Trong thế giới hỗn loạn của khẩu trang

Tường Linh (theo Guardian) |

Việc thế giới “cháy” khẩu trang trong đại dịch COVID-19 đã không chỉ cho thấy mặt trái của thị trường tự do mà còn vô tình làm lộ ra những điều mà bình thường ít ai thấy nổi.

Có bao nhiêu, mua mấy nhiêu

Có lẽ Ovidiu Olea không bao giờ tưởng tượng được rằng mình sẽ thay đổi, từ một chuyên gia tài chính thành trùm buôn khẩu trang chỉ trong vòng 4 tháng. Quá trình chuyển đổi ấy diễn ra rất êm ái, tự nhiên.

Vào cuối tháng 1, khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan ra ngoài Vũ Hán, Trung Quốc, Olea quyết định sẽ mua khẩu trang cho nhân viên để phòng bệnh. Ông sống ở Hong Kong (Trung Quốc) và đang điều hành một công ty công nghệ thanh toán nhỏ, với chỉ khoảng 20 nhân viên. Nhưng ngay từ khi ấy, việc tìm mua khẩu trang đã rất khó khăn.

Một phần của vấn đề là do năm 2019, người biểu tình Hong Kong dùng khẩu trang che mặt để giấu danh tính nên nguồn cung mặt hàng này đưa tới đây đã bị siết lại. Trước dịch COVID-19, một nửa số khẩu trang của thế giới được sản xuất ở Trung Quốc. Nay với việc các dây chuyền sản xuất khẩu trang được nâng cao tốc độ tối đa, tỉ lệ đóng góp của Trung Quốc có thể tăng tới 85%. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không bán khẩu trang, người ta cũng gần như chẳng thể mua mặt hàng này từ đâu cả.

Olea đi khắp các trung tâm phân phối ở Hong Kong để mua khẩu trang nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ chối. Và các nhà bán khẩu trang đều nói rằng nếu ông có hàng, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Không chịu bó tay, Olea bắt đầu tìm kiếm ngoài Hong Kong, từ Mexico tới Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia cho tới Ireland. Ông chỉ hỏi mua khẩu trang N95, sau khi đọc một bài báo với nội dung ca ngợi chiếc khẩu trang này.

Sau 3 ngày nỗ lực liên hệ, cuối cùng Olea tìm được một công ty Nam Phi có tên North Safety Products và họ vẫn còn kho khẩu trang với 500.000 chiếc. Olea đặt mua toàn bộ số khẩu trang, với giá chỉ khoảng 1,5 USD mỗi chiếc, tin chắc rằng ông không gặp vấn đề gì với việc bán hàng.

Trong quá trình tiến hành thương vụ, lãnh đạo North Safety Products cảnh báo Olea phải cẩn trọng với lô hàng. Họ nói rằng có nhiều bên đang "rất quan tâm" tới những chiếc khẩu trang nên sẵn sàng hối lộ cánh tài xế để chiếm lấy hàng của ông.

Olea lập tức thuê luôn một đội áp tải hàng có vũ trang để đề phòng. Phía North Safety Products sau đó có gửi cho ông bức ảnh chụp 6 người đàn ông với gương mặt dữ dằn, hông đeo súng lục, người mặc đồ ngụy trang và áo chống đạn đang đứng quanh xe chở khẩu trang khi nó chuẩn bị ra sân bay. “Họ hỏi tôi rằng có cần trang bị súng máy cho những người bảo vệ ấy không, nhưng tôi từ chối. Sau rốt, chúng tôi không định xâm lược quốc gia nào cả, nên thế là hợp lý rồi” - Oleg chia sẻ với Guardian.

Giữa tháng 2, khoảng 2 tuần sau khi Olea đặt mua, lô khẩu trang đã hạ cánh xuống Hong Kong. Chỉ trong 6 giờ, ông đã bán hết sạch hàng. “Cảm giác như nếu có 5 triệu khẩu trang, tôi cũng có thể bán hết ngay lúc ấy” - Olea nói.

Olea, người rất nhạy bén về kinh doanh, lập tức nhận ra cơ hội kiếm tiền mới. Kể từ tháng 2, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành trên toàn cầu, ông đã đặt mua và bán thêm 1 triệu chiếc khẩu trang N95 khác từ nhà cung cấp North Safety Products.

