Tìm lại Trà Lân - tòa thành đã mất

Bài và ảnh hữu vi |

Trà Lân là tên gọi của một toà thành cổ gắn với một trong những trận đánh nổi tiếng của nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1424. Theo sử sách, tòa thành vào thời Lê gọi là Trà Long, thuộc phủ Trà Lân nay thuộc huyện Con Cuông (Nghệ An).

1. Thành Trà Lân theo sách sử các triều đại Lê, Nguyễn là tòa thành trùng với tên phủ Trà Lân. Vị trí của tòa thành ngày nay thuộc xã Bồng Khê huyện Con Cuông (Nghệ An). Các triều đại Lý, Trần, Lê đều để lại những dấu ấn của mình với miền đất này. Các sử liệu cho thấy, hoàng tử thứ 8 của Lý Thái Tổ là người có công khai phá miền đất này.

Thế nhưng, nổi tiếng hơn cả chính là trận công thành của nghĩa quân Lê Lợi. Lúc này, triều đại nhà Trần và Hồ đã mất vị thế vào tay nhà Minh xâm lược. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Sau những thất bại ở phía tây Thanh Hóa suốt 6 năm trời, nghe theo tướng Nguyễn Chích, Lê Lợi tiến đánh thành Trà Lân.

Một số tài liệu có dẫn lại nguồn từ “Đại Việt sử ký toàn thư” thì tòa thành ngày ấy có tên là Trà Long thuộc phủ Trà Lân, trấn Nghệ An. Thành đóng tại làng Trầm Hương, án ngữ trên con đường thượng đạo từ Đô Lương lên các địa bàn miền tây Nghệ, vì thế mà khống chế được cả một vùng rộng lớn lên đến biên giới Việt - Lào. Tướng giữ thành là một tù trưởng người bản địa gọi là Cầm Bành. Theo quan điểm của người viết bài này, tên gọi Cầm Bành khá phổ biến trong các huyền thoại dân gian của người Thái, vì thế có thể đây chỉ mang tính phiếm chỉ. Ông ta được cho là đã nắm giữ hơn 1.000 quân lính và đã theo nhà Minh chống lại nghĩa quân Lam Sơn.

Ban đầu, Lê Lợi chiêu hàng tướng Cầm Bành nhưng bất thành. Vị tù trưởng người thiểu số tự tin với thành cao, hào sâu, địa bàn hiểm trở, nghĩa quân sẽ không thể đánh bại.

Theo huyền sử, lúc đó, ở vùng Thọ Sơn (Anh Sơn) ngày nay có ba anh em họ Trương đứng ra giúp nghĩa quân. Họ là Trương Hán, Trương Tâm và Trương Tham đã đem đàn voi góp vào nghĩa quân. Họ cùng dân làng góp gà, lợn, thóc gạo nuôi quân sĩ. Ông Trương Hán còn dẫn đường cho quân Lam Sơn tiến đánh thành Trà Long. Sau hơn 1 tháng giữ thành, Cầm Bành buộc phải mở cổng quy hàng. Về sau, Lê Lợi phong cho anh em họ Trương là “Khả Lam quốc công”, tước quận công.

Ngoài câu văn nổi tiếng của Nguyễn Trãi (“Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”) thì về sau, chúng ta không có nhiều tài liệu sử về tòa thành Trà Lân. Và tên gọi Trà Lân (chỉ tòa thành) có lẽ chỉ có sau này.

Về cấu trúc của tòa thành, theo những tài liệu sử được biên soạn lại, công trình này nằm trên ngọn núi phía bờ bắc sông Lam, cạnh các xóm bản Tân Hòa, Thanh Đào, Thanh Nam, Khe Rạn, xã Bồng Khê. Tường thành có chu vi khoảng 2km được xây dựng theo một cung cách hiếm thấy trong lịch sử quân sự. Phía ngoài thành là hào sâu, bên trong là lũy tre gai dày đặc, rất khó công phá bởi những phương tiện quân sự mà nghĩa quân Lam Sơn có được vào thời đó.

Thật khó tưởng tượng ra rằng, nơi đây từng tồn tại một tòa thành. Đó là cảm giác của tôi khi đi trên cây cầu treo vượt qua sông Lam tới những xóm bản Thanh Đào, Thanh Nam, Tân Hòa, nơi từng diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn. Đã gần 600 năm, vật đổi sao dời, đến cả dòng chảy của con sông Lam có lẽ cũng đã có biến đổi. Phía bờ nam là quốc lộ 7 nối những đô thị vùng cao kéo lên đến tận biên giới Việt - Lào. Bờ bắc nơi đứng chân của tòa thành xưa là những xóm bản thuần nông. Phù sa sông Thanh Long (tên gọi của sông Lam vào thời Lê) từ nhiều thế hệ nay tạo nên những bãi bồi rộng rãi, nuôi sống con người. Theo tìm hiểu của tôi từ những cư dân địa phương cao tuổi, những làng bản của người Thái nơi đây chỉ có từ khoảng những năm 1930. Nếu soi chiếu với những sử liệu, có thể thấy quanh toà thành Trà Lân đã không có các làng bản cư trú một cách liên tục. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi vùng đất hoang vu mà tập quán du canh, du cư mới chỉ chấm dứt từ nửa sau thế kỷ 20 trở lại đây. Còn những làng kinh tế mới từ các huyện miền xuôi cũng chỉ mới xuất hiện ở đất này từ nửa cuối thế kỷ 20.

