Trẻ em Mỹ nạn nhân của súng: Cuộc khủng hoảng chưa được giải quyết hiệu quả

Tường Linh (Tổng hợp) |

Mỗi năm ở Mỹ luôn xảy ra rất nhiều vụ nổ súng kinh hoàng, trong đó trẻ em không chỉ trở thành nạn nhân mà còn là các thủ phạm vô tình gây họa. Tuy nhiên vấn đề này chưa bao giờ được đối diện và giải quyết một cách hiệu quả.

Những vụ nổ súng đau lòng

Tyler Paxton luôn biết chỗ đặt khóa mở két chứa súng của bố. Đó là một buổi chiều mùa Hè năm 2014, chỉ 5 ngày sau lễ mừng sinh nhật 11 tuổi của Tyler, với một bữa ăn đầy gà rán và thịt viên. Cha Tyler, anh Jonathan, luôn để chìa khóa trên nóc cái két, không bao giờ giấu diếm điều này vì anh tin tưởng con. Là người mê bắn súng nên Jonathan cũng đã dạy con rất cẩn thận cách bắn súng và kỹ năng sử dụng súng an toàn.

Đêm đó, khi cha mẹ Tyler đang thư giãn ngồi xem TV trong phòng khách, cậu bé mới học lớp 5 bèn nói rằng sẽ đi xem phim hoạt hình trong phòng ngủ của cha mẹ. Nhưng thực ra Tyler đi thẳng tới cái két chứa súng đặt trong phòng, lấy khóa mở két và lôi ra một khẩu súng ngắn ổ xoay magnum bắn đạn .357 (9x33mm). Trong cái két chứa đầy những khẩu súng thuộc nhiều loại khác nhau, đó là khẩu súng duy nhất đang nạp đạn.

Tyler ngồi trên sàn nhà, nhìn vào chiếc gương đặt trong phòng, tay trái nắm chặt khẩu súng. Cậu bé chậm rãi nâng nòng súng lên thái dương. Rồi cậu kéo cò.

Với Jonathan, tiếng nổ vừa vang lên không lập tức đánh thức bất kỳ điều gì trong anh. Bởi dù Jonathan đã nghe hàng ngàn tiếng súng, chưa bao giờ âm thanh này vang lên trong nhà anh. Có thể một cái bóng đèn vừa bất ngờ bị cháy, anh nghĩ. Lo rằng Tyler có thể hơi hoảng vì sự cố cháy bóng đèn, Jonathan chạy theo hành lang tới phòng ngủ của mình. Ở đó, anh kinh hoảng khi nhìn thấy con trai nằm bất động bên vũng máu.

Ở Mỹ chuyện trẻ em dễ dàng tiếp cận với súng không phải là điều gì quá xa lạ, bất chấp đặc tính nguy hiểm của loại vũ khí này. Và từ đây nhiều vụ nổ súng đau lòng, để lại hậu quả thảm khốc, đã xảy ra với nạn nhân thường là bạn bè, anh chị em, họ hàng hoặc chính đứa trẻ.

Trong lễ Chiến sĩ Trận vong năm 2012 tại tiểu bang Tenessee, bé Lucas Heagren, 3 tuổi, đã vô tình tìm thấy khẩu súng mà cha vẫn giấu đằng sau chiếc ghế bành trong phòng khách. Cậu bé đã nghịch ngợm quay nòng súng lên đầu, vô tình bóp cò và lãnh một viên đạn xuyên qua mắt phải.

Chỉ vài ngày sau ở tiểu bang Georgia, bé Cassie Culpepper, 11 tuổi, được cha chở trên xe cùng người anh trai 12 tuổi. Người anh ngồi nghịch một khẩu súng mà cha đẻ đã cho cậu sử dụng để bắn đuổi những con cáo. Tin rằng đã tháo bỏ hết đạn, người anh chĩa khẩu súng vào người Cassie rồi xiết cò. Một tiếng nổ vang lên và máu trào ra từ miệng của Cassie.

