Trung tâm Hàng Cỏ - một mô hình TOD điển hình và hiệu quả

GS Lã Ngọc Khuê |

Từ thời xa xưa, người dân Bắc kỳ đều đáp xe lửa để đi và về ga Hàng Cỏ. Những chuyến đi từng làm nên quang cảnh làm ăn của đất Kẻ Chợ và bóng dáng hào hoa thanh lịch người Tràng An. 

Cô Mai cậu Lộc trong “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng từng đáp một chuyến tàu như thế để về ga Thạch Lỗi. Điều đặc biệt là ngày 21.10.1946, sau khi từ nước Pháp về tới Hải Phòng, Bác Hồ đã đi xe lửa trở lại Thủ Đô, để rồi:

Người Hà Nội đổ ra nhà ga

thành phố chiều ấy không mưa

nắng thắp trên từng mái ngói

và Tổ quốc, mười ngàn ngày binh khói

bao nhiêu chuyến tàu đã chở quân đi...

Bây giờ đất nước thanh bình, ước mong sao, những chuyến đi của người dân đông vui tấp nập, nhưng sẽ không phải là những nỗi nhọc nhằn mà luôn nhẹ nhàng, thư thái, giữ cho được cái nếp hào hoa thanh lịch của đất Kinh kỳ. Điều ấy không thể tự nhiên mà có. Tất cả tùy thuộc vào cách sắp xếp, kiến tạo các cơ sở vật chất hạ tầng giao thông đô thị của chúng ta. Trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ có vai trò đặc biệt để đáp ứng đòi hỏi chính đáng đó trong cuộc sống thường nhật của người Hà Nội.

1. Quan sát chế độ thủy văn trên một vùng lưu vực, ta thấy các dòng chảy luôn có xu thế hội lưu, tụ thủy để rồi lại phân lưu, phân thủy đi các hướng. Hơn nữa quy luật hướng tâm, đường cắt qua vùng trung tâm bao giờ cũng là đường ngắn nhất, ít tốn kém thời gian và sức lực nhất, khiến cho mọi chuyến đi luôn có xu thế hướng về, hoặc cắt ngang qua vùng trung tâm thành phố. Do vậy, việc phải kiến tạo nên một trung tâm trung chuyển có vai trò tập hợp và dẫn dắt các quá trình lưu chuyển trên không gian của toàn thành phố cũng như cho cả các chuyến đi liên vùng là một đòi hỏi khách quan, bức thiết. Với Hà Nội, đó chính là trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ, một trung tâm giao thông được hình thành một cách không hề là ngẫu nhiên mà chính là đã tuân theo quy luật dòng chảy của các quá trình giao thông diễn ra trong suốt lịch sử phát triển lâu dài của thành phố. Và chính trung điểm Hàng Cỏ đã giữ vai trò quyết định cho việc định hình nên không gian kiến trúc của toàn đô thị cùng với sự kết nối liên vùng. Đó là lý do vì sao tại quyết định 108/QĐ-TTg ngày 20.6.1998 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ và yêu cầu phải xây dựng Hàng Cỏ trở thành một trung tâm trung chuyển lớn.

Một lần nữa Hà Nội lại có cơ may mà nằm mơ cũng không dễ thấy. Chúng ta biết TP.Hồ Chí Minh không còn cách nào khác, đang tính tới việc phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để cố tạo ra cho được một không gian ngầm ngay dưới địa chỉ chật chội là vùng chợ Bến Thành và đường Lê Lợi để làm nơi gặp gỡ của các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) cùng với một phần là không gian mua sắm phục vụ chủ yếu cho khách đi tàu. Nhưng toàn bộ không gian ngầm đó cũng chỉ có thể rộng chừng trên dưới 4ha và nguồn lực đầu tư hiện vẫn còn tìm kiếm, chưa có được quyết định cuối cùng. Trong khi với ga Hàng Cỏ, sau khi các cơ sở của đường sắt quốc gia di chuyển về đầu mối Ngọc Hồi, chúng ta sẽ có một tổng diện tích 18ha, lại không hề gặp bất cứ trở ngại nào trên cả ba cấp độ: Không gian ngầm, không gian mặt đất và không gian cao tầng, hoàn toàn đủ điều kiện cho việc kiến tạo nên một tổ hợp hạ tầng giao thông đô thị cùng một quần thể kiến trúc đô thị đa năng hết sức rộng lớn và hiện đại, một quần thể kiến trúc mà trung tâm Bến Thành dù mong muốn cũng không sao có điều kiện để có thể tạo nên.

2. Sơ bộ có thể hình dung về trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ:

* Không gian ngầm là không gian của tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn đổ về để rồi sẽ tiếp tục nối tuyến xuống Mai Động, Lĩnh Nam, Yên Sở. Bên cạnh đó là không gian hết sức rộng lớn, thỏa sức cho việc thiết lập các bãi đỗ xe ngầm.

