Trải nghiệm kinh hoàng của những người sống sót sau khi bị cá mập cắn

Tường Linh (Theo Outside) |

Bình thường khả năng ai đó bị cá mập tấn công là cực thấp, với tỉ lệ chỉ 1/11 triệu. Điều này có nghĩa rất khó để tìm kiếm những người sống sót sau khi bị cá mập cắn. Càng khó hơn để khiến một người sống sót sẵn lòng kể ra cơn ác mộng khủng khiếp nhất đời mình.

Khi vận rủi gọi tên

Alex Wilton sống tại San Francisco, Mỹ, ở khu vực gần sát biển và là người mê thuyền buồm. Anh chưa từng nghĩ có ngày biển cả lại mang tới cho mình những trải nghiệm thực sự không dễ chịu.

Tháng 3.2019, Wilton, khi ấy 32 tuổi, đã đi từ San Francisco tới Troncones, một thị trấn tĩnh lặng nằm dọc theo đường bờ biển Thái Bình Dương của Mexico, để tham gia một đám cưới cùng bạn gái của anh khi đó là Asha Agrawal. Ngay lúc vừa tới khách sạn, nơi nằm rất gần bãi biển, họ lập tức thay đồ bơi và xuống tắm. Anh đeo kính bơi rồi lướt ra xa ngoài biển, vượt qua khu vực nơi những con sóng bắt đầu đổ vào bờ và rẽ về phía Nam.

Việc Wilton có thể bình thản bơi ngoài biển như thế là điều thật khó tưởng tượng trước đây. Năm lên 8 hay 9 tuổi, anh từng xem phim kinh dị “Hàm cá mập”. Nỗi sợ đọng lại từ bộ phim khiến anh từ chối đi khỏi vùng nước nông ở các bãi biển suốt nhiều năm. Nhưng là một giám đốc sản phẩm giàu kinh nghiệm ở Thung lũng Silicon, Wilston đã dùng lý trí để thắng cảm giác lo lắng và sợ hãi trong mình, rằng khả năng bị cá mập cắn là rất thấp.

Thực vậy, rủi ro tới từ việc bị cá mập cắn là rất khác nhau, phụ thuộc vào khu vực địa lý, việc một người có thường xuyên đi biển hay không và họ tham gia vào hoạt động nào khi ở ngoài biển. Theo cơ sở dữ liệu International Shark Attack File (Hồ sơ cá mập tấn công thế giới) nằm tại Bảo tàng Florida, Mỹ, khả năng bị cá mập cắn ở Mỹ chỉ là 1/11,5 triệu. Một nghiên cứu của Đại học Stanford tiến hành hồi năm 2015 cũng cho thấy rằng tỉ lệ để một người đi bơi ở biển bị cá mập cắn chỉ là 1/738 triệu. Tức là rất nhỏ. Những nghiên cứu này có nghĩa rằng khả năng Wilton mất mạng vì ngã từ trên giường xuống, hoặc vì một quả pháo hoa nổ gần, còn cao hơn việc bị cá mập cắn lúc đang bơi sải ở Thái Bình Dương.

Nhưng trong ngày định mệnh đó, mọi tính toán xác suất đều đã không đúng với anh. Trong lúc đang bơi nhịp đều một cách thư giãn ngoài biển, bất thình lình Wilton bị một thứ gì đó “giống như xe tăng” va phải. Tiếp đó là cảm giác đau khủng khiếp ở chân phải. “Có phải mình vừa đâm thẳng vào vào thứ gì đó? Một con thuyền chẳng hạn?”, anh tự hỏi.

Như được bản năng mách bảo, Wilton chúc đầu xuống nước để kiểm tra và lạnh người khi nhìn thấy một bóng hình màu xám to lớn của một con cá mập trắng, chỉ cách anh chưa đầy một mét. Wilton vội nâng đầu lên khỏi mặt nước, vừa để thở vừa cố gắng nắm bắt xem chuyện gì đã xảy ra với mình. Khi chúc đầu xuống nước lần thứ hai, đôi mắt của Wilton lập tức hướng về phần chân phải. Anh thấy nó đã bị cắn rách toác và ở phía xa xa là bóng dáng của con cá mập đang quẫy đuôi bơi đi.