Việc quản lý súng thiếu trách nhiệm của người lớn đã khiến nhiều đứa trẻ ở Mỹ sử dụng vũ khí này để gây họa cho người khác hoặc chính bản thân. Ảnh AFP
Việc quản lý súng thiếu trách nhiệm của người lớn đã khiến nhiều đứa trẻ ở Mỹ sử dụng vũ khí này để gây họa cho người khác hoặc chính bản thân. Ảnh AFP

Trước đó vài tuần, tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, một nhóm thiếu niên trong lúc tìm tiền để mua đồ ăn vặt đã vô tình phát hiện một khẩu súng Glock được cất giấu kỹ. Một cậu trai 15 tuổi trong nhóm này đã cầm khẩu súng và không may làm nó cướp cò. Alex Whitfield, bé trai trong nhóm khi ấy vừa bước sang tuổi 11, đã trúng đạn và thiệt mạng.

Hồi năm 2013, trong một bài viết về tình trạng trẻ em cầm súng vô tình gây họa ở Mỹ, tờ New York Times cho biết những đứa trẻ, đặc biệt là các bé trai, thường bị thu hút bởi súng đạn. Trong hầu hết vụ nổ súng liên quan tới trẻ em tính tới thời điểm bài báo được xuất phát, đa số tay súng là nam giới. Bé trai cũng chiếm tới 80% số các nạn nhân.

Hết lần này tới lần khác, các bé trai không thể cưỡng lại việc sờ vào súng, bất chấp việc đã bị cha mẹ, người thân nhiều lần cảnh cáo không được làm vậy. Khi Joshua Skorczewski, 11 tuổi, lấy một khẩu súng săn ra khỏi két chứa súng của gia đình ở tiểu bang Minnesota vào ngày 28.7.2008, cậu làm thế vì đang hứng thú. Joshua mới tham gia một lớp đào tạo về an toàn súng và muốn thử áp dụng các kiến thức đã học được.

Nhưng vì lý do nào đó mà Joshua đã không thể giải thích được với cảnh sát, cậu bé nạp một viên đạn và vô tình bắn chết cô em gái 12 tuổi đang tò mò đứng cạnh. Khi mẹ đẻ gọi từ chỗ làm về để kiểm tra hai anh em, Joshua vẫn chưa hết run rẩy nói: "Mẹ à, con vừa bắn trúng em".

Ngày 1.12.2006, Beth Dwyer đang bận bịu chuẩn bị để cho hai con của cô, một bé 5 tuổi và một bé 8 tuổi, tới trường. Chồng cô vướng chút việc nên không thể giúp vợ. Đêm trước đó, Dwyer đã lấy khẩu súng ngắn ổ xoay của gia đình khỏi tủ chứa và để nó trong ngăn kéo đầu giường nhằm đảm bảo an toàn. Sáng sớm hôm sau, cô quên mất việc phải cất súng vào chỗ an toàn.

Trong quá trình chơi ở phòng ngủ của mẹ, bé 8 tuổi đã tìm thấy khẩu súng. Ban đầu cậu bé kéo búa đập, chĩa mũi súng xuống sàn và kéo cò, nhưng súng không nổ. Nghĩ rằng súng không có đạn, cậu bé bèn chĩa súng vào em trai và kéo cò lần nữa, không hay biết một viên đạn trong ổ đã lên nòng. Sau tiếng nổ chát chúa, cậu em 5 tuổi của bé đổ gục xuống sàn vì một viên đạn xuyên thủng trán.

Tự sát 5 phút sau khi ra quyết định

Vụ việc mà gia đình Jonathan trải qua là dạng bạo lực mà người Mỹ ít khi nói tới, hoặc xem là chuyện sẽ xảy ra trong cộng đồng của họ, nơi súng thường được cất trong các ngăn kéo, tủ quần áo hoặc những chiếc két không khóa.

Nhiều người cho rằng giáo dục mới là yếu tố cốt lõi, giúp đảm bảo tốt nhất vấn đề an toàn súng đạn. Nhưng vụ của Tyler là ví dụ rõ nhất cho thấy một bé trai, dù đã được giáo dục kỹ về điều nên và không nên làm với súng, vẫn tự hại mình bằng thứ vũ khí chết chóc này.

