Trường Lưu: Mỏ vàng di sản và du lịch

Giáo sư Trịnh Sinh |

Du lịch đang là một mũi nhọn kinh tế, đúng theo nghĩa “một ngành công nghiệp không khói”, đã và đang phất lên nhanh như diều gặp gió. Giá mà không gặp cái nạn COVID-19, thì có lẽ còn phát triển gấp gáp hơn. Nhưng cái khoảng lặng mà du lịch được nghỉ ngơi miễn cưỡng này, có thể giúp cho những người làm du lịch một quãng thời gian nghiền ngẫm thêm về hướng đi trước mắt cũng như lâu dài.

Tôi không thể tưởng tượng nổi một số địa phương ào ạt xông lên làm du lịch tâm linh, chùa chiền phải to, tượng phải bề thế nhất nhì Đông Nam Á. Rồi dời sông, lấp biển để lại một loạt những công trình hoành tráng. Nhưng khi hỏi ra thì tượng và đồ thờ, kiến trúc lại lai căng, chắp nhặt ở nước này một ít, nước kia một ít. Sau khi vãn cảnh chùa, nhiều người còn không biết chùa thờ ai, có thực sự là di sản nhiều thế hệ để lại không? Những cảm giác về cái vẻ lộng lẫy, hiện đại dường như lấn át cái hồn cốt thanh tao, tĩnh mịch của những ngôi chùa cổ vốn là hằng số của tâm thức Việt. Dường như du lịch các ngôi chùa khổng lồ đang cuốn hút được nhiều người nhất, và cũng là nơi hút được... nhiều tiền nhất. Có một cái gì đó lệch lạc trong cái quan niệm du lịch tâm linh hiện nay, mà chắc rằng còn phải bàn luận dài dài...

Bàn thờ trong đền Nguyễn Huy Tự. Ảnh: Trịnh Sinh
Bàn thờ trong đền Nguyễn Huy Tự. Ảnh: Trịnh Sinh

Ngược lại với xu hướng du lịch hoành tráng vừa kể, là những nơi du lịch dẫn ta về cội nguồn, kỷ niệm tuổi thơ và có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế những di sản đích thực của nước ta làm nên cái văn hiến, cái sức mạnh vươn lên ngàn đời của người Việt. Một trong những nơi đó ắt hẳn là làng Trường Lưu, một ngôi làng nhỏ bé nhưng lại lắm di sản, các lớp người học rộng, tài cao giúp đời giúp nước. Thế nhưng, dường như nơi này vẫn còn là một mảng trống trên bản đồ du lịch đương đại.

Mỏ vàng di sản

Làng Trường Lưu nhỏ bé thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, có khoảng 1.600 nhân khẩu, 500 hộ nhưng đã sở hữu 2 di sản tư liệu ký ức thế giới (khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) là mộc bản Phúc Giang (còn gọi là mộc bản Trường Lưu) được UNESCO vinh danh vào tháng 5.2016 và sách Hoàng Hoa sứ trình đồ được vinh danh vào tháng 5.2018. Hai di sản này được sánh vai với các di sản Tư liệu thế giới nổi tiếng khác ở Việt Nam gồm: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long (2011), Châu bản triều Nguyễn (2017), Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Cái làng nhỏ bé mà đã chiếm đến 2/7 di sản thế giới thuộc loại này của nước ta.

Nghê đá thời Lê Trung Hưng trong nhà thờ Nguyễn Huy Tự. Ảnh: Trịnh Sinh
Nghê đá thời Lê Trung Hưng trong nhà thờ Nguyễn Huy Tự. Ảnh: Trịnh Sinh

Đây còn là cái nôi của hát phường vải - một trong những nhánh của hát ví dặm Nghệ Tĩnh cũng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2014.

Hiện nay, trong làng còn có 37 nhà thờ họ, 7 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Nhưng, có lẽ Trường Lưu nổi tiếng nhất vẫn là đất học, sinh ra nhiều người tài, đỗ đạt và có những dòng họ nổi tiếng về văn học, văn hoá, ngoại giao như dòng họ Nguyễn Huy.