Khi thấy máu từ vết thương hở dần vây kín thân mình, Wilton liền bơi đứng dưới nước. Anh cần phải bơi vào bờ trước khi mất hết máu vì vết thương hở, hoặc tệ hơn là con cá mập sẽ quay trở lại. Lần đầu tiên trong đời, anh thực sự lo mình có thể sẽ chết. Wilton có dừng lại hai lần để nhìn ra phía sau xem con cá mập có bám theo mình không, trong khi máu vẫn không ngừng tuôn ra từ chỗ bị cắn.

Nỗi sợ và nỗ lực tự cứu mạng đã làm mờ đi cơn đau. Tim Wilton đập loạn xạ. Anh hoàn toàn không có bất kỳ khả năng chống trả nào mối đe dọa đáng sợ ở dưới nước. Sau vài phút nỗ lực, mà Wilton tưởng như phải kéo dài vài giờ đồng hồ, anh đã vươn mình về phía một con sóng và để nó đẩy mình vào bờ. Ngay khi chân trái cảm thấy đã dẫm xuống cát ở đáy biển, anh liền thét gọi Agrawal, lúc này đang nằm tắm nắng.

Agrawal vội dùng vải quấn garo tạm quanh vết thương của Wilton rồi gọi các du khách khác có mặt ở bãi biển hôm đó tới ứng cứu. Khi Wilton được đưa tới phòng phẫu thuật ở bệnh viện địa phương, một bác sĩ nắm tay anh an ủi: “Cậu sẽ ổn thôi”.

Thật may mắn, con cá mập đã cắn vào khu vực chỉ cách động mạch đùi của Wilton chỉ vài cm. Nếu động mạch bị cắn rách, chắc chắn Wilson sẽ tử vong chỉ sau vài phút. Các bác sĩ phải khâu tổng cộng 27 mũi để cứu chân của Wilton, và cái mạng anh.

Các thành viên Bite Club chụp ảnh cùng nhau tại một khu vực gần Sydney. Ảnh: AFP
Các thành viên Bite Club chụp ảnh cùng nhau tại một khu vực gần Sydney. Ảnh: AFP

Sang chấn tâm lý kéo dài sau các vụ cá mập cắn

Cá mập là một trong số ít các sinh vật có thể đánh thẳng vào nỗi sợ bị ăn thịt mang tính bản năng của con người. Gấu, hổ, báo, sư tử, cá sấu là một vài loài khác có khả năng đe dọa chúng ta. Nhưng chính nhờ ảnh hưởng không nhỏ của các sản phẩm văn hóa (như phim “Hàm cá mập”) mà cá mập luôn thu hút sự chú ý lớn nhất, dù mỗi năm cá sấu vẫn giết nhiều người hơn chúng.

Thế giới hiện có 470 loài cá mập, đa số đều vô hại và tất cả, bao gồm “sát thủ” cá mập trắng, đều đang bị con người đe dọa sự tồn vong. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí khoa học Nature đã cảnh báo rằng quy mô dân số của loài cá mập đại dương và cá đuối đã giảm 70% kể từ những năm 1970, chủ yếu do hoạt động đánh bắt cá quá mức làm mất nguồn thức ăn của cá mập.

Đó là chưa nói tới việc nhiều ngư dân sử dụng lan tràn các loại lưới và thiết bị đánh bắt không đạt chuẩn, khiến cho cá mập bị mắc kẹt vào chúng. Các ước tính cho rằng con người tiêu diệt khoảng 100 triệu con cá mập mỗi năm. Để so sánh, trên quy mô toàn cầu trung bình mỗi năm cá mập chỉ cắn chết 4 người.

Trong một số trường hợp hiếm hoi khi cá mập tấn công con người, nạn nhân thường không biết cụ thể sinh vật vừa cắn mình là gì. Do hoảng loạn và sợ hãi, họ khó có thể phân biệt được màu nâu xám đặc trưng của loài cá mập bò và cá mập hổ với màu xám sẫm của loài cá mập trắng. Vì lẽ đó khi bị cắn, đa phần đều tin họ vừa là nạn nhân của cá mập trắng.

Thực tế thì ngoài tự nhiên chỉ có 3 loại cá mập được xếp vào nhóm có khả năng cắn người gây thương tích nặng. Trước tiên là cá mập trắng. Phương pháp tấn công của loài cá mập trắng thường là di chuyển từ phía dưới lòng nước lên, khiến con mồi gần như không có thời gian để đề phòng. Chúng lao tới mục tiêu với tốc độ lên tới hơn 24km/h, tức nhanh gấp 3 lần kỷ lục bơi tự do của vận động viên lừng danh Michael Phelps.