Tyler đã luôn được tiếp cận với các khẩu súng từ thuở bé, nhưng cha mẹ kể rằng cậu bé luôn tỏ ra không hứng thú. Trong khi đó, là người mê súng đạn, thích thi bắn súng nên Jonathan đã dạy con trai cách sử dụng loại vũ khí này từ rất sớm, với hy vọng sẽ nhen lên niềm đam mê trong con trai. Tuy nhiên sự thờ ơ của Tyler khiến Jonathan có lúc tự hỏi có phải con trai đang vờ tỏ ra hào hứng chỉ để chiều lòng anh.

Bob Maxwell biết rõ chuyện đang diễn ra là thế nào trong khoảnh khắc anh bước tới phòng ngủ nhà Jonathan. Khi ấy là 1 trong 3 viên cảnh sát duy nhất của West Pelzer, một thị trấn nhỏ với hơn 800 cư dân, anh nhận được cuộc gọi báo có nổ súng xảy ra trong gia đình Jonathan. Giờ anh đang ở hiện trường và chứng kiến một người cha đau khổ nói trước xác con, rằng mình yêu con như thế nào. Mùi thuốc súng vẫn còn phảng phất trong không khí.

“Bob, cứu con tôi với”, Jonathan nói như van với viên cảnh sát, cũng là bạn anh. “Jonathan à, tôi chẳng thể làm được gì nữa đâu”, Maxwell buồn bã đáp. Tyler được đưa tới bệnh viện, nhưng các bác sĩ cũng không thể cứu cậu bé sau phát đạn chí mạng.

Sau quá trình thẩm vấn, cảnh sát kết luận Tyler đã tự sát bằng súng, điều mà Jonathan và vợ anh không chấp nhận, bởi cậu bé hoàn toàn không có bất kỳ biểu hiện trầm cảm hoặc căng thẳng nào, cũng không bị bắt nạt ở lớp. Cho tới giờ, cặp vợ chồng cũng không biết lý do thực sự nào đã khiến Tyler xiết cò súng.

Theo Washington Post, vợ chồng Jonathan có thể cũng không biết một thực tế rằng chỉ qua việc sở hữu súng, họ đã đẩy cao khả năng Tyler tự hại mình bằng vũ khí này. Thực tế, một nghiên cứu được xuất bản hồi năm 2019 trên tuần báo khoa học American Journal of Preventive Medicine thấy rằng yếu tố giúp dự đoán tốt nhất về tỉ lệ tự sát của người trẻ trong một bang, chính là dựa vào tỉ lệ các gia đình có sở hữu súng đạn. Đáng chú ý là một trong các tác giả viết rằng dữ liệu về tỉ lệ sở hữu súng có khả năng giúp dự báo chính xác hơn nhiều các dấu hiệu khác, như tỉ lệ trẻ đã từng định tự sát trong một bang.

“Người ta vẫn duy trì lối tư duy rằng họ có thể dạy trẻ em để chúng không muốn sờ vào một khẩu súng. Nhưng thực tế họ không thể dạy dỗ hoặc giáo dục để trẻ thôi tò mò. Và trẻ ở tuổi vị thành niên thì rất nông nổi, hay có hành động bột phát. Chúng thường hành động mà ít khi suy nghĩ tới hậu quả”, Denise Dowd, một bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu đã điều trị hơn 500 bệnh nhi bị thương tích do súng bắn, cho biết. “Bạn chắc chắn sẽ phải để súng cách xa trẻ em. Điều này đơn giản như để thứ có khả năng gây hại cách xa khỏi nhóm đối tượng dễ bị làm hại vậy”.

Một cuộc khảo sát trên 153 vị thành niên và người trẻ tuổi vẫn sống sót sau khi thực hiện kế hoạch tự sát cho thấy, 1/ 4 trong số họ đã tiến hành tự sát chỉ sau 5 phút đưa ra quyết định. Điều này khiến những người trẻ dễ tiếp cận với súng sẽ đối mặt với tình huống nguy hiểm hơn nhiều một đứa trẻ chỉ tiếp cận được với dao, dây thừng hay thuốc ngủ. Washington Post cho biết trong 2 thập kỷ qua, gần 10.000 người trẻ ở Mỹ đã dùng súng để kết liễu mạng sống của mình.