Có đến Trường Lưu mới thấy khát vọng đổi đời bằng con đường học hành của mảnh đất thuần nông ở huyện Can Lộc, nằm giữa vùng đồng bằng hẹp của Hà Tĩnh. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn thảo (tập 2, NXB Thuận Hóa, 2006, tr.100) đã ghi lại về Hà Tĩnh như sau: “Ruộng đất phần nhiều rắn, xấu, ít bằng phẳng, ruộng núi thì cao khô mà nước khe không tưới được mấy, ruộng gần biển thì thường bị nước mặn, có đắp đập ngăn cũng khó thành công, vì thế nhân dân yên phận nghèo nàn mà chuộng cần kiệm. Đồng nội phần nhiều trồng khoai củ làm lương ăn, dầu gặp năm mất mùa kém đói mà dân không đến nỗi phải phiêu lưu”. Chính cái nghèo lại là động lực để người Trường Lưu quyết tâm, ý chí vươn lên. Trong bối cảnh thời Phong kiến, cách đổi đời tốt nhất là học hành, thi cử, đỗ đạt và làm quan. Vì thế, mà dân Trường Lưu thành đạt trong thi cử, qua câu tục ngữ nói về làng “làng con nít ít hơn Tiến sĩ”, nghĩa là làng có rất nhiều người đỗ đạt mà lại đỗ hạng cao là Tiến sĩ.

Nhà bia Nguyễn Thị Danh Bi. Ảnh Trịnh Sinh
Nhà bia Nguyễn Thị Danh Bi. Ảnh Trịnh Sinh

Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), đã đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, được khắc bia Văn Miếu Quốc Tử Giám. Sau khi về làng, ông đã có công xây dựng trường học Phúc Giang, đào tạo hàng ngàn sĩ tử, trong đó có tới 30 người đỗ Tiến sĩ. Cách đào tạo khá quy củ, lập thư viện, soạn giáo trình, thuê người thợ tận làng Liễu Tràng (Hải Dương) về khắc mộc bản và in. Cho đến nay, trong làng còn lưu giữ 383 mộc bản của Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện. Trường Phúc Giang còn có ruộng Hương điền để giúp học trò nghèo có lương ăn để chuyên tâm học hành. Rõ ràng, đây là một trung tâm đào tạo nhân tài cho triều đình Hậu Lê, theo đúng mô hình của Quốc Tử Giám ở Thăng Long.

Mộc bản Trường Lưu. Nguồn: Nguyễn Đình Hưng
Mộc bản Trường Lưu. Nguồn: Nguyễn Đình Hưng

Nguyễn Huy Oánh còn để lại tác phẩm Hoàng Hoa Sứ Trình Đồ, lược lại quá trình đi sứ Trung Quốc vào năm 1795 trong 238 trang giấy dó có bản đồ, các dòng miêu tả cặn kẽ địa lý và sản vật của các địa phương từ Thăng Long đến tận Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Đây là những tư liệu sinh động về lịch sử và mối bang giao với Trung Quốc của triều đình Đại Việt. Tên ông đã được vinh danh trong Đại Nam Nhất Thống Chí “Nguyễn Huy Oánh là người xã Lai Thạch, huyện La Sơn, đỗ Thám Hoa khoa Mậu Thìn đời Cảnh Hưng, vâng mệnh đi sứ làm tới Tả Thị Lang Lại Bộ, lúc trí sĩ từng dựng thư viện chứa mấy vạn quyển sách, trước sau dạy học trò mấy nghìn người, nhiều người thành đạt. Sau được khởi phục, thăng thượng thư Công bộ” (Sđd, tr.237).

Bên cạnh Nguyễn Huy Oánh, còn có nhiều người trong làng Trường Lưu đỗ đạt suốt 300 năm như Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), đỗ Tiến sĩ năm 1772 và 32 người đỗ Hương Cống, Cử Nhân...

Sắc phong cho Nguyễn Huy Oánh. Nguồn: Nguyễn Huy Mỹ
Sắc phong cho Nguyễn Huy Oánh. Nguồn: Nguyễn Huy Mỹ

Đến với Trường Lưu hôm nay, chúng ta còn được thăm các nhà thờ họ, lăng mộ của danh nhân Nguyễn Huy Tự lưu lại hai tấm bia cổ là Nguyễn Thị Danh Bi (Bia lưu danh của dòng họ Nguyễn) và Nguyễn Thám Hoa Gia Phả Ký (Bia ghi lại gia phả của Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh), nhà thờ Đại Tôn và lăng mộ Nguyễn Huy Oánh, nhà thờ các danh nhân khác. Làng Trường Lưu còn có ngôi đình được khởi dựng từ thời Hậu Lê với nhiều mảng điêu khắc gỗ khá đẹp. Trường Lưu còn có một kho tàng Hán Nôm khổng lồ mà không có một làng quê nào còn lưu giữ 532 tư liệu đang được lưu tại làng, gồm các bản sắc phong, sách, gia phả, văn cúng, văn bia, hoành phi, câu đối, mộc bản...

