Tìm lại dấu tích cuộc đời của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

hồng nhung - tiên long |

Là danh sĩ đất Nghệ An, quan to trong triều Nguyễn, thân phụ của nhiều trí thức nổi tiếng như GS Nguyễn Khắc Phi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhưng Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là một trong những người mất đầu tiên trong những ngày đầu của cuộc cải cách ruộng đất.

 
 Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm
Cái chết của cụ Hoàng giáp là một nỗi đau của gia đình, nên không được đề cập chi tiết. Sau khi cụ mất, những dấu tích trong cuộc đời cụ cũng không còn nhiều, do các tài liệu, văn tự của gia đình đã bị thiêu hủy trong hai lần nhà bị đốt vào các thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 và cải cách ruộng đất năm 1954.

Trong sách của các con

Trong Hồi ký của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ viết sơ lược: Ông cụ nhà tôi xuất thân là một nho sĩ, quê ở làng Gôi Vị, Hương Sơn, Hà Tĩnh, có trí nhớ đặc biệt, nổi tiếng học giỏi. Tiếng tăm của ông chính là thi đỗ Hoàng giáp rất sớm, lúc mới 19 tuổi. Xét ra, cụ Nguyễn Khắc Niêm là một trong 4 người đỗ đầu kỳ thi Đình năm 1907 ấy, vì kỳ đó không lấy ai đỗ hạng Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân, chỉ có 4 thí sinh được đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp.

Bác sĩ viết tiếp: Ông cụ lúc đầu làm Đốc học tỉnh Nghệ An, vừa làm Giám đốc vừa dạy. Sau làm Tư nghiệp, tức Phó Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám. Khi Pháp bỏ học chữ Nho, tất cả hệ thống đó bị đóng cửa, nên cụ chuyển ra làm quan, quan hành chính.

Cuốn Hồi ký nhà văn Nguyễn Khắc Phê mang tên “Số phận không định trước” có ghi lại bài văn ghi trong bức trướng của danh sĩ Cao Xuân Dục, thay mặt các thân sĩ An – Tĩnh tặng Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm thi đỗ, trong đó viết: “Lúc 12 – 13 tuổi đã nổi tiếng giỏi văn chương.

Con của hổ báo đã có đủ chí khí nuốt trâu rồi! Khoảng 15 tuổi, mũi kiếm sắc mới thử một lần, văn chương hầu như đã hợp quy cách song quan giám khảo mùa thu (khoa thi Hương) cho rằng tuổi còn quá nhỏ nên gác lại, có lẽ là muốn để cho mở rộng thêm con đường giao du và trường kiến văn đó thôi.

Quả nhiên, mùa thu năm ngoái thi Hương một lần là đỗ, được đặc cách vào thẳng Kinh đô thi Hội mà không cần địa phương tiến cử, và mùa xuân năm nay, mới 19 tuổi, đã đỗ liền thủ khoa”.

Hoạn lộ của cụ Hoàng giáp được nhà văn Nguyễn Khắc Phê dựng lại theo các tư liệu gia đình như sau: Ông vinh quy vào mùa xuân thì đến tháng Bảy âm lịch, thân phụ của ông qua đời, ông về quê cư tang ba năm, đến năm 1910 mới vào Huế nhậm bổ nhậm của triều đình.

Trong cuốn sách tiếng Pháp mang tựa đề “Vua chúa và danh sĩ xứ Đông Dương” do Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1943, phần giới thiệu về “Tổng đốc hưu trí Nguyễn Khắc Niêm” có viết sơ lược về lý lịch của ông như sau: Được nhận vào trường Hậu bổ năm 1914 và tốt nghiệp năm 1916. Từ năm 1911 làm Giáo sư Trường Quốc Tử Giám, sau bổ làm Đốc học Nghệ An...

Hoạn lộ của cụ Nguyễn Khắc Niêm có bước ngoặt lớn vào năm 1925, khi đang quan trong ngạch giáo dục, cụ được chính quyền cai trị và triều Nguyễn chuyển sang ngạch quan cai trị, được bổ làm Án sát tỉnh Nghệ An – chức quan to thứ ba ở địa phương, phụ trách hoạt động luật pháp trong tỉnh.

Sau đó, cụ được thăng làm Bố chánh Nghệ An, chức quan to thứ nhì tỉnh (sau Tổng đốc), phụ trách lĩnh vực hành chính, có lẽ vào năm 1929 - 1930. Sau đó, cụ được triệu về triều làm Thị lang, rồi Tham tri Bộ Hình, sau đó được cử làm quan đứng đầu một tỉnh nhỏ, với chức Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa. Tiếp đó, cụ được triệu về làm Phủ doãn (tỉnh trưởng) Thừa Thiên và Chủ tịch Hội đồng Cải lương hương tục ở Huế.

