“Tọa độ” của Jacques Dournes

Huy Minh (tổng hợp) |

“Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jorai” (Coordonnées: Structures Jorai familiales et sociales) là tác phẩm của nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes. Cùng với “Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jorai Đông Dương” và “Rừng, Đàn bà, Điên loạn”, ba tác phẩm đã tạo nên bộ tài liệu vô cùng quý giá về con người và vùng đất Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên cuốn sách phát hành tại Việt Nam.

Jacques Dournes (1922-1993) là nhà dân tộc học người Pháp, với bút danh là Dam Bo. Ông sống ở Tây Nguyên 25 năm (1946-1970) trong vai trò một nhà truyền giáo đam mê điền dã dân tộc học, tập trung nghiên cứu về văn hóa Jorai (Giarai) và các tộc người vùng cao nguyên.

Với “Tọa độ”, Dournes đã dùng cách dẫn thuật chi tiết đi từ các truyền thuyết của người Jorai, lưu ý chúng ta về những tình tiết trong các câu chuyện, rồi đối sánh chúng với các “dấu hiệu” hay chỉ dấu đang diễn ra trong đời sống thực tế của người dân bản địa, từ đó tìm những mối nối, phân tách rồi giải nghĩa... Cuối cùng, ông đưa ra kết luận về cấu trúc gia đình và xã hội Jorai, như bản chất “mẫu hệ” trong gia đình và xã hội của họ khác với “mẫu quyền” ở phương Tây ra sao, mối quan hệ đối ứng giữa đàn bà và đàn ông Jorai, mối liên kết giữa con người xứ này với chính tự nhiên...

Tác phẩm được xuất bản năm 1972, tức Dournes đã viết cuốn sách này và cho xuất bản ngay khi ông đang thực địa giữa những người Jorai mà ông tiếp xúc hằng ngày và đang cố gắng xác nhận các “tọa độ” (xã hội) của họ, nhận diện đúng bản nguyên, “căn cước” (identité) riêng của họ giữa thế giới này, để cuối cùng suy nghĩ về thực trạng và số phận của họ, những khả năng, những thách thức và con đường phát triển của họ trong thế giới ấy hôm nay.

Dựa trên ba “tọa độ” là: Hệ thống những quan hệ thân tộc, Hệ thống liên minh qua hôn nhân và Những quan hệ liên minh khác, Dournes đã rút ra kết luận rằng cấu trúc gia đình và xã hội Jorai xác định nên căn tính của người Jorai trong một tập họp xã hội. Sau những nghiên cứu kỹ lưỡng xuyên suốt hơn hai trăm trang sách, ông bày tỏ những lo ngại về hiện trạng và con đường phát triển của con người và xã hội Jorai. Dournes cho rằng, khi người Jorai còn đứng trước những khả năng phát triển phong phú khác nhau, họ đã chọn con đường dễ dãi, ít cản trở nhất, song là con đường bế tắc, cá nhân bị hệ thống lấn át và nhanh chóng lu mờ.

Ở thời điểm thập niên 1970, chính con người và truyền thống của vùng đất này là thứ khiến tác giả lo âu về những mai một khả dĩ trong tương lai, để rồi thực tế sau này chứng tỏ những băn khoăn này của ông là tuyệt đối xác đáng. Quá trình đô thị hóa, với ông, vừa là cách cứu lấy những giá trị truyền thống có nguy cơ biến mất nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Có thể nói với người đọc hiện đại, Tọa độ sẽ cho ta cơ hội chìm đắm trong không gian Tây Nguyên nói chung và không gian văn hóa Jorai nói riêng ở một chiều không - thời gian khác, để hiểu hơn về phong tục tập quán, và xã hội của nhóm dân tộc tiêu biểu trong đại gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này tới bạn đọc.

CHUYỆN CON SÓC

Lãnh chúa phá rừng làm rẫy. Ông phạt, ông tỉa, cây đổ rào rào - trừ một cây. Đã ba ngày nay ông cố chặt đổ nó mà không được. Ông ngước nhìn lên: Một con sóc chui ra từ cái lỗ trên thân cây:

- Sao ông đẽo thân cây này?

- Ta muốn chặt nó! Ta cần làm rẫy.

- Tùy ông thôi, nhưng riêng với cái cây này, ông phải mua.

- Gà? Lợn? Trâu? Ngươi muốn đổi lấy gì?

- Không gì cả! Ông gả con gái cho tôi thì khắc chặt được cây.

- Đồng ý, Sóc!

Lưỡi rìu bổ phập vào thân gỗ, cây đổ. Lãnh chúa quay về nhà, con sóc đi theo. Về đến nhà, ông nói với con gái H’Bia (tên điển hình của người Jorai):

- Con gái, ta có việc muốn nói với con. Ta đã gả con cho Sóc.

- Vâng thưa cha, cha đặt đâu con ngồi đấy.

Suốt nhiều ngày, Sóc không ló mặt ra ngoài, chỉ loanh quanh trong nhà, không làm ăn gì. Mẹ của H’Bia chế giễu nó. Một thời gian sau, Sóc hóa phép ra một căn nhà to chất đầy của cải. Mẹ của H’Bia vẫn chế giễu nó vì nó tên là Sóc - và quả thực nó là một con sóc.

Sóc bèn hóa thành một chàng trai đẹp, nhưng chỉ H’Bia mới nhìn thấy nó trong hình dáng đó. Sóc không ở trong nhà nữa, nó đi suốt ngày. Rồi nó gặp con gái của lãnh chúa làng bên, còn đẹp hơn cả vợ. Nó tán tỉnh nàng, sau đó trở thành chồng nàng và bỏ bê người vợ đầu tiên. Nó chè chén say sưa tối ngày, cho đến chết. Người ta chôn nó xuống đất; mộ nó hóa thành đồi. Một lần đi săn qua đó, bố của người vợ thứ nhất của Sóc dừng lại đại tiện trên đồi này. Sóc liền chui ra và quay về với H’Bia.

- Tại sao chàng lại cưới con gái của lãnh chúa làng bên? Chàng đã chết vì nàng ta rồi cơ mà!

- Ta đã sống lại và quay về bên nàng đây!

Nhưng chuyện cũng không kéo dài được bao lâu. Sóc lang thang đến một làng xa, gặp con gái của lãnh chúa nơi đó: Nàng còn đẹp hơn cả hai người vợ trước. Sóc cưới nàng, lại say xỉn, bị ngã xuống nước và chết đuối. Một thời gian sau, nó lại sống lại và quay về với người vợ “giữa”.

- Ta nghe nói chàng đã ở với con gái của lãnh chúa làng bên. Chàng uống say, chết đuối rồi cơ mà!

- Ta sống lại và quay về bên nàng đây!

Nó hóa phép ra nhà cửa, của cải, rồi ốm và chết. Rồi nó lại sống lại và lại trở thành sóc như trước, sống trong một cái lỗ trên thân cây.

Truyện kể ngắn gọn này ẩn chứa một loạt những chỉ dấu về một quan niệm xã hội nhất định: Lãnh chúa và vợ ông ta (bà mẹ vợ), hôn nhân và việc ở rể, các trạng thái đối nghịch giữa đàn ông và đàn bà - một bên thì hay thay lòng đổi dạ trong khi một bên thì chỉ ru rú ở nhà, những cái thể hiện ra bên ngoài (hình dáng động vật bề ngoài, cái chết bề ngoài) và cái tôi vĩnh cửu.v.v...

Truyện kể này, khi đặt ở đầu sách, trước hết là một ký hiệu: Ký hiệu chỉ ra rằng một xã hội của những con người sống cần được tiếp cận ngay trong cuộc sống chứ không từ các khái quát tiên nghiệm, cần được phân tích trong những tình huống cụ thể chứ không dựa trên những mô hình dựng sẵn; ký hiệu về quan điểm của tôi trong nghiên cứu này, từ cái rõ ràng nhất đến cái có thật nhất; ký hiệu về phương pháp làm việc của tôi: Xã hội Jorai là để lắng nghe chứ không chỉ để nhìn vào, một thông tin đợi chờ trong mười năm rồi được thu nhặt qua một truyện kể, một cuộc trò chuyện còn có giá trị hơn tất cả những câu trả lời cho một câu hỏi được đặt ra; người kể chuyện là người cung cấp thông tin tốt nhất. Những gì người Jorai nói về bản thân, mà không nhận ra mình đang làm điều đó và thường là dựa trên trí nhớ, là nguồn thông tin vô giá không thể thay thế. Không có nguồn thông tin miệng sống động ấy, người nghiên cứu sẽ có nguy cơ áp đặt lên đối tượng những ý tưởng và cấu trúc của chính mình. Chi tiết việc thu thập tư liệu sẽ được tôi viết ra và diễn giải ở phần sau; nhưng ngay từ bây giờ ta có thể thấy công trình này rất nhiều phần là dựa vào những lời nói tự phát của người Jorai, sau đó là vào một nhóm tư vấn người Jorai đã giúp tôi trong quá trình nghiên cứu, và cuối cùng là dựa một chút vào trực cảm giúp tôi chắp nối các dữ kiện và nhận diện các đường mối kết nối, vào sự chăm chú không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào cùng sự tò mò trẻ thơ luôn khao khát muốn biết thế nào và tại sao.

Truyện kể này, cũng như nhiều truyện khác, chỉ mô tả các tình huống, cứ như thể nó chẳng hề quan tâm gì đến hình dáng, màu sắc, mùi vị. Với những người chưa từng nhìn thấy một người Jorai, có lẽ trình bày vấn đề sao cho cụ thể hơn thì sẽ tốt hơn. Nhưng tôi sẽ rất lúng túng nếu phải mô tả hình dáng một người Jorai, cũng như khi tôi phải mô tả một người Pháp hay một người Nga, và vì cùng một lý do: Người Jorai - khái niệm đó không tồn tại. Có những người Jorai nhỏ con và cao lớn, dáng thô và mảnh mai, đầu bẹt hay đầu dài, làn da nhạt màu hơn một nông dân người Kinh nhưng cũng có thể nước da bánh mật, người phủ đầy lông hay nhẵn lông, tóc nâu hay đen (hay vàng rơm ở những người bị bạch tạng). Ngay cả người trong cuộc cũng không có khả năng phân biệt một người Jorai với một người sơ-Đông Dương thuộc tộc người khác trước khi họ nghe nhau nói. Mặc dù mắt người Jorai không xếch, cũng có khi người Kinh nhầm một người Jorai là người Kinh và ngược lại. Không còn “chủng tộc” Jorai cũng như không còn chủng tộc Pháp, và một dòng máu thuần chủng còn hiếm hơn cả rừng nguyên sinh.

Người Jorai, cũng như các tộc người khác, là kết quả của nhiều quá trình giao thoa. Việc ca ngợi vẻ đẹp của một “giống người” là thuộc về chủ nghĩa hàn lâm thi ca, chứ không phải dân tộc học. Nếu cần một dấu hiệu nhận biết thì ta có thể phân biệt họ dựa vào mống mắt sẫm màu và bàn chân bẹt (kết quả của việc đi chân đất?), nhìn chung chỉ có vậy. Trên bình diện này, ta có thể nói: Người Jorai mang bản chất con người, bản chất con người của chúng ta (là điều chưa phải là hiển nhiên đối với tất cả mọi người).

Trên bình diện văn hóa, có phải trang phục là yếu tố giúp ta nhận ra người Jorai? Một nghiên cứu có hình minh họa có thể cho ta câu trả lời, nhưng một mặt ta có thể nhận thấy rằng người Ba Na và những tộc người khác cũng mua và sử dụng vải dệt của người Jorai, mặt khác khá nhiều người Jorai đã ăn mặc như người Kinh, cũng như nhiều người Kinh mặc đồ Tây (trừ phụ nữ Jorai; họ vẫn từ chối mặc quần như người Kinh hay váy ngắn như người phương Tây).

Để nhận ra người Jorai cần căn cứ chủ yếu vào ngôn ngữ của họ, dù thực tế là họ không thật sự có một ngôn ngữ của người Jorai mà chỉ là những hình thức thổ ngữ không có ranh giới, pha trộn với tiếng Ba Na ở phía Bắc, tiếng Ê Đê ở phía Nam, tiếng Chăm ở phía Đông và tiếng Mã Lai ở xa hơn nữa, đó là còn chưa tính đến tiếng Việt cũng pha vào những mầm rễ không thể chối cãi. Có điều đáng chú ý là người Kinh gọi người Jorai là “em”, như thể cùng phe với một số người nói về một “tộc người trẻ”. Tôi không biết rõ điều đó có thể có ý nghĩa gì, nhưng với tôi mà nói, ngay từ khi còn trẻ người Jorai trông đã rất già, nếu không muốn nói là trông như sắp xuống lỗ.

Điều thực sự xác định người Jorai là những tọa độ kết nối họ theo chiều dọc với một thị tộc (đối lập với các thị tộc khác) và theo lát cắt ngang với những người mà họ gọi là chú bác, anh em hay con cháu, tất cả được biểu hiện qua cái họ của mỗi cá thể. Đây chính là đề tài của công trình nghiên cứu này: Những tọa độ tạo nên căn tính Jorai. Trong khuôn khổ hạn hẹp của vốn từ vựng sẵn có, tôi nói về “các cấu trúc gia đình và xã hội” nhưng không nên quên rằng người Jorai không phân biệt gia đình với xã hội theo cách như vậy và rằng các “cấu trúc” của họ trên thực tế là những mối quan hệ (ít nhiều có tính hệ thống), nghĩa là một thực thể con người sống động.

TỪ SINH HỌC ĐẾN XÃ HỘI HỌC

Những nghiên cứu trước đây, H’Bia và Gỗ tre (xuất bản các năm 1972 và 1969), đã gợi ý cho chúng ta bằng cách cung cấp một chìa khóa về ngôn ngữ và một chìa khóa về phân loại. Nhờ chiếc chìa khóa thứ nhất, chúng ta sẽ thấy vai trò của các từ ngữ chỉ thân tộc như là ký hiệu của giao tiếp, chiếc chìa khóa thứ hai sẽ dắt dẫn chúng ta từ thế giới thực vật đến gia đình, từ ký hiệu đến cái mang nghĩa, từ Tự nhiên cung cấp các ký hiệu đến Văn hóa là cái kết nối chúng lại với nhau.

Ngôn ngữ giúp chúng ta khám phá những cơ chế truyền miệng và các chuỗi bài khấn, một hệ thống nhị phân và một lát cắt gốc, một đòi hỏi mang vẻ bên ngoài của diễn ngôn và một khoảng cách thực với Người khác. Ta sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra các mối liên hệ đã được điều kiện hóa và những cách hành xử đã được định sẵn, và không có nhiều đối thoại trong hôn nhân hơn là trong diễn ngôn.

Hệ thống thực vật đã chỉ cho ta cách phân loại để tìm ra một “đầu mối thứ ba”, một cái mã để nhận ra những khác biệt và kết nối chúng lại với nhau, một hệ thống quan hệ đã được nghiên cứu này tiên đoán trước với tư cách là hình ảnh phản chiếu của các cấu trúc gia đình. Các từ ngữ phân loại, các mối liên kết và định vị sẽ được áp dụng ở đây khi nói về con người.

Bbon, nơi cư trú, đối ngược với dlei, đất hoang; nhưng dlei có thể được chinh phục, thuần hóa. Könung, thân tộc, đối ngược với toäi, người lạ; nhưng toäi có thể được thu nhận thông qua liên minh (ở đây chỉ việc hôn nhân). Quan hệ xã hội được sắp đặt để giải quyết những sự đứt gãy. Người Jorai rất sợ sự im lặng, họ nói; người Jorai sợ rừng, họ lánh xa nó; người Jorai sợ sự cô đơn, họ củng cố các mối quan hệ xã hội của mình, tăng cường sự phụ thuộc trong bộ tộc và tìm kiếm các liên minh ngoài bộ tộc.