Nhưng trái với hình ảnh khát máu như được mô tả trong “Hàm cá mập”, cá mập trắng thường cắn một miếng để “nếm thử” con mồi trước khi quyết định có ăn tiếp hoặc sẽ bỏ đi vì không thích vị. Dù sao thì lực cắn từ cú nếm thử này đủ khủng khiếp để khiến nạn nhân là con người mất mạng.

Trong khi đó, cá mập hổ không chỉ cắn người mà còn cắn cả các con cá mập khác, chim biển và cá heo. Cá mập bò thì rất hung dữ, thường cắn và giật nạn nhân cực mạnh. Chúng thậm chí có khả năng sống được trong cả môi trường của các con sông nước ngọt.

Tổn thương về thể xác là một chuyện, người bị cá mập cắn còn chịu những tác động lớn đến tâm lý. “Nếu bạn nghĩ về các tính huống có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới tinh thần thì những vụ tấn công do động vật gây ra luôn nằm cao trong danh sách”, Andrea Roberts, nhà nghiên cứu cao cấp về chấn thương tại Trường sức khỏe công T.H ở Đại học Harvard nhận xét.

Bà nói thêm rằng các vụ tấn công của cá mập đặc biệt tạo ấn tượng kinh sợ lâu dài, dù hiếm khi nó xảy ra. Theo bà, khả năng nghe và nhìn của con người đều bị giảm đi khi họ xuống nước. Điều này đã làm tăng thêm yếu tố bất ngờ khi cá mập tấn công và nó không giúp ích gì cho việc giúp nạn nhân bớt chấn thương tâm lý. Ngoài ra còn phải kể tới cảm giác bất lực trong môi trường nước, nơi con người không có khả năng tự nhiên nào nhằm bảo vệ mình. Một nghiên cứu của Đại học Sydney hồi năm 2018 thấy rằng gần 1/3 số người sống sót sau khi bị cá mập cắn đã bị chấn thương tâm lý ở nhiều mức độ trong 3 tháng kể từ khi sự việc xảy ra.

Cuối cùng phải kể tới cảm giác khó chia sẻ của các nạn nhân, bởi những người lâm vào tình cảnh như họ không nhiều. Theo kho International Shark Attack File, chỉ có 64 vụ cá mập cắn người xảy ra trong 2019 - năm Wilton bị tấn công.

Quả thực, ngay khi trở lại San Francisco, Wilton nhanh chóng phục hồi về thể xác. Anh đã không cần phải dùng nạng chỉ sau một tuần, trước khi có thể đi bộ, đạp xe tại chỗ và cuối cùng là chạy trên máy tập. Nhưng về tâm lý, anh vẫn không thể bình thường trở lại. Đôi khi trong lúc lái xe từ chỗ làm về nhà, hoặc đang đứng tắm, tâm trí anh bống ngập tràn những hình ảnh và cảm xúc từ vụ tấn công: Cú va chạm đột ngột, thân hình con cá mập to lớn và đủ gần để anh có thể chạm vào, cái đuôi nó quẫy mạnh khi biến mất vào làn nước xanh, nỗi sợ con cá mập quay trở lại bóp nghẹt lấy cổ họng.

Wilton không nhìn thấy con cá mập khi nó tới gần, nhưng đôi khi anh có thể hình dung chuyện đó diễn ra như thế nào. Anh còn mường tượng ra hình ảnh một cái hàm to lớn, những cái răng tua tủa như dao găm, đang lao về phía mình.

Nhà nghiên cứu Roberts nói rằng những hồi tưởng như thế là dấu hiệu khá bình thường của tình trạng bị stress do sang chấn tâm lý. "Khi bị đe dọa, bộ não của chúng ta sẽ tự ghi nhớ lại các tình huống khác nhau để hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ cơ thể", bà giải thích. Bộ não sẽ nhớ các dấu hiệu quan trọng, như nước biển, là tín hiệu báo động rằng nguy hiểm có thể xuất hiện lần nữa nếu ta tới gần môi trường như thế.

