"Trái tim tôi phải đau đớn mới viết được về những phận đời công nhân"

Việt Hà (thực hiện) |

Trong sự nghiệp hơn 50 năm cầm bút, nhà thơ, nhà văn Hoàng Việt Hằng luôn trăn trở với đề tài người lao động. Viết với bà trước tiên là sự thấu cảm với những đời lao động nhọc nhằn, phận người thuộc "phe" nước mắt, điều đó còn quan trọng hơn cả kỹ năng của một nhà văn.

Bà từng hai lần đoạt giải thưởng tại các cuộc vận động viết về người công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức (với các tác phẩm Những dấu lặng, Xóa đi và không xóa).

Cúi xuống, để giấu nước mắt, Hoàng Việt Hằng kể về số phận những người thợ mà bà từng gặp, những câu chuyện đầy ám ảnh đằng sau trang viết.

"Tôi là người thợ xây dựng, viết để tri ân bạn thợ cùng thời"

Ở tuổi hai mươi, bà từng làm người thợ. Điều gì đưa bà đến với con đường chữ nghĩa để thành nhà thơ thành danh như hôm nay?

- Thanh xuân của chúng tôi là chạy bom, là lao động, đan len thêu thùa, học nữ công gia chánh. Thời gian rỗi, thì lên thư viện Hà Nội đọc sách. Thuở đó tôi làm thợ cơ khí ở nhà máy Cơ Khí Trần Hưng Đạo. Tôi lắng nghe rất nhiều thân phận người thợ, rồi ghi chép lại trên giấy ố vàng, bút mực những tâm tư, phận người lao động.

Năm 1974, tôi học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ, lầm lũi đi vào văn chương. Mới đầu viết, tôi cũng “đổ bài” ghê lắm. Nhà thơ Xuân Diệu từng phê vào bản thảo: Thơ Hoàng Việt Hằng mới được 8,5cm, thơ chưa đủ 1m, do đó chưa thể in trong tạp chí Tác phẩm mới. Sau đó, thật kỳ diệu, thơ của tôi được nhà thơ Anh Thơ biên tập, gửi đăng trên báo Lao Động.

Nhìn những bài thơ đầu tiên đăng báo, nhiều đêm tôi không ngủ được. Lúc ấy, viết được đăng báo là điều thiêng liêng lắm, sung sướng lắm. Điểm tựa đời sống tinh thần của tôi là những trang viết ấy. Sau khi học xong, tôi viết nhiều truyện ngắn và thơ. Khi vốn sống dầy lên tôi mới dám viết tiểu thuyết. Thời kỳ làm báo, tôi đi trên từng cây số, nghề báo cho tôi nhiều tư liệu, chất liệu để viết...
Năm 1990 tôi in tập sách đầu tiên Những dấu lặng.

Từ những bài thơ đăng báo lần đầu đến nay đã hơn 40 năm, suốt chặng đường dài cầm bút, bà viết đa dạng đề tài, từ thân phận con người tới tình yêu, những chuyến đi... Trong đó, bà trăn trở với đề tài nào nhất? Hình ảnh và đời sống người lao động chiếm vị trí như thế nào trong sáng tác của bà?

- Cho đến nay, tôi có 9 tập thơ và viết được 12 đầu sách văn xuôi. Đề tài trong nhiều tác phẩm của tôi hướng tới người lao động. Tôi viết về đời sống người công nhân, người lao động cùng khổ. Trái tim của tôi thuộc về những người cùng khổ ấy.

Tôi là người thợ xây dựng, trong 20 năm ấy tôi và những người bạn thợ cùng thời đã lao động ở những công trường, xây các công trình lớn như Bệnh viện Nhi Trung Ương, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Rạp xiếc Trung ương, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu tập thể Kim Liên, khu tập thể Trung Tự.

Sau khi nghỉ chế độ theo Quyết định 176, tôi là một người công nhân thừa ra của thời đó, dù đã tốt nghiệp đại học. Không có việc làm, nên tôi học viết báo. Nghề báo cho tôi đi xa, gặp nhiều thân phận, người cùng khổ. Họ vốn làm giỏi mà không nói được về mình. Tôi nghĩ nhà văn là thư ký của họ, cần phải viết về những số phận của họ. Vốn sống của tôi về những người thợ có được từ những trải nghiệm thực tế, sau này là những chuyến đi xa rộng. Những trang viết của tôi nhờ có thực tế đó mà trưởng thành.

Trong quá trình đi và viết ấy, số phận nào của người lao động khiến bà ám ảnh, day dứt?

