Trà đạo Nhật Bản

di li |

Sau khi tôi viết một seri về trà và cách thưởng trà, từ trà gia vị Ấn, trà Ô Long Trung Hoa, trà đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, trà bạc hà Maroc cho đến trà đen Sri Lanka thì bụng chợt nghĩ, còn mỗi cái anh trà đạo Nhật Bản là nghe đồn lắm chuyện nhất, thế mà mình lại chưa được thử. 

Thực ra vị trà xanh Matcha thì tôi vẫn “thưởng” hàng ngày, siêu thị Circle – K, Aeon Mall hay trung tâm thương mại nào chẳng có món này. Thậm chí quán vặt vỉa hè cũng sẵn nữa. Chưa kể hàng sáng đi dạy muộn toàn cuống quýt xuống căng tin của tụi sinh viên để tranh thủ ăn quàng vào giờ nghỉ năm phút. Một nắm xôi pate mười hai ngàn và cốc Matcha trân châu tám ngàn đựng trong cốc nhựa.

Nhưng trà đạo nó sang trọng kia. Matcha tám ngàn trong căng tin nóng nực chả bõ xấu hổ ra. Thế rồi nhân một lần dẫn đoàn trẻ con đi trại hè ở Osaka, tôi sướng rơn vì ước mơ trà đạo mấy tháng trước giờ sắp được thỏa.

Khách nước ngoài cũng lắm người tò mò như tôi, thậm chí họ còn phủ thêm cho trà đạo một bức màn huyền bí như xứ Phù Tang vốn đã lắm chuyện lạ kỳ, vì thế các trà thất ở Nhật Bản tha hồ hốt khách. Tôi cũng đặt một suất ở trà thất Maikoya, 5.500 yên (tương đương 1.100.000 đồng) cho hai tiếng thưởng trà có kèm kimono.

Trà thất Maikoya nằm trên đường Shinmachi, quận Nishi. Cô gái Nhật Bản mảnh mai trong bộ Yukata màu ghi giản dị bắt đầu nghi lễ hàng ngày của mình với các dụng cụ trà cao quý: Chiếc bình đồng đun nước nặng chịch, một cái bếp lò nấu nước tượng trưng bằng đồng (xưa người ta dùng than, nay thì dùng bếp điện nhưng trong trà thất Maikoya, nước đã được đun sẵn đi rồi), một hũ đựng trà màu be thanh nhã, một chiếc khăn fukusa màu đỏ để lau hũ và muỗng trà, một chiếc khăn chakin màu trắng để lau chén trà, một gáo múc nước trà đến là xinh bằng ống tre nhỏ xíu với tay cầm rất dài, một muỗng múc trà cũng bằng tre nhưng tí xíu mà một đầu được uốn cong để làm phần thìa, một bát đựng nước tráng (kensui), tám chén trà bằng gốm to tướng và nặng chịch như cái bát mà nghe đồn khi thưởng trà xuân hạ thu đông là hoa văn phải khác nhau theo mùa.

Nhưng lạ nhất là cây đánh trà (chổi chasen). Đấy là một ống tre được chẻ nhỏ ra trăm sợi mảnh khiến nó loe ra nửa giống cái chổi nhỏ, nửa giống bóng đèn. Chúng tôi láo nháo cả lên, xem thứ nọ, hỏi thức kia khiến cô gái nhiều lần phải ngừng lại. Ngồi theo dáng nửa quỳ này khổ quá đi mất. Ăn mặc thì đã lòe xòe. Trà đạo đúng chả sướng gì.

Nữ nhân bắt đầu múa trà. Thực vậy. Riêng cách nàng dùng chiếc khăn fukusa giắt trên thắt lưng rồi gấp rất cầu kỳ để lau cái muỗng cũng như múa. Lau thân muỗng một lần, lau cạnh muỗng hai lần, rồi quay lại thân muỗng lần nữa. Trước đó thì nàng lau cái nắp hộp đựng trà, lau đúng quy trình là phải theo vòng tròn, thứ đến là lướt một đường thẳng trên bề mặt. Xong đâu đấy nàng mới cẩn trọng múc từng muỗng nước sôi đang sùng sục trên bếp lò bằng cái gáo tre tí hon.

Tưởng là đã đến khâu pha trà, mà chưa. Là nàng tráng sạch cây đánh trà. Nàng nhúng chasen vào bát nước sôi rồi nhấc lên, nhúng lần nữa, lần nữa, rồi lại lắc nhẹ cho nước sôi ngấm hết vào 120 chân chổi. Cho khách sốt ruột đến chán chê đi, cuối cùng nàng mới múc một muỗng xanh ngắt từ hũ đựng trà để thả vào tách, xong rót nước sôi bằng cái gáo tre, lại đánh trà bằng chổi chasen cho bông lên, rồi đặt tách lên tay trái, tay phải xoay thành tách ba lần như một nghi thức bí hiểm.