Nhưng người sống sót có thể nhớ lại những hình ảnh như thế vào những thời khắc không phù hợp. Shaili Jain, một nhà tâm lý nghiên cứu về sang chấn ở Trường Y Đại học Stanford, nói rằng cách thức một người sống sót đón nhận một sự cố có thể ảnh hưởng tới quá trình phục hồi về tâm lý của nó. "Những người từng xem “Hàm cá mập” từ bé sẽ tin rằng cá mập thực sự nguy hiểm. Tuy nhiên tôi có thấy nhiều người yêu động vật hoang dã không chia sẻ chung góc nhìn này. Họ tin rằng nếu vô tình xâm phạm vào môi trường sống tự nhiên của một loài vật như cá mập và một vụ tấn công xảy ra thì đó chỉ là tai nạn không may, chứ không phải bởi hành động chủ ý của loài săn mồi", ông nói. Theo Jain, coi việc bị cá mập cắn giống như bản thân trở thành nạn nhân của một hành động săn mồi sẽ khiến nạn nhân khó hồi phục hơn nhiều.

CLB của những người suýt mất mạng vì cá mập

Wilton nỗ lực chống lại sang chấn tâm lý trong nhiều tháng. Tới tháng 7.2019, những hồi tưởng về vụ tấn công đã dần phai nhạt và anh vui vẻ nhận lời mời của bạn để đi chơi ở Hồ Tahoe, California. Anh lên một chiếc xe trượt nước và phóng ra xa khỏi bờ. Ngày hôm đó trời nắng ấm, nước trong xanh như ngoài đại dương. Wilton hào hứng lao mình xuống nước, nhưng chỉ bơi được vài vòng cơ bắp anh đã căng cứng và tim đập thình thịch. Anh chớp mắt và ngay lập tức hình ảnh cẳng chân rách nát vì bị cá mập cắn, hình ảnh con cá mập bỏ đi, cảm giác bất lực... dồn dập quay trở lại. Wilton lặng lẽ bơi về phía chiếc xe trượt nước và trở lại bờ.

Sau khi có những phản ứng tương tự vài tháng sau khi bơi trên sông Colorado, Wilton quyết định rằng anh sẽ đi gặp bác sĩ tâm lý. Và anh tìm kiếm sự giúp đỡ qua một nhóm Facebook có tên Bite Club (CLB bị cắn) mà bản thân từng tiếp xúc lúc mới thoát nạn. Đây là một cộng đồng những con người đã sống sót sau khi bị cá mập tấn công.

Bite Club được tạo ra từ năm 2011, khi Dave Pearson, một kỹ sư người Australia với làn da rám nắng và cái miệng rộng luôn cười bị một con cá mập bò mắt trắng dài 3 mét cắn trúng lúc anh đang lướt sóng gần nhà riêng ở Coopernook, Australia.

"Nếu bạn nhìn thấy một thứ nóng đỏ và chạm vào nó, chắc chắn bạn sẽ thấy đau ngay lập tức," anh giải thích. "Nhưng nếu tình huống bất ngờ xảy ra, ví dụ như đột nhiên tay bạn rách toạc hoặc chân đứt rời, bộ não sẽ chỉ nhận ra có điều gì đó bất ổn, nhưng không rõ vấn đề là gì nên nó sẽ tạm bỏ qua và tập trung vào việc giữ cho bạn sống sót".

Pearson cố gắng bơi vào bờ và được chuyển gấp tới bệnh viện. May mắn thay anh không cần phẫu thuật cắt cụt tay dù cú cắn ăn rất sâu vào thịt. Chỉ trong 12 tuần kể từ khi tai nạn xảy ra, Pearson đã có thể trở lại biển. Tuy nhiên tâm lý của anh vẫn rất nặng nề. "Cảm giác bị ăn thịt khi còn đang sống là điều khó để thấu hiểu nhất", anh chia sẻ. "Một khi bạn nhận ra mình chỉ là một phần trong chuỗi thức ăn, chứ không phải ở trên đỉnh, chuyện sẽ rất khó khăn".

Nhờ những sự trùng hợp ngẫu nhiên, Pearson được điều trị tại cùng bệnh viện với một phụ nữ khác cũng bị cá mập trắng cắn lúc đang lướt sóng. Anh cảm thấy trò chuyện với cô mang tới cảm giác dễ chịu. Sau khi ra viện, Pearson thu thập các bài báo về cá mập cắn và liên hệ với phóng viên viết bài, nhờ đó mà kết nối với người sống sót khác. Nếu biết tin về một vụ tấn công của cá mập xảy ra cách nơi sống khoảng vài giờ chạy xe, anh sẵn sàng tới tận bệnh viện để gặp nạn nhân trong bệnh viện. "Tôi cần nói chuyện với những người khác, bởi tôi có cảm giác đơn độc", anh chia sẻ.