- Khi chúng tôi làm ở công trường Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, có một chuyện ám ảnh mãi không thôi. Hồi đó có một nữ công nhân ngã xuống từ cột chữ K số 8 của giàn giáo và mất đi khi còn trẻ. Chúng tôi dự đám tang, chứng kiến cảnh một nữ công nhân đã xây dựng trong cả đời thanh xuân, chỉ mơ ước trở thành người thợ xây giỏi, nhưng khi mất chị không có nổi hai bộ quần áo. Anh em xúm lại mua một bộ quần áo mới cho chị.

Có một người thợ ốp lát rất giỏi, anh rất nghèo và sống một mình. Có lần anh đi ra hồ Phương Mai, thấy một con gà ngắc ngoải, anh lấy về nấu ăn. Sau đó anh bị đau bụng quằn quại, không kịp ra toa lét công cộng và mất ngay ở trên đường. Khổ không? Người công nhân đó đói khổ quá, chỉ mong một bữa ngon không có, một bát cơm gạo trắng, cũng thiếu.

Sự chua xót về phận người công nhân và người lao động thuở đó có mẫu số chung về cái nghèo. Những người bạn thợ của tôi đã xây không biết bao nhiêu căn phòng đẹp, hạnh phúc cho những lứa đôi, nhưng chính người thợ ấy lại ở trong những căn phòng hẹp, trần cao 2 m. Nhiều năm làm báo, viết văn, tôi đã đi rộng hơn, nhìn vào đề tài thân phận người để nghĩ ngợi về một giá trị sống là gì?. Vừa rồi tôi đi thực tế để viết tiểu thuyết, tôi gặp lại những người bạn thợ xưa. Cuộc đời bạn thợ của tôi vẫn vất vả, thiếu thốn, có những gia đình đông, phải ở trong không gian chật chội lắm.

Hai năm vừa rồi tôi đã viết xong "Thời gian trong cõi tạm". Đây là tiểu thuyết mà nhờ cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, báo Lao Động phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tôi đã cố gắng viết xong.

Viết về số phận những người công nhân xây dựng Hà Nội xửa xưa ấy. Tôi mơ ước biết đâu sau này, thế hệ trẻ, các bạn còn tóc đen, môi thắm, dưới ánh đèn, các bạn đọc lại những số phận mà tôi ghi chép lại, các bạn sẽ thấy Hà Nội có những nhà máy cơ khí, Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, Rạp xiếc Trung Ương... và những công trình nguy nga khác đều từ đôi bàn tay vàng, những người thợ đã xây lên.

Tôi muốn ghi chép lại những số phận người lao động của thời ấy để sống lại thời kỳ bao cấp, khốn khổ vì bom đạn nhưng con người vô cùng thương yêu nhau và vì nhau. Khác hẳn thời bây giờ con người đầy đủ, nhưng tham lam và có những tâm hồn vô cảm. Sự vô cảm của họ đã làm cho tôi cảm thấy nhà văn phải có trách nhiệm viết về người lao động vất vả nhưng giàu lòng yêu thương, biết chia sẻ, để thế hệ trẻ soi vào, sống tốt đẹp hơn.

Viết về người lao động, bà từng được ghi nhận bằng những giải thưởng tại cuộc vận động viết về người công nhân. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với bà?

- Hiện nay tôi còn lưu giữ bản thảo những tác phẩm đó, tôi viết bút mực trong những cuốn sổ. Đời tôi có nhiều giải thưởng văn học, giải của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là sự khích lệ với người cầm bút, để tôi tiếp tục vượt lên chính mình. Giải thưởng là sự mang ơn những người bạn thợ. Tôi viết như một sự trả ơn tận đáy trái tim với những người thợ đã vô cùng tốt với mình.

Và giải thưởng lớn nhất của đời tôi chính là tình cảm, tấm lòng yêu thương của những người bạn thợ dành cho tôi, tất cả bạn đọc nghiêng về tôi, điều này hơn cả tấm huy chương, không gì có thể so được.

Hai tác phẩm của tác giả Hoàng Việt Hằng. Ảnh: Hiền Hương
Hai tác phẩm của tác giả Hoàng Việt Hằng. Ảnh: Hiền Hương

Viết về người lao động là trách nhiệm của người cầm bút

Văn học trước đây từng viết về người lao động rất hay. Tại sao thời ấy có tác phẩm lay động bao thế hệ, mà bây giờ lại không?

- Thời của chúng tôi, văn học công nhân rất huy hoàng với các tác giả như Lý Biên Cương, Nguyễn Sơn Hà, Tô Ngọc Hiến... Thời ấy người ta đọc Đêm ấy vùng than ai thức, Người kiểm tu, Gió tươi, Lặng lẽ Sa Pa... Những tác phẩm thời ấy đánh thức cả một thế hệ. Thời ấy chúng tôi không có TV, đài, điện thoại, đời sống tinh thần chỉ có sách. Văn hóa đọc lúc ấy được tôn vinh, lên ngôi. Giờ đây các bạn có nhiều phương tiện để thưởng thức, tiêu thụ văn hóa. Điều đó cũng khiến mối quan tâm chung dành cho văn học loãng đi rất nhiều.