Với người Jorai, làng là nơi có ngôi nhà họ ở (sang); họ không quan tâm đến làng với tư cách là một thực thể chính trị, nói gì đến vùng, tỉnh hay quốc gia lại càng không tồn tại. Khi nói về sang, người Jorai không có ý niệm yêu thương gắn bó như cách người Pháp nói về tổ ấm của mình. Sang chỉ là nơi trú ngụ của gia đình thu hẹp. Chỉ duy nhất khái niệm sang này, chứ không phải nơi ở vật chất, mới thực sự định hướng cuộc sống của người Jorai, định vị nó, định nghĩa nó, bảo vệ nó.

Ngoài các thành viên của gia đình (mở rộng), một người chỉ có thể là toäi (người lạ) hoặc ayat (kẻ thù) - hai từ này không đối nghịch nhau. Người lạ, nếu họ thực sự trông kỳ lạ (như người Pháp chẳng hạn), trước hết sẽ được xem là yang (thế lực siêu nhiên); nhưng dù sao vẫn bị coi là thấp kém, như thể không có căn tính; vừa thương hại họ người ta lại vừa tìm cách lợi dụng họ như với một đồ vật không “biết gì”; người ta đổ cho họ đủ thứ khuyết tật mà người ta muốn tẩy khỏi mình. Đối nghịch với tập hợp ý tưởng làng-nhà-thân tộc là tập hợp hoang dã-vô văn hóa-người ngoài; vậy thì đem luật rừng đối xử với họ sẽ là logic, cho đến ngày ta có thể thuần hóa được họ, nghĩa là kết được một liên minh với họ.

Liên minh là thắng lợi của văn hóa. Cũng giống như các mối quan hệ trong thế giới thực vật được dùng để làm mã cho các mối quan hệ giữa gia đình với gia đình, các mối quan hệ gia đình được dùng để làm mã cho các mối quan hệ với những người liên minh mà ta áp cho những từ ngữ chỉ thân tộc. Đối với người đàn bà, vốn là người không rời những người sinh ra mình và nguời chồng chỉ là cơ hội để có con, thì gia đình thu hẹp là sự cùng dòng máu - cô ta không đi ra khỏi cái sinh học. Đối với người đàn ông thì ngược lại, đấy là gia đình mà anh ta đã có được bằng liên minh hôn nhân; anh ta đã đi ra khỏi nhà mình, đã rứt ra khỏi các mối dây buộc tự nhiên để thiết lập những mối quan hệ mới; bằng điều đó, anh ta “có văn hóa” hơn người đàn bà.

Töno ania, đực và cái, bọn trẻ tự nói về chúng như thể đùa bỡn; không bao giờ chúng còn đùa như vậy sau hôn nhân, khi đã trở thành rököi bönei, đàn ông và đàn bà; văn hóa đã chiếm lại quyền lực của nó.

Người đàn bà, nhân tố tự nhiên của quá trình sinh sản, kết nối hai thế hệ. Người đàn ông, nhân tố văn hóa của quan hệ, kết nối hai thị tộc. Cốt yếu của các tọa độ Jorai là vậy.

GIỐNG VÀ GIỚI

Sự bổ sung giữa người đàn ông và người đàn bà tạo nên những mối liên hệ, mà ở điểm tiếp nối của chúng một cá nhân tìm thấy sự xác nhận căn tính của mình. Sự bổ sung đó chỉ có thể là chìa khóa để chúng ta xác định con người ấy nếu ta nhìn nhận nó theo góc độ của một người Jorai. Và điều này không hề là dễ dàng đối với người phương Tây, kể từ người La Mã lạc hậu nhất cho đến nhà nữ quyền tiên tiến nhất, bởi vì “lối phân cắt” không giống nhau, ký hiệu của một vũ trụ quan khác.

