NSND Tự Long:

"Tôi hát tuồng, chèo ở Táo Quân để gợi nhắc về sân khấu cổ truyền"

Hiền Hương (thực hiện) |

NSND Tự Long sinh năm 1973, hiện anh giữ chức Phó giám đốc nhà hát chèo Quân Đội. NSND Tự Long được biết đến nhiều nhất với những vai Táo trong chương trình Táo Quân. NSND Tự Long thừa nhận, dù gắn bó với chèo lâu năm, nhưng thương hiệu cá nhân anh có được lại nhờ từ truyền hình. Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với NSND Tự Long về hiện trạng ngày càng mai một của sân khấu chèo.

Từng học trung cấp Chèo ở Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhưng tốt nghiệp anh lại xuất hiện trước công chúng như một diễn viên hài, tham gia Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm - Táo Quân. Chính Táo Quân và truyền hình đã mang đến danh tiếng cho anh. Ngay từ đầu, chèo đã không thể nuôi sống anh?

- Nghệ thuật chèo nói chung đã rơi vào tình thế thoái trào. Chèo đã mất dần vị thế trong đời sống văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tôi nghĩ, thế hệ con của chúng ta có thể sẽ không còn biết chèo là gì. Đó là cả một vấn đề nan giải và chúng tôi phải chấp nhận.

Chèo mất vị thế như một xu hướng tất yếu khi nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc chịu sức ép của cơ chế, của những biến thiên xã hội, chịu sự cạnh tranh khốc liệt với những loại hình giải trí bùng nổ.

Khi chèo không còn được yêu thích, diễn viên chèo chúng tôi phải chấp nhận.

Anh có mang được thương hiệu cá nhân từ Táo Quân sang sân khấu chèo để hỗ trợ cho việc quảng bá?

- Khán giả thấy tôi xuất hiện, “chạy sô” nhiều ở truyền hình nhưng tôi luôn có mặt ở sân khấu chèo, vẫn diễn chèo với cát-sê dành cho NSND đi diễn là 250.000 đồng/ đêm diễn.

Tình trạng chung của sân khấu chèo là thoái trào, khó khăn. Nhưng nhà hát chèo Quân Đội chúng tôi vẫn có đối tượng khán giả riêng, vẫn có lịch diễn đều. Chúng tôi vẫn có lương, có chế độ, thu nhập. Tôi đang nói đến sự khó khăn, vất vả của các đoàn chèo khác.

Cá nhân tôi luôn có sự cố gắng riêng trong tình trạng đáng buồn chung của chèo. Khi tham gia Táo Quân, tôi vẫn hát chèo. Tôi còn hát nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền khác như tuồng, cải lương... Tôi muốn nhắc nhớ khán giả đến sân khấu cổ truyền.

Tôi ý thức được trách nhiệm của mình là một nghệ sĩ hát nhạc cổ truyền. Tôi là nghệ sĩ chèo duy nhất tham gia Táo Quân suốt 20 năm. Anh Chí Trung, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Thắng... đều thuộc về kịch nói. Nghệ sĩ chèo Xuân Hinh, Quốc Anh... chỉ tham gia Táo Quân rất ngắn.

Ở Táo Quân, mỗi khi có đoạn nào hát được, có thể cài cắm chèo, cải lương hay tuồng, tôi đều hát. Trước nhất, tôi muốn khẳng định mình là nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống. Thứ đến, tôi gánh trên vai trách nhiệm của một nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống đang bị mai một, đang bị mất sức hút... Nên khi có thể gửi gắm thông điệp, khi có thể giới thiệu, đưa tuồng chèo vào Táo Quân, là tôi sẽ tận dụng cơ hội thể hiện những làn điệu chèo.

Thế nhưng, đứng trước sự suy thoái đáng báo động của chèo, tôi không làm gì được. Tôi không thể là người “đứng mũi chịu sào” cho sự thất sủng của chèo.

Anh có nghĩ đến những lối thoát cho chèo?

- Giới trẻ đã quên chèo. Mới đây, người ta có bàn đến việc làm hồ sơ đề xuất lên UNESCO công nhận chèo là di sản văn hóa phi vật thể. Khi đã phải để UNESCO công nhận là di sản có nghĩa là, ngành nghề ấy đã đứng ở bờ vực suy thoái.

Nếu còn hưng thịnh, phát triển, thì không cần phải bảo tồn. Còn khi đã phải đưa vào “viện bảo tàng” để bảo tồn, để là di sản văn hóa phi vật thể, tức là chèo đã bị lãng quên.