Những tác phẩm xuất sắc về đề tài công nhân ngày ấy, cho đến nay nhiều bạn đã quên lãng đi rồi. Bây giờ nhu cầu của người đọc, thẩm định của người đọc, tư duy của hiện nay về các chủ đề của người xưa đã khác rồi. Điều đó không có nghĩa văn học về người lao động rất rực rỡ thời xưa giờ trở nên lỗi thời, mà mỗi giai đoạn, văn học lại có giá trị riêng. Cuộc sống bây giờ khác, người ta phải viết khác. Và cũng chính điều đó giúp văn học có sự sáng tạo.

Nhưng thời nay, nhìn trên sân khấu văn chương, tác phẩm về người lao động dường như còn thiếu và chìm khuất. Bà đánh giá như thế nào về đề tài công nhân, người lao động trong văn học đương thời?

- Đúng là văn học công nhân từ những năm 1990 đến giờ bị mờ nhạt đi. Người ta quan tâm đến nhiều đề tài rộng lớn khác. Văn học công nhân đang mờ nhạt so với thời 1970-1990. Thời nay, người ta quan tâm đến đề tài người lính, chiến sĩ công an, hải đảo, biên giới... văn học cho thế hệ trẻ nghiêng về tình yêu, viết trên báo mạng cùng rất nhiều đề tài phong phú khác... và đề tài công nhân như bị bỏ quên, thật đáng tiếc.

Nhưng gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao động đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc thi viết về đề tài công nhân. Nó như một tiếng chuông đánh thức người cầm bút với một mảng đề tài viết không dễ này.

Hai năm đại dịch, chúng ta trải qua biến cố chưa từng có trong lịch sử, xô đẩy nhiều cuộc đời vào khốn cùng, trong đó có công nhân. Theo bà tại sao văn chương chưa vào cuộc? Chẳng phải biến cố thời đại chính là chất liệu của văn chương?

- Văn học cần khoảng lặng để ngẫm ngợi. Văn học luôn chậm hơn báo chí. Tôi hy vọng sẽ có một thế hệ viết về những biến cố như đại dịch, chứ không phải nhà văn Việt Nam không có tài năng. Nghề viết này chúng ta không xem thường nhau được đâu. Mỗi nhà văn là một cái cây giữa đại ngàn. Có người cuối đời mới tỏa sáng. Có người như củi tép, vụt cháy rồi tắt.

Viết về số phận người công nhân, nhà văn thường đặt yếu tố nào lên hàng đầu, kỹ năng viết hay sự thấu cảm, ám ảnh của tác giả?

- Với riêng tôi, nghề viết phải có sự ám ảnh mới viết được. Viết văn cũng không thể nhanh được. Khi viết báo, tôi có thể đến lấy tư liệu và viết ngay được. Nhưng văn chương như đi tìm mạch nước vậy, có lớp đất cát, đất thịt, đất gan gà, đào chán mới tới tầng sâu, tìm ra mạch nước trong. Khó lắm.

Chẳng hạn tiểu thuyết tôi mới viết bắt nguồn từ hình ảnh những người công nhân đi thất thểu tránh dịch vừa qua. Nhìn đoàn người lao động hồi hương trong đại dịch, ký ức những người bạn thợ ngày xưa chợt sống dậy. Hơn 40 năm tôi cứ để cho số phận người công nhân lặng yên vậy. Tôi đã được đánh thức, bằng sự thấu cảm, có sự lắng lại để viết.

Người viết cũng khổ hạnh lắm, chồng tôi, nhà văn Triệu Bôn từng nói: “Khi viết xong anh không vắt được chiếc khăn mặt cho khô”. Đến hơn 20 năm sau, khi viết tiểu thuyết, tôi cũng không vắt được khăn mặt. Tôi nhận ra lao động nhà văn cực nhọc như thế. Bây giờ, buổi sáng viết xong, rót nước cũng không dám rót đầy, vì sợ bưng cốc nước nặng. Nghề viết không ám ảnh thì không viết được. Và thêm nữa, giời có cho viết thì mới viết được. Thật đấy (cười).

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà là tác giả của những tác phẩm thơ, văn xuôi như: "Những dấu lặng", "Tự tay nhóm lửa", "Chuông vọng", "Một mình khâu những lặng im", "Xóa đi và không xóa", "Vệt trăng và cánh cửa", "Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng". Em đã đốt thơ tình anh tặng, Hoàng Việt Hằng thơ tuyển, Tiêu gì cho thời gian để sống...