Ấy rồi nàng nhẹ nhàng đặt tách xuống chiếu tatami, hai tay khum lại trước gối, cúi gập đầu chào, xong đâu đấy mới nâng tách lên và khẽ khàng chạm đôi môi hồng xinh xắn vào miệng tách. Động tác chậm rãi, tinh tế, an lạc, cứ như thể cả ngày hôm nay nàng chẳng có việc gì làm ngoài uống trà, chứ không phải còn một đoàn khách đủ màu da đang xếp hàng chờ dưới sảnh để được mặc Kimono, tết tóc, đeo nơ và dẫn lên tầng ba thưởng trà.

Người Nhật bề ngoài thì có vẻ đơn sơ, tối giản, nhưng thực tế lại rất cầu kỳ, uyên thâm và sâu sắc. Họ, có lẽ là dân tộc duy nhất trên thế giới nâng mọi hoạt động đời thường lên thành đạo. Võ sĩ đạo đã đành, còn cả thiền đạo, trà đạo, thi đạo, thư đạo và hoa đạo nữa. Nếu như tinh thần võ sĩ đạo dựa trên 7 nguyên tắc Công lý, Nhân từ, Can đảm, Tôn trọng, Chân thành, Danh dự, Tận tâm, thì trà đạo cũng được thực hiện theo tinh thần Hòa – Kính – Thanh – Tịch.

Sinh thời, thiền sư Myoan Eisai, người khai sáng phái Thiền tông ở Nhật Bản cuối thế kỷ XII, sau khi sang Trung Hoa học đạo đã mang về nước những gói Mạt trà (Matcha). Mạt trà thực ra đã có từ thời nhà Đường (618). Lúc ấy lá trà được rang lên rồi nghiền thành bột để bảo quản.

Sau rồi người Hoa quên dần cách sắc trà nóng từ bột khô ấy, có lẽ là chẳng hợp khẩu vị, nhưng Mạt trà bắt đầu được Eisai và những hậu duệ của ông ưa dùng đến mức nâng lên thành trà đạo (Chanoyu). Đã vào đến trà viên thì những giận dữ, tị hiềm, tham lam, xấu tính phải bị tống tuốt ngay từ cổng vào.

Triết lý cuối cùng của trà đạo là Jaku (sự tịch mịch). Trà thất nên tĩnh lặng đến mức nghe được cả tiếng gió thổi, suối reo, chim hót từ bên ngoài, và âm thanh trò chuyện cũng nên ôn hòa chứ đừng léo nhéo như chúng tôi nãy giờ (Mà tôi đồ rằng về sự ầm ĩ thì người Việt chỉ kém có mỗi người Tàu).

Những chén trà đã được chuyển lần lượt cho tám người. Trà xanh màu lục sậm lưng lửng dưới đáy tách. Tôi lấy chổi chasen đánh tan trà ra cho bề mặt nổi lên lớp bọt mịn y như tách Cappuccino vừa rời khỏi máy pha cà phê, rồi chẳng ai kịp cúi chào, chẳng ai kịp xoay tách để hoa văn quay về phía trước cho lịch sự, chẳng ai kịp hít hà mùi thơm nóng ấm đang dậy lên của Matcha, thảy đều cuống quýt chúm miệng nếm thử cái món quý báu nhất trong nghệ thuật ẩm thực của xứ hoa anh đào. Đây mới là Matcha đích thực.

Nhưng mà... ôi... sao đắng quá thế. Khéo gần bằng Berberin. Vị Matcha cực kỳ đặc trưng, màu sắc lại đẹp, khác hẳn các loại trà thông thường nên hay được tận dụng làm trà sữa Matcha, kem Matcha, mì soba Matcha, chocolate Matcha, bánh mochi Matcha, bánh paparoti Matcha và trăm nghìn bánh ngọt khác.

Nhưng trà Matcha thực sự thì rất khác. Nó đặc quánh và đắng ngắt. Nếu bạn vẫn uống trà sữa Matcha rồi thử nếm Mạt trà nguyên chất thì cũng tựa như vừa uống Cappuccino phủ kem lại chuyển sang cà phê đen không đường. Matcha vừa uống vừa ngẫm thì thực kỳ lạ.

Tuy đắng lắm nhưng luôn dậy lên một vị béo ngậy từ đâu đó sâu thẳm của vị giác, dù chẳng cần trộn tí váng sữa nào. Và chờ một lúc sẽ để lại dư ảnh là vị ngọt trên đầu lưỡi, nơi cuống họng và vĩnh viễn trong hồi ức.

di li
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.