Tháng 3 năm nay, Olea trở thành trung gian cho một công ty Trung Quốc chuyên sản xuất khẩu trang kháng khuẩn 3 lớp - cũng là mặt hàng đơn giản mà đa phần người dân trên toàn cầu chọn sử dụng hiện nay. Ông đã bán khẩu trang cho chính quyền Hong Kong, cho các quốc gia Châu Âu, thông qua các nhà ngoại giao của họ hoạt động ở Hong Kong và Trung Quốc. Ông cũng bán khẩu trang cho các công ty Châu Âu có nhu cầu. Tổng cộng Olea đã bán được 48 triệu chiếc khẩu trang.

Tới tháng 4, Olea quyết định đi tiếp một bước. Ông mua một dây chuyền sản xuất khẩu trang từ Trung Quốc. Khi ấy, giá khẩu trang ở Anh đã tăng tới gần 8 USD một chiếc và khỏi phải nói Olea đã phấn khích như thế nào khi chờ chiếc máy. “Có những thời khắc thật kỳ quái. Chúng ta phải làm tất cả chỉ để sống sót” - Olea nói.

Những chiếc khẩu trang kháng khuẩn N95 đã trở thành một mặt hàng đắt giá được nhiều người thèm muốn khi dịch bệnh lan tràn. Ảnh: Guardian
Những chiếc khẩu trang kháng khuẩn N95 đã trở thành một mặt hàng đắt giá được nhiều người thèm muốn khi dịch bệnh lan tràn. Ảnh: Guardian

Làm tất cả để có khẩu trang

Có thể nói rằng, không thứ gì chứa đựng tính biểu tượng cho dịch COVID-19 lần này hơn là những chiếc khẩu trang. Khi nhân loại chưa có thuốc đặc trị và vaccine chống virus, khẩu trang dường như là phương tiện bảo vệ duy nhất mà chúng ta có thể sắm về. Tại mọi ngóc ngách trên thế giới, khẩu trang từ chỗ là một thứ cực kỳ rẻ tiền, dễ kiếm, bỗng trở thành món hàng đắt giá ai cũng thèm khát. Người ta hiện còn xem nó như một lá bùa quyền năng, giúp cơ thể mỗi người có cơ hội sống sót trong một xã hội đang bị dịch tàn phá.

Không ai biết chính xác khẩu trang hữu dụng như thế nào và ai nên dùng chúng. Lời khuyên mà công chúng nhận được từ các cơ quan chức năng là một mớ hỗn độn. Ban đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các cửa hàng vẫn nhanh chóng cháy hàng. Đến đầu tháng 4, khi WHO đảo ngược tuyên bố về việc đeo khẩu trang, hàng loạt chính quyền đã đưa ra cảnh báo tương tự, rằng phải đeo khẩu trang để ngăn dịch. Cơn khát khẩu trang lúc này càng được đẩy lên cao hơn bao giờ hết.

Đại dịch đã gây ra tình trạng thiếu hụt khẩu trang toàn cầu và đặc biệt là một loại nguyên liệu nằm trong thành phần của khẩu trang - vải nhựa PP (polypropylene). Chất này đóng vai trò màng lọc tạp chất độc hại.Người trong ngành gọi vải nhựa này là “meltblown” (thổi chảy), có nhắc tới kỹ thuật để biến nhựa PP thành vải không dệt đặc biệt. Vải nhựa PP được sử dụng trong nhiều mặt hàng, từ những chiếc áo khoác cho tới các loại bỉm, lọc nước và lọc bụi điều hòa.

Hiện nhiều nước không coi vải nhựa PP là hàng hóa chiến lược, vì thế trong 3 thập kỷ qua phần lớn nguyên liệu này được nhập khẩu từ các nhà máy có chi phí nhân công rẻ nằm ở Châu Á. Trung Quốc cung cấp tới gần nửa lượng vải nhựa PP cho thế giới.

Đầu tháng 2, chính quyền Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu nguyên liệu này, để đáp ứng nhu cầu cao ở trong nước. Viễn cảnh bị cắt rời khỏi nửa nguồn cung vải nhựa PP dồi dào đã khiến cộng đồng sản xuất hoảng sợ. Họ thi nhau mua nguyên liệu, đẩy giá vải nhựa lên hơn 4 lần.

Cũng trong tháng 2, chính quyền Trung Quốc trở thành khách hàng duy nhất của mọi nhà máy sản xuất khẩu trang lớn nằm trên lãnh thổ nước này. Kết quả là nguồn khẩu trang cung cấp cho thế giới càng thêm cạn kiệt.