* Trên mặt đất là không gian mở, phục vụ cho việc đón trả khách đi tàu ĐSĐT và khách vãng lai, là các điểm đầu, cuối của các tuyến xe Buýt, là các bãi đậu Taxi...

* Không gian cao tầng với rất nhiều cấp độ khác nhau. Trước hết là không gian chạy tàu của tuyến ĐSDT số 1, là nơi bố trí các trung tâm chỉ huy, điều hành giao thông công cộng, tiếp đó là một quần thể kiến trúc cao tầng rộng lớn kế tiếp ở các tầng cao phía trên.

Điều dễ nhận ra là dù phải đảm bảo và ưu tiên trước hết cho việc thiết lập các cơ sở hạ tầng giao thông thì trên thực tế, không cần và cũng không thể sử dụng hết cả một mặt bằng rộng lớn với 18ha ở mọi cấp độ, nhất là ở cấp độ cao tầng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đô thị.

Như ta thấy, để làm nơi gặp gỡ cho các tuyến ĐSĐT, TP.Hồ Chí Minh chỉ có thể tạo được một không gian ngầm hơn 4ha như đã nói. Ngược lại, tại trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ, chúng ta có tới 18ha với cả ba cấp độ không gian. Do vậy, ngoài việc ưu tiên để thỏa mãn đầy đủ các nhu cầu kiến tạo hạ tầng giao thông đô thị thì vẫn sẽ còn thừa rất nhiều không gian để kiến tạo nên một quần thể kiến trúc đô thị đa năng hết sức rộng lớn và hiện đại. Đặc biệt là ở khối khiến trúc cao tầng. Đó là nơi đặt trụ sở của các tổng công ty như Tổng Công ty Đường sắt; các hội sở ngân hàng; các sàn giao dịch chứng khoán; các đại siêu thị; khách sạn nhà ga; các trung tâm tổ chức sự kiện, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật; các khu vui chơi giải trí; kể cả các cơ sở khám chữa bệnh...

Quần thể kiến trúc cao tầng với quy mô hết sức rộng lớn và bề thế nói trên lại tọa lạc ngay giữa lòng thành phố, đó là cơ may nhưng chắc chắn đó cũng là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể nghĩ tới việc xây dựng nên ở đúng giữa trung tâm Thủ đô, nơi mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng, chứ không phải ở tận vùng nào đó xa xôi, cách trở,  một Landmark Tower, mà trên đó chúng ta sẽ đặt lên bức tượng đài Hà Nội thành phố vì hòa bình, để làm nên biểu tượng mới của một Hà Nội hiện đại và đầy sinh khí.

3. Nhưng điều cần nói là để tiếp cận và sử dụng, đúng hơn là để thụ hưởng những cơ sở dịch vụ đa năng do quần thể kiến trúc đô thị nói trên tạo ra, người Hà Nội từ bốn hướng đông - tây - nam - bắc chỉ cần đi tàu ĐSĐT của các tuyến số 1 và số 3. Đó là hai tuyến ĐSĐT tạo thành một trục chữ thập giao nhau chính giữa trung tâm Hàng Cỏ và đủ sức chia tư thành phố với trục dọc từ Yên Viên nối xuống Ngọc Hồi và trục ngang chạy suốt từ Yên Sở, Lĩnh Nam ngược về phía tây đến Phú Diễn và vùng đất Nhổn. Còn người dân ở các tỉnh xa, từ các địa bàn liên vùng hoàn toàn có thể đáp các chuyến tàu đường sắt quốc gia, rồi chuyển qua các chuyến tàu thoi của tuyến ĐSĐT số 1 tại các ga đầu mối Yên Viên, Gia Lâm, Ngọc Hồi... như đã từng được nói tới, là có thể về thẳng trung tâm Hàng Cỏ. Những chuyến đi như vậy thật nhẹ nhàng, thư thái. Phải chăng cách đi lại  thanh lịch của người Tràng An sẽ phải là như thế!

Điều quan trọng nữa là với các quần thể kiến trúc đô thị đa năng được nói tới ở trên, còn đem đến cơ hội để ngay tại trung tâm Hàng Cỏ, người ta đã hoàn toàn có thể thực hiện mục đích của cả chuyến đi và về Hà Nội, như: Gặp gỡ đối tác để thương thảo ký kết hợp đồng; làm mọi thủ tục với các ngân hàng; mua bán cổ phiếu, trái phiếu; tham dự sự kiện, lễ hội; mua sắm; khám chữa bệnh; hoặc vui chơi giải trí... mà không cần phải thực hiện thêm các hành trình giao thông con lắc nào nữa để đi tới các địa chỉ khác của thành phố. Người đi đường vì thế đỡ tốn thời gian, công sức. Giao thông đô thị vì thế đỡ một phần chật chội, trở nên thông thoáng, văn minh.