Trước khi nghỉ hưu, cụ Nguyễn Khắc Niêm được bổ đến chức Quyền Tổng đốc Thanh Hóa (1941). Tuy nhiên, ông Tổng đốc đã có vẻ chán nản cái quan lộ được chỉ vẽ từ tay các quan Pháp rồi. Chả thế mà cụ đã trả lời một người cháu khi anh này chúc mừng cụ được bổ Tổng đốc bằng một câu tiếng Pháp mà dịch ra có nghĩa rằng: “Mừng gì cháu. Họ có thể đặt bất cứ ai vào bất cứ đâu để làm bất cứ gì chẳng được”.

Năm 1942, ở tuổi 53, cụ Niêm nghỉ hưu trước tuổi. Sau cách mạng tháng Tám, cụ tích cực tham gia công tác ở địa phương và được cử vào Ủy ban Liên Việt Liên khu Bốn. Ấy thế mà đến khi diễn ra cuộc cải cách ruộng đất, tất cả những người quan lại cũ ở Nghệ Tĩnh đều bị đưa lên tập trung ở một trại miền núi ở Hương Khê. “Do thầy đã già, lại đau ốm không có thuốc men, nên chỉ sau thời gian ngắn thì mất”, bác sĩ Viện viết.

Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phê kể rằng, trong đợt “Phát động quần chúng” mở đầu cho cuộc Cải cách ruộng đất, chính ông cùng anh trai là Nguyễn Khắc Phi, một người chị dâu, một người em họ đã khiêng cụ Hoàng giáp đến trại giam những người bị xử tù. Chỉ ít ngày sau, cụ Hoàng giáp kiệt sức và qua đời sau nhiều ngày bị kiết lỵ. Sau này, gia đình mới biết ngày cụ mất là ngày 13 tháng Tám âm lịch, năm 1954.

Từ trong tài liệu triều đình Huế

Dù các tài liệu của gia đình không còn, nhưng rất may, trong hệ thống tài liệu lưu trữ của triều đình Huế, đặc biệt là châu bản (tập hợp văn bản có bút phê của nhà vua) của các vua Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, vẫn có thể tìm thấy một số tư liệu liên quan đến cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm.

Đầu tiên, tại Châu bản Duy Tân, tờ 112 tập 6, tai bản Tấu ngày 24.2 năm Duy Tân thứ hai (1908), Bộ Lại tâu rằng: “Phụng xét thấy lệ trước các tân khoa là Tiến sĩ, Phó bảng vinh quy về thăm nhà xong thì đến bộ trình. Tháng Chạp năm ngoái bộ thần đã xét bổ người giúp các việc học tập chính sự cho các phủ bộ. Người trẻ tuổi đến trường Quốc học học tập. Khoa này đỗ Tiến sĩ, Phó bảng tổng cộng gồm 13 viên. Trong đó trừ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh chọn sung đi Tây du học và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm, phó bảng Phan Duy Phổ... báo xin chịu tang ra còn nhị giáp Tiến sĩ Lê Hoàn, Nguyễn Đức Lí, Đồng Tiến sĩ Lê Chí Tuân, Trần Đình Tuấn bàn xét bổ theo lệ...”.

Theo bản tấu này, các bạn đồng khoa của cụ Nguyễn Khắc Niêm đợt này đều được bổ dụng, như Đệ nhị giáp Tiến sĩ Lê Hoàn, Nguyễn Đức Lí được Bộ Lại xin bổ thụ làm Tu soạn Viện Hàn lâm, Đồng Tiến sĩ Lê Chí Tuân, Trần Đình Tuấn xin bổ thụ làm Biên tu Viện Hàn lâm. Các đề xuất này đều được Khâm sứ Pháp tại Trung kỳ chuẩn y và vua Duy Tân phê duyệt.

Cũng trong Châu bản Duy Tân, tờ 7 tập 52, Biên bản, ngày 2.4 năm Duy Tân thứ tư (1910), có ghi lại Biên bản cuộc họp ngày 10.5 dương lịch cùng Khâm sứ tại toà Khâm sứ về các vấn đề như tổ chức kỳ thi Hội sắp tới; thiết lập Cục Ảnh kịch tại Kinh; xây dựng các công trình sau Cấm thành trong Thành Nội... còn có ghi “việc Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm hết hạn chịu tang sẽ xem xét sau”.

