Trần Linh Quý - trọn một đời đam mê quan họ

GS.TS Bùi Quang Thanh |

Lần đầu tiên, tôi được diện kiến nhà nghiên cứu dân ca quan họ lão thành là vào đầu năm 1978. Lần ấy, tôi “cọc cạch” đạp xe theo đàn anh Đặng Văn Lung tìm về thị xã Bắc Giang, nơi cơ quan các ban ngành của tỉnh Hà Bắc quần tụ. Chẳng là, Đặng Văn Lung dịp đó đang cùng Trần Linh Quý và nhạc sĩ Hồng Thao chuẩn bị được NXB KHXH cho ra mắt bộ sách “Quan họ - nguồn gốc và quá trình phát triển”, muốn lên Bắc Giang gặp nhau để chia sẻ niềm vui.

1. Dọc đường đất đá gập ghềnh, Đặng Văn Lung vẫn không ngớt lời tâm sự: Dân ca quan họ càng đi sâu nghiên cứu, càng thấy tuyệt lắm! Cũng bởi vậy mà “lão” Trần Linh Quý suốt ngày cứ như “lên đồng”, ghi ghi chép chép toàn về quan họ. Anh dặn nhé: Gặp Trần Linh Quý, trò chuyện về quan họ, cánh ta cứ vậy ngồi nghe. Đừng tranh luận gì. Không lại được đâu! Con người ấy am hiểu quan họ ghê lắm! Nói không ngoa, Trần Linh Quý với Hồng Thao có thể được coi như hai “anh hào” thuộc hạng đầu bảng nghiên cứu về dân ca quan họ của đất Kinh Bắc này đấy! Rồi, như để cho “tiểu tử” đang bám càng “học việc” là tôi khi đó, đỡ lạ lẫm về những con người đang nổi danh sẽ được diện kiến dịp này, nhà nghiên cứu đàn anh Đặng Văn Lung hàn huyên suốt chặng đường ngược lên Bắc Giang quanh “thân thế và sự nghiệp” người bạn thân thiết của mình, cho khuây khỏa nỗi mệt nhọc hành trình lên Xứ Bắc...

Đặng Văn Lung kể: “Lão” Quý có cái may, khi sinh ra trong một gia đình làm nghề may thủ công ở làng Sen Hồ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên. Nhờ đó mà năm lên 10 tuổi, khắp vùng ngập trong đói khát của cái đận Ất Dậu (1945), nhà “lão” vẫn bình chân, học hành không đứt đoạn. Ngày ấy, Sen Hồ là một trong những làng nghề có tiếng. Trai gái của làng suốt ngày ngược xuôi buôn bán, giao lưu hàng hóa và đêm đêm lại say mê quấn quýt bên nhau đắm đuối với hát ví, hát ghẹo và đặc biệt là ca quan họ với bạn hàng, ngỡ như không dứt. Cuối những năm 60, miền Bắc đang kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, “lão” được đi học tại Khoa Sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Rồi năm 1970, ra trường, lại về công tác tại tỉnh nhà. Khi đó, Ty Văn hóa Hà Bắc suốt ngày như đang “sôi” lên về việc phục hồi dân ca quan họ, do Trưởng Ty Lê Hồng Dương khởi xướng. “Lão” Quý vừa “chân ướt chân ráo” được nhận về cơ quan, đã được Trưởng Ty giao cho cái chức Tổ trưởng Tổ sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu quan họ, rồi chẳng bao lâu “cất nhắc” lên làm Trưởng Bộ phận Văn nghệ dân gian trực thuộc Ty Văn hóa Hà Bắc, sau đấy vài năm lại lên làm Hiệu trưởng trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc... Hồi ấy, Đoàn dân ca quan họ mới được thành lập (1969), đang rất cần sự hỗ trợ về nghiệp vụ cũng như cách thức tổ chức đội ngũ nhân lực, chương trình hoạt động cho đoàn. Trần Linh Quý gần như là nhà nghiên cứu trẻ tuổi hiếm hoi “xông pha” vào bước đường sưu tầm dân ca quan họ tại các làng quê Kinh Bắc, góp phần “khâu nối” các mối liên kết giữa nghệ sĩ với nghệ nhân nổi tiếng của các làng, những mong cộng tác nghiệp vụ với đoàn quan họ và khám phá nguồn di sản quý báu của quê hương. Nhờ đó, năm 1972, Trần Linh Quý là người đầu tiên trong công trình nghiên cứu “Bước đầu tìm hiểu quê hương, lề lối hát quan họ” đã công bố con số 49 làng quan họ gốc của tỉnh Hà Bắc, được giới khoa học chuyên ngành đồng thuận. Cũng nhờ đó, trải qua hơn chục tháng ròng, Trần Linh Quý đã tham gia sáng tác kịch bản “Quan họ ngày hội” - (chung với Nguyễn Vinh và Nguyễn Đức Siêu); rồi “Đón bạn ngày xuân” - (chung với Đỗ Cường), trở thành hai tiết mục nổi tiếng, giữ vai trò chính cho Đoàn dân ca quan họ dàn dựng và công diễn trên nhiều tỉnh thành từ các năm 1971, 1972 đến sau này. Với vốn tri thức phong phú của mình về các làng quê quan họ, Trần Linh Quý còn được mời làm cố vấn về những vấn đề thuộc văn hóa Kinh Bắc, lề lối, phong tục quan họ cho bộ phim nổi tiếng “Đến hẹn lại lên”...