Việc kiến tạo nên một trung tâm trung chuyển giao thông, kết hợp với việc hình thành một quần thể kiến trúc đô thị để cung ứng các dịch vụ đa năng cho hành khách nhằm tiết giảm và hợp lý hóa các hành trình giao thông đô thị như nói tới trên đây chính là việc kiến tạo đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng, Transit Oriented Development, gọi tắt là TOD, như ta từng thấy ở rất nhiều trung tâm trung chuyển giao thông đô thị lớn trên thế giới. Điển hình như nhà ga Frankfurt am Main và đặc biệt là nhà ga trung tâm mới của Berlin: Berlin Hauptbahnhof, một công trình nổi bật với nhiều ý nghĩa được khánh thành ngay trước ngày khai mạc vòng chung kết bóng đá thế giới năm 2006.

4. Cách đây chừng hơn một năm, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị thực hiện một dự án TOD cho vùng trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ, kết nối liên thông với cả không gian quy hoạch và kiến trúc lại các khu vực dân cư ở phía Tây - Nam nhà ga, xung quanh các hồ Linh Quang và Văn Chương. Đó là việc rất nên làm, để giải tỏa những bức xúc và bất cập của môi trường đô thị, một nghịch cảnh nhức nhối, tồn tại quá lâu ngay chính giữa trung tâm thành phố.

Dự án TOD Hàng Cỏ sẽ tạo nên một quần thể kiến trúc đô thị đa năng hiện đại, mà tầm ảnh hưởng của nó là hết sức rộng lớn xét trên nhiều góc độ:

- Là đầu mối để tạo ra một cách thức, một mô hình vận hành văn minh, hiện đại cho giao thông đô thị và liên vùng.

- Tạo ra cách thức mới cho sự tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội phong phú và đa dạng của đời sống đô thị.

- Làm nên một không gian, một bộ mặt mới cho vùng trung tâm Hà Nội.

Đại dự án nói trên hoàn toàn xứng đáng là trọng tâm của công cuộc kiến tạo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Thủ đô trong những năm sắp tới.

Điều đáng tiếc là không hiểu vì sao, đề xuất hết sức đúng đắn nói trên của Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố lại bị chìm đi. Rõ ràng, chúng ta đã không hành xử quyết liệt để đi đến tận cùng. Hình như trong câu chuyện này chưa có được tiếng nói chung giữa các cơ quan chức năng của thành phố với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải. Nên chăng các cơ quan cần có sự bàn bạc thống nhất, sớm đưa ra một thiết kế tổng thể cho trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ trên nguyên tắc ưu tiên và thỏa mãn tốt nhất cho các công trình hạ tầng giao thông, đồng thời phải tận dụng tối đa và triệt để mọi không gian còn lại, để kiến tạo nên một quần thể kiến trúc đô thị đa năng theo mô hình TOD. Và để cẩn trọng, chắc ăn, sau khi đã có được ý tưởng cho một thiết kế  tổng thể của trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ, cần đắp sa bàn đưa ra triển lãm để xin ý kiến nhân dân và giới chuyên môn.

5. Điều cần nhấn mạnh là phải coi việc kiến tạo trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ theo mô hình TOD là một dự án lớn và phức hợp với rất nhiều phân khúc hợp thành, trong đó có nhiều cấu phần dự án hoàn toàn có thể thực hiện đấu giá, tiến hành xã hội hóa, để huy động nguồn lực, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực thi dự án trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ nói riêng và của toàn bộ dự án tuyến ĐSĐT số 1 của Thủ Đô Hà Nội nói chung.

Tuyến ĐSĐT số 1 của Thủ đô dù được Thủ tướng quyết định từ hơn 20 năm trước, vô cớ chịu thiệt thòi, để rồi chậm trễ so với tuyến ĐSĐT số 1 của TP.Hồ Chí Minh, chưa biết đến bao giờ mới có thể hiện hình. Chẳng lẽ người Hà Nội lại một lần nữa buông xuôi và bằng lòng để Trung tâm trung chuyển Hàng Cỏ cũng lại lỡ hẹn và thua kém nốt Trung tâm đô thị ngầm Bến Thành bên bờ sông Bến Nghé? Cho dù trung tâm Hàng Cỏ có sẵn những tiền đề vật chất to lớn và hết sức tuyệt vời, điều mà Trung tâm Bến Thành không làm sao có được. Những sự thể nhãn tiền như thế, liệu có đủ để là một nghịch lý?!

GS Lã Ngọc Khuê
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.