Di sản văn hoá phi vật thể nổi trội ở Trường Lưu chính là hát phường vải. Ngày xưa, chính Đại thi hào Nguyễn Du thường đến hát ở đây và giao lưu với các bậc danh nhân của làng. Nơi đây còn có lễ Cầu Tiên ở nhà thờ Đức Bà để cầu xin thuốc chữa bệnh hay làm lễ gửi con cho Thánh. Đây là một trong những phong tục mang dấu ấn của Đạo Mẫu in sâu vào đời sống tâm linh ở nhiều làng quê Việt Nam.

Nói đến Trường Lưu, khắp vùng còn truyền khẩu về “Trường Lưu bát cảnh” (Trường Lưu có 8 cảnh đẹp), những cảnh đẹp thiên nhiên như núi Phượng cạnh làng, ao sen, giếng, vườn hoa xen với cảnh chùa, miếu.

Dường như, không một làng quê nào ở Việt Nam hội tụ được nhiều di sản như ở Trường Lưu. Đất Thiêng đã hun đúc người tài trong ba thế kỷ liền. Có lẽ, một phần là những người tài này đã vượt khó để vươn lên, khi thành đạt lại nhớ về quê hương, tổ tiên, lại dìu dắt lớp hậu sinh, mở trường đào tạo họ một cách bài bản trong học hành, thi cử. Có lẽ ngoài một Quốc Tử Giám ở Thăng Long, thì chỉ có một Trường Lưu học hiệu là ngôi trường tư thục quy mô nhất chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước một cách bài bản.

Khai thác du lịch

Giá trị của hai di sản thế giới ở Trường Lưu quả là to lớn và hiếm có một làng nào lại có vinh dự như vậy. Tuy nhiên để phát huy giá trị này lại là vấn đề không đơn giản. Muốn giữ gìn và phát huy trong đời sống đương đại thì phải gắn với du lịch, một số người còn ví đó là “con gà đẻ trứng vàng”. Trong thời điểm hiện tại, lấy di sản để phát triển du lịch và ngược lại lấy du lịch để “nuôi” di sản đang là xu hướng nổi trội.

Vậy phải làm thế nào? Tôi tin rằng người Trường Lưu đã nhận thức được rõ điều đó, họ đã có “bột”, nhưng còn phải làm sao để gột nên “hồ”.

Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Trịnh Sinh
Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Trịnh Sinh

Trường Lưu đã có một sưu tập mộc bản Phúc Giang lên đến gần 400 bộ, các bản vẽ sao lại sách “Hoàng Hoa sứ trình đồ”, đã có một Trung tâm văn hoá Trường Lưu toạ lạc ở trụ sở UBND xã Trường Lộc cũ. Đó đã là các cơ sở vật chất quan trọng để phát triển du lịch.

Theo chúng tôi, nếu làng Trường Lưu trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thì cần phải làm thêm vài bước nữa:

- Trước tiên là phải chú ý đến khâu kết nối, tạo thành một nhánh trong tua du lịch liên vùng trong địa phương: Làng Trường Lưu, chùa Hương Tích và núi Hồng Lĩnh, ngã ba Đồng Lộc, làng Tiên Điền quê hương Nguyễn Du, đền ông Hoàng Mười, bãi biển Thiên Cầm... Rồi lại phải kết nối với những tua du lịch xuyên Việt nối Nghệ An (làng Kim Liên quê chủ tịch Hồ Chí Minh), bãi biển Cửa Lò, Quảng Bình (mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hang Phong Nha - Kẻ Bàng), xa hơn là đến các di sản thế giới ở Huế, Quảng Nam...

- Trường Lưu thuận tiện giao thông: Gần đường quốc lộ xuyên Việt (đường 1A, cách chưa đầy 5km), đường quốc lộ 15. Du khách dễ dàng đi ô tô đến thăm làng du lịch.

- Trường Lưu cần tạo thêm các sản phẩm du lịch. Ví dụ, dựng lại bát cảnh (những cảnh còn có điều kiện dựng lại) trong “Trường Lưu bát cảnh”, vốn được lưu truyền từ trước tới nay, Phúc Giang thư viện, Thạc Đình học hiệu, dựng lại các sân khấu nhỏ để biểu diễn hát phường vải, có cả minh họa khung cảnh dệt vải xưa. Các sản phẩm địa phương bán hoặc làm quà cho du khách: Bánh Cu Đơ, bưởi Phúc Trạch, mực nhảy Vũng Áng, quà lưu niệm là bản sao mộc bản Phúc Giang trên giấy dó (để du khách tự in sẽ hấp dẫn hơn), bản sao của Hoàng Hoa sứ trình đồ được in trên mộc bản...