Quan họ làng Hữu Nghi. Ảnh: Bùi Quang Thanh
Quan họ làng Hữu Nghi. Ảnh: Bùi Quang Thanh

2. Đến khi được ngồi trong căn phòng giản dị, đồ đạc hầu như chẳng có gì ngoài chiếc giường cá nhân và bộ bàn ghế thô mộc đã cũ của ông, tôi mới được diện kiến trực tiếp con người Trần Linh Quý trẻ tuổi nhưng đã nổi danh, gắn bó với dân ca quan họ buổi ban đầu đang được hồi phục lại. Lặng lẽ ngắm ba chân dung Trần Linh Quý, Hồng Thao và Đặng Văn Lung và nghe đủ chuyện xoay quanh dân ca quan họ và công trình sắp ra mắt bạn đọc, tôi như “ngập” vào “ma trận” của tri thức về quan họ. Trần Linh Quý say mê làm rõ thêm các khái niệm “Vang - Rền - Nền - Nảy” của giọng ca quan họ và những điều tâm huyết về “Người nghệ sĩ quan họ” với các tiêu chí định hình cho bước đường hoàn thiện của các liền anh, liền chị trong môi trường sinh hoạt dân ca độc đáo xưa - nay. Hồng Thao như “mộng du” về thế giới của ca từ, giai điệu quan họ, về hàng trăm cuộn băng ghi âm tại các làng quê quan họ gốc mà chưa có điều kiện “gỡ” băng để suy xét lại. Đặng Văn Lung chậm rãi tâm tư về phần viết của mình, những mong hoàn thiện để trình ra bảo vệ cho luận án phó tiến sĩ, do Giáo sư Vũ Đức Phúc hướng dẫn, vào năm tới...

Bẵng đi đến 27 năm, vào cuối năm 2005, tôi mới được gặp lại Trần Linh Quý. Ông không nhận ra tôi của chàng trai ngoại đôi mươi năm xưa (đương nhiên!). Nhưng với tôi, tuổi tác lứa “cổ lai hy” của Trần Linh Quý vẫn không át được ánh mắt lấp lánh y hệt năm xưa và giọng nói vẫn có phần hào sảng của con người đầy chất tự tin khi nói về dân ca Quan họ. Nghe tôi trình bày về nhiệm vụ được cơ quan cử đi khảo sát dân ca quan họ vùng bắc sông Cầu và ý tưởng khám phá thêm các làng quan họ... cổ, Trần Linh Quý lặng lẽ mỉm cười - nụ cười có phần nghi hoặc (!), và dường như nhìn tôi bằng ánh mắt trước con người lạ lẫm với vùng quê quan họ bấy lâu nay. Tôi mạnh dạn đến bên ông và trân trọng đề nghị được ông cộng tác điền dã. Không ngờ, ông vui vẻ nhận lời!