Việc bổ nhiệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm được thể hiện rõ hơn tại Châu bản Duy Tân, tờ 70 tập 52, biên bản ghi cuộc họp ngày 4.6 dương lịch năm Duy Tân thứ tư cùng Khâm sứ tại Viện Cơ mật về các vấn đề: Bổ Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm làm Thừa biện Bộ học; xét cho 27 viên quan về nghỉ hưu; tình hình ngân sách chi tiêu; xét cấp bổng cho các Quản suất thuộc Bộ Binh chờ bổ; xét cho Đề đốc Nguyễn Khắc Sinh nghỉ hưu và thưởng cho Kim khánh hạng nhất... Tất cả các đề xuất này đã được Phủ Phụ chính đồng ý.

Dấu vết các hoạt động của cụ Nguyễn Khắc Niêm trong bộ máy chính quyền triều Nguyễn gián đoạn đến đời vua Bảo Đại. Tại châu bản Bảo Đại, tờ 192 tập 2, bản Tấu ngày 11.4 năm Bảo Đại thứ 8 (1934) của Viện Cơ mật tâu lên nhà vua rằng: Nay nhận được tờ tư của Bộ Tư pháp trình bày: Nhận được tờ trình của quan Tham tri Nguyễn Khắc Niêm ở Bộ đó trình bày: Do có việc nhà nên xin được nghỉ phép hạn 3 ngày và 2 ngày đi, cộng là 5 ngày về quê thăm gia đình. Bộ ấy xét nên theo tờ tư thi hành. Tuy chỉ là một thủ tục hành chính, nhưng qua đó, hậu thế của cụ có thể căn cứ để biết vị trí cụ nắm giữ lúc đó.

Châu bản Bảo Đại, tờ 180 tập 33, ghi bản Tấu ngày 17.1 năm Bảo Đại thứ 15 (1941), Bộ Lễ - Công tâu: “Phụng xét hàng năm đều có lễ tế ở Văn Miếu và Đàn Xã tắc. Bộ thần phụng chọn ngày 7 tháng tới cử hành lễ tế tại Văn Miếu và ngày mồng 8 cử hành lễ tế tại Đàn Xã tắc. Xin chọn cử Thượng thư sung Chủ tọa hội đồng Cải lương hương lệ Nguyễn Khắc Niêm khâm mệnh làm lễ tại Văn Miếu, Chưởng vệ vệ tứ Trần Như Luận khâm mệnh làm lễ tại Đàn Xã tắc. Hai viên ấy đều 3 giờ sớm hôm đó mặc triều phục chỉnh tề đến hành lễ. Xin kính tâu lên Hoàng thượng xem xét, đợi Chỉ tuân theo thi hành”. Vua Bảo Đại đã phê chuẩn bằng một châu điểm (điểm một nét son ở đầu văn bản).

Đến năm 1943, khi cụ Nguyễn Khắc Niêm đã về trí sĩ, triều đình nhà Nguyễn và chính phủ Pháp ban tặng một số quan lại huân chương Bắc đẩu bội tinh. Châu bản Bảo Đại, tờ 87 tập 21, Tấu, năm Bảo Đại thứ 17 (1943), thể hiện lời Bộ Lại tâu: Nhận được bản sao điện văn của quan Toàn quyền đại thần về việc phụng chiếu Sắc lệnh ngày 14.3.1942 chuẩn thưởng Tứ hạng Bắc đẩu Bội tinh cho Bộ trưởng Tài chính Hồ Đắc Khải và Bộ trưởng Tư pháp Bùi Bằng Đoàn; thưởng ngũ hạng Bắc đẩu Bội tinh cho Hiệp tá Đại học sĩ Trí sự Nguyễn Khắc Niêm, Tiền quân Đô thống phủ Đô thống Trí sự Phạm Văn Tường và Tuần phủ Quảng Ngãi Võ Chuẩn. Xin kính tâu lên Hoàng thượng đợi xem xét. Vua Bảo Đại đã châu phê mấy chữ “Chuẩn y, khâm thử”.

Do không còn để lại di cảo, cụ Nguyễn Khắc Niêm chỉ còn được người sau nhớ đến qua bài “Tứ tôn châm” nguyên văn chữ Hán:

Tôn tộc đại quy

Tôn lộc đại nguy

Tôn tài đại thịnh

Tôn nịnh đại suy.

Tạm dịch nghĩa:

Đề cao nòi giống ắt đại

hòa hợp

Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan

Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh

Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.

Cùng với đó, là đôi câu đối cụ tặng ông Hoàng Xuân Hãn, người đầu tiên ở miền Trung đậu Tú tài Tây ở trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), hay những đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp của kinh đô Huế ghi trên trên 4 cột trụ Thương Bạc bên bờ sông Hương, hoặc bài thơ đề Động Từ Thức ở Nga Sơn, Thanh Hóa lúc cụ làm Tổng đốc ở tỉnh này.

hồng nhung - tiên long
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.