Trang thơ xuân

LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN |

Gồm các bài thơ hay của nhiều tác giả.

Xếp dọn đời mình (Tặng KL)

*Thơ của Trần Quang Đạo

Có những ngày rỗi rãi
ngồi xếp dọn lại đời
loại bỏ những bản nháp trong hành trang ngày một đầy thêm tạp chất
ngày một thêm tự ghét mình.
Thế mà tôi đắn đo
những bản nháp cầm trên tay thấy rưng rưng nặng
treo lên nhịp tim không nỡ bỏ
cái sọt rác ắp những ngày khốn khó
đựng những thứ muốn vứt đi lại đến bới tìm.
Gặp lại đời mình trong muôn nỗi lặng im
xôn xao thân phận
không đủ dũng cảm như người lính trận
tự chặt đứt cánh tay mình
cánh tay không sinh ra để làm một bản nháp thứ hai.
Ngồi xếp dọn lại đời mình
có ai đó xếp dọn ta trong mùa chuyển lá?
***
Dòng chữ còn ấm trên trang giấy như mạch máu đời trai năm anh hai mươi tuổi. 
Anh xếp dọn lại em cho êm bề hạnh phúc?
Những lỗi lầm giấu kín anh muốn loại bỏ như mưa thấm hết vào lòng đất. 
Bước ra trước em tươi nguyên như thuở ban đầu. 
Mắt em có tìm xếp dọn những mảnh vỡ?
Em có nhớ không ngày hai ba tháng mười thu ngưng đọng trên tầng hai ký túc. 
Em trở thành người đầu tiên tan chảy vào anh để sau đó chúng ta trở thành đôi đũa. Từ tình sinh ra không ít nhiệm màu và cũng nhiều mảnh vỡ. 
Hai ta có đi đến cuối con đường để dọn những chiều hôm?

Ngắm trời cao

*Thơ của Phạm Đình Ân
Lâu lắm rồi ta quên bẵng đi
Cái vui thích ngắm trời như thuở nhỏ
Cả những nóc nhà cao, những ngọn cây cao
ta cũng thường bỏ qua
Chỉ nhìn cái thấp gần, tiện việc.
Trời quang tạnh vô tình không hưởng
mây tối sầm lại ngóng mà lo.
Để chiều nay ta bất chợt nhìn lên
Bỗng giật thót: trời xanh dồn sắc lại
dành cho ta vẻ đẹp tự bao ngày.

Chùm thơ của Trần Quang Quý 

Buộc

Hoa lại nở
ngỡ môi em còn thơm đầy vườn
hoàng hôn đã khép ráng chiều xa ấy
Gió gọi em mùa đi biền biệt 
vườn buộc anh cả một đời hương

Nằm

Thân cây cứng mọc đứng
cỏ dây leo mọc nằm
thì đâu cần cao thấp!
Bò ngang thiên hạ
cỏ mềm nằm duỗi xuân

Bạn đến

Lâu lâu bạn đến nhà
ta ngâm men tri kỷ
rượu khai xuân chan nhau ngầu khuya
Ta vì bạn dốc ta tận đáy
bạn về đáy rỗng lộn ngược ta

Ngược
Những con cá bay lên bầu trời, những con chim lặn vào nước
bầy cá mọc cánh trong một thế giới khác
bầy chim mọc vây vào dòng sông siêu thực
Không có những ước mơ lạ kỳ, khám phá
không có thế giới thực

Giọng trời

Những tiếng chim đang hót
giọng của trời xanh ngân từng âm vực
chúng đang đánh vần hệ ngữ không gian
Mỗi loài chim đều có giọng của mình
ngay cả loài không hót

Vấp vào đôi mắt ấy
* Thơ của Đàm Khánh Phương

Đôi mắt của em làm bằng gì vậy?
Bằng vết tấy
Mảnh gương trong
Tan vụn giữa lòng
Không gắp ra được
Vết thương của ai? 
Mà sao tim mình 
Nghe đau nhức
Như của mình 
Lồng ngực 
Ai đem cưa thợ mộc 
Mà cứa mà cưa
Mà cứa... mà cưa
Mà cứa...
                   Mà cưa...

Ý nghĩ mùa xuân
* Thơ của Đoàn Văn Mật

Đẹp từ ý nghĩ
khi những sắc hoa bừng nở
“mùa xuân ai cũng muốn mình là hạt mầm”
tôi đã nghe từng bước chân thành phố
đang chảy về cố hương
phía những ngôi nhà đèn sáng đêm đêm
tiếng mẹ toả ra trầm ấm
mẹ quét lại tường
mẹ sơn lại cửa...
mẹ líu ríu vào nhà, ra ngõ
mừng đứa con xa sắp trở về
đẹp từ ý nghĩ
mùa xuân nào cũng thế
mẹ chờ đợi những người khách quý
những đứa con của mẹ
đang trở về, trở về
bóng cha đổ dài trên tờ lịch cũ.