Christopher Dobbing - người thành lập Công ty khẩu trang Cambridge vào năm 2015 - vẫn không quên được làn sóng hoảng loạn mua sắm khẩu trang của người Trung Quốc. “Các cộng đồng người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới mua sạch khẩu trang tại nơi họ sống và gửi chúng về quê nhà” - Dobbing nói.

Các công ty Trung Quốc ở nước ngoài cũng tích cực mua và chuyển khẩu trang về nước. Chỉ riêng ngày 26.1, Dobbing đã nhận được 1.200 thư điện tử và 400 cuộc điện thoại đặt hàng, bởi người ta tưởng công ty ông có quy mô lớn. Hai ngày sau, Dobbing đã nhận đơn hàng cho tới tận tháng 3.

Tới giữa tháng 3, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng quy định và cho phép bán cả khẩu trang lẫn vải nhựa PP ra nước ngoài. Tuy nhiên thị trường khẩu trang vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của một thế giới đang bùng dịch. Tệ hại hơn, khẩu trang không thể tới tay bác sĩ, y tá, người già và các cá nhân cần chúng nhất. Canada thuê hẳn một công ty tư vấn đa quốc gia để tìm hiểu xem có thể tin tưởng nhà sản xuất khẩu trang nào. Các công ty vận tải hàng gần như chỉ rời Trung Quốc cùng khẩu trang, thay vì mang theo đủ loại hàng hóa khác như trước kia.

Những quốc gia không sản xuất đủ khẩu trang phải dựa vào nhiều cách thức lạ thường để có được thứ họ muốn. Tại Ireland, chính quyền yêu cầu hãng hàng không Aer Lingus chở hàng y tế từ Bắc Kinh. Hãng này chưa từng bay tới Trung Quốc trước đây và việc lập, phê duyệt đường bay mới thường mất ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, Aer Lingus đã có giấy phép chỉ sau đúng 1 tuần. Brian O’Sullivan - thầy dạy bay chính ở Aer Lingus - đã ngồi ghế cơ trưởng chiếc máy bay đầu tiên của hãng tới Bắc Kinh vào ngày 27.3. Bay cùng ông còn có 4 phi công khác, 2 kỹ sư và một chuyên gia về cân bằng hàng hóa trong máy bay. Họ mất 10 giờ bay đi, chỉ ở dưới mặt đất 6 giờ rồi bay mất 13 giờ nữa để trở về - một điều vốn là chuyện không tưởng trong hoạt động điều hành hàng không hiện đại.

Món hàng duy nhất O’Sullivan chịu trách nhiệm mang đi là các kiện khẩu trang. Giữa tháng 4 vừa qua, khi phóng viên Guardian liên lạc với O’Sullivan, ông vừa hoàn tất chuyến bay thứ 30 tới Bắc Kinh và có thể thực hiện thêm 200 chuyến nữa cho tới cuối tháng 5.

Công nhân sản xuất vải nhựa PP tại Trung Quốc - đất nước hiện cung cấp tới nửa lượng nguyên liệu này cho thế giới. Ảnh: Guardian
Công nhân sản xuất vải nhựa PP tại Trung Quốc - đất nước hiện cung cấp tới nửa lượng nguyên liệu này cho thế giới. Ảnh: Guardian 

Một thị trường hỗn loạn

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm khẩu trang điên loạn của thế giới, hàng loạt công ty đã tham gia thị trường khẩu trang, không ít trong số đó chào bán sản phẩm với chất lượng đáng ngờ.

Chính quyền Hà Lan phải thu hồi 600.000 khẩu trang sản xuất ở Trung Quốc do vấn đề chất lượng. Phần Lan quyết định vứt bỏ lô hàng gồm 2 triệu khẩu trang y tế, sau khi mới sử dụng thử vài chiếc trên một bệnh nhân duy nhất, vì thấy rằng chúng không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn y tế. Và ngay cả khi đủ tiêu chuẩn, 2 triệu khẩu trang này cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của cả nước trong vỏn vẹn 4 ngày.

Là người trong ngành nên đợt dịch này Christopher Dobbing nhận được nhiều thư chào hàng kiểu mua đi bán lại từ một số nhà cung cấp khẩu trang Trung Quốc. Còn phải kể tới những kẻ tay mơ, tham gia sản xuất khẩu trang vì thấy thị trường này đang sinh lời tốt. Họ thi nhau đặt mua máy móc, thiết bị, nghĩ rằng việc lắp đặt thiết bị và sản xuất chỉ mất vài tuần là xong, trong khi hoàn toàn không có kiến thức, kỹ năng sử dụng thiết bị, cũng như sự am hiểu về vật liệu chế tạo khẩu trang như vải nhựa PP.

