Triều Nguyễn với công cuộc xây dựng Kinh thành Huế

Hồng Nhung |

Sau khi thống nhất đất nước, Vua Gia Long nghĩ đến việc xây dựng đô thành. Vua cho rằng thiên hạ đã định, muốn mở rộng đô thành để làm nơi bốn phương chầu hội, bèn đến xã Kim Long, phía đông đến xã Thanh Hà, xem khắp hình thế các nơi.

Đích thân nhà vua cùng đại thần Nguyễn Văn Yến khảo sát thực địa, hoạch định mô hình kiến trúc và mặt bằng xây dựng. Sách Đại Nam thực lục chép, năm Gia Long thứ 2 (1803), vua sai giám thành là Nguyễn Văn Yến ra bốn mặt ngoài đô thành cũ Phú Xuân đo cắm để mở rộng thêm. Vua đích thân định cách thức xây thành, giao cho Bộ Lễ chọn ngày lành tế trời đất, cáo việc khởi công, phái các quân mở đường sá, làm đất cát, sai Phạm Văn Nhân, Lê Chất và Nguyễn Văn Khiêm trông coi công việc. Quân nhân mỗi tháng cấp tiền 1 quan, gạo 1 phương.

1. Mặt bằng kinh thành được mở rộng hơn hẳn Đô thành Phú Xuân vào cuối thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn. Khi quy hoạch, thấy mặt bằng Kinh thành mở vào địa phận tám xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại, vua đã cho đền bù thỏa đáng cho dân. Nơi có ruộng đất bị mở vào thì theo giá văn tự trả tiền lại, nhà cửa mỗi hộ được cấp 3 quan, uynh mộ thì mỗi ngôi 2 quan, còn nhân dân được miễn dịch. Lại thấy rằng một xã Phú Xuân, ruộng đất gần hết, dời dân xã ấy sang xã Vạn Xuân, cấp ruộng công đất công cho ở (đất công 3 khoảnh, ruộng công hơn 30 mẫu), lại cho vay tiền 1.000 quan để giúp việc chuyển dời.

Năm Gia Long thứ 4 (1805), vua cho khởi công xây đắp kinh thành. Suốt bốn mặt thành dài 2.487 trượng 4 thước 7 tấc, suốt bốn mặt hào dài 2.503 trượng, 4 thước 7 tấc; có 10 cửa, mặt trước là cửa Thể Nguyên, cửa Quảng Đức, cửa Chính Nam, cửa Đông Nam, bên tả là cửa Chính Đông, cửa Đông Bắc, bên hữu là cửa Chính Tây, cửa Tây Nam, phía sau là cửa Chính Bắc, cửa Tây Bắc; ở góc đông bắc đắp đài Thái Bình, thành (của đài) mở một cửa gọi là cửa Thái Bình, cửa đài gọi là cửa Trường Định; thân thành đài dài suốt 246 trượng 7 thước 4 tấc. Kỳ đài cao 4 trượng, 4 thước. Cửa Thể Nguyên sau đổi làm cửa Thể Nhân, cửa Thái Bình sau đổi làm cửa Trấn Bình.

Về nhân công phục vụ việc xây dựng kinh thành, biền binh ở Kinh và ở Thanh Nghệ, Bắc Thành, quân và dân Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được huy động làm việc.

Trong Châu bản triều Nguyễn có văn bản năm Gia Long thứ 4 cho biết, thông tin về việc huy động nhân công ở Quảng Bình: Phụng chỉ xây đắp Kinh thành, giao cho dân binh 2.388 người, hạn đến ngày 20.4 có mặt tại Kinh, điểm danh khởi công.

Về việc định lương gạo cấp phát, không kể quân hay dân, cho mỗi người mỗi tháng lãnh tiền 1 quan 5, gạo 1 phương 15 bát.

Vua thấy công việc nặng nhọc, nghĩ giữ cho dân đỡ mệt, hạ lệnh mỗi ngày buổi sáng làm đến giờ Ngọ thì nghỉ, buổi chiều làm đến giờ Dậu thì thôi, ai đau ốm thì cấp thuốc thang điều trị.