3. Tôi cùng đồng nghiệp “mang” xe đón ông vào một chiều cuối thu năm 2005. Ông bảo: Trước tiên, cánh ta nên vòng quanh một lượt 5 làng quan họ cổ mà mình đã “xướng danh” lâu nay nhé! Cùng ông lần lượt ào về những Hữu Nghi, Mai Vũ, Giá Sơn, Nội Ninh và Sen Hồ, làng nào, đối với ông cũng như thân thuộc. Nhiều thế hệ nghệ nhân hồ hởi đón ông như đón người thân lâu ngày gặp lại. Ríu rít những câu chuyện năm xưa dội về. Và không ngớt những điệu ca quan họ được chính những nghệ nhân cao niên “móm mém” hát lại, để nhớ cái ngày bác Quý “lặn lội” đạp xe về góp “tem gạo” ăn ở cùng dân, nghe hát, ghi chép thâu đêm, cách đây mấy chục năm... Hỏi ông, ông chỉ cười: Thì cái ngày ấy đâu có được “sang trọng” như đi điền dã của các bạn bây giờ. Có ăn ở, lăn lộn như vậy mới thấu hiểu cội nguồn, căn rễ của cái vốn di sản đặc biệt này chứ. Lạy giời, cũng may có cái ông Lê Hồng Dương mà bọn mình mới cùng dân có được cơ hội “vực dậy” hàng trăm câu ca quan họ “tuyệt hảo” như thế này. Thử tưởng tượng xem, cả nước đang hừng hực “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, người quan họ lại suốt ngày “lúng liếng” ngồi ca “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” thì... ngại thật! Nhưng mà, qua cái “đận” ấy thì phải mau chóng khôi phục, sưu tầm, nuôi cho “nó” sống lại cái hồn vía của văn hiến Xứ Kinh Bắc chứ...

Sang xuân năm 2006, sau gần một tuần cùng ông xuôi ngược qua các làng quan họ cổ đã thành danh trong các công trình nghiên cứu, chúng tôi lại cùng ông rẽ ngang dọc sang những Thổ Hà, Thượng Lát, Tiên Lát, Mật Ninh, Thần Chúc, vòng qua Phố Nếnh, xuôi xuống Quang Biểu, ngược sang Trung Đồng... Rồi lại cao hứng tìm về mấy làng thuộc đất Hiệp Hòa, tạt sang Bùi Bến mãi tận đất Yên Dũng cũng ven thềm sông Cầu... Hầu như ở các làng cùng ông đến tìm hiểu, khảo sát, chúng tôi đều được nghe kể về quá khứ sinh hoạt quan họ của người dân đã từng qua 4 - 5 đời. Vào cái đêm tụ hội tại Trung Đồng, được nghe đội quan họ của gần 40 thành viên đều “sêm sêm” cái tuổi trên dưới 70 như ông, quây quần ca hát, ông cùng chúng tôi như không dứt ra được. Nghe nghệ nhân Hoắc Công Tào, khi đó tuổi đã ngoài 80 ca đôi ba câu quan họ cổ và tâm sự, đôi mắt nhà nghiên cứu lão thành nhìn như có ngấn nước. Ông xúc động thật sự! Ông bảo: Giời ơi, làng này các cụ ca nhiều câu, bài quan họ mà mấy chục năm qua mình chưa được nghe thấy bao giờ. Đây đích thực là  làng quan họ cổ. Thiếu sót quá! Cảm ơn các nghệ nhân! Cảm ơn các bạn trẻ đồng nghiệp quý mến của tôi! Phải nhìn nhận lại, phải bổ sung vào cái khoảng trống trong tâm trí mình bấy lâu nay...! Nhìn ngắm ông ngồi say sưa nghe hát, mê mải ghi chép, rồi lại trò chuyện, giảng giải thêm cho người dân bằng cái vốn quan họ uyên bác của mình, lũ cán bộ trẻ chúng tôi càng thầm khâm phục đức tính cẩn trọng, cầu thị của một người đã có bề dầy kinh nghiệm sưu tầm và nghiên cứu dân ca quan họ nhiều chục năm trời như ông...