Việt Hà (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn Hồ Huy Sơn: "Khi sáng tác tôi không tính toán"

Hà Thanh Vân (thực hiện) |

Hồ Huy Sơn là một tác giả hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực, anh viết văn, làm thơ và hiện đang là phóng viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Cho đến nay anh đã xuất bản hơn mười tác phẩm gồm thơ và văn xuôi, hướng đến đối tượng độc giả trưởng thành lẫn thiếu nhi. Tác phẩm dành cho thiếu nhi gần nhất của anh là tập thơ “Những ngọn đèn thơm”, được xuất bản vào năm ngoái - sau một năm, tập thơ cũng vừa được tái bản, đồng thời anh cũng vừa cho ra mắt tập tản văn mới "Xin chào ngày nắng đẹp".

Công nhân dưới góc nhìn của nhà văn công nhân

Nhà văn Cầm Sơn |

Nằm trong khuôn khổ cuộc phát động viết về đề tài Công nhân Công đoàn Báo Lao Động phối hợp với Ban Văn hóa - Truyền thông Tập đoàn Thaco Trường Hải bố trí cho 5 nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Công nhân - Hội Nhà văn Việt Nam chuyến đi thực tế sáng tác thăm và tiếp xúc với người lao động tại Thaco Chu Lai tỉnh Quảng Nam.

Lê Phương, nhà văn của công nhân

trần việt |

Cuốn sách “Lê Phương Tác phẩm chọn lọc” in bìa cứng, sang trọng dày gần 800 trang khổ 16x24 cm, Nhà xuất bản Lao Động ấn hành, thực sự là một cuốn sách tinh tuyển cho những ai yêu mến, quý trọng cố nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương.

Lý do Hội An có tên trong top thành phố biển hấp dẫn nhất thế giới

Chí Long |

SCMP liệt kê Hội An của Việt Nam là một trong 9 điểm đến tuyệt vời phù hợp với mọi nhu cầu của du khách, từ tham quan, mua sắm đến nghỉ dưỡng, tắm nắng trên bãi biển dài...

Vụ "đê trăm tỉ làm khổ dân" ở Phú Thọ: Mòn mỏi chờ sổ đỏ

Tô Công |

Phú Thọ - Đã 12 năm sau khi di dời để làm dự án đê trăm tỉ, người dân xã Điêu Lương vẫn chưa thể tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Tranh cãi chuyện SGK: Bộ GDĐT có nên biên soạn thêm 1 bộ sách?

Nhóm PV |

Những ngày qua, đã xuất hiện đề xuất về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ sau khi công tác xã hội hóa biên soạn SGK đã thực hiện được gần 4 năm nay. Điều này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Hơn 3.563 tỉ đồng làm 2 khu tái định cư cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu

HÀ ANH CHIẾN |

Ngày 14.8, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định triển khai Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với chủ trương đầu tư dự án Khu tái định cư 31,52 ha tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa phục vụ công tác tái định cư cho Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Hoãn xử vụ án ông Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái

Long Nguyễn |

Ngay từ sáng sớm 14.8, rất đông người dân đã có mặt tại trụ sở TAND tỉnh Yên Bái để theo dõi phiên xét xử vụ án liên quan đến ông Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, song chỉ ít phút sau khi bắt đầu, phiên tòa bị tạm hoãn.

Nhà văn Hồ Huy Sơn: "Khi sáng tác tôi không tính toán"

Hà Thanh Vân (thực hiện) |

Hồ Huy Sơn là một tác giả hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực, anh viết văn, làm thơ và hiện đang là phóng viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Cho đến nay anh đã xuất bản hơn mười tác phẩm gồm thơ và văn xuôi, hướng đến đối tượng độc giả trưởng thành lẫn thiếu nhi. Tác phẩm dành cho thiếu nhi gần nhất của anh là tập thơ “Những ngọn đèn thơm”, được xuất bản vào năm ngoái - sau một năm, tập thơ cũng vừa được tái bản, đồng thời anh cũng vừa cho ra mắt tập tản văn mới "Xin chào ngày nắng đẹp".

Công nhân dưới góc nhìn của nhà văn công nhân

Nhà văn Cầm Sơn |

Nằm trong khuôn khổ cuộc phát động viết về đề tài Công nhân Công đoàn Báo Lao Động phối hợp với Ban Văn hóa - Truyền thông Tập đoàn Thaco Trường Hải bố trí cho 5 nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Công nhân - Hội Nhà văn Việt Nam chuyến đi thực tế sáng tác thăm và tiếp xúc với người lao động tại Thaco Chu Lai tỉnh Quảng Nam.

Lê Phương, nhà văn của công nhân

trần việt |

Cuốn sách “Lê Phương Tác phẩm chọn lọc” in bìa cứng, sang trọng dày gần 800 trang khổ 16x24 cm, Nhà xuất bản Lao Động ấn hành, thực sự là một cuốn sách tinh tuyển cho những ai yêu mến, quý trọng cố nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương.