Tôi được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và "ông Liên Xô"

Nguyễn Năng Lực |

Sinh thời, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, là Lãnh tụ tối cao của dân tộc, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian gặp gỡ nhân dân.

1. Các tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ nam, phụ, lão, ấu, từ bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức, các gia đình nghèo khổ, những nhân sĩ yêu nước, tất cả đều có đại diện được gặp Người Cha già của Dân tộc trong một tinh thần Đại đoàn kết thiêng liêng gắn bó. Tôi là một trong hàng triệu người Việt có hạnh phúc được gặp Bác Hồ kính yêu.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi là chiến sĩ Phòng không, đã tham gia chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cùng quân dân miến Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ - cuộc tập kích ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" như bộ máy chiến tranh Hoa Kỳ ngày ấy rêu rao. Sau này, tôi trở thành sĩ quan Binh chủng Tên lửa phòng không, sử dụng tên lửa Sam-2, loại vũ khí duy nhất cho đến nay đã bắn hạ được "siêu pháo đài bay" B-52 của Không lực Hoa Kỳ.

Sau này, tôi được biết, Tên lửa Sam-2 đã được trang bị cho Bộ đội Phòng không Việt Nam từ một thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Coshighin vào tháng 2.1965. Trong chuyến thăm ấy, Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho ta 2 trung đoàn tên lửa Sam-2 với 4,5 cơ số đạn. Trong dịp này, Bác Hồ đã cho phép một đoàn thiếu nhi Thủ đô vào Phủ Chủ tịch chào khách quý.

2 - Năm ấy, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đánh phá miền Bắc bước sang năm thứ hai. Tôi đang học lớp 6 Trường Cấp 1-2 Lương Yên, Hà Nội. Trường Lương Yên là ngôi trường nghèo, học sinh phần lớn là con em nhân dân lao động ven đô. Trường tranh tre nứa lá, đến năm 1963 được xây 2 tầng, đẹp như mơ trong con mắt của lũ học trò nghèo. Cha tôi mất lúc tôi chưa đầy 2 tuổi, khi đường phố Hà Nội còn vang tiếng giày đinh của lính Pháp. Phải 10 tháng sau, bộ đội Cụ Hồ mới về tiếp quản Thủ đô. Tôi lớn lên nhờ sự chăm sóc của bà nội và sự tần tảo của mẹ tôi. Năm tôi lên 5 tuổi, mẹ tôi đi làm xa, chỉ về nhà mỗi tuần một lần. Mặc dù sống trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, lên 7 tuổi đã phải ra máy nước công cộng xếp hàng, giành giật với bọn trẻ lớn hơn từng thùng nước, phải gánh nước vẹo người, hai lần nghịch ngợm đến nỗi gãy tay phải bó bột, nhưng những năm học dưới mái trường Lương Yên, tôi luôn luôn là học sinh giỏi, là đội viên chăm ngoan, được đi thi học sinh giỏi toàn thành phố, được bình chọn là "Cháu ngoan Bác Hồ". Một ngày đầu tháng 2 năm 1965, Thày Bùi Thế Vinh, Chủ nhiệm lớp tôi và là Tổng phụ trách Đội toàn trường, báo tin tôi được chọn là một trong hai học sinh của Trường Lương Yên tham gia Đoàn đại biểu Thiếu nhi Thủ đô vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Tôi còn nhớ người thứ hai là một bạn gái xinh đẹp như búp bê. Thày Vinh dặn chúng tôi mặc đồng phục áo sơ mi trắng, quần xanh, đi giày ba ta trắng, quàng khăn đỏ và có mặt tại Vườn hoa đầu đường Hoàng Hoa Thám.

Tôi về nhà báo tin cho bà nội tôi. Bà mừng lắm nhưng ngậm ngùi thương cháu, nhà nghèo, không có đồng phục quần xanh áo sơ mi trắng, khăn quàng đỏ mới để đi gặp Bác Hồ. Bà tôi tức tốc mua cho tôi một khổ vải xanh chéo, vâng, xanh chéo, không phải vải kaki, đủ may cái quần. Tôi mang đến nhà ông thợ, nói khó với ông ấy, rồi ngồi chờ bằng được ông ấy may xong, phấn khởi mang cái quần mới về, cái quần mới mà đã lâu tôi không có được vì toàn mặc lại quần áo của ông anh hơn tôi 3 tuổi thải ra. Còn cái áo sơ mi trắng, bà dẫn tôi sang nhà hàng xóm, hỏi mượn cho. Đôi giày ba ta, tôi được chị Tuất hàng xóm cho mượn. Thế là đủ bộ.

3 - Đến hẹn, tôi đi bộ từ nhà, qua Vườn hoa Pasteur, đi hết phố Nguyễn Công Trứ ra bến tàu điện Phố Huế, lên Bờ Hồ thì đổi tàu Bưởi lên Phủ Chủ tịch. Trên tàu, không biết người ta nghĩ thế nào khi nhìn thằng bé 13 tuổi cổ đeo khăn quàng đỏ thắm, còn tôi chỉ thấy hồi hộp, sung sướng, không dám tin là mình lại đang được đi gặp Bác Hồ. Trong tâm trí bọn trẻ ngày ấy, Bác Hồ như một ông tiên hiền từ, một người ông thương yêu trẻ con, nhưng cũng xa xôi, chỉ gặp được trong giấc mơ. Trong đầu tôi cứ văng vẳng câu hát: "Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh. Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài...", bài hát mà thiếu nhi ngày ấy, ai cũng thuộc lòng với một niềm kính yêu Bác Hồ vô hạn.

Sau khi được các thày cô, các anh chị phụ trách Đội, tất cả đều quàng khăn đỏ, dặn dò, chúng tôi xếp hàng hai, háo hức theo nhau đi qua cổng phụ trên đường Hoàng Hoa Thám, nay là cổng Cơ quan Văn phòng Chính phủ gần Vườn Bách Thảo, vào khuôn viên Phủ Chủ tịch. Đến bây giờ, tôi không còn nhớ nhiều ấn tượng về những hàng cây cổ thụ uy nghi dọc theo con đường rải sỏi quanh co dẫn đến ngôi nhà bề thế có nhiều bậc thềm hình vòng cung, chỉ nhớ rằng mình đã vô cùng xúc động, ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được đến Phủ Chủ tịch, chỉ mong đến lúc được nhìn thấy Bác Hồ, được nghe Bác Hồ nói chuyện.

Tôi không biết hôm ấy có bao nhiêu đứa trẻ hạnh phúc như tôi, nhưng nếu mỗi trường có 2 đại diện thì tất cả có lẽ cũng phải đến hơn một trăm Cháu ngoan Bác Hồ tề tựu quanh Bác. Tôi được ngồi gần Bác, nhìn rõ những nốt đồi mồi trên má, trên tay Người, những nốt đồi mồi sẫm màu vì gian khổ. Ngồi bên tay phải Bác là ông Coshighin, thỉnh thoảng Bác lại quay sang nói chuyện với ông ấy bằng tiếng Nga. Chúng tôi vỗ tay theo những bài hát do tốp ca trình bày. Khi bạn Thanh Phương, diễn viên đóng vai Kim Đồng trong bộ phim cùng tên được giới thiệu lên hát một bài bằng tiếng Nga, tôi thấy Bác Hồ chỉ về phía bạn ấy, nói chuyện với "ông Liên Xô", chắc là Bác đang giới thiệu về anh Kim Đồng, người đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam đã mưu trí, dũng cảm, hi sinh thân mình để bảo vệ cán bộ, khi cách mạng còn trong trứng nước, để lại tấm gương dũng liệt trong sáng tuyệt vời cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Tôi không nhớ cuộc gặp kéo dài trong bao lâu, chỉ biết đến khi các thày cô, các anh chị phụ trách, các chú bảo vệ nhắc chúng tôi đã hết giờ, phải ra về rồi, đứa nào cũng lưu luyến. Bác Hồ đưa "ông Liên Xô" và các vị khách quý vào trong. Chúng tôi vẫn nhìn theo, tiếc nuối, giá như được gặp Bác thêm chút nữa.

Như có phép màu, thấu hiểu nguyện vọng của các cháu thiếu nhi, tiễn khách vào trong xong, Bác Hồ lại quay ra. Ngoái nhìn lại trong tâm trạng lưu luyến, tiếc nuối, thấy Bác đang ra đến bậc thềm cao, tôi reo lên sung sướng rồi dang tay chạy nhanh về phía Bác, vừa chạy vừa reo to. Mọi người có hiểu tâm trạng của một đứa trẻ là tôi trong khoảnh khắc ấy không? Miệng reo lên sung sướng, hai tay dang rộng, hai chân líu ríu chạy, cố chạy nhanh hơn các bạn khác để đến gần Bác Hồ kính yêu nhất, để được ôm chầm lấy chân Bác, để được Bác xoa đầu, để được Bác hỏi chuyện. Thế nhưng các chú bảo vệ ngăn bọn trẻ lớn chúng tôi lại. Các chú bảo, ưu tiên cho các em nhi đồng được đến gần Bác. Thế là lũ nhóc mẫu giáo được Bác dang tay đón, có đứa còn sờ râu Bác. Bác Hồ cười sảng khoái giữa đàn cháu...

Bác hỏi: "Hôm nay các cháu có vui không?". Chúng tôi đồng thanh reo to: "Vui lắm ạ". Bác lại nói: Hôm nay các cháu cùng Bác tiếp khách là các bạn Liên Xô. Liên Xô là bạn tốt của chúng ta, đang giúp chúng ta kháng chiến chống Mỹ. Bác căn dặn: Các cháu phải ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, ông bà, nghe lời thầy cô giáo, chăm học, chăm làm giúp gia đình, học giỏi để sau này thành người có ích giúp nước. Thấy chúng tôi dùng dằng không muốn về, Bác hỏi: Các cháu có nghe lời Bác Hồ không? Tất cả đồng thanh: Có ạ. Bác cười: Nghe lời Bác thì bây giờ phải về nhà, còn đi học chứ.