Dần dần, Pearson bắt đầu tiến xa hơn. Anh tổ chức cuộc gặp mặt đầu tiên cho 7 người sống sót sau khi bị cá mập cắn ở Australia. Tất cả cùng nhau tới Thủy cung Sydney để lặn cùng với những con cá mập miệng bản lề. Đây là giống cá mập cỡ lớn, nhưng gần như vô hại với con người. Trải nghiệm tích cực từ cuộc này khiến Pearson muốn kết nối với những người đang mang cùng gánh nặng tâm lý sau khi bị cá mập cắn trên thế giới.

Và như thế Bite Club ra đời. Các quy định đầu tiên của nhóm là thành viên phải kể ra câu chuyện họ bị tấn công như thế nào, họ điều trị về thể xác và tâm lý ra sao, giờ họ đang gặp vấn đề gì. Qua sự giới thiệu lẫn nhau, CLB đã tăng dần số lượng lên 370 thành viên, sống rải rác từ Đức tới Abu Dhabi và Mỹ.

Pearson thành lập Bite Club do nhu cầu cá nhân, nhưng có những nghiên cứu khoa học cho thấy lợi ích của việc thành lập các cộng đồng nạn nhân như thế. Các cá nhân đó thoải mái nói chuyện và tương tác với nạn nhân, qua đó giúp họ có sự hỗ trợ tốt về tinh thần để sống tiếp.

Trong khi phần lớn thành viên Bite Club chỉ giao tiếp qua mạng xã hội, vài cá nhân đã đặc biệt tương tác mạnh với người khác và còn chuyển mối quan hệ từ thế giới ảo ra ngoài đời thực. Một trong số đó là Damon Kendrick, 61 tuổi. Người đàn ông sinh tại Zimbabwe và là con của một HLV bơi lội này đùa rằng ông biết bơi trước khi biết đi. Sau khi dọn tới Durban ở Nam Phi cùng gia đình, ông làm việc trong CLB cứu hộ biển của thành phố.

Một lần Kendrick cùng 3 thành viên nhóm cứu hộ biển đi bơi và bị cá mập tấn công. Khi thấy cá mập cắn một thành viên trong nhóm, Kendrick hối hả bơi vào bờ. Vừa chuẩn bị đặt chân xuống, lúc chỉ còn vài mét nữa là tới bờ cát, Kendrick bỗng cảm thấy mình bị kéo rất mạnh về phía sau, sâu xuống dưới nước. Các chuyên gia sau này đánh giá có thể một con cá mập bò đã cắn vào bắp chân Kendrick và quẫy lắc dữ dội.

Cuối cùng con cá buông tha Kendrick, nhưng cú cắn nghiêm trọng tới mức các bác sĩ phải cắt cụt chân phải của ông tại khu vực ngay dưới đầu gối (các thành viên khác trong nhóm chỉ nhận vài vết khâu cho thương tích nhẹ của họ).

Sau khi hồi phục, Kendrick trở lại bơi đua và dù còn một chân vẫn nhiều lần vô địch bơi quốc gia. Rồi ông dọn tới sống ở Australia và vẫn rất thích bơi biển. Nhưng cơn ác mộng từ lần bị cá mập cắn không buông tha ông. Mỗi lần tham gia một cuộc bơi đua ngoài biển, Kendrick luôn nghĩ về cá mập. Cách đây vài năm, Kendrick tham gia Bite Club và sau đó có cơ hội gặp gỡ, kết bạn với Pearson ngoài đời.

Wilton ban đầu khá thận trọng khi tiếp xúc với Bite Club. Dù số vụ cá mập cắn người trên thế giới ổn định quanh con số 80 trong mấy năm gần đây, nó vẫn có nghĩa là hơn 1 vụ một tuần. Và mỗi khi có ai đó bị cá mập tấn công, thông tin về vụ việc lại được đưa lên trang Facebook của Bite Club. Sẽ có ai đó viết bài tóm tắt lại về vụ tấn công, hoặc người sống sót tự giới thiệu bản thân và kể lại chuyện.

