Tinh tuyển cho người Việt

LÊ QUANG VINH |

Trong thị trường sách Việt hiện có vô vàn chủng loại, đầu sách, đề tài. Do vậy, không dễ để bạn đọc có thể chọn lựa những đầu sách chất lượng, phù hợp cho từng đối tượng trong gia đình. Bởi thế, việc Công ty sách Omega Plus khởi xướng dự án “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt” là một nỗ lực lớn trong việc giúp bạn đọc quan tâm đến việc đọc sách và văn hóa đọc trên toàn quốc, góp phần vào việc làm giàu tri thức, xây dựng hạnh phúc cả trong đời sống cá nhân và đời sống xã hội.

Để kiếm tìm những tác phẩm có giá trị đưa vào tủ sách này, ban tổ chức đã phát động cuộc bình chọn “100+ cuốn sách nên đọc trong đời” nhằm thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của các độc giả   trên toàn quốc. Theo bà Nguyễn Hương - phụ trách dự án “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt’’, cuộc bình chọn được sự hưởng ứng cao từ cộng đồng, với hơn 1.500 độc giả ở độ tuổi từ 13 tới gần 70 tuổi (chủ yếu từ 20 - 35 tuổi) tham gia, hứa hẹn tương lai của văn hóa đọc Việt Nam là giới trẻ.

Thống kê sơ bộ, có hơn 2.000 đầu sách đã được độc giả đưa vào danh sách bình chọn, tập trung chủ yếu ở các mảng sách: Phát triển bản thân (hơn 400 đầu sách), Lịch sử tư tưởng (hơn 350 đầu sách), Dành cho thiếu nhi, Văn học Thế giới, Văn học Việt Nam (mỗi mảng gần 300 đầu sách). Theo đó, 10 cuốn sách được độc giả đề cử nhiều nhất với số lượng bình chọn từ 700 - 900 phiếu, gồm: ''Việt Nam phong tục’’ (tác giả: Phan Kế Bính), ''Đại Việt sử ký toàn thư’’ (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên), ''Truyện Kiều’’ (Nguyễn Du), ''Khuyến học’’ (Fukuzawa Yukichi), ''Những người khốn khổ’’ (Victor Hugo), ''Đôn Kihôtê’’ (Miguel de Cervantes), ''Chí Phèo’’ (Nam Cao), ''Không gia đình’’ (Hector Malot), ''Việt Nam sử lược’’ (Trần Trọng Kim) và ''Số đỏ’’ (Vũ Trọng Phụng).

Xuyên suốt quá trình triển khai dự án “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt’’, đồng thời với phần bình chọn của độc giả, dự án có sự tư vấn, phản biện, đóng góp của ban cố vấn chuyên môn (là các học giả, nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội, các nhà xuất bản cũng như những người có trải nghiệm về văn hóa đọc của người Việt) bao gồm: Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh.... Ban cố vấn sẽ là “bộ lọc” cuối cùng trước khi đưa danh mục sách vào “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt’’ được xuất bản.

Mới đây, bộ sách đầu tiên của dự án gồm 7 cuốn vừa được ra mắt. Điểm đặc biệt của những cuốn sách này là được in từ các bản dịch tốt nhất, hoặc sử dụng bản in lâu năm nhất, bao gồm:

Bộ ''Truyện cổ Nước Nam’’ (gồm ''Quyển thượng: Người ta’’ và ''Quyển hạ: Muông chim’’) của tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, sử dụng bản in của NXB Thăng Long vào đầu những năm 1930 - một trong những bản in đầu tiên của tác phẩm được giới thiệu tới công chúng. Đây là tập hợp 120 truyện cổ quen thuộc, thuần chất Việt Nam, do người Việt sáng tác, không có yếu tố vay mượn từ nước ngoài. Gần như các truyện đều có một đôi câu thành ngữ hay sáo ngữ, ca hát hay phong dao liên quan mật thiết với nội dung truyện và gắn liền với thông điệp tác giả gửi gắm.

''Truyện Ngụ ngôn Aesop” (tác giả là nhà văn người Hy Lạp) được lấy từ bản dịch của dịch giả Bùi Phụng - bản dịch được coi là tốt nhất hiện nay với phần tuyển lựa chất lượng cùng những đúc kết riêng, ngắn gọn của dịch giả, giúp tác phẩm trở nên gần gũi hơn với bạn đọc nhỏ tuổi trong nước.

''Thơ Ngụ ngôn La Fontaine’’ (nhà thơ ngụ ngôn người Pháp) được in từ bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, do họa sĩ tiên phong trong sáng tác truyện tranh của Việt Nam Ngô Mạnh Quỳnh vẽ và khắc gỗ mộc, theo ấn bản in năm 1943 của NXB Alexandre de Rhodes, do gia đình họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh cung cấp.

''Truyện cổ Dân gian Nga’’ (của tác giả Alexander Afanasyev, người Nga), bản dịch của dịch giả Nguyễn Bân - bản dịch lần đầu tiên được công bố tới công chúng với sự tuyển lựa kỹ lưỡng cùng nội dung mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc Nga, mở thêm nhiều lựa chọn cho bạn đọc nhỏ tuổi. Đây là một trong những bộ sưu tập văn học dân gian đồ sộ nhất thế giới, của tác giả được mệnh danh là “người đãi cát tìm vàng”.

''Truyện Kiều’’ (của nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Du) do PGS-TS Vũ Ngọc Khánh chú giải và khảo dị, sử dụng minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh vẽ và khắc gỗ mộc, theo ấn bản ''Kim Vân Kiều’’ của NXB Alexandre de Rhodes in năm 1942. Bản chú giải và khảo dị trong tập truyện này cũng là văn bản phù hợp với độc giả phổ thông muốn tiếp cận văn bản ''Truyện Kiều’’ theo hướng thường thức, không quá nặng về học thuật.

''Gia lễ chỉ nam’’ (của tác giả Nguyễn Tử Siêu) do cử nhân Thường Sơn, Lương Sĩ Hạnh hợp soạn, sử dụng bản in của Nhật Nam Thư Quán in năm 1930, bàn về các phong tục của người Việt như hôn lễ, thọ lễ, tang lễ, khấn giỗ tết, câu đối mừng/phúng, cách viết cáo phó, thơ thiệp hỏi thăm, cách chép gia phả... Văn bản có bổ sung hệ thống chú thích, giúp bạn đọc dễ tìm hiểu các thuật ngữ cổ.

Lý giải về việc ấn hành 7 cuốn đầu tiên, bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Xuất bản Công ty CP sách Omega Việt Nam - chia sẻ: “Khi triển khai ''Tủ sách đời người’’, chúng tôi nghĩ tới mạch nguồn dân gian và dân tộc, phong tục tập quán của cha ông xưa. Tủ sách này cũng hướng tới độc giả thiếu nhi đầu tiên. Từ đó, chúng tôi đã trao đổi với các nhà nghiên cứu, ban cố vấn, chọn ra những cuốn sách mở đầu...”.

Theo bà Nguyễn Hương - Trưởng dự án “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt’’: “Ngoài nỗ lực tìm kiếm nguồn văn bản chất lượng và bổ sung giá trị gia tăng cho ấn phẩm như các minh họa, hệ thống chú thích, chúng tôi cố gắng tạo điểm nhấn đặc biệt cho bộ sách, như: Mỗi đầu sách được đánh số theo trình tự xuất bản, giúp bạn đọc dễ theo dõi, sưu tập trọn bộ sách; thiết kế bìa phù hợp với từng bộ sách, bìa sau ôm trọn cuốn sách tạo gáy sách giả, dễ bảo quản, đồng thời giúp độc giả dễ đánh dấu trang sách. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương án thiết kế mới để bộ sách thêm phần hấp dẫn...”.

Hiện, số đầu sách đợt 1 của dự án “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt’’ đang chuẩn bị tái bản và tiếp nối sự mong đợi của bạn đọc, đợt 2 của tủ sách này sắp ra mắt 10 cuốn sách mới, bao gồm: ''Truyện cổ Nhật Bản’’ (tác giả Toshio Ozawa), ''Truyện dân gian Do Thái’’, ''Chàng hải âu kỳ diệu’’ (Richard Bach), “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran’’ (Alfred Assollant), ''Không gia đình’’ (Hector Malot), ''Cổ học tinh hoa” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân), ''Ngôn sứ’’ (Kahlil Gibran), ''Uyên ương gãy cánh’’ (Kahlil Gibran), ''Việt Nam phong tục’’ (Phan Kế Bính) và ''Khuyến học’’ (Fukuzawa Yukichi).

Nhận xét về “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt’’, TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) chia sẻ: “Con người có 3 khát vọng là thoát khỏi nghèo đói, sự ngu dốt và sự tầm thường. Theo tôi, sách có thể giúp chúng ta thực hiện cả 3 điều này. Dân gian ta xưa có câu “Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay’’. Vì thế, trong mỗi gia đình có nền nếp gia giáo xưa đều có hòm sách, được coi như của quý trong nhà...’’.

Còn TS Nguyễn Xuân Dũng - Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia - cho rằng: “Kho tàng tri thức của nhân loại là vô tận, và ngay cả khi thực sự quan tâm đến việc đọc, đôi lúc chúng ta vẫn không khỏi băn khoăn ở độ tuổi này nên đọc sách gì, chọn lựa ra sao và đọc như thế nào. Do đó, dự án này mang tính gợi mở, trợ giúp mọi người tìm sách hay, sách tốt cho gia đình, để đọc sách trở thành thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày, thành nhu cầu tự thân...’’.

LÊ QUANG VINH
TIN LIÊN QUAN

Tủ sách dùng chung, giải pháp hiệu quả phát triển văn hóa đọc

PHAN DUY NGHĨA (HÀ TĨNH) |

Xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung trong các trường học nhằm để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng giá sách giáo khoa là việc làm có ý nghĩa nhân văn và rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Thanh xuân tươi đẹp tháng 6: Những trang sách gợi nhớ thanh xuân

Thanh Hương |

Ký ức đẹp về một thời những cuốn sách là tài sản chung, là niềm ước mơ của cả một thế hệ sẽ được kể lại trong chương trình “Thanh xuân tươi đẹp” tháng 6.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

Chủ tịch Vietlott làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam

PHẠM ĐÔNG |

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tủ sách dùng chung, giải pháp hiệu quả phát triển văn hóa đọc

PHAN DUY NGHĨA (HÀ TĨNH) |

Xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung trong các trường học nhằm để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng giá sách giáo khoa là việc làm có ý nghĩa nhân văn và rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Yêu biển đảo qua từng trang sách

Bích Hà |

Để giáo dục tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ đại dương nhân Ngày Đại dương Thế giới (8.6) và Tuần lễ bảo vệ Biển và Hải đảo Việt Nam, các nhà văn, họa sĩ đã thực hiện những tác phẩm nhằm khuyến khích trẻ em quan tâm hơn tới đại dương.

Thanh xuân tươi đẹp tháng 6: Những trang sách gợi nhớ thanh xuân

Thanh Hương |

Ký ức đẹp về một thời những cuốn sách là tài sản chung, là niềm ước mơ của cả một thế hệ sẽ được kể lại trong chương trình “Thanh xuân tươi đẹp” tháng 6.