Những sự hỗn loạn ấy làm lộ ra các hạn chế của nền kinh tế thị trường tự do. Những người cổ súy cho thị trường tự do lâu nay tin rằng quy luật cung cầu, nếu được đáp ứng tốt và không bị sự hạn chế nào, sẽ giải quyết mọi vấn đề cơ bản. Khi nhu cầu tăng lên, giá hàng hóa sẽ tăng và lợi nhuận lập tức thu hút nhiều nhà cung cấp xuất hiện. Nhưng theo thời gian, thị trường sẽ chỉ tưởng thưởng những người cung cấp hàng hóa chất lượng tốt và trừng phạt người bán hàng kém chất lượng. Giá cả cũng theo thời gian mà ổn định dần và hàng hóa sẽ luôn tới tay những người xem trọng chúng nhất.

Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết và đại dịch COVID-19 đã cho thấy một bức tranh ngược lại. Trong khi có những kẻ đầu cơ tích trữ hàng trăm ngàn, hàng triệu chiếc khẩu trang thì bác sĩ, y tế ở tuyến đầu lại hoàn toàn thiếu thốn đồ bảo hộ. Họ phải dùng túi nylon đựng rác, mặt nạ lặn... để chống dịch.

Người ta cũng chứng kiến những chuyện kỳ lạ như một công ty đào tạo vệ sĩ đã rơi vào tình trạng phá sản trong nhiều tháng và gần như chẳng còn nhân viên nào, nay bỗng hồi sinh sau khi nhận được một hợp đồng bán khẩu trang trị giá 55 triệu USD.

“Tôi tin rằng các nhà kinh tế học luôn bị ám ảnh với sự hiệu quả của thị trường và họ không quan tâm tới chuyện gì sẽ xảy ra với hệ thống phân phối. Nhưng chính hệ thống phân phối mới là thứ quan trọng nhất, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp" - Angus Deaton, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, chia sẻ.

Tình trạng thiếu hụt khẩu trang cũng cho thấy nhiều lời lẽ hoa mỹ và các hiệp ước hợp tác quốc tế đẹp đẽ sẽ trở nên ít giá trị hơn trong một cuộc khủng hoảng.

Một vài tuần trước đó, khi báo lá cải ở Anh đưa tin biên phòng Pháp tịch thu 2 xe tải chở khẩu trang cho cơ quan y tế Anh, sự kiện đã xác nhận nghi ngờ của không ít người về sự đoàn kết và hợp tác của Liên minh Châu Âu.

Với Mỹ, việc mua sắm khẩu trang đã trở thành một dạng "nhiệm vụ đặc biệt". Tháng 4 vừa qua, một nguồn tin tiết lộ cho báo chí biết, việc các thương gia người Mỹ đã cầm tiền mặt chạy ra đường băng một sân bay ở Thượng Hải, Trung Quốc và mua sạch lô hàng khẩu trang đã được đưa lên máy bay, chuẩn bị lên đường tới Pháp.

Không ai biết rõ các thương gia Mỹ này là ai hoặc bằng cách nào mà họ chạy ra được tận đường băng. Nhưng câu chuyện đã khiến giới chức Pháp tức giận. Khi mua lô khẩu trang mới, Renaud Muselier - Chủ tịch hội đồng khu vực Provence-Alpes-Côte d’Azur - đã quyết định mang hàng về bằng đường biển. "Ít nhất tôi có thể yên tâm rằng chẳng ai có thể chôm khẩu trang của mình ngay trên đường băng" - ông nói với một kênh truyền hình Pháp.

Mỹ cũng bị cáo buộc đã tìm cách nẫng tay trên lô khẩu trang dự định chuyển cho Đức khi máy bay vận tải đang ở Bangkok, Thái Lan. Mỹ còn ngăn chặn việc vận chuyển 3 triệu chiếc khẩu trang sản xuất trong nước sang Canada. Chính Olea cũng có trải nghiệm không đẹp về người Mỹ. Ông định mua 50.000 chiếc khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ toàn thân để gửi về tặng quê hương Romania, nhưng lô hàng đã bị "một số người Mỹ" hớt tay trên, bằng cách trả giá gấp 3 lần con số ông đã thanh toán cho người bán.