Trước chèo, nhiều nghệ thuật truyền thống đã được xếp vào di sản như ca trù, cồng chiêng, hát xẩm, hát xoan... Đó đều là những lĩnh vực đã mất vị thế giữa cuộc sống hiện đại, hoặc khu vực phổ biến rất hạn chế, chỉ một vùng biết.

Trước hiện trạng của sân khấu chèo, tôi rất buồn.

Tôi luôn kỳ vọng sẽ có cách nào đó để tìm thấy đường sống cho sân khấu chèo. Những năm 1980-1990, tỉnh thành nào cũng có một đoàn chèo. Từ Nghệ An đến Tuyên Quang, Phú Thọ... đều có đoàn chèo. Dần dần, những đoàn chèo đều phải tan rã.

Đến hiện tại, ít người học về chèo, ít người muốn theo chèo, vì không đủ sống.

Tôi nhớ khi còn rất nhỏ, sau Tết, khi mùa xuân về, khắp những vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ sẽ rộn rã tiếng trống chèo. Người dân đổ ra sân đình xem diễn chèo suốt mùa lễ hội. Chẳng phải, Nguyễn Bính từng có bài thơ rất nổi tiếng, “... Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ/Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”.

- Chính là thời tỉnh nào, vùng nào cũng có một đoàn chèo. Đối tượng khán giả chính của chèo là bà con nông dân ở các vùng nông thôn. Kịch nói về nông thôn chắc chắn không ai đi xem, nhưng chèo, cải lương rất được yêu thích. Có thời, nghệ sĩ chèo gần gũi với khán giả đến mức, còn ở nhà dân, diễn từ làng này qua làng khác, suốt mùa lễ hội sau Tết, đôi khi kéo dài hết tháng 3 âm lịch.

Nhưng bây giờ, chèo đã mất vị thế. Người dân ở nông thôn bây giờ cũng có quá nhiều dịch vụ giải trí. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, họ có thể lướt tiktok, Facebook, Youtube cả ngày.

Chèo phải đối diện với khó khăn từ đào tạo đến lực lượng nghệ sĩ trụ được với nghề. Ít nghệ sĩ theo chèo, ít người học. Những người yêu nghề, dám sống chết với nghề cũng rất ít.

Tôi cho rằng chèo đã ở mức báo động về sự mai một.

Hay chèo cũng cần phải đứng trước áp lực đổi mới - như cách Táo Quân từng phải đối diện?

- Chèo cải biên, nhưng cũng chỉ có ngần ấy làn điệu. Nghệ sĩ ở các nhà hát kịch nói có thể đi làm phim, có thể xây dựng hình ảnh gần gũi, tiếp cận với khán giả. Chèo cũng có đấy, cũng có những nghệ sĩ mở kênh tiktok, fanpage, YouTube... nhưng rất ít.

Nghệ sĩ chèo giờ phải làm rất nhiều việc để mưu sinh. Để phục hưng được chèo cần rất nhiều yếu tố, trong đó cần phải có sự chung tay từ cơ quan chức năng đến nghệ sĩ, khán giả.

Chèo khó khăn, nhưng NSND Tự Long vẫn có vị thế riêng ở Táo Quân. Trải qua 20 năm gắn bó với chương trình này, cái được lớn nhất với anh?

20 năm Táo Quân mang đến cho tôi rất nhiều, đó là một chặng hành trình dài, hiếm chương trình truyền hình nào có được.

20 năm chứng kiến một phần tư đời người, ai trong chúng tôi cũng có rất nhiều thay đổi.

Sức khỏe của chúng tôi đã khác xưa. Anh Quang Thắng đã chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội sống. Anh Công Lý đã gặp những biến cố riêng. Tôi cũng có những thay đổi trong cuộc sống.

20 năm gắn bó với Táo Quân giúp tôi nhận ra giá trị của mình, giúp tôi học cách nỗ lực để nâng tầm giá trị cho mình.

Giữa những giá trị riêng - chung như thế, tôi tự hào khi giá trị của mình được sống, được nuôi dưỡng trong một chương trình Táo Quân có giá trị.

Táo Quân sau 20 năm sẽ là gì, theo anh?

- Sẽ là một chặng đường mới. Có lẽ, bạn đang muốn nhắc đến sự đổi mới. Nếu chỉ đổi để cho mới, thì rất dễ. Nhưng đổi thế nào để vẫn giữ được tinh thần, hồn cốt của chương trình, lại rất khó.