Ngôn ngữ Jorai - cũng như tất cả các ngôn ngữ sơ-Đông Dương và cả ngôn ngữ Việt Nam - đều không có “giống”. Điều này bao hàm một trải nghiệm “tổng thể” về các giới (chỉ việc trong ngôn ngữ Jorai không phân biệt giống đực, giống cái như tiếng Pháp và một số ngôn ngữ khác), một điểm khác biệt căn bản với trải nghiệm của các dân tộc nói ngôn ngữ “có giống”. Một người ngoại quốc sẽ khó có thể thấu hiểu cấu trúc nền tảng này; và khi ta cảm nhận ra được một điều gì đó ở đấy, thì chỉ vừa diễn đạt nó ra bằng tiếng Pháp ta sẽ làm cho nó biến chất ngay.

Lối phân biệt giống đực/giống cái của người Pháp chúng ta xuất phát từ một dữ kiện xác thực của những thực thể có giống (ví dụ như động vật có con đực, con cái) nhưng rồi từ đó người ta lại đi đến một hệ thống có tính quy ước và tùy tiện mà lại muốn được coi là tuyệt đối. Tại sao từ tờ giấy [le papier] là giống đực mà từ chiếc lá [la feuille] lại là giống cái?

HOMME - CON NGƯỜI, với tư cách là đại diện của nhân loại, đối với người Pháp là giống đực. Con người-mẫu là giống đực, và chúng ta cũng dùng đúng nguyên từ ấy để chỉ riêng những người thuộc giống đực trong những con người nói chung, đối lập với ĐÀN BÀ.

Việc coi đàn bà không phải là một homme theo nghĩa thứ hai (đàn ông) tất yếu dẫn đến chỗ coi họ không phải homme theo nghĩa thứ nhất (con người). Từ đó mà có sự đề cao giống đực trong một xã hội tương đương. Hiện tượng tâm lý ngôn ngữ học này khiến người Pháp chúng ta không thể hiểu được một xã hội trong đó sự lẫn lộn như vậy là không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, nó giúp tôi hiểu làm thế nào mà huyền thoại về “chế độ mẫu quyền” đã có thể ra đời bằng cách lấy một tình thế có thực rồi đảo ngược nó đi, từ đó tạo nên một xã hội tưởng tượng cùng kiểu loại nhưng theo hướng ngược lại, đến mức mà trong bối cảnh đó, không thể không quan niệm rằng các giới tất phải ở trong quan hệ thống trị lẫn nhau. Không thể hình dung ra luận đề về chế độ mẫu quyền khi không có thực tế về sự chuyên nhất của giống đực, điều đã khiến người ta phải tìm cách biện giải, có thể là vô thức, bằng cách sáng tạo ra cái phi lý của sự đối nghịch. Những người Jorai nghe tôi nói về chuyện đó tỏ ra hết sức kinh ngạc trước chủ nghĩa nam quyền tuyệt đối của những người đã đi đến mức áp đặt họ của mình lên vợ, như thể muốn xóa sạch tất cả mọi dấu vết bản sắc nguyên thủy, mọi thực tại trước hôn nhân của người vợ - trong một xã hội như vậy căn tính của người đàn bà đã lập gia đình chính là căn tính của người chồng.

Mönuih có nghĩa là “người”, không có giống, bao gồm rököi (vir - yếu tố ngôn ngữ La-tinh có nghĩa là đàn ông, chồng) và cả bönei (mulier - yếu tố ngôn ngữ La-tinh có nghĩa là vợ). Đối với các loài động vật, tên loài không có giống: Aseih là loài ngựa, để chỉ rõ giống ta thêm töno hay ania (aseih ania là ngựa cái). Điều này rất quan trọng để giúp chúng ta hiểu về xã hội của con người, bởi chính xã hội loài người đã đặt ra ngôn ngữ và hình dung ra xã hội loài vật theo hình ảnh của xã hội mình. Từ không xác định giống đi trước, từ xác định giống là cái phụ, đi sau.