Và rồi, chỉ một tháng sau (tháng 4 - 2006), ông gửi cho tôi bản thảo tiểu luận: Không gian văn hóa quan họ và các làng quan họ phía Bắc sông Cầu. Ông lại gọi điện nhắn gửi: Bạn trẻ đọc cái kết của mình nhé, nó thay cho lời cảm ơn đấy! Tôi lòng dạ như “mở cờ”, ngồi nhẩm đọc: “Dù mới chỉ là bước đầu tìm hiểu, thời gian không dài, nhưng được đọc, được hỏi, được nghe hát và trong khi đợi sự thẩm định của những người am hiểu về âm nhạc quan họ, tôi đang tin rằng có 5 làng nữa (hai làng Lát tôi gộp thành một làng như trước năm 1895): Thổ Hà, Mật Ninh, Thần Chúc, Tiên Lát, Trung Đồng, là những làng quan họ cổ trong 10 làng quan họ cổ ở huyện Việt Yên. Dù có khác với con số 5 làng tôi đã biết năm 1971 thì tôi cũng phải chấp nhận sự thiếu sót của mình trước đây. Vì sưu tầm, nghiên cứu luôn luôn là sự tiếp cận, sự chạy tiếp sức đến cái đích mà mình phải đến!”.

Cứ chắc mẩm sắp tới, nếu được cơ quan giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và vinh danh dân ca quan họ Bắc Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi sẽ lại có cơ hội được mời ông cộng tác và làm chỗ dựa tin cậy về chuyên môn cho mình. Vậy mà, sau đúng một năm (tháng 4.2007), tôi bàng hoàng nghe tin ông đã vĩnh biệt con cháu, đồng nghiệp để về cõi vĩnh hằng! Không ngờ, tiểu luận ông viết gửi tôi vừa qua lại là công trình cuối cùng của một người cả đời “đắm đuối” với nguồn di sản độc đáo và đặc sắc của vùng quê Kinh Bắc!

Thắp nén tâm nhang, tôi bồi hồi tìm đến di sản của ông. Lại lần lượt hiện ra những sáng tạo của ông đã nhiều năm nổi danh trên sân khấu và màn ảnh nhiều tỉnh thành trên cả nước: Kịch bản phim tài liệu nghệ thuật “Hát quan họ” do Xưởng phim Tài liệu khoa học Trung ương sản xuất năm 1987; Kịch bản “Chuyện tình Tiên Du” viết chung với Hà Văn Cầu, được giải trong Liên hoan kịch hát toàn quốc năm 1988... và đặc biệt là hàng chục công trình, tiểu luận nghiên cứu của ông về dân ca quan họ đã góp phần làm nên tên tuổi nhà nghiên cứu lão thành Trần Linh Quý.

Cuối năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mang lại niềm tự hào cho người dân xứ Kinh Bắc nói riêng và cộng đồng cả nước nói chung. Trong không khí hân hoan đón bằng vinh danh của UNESCO tại Nhà hát lớn Hà Nội, hàng trăm con người, từ các cấp lãnh đạo đến các thế hệ nghệ nhân đại diện cộng đồng Bắc Ninh - Bắc Giang về dự lễ, đã xúc động dành một phút tưởng niệm, tri ân những người đã có công bảo vệ và giữ gìn, trao truyền di sản quan họ cho hôm nay. Có lẽ trong tâm trí mọi người đã thầm lặng hiện về chân dung của những Lê Hồng Dương, Hồng Thao và Trần Linh Quý - những người đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho sự hiện tồn và sức sống của nguồn di sản quý báu trên quê hương mình, nhập vào kho tàng văn hóa tinh túy của nhân loại!

GS.TS Bùi Quang Thanh
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Khán giả Việt Nam tin thầy trò ông Park Hang-seo sẽ vô địch AFF Cup 2022

AN NGUYÊN |

Dù gặp bất lợi về mặt tỉ số so với đối thủ Thái Lan, nhưng người hâm mộ và cổ động viên Việt Nam vẫn tin vào một chiến thắng của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo trên sân khách, qua đó giành ngôi vô địch AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.