Dịch COVID-19 xuất hiện chỉ khiến mối quan hệ giữa trẻ em và súng đạn trở nên tệ hơn. Nguyên nhân do hoạt động bán súng tại Mỹ bùng nổ trong thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành, cũng là giai đoạn trẻ em phải ở nhà nhiều hơn vì tác động của dịch bệnh. Một phân tích của nhóm Everytown for Gun Safety, dựa trên các vụ nổ súng được ghi nhận, thấy rằng số người bị trẻ em giết chết trong các vụ nổ súng không cố ý xảy ra từ tháng 3 tới tháng 12.2020 đã tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2019, từ 97 người chết lên 129 người chết.

Làm sao để trẻ em được an toàn?

Sau mỗi vụ bạo lực gây chú ý liên quan tới súng đạn, Quốc hội Mỹ dường như chỉ có động thái thúc đẩy việc cấm súng trường tấn công và tăng kiểm tra lý lịch người mua súng. Vẫn có rất ít chính khách Mỹ muốn ủng hộ các quy định sẽ bảo vệ trẻ em khỏi việc tiếp cận được với vũ khí chết người.

Và đây không phải là một vấn đề gây chia rẽ hai chính đảng lớn nhất của Mỹ. Một cuộc thăm dò do tổ chức American Public Media tiến hành hồi năm 2019 thấy rằng 8/10 người Mỹ, gồm 7/10 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, ủng hộ một đạo luật quy định rằng súng phải được cất giữ cẩn thận đằng sau các lớp khóa khi không được sử dụng. Washington Post đánh giá các quy định như thế sẽ giúp bảo vệ sinh mạng và đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết ở Mỹ.

Thường bị bỏ qua trong vô số cuộc tranh cãi về súng đạn ở nước Mỹ là cách thức để bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị hại bởi thứ vũ khí này. Các nhà nghiên cứu tin rằng nếu mọi cá nhân ở Mỹ đều khóa và cất súng cẩn thận, con số trẻ em chết vì súng hoặc tự sát liên quan tới súng sẽ giảm tới 1/3 so với hiện nay.

Tuy nhiên nhiều người Mỹ vẫn bỏ qua bước đơn giản này, vì thiếu hiểu biết hoặc vì bất cẩn. Một nghiên cứu của JAMA Pediatricsvề các gia đình có truyền thống sở hữu súng ở vùng nông thôn tại miền Nam Mỹ thấy rằng một lượng lớn phụ huynh không hề biết con có nhận thức thế nào hoặc đã làm gì với súng mà họ để ở nhà.

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy nhiều chi tiết thú vị khác. Gần 40% phụ huynh Mỹ tuyên bố con không biết nơi họ cất súng thực sự đã sai lầm: Trẻ biết nơi để các khẩu súng. Hơn 20% phụ huynh tuyên bố con chưa từng sờ vào súng, nhưng thực tế thì ngược lại.

Điều đáng chú ý là nhiều trẻ đã được chỉ bảo về an toàn khi sử dụng súng nói rằng chúng vẫn thích sờ mó, nghịch ngợm súng, dù biết đây là đồ nguy hiểm. Số liệu năm 2015 thấy rằng có khoảng 4,6 đứa trẻ ở Mỹ đang sống trong các gia đình có ít nhất một khẩu súng nạp đầy đạn và không được cất khóa cẩn thận.

Bởi Quốc hội Mỹ cơ bản đã cấm Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật nghiên cứu bạo lực liên quan tới súng đạn trong vòng 2 thập kỷ qua, sẽ rất khó để xác định xem biện pháp đảm bảo an toàn súng đạn nào hiệu quả nhất. Tuy nhiên một nghiên cứu về vấn đề này của công ty Rand Corp cho thấy luật ngăn trẻ em tiếp cận với súng dường như mang lại hiệu quả lớn hơn cả. Luật sẽ cho phép cơ quan công tố khởi tố người lớn vì tội bất cẩn, nếu họ để con cái sờ vào súng. 21 bang ở Mỹ hiện không có luật ngăn trẻ em tiếp cận với súng, tính tới tháng 3 năm nay. Trong số các bang có luật thì việc thực thi cũng khá lỏng lẻo, hoặc án phạt khá nhẹ, khiến chúng có ít hiệu quả.