2. Ban đầu thành được đắp bằng đất, gỗ ván bọc mặt ngoài. Năm Gia Long thứ 17 (1818), vua cho xây gạch Kinh thành. Vua sai Hoàng Công Lý, Trương Phúc Đặng, Nguyễn Đức Sĩ, trông coi công việc. Làm 24 đài ở trên thành, phía trước là các đài Nam Minh, Nam Hưng, Nam Thắng, Nam Chính, Nam Xương, Nam Hanh, ở bên tả là các đài Đông Thái, Đông Trương, Đông Hoa (nay là Đông Gia), Đông Phụ, Đông Vĩnh, Đông Bình, phía sau là các đài Bắc Cung (nay là Bắc Định), Bắc Hòa, Bắc Thanh, Bắc Trung, Bắc Thuận, Bắc Điện, bên hữu là các đài Tây Thành, Tây Tuy, Tây Tĩnh, Tây Dực, Tây An, Tây Trinh.

Vua cũng nghiêm trị những ai lợi dụng trong quá trình xây thành biển thủ vật liệu hay phù lạm gian dối, dụ rằng: “Việc xây thành là quan trọng lớn lao, của công tiêu tốn rất nhiều. Phàm tất cả vật liệu, cần phải thực chi, thực dùng, ai dám thông đồng phù lạm gian dối, tổn hại việc xây thành, người phạm không kể số tang vật nhiều hay ít, đều theo quân luật trị tội nặng”.

Khi việc xây dựng Kinh thành còn dang dở thì Vua Gia Long lâm bệnh, băng hà. Vua Minh Mệnh nối ngôi, tiếp tục cho xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục lớn nhỏ trong ngoài Kinh thành.

Vua bảo bầy tôi rằng: Trước Tiên đế có bảo trẫm: “Việc xây đắp Kinh thành không khỏi nhọc dân phí của, nếu có chỗ nào chưa xong, thì nhân đấy mà làm xong đi”.

Bản Tấu của Thị vệ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đề cập: Chánh đội trưởng Thị Nội Đoàn Văn Dương và đội trưởng Phạm Văn Trường tâu: Tuân Chỉ, chọn lấy 65 lính đắp mặt tả Kinh thành, xin chuẩn cấp tiền lương chi dùng. Vua Minh Mệnh phê trên văn bản: Chuẩn cấp mỗi tháng tiền 65 quan gạo, bắt đầu từ tháng 3.

Một văn bản khác vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), Lê Văn Đức phụng chỉ: Cầu Thanh Long ở mặt trái Kinh thành cần dùng đá xây lát mới bền vững lâu dài. Truyền tính toán phái binh lính lần lượt vận chuyển đá khối để thợ đá đẽo gọt đúng cách thức và đủ cho toàn bộ nhu cầu. Đợi đến sang năm chọn ngày lành sẽ xây lát. Lại truyền cho vũ khố tính toán công trình tăng thêm thợ đá để đủ cho công việc. Văn bản đã được Vua Minh Mệnh phê duyệt.

3. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tu sửa lại Kỳ đài ở Kinh thành. Trên đài đường rãnh nước, bốn bên xung quanh chỗ nào thấm nước nứt vỡ thì tu bổ lại, hai bên bậc cửa xây thêm lan can, mặt nền tầng trên thì lát gạch vuông).

Các đợt thi công phần lớn diễn ra vào mùa nắng, nhưng có khi tạm hoãn do nhà vua thấy thời tiết nóng nực, làm cho binh lính mệt nhọc. Vua dụ rằng: “Mặt trước Kinh thành từ tháng 3 đến nay sửa chữa vẫn chưa xong. Nhân nghĩ việc thành trì chỉ cốt lấy vững bền, không cần chóng xong, cho nên có lệnh răn bảo chớ làm vội, để đỡ khó nhọc. Từ sang mùa hạ đến nay, khí nắng nồng nực, tuy công tác có trình hạn không đến nỗi mệt nhọc, nhưng lòng trẫm nghĩ đến binh lính chưa từng phút quên trong giây phút, há nỡ sai khiến lâu ngày không cho nghỉ vai ư? Vậy công trình mặt sau thành tạm chờ sang xuân sẽ làm”.

Đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), công việc xây đắp Kinh thành đã xong. Vua bảo Nội các rằng: “Kinh sư là nơi khởi đầu giáo hoá mà Kinh thành lại càng quan trọng lắm. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta, sau khi bình định được cả nước, sửa sang gây dựng, quy mô rộng mở, ta kính nối nghiệp trước để chí noi theo. Ta nghĩ đi nghĩ lại mãi: Có khó nhọc một lần mới được nhàn rỗi lâu, bèn để ý xếp đặt mưu tính lần lượt, đem hết thảy công trình xây dựng Kinh thành, đều sửa sang xây đắp lại cho thêm mới. Từ tiền công đến vật liệu trước sau đã chi đến hơn trăm nghìn vạn. Số tiền tiêu ấy thực không hạn lượng được. Nay toàn cục đã xong, công việc đã hoàn thành cả, thành trì bền vững, truyền lại hàng ức muôn năm, lòng Trẫm thực rất vui mừng. Sau đó, Vua ban thưởng cho các biền binh.