Khoảng 8 tháng sau vụ cá mập ắn, Wilton đăng một bài viết trên Bite Club, nói về khao khát trở lại đại dương và cả về những thứ vẫn ám ảnh mỗi khi anh đặt chân xuống nước. Ngay lập tức bài viết nhận được vô số phản hồi. Pearson khuyên anh nên thử bay từng chặng nhỏ, bắt đầu là bể bơi và tiếp theo là các hồ nước, để rèn luyện tâm trí. Kendrick thì chia sẻ một đoạn video ghi cảnh anh bơi đơn suốt 15km sau khi bị cá mập cắn để khuyến khích Wilton. Một vận động viên từng bị cá mập cắn khi đang luyện tập ở Orange County, California, đề nghị được bơi cùng Wilton.

Chính nhờ những sự động viên, khuyến khích và hướng dẫn tỉ mỉ như thế mà Wilton quyết định tập bơi trở lại ở Vũng Belvedere. Lần đi bơi đầu tiên, Wilton phải dừng lại vài lần để tự trấn tĩnh. Cảm giác nước chạy qua bộ quần áo bơi làm anh thấy không thoải mái. Anh cũng giật mình khi nhìn thấy những chiếc phao trắng trôi lững lờ dưới nước.

Nhưng rồi dần dần Wilton chế ngự được nỗi sợ và đã trở lại bình thường sau 3 tháng luyện tập liên tục. Cơn ác mộng cuối cùng cũng buông tha anh.

Tường Linh (Theo Outside)
TIN LIÊN QUAN

Mỹ: Số lượng cá mập trắng lớn tăng 35% ở vùng biển California

Nguyễn Hạnh |

Số lượng cá mập trắng lớn ngoài khơi bờ biển California, Mỹ đã tăng 35% so với 10 năm trước nhờ một nỗ lực bảo tồn.

Thiệt mạng vì bị cá mập tấn công khi lướt sóng trên biển ở Australia

Nguyễn Hạnh |

Một người đàn ông vừa thiệt mạng vì bị cá mập tấn công khi lướt sóng trên bờ biển Australia, ABC News đưa tin.

Hóa thạch 150 triệu năm cực quý hiếm hé lộ loài cá mập thời tiền sử

Bảo Châu |

Hóa thạch của loài cá mập tiền sử mới được tìm thấy trên bờ biển kỷ Jura ở hạt Dorset, Anh.

Phát hiện "sân tập săn mồi" của cá mập trắng lớn ở Nam Phi

Nguyễn Hạnh |

Daily Mail đưa tin, một nghiên cứu mới đây kết luận cá mập trắng lớn vị thành niên có "sân tập" riêng để trau dồi kỹ năng săn mồi an toàn trước các đối thủ trưởng thành.

Công bố mới về cá mập “Godzilla” 300 triệu năm tuổi

Khánh Ly |

Những chiếc răng của con cá mập 300 triệu năm tuổi khai quật ở New Mexico là dấu hiệu đầu tiên tiết lộ nó có thể thuộc một loài khác biệt.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Mỹ: Số lượng cá mập trắng lớn tăng 35% ở vùng biển California

Nguyễn Hạnh |

Số lượng cá mập trắng lớn ngoài khơi bờ biển California, Mỹ đã tăng 35% so với 10 năm trước nhờ một nỗ lực bảo tồn.

Thiệt mạng vì bị cá mập tấn công khi lướt sóng trên biển ở Australia

Nguyễn Hạnh |

Một người đàn ông vừa thiệt mạng vì bị cá mập tấn công khi lướt sóng trên bờ biển Australia, ABC News đưa tin.

Hóa thạch 150 triệu năm cực quý hiếm hé lộ loài cá mập thời tiền sử

Bảo Châu |

Hóa thạch của loài cá mập tiền sử mới được tìm thấy trên bờ biển kỷ Jura ở hạt Dorset, Anh.

Phát hiện "sân tập săn mồi" của cá mập trắng lớn ở Nam Phi

Nguyễn Hạnh |

Daily Mail đưa tin, một nghiên cứu mới đây kết luận cá mập trắng lớn vị thành niên có "sân tập" riêng để trau dồi kỹ năng săn mồi an toàn trước các đối thủ trưởng thành.

Công bố mới về cá mập “Godzilla” 300 triệu năm tuổi

Khánh Ly |

Những chiếc răng của con cá mập 300 triệu năm tuổi khai quật ở New Mexico là dấu hiệu đầu tiên tiết lộ nó có thể thuộc một loài khác biệt.