Việc không xác định giống chứng tỏ một quan niệm có tính tổng thể mà chúng ta không thấu hiểu được và cũng thể hiện quan điểm cơ bản lớn hơn về không phân biệt vai trò riêng của mỗi giới, để chừa không gian tự do cho những cách áp dụng đa dạng. Trong thực tế, ta gặp ở những người sơ-Đông Dương nhiều hình thức liên kết (cư trú, dòng dõi) và thậm chí cả những cách diễn giải khác nhau ngay bên trong một tộc người - trong khi đó, việc phân công lao động giữa các giới dường như lại thống nhất hơn (bao giờ cũng là đàn ông rèn sắt và đàn bà dệt vải).

Ta cần luôn nhớ rõ điều ấy trong tâm trí khi phân tích xã hội Jorai, nếu không hệ thống các từ ngữ chỉ thân tộc và các quan hệ xã hội sẽ trở nên hết sức khó hiểu hoặc có vẻ mâu thuẫn.

Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Doraemon mùa 9 và những tác phẩm hoạt hình khuấy đảo mùa hè 2021

DI PY |

Phim hoạt hình Doraemon mùa 9, Thỏ Peter 2: Cuộc trốn chạy, Nhóc trùm: Nối nghiệp gia đình... tác phẩm nổi tiếng, hứa hẹn bùng nổ trong dịp hè này.

Đối thoại với tác phẩm mỹ thuật

Việt Văn |

Có lẽ chưa năm nào các triển lãm mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa…) bùng nổ như thế. Riêng tuần này, khi triển lãm mỹ thuật toàn quốc vừa khép lại (10.12) để chuẩn bị du Nam thì một loạt triển lãm khác lại mở cửa. Hữu Khoa - biệt danh họa sĩ “Còm” bảo: Thời COVID-19, tưởng họa sĩ hết đất sống nào ngờ triển lãm tơi tới như mùa cưới và hầu như triển lãm nào cũng có họa sĩ bán được nhiều tranh.

21 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cuộc thi ảnh “Tự hào một dải biên cương"

Vương Trần - Kim Anh |

Cuộc thi “Tự hào một dải biên cương” nhằm quảng bá vẻ đẹp tự nhiên nên thơ, hùng vĩ cũng như những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng biên cương của Tổ quốc.

“Trong vô tận” - tác phẩm và dư luận

P.V |

Liên tiếp hai cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn, lần thứ tư (2011-2015) và lần thứ năm (2016-2019), hai cây bút Bùi Việt Sỹ và Vĩnh Quyền của báo Lao Động đoạt giải cao.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Doraemon mùa 9 và những tác phẩm hoạt hình khuấy đảo mùa hè 2021

DI PY |

Phim hoạt hình Doraemon mùa 9, Thỏ Peter 2: Cuộc trốn chạy, Nhóc trùm: Nối nghiệp gia đình... tác phẩm nổi tiếng, hứa hẹn bùng nổ trong dịp hè này.

Đối thoại với tác phẩm mỹ thuật

Việt Văn |

Có lẽ chưa năm nào các triển lãm mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa…) bùng nổ như thế. Riêng tuần này, khi triển lãm mỹ thuật toàn quốc vừa khép lại (10.12) để chuẩn bị du Nam thì một loạt triển lãm khác lại mở cửa. Hữu Khoa - biệt danh họa sĩ “Còm” bảo: Thời COVID-19, tưởng họa sĩ hết đất sống nào ngờ triển lãm tơi tới như mùa cưới và hầu như triển lãm nào cũng có họa sĩ bán được nhiều tranh.

21 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cuộc thi ảnh “Tự hào một dải biên cương"

Vương Trần - Kim Anh |

Cuộc thi “Tự hào một dải biên cương” nhằm quảng bá vẻ đẹp tự nhiên nên thơ, hùng vĩ cũng như những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng biên cương của Tổ quốc.

“Trong vô tận” - tác phẩm và dư luận

P.V |

Liên tiếp hai cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn, lần thứ tư (2011-2015) và lần thứ năm (2016-2019), hai cây bút Bùi Việt Sỹ và Vĩnh Quyền của báo Lao Động đoạt giải cao.