4. Công cuộc xây dựng Kinh thành dưới hai triều vua đầu triều Nguyễn là Gia Long và Minh Mệnh về cơ bản đã hoàn thành. Trong 27 năm kể từ khi khởi công (1805) đến khi hoàn thiện (1832), có năm làm, có năm nghỉ, có năm sửa đắp chỗ sụt lở do lũ lụt.

Các đời vua tiếp theo từ Thiệu Trị đến Bảo Đại, thành còn được tu bổ, gia cố nhiều lần, cũng như xây dựng thêm những công trình mới trong và ngoài Kinh thành.

Bản Tấu của Đề đốc kinh thành vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) có nội dung đề cập việc tu sửa Kinh thành như sau: Hôm nay, nha thần đã đi xem xét khắp 4 phía thành, thấy đều chắc chắn. Chỉ có thân thành ở phía trong trước đài Trấn Bình bị nghiêng và phía trái dài 13 trượng, rộng từ 4 tấc đến trên dưới 5 phân. Thần đã sức cho binh lính vệ 1 dinh Kỳ Vũ đóng cọc để giữ.

Trải qua thời gian hàng trăm năm, cùng sự tàn phá của chiến tranh nhưng đến nay, Kinh thành Huế gần như vẫn giữ nguyên được diện mạo với giá trị trên nhiều phương diện. Cũng chính vì thế, tòa thành được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục, H.2002, tr.552.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục, H.2002, tr.630.

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Gia Long, tập 1, tờ 117.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục, H.2002, tr.630.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục, H.2002, tr.966.

6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Giáo dục, H.2002, tr.985.

7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mệnh, tập 1, tờ 188.

8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mệnh, tập 29, tờ 236.

9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục, H.2007, tr.141.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, NXB Giáo dục, H.2007, tr. 316.

11. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tập 18, tờ 297.

Hồng Nhung
TIN LIÊN QUAN

Về nơi lưu giữ 85 đạo sắc phong thần triều Nguyễn

NGUYỄN TRI |

Nằm ở hữu ngạn dòng Cổ Chiên, Công Thần miếu (ở phường 5, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) hiện đang lưu giữ 85 đạo sắc phong thần triều Nguyễn, hiện đây là nơi còn giữ được số lượng đạo sắc phong thần triều Nguyễn nhiều nhất Việt Nam.

Lễ rước Long vị vua triều Nguyễn đầu tiên ở Đại nội Huế

HƯNG THƠ |

Sau khi rước Long vị vua Hàm Nghi; rước bài vị của Bộ binh Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường, tỉnh Quảng Trị đã đưa đến Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích Quốc gia Căn cứ Thành Tân Sở (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để an vị.

Kiểm soát dịch dưới triều Nguyễn khi có sự kết hợp Tây y

hồng nhung |

Các văn bản hành chính triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho thấy, có sự thay đổi rõ rệt trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở nước ta dưới triều Nguyễn khi bắt đầu có sự kết hợp Tây y.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Về nơi lưu giữ 85 đạo sắc phong thần triều Nguyễn

NGUYỄN TRI |

Nằm ở hữu ngạn dòng Cổ Chiên, Công Thần miếu (ở phường 5, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) hiện đang lưu giữ 85 đạo sắc phong thần triều Nguyễn, hiện đây là nơi còn giữ được số lượng đạo sắc phong thần triều Nguyễn nhiều nhất Việt Nam.

Lễ rước Long vị vua triều Nguyễn đầu tiên ở Đại nội Huế

HƯNG THƠ |

Sau khi rước Long vị vua Hàm Nghi; rước bài vị của Bộ binh Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường, tỉnh Quảng Trị đã đưa đến Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích Quốc gia Căn cứ Thành Tân Sở (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để an vị.

Kiểm soát dịch dưới triều Nguyễn khi có sự kết hợp Tây y

hồng nhung |

Các văn bản hành chính triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho thấy, có sự thay đổi rõ rệt trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở nước ta dưới triều Nguyễn khi bắt đầu có sự kết hợp Tây y.