Suốt nhiều năm trở lại đây, Táo Quân đã tìm gương mặt mới, thay đổi format, đã thử nghiệm rất nhiều...  Ai cũng thích đổi mới, chúng tôi cũng rất thích.

Giống như món bánh chưng quen thuộc, chúng ta có thể làm bánh chưng đường, bánh chưng gấc, bánh chưng kẹp xúc xích... nhưng chắc chắn chỉ được một năm thôi, không ai ăn được bánh chưng “biến thể” mãi. Rồi sẽ vẫn phải quay về bản gốc với những giá trị cốt lõi của nó.

Sau tất cả, Táo Quân vẫn là món ăn tinh thần khó thay thế. Chúng tôi tham gia diễn xuất ở Táo Quân cũng gánh trên vai trách nhiệm rất lớn với khán giả, giữ vững tình cảm trân trọng dành cho khán giả.

Hiền Hương (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

NSND Tự Long: 20 năm Táo Quân, chúng tôi đã yêu thương và chịu đựng nhau

Hiền Hương (thực hiện) |

NSND Tự Long có cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động khi chương trình kỷ niệm 20 năm của Táo Quân đã lên sóng. 20 năm cũng là quãng thời gian đầy biến thiên, thay đổi với NSND Tự Long và dàn nghệ sĩ tham gia Táo Quân.

Nghệ sĩ Chí Trung: "Táo Quân 2023 có chiều sâu và nặng về lời thoại"

Hào Hoa |

“Năm nay 1.200 thái y của thiên đình nghỉ việc, nhiều ban ngành án binh bất động, lúng túng đứng giữa những quyết sách không rõ đúng sai... Táo Quân 2023 có chiều sâu và nặng về lời thoại” – Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Chí Trung nói về chương trình kỷ niệm 20 năm của Táo Quân.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Người giữ lửa nghề làm nhẫn bạc của đồng bào Churu

Vân Hoa |

Tộc người Churu ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng có một nghề truyền thống từ lâu đời là nghề làm nhẫn bạc. Chiếc nhẫn được chạm khắc tinh xảo đóng vai trò quan trọng trong lễ cưới của người Churu. Cho đến nay, chỉ còn gia đình anh Ya Tuất là còn gắn bó với công việc này.

Nếu kéo dài, những con vật ở vườn thú Đà Nẵng sẽ chết dần chết mòn

Mai Hương |

Chứng kiến cảnh tượng nuôi nhốt những con thú ở vườn thú tại Công viên 29.3 (Đà Nẵng), nhiều người băn khoăn về số phận của những con thú tội nghiệp này.

Kinh doanh èo uột, khách sạn rao bán nhiều vẫn khó kiếm người mua

Bảo Chương |

Mặc dù tình hình khách du lịch quốc tế đã có nhiều sự cải thiện nhưng hiện nay nhiều khách sạn ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh phải rao bán hoặc cho thuê lại, không ít nơi đang được cải tạo thành văn phòng vì kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Sân Đà Lạt chậm tiến độ hơn 1 năm vẫn ngổn ngang chưa có ngày hoàn thành

Thanh Vũ |

Dù đã chậm tiến độ hơn 1 năm nhưng sân vận động Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vẫn ngổn ngang gạch đá và chưa thể hẹn ngày hoàn thành.

Hàng quán mọc lên như nấm bên trong công viên Thủ Lệ

PHƯƠNG ANH |

Là một trong ba công viên gắn liền với người dân Hà Nội từ nhiều năm về trước, tình trạng hàng quán được đặt dày đặc trong không gian của công viên Thủ Lệ (vườn bách thú) đang khiến nhiều người dân bức xúc. 

NSND Tự Long: 20 năm Táo Quân, chúng tôi đã yêu thương và chịu đựng nhau

Hiền Hương (thực hiện) |

NSND Tự Long có cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động khi chương trình kỷ niệm 20 năm của Táo Quân đã lên sóng. 20 năm cũng là quãng thời gian đầy biến thiên, thay đổi với NSND Tự Long và dàn nghệ sĩ tham gia Táo Quân.

Nghệ sĩ Chí Trung: "Táo Quân 2023 có chiều sâu và nặng về lời thoại"

Hào Hoa |

“Năm nay 1.200 thái y của thiên đình nghỉ việc, nhiều ban ngành án binh bất động, lúng túng đứng giữa những quyết sách không rõ đúng sai... Táo Quân 2023 có chiều sâu và nặng về lời thoại” – Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Chí Trung nói về chương trình kỷ niệm 20 năm của Táo Quân.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.