Tỏ tình 
* Thơ của Hoàng Việt Hằng

Nửa đêm là quần áo
thức giấc đã cạo râu 
nhẩy cầu thang chân sáo
đi quanh nhà nghêu ngao.
hát không đầu không cuối
có chuyện gì lạ sao?
con bình lặng mỗi ngày
mẹ già rồi bỗng thấy
nhà mình xuân sớm nay
con nắm tay nàng ấy
nàng ấy hôn đắm say
như núi lửa vừa cháy.
kim giây thì ngừng chạy
đồng hồ thì không dây
bùa mê gì lạ vậy
thả cái tình ngất ngây
mẹ vờ không nghe thấy
mẹ vờ như lãng quên
tỏ tình không có men
mà nụ cười tan chảy
như lớp sóng nào đấy
biển biếc khi dâng trào
giọt giọt nào huyền ảo
giọt giọt nào chiêm bao?

Xuân thì

* Thơ của Đinh Ngọc Diệp

Chung chiêng trời đất xoay tròn
Nắng thưa sàng trái mơ non đu cành
Trốn tìm gió lọt khe mành
Em đi cởi áo len thành khăn che
Ngõ quê nảy gót em về
Quả xuân nhu nhú, tóc thề ghẹo ai?

Ngày ấy
* Thơ của Hoàn Nguyễn

Em đi tìm chút dỗi hờn
Bỏ quên ngày ấy cô đơn đến giờ
Em đi tìm những vẩn vơ
Mà anh đã dán bên bờ thời gian
Em đi nhặt ánh trăng vàng,
Nhặt hoa nắng hạ, nhặt làn gió xuân 
Gọi anh xa thoắt nên gần
Gọi tình sương gió bao lần à ơi
Hỏi rằng, ngày ấy đâu rồi?
Dạ thưa, ngày ấy trong tôi bây giờ!

Đã quá lâu rồi
* Thơ của Hữu Việt

Em còn nhớ chăng những ngày mây bay ngang cửa
Gió ú ớ lưng trời hớn hở ái ân
Những con sóng quấn vào nhau da diết dậy sông Hàn
Sau mỗi chặng khơi xa, 
những con tàu rã rời nằm nghỉ
Viên mãn.
Mệt nhoài.
Bình yên.
Hoan hỉ. 
Chỉ có cảng cá phập phồng nắng nỏ:
hôm nay một người áo trắng mới đi qua
Trên đỉnh Sơn Trà
Ta đã muốn bay lên bầu trời cao rộng
bằng đôi cánh nồng nàn của tình yêu
những nốt chân trần lưu trên cát mịn 
sẽ hoá thạch ngàn đời thành mắt biển
chẳng sóng nào xoá nổi khoé xinh đâu!
Vậy mà đã lâu... 
Quá lâu rồi mình không gặp nhau.

Tiếng sáo trúc và bầy sâm cầm
* Thơ của Nguyễn Việt Chiến

Hồ Tây văng vẳng sóng
Ngày không nắng, phố không sâm cầm
Chỉ gặp bụi và khói xăng
Cây vẫn mải miết xanh
Phố vẫn mải miết bụi
Còn chúng ta mải miết sống
Cho tới sớm mai này
Ta gặp một người mù ngồi bán sáo 
Bên lề chùa Trấn Quốc
Đã mấy chục năm qua
Ông vẫn gọi mãi bầy chim sâm cầm
Bằng tiếng sáo hoang sơ
Tiếng sáo trúc khiến ta 
Thấy Tây Hồ chập chờn vỗ cánh bay
Về phía ngàn xưa
Thương nhớ sâm cầm
Điệu sáo của một người mù
Khiến mắt chúng ta trong lại
Trong như một tiếng chuông

Cách một...

* Thơ của Bùi Hòa
Cách một ngôi làng nhỏ
Em chân trần chạy sang
Cách một chuyến đò ngang
Em chèo đò rẽ sóng
Cách muôn trùng sóng bể
Em đội mây bay về
Giờ gặp anh trên đê
Cách một người con gái
Cách một người con gái!