Một cuộc đánh giá lại của Washington Post trên 145 vụ nổ súng do trẻ em thực hiện trong 2 thập kỷ, sau vụ thảm sát tại trường trung học Columbine vào năm 1999, thấy rằng nguồn gốc vũ khí đã được xác định trong 105 vụ. Trong số vụ này, 80% có nguồn gốc từ gia đình những đứa trẻ, hoặc từ nhà bạn bè, người thân. Tuy nhiên chỉ có 4 vụ người lớn bị trừng phạt do không quản lý tốt vũ khí - cụ thể là không cất khóa cẩn thận.

Thật khó để hình dung có công tố viên nào muốn trừng phạt một người bố đau khổ như Jonathan. Nhưng nếu có quy định an toàn tồn tại trước khi sự việc xảy ra, hẳn Jonathan đã không phải hối hận và tiếc nuối đến thế.

Về phần mình, Bob Maxwell, viên cảnh sát đã tới nhà Jonathan sau khi nhận cuộc điện thoại 911, không cần ai thuyết phục hay bằng chứng mạnh mẽ nào để thay đổi tư duy. Anh là người đã đi theo chiếc xe cứu thương chở Tyler tới bệnh viện. Trên đường đi, anh đã gọi điện gấp về nhà, chỉ để được nghe tiếng hai đứa con và nói câu: “Bố yêu các con”. Con gái của Maxwell chỉ lớn tuổi hơn Tyler một chút.

Maxwell đã ở bên thi thể Tyler suốt đêm trước khi trở về nhà bạn để tham gia dọn dẹp hiện trường. Trong căn phòng ngủ của Jonathan, Maxwell là người đã lau sạch vết máu khỏi một đôi giày của Tyler. Là viên cảnh sát có nhiều năm kinh nghiệm, Maxwell từng chứng kiến một số cảnh rùng rợn hơn thế, nhưng những gì xảy ra với Tyler không rời khỏi tâm trí. Anh trải qua nhiều cơn ác mộng. Mùi thuốc súng khiến anh thấy buồn nôn. Đám tang của Tyler làm anh bật khóc đầy yếu đuối.

Một khóa trị liệu đã giúp Maxwell trở lại bình thường, nhưng hoàn toàn đảo lộn cách anh quản lý súng. Trước đây Maxwell thường về nhà và tháo đai súng để ngay trên sàn. Anh dặn con nhiều lần không được sờ vào súng, nhưng nay chợt nhận ra những lời dặn dò vẫn là chưa đủ. Vì thế, Maxwell đã lặng lẽ mua thêm một chiếc két chứa súng, không cho ai biết mật mã mở, và khóa tất cả vũ khí anh đang sở hữu vào bên trong.

Tường Linh (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Mỹ: Bắt giữ thiếu niên hành hung cặp đôi gốc Á ở bang Washington

Bảo Châu |

Một thiếu niên 15 tuổi đã bị bắt và bị cáo buộc hành hung một cặp đôi gốc Á trong video ghi lại ở bang Wahington.

Hé lộ tình tiết bất ngờ vụ xả súng giết chết 4 người ở California, Mỹ

Bảo Châu |

Cảnh sát phát hiện tình tiết bất ngờ trong vụ xả súng chết 4 người ở California, Mỹ vào chiều 31.3.

Nổ súng ở Mỹ, ít nhất 4 người chết

Bảo Châu |

Giới chức Mỹ cho biết, ít nhất 4 người đã chết trong vụ nổ súng ngày 31.3 tại quận Cam, California.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Mỹ: Bắt giữ thiếu niên hành hung cặp đôi gốc Á ở bang Washington

Bảo Châu |

Một thiếu niên 15 tuổi đã bị bắt và bị cáo buộc hành hung một cặp đôi gốc Á trong video ghi lại ở bang Wahington.

Hé lộ tình tiết bất ngờ vụ xả súng giết chết 4 người ở California, Mỹ

Bảo Châu |

Cảnh sát phát hiện tình tiết bất ngờ trong vụ xả súng chết 4 người ở California, Mỹ vào chiều 31.3.

Nổ súng ở Mỹ, ít nhất 4 người chết

Bảo Châu |

Giới chức Mỹ cho biết, ít nhất 4 người đã chết trong vụ nổ súng ngày 31.3 tại quận Cam, California.