Hôm ấy, mỗi đứa được Bác cho quà gồm một gói kẹo trứng chim và một phong sô cô la. Chắc kẹo trứng chim của Bác Hồ, còn phong sô cô la là quà của "ông Liên Xô". Tôi khư khư giữ hai gói kẹo quý báu ấy, về đưa cho bà nội. Gói kẹo trứng chim có nhiều viên, bà nội tôi đem chia cho trẻ con hàng xóm, bảo là "quà của Bác Hồ". Các gia đình và trẻ hàng xóm ai cũng ngỡ ngàng, xúc động. Còn phong sô cô la, hai anh em tôi chén ngon lành.

4 - Bây giờ ngồi viết lại những dòng này, tôi vẫn rưng rưng xúc động. Tôi nhớ đến chuyện Bác Hồ thăm gia đình "người nghèo nhất" Hà Nội đêm Giao thừa Tết Nhâm Dần (1962). Tết ấy, Bác đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín ở ngõ 16 phố Lý Thái Tổ - một con phố nằm ngay ở quận trung tâm thành phố. Hoàn cảnh của chị rất vất vả, chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi bốn con nhỏ, nên đêm 30 Tết rét buốt mà vẫn phải đi gánh nước thuê. Quẩy đôi thùng trên vai, chị vừa ra ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ, đôi gánh trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run nắm lấy tay Bác, nghẹn ngào: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm!”. Bác nhẹ nhàng: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...”. Về nhà sàn, Bác nói với Bộ Chính trị đến chúc Tết Bác và cùng đón giao thừa: “Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Ðảng với nhân dân...”.

5 - Kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ gần 60 năm trước theo tôi suốt cuộc đời. Đã gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi Đảng, với tất cả tình yêu thương, kính trọng và hiểu biết về Bác Hồ, chẳng cần ai vận động, tôi đã, đang và sẽ vẫn nguyện học tập và làm theo gương Bác. Đó mới là thiết thực đền đáp công ơn trời biển của Bác với Nhân dân, với Đất nước này.

Nguyễn Năng Lực
TIN LIÊN QUAN

Giới thiệu sách mới về công lao kiến tạo Chính phủ Việt Nam của Bác Hồ

N.DỦ |

Chào mừng ngày toàn quốc bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, NXB Trẻ xuất bản ấn phẩm “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” tập hợp nhiều sử liệu và phân tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị kiến trúc sư trưởng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã để lại cho các thế hệ sau nhiều tiền đề và bài học thiết thực trong việc xây dựng và điều hành Chính phủ kiến tạo ngày nay.

Ký ức về Bác Hồ trong ứng xử ngoại giao

Thanh Hà |

Những ký ức về Bác Hồ trong ứng xử ngoại giao được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ trong cuộc nói chuyện ngày 19.5.2021.

Tư tưởng của Bác Hồ về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ người dân

M.Bằng (tổng hợp) |

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới thì việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân chính là kim chỉ nam để Việt Nam thành công hơn trong công tác này.

Lời kể của cựu chiến binh 6 lần vinh dự được gặp Bác Hồ

KIM ANH |

Từng vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Ngọc Bào – nguyên Chính ủy Trung đoàn 32 (Sư đoàn 471, Đoàn 559) cảm nhận được sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của Người.

Nhân rộng các tấm gương, điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ

. |

Ngày 18.5, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn Kết luận quan trọng này.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Giới thiệu sách mới về công lao kiến tạo Chính phủ Việt Nam của Bác Hồ

N.DỦ |

Chào mừng ngày toàn quốc bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, NXB Trẻ xuất bản ấn phẩm “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” tập hợp nhiều sử liệu và phân tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị kiến trúc sư trưởng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã để lại cho các thế hệ sau nhiều tiền đề và bài học thiết thực trong việc xây dựng và điều hành Chính phủ kiến tạo ngày nay.

Ký ức về Bác Hồ trong ứng xử ngoại giao

Thanh Hà |

Những ký ức về Bác Hồ trong ứng xử ngoại giao được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ trong cuộc nói chuyện ngày 19.5.2021.

Tư tưởng của Bác Hồ về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ người dân

M.Bằng (tổng hợp) |

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới thì việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân chính là kim chỉ nam để Việt Nam thành công hơn trong công tác này.

Lời kể của cựu chiến binh 6 lần vinh dự được gặp Bác Hồ

KIM ANH |

Từng vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Ngọc Bào – nguyên Chính ủy Trung đoàn 32 (Sư đoàn 471, Đoàn 559) cảm nhận được sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của Người.

Nhân rộng các tấm gương, điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ

. |

Ngày 18.5, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn Kết luận quan trọng này.