- Tôn tạo những di tích tín ngưỡng tôn giáo của Trường Lưu như đình Trường Lưu (đang xuống cấp), các nhà thờ Đại tông, nhà thờ chi họ vốn rất nhiều ở địa phương, du khách cũng có nhu cầu vào thắp hương, nhất là du khách có liên quan đến Trường Lưu về mặt dòng họ, quê hương.

- Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vận động các doanh gia, các nhà khoa học thành đạt góp công sức để xây dựng Trường Lưu là một điểm du lịch văn hoá không thể thiếu được trong vùng.

Hội thảo khoa học về làng Trường Lưu. Ảnh: Trịnh Sinh
Hội thảo khoa học về làng Trường Lưu. Ảnh: Trịnh Sinh

Tôi tin rằng nếu biết cách làm, trong tương lai không xa Trường Lưu sẽ là một điểm du lịch văn hoá, tâm linh hấp dẫn mỗi khi du khách đến thăm Hà Tĩnh hay trên con đường dài hơn là xuyên Việt, có thể ghé thăm. Có lẽ, cần xây dựng một ngôi làng đầy ắp di sản này thành một điểm du lịch mang bản sắc độc đáo của người Việt để giúp cho lớp trẻ hướng về cái tinh tuý của tâm thức cha ông, giáo dục ý chí vươn lên trong học tập kể cả trong hoàn cảnh còn khó khăn.

Giáo sư Trịnh Sinh
TIN LIÊN QUAN

Huyện Quốc Oai không tổ chức lễ hội chùa Thầy năm 2021

ĐINH VUI |

Lễ hội chùa Thầy năm 2021 không được tổ chức để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chùa Lò Gạch Hà Tiên – điểm đến không thể bỏ qua của du khách

Lục Tùng |

Chùa Lò Gạch Hà Tiên là danh thắng độc lạ mà du khách đến với miền “Đất phật – người hiền” đều không thể bỏ qua.

Vạn người chen chân lễ chùa: Không nên rườm rà trong các nghi lễ tâm linh

Vương Trần - Quang Lê |

Từ vụ hàng vạn lượt người chen chân tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Hương (Hà Nội) vừa qua, nhà nghiên cứu văn hóa - TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng người dân không nên chen lấn, xô đẩy, rườm rà trong các nghi lễ tâm linh mà cần từ tốn, thực hiện đúng các nguyên tắc theo thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Lo người đông như chùa Tam Chúc, Bạc Liêu siết quy định dịp Thanh minh

NHẬT HỒ |

Lo lắng khách thập phương đổ về Thanh minh đông như chùa Tam Chúc, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu người dân không tập trung đông đúc, ăn uống khi thăm viếng nghĩa trang, nghĩa địa để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Dậy từ 3h sáng đi lễ Chùa Hương trong ngày đầu mở cửa đón khách

Hà Phương - Tô Thế |

Đúng 5h sáng nay (13.3), chùa Hương chính thức mở cửa trở lại. Khách thập phương bắt đầu đổ về, nhiều người dậy từ sớm đến chùa đi lễ trong ngày đầu tháng.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Huyện Quốc Oai không tổ chức lễ hội chùa Thầy năm 2021

ĐINH VUI |

Lễ hội chùa Thầy năm 2021 không được tổ chức để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chùa Lò Gạch Hà Tiên – điểm đến không thể bỏ qua của du khách

Lục Tùng |

Chùa Lò Gạch Hà Tiên là danh thắng độc lạ mà du khách đến với miền “Đất phật – người hiền” đều không thể bỏ qua.

Vạn người chen chân lễ chùa: Không nên rườm rà trong các nghi lễ tâm linh

Vương Trần - Quang Lê |

Từ vụ hàng vạn lượt người chen chân tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Hương (Hà Nội) vừa qua, nhà nghiên cứu văn hóa - TS Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng người dân không nên chen lấn, xô đẩy, rườm rà trong các nghi lễ tâm linh mà cần từ tốn, thực hiện đúng các nguyên tắc theo thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Lo người đông như chùa Tam Chúc, Bạc Liêu siết quy định dịp Thanh minh

NHẬT HỒ |

Lo lắng khách thập phương đổ về Thanh minh đông như chùa Tam Chúc, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu người dân không tập trung đông đúc, ăn uống khi thăm viếng nghĩa trang, nghĩa địa để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Dậy từ 3h sáng đi lễ Chùa Hương trong ngày đầu mở cửa đón khách

Hà Phương - Tô Thế |

Đúng 5h sáng nay (13.3), chùa Hương chính thức mở cửa trở lại. Khách thập phương bắt đầu đổ về, nhiều người dậy từ sớm đến chùa đi lễ trong ngày đầu tháng.