Môt số người dân tin rằng đây là gạch xây thành Trà Lân trước kia.
Môt số người dân tin rằng đây là gạch xây thành Trà Lân trước kia.

2. Chúng tôi hỏi về tòa thành thì hầu hết già trẻ, gái trai đều nói rằng nó ở ngọn núi cạnh khu dân cư. Người Thái bản địa gọi là Pù Thành. Một số tài liệu lịch sử địa phương in từ những năm 2000 cũng gọi như vậy. Thế nhưng, để tìm ra dấu tích của tòa thành là điều vô cùng khó khăn.

Theo chỉ dẫn của những cán bộ địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Văn Tiến trú bản Thanh Đào. Ông lão 66 tuổi có vẻ quan tâm đến những dấu tích xa xưa của thành Trà Lân. Ông bảo, bản thân chuyển đến nơi này sinh sống từ những năm 60 của thế kỷ trước và từng thấy những đoạn hào khá sâu bao bọc lũy tre gai. Mô tả này có vẻ khá gần gũi với các sử liệu về tòa thành, xuất bản vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

Thế nhưng, đó đã là những thực tế của nhiều thập niên về trước. Trong một buổi chiều cuối tuần, ông Tiến dẫn nhóm chúng tôi lên ngọn đồi nơi có đoạn thành hào thì chỉ có lại một vườn thanh long đang bói quả. Phía đỉnh đồi, như nhiều nơi khác là một rẫy keo. Ông Tiến cho hay, từ nhiều năm trước, người ta đã phá bỏ những lũy tre gai, lấp các đoạn hào để lấy đất sản xuất.

Cuộc mưu sinh đã dễ dàng khiến cư dân nơi đây bỏ qua những dấu tích của lịch sử.

Qua chỉ dẫn của ông Tiến, chúng tôi tìm đến thôn Tân Hòa cũng thuộc xã Bồng Khê, cách Thanh Đào khoảng 1km. Ông Tiến bảo, ở đó chúng tôi có thể tìm thêm những viết tích của thành Trà Lân. Người ta tin rằng, ở đó còn một đoạn hào thành chạy thẳng lên triền đồi. “Đoạn hào” được nhắc đến trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Hiền, chẳng khác nào một con suối cạn vẫn thấy trên những ngọn núi đất bình thường khác. Cạnh hào có những bụi tre cằn cỗi nhưng là loài tre vẫn được người dân trồng để bán hoặc làm hàng rào. Không còn chút gì sót lại từ loài tre gai từng được trồng để làm tường thành.

Dù những người dân có quả quyết rằng, con suối cạn mà chúng tôi tìm thấy là một đoạn hào thành năm xưa, nhưng độ tin cậy của nó có lẽ vẫn cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa. Một số người hướng dẫn chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thảo, một cư dân khác của thôn Tân Hòa. Tại đây, gia chủ cho chúng tôi xem những viên gạch cổ. Đó là vật thể hình khối vuông chiều rộng khoảng 15cm, dày từ 3-5cm. Những người dân bản địa cũng tin rằng, đó là thứ còn sót lại của thành Trà Lân gần 600 năm về trước. Họ quả quyết rằng, những viên gạch này được nung tại chính nơi đây để phục vụ việc xây dựng tòa thành.

Với những vết tích quá mờ nhạt và vì thời gian cũng như năng lực có hạn, chúng tôi không thể tìm thêm được một dấu vết khả tín nào. Đoạn hào thành mà rất có thể đó chỉ là một con suối cạn, những viên gạch không rõ niên đại chẳng nói lên một căn cứ chắc chắn nào cho thấy đó là dấu tích tòa thành.

Dẫu vậy, có một điều rất thật là dù dấu vết cũ đã mờ nhạt trên thực địa song tòa thành Trà Lân vẫn khá đậm nét trong tâm trí của cư dân bản địa. Niềm tự hào có phần mơ hồ nhưng lại thiêng liêng. Dẫu sao sức sống của thành Trà Lân đối với các cộng đồng dân cư địa phương vẫn rất sâu sắc. Những người dân địa phương chia sẻ rằng: Hằng năm, họ vẫn chứng kiến giáo viên tại một số ngôi trường đứng chân trên địa bàn vẫn dẫn các em học sinh tìm về vị trí tòa thành trong các giờ học ngoại khóa. Đó cũng là cái cách mà tòa thành lịch sử “sống” trong tâm thức hậu thế.

Bài và ảnh hữu vi
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.