giám đốc trung tâm dạy lái xe ở Hải Phòng chiếm đoạt 22 tỉ đồng của học viên

Mai Chi |

Chiều tối 13.7, Công an TP Hải Phòng thông tin về vụ việc bắt giám đốc và nhân viên Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng).

Tin 20h: Thời điểm người dân được nhận mức lương truy lĩnh tháng 7 và 8

Linh Trang - Vũ Linh |

Tin 20h: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu xử lý vụ việc của Công ty Hưng Thịnh; Lương thấp, nhiều công nhân tằn tiện sống qua ngày; Lương hưu tháng 9 sẽ truy lĩnh tháng 7 và tháng 8; Vụ sạt lở biệt thự làm 2 người chết ở Đà Lạt: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can;...

Nợ vay vượt 18 tỉ USD, EVN ngốn hơn 39 tỉ đồng/ngày để trả lãi

Đức Mạnh |

Năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 440.814 tỉ đồng, tương đương 18,6 tỉ USD. Điều đáng chú ý là trong số 324.265 tỉ đồng nợ vay tài chính, tập đoàn này hoàn toàn không vay từ ngân hàng.

Truyện ngắn: Mừng chiến thắng (Tặng các chàng trai U23 Việt Nam)

Võ Thị Xuân Hà |

Tuyết trắng
(Lời của chàng trai mãnh lực trên sân cỏ)
Không ai nghĩ tuyết sẽ rơi trên sân cỏ.
Nhưng tuyết đã rơi. Những bông tuyết trắng bay bay như trong truyện cổ tích. Nếu chỉ là một chuyến du lịch sang xứ này, có lẽ anh sẽ cùng cả nhóm chụp cho nhau những bức ảnh tyệt đẹp của tuyết. 
Quả thật tuyết quá đẹp, quá trắng trong. 
Đẹp đến rơi lệ.

Truyện ngắn: Cắt cỏ ven sông

nguyễn thu hằng |

Mẹ vẫn đi cắt cỏ ven sông. Đi ngược con sông qua ba ngôi làng, hai cái đồn Tây và năm cánh đồng là về tới nhà chị em Tho. Nhưng tối qua, chị Thơm vừa khóc vừa bảo đã sáu tháng nay mẹ chưa về nhà. Mẹ quá bận. Nghe nói nhà chồng mới của mẹ nuôi cả đàn trâu, mẹ suốt ngày đi cắt cỏ. 

Mâm ngũ quả của bà

vũ anh thư |

Ngoài rằm tháng chạp, bà cho hạ buồng chuối đẹp nhất mà bà đã ướm sẵn trong khu vườn từ mấy tháng trước. Dựa buồng chuối vào góc tường chờ cho ráo nhựa rồi bà ra nải, cẩn thận nhích lưỡi dao từng chút một, tránh nhựa rây ra. Lưỡi dao làm thành một vệt phẳng lì trên cuống chuối.