Đi chợ cuối năm
* Thơ của Sơn Trần

Tôi đi về phía chợ người
Hỏi mua cho được nụ cười sớm mai
Chợ người chẳng thiếu một ai
Người khôn kẻ dại chen vai lắm điều.
Tôi đi về phía chợ chiều
Hỏi mua duyên nợ giữa nhiều trái ngang
Chợ chiều rao bán dở dang
Cò kè, tôi trả vội vàng rồi thôi.
Tôi đi về phía chợ đời
Hỏi mua thành thật lẫn nơi dối lừa
Chợ đời lắm kẻ hơn thua
Trắng tay mới thấu trò đùa thế gian.
Tôi đi về phía chợ tàn
Ngược xuôi tìm kiếm võ vàng niềm riêng
Đành quay về với ưu phiền
Cũng may mai mới là phiên cuối cùng!

Sương sớm hồ Tây
* Thơ của Trần Gia Thái

Trời âm u... nước âm u...
Dáng ai khuất nẻo phía sương mù
Lơ thơ khói ướt giàn mắt ướt
Em có mơ về trăng Cổ Ngư
Trăng vẫn đầy thu hồ đã đông
Mang mang Lãng Bạc lối sâm cầm
Tiếng chim đuối nước kêu vô vọng
Có đợi lá vàng chơi vơi không
Mình anh lằng lặng lẫn vào sương
Tìm nhặt ngày xưa ai nỡ vương
Ngày xưa không úa như màu lá
Vẫn xanh xanh nhức trời tinh sương.
27.12.2017.

LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN
TIN LIÊN QUAN

Chùm thơ của Nguyễn Quốc Hùng

Nguyễn Quốc Hùng |

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Quốc Hùng sinh tại Hà Nội. Ông là Tiến sĩ kinh tế tại Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Hiện là Uỷ viên BCH Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga; Trưởng ban đối ngoại Trung tâm tư vấn pháp luật Việt - Nga Hội Luật gia Việt Nam.

Chùm thơ của Hoàng Quý

Hoàng Quý |

Nhà thơ Hoàng Quý sinh 1950; quê Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ. Hiện sống và làm việc tại Vũng Tàu. Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội viên Hội VHNT Các dân tộc thiểu số VN. Tác phẩm chính: Giấc phì nhiêu (1996), Đi bên mùa lá rụng (2000), Ngang qua cánh đồng (2002, 2004), Giả trang (2007). Thơ Hoàng Quý vừa có chất phiêu du, lãng tử của người trung du - Tây Bắc vừa có cái hồn hậu, da diết của đời sống mà ông 
trải nghiệm.

Chùm thơ của Bùi Sỹ Hoa

Bùi Sỹ Hoa |

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1981. Nguyên Tổng biên tập báo Nghệ An, Vietnamnet.vn. Tác phẩm chính: Có một nỗi niềm (thơ, 1989), Mạng nhện vu vơ (thơ, 2000), Mắt người thăm thẳm (thơ, 2005). Giải thưởng Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1983-1984, Giải thưởng Hồ Xuân Hương - 1990, 2000, 2005, Giải thưởng thơ Tạp chí Sông Lam - 2000.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Chùm thơ của Nguyễn Quốc Hùng

Nguyễn Quốc Hùng |

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Quốc Hùng sinh tại Hà Nội. Ông là Tiến sĩ kinh tế tại Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Hiện là Uỷ viên BCH Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga; Trưởng ban đối ngoại Trung tâm tư vấn pháp luật Việt - Nga Hội Luật gia Việt Nam.

Chùm thơ của Hoàng Quý

Hoàng Quý |

Nhà thơ Hoàng Quý sinh 1950; quê Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ. Hiện sống và làm việc tại Vũng Tàu. Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội viên Hội VHNT Các dân tộc thiểu số VN. Tác phẩm chính: Giấc phì nhiêu (1996), Đi bên mùa lá rụng (2000), Ngang qua cánh đồng (2002, 2004), Giả trang (2007). Thơ Hoàng Quý vừa có chất phiêu du, lãng tử của người trung du - Tây Bắc vừa có cái hồn hậu, da diết của đời sống mà ông 
trải nghiệm.

Chùm thơ của Bùi Sỹ Hoa

Bùi Sỹ Hoa |

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1981. Nguyên Tổng biên tập báo Nghệ An, Vietnamnet.vn. Tác phẩm chính: Có một nỗi niềm (thơ, 1989), Mạng nhện vu vơ (thơ, 2000), Mắt người thăm thẳm (thơ, 2005). Giải thưởng Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1983-1984, Giải thưởng Hồ Xuân Hương - 1990, 2000, 2005, Giải thưởng thơ Tạp chí Sông Lam - 2000.