Ở Châu Âu, quan hệ giữa các nước thành viên đôi khi xấu đi vì khẩu trang và đồ bảo hộ. Cuối tháng 2, khi Italia mới có hơn 1.000 trường hợp nhiễm virus, nước này đã phát sinh nhu cầu khẩu trang rất lớn. Cùng thời điểm, Pháp và Đức lại thay đổi luật, trong đó tuyên bố khẩu trang là mặt hàng chiến lược. Điều này có nghĩa khẩu trang khi đi qua lãnh thổ hai nước trên sẽ bị tạm giữ lại. Kết quả là trong một thời gian, khẩu trang Italia đặt mua từ thế giới đã bị mắc kẹt tại hai nước trên, trong khi nước này đang oằn mình chống dịch.

Giữa lúc đó, Trung Quốc xuất hiện, tuyên bố tặng 200.000 khẩu trang cho Italia. Hành động của Trung Quốc khiến Pháp và Đức phải vội sửa luật để có thể chuyển khẩu trang cho Italia, nhưng đã quá muộn. Trong cuộc thăm dò gần đây do một tổ chức tư vấn Italia tổ chức, 52% người tham gia thăm dò ở Italia đã coi Trung Quốc là bạn tốt của nước này. 45% coi Đức là kẻ thù và với Pháp, con số là 38%.

Cho dù tiêu chuẩn bình thường mới là gì sau đại dịch này, có một điều chắc chắn là khẩu trang sẽ hiện diện khắp nơi, trong mọi ngóc ngách của đời sống. Nhu cầu về khẩu trang sẽ không thể biến mất trong thời gian trước mắt. Đó là điều Olea tin tưởng khi đặt mua dây chuyền làm khẩu trang, với tốc độ sản xuất 50 chiếc mỗi phút.

"Tôi nghĩ rằng dịch COVID-19 sẽ kết thúc giống như các bệnh theo mùa khác, kiểu như bệnh cúm, nhưng với hậu quả nặng nề hơn nhiều. Và bệnh dịch này sẽ thay đổi hoàn toàn thái độ của người ta với việc đeo khẩu trang" - ông nói. "Trước kia, người Italia thường khúc khích cười khi thấy du khách Trung Quốc đeo khẩu trang đi ngắm cảnh. Giờ thì chẳng còn ai cười cợt nữa".

Tường Linh (theo Guardian)
TIN LIÊN QUAN

Bundesliga gỡ lệnh bắt đeo khẩu trang, nới lỏng quy tắc phòng dịch COVID-19

HOÀI MINH |

Thông báo hôm 10.6, cầu thủ dự bị, nhân viên, thành viên ban lãnh đạo đội bóng và các quan chức ở Bundesliga sẽ không phải đeo khẩu trang trong suốt trận đấu.

Bộ Tư pháp Mỹ kiện công ty Trung Quốc vì bán khẩu trang giả

Lê Thanh Hà |

Bộ Tư pháp Mỹ vừa khởi kiện một công ty Trung Quốc đã bán gần nửa triệu khẩu trang N95 giả và không đạt tiêu chuẩn cho khách hàng ở Mỹ hồi tháng 4 - thời điểm dịch COVID-19 đang tấn công mạnh nước này.

Đừng để khẩu trang thành vật dụng xa xỉ

Thanh Liêm |

Chỉ mới vài tháng trước, tìm mua một chiếc khẩu trang y tế đúng chuẩn là điều cực kỳ hiếm hoi. Thay vào đó, người ta đeo khẩu trang vải mọi lúc, mọi nơi...

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Bundesliga gỡ lệnh bắt đeo khẩu trang, nới lỏng quy tắc phòng dịch COVID-19

HOÀI MINH |

Thông báo hôm 10.6, cầu thủ dự bị, nhân viên, thành viên ban lãnh đạo đội bóng và các quan chức ở Bundesliga sẽ không phải đeo khẩu trang trong suốt trận đấu.

Bộ Tư pháp Mỹ kiện công ty Trung Quốc vì bán khẩu trang giả

Lê Thanh Hà |

Bộ Tư pháp Mỹ vừa khởi kiện một công ty Trung Quốc đã bán gần nửa triệu khẩu trang N95 giả và không đạt tiêu chuẩn cho khách hàng ở Mỹ hồi tháng 4 - thời điểm dịch COVID-19 đang tấn công mạnh nước này.

Đừng để khẩu trang thành vật dụng xa xỉ

Thanh Liêm |

Chỉ mới vài tháng trước, tìm mua một chiếc khẩu trang y tế đúng chuẩn là điều cực kỳ hiếm hoi. Thay vào đó, người ta đeo khẩu trang vải mọi lúc, mọi nơi...